Những người khiếm thị tin rằng, việc hiểu và vận dụng triết lý Phật giáo vào đời sống sẽ giúp họ chuyển hóa được nỗi khổ, niềm đau.
Tác giả: TS Bùi Thị Ánh Vân Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQGHN
“Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Tuy nhiên, đối với người khiếm thị, điều này thật sự xa xỉ. Họ đã luôn cố gắng vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, mọi thiệt thòi để làm chủ cuộc sống. Và trong hành trình của mình, họ không hề bị bỏ rơi. Những người thiếu may mắn luôn được cộng đồng hỗ trợ – trong đó có các ngôi thiền tự. Trong các tự viện, Thiên Quang ni tự (Bình Dương) là một địa chỉ thân quen của những người mù.
Đến nơi đất Phật, họ không chỉ nhận về sự trợ giúp vật chất, mà còn được tham gia tu học. Ánh sáng của Phật pháp sưởi ấm và thắp sáng tâm đăng trong mỗi người, giúp họ tin yêu cuộc đời, hoàn chỉnh thân và tâm.
1. Hoạt động từ thiện ở Thiên Quang tự
Phật giáo Việt Nam đã tham gia nhập thế tích cực trên mọi phương diện. Trong hoạt động từ thiện, các bậc tu hành không chỉ chữa bệnh về tinh thần, mà còn chữa bệnh về thể xác. Khi nền độc lập của Tổ quốc bị đe dọa, họ đã sẵn sàng “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, cùng toàn dân tộc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ non sông đất nước. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã thực hiện hoạt động từ thiện với hơn 12.346 tỷ đồng.
Điểm nổi trội là hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật. Hàng năm, các chùa tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục vạn lượt bệnh nhân. Những hoạt động ý nghĩa này đã gây hiệu ứng dư luận tốt và đã tạo thành phong trào, thu hút nhiều người tham gia.
Hưởng ứng tôn chỉ của GHPGVN “Đạo gắn với đời”, “Đạo pháp – Dân tộc”, nhiều tự viện Phật giáo trong cả nước đã tham gia tích cực các hoạt động từ thiện. Đã nhiều năm qua, chùa Thiên Quang (Dĩ An, Bình Dương) là địa chỉ tin tưởng để người mù khắp nơi trong tỉnh tìm về.
Ngôi thiền tự ở phường Đông Hòa – Thành phố Dĩ An đã trao tặng rất nhiều phần quà cho những người khiếm thị, người nghèo. Sự quan tâm của Thiên Quang ni tự đến đời sống tinh thần, đời sống vật chất của người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng, thể hiện tính nhân văn sâu sắc.
Tất cả mọi người trong đạo tràng thực hiện các hoạt động từ thiện đều cảm thấy hạnh phúc bởi họ hiểu rằng, mỗi phần quà được trao đi không chỉ đơn giản mang một giá trị vật chất nhất định, mà chúng còn sưởi ấm đời sống tinh thần của người khuyết tật.
Nghĩa cử cao đẹp của những người con Phật đã chữa lành các vết thương trong tâm hồn của nhóm người vốn thuộc tầng lớp yếu thế trong xã hội. Sự chia sẻ và thương yêu dành cho người khiếm thị của các ni cô và phật tử chùa Thiên Quang đã thể hiện tình pháp lữ, nghĩa đồng bào trong nét đẹp văn hóa Phật giáo. Bác sĩ Trần Duy Hưng (Pháp danh: MP) - Một phật tử của chùa sinh sống ở Dĩ An - Bình Dương cho biết, nhà sư trụ trì chùa Thiên Quang rất tâm huyết với hoạt động từ thiện và dành tình cảm đặc biệt cho những người mù.
Ni sư thường nói với các đệ tử của mình: “Cho đi chính là nhận lại và còn nhận nhiều hơn thế nữa”. Do đó, các phật tử Thiên Quang tự đều cố gắng tu tập theo lời dạy của Đức Phật. Họ thực hành rất chân thực hạnh nguyện phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo. Mỗi thành viên đạo tràng Thiên Quang mở rộng lòng từ bi, trao gửi tình yêu thương đến với tất cả mọi người, đặc biệt trong những dịp lễ Phật giáo, các ngày lễ/ hội truyền thống của dân tộc.
Từ năm 2008 đến nay, chùa Thiên Quang triển khai khá nhiều hoạt động từ thiện dành cho người mù. Gần đây nhất - Dịp Tết Nguyên đán năm 2023, Quỹ Từ thiện Thiên Quang do chùa thành lập đã thực hiện chương trình từ thiện “Xuân yêu thương”. Tại sự kiện này, ngôi chùa thân thương của người mù ở Dĩ An đã trao 1.000 phần quà Tết cho người khiếm thị và và những hộ gia đình còn khó khăn tại địa phương. Trao đổi với các sư cô Hương Diệu, Ngọc Đạo và Hương Hoa, tôi được biết, tổng trị giá của đợt từ thiện này là 500 triệu đồng.
Chùa Thiên Quang thực hiện các hoạt động từ thiện dành cho người mù không đơn thuần dừng lại ở việc trao quà tặng bằng vật chất. Nhân dịp tổ chức sự kiện nhân văn này, ngôi tự viện ở thành phố Dĩ An còn song song tiến hành một số chương trình sinh hoạt Phật giáo. Nội dung các bài giảng pháp cho những người mù của ni sư Thích nữ Hương Nhũ và các sư cô ở Thiên Quang tự đã sưởi ấm tâm hồn họ, xoa dịu nỗi buồn đau mà hàng ngày không dễ gì họ bộc bạch.
Sau mỗi lần đến cửa thiền, những con người kém may mắn này đã biết ứng dụng phật pháp vào đời sống thực tế. Những người khiếm thị tin rằng, việc hiểu và vận dụng triết lý Phật giáo vào đời sống sẽ giúp họ chuyển hóa mọi nỗi khổ niềm đau. Đơn cử, ngày 19/01/2022 (17/12/Tân Sửu), khi đến chùa để nhận quà Tết, họ đã được nghe pháp thoại với chủ đề: “Sống như thế nào để tri ân cuộc đời và được nhiều người thương mến”.
Ngoài ra, chùa còn tổ chức rất nhiều sinh hoạt tôn giáo khác nữa. Mỗi lần đến chốn thiền môn là một cơ hội để họ gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè, để được an ủi, được hòa nhập vào cộng đồng với niềm tin tôn giáo. Có thể thấy, với phương châm hoằng pháp kết hợp từ thiện, nhà sư trụ trì chùa Thiên Quang ở Dĩ An – Bình Dương đã đem đến thông điệp nhập thế với tinh thần nhân văn Phật giáo.
Người khiếm thị đến chùa Thiên Quang đã được tham gia, được thưởng thức các loại hình văn hóa văn nghệ. Lời ca, tiếng hát và tiếng trống sôi động nơi sân chùa khiến cho những tâm hồn đang héo mòn bỗng reo vui trở lại. Vào dịp Phật đản sinh, họ cũng được tham gia lễ tắm Phật. Sư cô Hương Diệu cho biết, năm 2022, hơn một nghìn người mù đã tập trung về Đông Hòa, Dĩ An – Bình Dương tham dự sự kiện này trong niềm hân hoan hạnh phúc tại Thiên Quang ni tự.
Đạo tràng khiếm thị trực thuộc quản trị của chùa Thiên Quang đã được thành lập với mong muốn đem lại ánh sáng Phật pháp cho người mù. Đây cũng là tâm nguyện của của sư trụ trì Thích nữ Hương Nhũ. Đến với chốn thiền môn ở Dĩ An, những người khiếm thị đã được gieo duyên với giáo pháp của đức Phật và đó cũng là khoảng thời gian mà họ nhận thức cuộc sống của mình đã được cứu giúp, nỗi khổ đau và mặc cảm dường như được vơi đi.
2. Ấn tống những cuốn kinh chữ nổi cho người mù
Cho đến nay, những người khiếm thị thuộc đạo tràng chùa Thiên Quang đã tụng được khá nhiều bản kinh Phật bằng chữ nổi (chữ Braille). Tính từ năm 2008 đến nay, họ được sư Thích nữ Hương Nhũ trao tặng hơn ngàn bản kinh Phật và sách giáo khoa chữ nổi hỗ trợ.
Để nắm bắt rõ hơn về hoạt động in kinh chữ nổi, tôi tìm gặp bà Kim Nga (Pháp danh Nghiêm Kính) - Trưởng Đạo tràng khiếm thị Thiên Quang. Trong câu chuyện với vị phật tử này, tôi được biết, nhà sư trụ trì Thiên Quang tự cũng chính là trưởng nhóm ấn tống kinh sách dành cho phật tử khiếm thị. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa và có đóng góp lớn đối với sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nhiều người mù vì ở xa chùa và vì những điều kiện khác nhau, họ không thể thường xuyên tham gia các khóa tu và lắng nghe Phật pháp. Do đó, cuốn kinh bằng chữ nổi cũng như các cuộn băng thuyết giảng của đạo tràng sản xuất sẽ giúp ích rất nhiều cho những người khiếm thị khát khao tìm hiểu giáo lý đạo Phật.
Trao đổi với chúng tôi, ni sư Hương Nhũ cho biết: “Dù khát khao tìm hiểu giáo lý Phật giáo nhưng không phải người mù nào cũng có điều kiện thường xuyên đến chùa nghe pháp hoặc có phương tiện để nghe những cuốn băng thuyết giảng. Vì vậy, nỗ lực của nhóm là làm ra những quyển kinh Pháp Hoa, Dược Sư, Vu Lan, Nhật tụng, Bát Nhã… bằng chữ Braille để Phật tử mù có thể đọc được kinh và hành trì ngay tại nhà. Việc làm này không những ích lợi mà còn đáp ứng được mong mỏi của nhiều Phật tử”.
Trong cơn mưa chiều hạ, tôi nhận thấy ánh mắt của nhà sư trụ trì lấp lánh một niềm tin và ấp ủ những hoài bão lớn lao của đệ tử nhà Phật dành cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.
Đã hơn mười năm, Thiên Quang tự là địa chỉ thân quen và tin cậy đối với người mù tỉnh Bình Dương cũng như nhiều tỉnh thành khác ở phía Nam đất nước. Điều này cũng dễ hiểu vì sao Ngài Gyalwang Drukpa khi đến Việt Nam, đã nhiều lần ghé thăm ngôi chùa ở Dĩ An – Bình Dương, thăm những người mù tu học ở đây (2015, 2018). Ngài đã truyền giảng giáo pháp và tặng nhiều phần quà đặc biệt cho người khiếm thị đến từ các địa phương thuộc tỉnh Bình Dương cũng như các vùng lân cận.
Năm 2018, Ngài Gyalwang Drukpa dự khóa lễ ngày 1/4 tại chùa Thiên Quang. Bài pháp thoại của ngài đã tiếp thêm niềm tin yêu cuộc đời, truyền cảm hứng tu tập cho các phật tử nói chung và phật tử, người khiếm thị tu tập ở chùa nói riêng.
Việc tu tập phật pháp với những phật tử khiếm thị thực sự vất vả. Họ không đọc được kinh và tham gia các hoạt động tu tập không được thuận lợi. Dường như, bóng tối bao phủ lên cả con đường tu học vốn gian nan của những người không may mắn được đón nhận ánh sáng của cuộc sống.
Cuối cùng, mọi nỗ lực của họ đã được đền đáp. Bản kinh chữ nổi do đạo tràng Thiên Quang xuất bản đã giúp người khiếm thị mở được cánh cửa học Phật, thỏa mãn niềm khao khát tu học phật pháp bấy lâu. Khi các câu chữ đầu tiên của quyển kinh mỏng Dược Sư lần lượt hiện ra trên đầu ngón tay của những người mù, cũng là lúc họ gần đức Thế tôn của mình hơn nữa.
Quyển kinh chữ nổi đã giúp họ khai mở con đường đến với phật pháp. Dường như đối với những người khiếm thị, đó chính là bảo bối, là ngọn đèn soi sáng cho họ thoát khỏi đêm đen. Về phương diện tâm linh tôn giáo, những cuốn chân kinh ấy có thể hiểu là tâm, là mắt của họ.
Khi được hỏi về nguồn quỹ mà đạo tràng Thiên Quang chi trả trong những dịp tổ chức từ thiện dành cho người mù, sư cô Hương Diệu chùa Thiên Quang chia sẻ: “Tính từ năm 2012 đến nay, tổng số tiền từ thiện của chùa Thiên Quang cho người mù đã hơn 14 tỉ đồng. Đây là sự nỗ lực của quý chư ni, phật tử và các nhà hảo tâm”. So với số tiền mà GHPGVN chung tay với xã hội trong các hoạt động từ thiện, con số này không lớn nhưng thật ý nghĩa.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, số tiền đó là sự gom góp của chư ni, phật tử của một ngôi chùa và những nhà hảo tâm nhiều năm nay. 14 tỉ này là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy trò đạo tràng Thiên Quang tự với bao ấp ủ, với bao dự định tốt đẹp dành cho người mù. Không chỉ là bát cơm, manh áo ấm nhất thời, mà con số đó đã mang đến cho những người bất hạnh nhiều điều lớn lao – Đó là tâm sáng từ bi nơi cửa Phật.
Mọi thành viên của đạo tràng Thiên Quang tự đã cùng nhau nỗ lực xây dựng nên Quỹ Từ thiện Thiên Quang, nỗ lực phát triển quỹ và dùng số tiền quyên góp được để thôi thúc tiềm năng ẩn giấu bên trong những người khiếm thị, giúp họ thoát khỏi mặc cảm, tự ti để làm chủ cuộc sống. Do đó, hoạt động từ thiện mà Thiên Quang tự dành cho người mù đã chứa đựng nhiều giá trị lớn lao về ý chí, sự nỗ lực; cao cả hơn, đó cũng là kỳ vọng và thể hiện sự khát khao giúp người mù thành công trong cuộc sống.
Những hoạt động từ thiện nói chung và dành cho người mù nói riêng mà đạo tràng Thiên Quang và ni sư Hương Nhũ thực hiện, không chỉ có ý nghĩa đối với sự nghiệp hoằng pháp, mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc. Thiền sư Gyalwang Drukpa trong khóa lễ ngày 01/4/2018 đã có những lời nhận xét về đóng góp trong hoạt động phật sự của ni sư Hương Nhũ - trụ trì chùa Thiên Quang nói: “Sư cô là tấm gương sáng của bậc tu hành mạnh mẽ, bền bỉ trong thiện hạnh cứu độ chúng sinh. Tôi xin góp bàn tay và tâm sức mình để cùng san sẻ hạnh nguyện cao cả này của sư cô".
Đến dự sự kiện phát quà cho người nghèo và người mù dịp Tết Tân Sửu - ngày 19/01/2022, phát biểu ở góc độ chính quyền, bà Nguyễn Thị Lệ Trinh - Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Tỉnh Bình Dương khẳng định: “Chùa Thiên Quang là địa chỉ nhân đạo đáng tin cậy, đặc biệt là nơi nương tựa lâu dài về vật chất và tinh thần cho người khiếm thị”. Tìm hiểu những đóng góp trong hoạt động từ thiện của chùa Thiên Quang những năm qua cho thấy, các nhận định trên là hoàn toàn xác đáng.
Với thành tựu đạt được trong hoạt động từ thiện nói chung và vì người mù nói riêng, Quỹ Từ thiện Thiên Quang đã được nhận Bằng khen Tri ân của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương (2022). Ni sư Thích nữ Hương Nhũ được vinh dự đại diện cho Đạo tràng Thiên Quang nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nhân đạo của TW Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam (2016), Kỷ niệm chương Vì Hạnh phúc người mù của Hội Người mù Việt Nam (2017).
Kết luận
Trong thực tế, mỗi người đến với cuộc đời và đón nhận nó theo cách riêng của mình. Đôi mắt mở ra cho họ biết bao điều tốt đẹp của cuộc sống. Do đó, bất cứ ai cũng sẽ đều đau khổ nếu chỉ cảm nhận, chỉ tương tác với cuộc sống thông qua màn đêm đen tối. Ngôi chùa Thiên Quang ở Dĩ An - Bình Dương từ bao lâu nay là chốn bình yên của những cảnh đời bất hạnh.
Đến đây, họ được tỉnh thức bởi giáo lý Phật đà, được đến với ánh sáng của Phật pháp và nhiều người trong số đó đã quy y Tam bảo. Mái chùa giản dị trở thành nơi đem lại ánh sáng từ tâm, xua tan màn đêm u tối cho những người khiếm thị nghèo khó bởi tâm từ bi và lòng nhân ái.
Tác giả: TS Bùi Thị Ánh Vân Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQGHN
Bình luận (0)