Thế kỷ XVIII, XIX, ở một số nước châu Á, văn hóa Phật giáo chìm dần trước nền văn minh phương Tây rực rỡ. Các dân tộc bỏ quên gia tài tinh thần của mình để chạy theo nền văn minh cơ khí hiện đại, Phật giáo chỉ còn là hình thức cúng bái cổ truyền? Nhưng may mắn những nhà tư tưởng, triết gia phương Tây đã nhận thấy nền văn minh châu Âu của họ chưa hẳn đã là toàn thiện. Vì vậy, họ quay trở về khám phá gia tài tinh thần của các nước Á Đông, trong đó trọng tâm là Phật giáo.
Các phong trào chấn hưng Phật giáo thế giới
Khoảng nửa cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX tại một số nước ở châu Á đã diễn ra phong trào chấn hưng (phục hưng, cải cách) Phật giáo. Trong số những người có vai trò và đóng góp quan trọng đối với phong trào này nổi bật lên bốn nhân vật tiêu biểu là: Ngài Đại tá không quân Hoa Kỳ Henry Steel Olcott (1832 - 1907), sau khi đọc được tác phẩm ghi lại nhưng điểm tranh luận của một vị sư Sri Lanka và một vị linh mục của Thiên chúa giáo “Thêm nữa, Giáo hội Tăng già đã phô trương thực lực của họ bằng cách tổ chức nhiều buổi tranh luận công cộng với các giáo đoàn Thiên Chúa. Đáng chú ý nhất là cuộc tranh luận tổ chức tại Panadura năm 1873 giữa Phật giáo và các giáo đoàn Tin Lành. Đại diện bên Phật giáo có Đại đức Migettvatta Gunananda một lãnh tụ lỗi lạc nhất của Tăng già và cũng là “thiền sư” danh tiếng nhất thời đó”[1]. Sau đó đến thời kỳ Pháp sư Anagarika Dharmapala (1864 – 1933), người Sri Lanka phát động phong trào chấn hưng rồi đến Thái Hư Đại Sư (1890 - 1947), người Trung Quốc và Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar (1891 – 1956), người Ấn Độ.
Từ Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc, với sự hoạt động tích cực của các nhân vật Phật giáo, là tính tất yếu của lịch sử. Phong trào chấn hưng, phục hưng, cải cách Phật giáo bằng nhiều con đường và nhiều cách thức khác nhau đã nhanh chóng lan sang các nước ở châu Á như: Nhật Bản, Myanmar, Việt Nam … Đặc biệt là phong trào phục hưng Phật giáo ở Trung Quốc.
Khái quát Phật giáo Trung Hoa thế kỷ XIX – XX
Phật giáo Trung Hoa vào cuối đời Thanh, do ảnh hưởng của các cuộc nổi dậy của người Hán và cuộc chiến tranh nha phiến, nhất là cuộc nổi dậy do Hồng Tú Toàn khởi xướng đã khiến cho Phật giáo Trung Hoa ở giai đoạn này đã suy vi rồi lại càng nguy khốn hơn. Sự kiện bi thảm trên của Phật giáo Trung Hoa được Pháp sư Thánh Nghiêm nhận xét như sau: “Hồng Tú Toàn tin theo tín ngưỡng Thượng đế giáo, do đó ông thực thi chính sách phá hủy tự miếu và chùa một cách triệt để. Chính vì thế, đối với các hoa viên mỹ lệ của Phật giáo ở Giang Nam tại Hàng Châu, Tô Châu, Nam Kinh và ở Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tô, Triết Giang, Phúc Kiến, Vân Nam, Quý Châu … đều là những địa bàn trọng yếu của Phật giáo Trung Quốc, nhưng khi quân của Hồng Tú Toàn đi qua, họ ra sức phá hủy tận gốc, tự viện bị thiêu hủy, Phật tượng, kinh điển bị đốt sạch, không từ bất cứ thứ gì. Khiến cho tinh thần hạt nhân của Phật giáo Trung Quốc trải qua một cơn tám đỡm kinh hồn, về hình thức bên ngoài, Phật giáo Trung Quốc coi như bị tàn lụi”[1]. Sau khi cuộc nổi dậy của Hồng Tú Toàn (kẻ phản loạn Trường Mao) bị dập tắt, nhiều vị tăng lữ và các tín đồ phát tâm xây dựng lại được khá nhiều chùa cảnh, nhưng tinh thần hoạt động của chân chính của đạo Phật chưa được quan tâm đúng mức. Song thật may mắn thay, lúc này ở Trung Quốc xuất hiện một vị cư sĩ tại gia đã có nhiều đóng góp cho sự phục hung của Phật giáo Trung Quốc sau này. Ông là Dương Nhân Sơn, tên thật là Văn Hội (1837-1911), người Thạch Đại, tỉnh An Huy, từ nhỏ đã có tài văn chương. Năm 28 tuổi, trong khi nằm điều trị bệnh ông tình cờ đọc được cuốn Đại thừa khởi tín luận, đọc xong ông ngộ ra nhiều điều về giáo lý đạo Phật. Vì vậy, ông tiếp tục tìm đọc kinh Kim Cương, kinh Lăng Nghiêm. Sau khi đọc xong ba tác phẩm trên, ông tự nguyện đi theo đạo Phật và tiếp tục nghiên cứu các bộ kinh luận khác, như kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, luận Duy Thức học, Tịnh Độ tông … Điều đặc biệt là trong khi đi công tác tại nước Anh, ông đã kết giao với một vị trí thức của Nhật Bản, đó là Tiến sĩ Nam Điều Văn Hùng. Nhờ có thiện duyên này mà ông đã mang được nhiều Phật điển, chương sớ tại Trung Quốc bị tán thất nhưng vẫn còn tại Nhật Bản về lại Trung Quốc và cho ấn hành. Năm Quang Tự hai mươi ba (1897), ông sáng lập khắc kinh xứ tại Kim Lăng. Trải qua nhiều gian lao, vất vả cuối cùng khắc bản và in được hơn 2000 quyển kinh, luận. Việc làm này đã khắc phục được rất nhiều tai hại ... Do cuộc nổi dậy của Hồng Tú Toàn gây ra. Đặc biệt, nó là một tiền đề quan trọng cho việc phục hưng Phật giáo Trung Hoa sau đó. Sự nghiệp nghiên cứu Phật học và trước tác của ông được biên tập thành một bộ gồm 10 sách với tên gọi là Dương Nhân Sơn cư sĩ di trước. Phật giáo Trung Quốc cuối đời Thanh do ảnh hưởng của chủ quan và khách quan nên đã mất đi tính linh hoạt của Phật giáo trong xã hội mới. Ngược lại, trong khi đó một nhóm thành phần trí thức của Trung Quốc lúc đó đã sớm thích nghi với thời đại mới. Vì vậy, đối với giáo dục, trước mắt họ thiết lập cơ cấu tân giáo dục. Họ chủ động đi thăm các cơ sở giáo dục, các tự viện để có thêm tư liệu thực tế bổ sung cho chương trình hoạt động nhằm cứu vãn sự suy đồi của nền giáo dục đương thời. Năm 1898 tổng đốc Hồ Quảng là Trương Chi Đổng đã viết tác phẩm Khuyến học thiên tấu lên nhà vua, trong đó ông đưa ra kiến nghị nên tận dụng kiến trúc và đất đai của các tự viện và đạo quán vào việc giáo dục. Đến đời Thanh mạt Dân sơ, lại thực thi phong trào “Miếu sản hưng học”. Các chủ trương chính sách trên đã làm lay động giới Phật giáo Trung Quốc, buộc họ phải nhanh chóng thức tỉnh để chỉnh đốn – củng cố lại tổ chức của mình. Chưa dừng lại ở đó, đầu thời Dân quốc lại nổi lên tư tưởng: Cách mạng tư tưởng, Cách mạng văn hóa … tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội mới. Thậm chí trên lĩnh vực tư tưởng đã xuất hiện luồng tư tưởng cho rằng tự viện và tăng, ni không còn cần thiết nữa? Phải chăng những tư tưởng “Cách mạng” trên đã là những gợi ý cho Thái Hư Đại sư sau này đưa ra chủ trương: Cách mạng giáo lý, Cách mạng giáo chế, Cách mạng giáo sản.
Ðầu thế kỷ XX là thời điểm chấn hưng Phật giáo Trung Hoa. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 đã tạo ra một làn sóng mới về dân chủ tự do cho nhân dân Trung Hoa thoát khỏi ách thống trị của chế độ phong kiến. Năm 1912, Tổng Hội Phật giáo Trung Hoa (Chinese Buddhist Association) ra đời tại Thượng Hải, một năm sau đó một hội khác ra mắt tại Bắc Kinh là Trung ương Phật giáo Công Hội. Ðến năm 1922, công cuộc chấn hưng Phật giáo đã lên cao với sự lãnh đạo phong trào tích cực của Ðại sư Thái Hư (T'ai-Hsu, 1890-1947), người khai sáng Hội Phật giáo Trung Hoa (Buddhist Society of China) có hơn 5 triệu thành viên trên khắp đất nước. Mở đầu ngài cho thành lập Phật học viện Pháp Tạng (Fa t'sang Buddhist School), ngài nhấn mạnh rằng chương trình dạy được kết hợp hài hòa giữa Phật học và khoa học để thu hút giới thanh niên trí thức, kết quả là học viên theo học rất đông. Không những Ðại sư Thái Hư chăm lo chấn hưng nền Phật giáo trong nước mà ngài còn có nhiều đóng góp để chấn hưng Phật giáo thế giới. Chẳng hạn, năm 1924, ngài tổ chức Hội nghị Phật giáo thế giới (World Buddhist Conference) tại Lô Sơn, Trung Hoa. Năm 1925, ngài tổ chức Hội nghị Phật giáo Ðông Á (East Asian Buddhist Conference) ở Tokyo, Nhật Bản. Và từ năm 1928, ngài bắt đầu các chuyến đi hoằng pháp ở các nước ở phương Tây. Ngài đã trở thành một trong những nhà truyền giáo người châu Á đầu tiên đến diễn thuyết tại Pháp, Ðức, Anh và Mỹ, riêng tại Pháp, vào 1931, ngài đã cho xây dựng một Học viện Phật giáo tại Pari để hướng dẫn quần chúng Tây phương học Phật. Nhìn chung với sự góp sức chấn hưng của Ðại sư Thái Sư và sự ủng hộ của chính phủ Trung Hoa, Phật giáo đã nhanh chóng phục hưng về mọi phương diện từ kiến thiết trùng tu cơ sở cho đến văn hóa nghệ thuật, in ấn kinh điển. Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Hoa lúc ấy đã ảnh hưởng và lan tỏa đến các nước làng giềng như Nhật bản, Triều Tiên và Việt Nam.
Đại sư Thái Hư người khởi xướng chấn hưng Phật giáo Trung Quốc
Đại sư họ Lữ, hiệu là Duy Tâm, pháp danh là Thái Hư sinh ngày 2 tháng 12 năm 1889, đời vua Quang Tự năm thứ 15 tại huyện Sùng Đức, tỉnh Triết Giang, Trung Hoa. Ngài mất cha mẹ từ thuở bé, người gầy yếu nhiều bệnh tật, ở với bà ngoại theo bà lên chùa lễ Phật, tụng kinh nên có cảm nhận đặc biệt với Phật giáo. Khi được 9 tuổi Ngài theo ngoại đi hành hương đạo tràng Cửu Hoa Sơn. Năm 13 tuổi Ngài đến viếng đạo tràng Phổ Đà Sơn về thì đạo tâm của Ngài càng ngày càng thâm sâu. Lúc được 16 tuổi, vào năm Quang Tự 30 (1904), Ngài với quyết tâm đến đạo tràng Phổ Đà Sơn để cầu xuất gia, Ngài lại thẳng lên ngọn Tiểu Cửu Hoa, xin xuất gia với Hòa thượng Khoan Công và được Bổn sư đưa Ngài về Tứ Minh, làm lễ ra mắt Tổ sư Tráng Niên Lão Nhân và được chính thức xuất gia tại đây. Sau khi xuất gia không bao lâu, thấy căn tính sáng lẹ, Ngài được Bổn sư cho đến thọ Cụ túc giới với Hòa thượng Kính An Ký Thiền ở chùa Thiên Đồng. Giới đàn này có hơn trăm giới tử, Ngài là người nhỏ tuổi nhất, cũng là người đối đáp xuất sắc và được Hòa thượng Ký Thiền khen là Huyền Trang tái thế. Sau khi thọ giới cụ túc, Ngài theo pháp sư Kỳ Xương học kinh Pháp Hoa và tông chỉ Thiên Thai Giáo Quán cùng ngoại điển. Ngài cũng thường nghe các bậc danh tăng đương thời như: Đạo Giai, Đế Nhàn … Ngài tham cứu thêm về Thiền với Hòa thượng Ký Thiền. Sức lĩnh hội phi thường của Ngài làm cho đồng bạn vô cùng thán phục. Đến năm 18 tuổi khi nghiên cứu Đại tạng kinh tại chùa Tây Phương ở Từ Khê. Đọc đến kinh Đại Bát Nhã, Ngài bỗng nhiên chứng nhập cảnh giới[2]. Từ đó về sau đối với kinh điển Đại thừa, mỗi khi đọc đến là Ngài thấu triệt cặn kẽ làm cho các danh tăng, phật tử đương thời kinh ngạc.
Cuối đời Thanh, văn hóa Tây phương bắt đầu du nhập Trung Quốc, các luồng tư tưởng cách mạng nổi dậy như lửa bùng. Đồng bạn với Ngài, các pháp sư trẻ như Hoa Sơn, Kinh Ái… thảy đều hấp thu tư tưởng mới này, hăng hái cải cách tăng đoàn, xây dựng xứ sở. Riêng Ngài, lúc ấy vẫn say sưa trong sách vở, với thời cuộc bên ngoài, lòng không chút xao xuyến. Sau đọc các bài của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, và sách báo phiên dịch từ Âu châu, Ngài mới lập thệ cứu đời, dấn thân vào trần lao, giáo hóa.
Vừa tròn 21 tuổi[3], Ngài theo làm thị giả Hòa thượng Ký Thiền dự Đại hội giáo dục Phật giáo tại Giang Tô.
Năm 1911, Ngài 24 tuổi, cùng pháp sư Nhơn Sơn, thành lập “Hội Trung Quốc pháp giáo Hiệp Tiến” tại Nam Kinh. Từ năm 1913 đến năm 1917, sau việc tổ chức Tổng hội Phật giáo Trung Hoa tại Thượng Hải, và làm chủ bút cho tờ Phật giáo Nguyệt San không kết quả như ý, Ngài về kiết thất ba năm tại Thiền viện Tích Lân núi Phổ Đà. Thời gian này, Ngài nghiên cứu khắp hết kinh luận của các tông phái Phật giáo, nhưng với hai tông Duy Thức và Tam Luận, Ngài rất lưu tâm. Ở đây, các vị Ấn Quang, Phật Sơn cũng thường lui tới đàm đạo với Ngài.
Từ năm 1918 đến năm 1921, Ngài nhận lời yêu cầu của Hòa thượng Liễu Dư, giữ chức Tri chúng chùa Phổ Đà. Chẳng bao lâu, Ngài từ chức, rồi đi du hóa khắp nơi trong nước. Một mặt giảng diễn các kinh luận Đại thừa, để gây niềm tin chân chính cho mọi người. Mặt khác, Ngài tiếp xúc với các yếu nhân, phật tử, sáng lập cơ quan truyền bá giáo lý, lập hội Chánh Tín Phật giáo… Ngài đã gây thành phong trào học Phật mới mẻ chưa từng có. Như lúc Ngài giảng Đại Thừa Khởi Tín tại Hán Khẩu, có cư sĩ Lý Ẩn Trần, ông đọc được Đạo Học Luận Hành, Lăng Nghiêm Nhiếp Luận của Ngài rồi khen: “Dẫu cho gặp Lục Tổ, chưa chắc Ngài đã độ được tôi, nhưng với văn chương tam muội thế này, đã làm cho tôi cúi đầu bái phục”. Chính thời gian này, tờ Giác Xã Tùng Thư[5] xuất hiện cùng các sách luận Phật Thừa Tông Yếu Tân Đích, Duy Thức lần lượt được xuất bản.
Từ năm 1922, năm này Ngài 34 tuổi, đến năm 1928, Ngài càng hăng say sáng tác và để hết tâm lực vào công cuộc vận động cải cách Phật giáo Trung Quốc.
Sang năm 1924, Ngài có mở một “Đại hội Phật giáo Liên hiệp thế giới” tại chùa Đại Lâm. Kế tiếp bốn năm liền, Ngài giảng kinh Nhân Vương Hộ Quốc tại trường Đại học Trung Hoa. Rồi đi thăm Ngũ Đài Sơn và hướng dẫn phái đoàn Phật giáo Trung Hoa đi Nhật tham dự “Đại hội Phật giáo Đông Nam Á”. Về nước, Ngài đi Thượng Hải lập “Phật Hóa Giáo Dục Xã ”, xuất bản tuần san Tâm Đăng, đến giảng tại Đại học Hạ Môn và Phật Học Viện Mân Nam. Bấy giờ trong nước cuộc chiến tranh đã lan tràn tới phương Bắc, tăng, ni bị bắt buộc phải hoàn tục. Trong tình thế này, Ngài có viết ra quyển Tăng Chế Kim Luân để vận động cho tân Phật giáo.
Năm 1927, ngài được mời làm trụ trì chùa Nam Phổ Đà và Viện trưởng Phật Học Viện Mân Nam. Cũng năm này, Đại học Lãng Phước đặt tại nước Đức mời Ngài giảng về môn Trung Hoa. Khi đó Ngài có trước tác quyển “Tự Do Sử Quan” đã dịch ra tiếng Anh. Năm sau, Ngài từ chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu về giảng “Phật học đại cương” tại Nam Kinh. Công việc vừa xong, ngài lại xuất dương công du các nước Âu Mỹ để diễn giảng. Ở đây, có rất nhiều học giả của các nước Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Mỹ nhiệt tình hoan nghênh. Ngài là vị tăng đầu tiên của Trung Hoa sang Âu Mỹ hoằng pháp và lập “Phật học Uyển” ở Pari. Từ năm 1929 đến năm 1939, Ngài nhận chức Ủy viên thường vụ “Hội Phật giáo Trung Hoa” làm Viện trưởng Viện Giáo lý Bá Lâm ở Bắc Kinh. Năm 1941, Ngài giảng “Pháp tính không tuệ học khái luận”, “Trung Quốc Phật học” tại viện Giáo lý Hán Tạng, rồi trù bị cải tổ Giáo hội Tăng già Trung Hoa, lập “Trung học đại hùng” ở Bắc Bồi và tổ chức “Hội Phật giáo Trung Quốc”, cũng chính Ngài giữ chức “Ủy viên chỉnh lý” trong đó. Bài giảng cuối cùng của Ngài, đề tài là “Bồ tát học xứ”, ngài giảng tại chùa Diên Khánh vào thượng tuần tháng 2 năm 1947. Tháng sau, bệnh cũ tái phát và đến ngày 17/3 (25/2 ÂL) Ngài an tường từ giã cõi đời. Tuổi đời của Ngài là 59, tuổi đạo được 43 Hạ lạp.
KẾT LUẬN
Một nhân vật vĩ đại như Ngài Đại sư Thái Hư, thì không thể nào diễn ta chi tiết về lịch sử, thân thế và sự nghiệp của Ngài một cách trọn vẹn được. Với bài tiểu luận của bộ môn Phật giáo Trung Quốc thì vô cùng rộng lớn mà hiểu biết của học chúng tăng, ni sinh thì hạn chế về nhiều mặt do yếu tố khách quan, cho nên chúng con chỉ điểm qua những nét chính yếu của Ngài Thái Hư mà thôi, qua phân tích cũng đã làm toát lên những đức tính cao quý, rộng đức từ bi của một bậc long tượng trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc: “Phật giáo Trung Hoa thời cận đại do sự cải cách của các đoàn thể tăng già, cư sĩ, nhất là nhờ tài thao lược, vận động hộ pháp của Thái Hư Đại Sư, nên Phật giáo ở thời này được chấn chỉnh”[6]. Như vậy là Ngài Quang Nhuận đã tổng kết và nhận định thật xác đáng cho những đóng góp của ngài Thái Hư Đại sư. Với những gì Ngài đã vượt ra ngoài quy luật thịnh suy, vô thường mà đóng góp của Ngài cho: ‘Phật giáo Trung Hoa cũng vậy, đã có những thời cực thịnh thì chắc chắn sẽ có thời suy vong, nhưng sự thịnh suy chỉ là hiện tượng, còn căn bản về giáo lý Phật Đà thì đã ăn sâu vào lòng con người của đất nước Trung Hoa’ [7]. Không chỉ chuấn hưng Phật giáo tại Trung Quốc mà sức ảnh hưởng của ngài Thái Hư Đại sư tác động mạnh vào ‘công cuộc chấn hưng Phật giáo Trung Quốc nên đã tác động mạnh đến Phật giáo Việt Nam, và thôi thúc bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám phải làm sao vực dậy Phật giáo nước nhà đang bị ngủ quên’ [8]. Khi xâu chuỗi các sự kiện chấn hưng Phật giáo trên toàn thế giới vào những năm đầu thế kỷ XX không thể không kể đến Ngài Đại sư Thái Hư như là một minh chứng sống về công hạnh và tinh thần dấn thân vì dân tộc và đạo pháp.
Tác giả: Thích Giác Minh Hữu
Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 11/2019
----------------Chú thích:
- Theo ông H.R.Perera, “Buddhism in Ceylon, Its Past and its Present” (Quá khứvà hiện tạicủa Phật giáo Tích Lan), tr. 68 –69
- Thánh Nghiêm – Thích Tâm Trí (dịch) (2010) Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, NXB Phương Đông, tr. 307.
- Khinh an do chứng nhập cảnh giới khi quá chú tâm, chuyên nhất vào một chỗ
- Vào Đông năm Tuyên Thống thứ nhất (1909).
- Tiền thân Nguyệt san Hải Triều âm.
- Tỳ kheo Thích Quang Nhuận (2004), Phật học khái lược 2, 17. Lịch sử Phật giáo Trung Hoa (Từ Thời Kỳ Du Nhập Đến Thời Kỳ Hưng Thịnh), Tôn giáo, Hà Nội, trang 213.
- Tỳ kheo Thích Quang Nhuận (2004), Phật học khái lược 2, 17. Lịch sử Phật giáo Trung Hoa (Từ Thời Kỳ Du Nhập Đến Thời Kỳ Hưng Thịnh), Tôn giáo, Hà Nội, trang 214.
- Thích Trung Hậu - Thích Hải Ấn (2011),Chư tôn thiện đức & cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa - Tập 2, Cư sĩ Lê Đình Thám (1897 – 1969) Pháp danh: Tâm Minh, Tổng Hợp Tp.Hồ Chí Minh, Tp.Hồ Chí Minh, trang 665.
Bình luận (0)