Sự kiện Thái tử Tất Đạt Đa giáng trần, được diễn tả: “Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc, Ba ngàn thế giới đón Như Lai”. Ngài ra đời, bước đi trên bảy đóa sen, ngước nhìn sáu phương, bước cuối cùng dừng lại tuyên bố: “Trên trời dưới đất, duy chỉ có Ta tôn quý, Ta muốn độ chúng sinh thoát khỏi sinh già bệnh chết”, xác quyết sự thành tựu Vô thượng giác. Cho nên trong Phẩm Thụy Ứng Kinh Ưu bà di Pháp môn Tịnh hạnh khẳng định: “Bồ tát Đản sinh, bước thứ nhất nhìn về phương Đông, vì chúng sinh mà làm bậc dẫn đường tối thượng. Phương Đông, nơi phát xuất bình minh tuệ giác. Chúng sinh từ nơi tăm tối của dục vọng, vô minh muốn cất bước chân đầu tiên vào đạo lộ giải thoát phải nương theo tuệ giác, tiếp nhận ánh sáng Tam bảo để hoàn thiện nhân cách. Muốn vậy, phải kiện toàn đạo đức, tri thức thông qua học hỏi, suy nghiệm và thực hành Chính pháp. Trước khi trở thành thánh nhân, phải nỗ lực để sống xứng đáng là một con người. Do vậy, tu tập Nhân thừa chính là bước chân đầu tiên. Bước chân này phải đặt trên hoa sen mới đúng nghĩa và trọn vẹn”. Vì vậy, sự vào đời của Thái Tử Tất Đạt Đa với bảy bước chân trí tuệ, từ bi, hỷ xả, an lạc, vô tranh, bất nhiễm và tự tại của Ngài đã thể hiện cư trần bất nhiễm trần mà ba đời chư Phật đã đi qua.
Hình ảnh dòng nước mát từ các cõi trời đổ xuống tắm sạch hình hài của thái tử sẽ rửa sạch những tư tưởng bất tịnh, hận thù, giết chóc trong tâm chúng ta, và… Vì vậy trong kinh Pháp Hoa khẳng định, Ngài thị hiện ra đời là vì một đại nhân duyên lớn “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”.
Sự có mặt của Ngài là một sự kiện trọng đại cho số đông loài người và các cõi trời; Ngài đã “đặt dấu chấm hết” cho kiếp sống luân hồi sinh tử, thông qua câu nói đầy ấn tượng: “Con người khổ đau không phải do thiếu cơm ăn áo mặc hay đối mặt với sống chết mà do thiếu trí tuệ”. Ngài là vị cứu tinh của cả nhân loại. Ngài là người đầu tiên khởi xướng thuyết “nhân bản”, lấy con người làm cứu cánh để giải quyết các vấn đề bế tắc của thời đại, cả về nhân giới, tâm giới và siêu giới. Đạo lý của Ngài là nguồn sống, là ánh sáng, và là niềm tin cho nhân loại, chân lý đó đã vượt không gian và thời gian... Sự xuất hiện của Thái Tử Tất Đạt Đa là một niềm vui vô tận cho tất cả muôn loài chúng sinh. Ngài quán sát thấy chúng sinh chịu khổ đau triền miên vô bờ bến trong lục đạo, chỉ có con đường chuyển hóa nghiệp, hướng đến chấm dứt nghiệp, tâm phải nương vào thiền định để thân chứng vô ngã tính, và vạn pháp giai không, từ đó mới thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, đạt đến Niết bàn tịch tĩnh.
Cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni gắn liền với một huyền thoại tuyệt đẹp, phi phàm và thi vị nhất. Khi vừa mở mắt chào đời, Ngài đã nhẹ nhàng bước trên bảy đóa sen, tay phải chỉ lên trời, tay trái trỏ xuống đất và dõng dạc tuyên ngôn: “Ta là Đấng cao quý tột cùng trong thiên hạ”. Một biểu tượng cho trí tuệ trong nghệ thuật Phật giáo, hoa sen còn đại diện cho sự tinh khiết và thanh cao của tâm linh. Bên cạnh đó, bảy bước hoa sen của đức Phật chỉ cho bảy hướng: Đông, Tây, Bắc, Nam, Trên, Dưới và Tại đây, như vậy không tương đồng với bất kỳ huyền thoại nào khác. Đức Phật ra đời trong một bối cảnh xã hội Ấn Độ đầy phức tạp.
Mặc dù trong giai đoạn này thế lực chính thống của Bà La Môn giáo đã đến thời kỳ suy yếu, thay vào đó sáu phái triết học và bảy mươi hai tà kiến, với nhiều lập trường triết thuyết tranh nhau hùng cứ khắp các khu vực thượng và hạ lưu sông Hằng. Sự ra đời của Ngài như để dàn xếp và thống nhất các học thuyết tư tưởng bằng sự giác ngộ thực tại duyên khởi, và chỉ có đức Phật mới làm được cuộc cách mạng lịch sử thống nhiếp các trào lưu tư tưởng đương thời. Chúng ta thật sự xúc động khi cảm nhận được tâm trạng “rất người” mà thái tử Tất Đạt Đa trải qua khi Ngài đối diện với cảnh thăng trầm, vinh nhục của nhân thế. Bởi lẽ, chỉ có con người mới cảm thông được cái vui, cái buồn của kiếp người. Chỉ có con người mới cảm nhận được nỗi đau sinh, lão, bệnh, tử của con người. Chỉ có con người mới hiểu thấu nỗi khổ “ái biệt ly” khi lìa xa hay mất mát những người thân yêu của mình. Ai đang cưu mang thân phận kiếp người mới biết được con người đang thiếu gì, đang cần gì và đang muốn gì. Thậm chí, ngay cả đồng loại của nhau nhưng chưa chắc người giàu đã cảm nhận được niềm hạnh phúc to lớn mà người nghèo mơ ước, một bữa ăn no, một chiếc áo mới, một giấc ngủ bình an. Giai cấp thống trị có lẽ không bao giờ cảm thông được nỗi thống khổ của tầng lớp bị trị, dù họ ý thức rằng cái quyền lực, lợi danh của họ được xây dựng trên mồ hôi, nước mắt và máu của kẻ khác. Với biết bao thế kỷ tang thương, cuộc dâu bể đổi dời, huyền thoại về sự ra đời của Ngài như vẳng nghe mới hôm nao bên những trang kinh tưởng chừng như chưa ráo mực. Đức Phật Thích Ca sinh ra trong thế giới này với vị thế của một con người và trở thành bậc Thầy tôn quý của trời người thật sự vô cùng có ý nghĩa, vì mở ra một chương mới trong lịch sử tư tưởng nhân loại.
Suốt 29 năm sống trong cung vàng điện ngọc, được sự chiều chuộng của tất cả mọi người trong hoàng cung, nhất là vua cha và kế hậu cùng công chúa xinh đẹp Da Du Đà La luôn để ý chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi, khiến cho Thái tử lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ hạnh phúc. Một mình Ngài được hưởng thụ mọi thứ vinh hoa trên cõi đời này. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm (Anguttara Nikãya, phần 1, trg 145) có ghi lời Ngài kể cho đệ tử nghe như sau: “Đời sống của ta thật là tế nhị, vô cùng tinh vi. Trong hoàng cung, chỗ ta ở, phụ hoàng có đào ao, xây những đầm sen. Khi sen xanh đua nhau khoe màu ở đây thì sen đỏ vươn mình phô sắc phía bên kia, và trong đầm bên cạnh, sen trắng đua nhau tranh đẹp dưới ánh nắng ban mai. Trầm hương của ta dùng đều là loại thượng hảo hạng từ xứ Kasi đưa về. Khăn và áo của ta cũng may toàn bằng hàng lụa bậc nhất từ xứ Kasi chở đến. Ngày cũng như đêm, mỗi khi ta bước chân ra khỏi cung điện là có tàng lọng che sương đỡ nắng. Phụ hoàng cũng kiến tạo riêng cho ta ba toà cung điện. Một để cho ta ở mùa lạnh, một mùa nóng và một mùa mưa. Trong suốt bốn tháng mưa ta lưu tại một biệt điện có đầy đủ tiện nghi, giữa những cung tần phi nữ. Cho đến hàng nô tỳ của phụ hoàng cũng được ăn sung mặc sướng chớ không phải như ở các nhà khác, gia đình chỉ được ăn cơm xấu và thức ăn cũ.” Cuộc hành trình tìm chân lý của ngài còn nhiều điều để phật tử hậu lai suy ngẫm và học hỏi, nhưng cái thời khắc bi tráng nhất có lẽ là lúc ngài đứng bên bờ sông Anoma dùng gươm cắt tóc và cởi hoàng bào đưa cho Xa Nặc. Chúng ta không khỏi động lòng khi hình dung giây phút bi hùng ấy, giây phút mà thanh gươm báu cắt đứt mái tóc dài của người, nhóm trần lao kia đã ra khỏi thân ngài như là một lời nguyện kể từ đây con đường ngài đi dù bao nhiêu gian khổ cũng quyết tìm cho ra chân lý, dù bao nhiêu chướng ngại cũng không thối chuyển tâm nguyện. Chí nguyện ấy thật kiên cường biết bao và cuối cùng ngài cũng đã thành tựu đạo quả để cho hôm nay nhân loại được tắm gội trong ánh hào quang tỏa rạng giáo pháp của ngài.
Trong kinh Trung A Hàm (Majjhima Nikãya, Phần 1 - Ariyapariyesana Sutta số 26, trang 163) có ghi lại sự suy nghĩ của Thái tử Sĩ Đạt Ta như sau: “Chính ta phải chịu sinh, già, bệnh, chết, phiền não và ô nhiễm. Tại sao vẫn mải mê chạy theo những điều mà bản chất cũng còn như vậy. Vì chịu sinh, lão, bệnh, tử, phiền não và ô nhiễm, ta đã nhận thức sự bất lợi của những điều ấy. Hay ta thử đi tìm cái chưa thành đạt, cái tối thượng và tuyệt đối của Niết Bàn”. Nói về cuộc sống tại gia, cũng trong kinh Trung A Hàm, Phần 1, Mahãsaccaka Sutta số 36, kể lại rằng: “Đời sống tại gia rất tù túng chật hẹp, là chỗ ẩn náu của bụi trần ô trược, nhưng đời của bậc xuất gia quả thật là cảnh trời mênh mông bát ngát. Người đã quen với nếp sống gia đình ắt thấy khó mà chịu được đời sống đạo hạnh thiêng liêng với tất cả sự hoàn hảo và trong sạch của nó.” Nhận định rõ ràng những thích thú vật chất mà phần đông tranh giành nhau đều không thể đem lại lợi ích bền vững, chỉ có sự xuất gia, từ bỏ tất cả mùi danh bã lợi của trần gian này mới thật là chân giá trị, nên Thái tử Sĩ Đạt Ta dứt khoát rời bỏ cung điện, với ngai vàng và tương lai là ngôi vua đứng đầu thiên hạ, từ giã người vợ cao sang quyền quý xinh đẹp, và đứa con kháu khỉnh dễ thương vừa mới chào đời, để đi tìm Chân lý tịch tịnh trường cửu. Hy sinh tình cảm riêng tư để ra đi, không phải Thái tử ích kỷ chỉ nghĩ riêng cho bản thân mình, mà Ngài ra đi để tìm pháp tu hầu tự cứu mình và cứu hàng hàng lớp lớp chúng sinh đang lặn ngụp trong biển khổ, trong đó cho phụ hoàng, mẫu hậu, vợ con của Ngài.
Từ một Thái tử giàu sang vinh hiển tột bậc. Ngài trở thành một đạo sĩ, không tiền của, không cửa nhà, sống nhờ lòng từ thiện của bá tính thập phương. Ngài không có một nơi chốn nào nhất định. Hôm nay, ngủ dưới gốc cây cao bóng mát, ngày mai tạm trú trong một hang đá vắng vẻ hoang vu... Thế nào cũng được, chỉ cần có thể che mưa đỡ nắng cho Ngài trong buổi trưa hè nắng gắt, hay trong đêm khuya gió sương lạnh lẽo là được rồi. Chân không giày dép, đầu không mũ nón, Ngài đi trong ánh nắng nóng bức và trong sương gió lạnh lùng như thế ngày này qua ngày khác. Tất cả xiêm y chỉ là những mảnh vải vụn vặt ráp lại vừa đủ để che thân. Tất cả tài sản chỉ là một bình bát để trì khất thực. Vật thực và bộ y chỉ vừa đủ sống. Ngài tận dụng thời giờ và năng lực trong việc tìm kiếm khám phá chân lý.
Trong giáo lý Phật giáo, trí tuệ là nhân tố quan trọng để chúng ta soi rọi và kiểm chứng niềm tin và lý tưởng sống. Là đệ tử Phật, chúng ta lại cần phải có trí tuệ (tức cái thấy biết đúng còn gọi là chính kiến) với chính đức tin của mình. Đức tin là kích thích tố cho trí tuệ. Trí tuệ là nguồn sáng để dẫn lối đức tin. Hai thứ này là hành trang không thể thiếu để mọi người bước vào đời. Trên thế giới, hiếm thấy vị giáo chủ tôn giáo nào lại giáo dục mọi người đừng tin bất cứ điều gì, kể cả giáo lý của mình, nếu như sau khi áp dụng chúng mà không cảm nghiệm được kết quả tốt đẹp cho mình và tha nhân, như đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trí tuệ là chiếc chìa khóa vạn năng để mở mọi cánh cửa của cuộc đời mà đạo Phật muốn trao gửi cho chúng ta là: “Duy tuệ thị nghiệp”.
Tất cả giáo pháp của đức Phật dù dài hay ngắn, đều là lời giải đáp trực tiếp và tùy hợp với mức độ phát triển tâm linh của người đệ tử mong nguyện được lắng nghe giáo pháp từ Ngài.
Ngài giảng Pháp theo tâm nguyện của các phật tử, phù hợp với căn cơ của chúng sinh. Từ bi và Trung đạo là điều cốt tủy của giáo lý đức Phật. Không có từ bi thì không thể có công bằng xã hội. Lòng từ bi là phẩm tính của trái tim và năng lực chính yếu của công bằng và hành động đúng đắn mà nó mang đến sự chuyển đổi xã hội, hòa hợp và an bình. Tránh hai cực đoan và đi theo con đường trung đạo giúp cá nhân và xã hội thiết lập hòa bình cho bản thân và cho cuộc đời. Thật vậy cuộc đời của đức Phật từ khi sơ sinh cho đến khi nhập diệt là những bài giáo pháp rất thiện xảo mà người phật tử cần chiêm nghiệm để tu tập.
Là một con người với tâm Đại bi nên ngài có một trái tim rộng lớn, không chỉ biết thương yêu cha mẹ, vợ con và những người thân mà ngài đã đem tâm từ rải khắp quần sinh, thương xót chúng sinh đang trầm luân trong biển khổ. Với tâm đại bi, nên ngài không chỉ biết giúp đỡ họ bằng vật chất, như sự hành xử của một con người bình thường, mà ngài đã quyết chí đi tìm cho ra ngọn ngành của sự khổ và từ đó tìm cho được con đường thoát khổ, tìm cho ra giải pháp đoạn trừ đau khổ tận gốc rễ để cứu độ tất cả chúng sinh.
Trái tim và khối óc trong cơ thể một con người là hai bộ phận tượng trưng cho Từ bi và Trí tuệ. Nói đến lòng từ bi thì đức Phật Thích Ca là một tấm gương thật sống động. Người đã xả thân mạng của mình cho muôn loài chúng sinh. Ngài luôn khuyến dụ đệ tử phải biết phát tâm từ bi.
Thường giữ lòng từ ái; Sống đúng lời Phật khuyên Biết đủ biết dừng lại; sẽ thoát dòng tử sinh (Kệ Pháp Cú Bắc Truyền 121) Ít muốn siêng học hành; đừng đắm trong lợi danh Nhân từ đừng phạm ác; sẽ sống đời thanh danh (Kệ Pháp Cú Bắc Truyền 122)Từ Bi trong Phật giáo là chúng ta làm phát khởi lòng yêu thương trong chính mình. Từ Bi đi đôi với Trí Tuệ nên vượt thoát mong cầu và phân biệt. Và Từ Bi trong Phật giáo cũng là phương tiện hành đạo của hành giả cũng như chư vị Bồ Tát. Nếu mình giúp người để mong người giúp lại thì chưa phải là bản chất đích thực của Từ Bi trong Phật giáo.
Sự kiện đức Phật Đản sinh là để xóa tan cái tối tăm của vô minh, hướng con người thoát khỏi khổ đau. Giáo lý của đức Phật giúp cho xã hội có thể tiến bộ về văn hóa, văn minh, cho con người sống trong hòa bình và hòa hợp, soi sáng cho nhân loại vượt qua tối tăm, hận thù và đau khổ, tiến tới ánh sáng, tràn đầy tình yêu thương và hạnh phúc.
Tác giả: TT.Thích Thiện Hạnh Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2020
Bình luận (0)