Thích Nữ Mai Anh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, tiền thân là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, được thành lập từ năm 1981, địa điểm đầu tiên đặt tại chùa Quán Sứ, năm 2006 được chuyển lên Sóc Sơn (Hà Nội). Trải qua hơn 40 năm, Học viện đã và đang đào tạo được 9 khóa hệ Cử nhân, 7 khóa hệ Cao đẳng và 4 khóa hệ Liên thông. Chỉ riêng với hệ Cử nhân, qua 8 khóa đã tốt nghiệp, Học viện đã cung cấp cho Giáo hội và xã hội hơn 2000 vị tăng, ni có học vị Cử nhân Phật học, đủ hạnh tuệ đảm trách phật sự hoằng pháp trong các lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Hướng đến Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kì 2022 – 2027, điểm lại những thành tựu của Học viện đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo tăng tài trong nhiệm kì 2017 – 2022.
1. Bối cảnh
Giai đoạn 2017 – 2022, Học viện đào tạo Khóa VIII (2018 – 2022) hệ Cử nhân Phật học. Đây là Khóa học rất đặc biệt trong lịch sử hơn 40 năm hình thành và phát triển của Học viện; là khóa trọng điểm để triển khai toàn diện các khâu của quy trình giáo dục – đào tạo theo tinh thần mới, ở tất cả các hệ, từ Liên thông, Cao đẳng đến Cử nhân và Sau Đại học, với một cơ sở vật chất tiện nghi được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Năm 2019, đại dịch Viêm đường hô hấp cấp – Covid-19 diễn ra vô cùng phức tạp và khốc liệt, tác động sâu sắc và toàn diện tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó ngành giáo dục và giáo dục Phật giáo chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề. Bên cạnh đó, Học viện phải đồng thời hoàn thiện tòa nhà Liên hợp Viên Quang, khởi công xây dựng Khu liên hợp Trai đường, hoàn tất các hạng mục cơ sở vật chất cơ bản của Học viện.
2. Những thành tựu căn bản
2.1. Về cơ sở vật chất
Qua 4 năm (2018 – 2022), Học viện đã có được một hệ thống cơ sở vật chất tiện nghi và khá hiện đại, có thể đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho gần 1.000 tăng, ni sinh nội trú tu – học. Nhà Bảo tàng – Hội trường lớn với hơn 6.000m2 sử dụng là nơi diễn ra các cuộc Hội thảo khoa học cấp Quốc gia và Quốc tế. Tòa nhà Liên hợp Viên Quang với hơn 10.000m2 sử dụng, có Phòng khánh tiết, Giảng đường, Thiền đường, Thư viện và Phòng Báo chí - Truyền thông. Khu Trai đường tiện nghi hiện đại hơn 5000m2, khu nhà Công vụ khang trang, phục vụ Chư tôn đức và quý Giảng sư thỉnh giảng. Ngoài ra còn có sân bóng đá mi-ni, sân cầu lông, bàn bóng bàn, sân bóng chuyền, đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe của cán bộ và tăng, ni trong Học viện.
Học viện đã xây dựng được Thư viện với hàng nghìn đầu sách, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu của tăng, ni sinh và các Học viên. Thư viện vẫn tiếp tục triển khai mở rộng, sưu tầm thêm các nguồn tư liệu có giá trị trong và ngoài nước, đồng thời xây dựng Thư viện số để phục vụ công tác nghiên cứu.
2.2. Về giáo dục – đào tạo
Trong công tác Quản trị Đại học nói chung, bên cạnh Hội đồng Trường (Hội đồng Điều hành Học viện), Hội đồng Khoa học có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Hội đồng Khoa học của Học viện là nơi quy tụ hầu hết những bậc thiện tri thức, những học giả có uy tín, lãnh đạo hoặc chuyên gia của các Viện, Trường Đại học hàng đầu trong nước, như: Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Xã hội học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Trần Nhân Tông (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Phổ thông dân lập Liên cấp Nguyễn Siêu... Dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Điều hành Học viện, với đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học trong Hội đồng Khoa học, sự hợp tác nhiệt tình có hiệu quả của các Viện và Trường Đại học, không kể những buổi Seminar về các chủ đề của khoa học đương đại, những bài giảng chuyên đề hay đại cương do các chuyên gia đầu ngành thuyết trình cho toàn thể Học viên hay các lớp học chính khóa, các tăng, ni sinh đã được thụ hưởng trực tiếp không khí học thuật cùng những tri thức khoa học từ những cuộc Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia tại Hội trường lớn của Học viện: Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam (ngày 16/12/2018); Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam – Nhân tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân (1041 – 1113) viên tịch cùng Chư vị Tổ sư Ni tiền bối hữu công và Đại lễ dâng hương tưởng niệm (các ngày 25, 26, 27/10/2019); Giáo dục học đường Phật giáo Việt Nam - 40 năm phát triển và những vấn đề đặt ra (được tổ chức trực tuyến, ngày 06/11/2021).
Xét từ góc độ Giáo dục Phật học học đường, sự hội tụ và khai thác tinh hoa tri thức phục vụ đúng đường hướng và mục tiêu, đến độ nhất định sẽ chuyển hóa thành năng lượng vật chất, có tác động vô hình nhưng vô cùng hữu hiệu tới chất lượng giảng dạy – học tập và nghiên cứu khoa học của Khóa VIII. Tiêu biểu như, 20 bản Luận văn tốt nghiệp Cử nhân Phật học Khóa VIII (2018 – 2022) được trình bày trước 3 Hội đồng Tiểu ban đã được Chư Tôn đức – Giảng sư và các Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành đánh giá rất cao.
Khung Chương trình của mỗi hệ và hệ thống Khung Chương trình trong tổng thể là xương sống của quy trình giáo dục – đào tạo. Từ Khóa V (2006 – 2010), Hòa thượng Thích Thanh Quyết, lúc đó còn là Phó Viện trưởng đã trực tiếp chỉ đạo bộ phận Học vụ thường xuyên tu chỉnh, hiện cải Khung Chương trình của mỗi hệ đào tạo, theo nguyên tắc “Hiện đại trên cơ sở truyền thống và thiết thực – Tích hợp kiến thức trong mỗi môn học”. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất nghèo nàn (chỉ có 1 giảng đường cho 2 lớp Tăng và Ni), giảng sư phần lớn là thỉnh giảng bị động... nên ý tưởng và chủ trương không thể triển thi trong hiện thực. Từ Khóa VIII (2018 – 2022), tòa nhà Viên Quang được đưa vào sử dụng, 367 tăng, ni sinh Khóa VIII chính thức nhập học, qua các kì kiểm tra đánh giá, căn cứ theo năng lực tư duy chia thành 6 lớp, trong đó có Lớp Chất lượng cao (HV.VIII.1), không ngoài mục đích nâng cao hiệu quả của quá trình dạy và học. Mô hình Lớp Chất lượng cao, tuyển chọn những sinh viên xuất sắc của mỗi khoa trong mỗi khóa, có ưu tiên về cơ sở vật chất và giáo viên giảng dạy, vốn đã có trong các trường Đại học nhằm đào tạo ra những Kĩ sư, Cử nhân chất lượng cao, mũi nhọn của mỗi ngành học... nhưng rồi cơ chế thị trường chi phối, Chất lượng cao nay được hiểu và vận hành theo nghĩa Dịch vụ chất lượng cao – Kinh phí cao. Lớp HV.VIII.1 của Học viện, học viên được miễn hoặc giảm một phần học phí, có chế độ học bổng cho học viên có thành tích xuất sắc; Phần cứng của Khung chương trình là chung cho các lớp, nhưng với lớp HV.VIII.1 có điều chỉnh thời lượng của mỗi môn học, ưu tiên giảng sư có kinh nghiệm và uy tín đứng lớp.
Học viện đã tăng cường thời lượng dành cho Luật học, trải đều trong toàn khóa để tăng, ni sinh nắm vững luật nghi; Bên cạnh hai môn sinh ngữ cần thiết là Anh ngữ và Tiếng Hán hiện đại, mỗi năm có 120 tiết Hán ngữ cổ đại; Tập trung những môn Thế học vào những năm đầu cho tăng, ni sinh làm quen phong cách học Đại học và bổ trợ kiến thức. Mỗi năm học dành ra 120 tiết cho môn Lịch sử tư tưởng triết học Phật giáo, từ Nguyên thủy đến Phát triển và đương đại; Với những bộ, hệ kinh lớn trước kia được bố trí 90 tiết (Kinh Lăng Nghiêm), 120 tiết (Kinh Pháp Hoa) hoặc 240 tiết (Hệ kinh Nikaya)… thì nay chỉ còn 45 tiết dạy tư tưởng của kinh, kiến thức được tích hợp trong quá trình giảng dạy mỗi kinh, trong môn Lịch sử tư tưởng triết học Phật giáo, và trong Luật hoặc trong Luận v.v.v…
Xét trên quan điểm giáo dục toàn diện của Giáo dục học đường Phật học, Khóa VIII hệ Cử nhân Phật học nói chung và Lớp Cử nhân Chất lượng cao (HV.VIII.1) nói riêng là Khóa học đã thể nghiệm thành công chủ trương đổi mới toàn diện mô hình và Quy trình giáo dục – đào tạo Phật học học đường, tạo nên điểm nhấn lớn trong đường hướng phát triển của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Từ chỗ dạy cái mình có chuyển sang dạy cái xã hội và Giáo hội cần, Khóa học 2018 – 2022, Học viện đã đào tạo 379 tăng, ni sinh và học viên đã hoàn thành các khóa học.
- Hệ Liên thông
Tháng 9/2020, 30 vị tăng, ni hệ Liên thông Khóa I (2014 - 2020) đã được nhận học vị Cử nhân Phật học, là nguồn đầu vào chất lượng cao của hệ Sau Đại học. Chương trình Hệ Liên thông được đào tạo trong 6 năm, trong đó 2 năm đầu học chương trình Sơ cấp, 2 năm tiếp theo học chương trình Trung cấp và 2 năm cuối học chương trình Cử nhân. Vì khung chương trình được xây dựng có hệ thống từ đầu nên không bị trùng lặp giữa các môn học và trình tự kiến thức từ thấp đến cao được giảng dạy xuyên suốt, liền mạch, phù hợp với trình độ của tăng, ni sinh, giúp cho việc đào tạo vẫn hiệu quả mà lại rút ngắn được thời gian (từ 2 đến 4 năm) so với đào tạo theo hệ thống giáo dục học đường Phật giáo hiện nay (2 năm Sơ cấp, 4 năm Trung cấp và 4 năm Cử nhân).
- Hệ Cao đẳng Phật học
Hệ Cao đẳng Phật học của Học viện được mở nhằm đáp ứng nhu cầu của tăng, ni ở các địa phương không có trường Trung cấp Phật học. Tháng 9 năm 2020, đã có 43 vị Cao đẳng Khóa V tốt nghiệp, hiện nay có 86 vị đang theo học Khóa VI và Khóa VII, và đang chiêu sinh Khóa VIII. Mỗi khóa Cao đẳng được đào tạo trong 3 năm rưỡi, trong đó 2 năm đầu học chương trình Trung cấp và 1 năm rưỡi sau học chương trình Cử nhân.
- Hệ Cử nhân Phật học
Ngày 10/5/2018, 367 tăng, ni sinh trúng tuyển Khóa VIII của hệ Cử nhân Phật học đã nhập học. Qua 4 năm, gồm 8 học kì, với gần 4.000 tiết học lí thuyết trên giảng đường và 1.200 ngày sinh hoạt nội trú tu – học trong điều kiện đặc biệt, với những thành tích ấn tượng đáng tự hào: ngày 4/9/2022, có 299 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, trong đó 20 vị đạt thành tích xuất sắc (6,7%); 93 vị Giỏi (31%); 159 vị Khá (53,2%); 27 vị Trung bình (9%).
- Hệ Sau Đại học
Từ năm 2018, bước ngoặt đến với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội khi các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cho phép chiêu sinh và mở hệ đào tạo Sau Đại học. Khóa I hệ đào tạo Sau Đại học được khai giảng vào ngày 24/11/2028 là kết tinh của công sức, trí tuệ, và hơn hết là tấm lòng của Chư tôn đức, các cơ quan hữu quan, các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế, của Quý vị Giảng sư, Thân giáo sư, tịnh tài tịnh vật của các tổ chức và cá nhân..., vì sự nghiệp giáo dục – đào tạo Tăng tài. Khóa I Sau Đại học có 48 vị học viên Cao học (2018 – 2021) và 5 vị Nghiên cứu sinh (2018 – 2023). Hiện nay Học viện đang đào tạo Khóa II, III và IV, với tổng số 200 Học viên Cao học và 26 Nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của Đại dịch Covid – 19 nhưng với 35 bản Đề cương nghiên cứu và Bản thảo lần I đã được thông qua, đặc biệt là 07 vị Học viên Cao học Khóa I đã được trao học vị Thạc sĩ Phật học ngày 04/9/2022 là những trái ngọt đầu tiên, ghi đậm dấu son trong lịch sử của Học viện Phật giáo Việt Nam – tại Hà Nội.
2.3. Về công tác quản lí tu– học
Cùng với việc đổi mới Khung chương trình, nâng cao chất lượng dạy và học, vấn đề quản lý Học viên nội trú toàn thời gian nhằm thực hiện phương châm Tu để Học – Học để Tu. Giáo dục thế gian là nhằm truyền thụ kiến thức, còn bản chất của giáo dục Phật giáo là “giáo hóa”, tức là trong môi trường đặc biệt, tùy từng bậc học, thông qua giáo dục (bằng Thân giáo, Khẩu giáo và Ý giáo), nhắm tới đích cao hơn là mỗi cá nhân Học viên phải tự chuyển hóa thân tâm theo hướng tích cực. Nhận thấy sự bất cập của hình thức quản lý truyền thống, từ Khóa VII (2014 – 2018), Hòa thượng Viện trưởng đã trực tiếp chỉ đạo các bộ phận chức năng thử nghiệm phương thức xóa bỏ chế độ Chủ nhiệm lớp, thực hiện chế độ chuyên viên đối với cán bộ quản lý, tăng cường cơ chế tự giác - tự quản cho tăng, ni sinh, cán bộ chỉ là người định hướng, giám sát và quản lí, và với Khóa VIII (2018 – 2022), công tác quản lý theo cơ chế Tự quản đã chính thức đi vào nề nếp.
Trong đời sống tu – học hàng ngày, việc thực hiện Nội quy trên Giảng đường, Kí túc xá và Trai đường, tổ chức hoạt động của các Câu lạc bộ, các Ban như Nghi lễ, Đời sống, Lao động... đều giao quyền tự giác - tự quản, tự phân công, tự đánh giá cho tăng, ni sinh. Với trách nhiệm là người quản lý, Cán bộ Văn phòng được giao nhiệm vụ Quản chúng, là người tổ chức, giám sát, điều chỉnh và đưa ra nhận xét. Thực tiễn đã chứng minh, chủ trương này một mặt đã phát huy được tinh thần chủ động, tự giác, sáng tạo, ý thức trách nhiệm trong công việc cụ thể, cũng như năng lực tổ chức của mỗi cá nhân tăng, ni sinh; mặt khác, hạn chế được tâm lý, thậm chí là hành động xung đột đấu tranh thường xảy ra giữa người quản lý và người bị quản lý. Dưới sự giám sát của Cán bộ Văn phòng, tăng, ni sinh tự quản lý lương thực thực phẩm và lên thực đơn từng bữa ăn, khắc phục được tình trạng thất thoát thường thấy ở các bếp ăn tập thể mà chất lượng khẩu phần ăn lại đảm bảo hơn. Hơn nữa, như bậc Cổ đức thường nói “Nhân tu vạn hạnh”, mỗi người có căn cơ phẩm hạnh khác nhau, qua cơ chế Tự giác - Tự quản, hạnh Lục hòa, pháp Tứ nhiếp... sẽ được huân tập, thể hiện sống động trong đời sống hàng ngày, qua đó mỗi học viên từng bước chuyển hóa thân tâm theo hướng tích cực.
Học viện đã tổ chức nhiều khóa lễ lớn vào các dịp lễ trọng của Phật giáo Bắc truyền như: Lễ Phật đản, Lễ Vu lan Báo hiếu, Lễ kỉ niệm ngày đức Phật Thích Ca thành đạo, Lễ kỉ niệm ngày Khánh đản của đức Bồ tát Quán Thế Âm… Trong các dịp lễ lớn này, đã có rất đông đảo quý phật tử, tín đồ đến dự lễ, tham quan, chiêm bái. Bởi hiếm có các khóa lễ nào có sự tham dự của trên 500 Chư tôn giáo phẩm và tăng, ni như các khóa lễ tại Học viện, vừa trang nghiêm vừa hùng tráng. Học viện thực sự trở thành nơi thực hành nghi lễ, là nơi phát đi thông điệp về những giá trị tinh hoa của Phật giáo.
Trên tinh thần đó, trong các khâu của quy trình giáo dục – đào tạo, từ xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng chương trình, cho đến quản lý tu – học, Chư tôn đức Lãnh đạo thường hằng quán triệt: Thực hiện nghiêm, đúng quy trình và chất lượng đào tạo, có trách nhiệm cao trước Xã hội và Giáo hội; Bất cứ trong hoàn cảnh nào hay vì lí do gì cũng không được xa rời Mục tiêu của Giáo dục Phật giáo Việt Nam là Nhân bản - Trí tuệ - Phục vụ đạo pháp và dân tộc, với Phương châm Tu – Học Lưỡng toàn.
3. Kết luận
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự hưng thịnh của Phật giáo đó là chất lượng của tăng, ni. Chùa chiền dù xây dựng to lớn như thế nào, nhưng nếu không có tăng, ni tu tập và hướng dẫn phật tử theo đúng chính pháp của đức Phật thì ngôi chùa cũng không có ý nghĩa.
Những thành tựu phật sự trong Khóa VIII (2018 – 2022) của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội xứng đáng là những đóa hoa tươi thắm kính dâng lên Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc Lần thứ IX (2022 – 2027). Đây cũng là nền tảng vững chắc để Học viện bước vào năm học mới (2022 – 2023) của Khóa IX (2022 - 2026), với niềm tin, khí thế và thành tựu mới.
Khóa IX (2022 – 2026) khai giảng ngày 04/9/2022 là khóa học diễn ra trong không khí và niềm tin của những người con Phật đang hướng về Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc Lần thứ IX (2022 – 2027), chúng ta hãy cùng tin tưởng rằng, nhờ lực gia trì của Tam bảo và lịch đại Tổ sư, sự lãnh đạo của Chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Ban Giáo dục Phật giáo, Hội đồng Điều hành Học viện, sự nhiệt tâm Chư tôn đức Giảng sư và sự nhiệt tình - tự giác - chủ động tham gia mọi mặt của đời sống tu – học tại Học viện của hơn 650 tăng, ni sinh và Học viên, sẽ đem lại cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội một luồng sinh khí mới, một nguồn năng lượng mới để hoàn thành phật sự đào tạo tăng tài, đáp ứng sự tin tưởng của Giáo hội và xã hội đã kỳ vọng và giao phó.
Thích Nữ Mai Anh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022
Bình luận (0)