I. Thiền sư Vạn Hạnh mang ánh sáng tâm linh vào công cuộc xây dựng đất nước
A. Thân thế và cuộc đời Thiền sư
Thiền sư Vạn Hạnh (938- 1018) là tổ đời thứ 12 dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ngài vốn là người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, phủ Thiên Đức (nay là thôn Đại Đình, xã Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Có sách ghi ngài là họ Lý, hoặc họ Nguyễn, nhưng không biết tên thật, năm sinh, năm mất của ngài đều chưa rõ; có sách ghi ? - 1018, hoặc ghi 938 - 1018, và cũng có sách ghi 938 - 1025... Năm 21 tuổi, xuất gia với Thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ (nay ở làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ngài rất chuyên cần tinh tấn học tập, đạo hạnh cao dày. Sau khi Thiền Ông viên tịch, ngài chuyên tu tập pháp tổng trì tam muội, nên có thần thông; nói ra điều gì thì thiên hạ đều cho là lời sấm (có tính tiên tri), là một tu sĩ Phật giáo Đại Cồ Việt thuộc thế hệ thứ 12 dòng Thiền Nam phương Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Lúc còn thiếu thời, Ngài thông minh khác thường, tinh thông Tam giáo (Nho, Phật, Đạo), nghiên cứu hàng trăm bộ Kinh Luận Phật giáo, không ham danh lợi, không trọng giàu sang. Ngài là một trong những trí thức Phật giáo làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành (trị vì 980- 1005), rất tôn kính Thiền sư, đồng thời là người thầy của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này một thời gian dài trước và sau khi triều Lý thành lập.
Ngài được xem là người có tài tiên đoán, đã vận dụng khả năng này để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra triều Lý, triều đại lâu dài đầu tiên trong sử nước Việt. Thiền sư đã đem hết khả năng và tinh thần “dung hợp Nho-Lão-Phật” của mình để giúp vua trị quốc an dân, đúng với tư cách của một vị lãnh đạo không những về tâm linh, mà còn về hành động giúp dân an cư lạc nghiệp.
B. Xây dựng triều đại nhà Lý
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước có triều đại nhà Đinh (968 - 980) và triều đại Lê Đại Hành (980 - 1005), nhưng vì sự nghiệp quá ngắn, do sự phá nát của vua Lê Long Đĩnh (1005 - 1009), cho nên bắt buộc phải có một sự đổi thay cho vận mệnh đất nước và dân tộc. Để đưa đất nước trở thành phú cường và an cư lạc nghiệp của quốc gia dân tộc và chính từ đó là một động cơ thúc đẩy để đưa Lý Công Uẩn lên nắm quyền. Mối quan hệ giữa Thiền sư Vạn Hạnh và Lý Công Uẩn là quan hệ tình thầy trò.
Trước những biến động nguy ngập của thời đại, sự xuất hiện của Vạn Hạnh như một vị cứu tinh vĩ đại cho dân tộc, để phục hưng quốc gia, bảo vệ tinh thần đạo đức của dân tộc, là một sự sắp xếp chính trị rất khéo léo của Thiền sư Vạn Hạnh. Chính triều đại đã mang lại cho Việt Nam một kiến trúc văn hóa, chính trị, hành chính, quân đội độc lập, thống nhất vững chắc và hùng mạnh, một triều đại đã tái tạo một đất nước Việt Nam đã bị tàn phá, hủy diệt trong suốt hơn 10 thế kỷ nô lệ cho đế quốc Trung Hoa, một triều đại đầu tiên đưa dân tộc tiến về phương Nam, chuyển mình tung hoành trên bán đảo Hoa Ấn sau khi bị đế quốc phương Bắc kềm kẹp, giam hãm trên vùng châu thổ sông Hồng hơn 1000 năm; bảo vệ và xây dựng quốc gia độc lập, hòa bình, thống nhất, nhân bản và hùng mạnh về mọi mặt.
Vạn Hạnh Thiền sư là linh hồn của công cuộc cách mạng đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Ngài đã đào tạo Lý Công Uẩn ngay từ lúc còn làm chú tiểu ở chùa làng Cổ Pháp, để sau này trở thành một vị vua anh minh làm tròn sứ mạng cao cả cho dân tộc. Nhờ sự giáo dục tài tình của Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn đã huân tập được tinh thần Từ Bi, Trí Tuệ trong Phật giáo, đặt sự tồn tại của dân tộc lên trên, xây dựng một xã hội nhân bản, hưng thịnh, an lạc. Sử gia Hoàng Xuân Hãn viết “Triều đại nhà Lý là triều đại thuần nhất trong lịch sử nước ta. Đó là nhờ ảnh hưởng của Phật giáo”. Điều này cũng đủ cho ta thấy rằng đóng góp của Vạn Hạnh Thiền sư vô cùng vĩ đại, sự nghiệp phi thường này chắc hẳn chúng ta không bao giờ quên được.
Ngày mà Lý Công Uẩn (1009- 1225) lên ngôi vua, Vạn Hạnh Thiền sư ung dung ngồi ở chùa Lục Tổ, bên cạnh chén trà, mỉm cười với chính mình, một nụ cười chìm lặng trong hư vô, chỉ có hư không mới cảm nhận thâm sâu được nụ cười này. Vạn Hạnh Thiền sư đâu cần thiên hạ tung hô, dù rằng ngài lãnh đạo và phát huy kế hoạch vi diệu trong việc tạo dựng nên nhà Lý. Cái ung dung thanh thoát của những con người không hề vướng bận, làm thì có làm, vì chúng sinh nên phải dấn thân, nhưng không vì thế hoen ố được tâm linh của mình.
Cho nên qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê và dưới thời Bắc thuộc về trước, dân trí được mở mang chỉ dựa vào các đạo mà đạo Phật lại hưng thịnh vào triều Lý, còn thời trước đó, các đạo đều chưa giúp cho nền giáo dục của đất nước đào tạo người tài đức. Do đó, các tu sĩ Phật giáo được xã hội trọng vọng, trong đó có các vua thuộc các triều đại trước. Huống hồ, lớp tăng sĩ Phật giáo lại nổi trội trong triều đình về mặt tri thức và đạo đức, lễ nghĩa và chính vì thế mà lực lượng nòng cốt cho sự thay vua đổi triều là các Thiền sư. Ở đây, còn có yếu tố Lý Công Uẩn là con nuôi của nhà sư Lý Khánh Vân (hay Lý Tự Khanh) ở chùa Cổ Pháp, người vừa có học lại vừa có thân thế và quyền lực trong triều lúc bấy giờ. Đó còn là lý do khiến cho Thiền sư Vạn Hạnh và các nhà sư thuộc cánh Phật giáo thời ấy ủng hộ cho sự thay đổi triều đại.
Lúc đó, trong nhân dân lưu truyền bài sấm mà người ta cho là của Thiền sư Vạn Hạnh làm ra để cho thấy họ Lý lên thay họ Lê là hợp lòng trời:
"Cội Lê trầm Bắc thủy Lý tử thụ Nam thiên Tứ phương can qua tĩnh Bát biếu hạ bình an".
Dịch nghĩa:
Gốc Lê chìm biển Bắc Chồi Lý mọc trời Nam Bốn phương tan giáo mác Tám cõi được bình an.
Đúng như lời thơ, năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua lấy niên hiệu Thuận Thiên (tuân theo ý trời hay hợp lòng trời). Thấm nhuần Phật học, trông rộng nhìn xa và khắc sâu lời giảng dạy của Quốc sư Vạn Hạnh, vua Lý Thái Tổ quyết định dời kinh đô Hoa Lư ra thành Đại La đang nằm ở vị trí có ưu thế hợp với thuyết phong thủy và có nhiều vượng khí về sau ngày càng phát triển xứng đáng với tầm vóc của một kinh đô Đại Việt. Trước đó, vua đã tự thảo ra tờ Chiếu để hỏi ý kiến quần thần và Quốc sư. Được sự đồng tâm nhất trí của cả triều đình và của cả nhân dân trăm họ, chỉ một năm sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư vào mùa thu năm Canh Tuất (1010). Khi ra đến La Thành, vua cho là đã nhìn thấy rồng vàng hiện ra nên đổi tên thành Đại La thành Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội), mở đầu kỷ nguyên mới cho nước Đại Việt.
II. Nền triết lý tâm linh đặc thù của dân tộc.
Đứng trước vực thẳm của dân tộc đang bị lôi cuốn vào những trào lưu văn hóa của ngoại lai, phi dân tộc, do sự đồng hóa thống trị đô hộ của đế quốc Trung Hoa, biến dân tộc rơi vào sự khống chế, khắc nghiệt, tàn bạo về mọi phương diện và thâm độc hơn, để đồng hóa người dân đến tận gốc rễ. Vào thời bấy giờ là nơi gặp gỡ nhiều trào lưu văn hóa và tín ngưỡng khác nhau như: Văn hóa “Động Cổ” (Đông Sơn), văn hóa Cổ Mộ (Lạch Trường), văn hóa Hán nho, Phật học… Trước những dị biệt đó, muốn trưởng thành chắc chắn phải hóa giải những mâu thuẫn, thanh lọc lại và tạo nên một trào lưu văn hóa khác không chấp nhận lệ thuộc hẳn vào một văn hóa nào cả. Đứng trước thảm trạng bi hùng đó, Vạn Hạnh Thiền sư đã ý thức mãnh liệt về dân tộc tính, tạo dựng nên một nền tâm linh đặc thù cho dân tộc, tổng hợp những trào lưu văn hóa, thay vào đó mang một đặc thể hoàn toàn dân tộc.
Theo sử gia Lê Văn Siêu nói rằng: “Thiền sư Vạn Hạnh người đã sáng tạo ra và cho lưu truyền trong nhân gian huyền thoại rồng tiên và nguồn gốc họ Hồng Bàng, còn là Việt Đạo”. Sử gia Lê Văn Siêu viết: “Qua câu chuyện huyền thoại về nguồn gốc dân tộc, ta thấy ở đấy cũng một mùi đạo hạnh uyên thâm cũng một giọng kín đáo mà thuần phác, cũng một ý răn dạy luân lý để nghiền ngẫm cho từ vua quan đến thứ dân, cũng một tinh thần xây dựng về lâu dài cho muôn thuở, cũng một trình độ lĩnh hội và tổng hợp của cả ba đạo Nho - Phật - Lão và cũng một ý thức sáng tạo lớn là để phụng sự cho dân tộc.
Những tổng hợp tư tưởng của Vạn Hạnh Thiền sư còn đi xa hơn Khổng Tử, tìm ra cái “Đạo Nhất Quán” vì Khổng Tử chỉ dùng có suy tư và học tập mà không qua chặng đường thực nghiệm siêu thể như ngài được. Và chặng đường để ngài thực hiện được còn gay cấn và độc đáo hơn nhiều. Không những không bị đồng hóa lệ thuộc, mà còn vượt lên trên. Vạn Hạnh Thiền sư là người đã dựng nên một nền Minh Triết Việt Đạo độc đáo cho dân Việt, đánh tan đi ảnh hưởng của ngoại lai, sau khi Vạn Hạnh đã thẩm định lại một cách rõ ràng bằng con đường trực giác kiến tính, siêu việt lên trên mọi hiện tượng, thực nghiệm những tương quan bằng con mắt trí tuệ sáng soi. Chỉ có điều này mới không tạo nên những xung khắc trong việc quân bình.
Tuy nhiên, trong quan niệm nguồn gốc họ Hồng Bàng ta còn nhận thấy một dụng ý chính trị cao siêu là gây cho dân tộc niềm kiêu hãnh về nguồn gốc của mình, phá bỏ mặc cảm tự ti đối với Trung Hoa. Người Tàu nói có nguồn gốc từ Tam Hoàng, Ngũ Đế thì đây ta cũng có gốc gác từ vua Thần Nông, cha đẻ của nền văn minh nông nghiệp. Người Tàu nói dòng dõi của họ là con Rồng (thuần dương) thì ta dòng dõi Rồng Tiên (vừa âm vừa dương) chẳng cao siêu hơn và tròn đầy hơn sao? Trong lòng người, lòng sông núi, trong tâm thức và phong thái Việt Nam và chính trong những lúc nguy ngập, trong những cơn quốc nạn, trong những giai đoạn máu lửa, trong những cuộc thử thách mất còn, mà cái đạo nhiệm mầu, siêu việt, tròn đầy ấy lại hiện ra sáng đẹp như chưa bao giờ sáng đẹp hơn và linh diệu không thể nào lường được. Cái đạo ấy thể hiện gói trọn trong huyền thoại Tiên Rồng và huyền thoại Hồng Bàng xứng đáng được gọi là đạo Tiên Rồng, đạo Hồng Bàng hay Việt Đạo”.
Cái đạo ấy tuy thoát thai ở Nho, Phật, Lão…nhưng nó đã nhuốm một màu sắc Việt Nam. Nó đã được hun đúc qua một cuộc thử thách lịch sử dài tới hơn một ngàn năm. Nó có một nội dung tròn đầy, phóng khoáng và siêu thoát nhưng cũng thiết thực, cụ thể, bình dân. Nó khoác một hình thái biến hóa khôn lường, hư hư, thực thực. Nó vô vi mà là hữu vi, hữu vi mà là vô vi, tranh đấu tích cực mà như là tiêu cực, tiêu cực mà thật là tích cực. Không phải là chiến để thắng mà là hòa để thắng, không phải thắng trong một ngày, một buổi, mà là thắng cho muôn đời về sau.
Chúng ta có thể nói Vạn Hạnh Thiền sư đã đào tạo con người Lý Công Uẩn bằng tinh thần Phật giáo và đem tinh thần ấy hiện thực trong đời sống xã hội, bằng phương pháp huân tập cho con người của Lý Công Uẩn thâm nhập tư tưởng của chính Ngài. Vạn Hạnh Thiền sư đã nhập thế gánh vác việc nước một cách tài tình, làm một công việc thay đổi vua chúa không đổ một giọt máu của nhân dân, thể hiện Đại bi một cách mãnh liệt song song với Đại hùng, Đại lực được toát ra bằng cuộc vận động âm ỉ trong lòng dân tộc, một vị vua vô đạo và một con người chân chính đáng trị vì thiên hạ.
Trong sử sách và thế gian chỉ ghi rằng Lý Công Uẩn lên làm vua, Đào Cam Mộc dẹp yên các phe phái trong triều đình và quần chúng ủng hộ cuộc cách mạng. Còn Thiền sư Vạn Hạnh, người như hạc vàng, đã bay vào vô tận, không để lại dấu vết, hình tướng, chỉ để lại hương thơm muôn thuở trong lòng người và lòng dân tộc. Không những đối với cuộc cách mạng năm 1009, mà đối với tất cả sự nghiệp vĩ đại khác mà Thiền sư Vạn Hạnh đã làm, như dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, kiến thiết kinh thành Thăng Long..., Thiền sư đều làm với tinh thần vô kỷ, vô công, vô danh và vô hành. Giúp dân dựng nước hay hoằng pháp độ sinh, Thiền sư đều làm một cách bình dị, tự nhiên như uống trà, cuốc đất, thở ra, thở vào, nằm, ngồi, đi, đứng. Đây là một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu của lịch sử dân tộc nói riêng và kể cả nhân loại nói chung, một cuộc cách mạng mà sự chuyển giao quyền lực giữa hai triều đại rất ôn hòa và tốt đẹp trong sự tôn trọng, kính ngưỡng của cả hai.
Thiền sư Vạn Hạnh là hiện thân của biểu tượng cho sự nghiệp kỳ vĩ của Phật giáo Việt trong lòng quốc gia Việt. Khai sinh ra một xã hội Đức trị: “Triều đại nhà Lý là triều đại thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó là nhờ ảnh hưởng Phật giáo”. Một triều đại kéo dài trên 215 năm (từ 1010 – 1225) không những là triều đại thuần từ nhất, mà còn là một triều đại có công nhất trong lịch sử dân tộc.
Vì vậy, bất cứ người Việt nào, khi đọc lại những trang sử nước nhà, không ai không tự hào về đất nước mình, đất nước đã sản sinh ra những vị Thiền sư, hy sinh lợi ích cá nhân, hòa nhập vào lợi ích chung của đất nước, sẵn sàng xả thân khi đất nước lâm nguy. Và khi xong việc, các Ngài thong dong tự tại quay gót trở về với núi rừng sơn thủy, chọn am tranh làm chốn tu hành. Song, ở nơi đây, những con người ấy không chỉ chuyên lo tu Thiền mà lại một lần nữa các vị đã đóng góp rất nhiều cho nền văn học Việt Nam, với những áng thơ Thiền bất hủ. Vì thế, có thể nói, mỗi Thiền sư là một thi nhân. Thông qua tác phẩm của mình, các vị đã gửi gắm tâm tư, những trải nghiệm quý báu trong quá trình tu tập.
III. Kết luận
Có thể nói, thời Lý là thời của Phật giáo, cũng vì thế mà nhân tài Phật giáo thời Lý nở rộ. Những bậc đạo sư tài năng, đức độ, trí tuệ, thông hiểu đạo đời xuất hiện đông đảo đã làm cho chốn thiền lâm nơi mảnh đất Đại Việt thực sự trở thành trung tâm của Phật giáo như đã có hàng ngàn năm về trước. Điều đó có được cũng chính là bởi, Phật giáo thời Lý đã phát huy tinh thần khế lý, khế cơ đức Phật, dấn thân vào các hoạt động xã hội, tham gia triều chính, yểm trợ chính quyền, hoằng dương Phật pháp, tiếp độ chúng sinh. Phật giáo không coi mình bên ngoài chính sự, Phật giáo không lợi dụng sự tôn kính của các bậc Quân vương đối với tôn giáo mình để bài xích, loại trừ các tôn giáo khác, Phật giáo cũng không dùng cách thức hành xử cực đoan để độc tôn, đề cao mình, mà trái lại, bằng trí tuệ uyên thâm, sâu sắc, bằng tinh thần từ bi, hỷ xả, Phật giáo luôn dung hòa các mối quan hệ, luôn đề cao và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó và coi đó là tiêu chí cho sự phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.
Một điều nữa chúng ta cũng cần phải nói đến là ngay bản thân chính các vị vua nhà Lý cũng như những phật tử rất thuần thành. Ngoài việc điều hành đất nước theo thiên chức của đấng thiên tử, các vua nhà Lý cũng dành thời gian cho việc tham cứu giáo lý Phật đà và hơn thế nữa, họ còn là những bậc anh tú vườn thiền. Khi quốc gia cần người trị vì, đứng đầu cai quản, làm hết chức trách và bổn phận, khi đất nước thái bình thịnh trị, họ trở về với niềm vui trong Phật pháp. Trong Thiền Uyển Tập Anh còn ghi rõ: Hoàng đế Lý Thái Tông là truyền thừa thế hệ thứ bảy của phái Vô Ngôn Thông, Hoàng đế Lý Thánh Tông là truyền thừa thế hệ thứ nhất của phái Thảo Đường; Hoàng đế Lý Anh Tông là truyền thừa thế hệ thứ ba của phái Thảo Đường và Hoàng đế Lý Cao Tông là truyền thừa thế hệ thứ năm của thiền phái Thảo Đường. Với những vai trò như thế, rõ ràng, với các vị vua nhà Lý, Phật giáo không chỉ là cứu cánh, là trợ duyên để họ đạt đến vương quyền, mà hơn thế, đạo Phật đã trở thành niềm vui, thành ý nghĩa trong cuộc sống và đó cũng là điều dễ hiểu khiến Phật giáo thời Lý hưng thịnh và phát triển. Chính tinh thần hòa nhập nhuần nhuyễn của Phật giáo trong đời sống của người dân Việt đã tạo thành mô hình Phật giáo Việt Nam có sắc thái độc đáo, tràn đầy sức sống. Trí tuệ và công sức của hàng đệ tử Phật còn lưu dấu ấn son sắt trên những trang sử oai hùng với nhiều thành quả bảo vệ đất nước một cách thần kỳ. Đặc biệt, giới Phật giáo cũng góp phần đáng kể qua những tác phẩm văn thơ, làm sáng danh nền văn học Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn khá dài.
Thâm nhập giáo lý nhà Phật qua chính sách an dân trị nước nên các vua Lý đã chinh phục trái tim, khối óc con người bằng đức trị thay pháp trị. Đạo đức vô ngã đã tạo cho con người một cuộc sống hòa hợp, giản dị nhưng tạo lực tác động mạnh mẽ vô cùng. Tinh thần tích cực nhập thế là một truyền thống lớn của Phật giáo ở nước ta. Quan điểm triết học của Thiền sư Vạn Hạnh và cách hành xử của ngài đối với chính trị, xã hội thời Tiền Lê và đầu nhà Lý cho thấy rõ tinh thần tích cực nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Với tinh thần ấy, Phật giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành với dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước...
Muốn đất nước thái bình, thịnh trị? Chính nơi bản thân các vua đã tự trau dồi bằng đạo đức vị tha, triết lý sống nhập thế trên tinh thần từ, bi, hỷ, xả của đạo Phật. Các vua không ngừng học hỏi, tu tập cho đến khi thấu rõ giáo lý Phật đà, góp phần tạo một sức sống mạnh mẽ, không khép kín mà phổ biến khắp nơi trong dân chúng, khiến họ cùng học tập theo và sống đúng. Một đời sống hướng thượng, hướng con người đến chân – thiện – mỹ và đạt được chân lý ngay trong đời sống thực tại này chứ không phải nơi một thế giới xa xăm nào khác. Đạo Phật đã tạo cho dân tộc Việt Nam đương thời một niềm tin mạnh mẽ vào tự lực, vào khả năng trong sáng thuần khiết của bản thân để sống đúng và sống đẹp theo tinh thần Chính kiến, Chính tư duy và Chính mạng. Đây chính là nguyên nhân làm cho triều đại nhà Lý phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử với những chiến công vẻ vang và sự thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa. Chính đạo Phật đã chan hòa vào lòng dân tộc góp phần hình thành một quan niệm, một lối sống tích cực, hữu ích cho con người và cho cuộc sống.
Tóm lại, tính độc đáo và sáng tạo của Phật giáo nhà Lý chính là ở chỗ luôn luôn chủ động gạn lọc, tiếp thu cái hay, gạt bỏ cái dở, từ đó sáng tạo ra một xã hội thường xuyên đổi mới, trẻ trung, cập nhật với thời thế, có nhiều sinh khí. Đó là điểm nổi bật nhất của Phật giáo thời Lý. Các vua trị vì đã thực sự thấm nhuần lời dạy của đức Phật trong kinh Trường A Hàm: “Biết đoàn kết, biết ăn ở hòa hảo cùng nhau và thường hội họp nhau lại để lo bàn việc nước thì không sợ gì sẽ bại vong mà nhất định sẽ được cường thịnh, phong phú thêm”. Đây là những nhân tố tư tưởng góp phần tích cực vào sự tồn tại lâu dài của triều đại Lý.
TT.Ths.Thích Thiện Hạnh - Hiệu phó Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bắc Ninh Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 7/2018 --------------------------------TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 1998, bản in Nội các quan bản, trang 242. 2. Sđd, trang 240 3. Đình Bảng, Bắc Ninh ngày nay. 4. Ba học tức là giới định tuệ trong quan điểm tu học của Phật giáo 5. Trăm luận tức là bách gia chư tử theo truyền thống Nho học 6. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999 7. Sđd, trang 266 8. Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 1998, bản in Nội các quan bản, trang 240 9. Sđd trang 238 10. Tật Lê chìm bể Bắc Hạt Lý mọc trời Nam Bốn phương gươm giáo dẹp Tám cõi mừng bình an 11. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, trang 268 12. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, trang 301 13. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, trang 206 14. Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 1998, bản in Nội các quan bản, trang 250
Bình luận (0)