Tác giả: Thích Nữ Như Nguyện Học viên Thạc sĩ khóa 3 tại HVPGVN tại Tp.HCM
Từ Quang giai đoạn 1951-1975 là nơi truyền thông sinh hoạt tu học Phật pháp, ở miền Nam Việt Nam. Từ Quang chuyên nghiên cứu Phật học, được nhiều tác giả là tu sĩ, cư sĩ tham gia ủng hộ nội dung bài vở. Nhằm phổ biến giáo lý Phật đà đến cộng đồng phật tử, mời gọi những trái tim còn xao động, vụng dại, điên đảo, mộng tưởng sớm quay về bến giác tu hành. Sống lý tưởng, sống ý nghĩa, lạc quan đối với chính mình và mọi người xung quanh. Để hiểu rõ khái niệm Từ Quang là gì? giá trị của Từ Quang trong đời sống như thế nào? chúng ta cùng nhau tìm hiểu.
Từ Quang “Là ánh sáng của Lòng Từ rộng lớn của chư Phật” [1]. Lòng Từ vô biên, thương tất cả chúng sinh không phân biệt địa vị, giai cấp, sang hèn, nam nữ, già trẻ, màu da chủng tộc, Tôn giáo… đến hà sa đẳng chúng đều có thể đón nhận lòng thương ấy.
Từ Quang xuất bản đầu tiên vào ngày 13, tháng 5, năm 1951 và đình bản ngày 15, tháng 4, năm 1975. Trọn bộ Từ Quang gồm 265 số tương ứng với tổng số là 14.505 trang. Trong đó cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905-1973) chủ nhiệm kiêm chủ bút, thường xuyên viết bài cho Từ Quang đến khi mất ra được 242 số. Về sau người thay thế là cư sĩ Minh Lạc trông coi, mời sự cộng tác từ quý tác giả đóng góp bài viết.
Từ Quang tồn tại gần 24 năm, đạt tuổi thọ khá dài so với các tạp chí cùng thời như Phương Tiện (1949-1954), Viên Âm tục bản (1949-1952), Vạn Hạnh (1965-1967), Liên Hoa (1955-1965), Bồ Đề Tân Thanh (1949-1954), Tư tưởng (1967-1975), Phật giáo Việt Nam (1951-1956), Giữ Thơm Quê Mẹ (1965-1966), Hải Triều Âm (1964-1965), An Lạc (1966-1967), Thiện Mỹ (1964-1966), Tin tức Phật giáo (1951-1953)…
Sở dĩ, Từ Quang có mặt bền bỉ là nhờ đi đúng tôn chỉ thuần túy tu học hoằng pháp và từ thiện của Hội Phật học Nam Việt đề ra. Hơn nữa, thái độ của những người làm báo chí chiếm phần lớn là giới trí thức xưa, sống sâu sắc khiêm tốn, nhã nhặn, linh động, biết lắng nghe sự đóng góp ý kiến từ quý độc giả… Chính vì thế được lòng bạn đọc trong và ngoài nước hưởng ứng vật chất cũng như tinh thần một cách nồng nhiệt, thuận lợi truyền bá Phật học đến Phật tử công chúng, thu hút được mọi giới vào đạo tu hành.
Từ Quang truyền bá đạo Phật có giá trị thực tiễn đối với đời sống nhân sinh, cụ thể trong tác phẩm Quy y Tam bảo đăng trên Từ Quang số 6 thông tri cho chúng ta rằng thế nào là quy y?. Quy là trở về từ bóng tối ra ánh sáng, vô minh sang tỉnh thức. Y là nương tựa như con cái nương nhờ sự bảo hộ của cha mẹ, học trò nương thầy, chúng sinh nương Tam bảo. Tam bảo? là ba ngôi báu Phật, pháp, tăng. Phật là bậc đại trí tuệ, hoàn toàn giác ngộ giải thoát; Pháp là lời dạy của đức Thế Tôn do chính kim khẩu của Ngài nói ra để giáo hóa chúng sinh; Tăng là những vị xuất gia tu hành theo Phật “cát ái từ thân” (cắt đứt sợi dây ái ràng buộc với gia đình), lấy tâm Từ bi thương yêu muôn loài làm lẽ sống, thay Phật hoằng hóa đạo mầu. Quy y Tam bảo là gì? “Quy y Phật là quay về nương nhờ đức Phật. Quy y Pháp là quay về nương nhờ Pháp Phật dạy. Quy y tăng là quay về nương nhờ Giáo-hội Tăng-già, làm đại biểu linh hoạt cho Phật mà hành trì Phật sự cứu độ chúng-sinh” [2]. Tại sao phải quy y Tam bảo? Vì phàm phu không thấy rõ thật tính của các pháp, cứ tưởng những thứ tạm bợ là thật; vọng cho là chân; Vô thường lầm là thường… mãi trôi lăn trong luân hồi lục đạo không ngày ra khỏi. Do đó quy y Tam Bảo, chính nơi đây mới đủ năng lực khai tâm mở trí giúp ta tìm về tự tính thanh tịnh vốn có của chính mình.
Quy y Tam bảo là chỗ đáng tin cậy nhất, mỗi người có thể nương đó trau sửa mình bỏ ác hành thiện, bỏ tỵ hiềm tật đố, bỏ tính ích kỷ sống với lòng bao dung vô ngã vị tha… để nhân phẩm tốt trở nên hoàn thiện, ấy gọi xứng danh là phật tử.
Khi là đệ tử Phật một lòng trung thành với đạo, ắt hẳn chúng ta sẽ nhận thức đâu là đúng sai, tà kiến hay chính kiến, tà đạo hay chính đạo. Đặc biệt không nghe theo lời cám dỗ, mê tín dị đoan xin xăm bói quẻ, coi ngày giờ, cúng sao hạn, đốt vàng mã… Điều quan trọng ở đây là phật tử phải đủ trí tuệ nhận diện, vạch rõ bản chất của tà giáo làm mê hoặc lòng người. Chẳng hạn trên Từ Quang bài giảng Đốt vàng mã của cư sĩ Chánh Trí, ông thẳng thắn nói lên quan điểm “sở sĩ chúng tôi đề cập đến những cổ tục ấy là vì có nhiều chốn gọi là Thiền môn, là cửa Phật. Chẳng những dung túng, mà lại còn khuyến khích nữa, làm lầm đường lạc lối những tâm hồn chân chất muốn tìm đường giải thoát. Là một Hội-học Phật có mục đích làm tỏ rạng giáo lý của đức Bổn sư… nên hôm nay chúng tôi mạnh dạn tiếp tục công cuộc thôi tà phụ chính” [3]. Tục đốt vàng mã là một cổ tục đáng bỏ, vì nó không tượng trưng được gì của giáo lý nhà Phật. Hơn nữa nó không lợi ích gì mà chỉ có hại gồm 3 điều: 1. Tự mình đánh mất niềm tin ở chính pháp, trái mục đích giác ngộ giải thoát của đạo Phật; 2. Hết tiền của, thay vì ta nên đem số tiền ấy làm từ thiện xã hội là một việc thiết thực cho người thiếu cơm ăn áo mặc được ấm no; 3. Tăng thêm lòng tham, hành động phi pháp, đọa lạc khổ đau.
Như thế tác phẩm vừa nêu trên, là một trong những tư tưởng hoằng pháp của Từ Quang mang giá trị Phật học đến từng các lớp đồng bào phật tử, giúp họ tỏ rõ lẽ chính đường tà việc nào cần làm và không nên làm. Đồng thời nhắn gởi hàng tăng sĩ đương thời là người thay Phật, phải có trách nhiệm hoằng pháp độ sinh với mục đích xiển dương đạo Phật, chứ không để Phật giáo lâm vào tình cảnh suy đồi như những năm 20 của thế kỷ XX.
Từ Quang ra đời xua tan mọi u ám, cứu giúp những ai đang còn bị tham, sân, si được thấy rõ qua đoạn thơ như sau:
“Từ Quang là khúc nhạc thiêng hòa-nhã Trổi nhịp-nhàng với đồng-thể tương thân, Quyết giải trừ tất cả điệu hận sân, Với tất cả tham-tàn và độc-ác. Thay vào đấy hương Từ thơm bát-ngát Của Hoa-Đàm muôn thuở mãi xinh tươi… Được tắm mình trong ánh đạo Từ Quang, Màu tham-lam, vị-kỷ sẽ tiêu-tan, Ướp mùi đạo lợi tha thanh thoát mãi”. [4].
Từ Quang đem lòng Từ chuyển hóa tâm thức nhân quần, từ mê muội sang thức tỉnh, , từ phàm tục thành thánh nhân.
Từ Quang có mặt đại diện cho tiếng nói hội Phật học Nam Việt nói riêng Phật giáo Việt Nam nói chung, lăn bánh xe pháp đi vào cuộc đời phổ độ quần mê, dìu đời vào đạo tu học đúng chính pháp bài trừ điều phi pháp.
Từ Quang truyền bá đạo Phật gây tiếng vang lớn, làm ảnh hưởng tích cực đến quần chúng thời bấy giờ, người người ở các tỉnh miền Nam quy tụ về cửa đạo đông đúc đón nhận giáo pháp Như Lai trong niềm hỷ lạc.
Từ Quang kêu gọi những tâm hồn còn vụn vỡ, lẻ tẻ, lang thang trong cõi mê mờ… Cùng nhau trở về nhà đạo phát tâm dũng mãnh tinh tấn tu tập bất thoái, sẽ có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Từ Quang là linh hồn đích thực của Hội Phật học Nam Việt, đáp ứng tâm nguyện chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam của cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền, không những thế mà còn là ngọn đuốc soi đường cho thế hệ mai sau.
Hiện nay, Từ Quang tục bản trở lại (2012-2022) với quý độc giả qua một hình thức hiện đại. Do Hòa thượng Thích Đồng Bổn trú trì chùa Xá Lợi, 89 Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, Tp.Hồ Chí Minh là hậu duệ của cư sĩ Chánh Trí. Kế thừa và phát triển vừa kết hợp nội dung trong Từ Quang xưa và bài viết nghiên cứu Phật học do các tác giả ngày nay trình bày. Nhằm làm cho chính giáo của Phật mãi được soi sáng, tỏ rạng ngàn phương.
Từ Quang bộ cũ xem là nguồn tài liệu quý, tập hợp chuyên đề nghiên cứu Phật học khá phong phú của nhiều tác giả trí thức xưa, là một công trình đồ sộ chưa từng được ấn bản lại. Nên công việc bảo trì sách cổ cũng như bảo tồn nét văn hóa độc đáo xưa của Từ Quang, được Thư viện Xá Lợi, Tu viện Huệ Quang đang cố gắng hết sức cẩn mật.
Từ Quang mới đối với chùa Xá Lợi là bộ sách có giá trị, làm tư liệu nghiên cứu đối chiếu so sánh giữa bộ mới và bộ cũ giúp các sinh viên, học viên hoặc ai có nhu cầu tìm hiểu về báo chí cổ kim có thể học hỏi rút bài học bổ ích.
Từ Quang giá trị đối với người đọc, mang lại cảm giác thư thái, an lạc, hạnh phúc. Bởi khi tiếp nhận giáo pháp của Phật, ít nhiều họ đã trực ngộ được phần nào từ chân lý. Điều ấy nhận thấy qua lời của một độc giả bày tỏ “có lẽ hơn 20 năm, nay nhờ “Bạn Thơ, Bạn Ngọc” khơi nguồn cảm hứng. Tôi cũng rất thích đọc trang “Mật Tông” để tìm hiểu trong đó khoa huyền môn… Tôi cũng theo dõi bài “Du hành Lạp-tát” ai đã tu thiền và hiểu những quyền năng ẩn tàng trong con người, khi đọc những loạt bài này đều say mê cũng như tôi. Vì tôi nhận thức trong ấy có nói về huyền-bí-học…” [5]. Từ Quang mở ra cho con người một hướng nhìn mới về triết lý Phật giáo, những áng văn, vầng thơ, Phật học hay để chiêm nghiệm và hiểu biết.
Như vậy, Từ Quang hoằng truyền pháp Phật có giá trị như tiếng chuông Đại hồng cảnh tỉnh, gọi hồn bao kẻ đang còn mê mộng nẻo ác, sai quấy, lầm lạc quay về con đường tu hành giác ngộ bỏ tà quy chính, bỏ mê tín sang chính tín, bỏ nhỏ theo lớn, bỏ tâm chật hẹp thành quảng đại, bỏ phiền não tức Bồ đề, bỏ sân hận lấy Từ Bi rửa sạch oan khiên, bỏ si mê để trí tuệ được hiển bày, bỏ huyễn cầu chân, bỏ tà kiến được chính kiến, bỏ bất thiện hành thiện pháp.
Kết luận
Tạp chí Từ Quang khai sinh, đem lại giá trị không nhỏ trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam giai đoạn 1951-1975, hoằng dương chính pháp cải thiện đời sống nhân sinh đạt 3 giá trị: 1. Giá trị Từ Quang về mặt tâm linh hướng thượng, giúp chúng sinh hóa giải nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời; 2. Giá trị về học thuật, Từ Quang tồn tại gần 24 năm, thuận lợi cho giới nghiên cứu có nguồn tài liệu khá đa dạng và thú vị để tham khảo, trích dẫn, chú thích… 3. Giá trị đối với hội người thích đọc sách báo, có một tâm thái hân hoan khi chạm đến lời Phật dạy như nhà tối đặng ánh sáng, như kẻ lữ hành được về nhà, như kẻ khát nước được uống, như đứa con xa xứ được về bên mái ấm gia đình.
Tác giả: Thích Nữ Như Nguyện Học viên Thạc sĩ khóa 3 tại HVPGVN tại Tp.HCM
****Chú thích: [1]. Thích Đồng Bổn (chủ biên), “Tủ sách Phật học Từ Quang” tập 1, Nxb. Phương Đông, 2012, tr. 5. [2]. Từ Quạng Phật học tạp chí số 6, Cơ quan truyền bá đạo Phật của Hội Phật học Nam Việt, Nxb. Sài Gòn, 1952, tr. 39. [3]. Từ Quang Phật học tạp chí số 33, Cơ quan truyền bá đạo Phật của Hội Phật học Nam Việt, Nxb. Sài Gòn, 1952, tr. 7. [4]. Từ Quang Phật học tạp chí số 5, Cơ quan truyền bá đạo Phật của Hội Phật học Nam Việt, Nxb. Sài Gòn, 1952, tr.35. [5]. Từ Quang Phật học tạp chí số 252, Cơ quan truyền bá đạo Phật của Hội Phật học Nam Việt, Nxb. Sài Gòn, 1974, tr. 55.
Bình luận (0)