Trang chủ Chuyên đề Thiền sư Như Trừng Lân Giác và chùa Liên Phái

Thiền sư Như Trừng Lân Giác và chùa Liên Phái

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

TS.Phạm Văn Tuấn
Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tóm tắt: Liên Phái là ngôi cổ tự của đất Hà Thành. Chùa Liên Phái ban đầu có tên Liên Tông tự, về sau do kiêng húy chữ Tông thời Nguyễn, nên đã đổi sang Liên Phái tự. Thời Nguyễn, sơn môn pháp phái chùa Liên Phái cũng đã mở rộng khắp miền bắc. Chùa Liên Phái được mở ra từ Như Như Trừng Trừng, về sau trở thành tổ đình lớn của phái Lâm Tế miền bắc. Truyền thừa chùa Liên Phái từ thế kỷ XVIII đến nay, trải qua khoảng 200 năm, với nhiều thiền sư gắn liền với lịch sử Phật giáo nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Chùa Liên Phái không phải là ngôi chùa có lịch sử lâu dài trong lịch sử Việt Nam, nhưng là ngôi chùa lớn có ý nghĩa lớn trong lịch sử phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Liên Phái, có thể nói là nơi phát nguồn của các chi nhánh, tạo thành các sơn môn nhỏ của phái Lâm Tế ở Việt Nam từ thế kỷ XVIII cho đến nay. Bài viết, là những điểm nhấn nho nhỏ, nhưng mang những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của chùa Liên Phái.
Từ khóa: chùa Liên Phái, Như Trừng Lân Giác, Lâm Tế, Phật giáo Việt Nam

1. Tình hình Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII

Thế kỷ XVII thiền sư Chuyết Chuyết (1690-1744) người Phúc Kiến (Trung Quốc) truyền phái Lâm Tế vào Việt Nam, và dần dần ảnh hưởng lan rộng ra khắp miền Bắc. Thiền phái Lâm Tế chủ yếu phát triển ở Bắc Ninh và Hải Dương qua các chùa Phật Tích, Bút Tháp và dần dần lan tỏa ra các vùng. Thăng Long là thủ đô triều Lê, tuy nhiên ít các chùa chiền nối được mạch nguồn tông phái Phật giáo, dù phái Lâm Tế hay Tào Động. Hòe Nhai, là tổ đình của phái Tào Động được hình thành cuối thế kỷ XVII sang đầu thế kỷ XVIII. Một vài chùa phái Lâm Tế cũng từng bước phát triển ở đất kinh kỳ cho đến khi chùa Liên Phái hình thành. Giai đoạn thế kỷ XVII – XVIII, kinh tế văn hóa chính trị triều Lê vẫn tập trung chủ yếu quanh kinh thành Thăng Long. Trong thành, vẫn còn những ngôi chùa gắn liền tín ngưỡng triều chính, như chùa Khán Sơn. Chùa Khán Sơn thường được các sư đến tu hành, san khắc kinh sách. Nguồn kinh tế hoạt động từ người Hoa, từ triều chính. Chuyết Chuyết thiền sư từng tu hành một thời gian ở chùa này khi từ nam ra bắc năm 1633. Tuy nhiên, truyền đến thế kỷ XVIII với chùa Liên Phái, gần trung tâm kinh thành là đời cháu sau này, đứng hàng chữ Như là Như Trừng Lân Giác.

Chuyết Chuyết thiền sư truyền phái Lâm Tế ở Việt Nam, ngài trụ ở chùa Bút Tháp và chùa Phật Tích. Chuyết Chuyết truyền cho đệ tử theo bài kệ của phái Lâm Tế:

Trí tuệ thanh tịnh
Đạo đức viên minh
Chân như tính hải
Tịch chiếu phổ thông,…

Gồm 48 chữ truyền phái được phát triển rộng rãi khắp miền nam Trung Quốc và truyền đến Việt Nam. Chuyết Chuyết có khoảng 50 người đệ tử hàng chữ Minh và lan tỏa khắp miền bắc. Trong những đệ tử đó, người được cho là nhận truyền đăng lại là Minh Lương thiền sư. Đến nay chưa rõ năm sinh năm mất của Minh Lương thiền sư. Minh Lương thiền sư truyền xuống Chân Nguyên thiền sư. Hàng chữ Chân đương thời là đệ tử của các thiền sư hàng chữ Minh phải đến hàng trăm người. Đến Chân Nguyên là một trong những sư hàng chữ Chân trẻ nhất, ngài truyền đến hàng chữ Như cũng hàng chục người. Phật giáo phái Lâm Tế dần lan tỏa ở miền bắc Việt Nam.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Thien Su Nhu Trung Lan Giac Va Chua Lien Phai 1

Chân Nguyên thiền sư (1648-1726) xuất gia làm đệ tử của Minh Lương thiền sư. Các thư tịch ghi chép truyền đăng phái Lâm Tế ở Việt Nam, đều ghi chép đến Chân Nguyên được truyền đăng từ bản phái. Chân Nguyên truyền cho nhiều đệ tử hàng chữ Như, và cũng được các thư tịch truyền đăng của Phật giáo như Kế đăng lục, các văn bia các chùa, ghi chép lại là Như Trừng Lân Giác (1696 – 1733). Chân Nguyên nhiều đệ tử hàng chữ Như nổi danh đương thời, như Như Sơn thiền sư, Như Thích thiền sư, Như Trí thiền sư… Chân Nguyên viên tịch năm 1726, trên văn bia Tịch Quang tháp của Chân Nguyên ở chùa Quỳnh Lâm được dựng năm đó có ghi chép những đệ tử hàng con cháu, trong đó có Như Như thiền sư. Ngoài ra, các thư tịch khác cũng viết về truyền thừa từ Chân Nguyên truyền đến Như Như Trừng Trừng Lân Giác.

Đến hàng chữ Như, Phật giáo Lâm Tế miền bắc đã lan tỏa khắp các vùng miền. Trong giai đoạn đó, khi Chân Nguyên viên tịch, Lân Giác về trùng hưng lại nhà cũ, cải gia vi tự, tạo thành chùa Liên Tông, mở rộng giáo hóa, nên một phái lớn ở Hà Nội, mà sau này, cũng tiếp bước tiền nhân, lan tỏa các vùng. Phái Liên Tông cũng được các thư tịch về sau ghi lại, cũng chính nguồn từ ngôi chùa Liên Tông này, từ Như Trừng Lân Giác thiền sư phát triển về sau.

2. Về tác phẩm của Tổ Như Trừng Lân Giác

Nhiều thư tịch viết về Tổ sư Như Trừng Lân Giác, nhưng tư liệu ghi chép đa phần được biên soạn trong thế kỷ XIX, như văn bia ở chùa Liên Phái, chùa Hàm Long (Quế Võ – Bắc Ninh). Tư liệu liên quan đến Tổ sư Như Trừng Lân Giác chủ yếu ở hai chùa là chùa Liên Phái, được xây dựng năm 1726 và chùa Hàm Long, có từ trước đó. Cứu sinh Trịnh thánh tổ sự tích có thể nói là tư liệu đầy đủ nhất về thân thế và việc xuất gia Trịnh Thập, ngoài việc được san khắc vào văn bia chùa Hàm Long (Quế Võ – Bắc Ninh) thì được ghi chép lại thành văn bản sách. Ngoài ra, sách Kế đăng lục của Như Sơn thiền sư, mà phần sau Phúc Điền cũng như các đệ tử biên tập bổ sung, cũng đưa tiểu truyện Như Trừng tham vấn Chân Nguyên và được truyền đăng tục diệm. Một vài sách của Phúc Điền hòa thượng cũng ghi chép ngắn gọn về thân thế của Như Trừng Lân Giác thiền sư.

Tư liệu của Như Trừng Lân Giác được lưu đến ngày nay, gắn liền với thời đại ông kế đăng từ Chân Nguyên thiền sư là Xuất gia Sa di quốc âm thập giới được san khắc năm Bảo Thái thứ 7 (1726). Đây là năm Chân Nguyên thiền sư viên tịch, Như Như Trừng Trừng kế đăng pháp phái. Đây cũng là năm chùa Liên Tông được gây dựng nên thành nơi tu hành của Như Trừng Lân Giác. Năm 1726, khi Như Trừng mới 31 tuổi. Đây là tuổi rất trẻ nhưng đã thâm nhập tạng điển Phật giáo, nắm rõ giáo nghĩa, đọc sâu kinh sách để diễn Nôm ra ngôn ngữ tiếng Việt, san khắc để in ấn lưu hành được rộng rãi. Như Trừng Lân Giác đã kế thừa được những giá trị về trí tuệ và đạo đức, để sự ảnh hưởng được với tông phái. Chân Nguyên đã chọn Như Trừng kế đăng, một người trẻ trong những thiền sư hàng chữ Như đã cùng, đã theo Chân Nguyên hoằng pháp nhiều năm. Như Như Trừng Trừng không phải đại đệ tử của Chân Nguyên, trên văn bia Tịch Quang tháp của Chân Nguyên thì Như Như đứng hàng sau. Nhiều kinh sách như Tam tổ thực lục, Kiến tính thành Phật, thì hoặc có tên Như Như hoặc gần như tên Như Như Trừng Trừng Lân Giác không xuất hiện. Điều đó cho thấy, cũng giống như tiểu truyện của Như Trừng Lân Giác, thì ngài xuất gia muộn, nhưng khi cuối đời, Chân Nguyên đã chọn Như Trừng kế đăng. Vấn đề này cũng như trước kia Minh Lương tổ sư lựa chọn Chân Nguyên kế đăng phái Lâm Tế.

Một trong những tư liệu quan trọng về Như Trừng Lân Giác, là văn bản khoa cúng tổ được lưu giữ tại chùa Hàm Long (Quế Võ – Bắc Ninh). Tư liệu khoa cúng tổ chùa Hàm Long gồm 3 phần:

– Phần một là khoa cúng tổ Chân Nguyên, văn bản do chính Như Trừng Lân Giác soạn và bài tựa, được chính tổ viết tay. Nội dung đến nay xuất nhập do bị rách giấy ít nhiều, nhưng cơ bản vẫn lưu lại được sự uyên áo trong ngôn ngữ, cũng như nội dung về truyền đăng tục diệm, khi Chân Nguyên viên tịch, được truyền đến, phó chúc cho Như Trừng Lân Giác. Phần tựa, soạn khoa cúng tổ ngoài ý nghĩa là văn bản ghi chép việc Chân Nguyên truyền đến cho Như Trừng Lân Giác, như một chứng thực cho sự chuyển giao thế hệ, chuyển giao ngọn đèn truyền đăng, thì còn là văn bản khoa cúng tổ đầu tiên về niên đại, được tìm thấy hiện nay. Có thể trước đó đã có khoa cúng tổ các sư, nhưng văn bản đến nay hoặc không còn tồn tại, hoặc người viết bản văn này chưa được tiếp cận. Ngoài ra, đây là phần nội dung của Như Trừng Lân Giác soạn, cùng với văn bản Xuất gia Sa di quốc âm thập giới, là hai văn bản của Như Trừng để lại, một Hán, một Nôm, có giá trị cao.

Khoa cúng tổ Chân Nguyên: Phần này làm rõ các đường thỉnh về thân thế con người Chân Nguyên thiền sư, bổ sung vào những tư liệu từ văn bia Tịch Quang tháp, cũng như các thư tịch khác như Kế đăng lục … để làm rõ hơn về đường tu hành của Chân Nguyên thiền sư. Phần nội dung cúng tổ Chân Nguyên do Như Trừng Lân Giác soạn cũng mở ra những nội dung về quy cách khoa cúng để đối chiếu với các khoa cúng tổ sau này.

Phần tiếp theo là Sớ tổ sư, cũng Như Như soạn tiếp nối cho khoa cúng tổ Chân Nguyên. Phần sớ cúng Chân Nguyên thiền sư cũng được ghi soạn giả bởi Như Trừng Lân Giác. Đây là những nội dung được Như Trừng biên soạn trong khoảng giai đoạn 1726, khi Chân Nguyên thiền sư viên tịch. Văn bản khoa cúng tổ phần Chân Nguyên được Như Trừng đóng triện cho niên đại năm 1726 ở cuối sách.

Ngoài phần bài tựa, khoa cúng và sớ cho Chân Nguyên thiền sư là phần Cứu sinh thập nguyện. Phần này không có tên, được tiếp nối sau phần sớ cho Chân Nguyên tổ sư. Cứu sinh thập nguyện dựa trên mép sách ghi tên như thế cũng như nội dung trong phần cho thấy phân các nguyện, gồm 10 nguyện thề. Đây là phần thể hiện rõ tư tưởng theo Phật pháp của Như Trừng Lân Giác. Thông qua mười nguyện, hoàn thành viên mãn mười nguyện, cũng là quá trình giác ngộ nhân sinh của Như Như Trừng Trừng.

– Phần sau là Cúng Sư nghi, do Tính Ngạn Thích Ngột Ngột bái soạn, Tính Thược Thích Hoa Hoa cho san khắc, bản lưu tại Ly Trần viện, chùa Liên Tông. Tuy nhiên, đến nay ván khắc bộ khoa cúng tổ không còn. Văn bản ở đầu sách là cúng tổ Chân Nguyên và những nội dung gắn liền tư liệu do chính Như Như Trừng Trừng soạn. Phần nội dung Cúng sư nghi do đệ tử hàng chữ Tính soạn. Đây là hai phần khoa cúng tổ, ngắn gọn súc tích về hai tổ sư của phái Lâm Tế nói chung và của truyền đăng từ Chân Nguyên đến Như Trừng nói riêng.

Ngoài các văn bản trên hiện nay còn lưu lại bản Chư kinh nhật tụng được Lân Giác sa môn Như Như Trừng Trừng hiệu chỉnh; Từ bi thủy sám pháp cũng được ghi việc hiệu chỉnh bởi Lân giác Tang môn Như Như Trừng Trừng, đây cũng là văn bản quan trọng. Tuy nhiên, Như Trừng chỉ là người cho hiệu chỉnh để san khắc. Một văn bản khác cũng ghi tên Như Trừng tham gia quá trình hoàn thiện văn bản là Bát nhã Ba la Mật đã tâm kinh chú giải hội biên, phần Hội biên được ghi: Nam quốc Lân Giác sa di Như Như Trừng Trừng hội biên. Phần Hội biên này được Như trừng biên soạn. Ba sách trên được san khắc lại và có phần hiệu chỉnh của Lân Giác thượng sĩ. Ngoài ra, một số sách khác có sự tham gia của Lân Giác thiền sư, vẫn tản mác trong các tàng thư viện trong các lần san khắc thư tịch còn lưu lại ở bắc Việt Nam. Một số văn bản như thế, đã cho thấy sự ảnh hưởng của Như Trừng Lân Giác thiền sư với Phật giáo Việt Nam. Từ truyền thừa, cho đến những lan tỏa từ kinh sách, từ thư tịch ra văn hóa Phật giáo. Phần nào những vấn đề in ấn san khắc, ngoài việc truyền giáo, văn hóa Phật giáo của Việt Nam, còn là vấn đề truyền thống sơn môn pháp phái. Từ thiền sư Chuyết Chuyết sang Việt Nam, truyền đến Minh Lương thiền sư, Minh Lương truyền đến Chân Nguyên thiền sư, Chân Nguyên truyền đến Như Trừng Lân Giác… vẫn lưu được các mạch văn hóa san khắc và ấn tống kinh sách. Chùa Liên Tông cũng như các chùa khác phái Tào Động, phái Lâm Tế, cũng đều có những giá trị như thế.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Thien Su Nhu Trung Lan Giac Va Chua Lien Phai 2

3. Về truyền thừa chùa Liên Phái

Cũng như nhiều thiền sư hàng chữ Như đương thời, Như Trừng Lân Giác thiền sư trong các văn bản thư tịch Phật giáo chỉ ghi Sa di, hoặc tổ ghi là Sa môn, tang môn. Trong các văn bản Phật giáo trước thời kỳ Tính Tuyền đưa nhiều kinh sách về Việt Nam, ít thấy văn bản ghi Tỳ khưu. Đây cũng là vấn đề quan trọng trong nghiên cứu lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Như Trừng Lân giác trong bài tựa khoa cúng tổ, ghi về việc truyền thừa từ Chân Nguyên thiền sư. Phần bài tựa này, hiện bị rách nhiều, nhưng nhiều đoạn còn có thể đọc cho biết, ví dụ: 弟子奉承,孝誠所至,如如。。。敏,原力撰獻供師儀. Đệ tử phụng thừa, hiếu thành sở chí, NHƯ NHƯ …mẫn, nguyện lực soạn hiến cúng sư nghi… Đệ tử phụng mệnh noi theo, hiếu thuận lòng thành dốc hết, Như Như chăm chỉ, nguyện sức soạn nghi thức hiến cúng tổ sư.

Khoa cúng tổ cũng viết rõ, Chân Nguyên thiền sư truyền cho Như Như nắm việc sơn môn, nhận lấy yếu chỉ cơ mầu (如如授我機也). Hoặc như khi sắp viên tịch, Chân Nguyên mệnh cho Như Như chấp chưởng (命如如執掌), sau đó, viên tịch, sà duy nhập táng ở tháp Long Động và Quỳnh Lâm, bên thể bên dụng.

Chân Nguyên viên tịch, đăng truyền về chùa Liên Tông nơi Ly Trần viện. Như Như Trừng Trừng Lân Giác thượng sĩ ban khôi phục phong quang đất ân trạch cũ, dựng chùa Liên Tông, phát triển sơn môn chùa Hàm Long, chùa Hộ Quốc. Ba nơi, cũng là ba nơi sau này khi Tổ sư Như Trừng viên tịch, được lập tháp thờ tự ngài. Năm 1733, cũng cùng thời với các thiền sư hàng chữ Như khi nhân sinh đã man, tổ sư Như Như quy tây, khi tuổi còn trẻ. Tuy nhiên, công quả đạo hạnh của Như Trừng Lân Giác thiền sư lan tỏa, để lại cho hậu học hàng chữ Tính đương thời những ảnh hưởng lớn, tạo nên sơn môn Liên Tông và phát triển sơn môn rộng khắp cho đến cuối thế kỷ XVIII và sang thế kỷ XVIII.

Sau thời Như Trừng Lân Giác, các đệ tử kế đăng trụ trì một số chùa chính ở Hà Nội và phát triển rộng rãi. Tính Thược Thích Hoa Hoa, vẫn còn tháp thờ tại chùa, được cho là người kế đăng sau thời Như Trừng Lân Giác. Tính Ngạn Thích Ngột Ngột trụ trì chùa Hàm Long Bắc Ninh. Tính Ngạn cho san khắc nhiều kinh sách, trong đó có sách, đến nay ván khắc không còn. Tính Thược không chỉ ở chùa Liên Tông, mà hiện nay vẫn còn văn bia tháp, và công hạnh ghi lại tại chùa Hội Xá (Thường Tín – Hà Nội). Từ Tính Thược, đến Từ Phong Hải Quýnh, cũng đều có những dấu ấn gắn liền với chùa Liên Tông, cho đến chùa Hội Xá, chùa Văn Trai (Thường Tín – Hà Nội). Các đệ tử về sau càng mở rộng sơn môn, khiến phát triển rộng rãi.

Truyền thừa chùa Liên Tông đến sau thời Tính Thược, Từ Phong Hải Quýnh …về sau được ghi chép lại trong văn bia, trong sách. Các văn bản đa phần được chép lại khoảng thế kỷ XIX bởi Phúc Điền hòa thượng, bởi các đệ tử trong chùa Liên Phái, qua sách vở hoặc văn bia. Thậm chí, các thư tịch đưa Tính Tuyền thiền sư là đệ tử của Như Trừng Lân Giác. Đến nay, các thông tin về thiền sư Tính Tuyền vẫn chưa rõ, bởi trong giai đoạn ngài tham học ở Trung Hoa trở về, không về chùa Liên Phái mà về chùa Tam Huyền Sùng Phúc (Hà Nội). Tính Tuyền thiền sư để kinh sách lại tại chùa Càn An (Hà Nội) và tu hành ở chùa Tam Huyền.

Sang thế kỷ XIX, khi Phúc Điền hòa thượng, vốn cũng một thiền sư đệ tử phái xuất từ phái Lâm Tế chùa Liên Tông, đã được mời về trụ trì chùa. Văn bia sang thời Tự Đức ở chùa Liên Phái, khi thiền sư Phổ Hinh, được suy là đời thứ 6 truyền thừa chùa Liên Phái đem sổ sách giấy tờ liên quan đến chùa cúng dường cho Phúc Điền hòa thượng, thì lịch sử chùa đã có những ghi chép mới.

Thác bản Văn bia kí hiệu 203, có tên Trùng hưng Liên Phái tự Ly Trần Viện ký, còn bia đá tại chùa Liên Phái cho biết Chùa Liên Phái ở phường Bạch Mai huyện Thọ Xương. Chùa do Cứu Sinh tổ sư năm Bảo Thái thứ 7 – Bính Ngọ 1726, dựa theo dinh thự cũ, dựng tượng Như Lai, đúc chuông, làm khánh ngọc … đề ngạch LIÊN TÔNG TỰ, ở tăng đường thì ghi LI TRẦN VIỆN. Sau đó, văn bia cho biết truyền thừa chùa Liên Phái như sau:

1. Lân Giác Như Trừng thiền sư.
2. Bảo Sơn Tính Dược hòa thượng
3. Từ Phong Hòa thượng
4. Chân Như thiền sư
5. Từ Hòa hòa thiền sư
6. Phổ Hinh nhân giả

Sau đó do chiến tranh rồi thời gian qua đi thì xuống cấp, đến nay năm Giáp Dần, sư Phổ Hinh mới đem danh sách của tự điền tự khí đến chùa Liên Trì Hải Hội cúng dường cho Phúc Điền hòa thượng.

Văn bia được hoàn thiện vào năm Kỷ Mùi niên hiệu Hoàng Triều tự đức 12 (1859). Theo văn bia, vẫn chưa ghi là Phúc Điền hòa thượng vào đời thứ 7, tuy nhiên, cũng văn bia có kí hiệu 202 và 204 đều ghi Phúc Điền thuộc truyền đăng chùa Liên Phái. Văn bia kí hiệu 204: Trùng hưng Liên Phái tự Ly Trần viện biệt chí cho biết: Năm Giáp Dần, niên hiệu Tự Đức thứ 7 (1854) trùng tu tăng đường tổ viện, tả hữu hành lang, đều được làm mới, Phật tượng các tòa, đều được thếp lại, đến năm 1859, sự việc hoàn thành, mới ủy thác cho đệ tử Nguyễn Tuyên Dương, quê quá phủ Lý Nhân huyện Duy Tiên Lam Kiều tổng Quỳnh Trần xã làm đương gia, đến năm Kỷ Tỵ thì làm mới chuông các, rồi khắc các vị tổ sư, cùng các vị trụ trì cùng kị nhật liệt kê vu hậu:

Đệ nhất đại tổ sư Chân Nguyên tổ sư
Đệ nhị đại tổ sư: Khai sơn tổ sư tặng phong Thượng sĩ Cao Thiền hòa thượng sai Đỗ Đa sang bắc quốc mang về Tam đàn đại giới
Đệ tam đại tổ: Bảo Sơn tổ sư
Đệ tứ đại: Từ phong Tổ sư
Đệ ngũ đại tổ: Chân Như tổ sư
Đệ lục đại tổ: Từ Hòa tổ sư
Đệ thất đại tổ: Phúc Điền hòa thượng, thiền gia lãnh tụ, Phật pháp đống lương, giỗ ngày 30 tháng 10.
Tòng thất đại tổ Liên Tử Tâm đầu đà
Đệ bát đại: Cổ Ngại tự tăng pháp danh Từ Đức.
Bia dựng năm Tự Đức 25 (1872).

Thông qua nội dung văn bia, cho biết nội dung truyền thừa cơ bản giống với văn bia kí hiệu 203, chỉ khác đẩy thêm một đời truyền thừa là Chân Nguyên thiền sư lên thành đời thứ nhất. Chân Nguyên chưa bao giờ ở chùa Liên Phái, bởi chùa lập sau này, cho nên vấn đề này chỉ là sự truy vọng mà thôi.

Việc Phúc Điền hòa thượng ghi cả ngày mất cho thấy văn bia lập khi Phúc Điền hòa thượng đã viên tịch. Một văn bia khác dựng vào năm Tự Đức thứ 28, ghi đương gia chùa Liên Phái khi đó là thiền sư có pháp danh Tường Vân. Đến năm Tự Đức 30 (1880) vẫn sư Tường Vân, nhưng văn bia kí hiệu 210 ghi là trụ trì chùa Liên Phái. Như vậy, khoảng cuối thời Tự Đức, sư Tường Vân trụ trì chùa Liên Phái. Hiện, chưa có thông tin về thân thế thiền sư Tường Vân.

Tuy nhiên, các thông tin văn bia tại chùa Liên Phái lại không trùng hợp với những ghi chép của chính Phúc Điền thiền sư. Phúc Điền trong phần bổ sung cho Kế đăng lục, bản in năm 1859, cho biết truyền thừa chùa Liên Phái cũng không có Phúc Điền hòa thượng. Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi, do Phúc Điền biên soạn, khi ghi chép truyền thừa chùa Liên Phái, mở rộng sơn môn, các nhánh đều chi tiết tỏ tường, nhưng cũng không có ghi Phúc Điền hòa thượng thuộc kế đăng ở chùa Liên Phái. Điều này cho thấy có thể, Phúc Điền chỉ nhận chùa Liên Phái để sửa, giữ gìn, còn ngài ở chùa Liên Trì Hải Hội cho đến khi viên tịch.

Năm 1928, văn bia GIA PHỔ BI KÍ, cho biếtTính Tuyền đứng trước Bảo Sơn Tính Thược. Vấn đề này đặt ra những nghi vấn về thân thế Tính Tuyền và việc ngài không ở chùa Liên Phái, cũng như không có văn bản nào trước sau đó ghi chép việc Lân Giác thượng sĩ phó chúc cho Tính Tuyền thiền sư. So sánh các văn bia tại chùa Liên Phái trước đó về truyền thừa, đều không ghi Tính Tuyền trong truyền thừa sơn môn. Từ đó có thể thấy, văn bia Gia phổ bi kí có những nhận định chưa được sự đồng thuận của giới nghiên cứu tông phái tại chùa Liên Phái.

4. Tạm kết

Bài dựa trên một vài nhận định về thiền sư Như Trừng Lân Giác, về những kinh sách ngài đã san khắc, biên tập và ảnh hưởng về sau. Ngoài ra, Như Trừng Lân giác truyền thừa đến các thế hệ đệ tử về sau. Bài viết cũng nhấn mạnh đến truyền thừa của chùa Liên Phái, từ Như Trừng Lân Giác cải gia vi tự, đến các thế hệ đệ tử.

Chùa Liên Phái cuối thế kỷ XVIII sang thế kỷ XIX phát triển kháp vùng Hà Nội, gồm bên Tăng và bên Ni. Chùa Ni như các chùa Phúc Thông Nam Dư Hạ, chùa Sùng Phúc. Chùa Sùng Phúc san khắc bản Kiến tính thành Phật của Chân Nguyên thiền sư. Các chùa theo phái Liên Tông, đều có những đặc điểm kiến trúc tương tự, câu đối hoành phi quy cách nhiều điểm giống nhau và truyền thống san khắc kinh sách.

TS.Phạm Văn Tuấn
Viện Nghiên cứu Hán Nôm

***

Tài liệu tham khảo
Chư kinh nhật tụng
Cứu sinh Trịnh thánh tổ sự tích
Cúng tổ khoa chùa Hàm Long – Quế Võ – Bắc Ninh
Kế đăng lục
Tam tổ thực lục
Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường