Tác giả: Thông Bảo

Giáo dục là yếu tố quan trọng trong việc phát triển đất nước, là chìa khóa thúc đẩy xã hội phát triển. Mục đích cốt lõi của giáo dục không ngoài việc làm cho con người nhận chân ra được điều hay lẽ phải, thăng hoa trong cuộc sống, hướng đến xây dựng một xã hội tốt đẹp. Do đó, phương pháp giáo dục nhằm phát triển tiềm năng, đào tạo ra những con người vừa đủ kiến thức và đạo đức để làm nòng cốt cho xã hội luôn được sự quan tâm đặc biệt trong bất cứ thời đại nào. Trong những năm vừa qua, đất nước ta nhờ có những phương pháp giáo dục mới để thích nghi với thời đại đã giúp nền giáo dục nước nhà phát triển vượt bậc, chất lượng đào tạo được cải thiện, tạo cơ hội sáng tạo phát triển, giao lưu với những nền giáo dục lớn trên thế giới. Mặc dù  vậy, nhưng cần phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, có những phương pháp giáo dục đang có không ít những mục tiêu hướng đi không đúng đắn, bộc lộ một số hạn chế như: giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, bỏ qua chất lượng mà đào tạo theo số lượng, còn nặng về mặt lý thuyết,…Qua đó dẫn đến nhiều hệ lụy cho đất nước, xã hội, một trong những đối tượng đã và đang chịu tác động tiêu cực không nhỏ đó là thế hệ trẻ.

Trước một xã hội hiện đại và những thách thức đặt ra cho giáo dục, Phật giáo với giáo lý Tứ Tất Đàn sẽ giúp những người làm công tác lãnh đạo mở ra những gợi ý về phương pháp giáo dục thích hợp nhằm truyền tải những bài học, giúp các em hoàn thiện điều chỉnh hành vi đạo đức, lối sống chuẩn mực, với mục đích cuối cùng là giúp cho con người giải thoát khỏi khổ đau và đem đến niềm hạnh phúc ngay trong hiện tại.

TỨ TẤT ĐÀN

Theo Phật Quang Đại từ điển[1], Tứ Tất Đàn tiếng Pāli là Catvari siddhānta. Catvari có nghĩa là tứ và siddhānta phiên âm là tất đàn, dịch là “Tác Thành Tựu”, có nghĩa là làm cho công việc thuyết giảng của đức Phật được thành tựu. Bốn phương pháp ấy là Thế giới tất đàn, Các các vị nhân tất đàn, Đối trị tất đàn, Đệ nhất nghĩa tất đàn. Nhờ bốn phương pháp này mà đức Phật trong 45 năm giảng dạy đã chuyển hóa được vô số hạng người, từ vua chúa cho đến hạng người thấp nhất trong xã hội, giúp họ phá bỏ sự mê lầm mà được giác ngộ an vui.

1. Thế giới tất đàn

Tức là dùng những tư tưởng, ngôn ngữ, văn hóa, quan niệm,…gần gũi trong thế gian mà giảng dạy. Những tiêu chuẩn đó căn cứ trên nhận thức phù hợp với cuộc sống ở từng vùng. Ở đây người giảng dạy tùy thuận theo ngôn ngữ, hoàn cảnh, địa phương… của từng nơi để giảng dạy phù hợp.

Muốn thành công trong việc truyền đạt, bước đầu tiên không thể không kể đến người thầy phải am hiểu và thích nghi với những vấn đề đang xảy ra ở nơi mình giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần tiếp thu những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích tại nơi mình sinh sống để phục vụ mục đích truyền đạt. Ví dụ như ngày nay, khoa học công nghệ phát triển và được đưa vào nhà trường để phục vụ công tác giảng dạy rất nhiều, các em học sinh không nhiều thì ít cũng rất rành rọt về việc sử dụng công nghệ, nên người giáo viên không thể không biết một vài thao tác kỹ thuật máy tính để giúp truyền đạt kiến thức đến các em dễ dàng hơn. Hoặc khi giảng dạy ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, với trình độ tiếp thu còn gặp nhiều hạn chế, đa số các em chưa được sự quan tâm của gia đình và chưa có ý thức chăm ngoan học tập, do vậy người giáo viên không chỉ đứng trên bục giảng trao truyền kiến thức, mà còn là người truyền động lực, khuyên nhủ các em tới trường. Chính từ những điều thực tiễn, người dạy sẽ chỉ rõ những điều nào đúng, điều nào sai, khiến cho người nghe hiểu được và sinh ra niềm vui lớn, có được hạnh phúc ngay trong khi học. Với cách giảng dạy như vậy, người ấy đã thành tựu được thế gian tất đàn.

2. Các các vị nhân tất đàn (gọi tắt là nhân tất đàn)

Vị nhân tất đàn nghĩa là giảng dạy tùy theo căn cơ và năng lực khác nhau của mỗi người mà nói những điều phù hợp, dễ hiểu, khiến người nghe sinh lòng vui mừng. Đây là phương thức giáo dục nhằm phát huy những tố chất tốt đẹp để xây dựng nên tính cách, từ đó làm cơ sở cho sự phát triển con người.

Muốn thực hành được nhân tất đàn, chúng ta phải thực tập thành thục “thế gian tất đàn”, tức là đi đến đâu, phải tùy thuộc vào văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng ở nơi vùng đó, không nói theo cái biết của mình. Những người đứng trên bục giảng, nếu muốn giúp đỡ học sinh được tiến bộ thì ít nhiều phải hiểu tâm lý, hoàn cảnh, trình độ của em đó. Bởi trong một lớp, mặc dù cùng độ tuổi, nhưng có thể trình độ của các em khác nhau, mỗi học sinh có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai. Còn nếu mình không hiểu được tâm lý, hoàn cảnh, những vướng mắc của học sinh đó mà chỉ sử dụng kỷ luật, nội quy một cách cứng nhắc, máy móc thì sẽ thất bại trên con đường chuyển hóa học sinh. Cho nên người giảng dạy ngoài trách nhiệm “cõng chữ lên non”, cũng cần chăm lo đời sống tinh thần cho các em học sinh, từ đó mới có thể đưa ra những đường hướng giảng dạy phù hợp. Không nên nói những điều quá cao siêu, xa rời thực tế, khiến người nghe không hiểu, bởi giảng dạy không phải là dịp để phô diễn kiến thức, mà phải làm sao khiến người nghe hiểu được, giúp họ thay đổi.

3. Đối trị tất đàn

Đối trị có nghĩa là trị liệu, chuyển hóa. Đối trị tất đàn là tùy theo căn cơ, tính tình của từng người mà giáo viên có những biện pháp để chuyển hóa nhận thức nơi họ, làm sao để người nghe có thể hiểu và làm theo, như vậy mới có thể thay đổi được đối tượng.

Đây được xem như là phương pháp nhằm diệt trừ các thói hư tật xấu của học sinh. Ngày nay, mạng internet đang dần phổ biến, bên cạnh mặt tích cực thì cũng không kém phần tiêu cực. Có những trường hợp các em đang tuổi học sinh nhưng bị ảnh hưởng và bắt chước những hành động không tốt đang tràn lan trên mạng xã hội như: xăm trổ, đánh nhau, nói tục, nhuộm tóc xanh đỏ,… Chính vì vậy, trách nhiệm của những giáo viên cần phải nâng cao hơn nữa, luôn sâu sát tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng học sinh trong lớp, để kịp thời uốn nắn những sai sót lệch lạc của từng học sinh, chỉ bày cho các em chỗ nào đúng, chỗ nào sai. Nhưng lưu ý, không nên cực đoan trong phương pháp giảng dạy, nếu truyền đạt bằng cách này không được thì phải thay đổi phương pháp để truyền đạt. Không được dồn các em vào chỗ bế tắc mà làm thế nào giúp các em bỏ dần những cái nhìn sai lầm, gia tăng sự phán đoán đúng đắn trong cuộc sống hằng ngày. Được như vậy, chính là sự thành tựu về Đối trị tất đàn.

4. Đệ nhất nghĩa tất đàn

Đây chính là mục đích cuối cùng trong giáo dục, tức sau khi dùng nhiều phương thức giảng giải, với mục đích cuối cùng là giúp cho người học hiểu được chân lý của cuộc đời. Tất đàn này là tiêu chuẩn sự thật tuyệt đối, tức sự thật như thế nào thì nói như thế đó, dù có thế lực nào uy hiếp cũng không bóp méo sự thật.

Đức Phật trong thời gian còn tại thế, Ngài cũng giảng dạy giáo pháp bằng nhiều phương tiện khác nhau, mục đích để giúp chúng sinh thấy được “tính Phật” bên trong của mình, từ đó họ mới có thể tu tập giác ngộ. Nếu không thấy được tính Phật của mình, thì dù có dùng phương tiện nào đi nữa, người đó cũng không nỗ lực, như vậy sẽ không thể giác ngộ. Người giáo viên bằng ba tất đàn trên với mục đích cuối cùng là làm thế nào để cho các em thấy được chân lý và ý nghĩa trong cuộc sống, khơi dậy niềm đam mê, hăng say, trong mỗi học sinh, để mỗi học sinh có thể nỗ lực mà đi đến thành công.

Qua sự trình bày nội dung Tứ tất đàn trên, tuy trình bày riêng lẽ, nhưng bốn tất đàn này luôn có mặt trong nhau, mục đích không đi ra ngoài phương tiện, và phương tiện không đi ra ngoài mục đích. Có thể thấy đây là bốn phương pháp giáo dục rất giàu tính nhân bản, nhân văn, không đề cao niềm tin, không đi ra ngoài đời sống thực tiễn, lấy con người làm đối tượng trung tâm nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, giúp họ hướng thiện, mục đích để làm lợi lạc cho chính mình và xã hội. Đó cũng là giá trị của triết lý giáo dục nhân bản mà thế giới đang hướng đến.

THẮP SÁNG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI BẰNG GIÁO LÝ TỨ TẤT ĐÀN

Truyền trao đạo đức trước khi truyền trao kiến thức

Khởi đầu của giáo dục là sự kiện toàn nền tảng đạo đức. Ông cha ta từ ngày xưa đã quán triệt sâu sắc tinh thần giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nhưng thực tế ngày nay, giáo dục lại chú trọng dạy “văn” hơn dạy “lễ”. Chính vì lẽ đó, tuy về mặt kiến thức có gia tăng, nhưng về mặt đạo đức của học sinh lại sa sút nghiêm trọng.

Các em học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm lý, bên cạnh đó, do tiếp xúc quá sớm đến những hành vi tiêu cực trên mạng xã hội mà đã đưa đến những hành động không đúng. Do đó, trước khi truyền tải kiến thức, cần phải giáo dục giá trị nhân văn cho thế hệ trẻ với những căn bản đạo đức như: hạnh hiếu kính đối với người lớn, tinh thần yêu quê hương đất nước, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội... Tránh để trẻ mang tính thụ động, nuôi dưỡng lòng vô cảm, chạy theo lối sống hưởng thụ, sính ngoại,…mà cho là hợp thời, sành điệu, bỏ qua những giá trị truyền thống đạo đức là nền tảng giá trị cơ bản của dân tộc Việt. Việc nhuần nhuyễn về ứng xử đạo đức là chuẩn mực cần có của người học trò, chứ không phải là đầy đủ về mặt tri thức. Còn nếu chỉ quan tâm đến số lượng mà không quan tâm đến chất lượng, dù đầu ra có nhiều thế nào đi nữa, cũng không đóng góp được gì cho xã hội.

Nếu giáo dục đạo đức không nghiêm sẽ để lại những di họa, mà ảnh hưởng tiêu cực của chúng không chỉ giới hạn trong cá nhân mà toàn xã hội, không phải đời này mà còn nhiều đời sau. Nhưng giáo dục đạo đức luôn khó khăn hơn giáo dục tri thức, trước tiên người thầy phải mẫu mực cả “lễ” và “văn”, đặc biệt là tư cách đạo đức. Sau đó người giáo viên phải gần gũi với học sinh, mục đích để hiểu rõ các em, nhờ vậy mới có thể đưa ra nội dung giáo dục đạo đức thực tiễn, lôi cuốn, tạo nên xúc cảm sâu sắc sau mỗi buổi học. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức nhiều hoạt động tư vấn tâm lý tuổi học trò để các em có thể gỡ bỏ những khuất mắc,…Đây chính là vai trò của nhân tất đàn vậy.

Sáng tạo trong việc dạy và học

Có thể thấy rằng phương pháp dạy học truyền thống có những hạn chế tất yếu. Cho nên bên cạnh các phương pháp truyền thống cần kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học mới, giúp tăng cường tính tích cực nhận thức của học sinh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu và bắt kịp thời đại, người làm công tác giáo dục cần phải trang bị những kiến thức không chỉ thuộc phạm vi chuyên môn của mình mà còn nhiều lãnh vực khác. Sau đó căn cứ trên cơ sở phân hoá đối tượng, điều kiện, loại hình năng lực và phẩm chất cần phát triển ở mỗi học sinh, người giáo viên có thể sáng tạo đưa ra các hình thức giảng dạy phù hợp. Ví dụ như giảng dạy bằng slide có âm thanh và hình ảnh, hoặc những thí nghiệm đơn giản, gần gũi trong đời sống,… chắc chắn sẽ làm cho những buổi giảng trở nên sống động, thúc đẩy các em có hứng thú học tập. Dù có những em không mấy hứng thú với các môn học khô khan, nhưng qua những công cụ minh họa trực quan chắc chắn rằng sẽ thu hút sự chú ý của các em hơn. Từ đó nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới. Tránh việc nhồi nhét các em học thuộc lòng quá nhiều, bởi học thuộc lòng là phương pháp truyền thống rất hữu hiệu, nhưng nếu lạm dụng quá mức sẽ đưa đến những tiêu cực không đáng có.

Đẩy mạnh việc thực hành và định hướng phát triển nhân lực

Không thể phủ nhận rằng, thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay chưa sát với thực tế, hay nói khác đi “học chưa đi đôi với hành”. Kiến thức mà các học sinh tiếp thu tại trường đa phần được giảng dạy một cách chung chung, máy móc, rất khó áp dụng vào thực tế. Đưa đến thực trạng hiện nay là mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên ra trường, nhưng trong số đó mấy ai được đúng ngành nghề, đó là chưa nói đến chất lượng. Đây là nguyên nhân chính làm lãng phí nguồn nhân lực. Cho nên làm thế nào để kết nối thực tiễn với hàn lâm luôn là vấn đề cần được suy tư?

Nếu một giáo viên áp dụng nhân tất đàn vào giáo dục, tức gần gũi, nói chuyện, chia sẻ với học trò thông qua những buổi giảng, những buổi hoạt động nhỏ trong lớp, như vậy vừa tạo môi trường học tập thân thiện, vừa khuyến khích người học tích cực tham gia các hoạt động học tập, phát huy tiềm năng và vận dụng hiệu quả những kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn. Bởi vì mục đích của việc giảng dạy là giúp học sinh nắm vững kiến thức, qua đây có sự sáng tạo và tư duy, giáo viên chỉ là người đưa ra những gợi ý và khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, giúp học sinh có cơ hội trình bày những sáng kiến, ý tưởng của mình. Nhờ vậy, mà không có sự áp lực, đưa đến sự gần gũi giữa người dạy và người học thông qua việc tăng cường trao đổi, học hỏi qua lại.

Việc ứng dụng vị nhân và đối trị tất đàn vào môi trường học đường sẽ giúp giáo viên nâng cao phương pháp học thực hành, đưa ra những vấn đề thực tiễn và gợi ý cho các em một số tình huống để giải quyết. Làm sao để các em dễ lĩnh hội tri thức, kỹ năng và phương pháp nhận thức. Qua sự gần gũi với những bài học thực tiễn này sẽ giúp giáo viên có thể phát hiện ra sở trường và khả năng của từng em, từ đó giúp các em cải thiện, sửa đổi, góp ý xây dựng cho các ý tưởng, tạo điều kiện cho người học phù hợp sở trường và nguyện vọng nhằm phát huy tính năng động, và hơn hết là tạo điều kiện thuận lợi giúp các em định hướng tương lai.

Chính nhờ những bài học thực hành sẽ góp phần khắc phục tình trạng giáo dục hàn lâm, xa rời thực tiễn hiện nay của nhà trường. Bởi phương pháp giáo dục theo Tứ tất đàn sẽ không dừng lại ở đợt thi cử, mà làm sao để người học tiến tới đệ nhất nghĩa tất đàn, tức biết ứng dụng những gì đã được học trên ghế nhà trường vào cuộc sống, làm hành trang trên suốt cuộc đời, giải quyết các khổ đau và có được cuộc sống hạnh phúc chân thật

Học online trong mùa dịch

Bàn về phương pháp giáo dục hiện nay nếu không bàn đến phương pháp học online trong mùa dịch thì thật là thiếu xót. Theo tinh thần thế giới tất đàn, người dạy phải tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, tình hình của thế giới mà có cách truyền đạt phù hợp với thực tế. Mặc dù hiện nay tình hình dịch bệnh đang lắng xuống, các tỉnh thành đang dần cho học sinh trở lại trường học. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta chủ quan, bởi thế giới con người luôn luôn có sự biến động, buộc những nhà cải cách giáo dục phải suy nghĩ, tìm ra những giải pháp để giải quyết.

Học online không không có nghĩa là loại bỏ các phương pháp dạy học truyền thống mà người giảng dạy cần phải linh hoạt để tăng sự tương tác giữa người dạy và người học. Bằng cách giáo viên tùy theo từng trình độ của các em học sinh mà đưa ra những gợi ý, câu hỏi, và yêu cầu các em suy luận. Qua đó sẽ rèn luyện cho học sinh hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo, biết khai thác sách giáo khoa và các tài liệu học tập. Giáo viên cũng cần định hướng cho học sinh cách tư duy như phân tích, tổng hợp, đặc biệt hoá, khái quát hoá,… đặc biệt phải làm thế nào để giúp các em đề cao tinh thần tự học chứ không nên quá phụ thuộc vào giáo viên.

Có thể thấy, giảng dạy qua online có rất nhiều sự khác biệt so với phương pháp truyền thống. Đây chính là tùy thuận theo thế giới mà giảng dạy. Nhưng dù là phương pháp nào đi nữa thì giáo viên phải làm thế nào để học viên từ thụ động sang chủ động, từ việc nghe giảng sang hoạt động tư duy, làm việc độc lập.

Trên đã trình bày một vài ý tưởng về vai trò của giáo lý Tứ tất đàn trong phương pháp giáo dục hiện đại. Từ những gợi ý mang tính cơ bản trên, người làm công tác giáo dục có thể tiếp tục triển khai thành một hành động cụ thể cho sự nghiệp phát triển giáo dục tương lai. Nhưng điều cốt lõi và quan trọng nhất vẫn đến từ người làm công tác giảng dạy. Nếu người giáo viên giảng dạy bằng tất cả tình thương của mình thì hiệu quả tiếp thu của học trò sẽ được tiến triển rất nhiều. Không những thế, với tâm lượng không vì danh vọng, lợi dưỡng khi dạy học trò, điều đó đã làm cho hình ảnh cũng như phẩm vị người thầy trở nên rất mực cao cả, thiêng liêng.

Tóm lại, giáo dục chính là chìa khóa để đào tạo nguồn nhân lực phát triển bền vững, xây dựng một xã hội ổn định. Bên cạnh đó việc xã hội phát triển, nhất là về mặt khoa học kỹ thuật, dẫn đến các phương pháp giảng dạy cũng dần phải thay đổi để phù hợp với hiện tại nhằm đáp ứng nhu cầu cao của thực tiễn đặt ra. Từ đó đòi hỏi ngành Giáo dục phải luôn tự mình vận động và phát triển những phương pháp giáo dục thích ứng với thời đại nhằm truyền tải những bài học quý báu. Chính giáo lý Tứ tất đàn sẽ là một trong những phương pháp giáo dục cần phải lưu tâm trong việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại. Đây chính là những phương pháp hứa hẹn sẽ giúp các em phát triển toàn diện khả năng của bản thân, đánh thức những gì tiềm ẩn trong con người được trỗi dậy. Vì vậy, giáo lý Tứ tất đàn này sẽ phần nào thắp sáng lên những phương pháp giáo dục mới trong thời kỳ hội nhập, với mục đích cuối cùng là giúp con người tìm ra chân lý sự thật của cuộc đời và sống cuộc đời an vui hạnh phúc.

Tác giả: Thông Bảo

[1] Thích Quảng Độ dịch (2014), Phật Quang Đại từ điển, NXB Phương Đông, TP.HCM, tr.7545

https://tapchinghiencuuphathoc.vn/30-nam-dong-gop-trong-linh-vuc-giao-duc-boi-duong-tang-tai-hoc-thuat-hoang-phap.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/giao-duc-thieu-nhi-theo-quan-diem-phat-giao.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/giao-duc-phap-viet-dau-the-ky-xx-va-nhung-nhan-vat-nu-tieu-bieu-thoi-tay-hoc.html