Thí thực cô hồn - Trong chốn thiền môn, vào mỗi buổi chiều đều có nghi thức gọi là công phu chiều hay gọi thông thường là nghi cúng cháo. Nghi thức gồm có các bài kinh cầu siêu, sám hối và đặc biệt là nghi thức mông sơn thí thực. Trước đó khi thực hành nghi thức thì luôn luôn có một tô cháo lỏng hay gọi là cháo thánh, để cúng cho các quan cô hồn vào mỗi buổi chiều.
Chấn Pháp Học viên Cao học K.2 – Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024
Mở đầu: Phật giáo đã du nhập vào nước ta từ rất sớm đã đem đến cho người dân Việt nói chung và người dân xứ Huế nói riêng, không chỉ những giáo lý đưa đến sự an lạc giải thoát, đồng thời trong đời sống tín ngưỡng, dung nạp tín ngưỡng văn hóa dân gian.
Trong nghi lễ Phật giáo Huế, thì nhiều nghi thức thờ cúng khác nhau, tùy vào mục đích hay ước nguyện của mỗi người mà có những nghi lễ khác nhau. Trong đó “nghi thức lễ cúng cô hồn” được xem như là một văn hóa của người dân Huế. Trên tinh thần từ bi yêu thương mọi loài mọi chúng sinh của Phật giáo, thì “lễ cúng cô hồn” chính là thể hiện được lòng từ bi rộng lớn của Phật giáo.
Phật giáo không chỉ yêu thương cõi người, mà còn yêu thương rộng lớn với những cõi mà chúng ta không thể nhìn thấy, những vong hồn ngạ quỷ không nơi nựa tựa, không chốn phụng thờ. Từ đó đem đến cho những loài đó không chỉ miếng ăn, thức uống mà còn đem đến lời kinh tiếng kệ nhằm cứu giúp những loài đó từ bỏ những đức tính tham, sân, si dần dần thoát ra khỏi cõi khổ đau ấy.
Cùng với ý nghĩa đó, người dân Huế cúng cô hồn với lòng trắc ẩn, lòng bi thương những con người xấu số đã chết vì chiến tranh thời cuộc, chết vì đói rét khổ cực không có ai thờ cúng, hương khói.
Từ khóa: thí thực, cô hồn, chốn thiền môn, văn hóa,…
1. Tìm hiểu về thí thực
• Thí
Thí hay còn gọi đầy đủ là bố thí, là một pháp trong sáu pháp tu tập lục độ ba la mật của hàng bồ tát, nhằm thể hiện lòng từ bi, yêu thương chúng sinh trong quá trình tu tập của mình. Bố thí tức là đem những thứ mà mình có được chia sẻ cho những ai thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần, với ước muốn lợi đạo, đẹp đời, mang hạnh phúc đến với chúng sinh.
Trong cuốn Nhị khoá hiệp giải có trình bày bố thí có 3 loại:
Thứ nhất là tài thí: tức là đem những thứ của cải, vật chất như cơm, áo, gạo, tiền, thuốc men, những vật dụng cần thiết đem cứu cấp cho những người nghèo đói, khó khăn.
Thứ hai là pháp thí: tức là giảng dạy những pháp lành cho chúng sinh, giảng dạy về những giáo lý tránh ác làm lành, hướng dẫn tu tập tụng kinh, trì chú… nhằm mang đến những lợi ích tinh thần, sự an lạc trong tâm hồn mỗi một chúng sinh.
Thứ ba là vô úy thí: tức là mang lại những sự không sợ hãi đối với chúng sinh, bằng những hành động hay lời nói có thể khiến người bớt đi những thứ sợ hãi mà mỗi một chúng sinh đang cần.
• Thực
Trong Luật Tỳ ni có dạy “nhất thiết chúng sinh giai y ẩm thực” tức là tất cả chúng sinh trong cõi đời này đều từ nơi ăn uống mà có. Thực tức là chỉ các loại thức ăn, thức uống. Gồm bốn loại thức ăn: Đoàn thực là những loại thức ăn từng miếng, từng nắm, có hình dạng chỉ cho cách ăn thế gian. Xúc thực là từ cảm thọ của năm căm khi tiếp xúc với năm trần do ý căn tương ưng, chỉ cho cách ăn uống của các loại quỷ thần.
Tư thực là nghĩ nhớ hay bằng cách tu tập các thiền định mà chứng đắc được pháp thuyền, duyệt thực để làm thức ăn. Thức thực tức là dùng cái thức để duy trì sinh mạng cũng như nghiệp báo để di chuyển vào các đời sau. Tùy vào sự xuất hiện của thức mà có sự thọ nhận khác nhau.
2. Tìm hiểu về lễ cúng cô hồn
• Nguồn gốc lễ cúng cô hồn
Trong Du Già thí thực Diệm Khẩu khoa nghi có nói rằng, trong lúc tôn giả Anan đang trong lúc nhập định, thì có một ngạ quỷ tên là Diệm Khẩu, có hình dáng rất đáng sợ nói với tôn giả Anan rằng phải thiết cúng các tiên vong, các âm linh, ngạ quỷ… mới có thể thoát khỏi cảnh chết, đoạ làm ngạ quỷ. Không những thế mà còn có thể trường sinh và sinh khởi phước đức cho mình. Tôn giả Anan về bạch đức Phật về sự tình đó.
Về sau, đức Phật đã chỉ dạy khoa nghi để chẩn tế cứu độ vạn loài các âm linh cô hồn, giải thoát vị Diệm Khẩu quỷ vương đó. Sau đó, được biết vị Diệm Khẩu quỷ vương đó chính là do ngài Quán Thế Âm vì lòng từ bi, thương tưởng đến chúng sinh âm linh cô hồn, mà biến hóa ra để nhắc nhở và cũng như nhờ đến ngài Anan bạch Phật chỉ dạy phương pháp cứu khổ. Nên có trong khoa nghi có câu rằng “Nan Đà tôn giả nhân tập định, cứu khổ Quán Âm thị Diện Nhiên(1)”(2).
Từ nhân duyên đó mà chúng sinh cô hồn, các loài ngạ quỷ đói khát đã được cứu khổ, cứu nạn ở những cảnh khổ đau trong lục đạo tam đồ. Pháp bố thí đó được đệ tử đức Phật duy trì từ đời này đến đời khác và còn tồn tại cho đến ngày nay.
• Định nghĩa cô hồn
Cô hồn là những vong hồn chết oan uổng, chết vì nhiều lí do khác nhau nhưng do vì không nơi chốn ở, không có ai phụng thờ, không ai cúng tế nên đói rét, khổ đau. Vì không cúng tế, không có người đưa đường chỉ lối, thế nên không thể giải thoát khỏi cảnh vất vưởng sống kiếp luân hồi khổ đau. “Cô hồn là quỉ thần mà đa số là ngạ quỉ. Quỷ thần cúng có những kẻ có phước báo, có tài sản, có oai thế và sức mạnh. Nhưng phần nhiều cô độc và đói. Nhất là đói”(3).
Cô hồn có rất nhiều loại khác nhau, mỗi loại đều có những nghiệp cảm khác nhau. Tuy nhiên, các loài cô hồn thường được sắp xếp và đưa vào từng nhóm khác nhau. Trong văn tế củađại thi hào Nguyễn Du thì cô hồn được trình bày với 10 loại Trong cuốn “để hiểu đàn chẩn tế” được Hòa thượng Trí Quang nêu ra.
Cô hồn gồm có 9 loại, 10 loại, 12 loại hay là 36 loại. Với 12 loại có: Vua chúa; tướng võ; quan văn; cử tử, học sinh sinh viên; các vị tu sĩ; các vị đạo sĩ; thương khách, buôn bán; chiến sĩ trận vong; sản nạn; tôi tớ, đui điếc, tì thiếp; cung phi mỹ nữ; nạn nhân hành khuất, tù nhân.
Với 36 gồm có: Quỉ đội vạc đầu sôi; Quỷ cổ họng quá nhỏ; Quỷ ăn đồ người nôn; Quỷ ăn phân dơ bẩn; Quỷ ăn hơi rất nóng; Quỷ chỉ ăn được hơi; Quỷ ăn bám đạo pháp; Quỷ chỉ được uống nước; Quỷ trông mong kị giỗ; Quỷ ăn nhớt nhổ ra; Quỷ ăn nhờ vòng hoa;Quỷ ăn uống máu huyết; Quỷ ăn nhậu thịt tạp; Quỷ ăn hơi hôi thối; Quỷ sống với binh tật; Quỷ rình tiết dơ bẩn; Quỷ sống trong đen tối; Quỷ có ăn lực lớn;Quỉ bị cháy khắp mình; Quỷ rình bé bài tiết; Quỷ sắc dục cuồng dâm; Quỷ ở bãi biển nhỏ;
Quỷ tôi mọi Diêm Vương; Quỉ ăn thịt trẻ con; Quỷ ăn tinh khí người; Quỷ ăn la sát người; Quỷ thân bị nóng hầm; Quỷ ăn ở dơ bẩn; Quỷ hít gió mà sống; Quỷ hít thán khí nóng; Quỷ phải ăn chất độc; Quỷ ở vùng hoang dã; Quỷ ăn tro đất nóng; Quỷ sống bên gốc cây; Quỷ ở nhiều chổ ngã; Quỷ làm ma của quỷ. Tuy nhiên, thế giới vạn sự vạn vật, mỗi người mỗi cảnh, mỗi người mỗi nghiệp khác nhau, nên có hằng hà sa số các loại cô hồn khác nhau khó mà có thể lượng được, khó có thể kể hết và đếm hết được.
3. Thí thực cô hồn tại xứ Huế
• Lễ thí thực cô hồn trong chốn thiền môn Huế
Mỗi một người mới vào xuất gia tu học trong thời kì hành điệu của bản thân mình, thường nhật mỗi ngày đều phải đều đặn thực hiện hai thời công phu sáng và chiều nhằm tạo dựng phước đức cho bản thân, ban bố những lời kinh tiếng kệ và thức ăn cho chúng sinh cô hồn…
Vì thế, trong chốn thiền môn, vào mỗi buổi chiều đều có nghi thức gọi là công phu chiều hay gọi thông thường là nghi cúng cháo. Nghi thức gồm có các bài kinh cầu siêu, sám hối và đặc biệt là nghi thức mông sơn thí thực. Trước đó khi thực hành nghi thức thì luôn luôn có một tô cháo lỏng hay gọi là cháo thánh, để cúng cho các quan cô hồn vào mỗi buổi chiều.
Khi có những sự kiện quan trọng ở trong chốn thiền môn như là: ngày Rằm hay Mùng 1, các lễ lớn trong năm như Rằm tháng Giiêng, Rằm tháng Tư, và lớn nhất là Rằm tháng Bảy. Các chùa đều tổ chức lể cúng các vị âm linh cô hồn với hình thức lớn hơn, hoành tráng hơn và qui mô to lớn hơn có đầy đủ các vật hạng thức ăn nước uống, thậm chí là sắm sửa vật cúng với nhiều loại khác nhau, mỗi loại được bố trí sắp đặt rất trang nghiêm.
Đặc biệt, trong Phật giáo có nghi thức trai đàn chẩn tế, đây là một hình thức cúng các chúng sinh cô hồn với lễ phát chẩn được tổ chức quy mô rộng lớn. Đàn tràng được thiết lập trang nghiêm, lộng lẫy, đồ ăn thức uống hiến cúng cũng được sắp đặt rất nhiều thứ, đầy đủ các loại khác nhau như thức ăn, nước uống, sữa các loại nước…
Và tuỳ điều kiện kinh tế và thời gian của mỗi nơi mà tổ chức một ngày, hai ngày hoặc là ba ngày với không ngoài mục đích ban bố rộng rãi cho các âm linh chúng sinh không nơi nương tựa, không chốn phụng thờ.
• Lễ cúng cô hồn trong các tư gia người dân Huế
Lễ cúng cô hồn ở dân xứ Huế rất được mọi người dân tôn trọng và thiết lễ một cách thành tâm, trang trọng. Thường lệ lễ cúng cô hồn được người dân Huế hàng tháng vào một trong các ngày 14 hoặc 15 và 30 hoặc mùng 1 và quan trọng nhất là Rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân, nhà nhà đều thiết lễ cúng không chỉ riêng tổ tiên ông bà cha mẹ, mà còn thương tưởng đến các vị cô hồn đói khát.
Thông thường nhất là những gia đình có làm ăn hay buôn bán thì họ sẽ thiết lễ cúng định kì với lòng thành hiến cúng các vị cô hồn, thứ nữa cũng như cầu nguyện được mua may bán đắt, làm ăn kinh doanh được thuận lợi. Bên cạnh đó, những gia đình nào có đám tang, trước ngày đưa tiễn thì luôn luôn sắp đặt một bàn cúng thí rất trang nghiêm, hoành tráng với mục đích lấy công đức có được từ sự bố thí đến các cô hồn mà người thân mất trong nhà đó nhẹ nhàng được siêu thoát và người hiện còn thì được bình an, sức khỏe.
Đặc biệt, hằng năm vào những ngày từ 23 cho đến 30 của tháng 5, lễ cúng cô hồn như là một truyền thống mang nét văn hóa đặc sắc của người dân Huế. Cứ đến đó, mỗi chiều ở mọi tuyến đường, mọi ngõ ngách ở thành phố Huế, đều thiết bàn thờ bên ngoài để cúng các vong linh, âm linh cô hồn đã bị chết oan không ai phụng thờ cúng cấp. Tập tục này được bắt đầu sau khi kinh thành Huế thất thủ vào 23/5/1885, ngày mà nhân dân, đồng bào từ trẻ nhỏ đến già, từ giàu sang cho đến nghèo hèn đều bị chết thảm chết oan.
4. Ý nghĩa của việc cúng cô hồn
Mọi sự việc trong thế giới này đều có mục đích và ý nghĩa của nó. Vì thế, lễ cúng cô hồn nó mang một ý nghĩa cao đẹp, không chỉ đem đến sự bố thí cúng cho những vong hồn vất vưởng, mà còn đem đến sự bình an hạnh phúc cho những người hiện còn. Những ý nghĩa sâu sắc có thể trình bày ở hai phương diện sau:
• Trên phương diện “thế gian”, cứu khổ đói khát
Lễ cúng cô hồn chính là đem những vật chất gồm thức ăn thức uống mà người hiến cúng bằng tấm lòng từ bi của mình, cái yếu tố từ bi đó xuất phát từ Phật giáo để hiến cúng. Vật cúng trên bàn thí thực nhiều hay ít tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình, cũng tùy thuộc vào mức độ của việc tổ chức lễ cúng đó.
Bàn thí thực cơ bản và đơn giản nhất phải có đủ các vật dụng quan trọng và thiết yếu để cúng các vị cô hồn mà dân gian hay nói là “áo cháo gạo muối”. Thông thường một bàn thí đầy đủ nhất, trang nghiêm nhất cơ bản phải được sắp xếp có bàn thượng và bàn hạ. Trên bàn thượng nơi thỉnh mời các vị thánh thần về để chứng minh và hộ trì. Trên đó thường chỉ cần đặt các vật phẩm hoa quả, hương đèn, xôi chè, cau trầu rượu.
Phía dưới bàn hạ cũng được sắp đặt các vật phẩm đó, nhưng vật phẩm cúng phải được sắp cúng nhiều hơn để cúng các âm linh cô hồn. Những phẩm vật cúng ở bàn dưới luôn được sắm sửa theo truyền thống của văn hóa Huế, trên quan niệm “sống sao chết vậy”.
Trong đời sống sinh hoạt ăn uống như thế nào thì sau khi chết cũng được cúng như thế đó. Vì thế nên có các vật phẩm như khoai sắn, muối gạo hạt nổ, cháo thánh, áo binh vàng mã và một mâm cơm dân giã truyền thống của người dân Huế... Đặc biệt có các vắt nắm cơm, điều này có thể giống như trong lễ “chẩn tế cô hồn” thường có các vắt xôi tròn nhỏ trộn với gạo, trên mỗi vắt xôi đó có bỏ đồng xu. Khi cúng thì phân phát rải ra cho các âm linh cô hồn đón nhận.
Với quan niệm là để cho các âm linh cô hồn đến xong đem về khi đói có thể đem các vật đó ra để sử dụng. Lại có các loại nước chè, nước trà… và sữa cho các hài sinh chết oan uổng. Ngoài ra, lại có một đống củi được đốt lên nhằm giúp cho những người chết lạnh được sưởi ấm, điều này cho thấy văn hóa dân gian của người dân Huế thật sâu sắc và chu đáo thể hiện từ tình thương mến thương những người nằm xuống vì oan ức chiến tranh hay chết oan vì nghiệp báo…
• Trên phương diện “xuất thế gian”: siêu độ giải thoát
Đạo Phật là đạo từ bi, nhưng từ bi luôn luôn đi song hành cùng với trí tuệ. Vì thế, sau khi đã ban bố những thức ăn, vật uống với tấm lòng của mình đến với chúng sinh cô hồn. Trong nghi thức cúng cô hồn của Phật giáo không chỉ dừng lại ở việc cung cấp hay cứu khổ đói khát cho vạn loại cô hồn, mà còn hướng dẫn các chúng sinh đang còn bị tham sân si chi phối, đang còn oan ức với cái chết của mình, đang còn si mê lầm lạc không biết đường tà nẻo chính.
Nhìn nhận rõ sự việc đó nên nghi thức cúng cô hồn luôn có những câu kinh tiếng kệ, từ câu niệm phật và những lời chỉ dạy của chư Phật để đưa đường chỉ lối cho chúng sinh cô hồn, giúp khai ngộ trừ mê.
Từ đó, có thể giúp các cô hồn vất vưởng dựa vào những câu kinh hay câu niệm Phật ít nhiều cũng có thể thấm nhuần giáo lý đức Phật mà trừ bỏ đi những chướng ngại oan ức trong lòng, xả bỏ đi tham lam, sân hận và si mê trong lòng để có thể siêu sinh thoát khỏi cảnh giới đọa lạc tam đồ, thoát khỏi kiếp trôi nổi lênh đênh không nơi ở chốn về.
Kết luận
Huế là xứ sở thần kinh, đã trải qua bao nhiêu biến cố của lịch sử, của chiến tranh khốc liệt, của dịch bệnh thiên tai. Với những biến cố đó đã khiến hàng vạn, hàng ngàn người chết mà không có ai thờ tự, không có ai để nương nhờ. Từ đó mang trong mình nỗi u oán, vất vưởng trầm luân trong lục đạo tam đồ, đói rét khó mà có thể thoát ra khỏi.
Lễ cúng cô hồn thể hiện triết lí từ bi của Phật giáo, luôn hướng đến tất cả chúng sinh kể cả hữu tình và vô tình. Các loại cô hồn cũng không ngoại lệ, với mong muốn cứu giúp cúng tế cho họ thoát khỏi cảnh đói khát, bơ vơ không nơi nương tựa. Nhằm trợ giúp cho họ có miếng ăn, thức uống, thoát khỏi giá lạnh trong nơi u đồ tăm tối. Không chỉ dừng lại ở đó lòng từ bi của Phật giáo bao quát một cách rộng rãi.
Bằng chính những lời kinh, tiếng kệ với âm điệu du dương trầm bổng, mà có thể làm cho chúng sinh cô hồn nhìn nhận và hiểu biết một cách rõ ràng. Nhằm hướng đến quy y Tam bảo, sám hối tội nghiệp tiền khiên, tu tập hành trì các pháp. Với mục đích cuối cùng mong muốn sớm thoát khỏi kiếp khổ trầm luân mà sinh về cõi lành, cuối cùng đạt được các quả vị của bậc thánh.
Chấn Pháp Học viên Cao học K.2 – Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024 ***
CHÚ THÍCH:
(1) (2). Diện Nhiên là một tên gọi khác của Diệm Khẩu quỷ vương. Ngoài ra cũng có tên gọi là Tiêu Diện Đại Sĩ. Thích Huyền Tôn (dịch), 2006, “Du Già thí thực Diệm Khẩu khoa nghi”, Nxb Tôn Giáo, tr 78.
(3). Thích Trí Quang (2013), “ Để hiểu đàn chẩn tế ”, Nxb tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr 50.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thích Khánh Anh (dịch) (2015), Nhị khoá hiệp giải, Nxb Tôn giáo.
2. Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn hoá Sài Gòn.
3. Thích Trí Quang (2013), Để hiểu đàn chẩn tế , Nxb tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
4. Thích Huyền Tôn (dịch) (2006), Du Già thí thực Diệm Khẩu khoa nghi, Nxb Tôn giáo.
Bình luận (0)