Trang chủ Chuyên đề Thành lập Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam

Thành lập Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

Tóm tắt: Sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng xây dựng một trung tâm tư liệu nhằm mục đích sưu tầm các nguồn tư liệu về Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước, tiếp đến là bảo quản, nghiên cứu phát huy giá trị của nguồn tư liệu, phục vụ đào tạo cho các tăng, ni, phật tử, học viên, sinh viên về Phật giáo nói chung và các kiến thức liên ngành liên quan đến Phật giáo nói riêng. Được sự đồng ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã quyết định thành lập Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam thuộc Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội.

Trung tâm sẽ sưu tầm, bảo quản, kết nối để sưu tầm được các nguồn tư liệu đang tản mát nhiều nơi trên cả nước và tiến tới là ở nước ngoài. Tiến tới phục vụ khai thác tư liệu nhằm phát huy được giá trị to lớn của tư liệu liên quan đến Phật giáo nước nhà.
Từ khóa: Sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, khai thác giá trị, tư liệu Phật giáo, Trung tâm.

1. Mở đầu

Lịch sử Phật giáo Việt Nam kể từ khi truyền nhập phát triển và tồn tại đến ngày nay, đã trải qua chặng đường dài với hơn hai thiên niên kỷ, trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi một giai đoạn, một triều đại đều đã để lại những dấu ấn riêng cho sự phát triển của Phật giáo. Trong quá trình phát triển đã hình thành nên một di sản tư liệu liên quan đến Phật giáo qua các thời kỳ khác nhau. Đó không chỉ là kinh sách, mà là hệ thống kiến trúc, mỹ thuật biểu tượng, di văn, di vật, pháp khí… Có thể nói nguồn tư liệu liên quan đến Phật giáo nước ta hết sức phong phú đa dạng, nhiều loại hình mang nhiều giá trị đối với Phật giáo và lịch sử.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Trung tam tu lieu Phat giao Viet Nam 1

Chùa Đại Từ Ân, Đan Phượng, Hà Nội – Ảnh: Văn Khuê

Trải qua bao phen binh lửa, thiên tai, sự thay đổi của khí hậu, thời tiết nhiều tư liệu đã bị hư hỏng, mất mát. Nhiều chùa cổ, kinh sách, khoa cúng các tổ, bia đá đã không còn. Chính vì những lý do trên mà cần thiết phải có một trung tâm sưu tầm lại các nguồn tư liệu của Phật giáo, nhằm “cấp cứu” những gì còn lại.

Các nguồn tư liệu về Phật giáo Việt Nam là di sản lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, tâm linh rất quan trọng. Đây là nguồn tài sản tri thức lớn của Việt Nam, chứa đựng nhiều lớp thông tin có giá trị to lớn về văn hóa, tôn giáo, xã hội, tín ngưỡng, văn hiến, lịch sử, kiến trúc… Việc thu thập, lưu trữ bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị của khối tư liệu đó sẽ mang lại những lợi ích to lớn trên nhiều phương diện, góp phần vào việc hoằng dương Phật pháp, lưu giữ truyền thống văn hiến và giá trị to lớn của dân tộc.

Thực tế tại Việt Nam hiện nay nếu có thể tập hợp được các nguồn tư liệu liên quan đến Phật giáo để xây dựng một trung tâm quy mô sẽ tạo nên sức mạnh tri thức tổng hợp về Phật giáo Việt Nam. Điều này không chỉ cần thiết cho cộng đồng học giả, các chùa ở trong nước sử dụng thuận tiện mà còn thu hút cộng đồng quốc tế đến khai thác, qua đó góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam và ngành tôn giáo học, làm cho thế giới biết nhiều hơn đến Việt Nam.

Trên phương diện khoa học – đào tạo, trung tâm tư liệu tổng hợp nghiên cứu Phật giáo Việt Nam sẽ góp phần tạo dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) cần thiết cho sự phát triển chung của nhiều ngành khoa học, mở mang tri thức học thuật; phục dựng lại một cách khách quan, chân thực vị thế, vai trò của Phật giáo Việt Nam, tính lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, văn học và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Trên phương diện chính trị – xã hội, một trung tâm dữ liệu tổng hợp sẽ đóng góp quan trọng vào công tác hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược quốc gia về tôn giáo tín ngưỡng nói chung và Phật giáo nói riêng.

2. Tư liệu Phật giáo Việt Nam cần được bảo tồn và khai thác

Pháp lệnh Lưu trữ Quốc gia năm 2001 đã khẳng định: “Tài liệu lưu trữ là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Điều 4 và Điều 5 của Pháp lệnh cũng đã đồng thời nêu rõ quan điểm của Nhà nước về việc thu thập tài liệu lưu trữ của Việt Nam và về Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Theo đó, “Nhà nước khuyến khích việc mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc thu thập, quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ quốc gia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia”…; “Tài liệu riêng của cá nhân, gia đình, dòng họ có giá trị… được Nhà nước đăng ký và bảo hộ”. Luật Lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2011 tiếp tục khẳng định chính sách của Nhà nước đối với công tác lưu trữ, đặc biệt quy định “Tập trung hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật và ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động lưu trữ”; “Thừa nhận quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ; khuyến khích tổ chức, cá nhân hiến tặng, ký gửi, bán tài liệu lưu trữ của mình cho Nhà nước, đóng góp, tài trợ cho hoạt động lưu trữ và thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ”(1). Luật Thư viện ngày 21 tháng 11 năm 2019 cũng khẳng định chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân “Sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học” “Hiện đại hóa thư viện; xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông thư viện trong nước và nước ngoài”(2).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Trung tam tu lieu Phat giao Viet Nam 2

Phòng điều hành của Trung tâm – Ảnh: Huy Khuyến

– Tư liệu Phật giáo Việt Nam đang được lưu trữ ở trong nước là những tư liệu có giá trị phản ánh tiến trình lịch sử và văn hóa tín ngưỡng liên quan đến lịch sử Phật giáo, quá trình hình thành và phát triển, các hoạt động giáo dục đào tạo tăng ni, công tác xây dựng mở mang trùng tu chùa chiền, công tác nghiên cứu phát huy giá trị của tư liệu Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh Phật giáo khu vực và trên thế giới.

– Những tư liệu về Phật giáo Việt Nam là những tư liệu thể hiện, phản ánh tất cả những gì thuộc về đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện tự nhiên, lịch sử… liên quan đến hoạt động Phật giáo, tín ngưỡng, tâm linh.

– Các loại hình tư liệu gồm các loại chính: tư liệu chữ viết (trên các chất liệu giấy, gỗ, đá, kim loại…), tư liệu hiện vật như tượng, câu đối, hoành phi, bia đá, khánh, bệ tháp, tư liệu số hóa, tư liệu đa phương tiện (Multimedia).

3. Thực trạng công tác sưu tầm, lưu trữ và quản lý khai thác nguồn tư liệu về Phật giáo Việt Nam hiện nay

Tư liệu Phật giáo Việt Nam đã được một số tổ chức, cơ quan nghiên cứu và các cá nhân sưu tầm, xuất bản và số hoá như: Thư viện Huệ Quang, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trung tâm Pali học, Trung tâm Phật học Sanskrit, Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Hán truyền, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng thiền học Nam Truyền, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng thiền học Bắc Truyền, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Văn học Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Trần Nhân Tông… Những đơn vị này mặc dù đã có quan tâm sưu tầm tư liệu, nhưng công tác sưu tầm mới chỉ dừng lại ở phạm vi số hóa kinh sách, in dập bia ký, số hóa hiện vật…

Ngoài các nguồn tư liệu được lưu trữ tại một số trung tâm, cơ sở lưu trữ hiện nay ở trong nước, tình hình sưu tầm, thu thập và khai thác các tư liệu Phật giáo Việt Nam đang bộc lộ một số bất cập như:

– Chưa khảo sát và sưu tầm được nhiều nguồn tư liệu nội sinh quý hiếm của Việt Nam, đặc biệt là tư liệu còn bảo quản tại các chùa và tịnh thất, tư gia, các cá nhân.

– Sự phân tán của các nguồn tư liệu Phật giáo Việt Nam ở nhiều vùng trên cả nước.

– Còn nhiều nguồn tư liệu nước ngoài về Phật giáo Việt Nam chưa được khảo sát và sưu tầm.

– Nhiều tư liệu quý như tượng cổ, pháp khí độc bản đang đứng trước nguy cơ hư hỏng hoặc biến mất vĩnh viễn.

– Hiện trạng phân tán và tính kết nối rất thấp của hệ thống lưu trữ tư liệu liên quan đến Phật giáo Việt Nam ở trong – ngoài nước.

Những tư liệu liên quan đến Phật giáo Việt Nam cần được bảo tồn, số hoá, hiện còn nằm rải rác ở nhiều chùa trên khắp cả nước. Việc hình thành Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam cơ bản sẽ khắc phục được những hạn chế nêu trên, đồng thời có những đóng góp đột phá về tập hợp các nguồn tư liệu quý hiếm về Phật giáo, phát triển hệ thống tư liệu số, kết nối các trung tâm tư liệu nghiên cứu Phật học, và tôn giáo ở trong nước và nước ngoài; phục vụ cho việc gìn giữ, nghiên cứu, phát huy giá trị của nguồn tư liệu này đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Trung tam tu lieu Phat giao Viet Nam 3

4. Tư liệu Phật giáo Việt Nam cần được sưu tầm, lưu trữ kết hợp với khai thác giá trị

Ý nghĩa

– Hình thành được một trung tâm lưu trữ ký ức về Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ dưới dạng một trung tâm tư liệu liên quan tới các loại hình tư liệu, các dạng tư liệu khác nhau.

– Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam sẽ là nơi giao lưu kết nối những người quan tâm tới tôn giáo tín ngưỡng, Phật giáo Việt Nam.

– Là một trung tâm bảo tồn và lưu trữ các tài liệu quý, hiếm liên quan đến Phật giáo.

– Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam sẽ là nơi cung cấp các loại tư liệu phục vụ đào tạo, nghiên cứu liên ngành liên quan tới tôn giáo học và là nơi tổ chức nghiên cứu về bảo tồn tư liệu Phật giáo Việt Nam.

Nhiệm vụ sưu tầm, lưu trữ tư liệu Phật giáo Việt Nam có ý nghĩa hết sức lớn lao. Tuy nhiên, nếu tách riêng nhiệm vụ này với việc triển khai sử dụng và khai thác thì tính hướng đích quá vĩ mô, chung và rộng; tính cấp bách của quá trình đôi lúc cũng hạn chế. Nếu kết hợp với mục tiêu nghiên cứu và đào tạo về tôn giáo, việc sưu tầm sẽ có tính hướng đích trực tiếp hơn; việc thiết kế kế hoạch và địa chỉ sưu tầm chính xác hơn; các giá trị của tư liệu sẽ được xác định chính xác và nhanh chóng. Do đó, có thể thúc đẩy nhanh quá trình tìm kiếm, thu thập tư liệu. Hơn thế nữa, việc khảo sát, sưu tầm tư liệu phục vụ học thuật nhiều khi còn thuận lợi hơn mục đích sưu tầm để lưu trữ.

Mục tiêu chung

– Xây dựng một Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam quy mô và đầy đủ, theo hướng tích hợp, liên ngành, hiện đại, bao gồm nhiều chức năng khác nhau: bảo tồn, lưu giữ, trưng bày và khai thác phát huy giá trị thông qua các hoạt động phục vụ nghiên cứu, đào tạo và phát triển sản phẩm liên quan tới cơ sở dữ liệu.

– Xây dựng Hệ thống tư liệu về Phật giáo Việt Nam được số hóa gồm nhiều loại hình khác nhau, liên quan đến các khía cạnh của đời sống dân tộc Việt Nam: văn hóa Phật giáo, văn học Phật giáo, nghệ thuật, tư tưởng, tôn giáo, điêu khắc, kiến trúc….

Mục tiêu cụ thể

– Hình thành một trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam có cơ sở vật chất, con người, công nghệ và dữ liệu phục vụ nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tôn giáo, tín ngưỡng, văn học và văn hóa Phật giáo.

– Khảo sát đánh giá toàn diện được hiện trạng các nguồn tư liệu Phật giáo Việt Nam đang còn ở trong nước và tiếp cận với nước ngoài; xây dựng được hệ thống danh mục chi tiết các khối tư liệu Phật giáo Việt Nam ở trong nước; tổ chức sưu tầm các nguồn tư liệu hiện còn. Tổ chức lưu trữ, bảo tồn và khai thác tại Trung tâm, hướng đến việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về Di sản Phật giáo Việt Nam trình UNESSCO công nhận di sản tư liệu kí ức thế giới, đặc biệt là bộ ván in kinh của các chùa còn rất nhiều.

– Xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) số về tư liệu Phật giáo Việt Nam phục vụ tra cứu theo các nhu cầu nghiên cứu, đào tạo và khai thác với mục đích khác nhau. Hệ thống CSDL này có tính liên ngành, phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, giải mã và phục vụ đào tạo trong các trường Đại học, Trung cấp Phật học, Học viện, các cá nhân tổ chức quan tâm nghiên cứu.

– Đầu tư được trang thiết bị, giải pháp công nghệ số và cơ sở vật chất để số hóa và khai thác, sử dụng tư liệu này. Phát triển hệ thống cơ sở vật chất hiện đại để tối ưu hóa khả năng khai thác các nguồn tư liệu.

– Tổ chức kết nối được với các trung tâm trong nước như Thư viện Huệ Quang, Trung tâm Liễu Quán, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Bộ môn tôn giáo học, các trường Trung cấp Phật học tại các địa phương, Viện Trần Nhân Tông, Thư viện An Vi và hệ thống các chùa trên khắp cả nước….

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Trung tam tu lieu Phat giao Viet Nam 4

Phòng điều hành của Trung tâm – Ảnh: Huy Khuyến

5. Định hướng phát triển của Trung tâm

Sưu tầm quản lý tư liệu Phật giáo Việt Nam

– Sưu tầm, bảo quản các loại hình tư liệu về Phật giáo Việt Nam như: tài liệu số hóa, tài liệu dạng phẳng, tài liệu hình khối, tài liệu âm thanh, video,… áp dụng kỹ thuật tiên tiến để bảo quản, tu bổ phục chế tư liệu liên quan.

– Tổ chức khai thác, sử dụng, phát huy giá trị của tư liệu.

– Trưng bày, công bố các tư liệu quý hiếm.

– Tổ chức nghiên cứu, biên dịch, xuất bản các công trình liên quan.

Nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ nghiên cứu khoa học

– Nghiên cứu tư liệu, nghiên cứu các hướng khai thác tư liệu Phật giáo Việt Nam.

– Tham mưu đề xuất thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến khai thác, sử dụng tư liệu hiệu quả.

– Tổ chức và phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học, các hội thảo, hội nghị liên quan.

– Công bố và xuất bản các nghiên cứu về tư liệu Phật giáo Việt Nam.

Hoạt động phục vụ đào tạo liên kết

– Tổ chức hoạt động phục vụ đào tạo kiến thức theo chuyên đề, dự án hợp tác, trao đổi học viên.

– Tổ chức bồi dưỡng các khóa học ngắn hạn, dài hạn cho các tăng ni, học viên các trường thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

– Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng xử lý, khai thác tư liệu.

Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu tư liệu Phật giáo Việt Nam

– Hợp tác, chia sẻ, kết nối với các trung tâm lưu trữ, thư viện, viện nghiên cứu và các trường đại học, các chùa, tịnh thất, cơ sở thờ tự, di tích để sưu tầm, khai thác tư liệu Phật giáo Việt Nam.

– Kết nối các chuyên gia về Phật giáo Việt Nam, các tác giả, các diễn giả nói chuyện chuyên đề, giới thiệu tư liệu….

– Tổ chức giới thiệu, quảng bá các thành quả về công tác sưu tầm tư liệu Phật giáo Việt Nam.

– Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, hợp tác về công tác sưu tầm, khai thác, bảo quản, phục chế tư liệu với các cá nhân, đơn vị, tổ chức, trong và ngoài nước.

6. Lời kết

Sau khi thành lập, Trung tâm sẽ tập trung phát triển hạ tầng công nghệ phần cứng, các trang thiết bị và phần mềm; đồng thời đầu tư thu thập nguồn tài nguyên thông tin ở các dạng thức khác nhau.

Ưu tiên tiếp theo là chia sẻ nguồn dữ liệu đã được số hóa từ các cơ sở nói trên, tiếp tục số hóa các nguồn tài liệu đã được thu thập, phân loại và xử lý. Đồng thời, cũng cần phải dành sự quan tâm và đầu tư phù hợp để tổ chức tiếp tục sưu tầm, thu thập, xử lý và số hóa các tư liệu còn đang lưu giữ trong dân gian.

Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng và dữ liệu cho Trung tâm, cần tổ chức trưng bày, giới thiệu các tư liệu quý, hiếm thu thập được cùng với các hoạt động hội thảo, hội nghị, hợp tác quốc tế để tạo diễn đàn học thuật về Phật giáo Việt Nam tại Trung tâm.

Trung tâm hướng tới việc triển khai thực hiện các hoạt động khai thác, sử dụng tư liệu song song với việc thu thập, bổ sung, phát triển nguồn tư liệu đã có. Kết hợp với đó là các hoạt động nghiên cứu khoa học, xuất bản phẩm phục vụ đào tạo bồi dưỡng và thực hiện các dịch vụ về tư liệu.

Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

***

CHÚ THÍCH:
(1) Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011, Điều 4.
(2) Luật Thư viện số 46/2019/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2019, Điều 5.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường