Trang chủ Nguyên thủy Chơn Như Tạo duyên giáo hóa chúng sanh (Phần 6)

Tạo duyên giáo hóa chúng sanh (Phần 6)

Chùa là nơi để cho tăng, ni tu tập giải thoát khỏi sự khổ đau của cuộc đời và chấm dứt tái sanh luân hồi, chứ không phải là trường học, trạm y tế, Tuệ Tĩnh đường, phòng thuốc từ thiện xã hội.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Chùa là nơi tu hành

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, khi nghe chúng tôi nói đến đây, quí vị hãy suy ngẫm lại, chứ đừng vội lên án chúng tôi. Kính thưa quí vị, kinh sách bày bán la liệt mà người tu bây giờ chẳng ra làm sao! Ngay chính bản thân của quí vị tu hành thì quí vị cũng tự biết lấy rất rõ ràng. Kinh sách Phật là để cho người tu tập giải thoát, chứ không phải để an ủi người đời. Bởi vậy, Phật giáo ngày nay không người tu chứng là vậy. Nếu muốn tu giải thoát, thì quí vị phải đến chùa tu hành hẳn hoi, chứ không phải đi lang thang chùa này, chùa khác để nghe thuyết pháp chơi. Vả lại, chùa cũng chẳng phải là chỗ để cho quí vị đi chơi ngắm cảnh, giải trí, an ủi tinh thần. Nếu quí vị muốn tu thì phải nghiêm chỉnh thực hành đúng như lời của Phật dạy, và nghiêm khắc mình trong kỷ luật của nhà chùa, chứ không phải dùng tiền bạc cúng dường bố thí trai tăng rồi muốn sai sử quí thầy cách nào cũng được. Từ lâu, quí vị đã dùng tiền bạc của mình để an ủi tinh thần mình mà biến Phật giáo thành Thần giáo, ông Phật thành ông Thần, và quí thầy trở thành công nhân viên của quí vị cư sĩ.

Một lần nữa, chúng tôi xin nhắc lại, chùa là nơi để tu hành giải thoát chứ không phải chùa là nơi để quí vị nghỉ mát, nghỉ hè, làm việc mê tín, dị đoan. Chùa là nơi để cho tăng, ni tu tập giải thoát khỏi sự khổ đau của cuộc đời và chấm dứt tái sanh luân hồi, chứ không phải là trường học, trạm y tế, Tuệ Tĩnh đường, phòng thuốc từ thiện xã hội.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử, quí vị đến chùa cốt là để học hỏi những lời vàng ngọc của Phật, để tu học giải thoát thân tâm, để vượt ra khỏi cảnh đời ô trược, chứ không phải đi tìm cái ăn cái ở trong chùa, đi tìm cái được mạnh giỏi, đi tìm cái phù hộ, cái gia bị của đức Phật. Đó là những điều mê tín, phi đạo đức, đó là những điều sai, không đúng của đạo Phật.

Khi đến chùa, quí vị đừng làm bận tâm những người tu hành ở đây, vì cái ăn cái mặc của quí vị. Khi đi đến chùa, quí vị đừng để người tu hành phục vụ quí vị mà mất phước. Khi đi đến chùa, quí vị đừng ăn mặc hở hang bày da, hở thịt, mặc quần áo màu sắc rực rỡ, bông hoa lòe loẹt. Khi đi đến chùa, quí vị đừng thoa son, đánh phấn như đi dự tiệc tùng đám cưới đám hỏi…​ Khi đi đến chùa, quí vị đừng làm ồn náo, cười nói phải giữ mình có nết hạnh. Khi đi đến chùa, đừng nghĩ mình có xe hơi, xe gắn máy thì cứ chạy đậu sát thềm chùa. Đó là thiếu tư cách đạo đức, quí vị cần sửa lại. Khi đi đến chùa, quí vị phải đậu xe ở ngoài cổng, dắt xe vào, phải cởi bỏ giày dép, đi chân trần vào chùa và hết lòng cầu pháp, thì may ra quí vị mới hưởng được pháp vị của đức Phật. Khi đến chùa, quí vị đừng biến chùa thành cái chợ. Xưa, vua A Xà Thế đến thăm đức Phật phải dừng xe ở đầu rừng, rồi đi bộ đến gặp Phật.

Khi đi đến chùa, đừng nghĩ rằng có tiền là có tất cả, đừng ỷ rằng mình có tiền, quăng tiền ra là có đủ loại kinh sách, và còn được ưu tiên nghe thuyết giảng các loại kinh. Có biết đâu, đó là những bài pháp đầu môi chót lưỡi, chính người thuyết pháp đó cũng chưa thực hành được. Những bài thuyết pháp đó thường bán rẻ mạt ở đầu đường, xó chợ. Những bài thuyết pháp này quí vị có tu ngàn đời cũng chẳng ra gì. Pháp không cầu mà có là pháp giả, pháp không cầu mà bày bán la liệt là pháp không có giá trị tu hành. Pháp ấy là pháp danh, pháp lợi, chứ không phải chân pháp của đạo Phật.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, khi đi đến chùa tăng, quí vị là nữ cư sĩ hoặc ni cô thì quí vị nên đi từ hai người trở lên vào tu viện nam. Là người cư sĩ nam hay chư tăng khi đến chùa ni, hoặc tịnh thất của cư sĩ nữ thì quí vị phải đi từ hai người trở lên, chứ không thể đi một người vào chỗ đó được. Khi đi vào chỗ tu hành quí vị không thể đi xông pha, mà phải đi theo người hướng dẫn, nói chuyện nhẹ nhàng để giữ gìn sự thanh tịnh cho những người tu hành tại đó.

Khi cần gặp người quen thì nhờ người tiếp khách gọi hộ, chứ không được tự động đến chỗ người thân ở. Người tu hành ở tại tu viện cũng không được đưa dắt người thân, bạn bè đi tham quan làm động chúng tu hành. Đó là điều làm sai, xin quí vị lưu ý.

Người đang tu hành tại tu viện, ở đâu thì nên ở tại vị trí nấy mà lo tu hành, không được đi sang khu khác, hoặc tự tiện đến thất người khác nói chuyện, hoặc đi kinh hành trước thất người khác, làm người khác phóng dật, không tu hành được là một tội rất nặng mà không thể tha thứ được. Vì đó là tội phá sự tu hành của mình của người khác. Tội ấy chỉ còn xin Thầy rời khỏi tu viện, chứ không còn mặt mũi nào nhìn ai được. Cho nên, vào tu viện là vào nơi tu hành thì nên tu hành, còn thấy mình tu không nổi thì xin về, đừng làm động người khác mà sẽ hối hận suốt đời.

Một cư sĩ nữ hay một ni cô khi đến chùa tăng mà tự do đi lại thì phải biết đó là một người thiếu đức hạnh, phải sửa lại. Ngược lại, một cư sĩ nam hoặc một vị tăng cũng vậy, không được ngang nhiên đi vào nơi tu hành của tu sĩ nữ. Vậy, khi đến nơi tu hành xin quí vị lưu ý hãy cẩn trọng, chớ xem thường chỗ tu hành như chỗ du lịch tham quan, chỗ ăn chơi hò hẹn. Một việc làm vô ý tức là gây ra tai hại cho mình, cho người. Ở trong nhà chúng ta sống sao cũng được, nhưng chúng ta phải biết đó là những người thiếu đạo đức, nhân cách, thiếu văn hóa lịch sự. Ngược lại, ra ngoài cũng phải tùy nơi tùy chỗ thì quí vị mới xứng đáng là đệ tử của Phật, đầy đủ tác phong phẩm chất đạo đức giải thoát của đạo Phật.

Tám năm trời chúng tôi mở tu viện Chơn Như, chẳng tìm thấy một người cầu pháp chân thật, toàn là những người làm hao của đàn na thí chủ; làm những điều tồi tệ phá giới luật, cống cao ngã mạn, hiêu hiêu tự đắc coi mình là bực Thầy, Tổ của thiên hạ. Xét lại họ chỉ toàn là những con mọt sách. Tóm lại, tăng, ni và phật tử đối với Phật pháp còn biết bao nhiêu điều sai trái, nhưng không đủ thì giờ cho phép chúng tôi nêu ra đây hết được. Khi nào đủ duyên, cô Diệu Quang mở khóa tu đạo đức giải thoát thì chúng tôi sẽ giảng dạy cho quí vị.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, chúng tôi biết rằng lời thật mất lòng, nhưng chúng tôi phải nói. Nói vì sự tồn vong của Phật giáo, dù biết rằng chúng tôi nói sẽ không có chùa để ở, không có cơm để ăn, không có y áo để mặc thì chúng tôi cũng vẫn phải nói. Nói để cảnh tỉnh tăng, ni và quí vị cư sĩ. Nói để quí vị sửa sai. Nói để quí vị không bị đọa địa ngục ngay cảnh sống thế gian này. Nói để cho quí vị hiểu Phật pháp đúng cách.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, quí vị phải hiểu chúng tôi nói ở đây không có ý phê phán, chỉ trích ai hết. Ai muốn tu sao cũng được, chúng tôi chỉ biết nêu lên ở đây những ý này để quí vị đừng hiểu sai đạo Phật, đừng lầm đường lạc lối tu tập, sai mục đích của đạo Phật mà uổng phí thì giờ quí báu của quí vị.

Kính thưa quí vị, chúng ta là những đệ tử của Phật mà không tu hành theo pháp môn của đạo Phật, lại đi tu hành theo pháp môn của các tôn giáo khác mà cứ tự nhìn nhận tu theo đạo Phật. Sự lầm lạc này khiến cho Phật giáo không có người tu chứng, không có người giải thoát thật sự. Hiện giờ, Phật giáo xem như bị mất gốc, chỉ còn cành lá mà thôi. Cho nên, chúng tôi gióng lên tiếng chuông để cảnh tỉnh quí vị; để nhắc nhở quí vị. Còn nghe hay không là quyền của quí vị. Chúng tôi chẳng có ý gì khác hơn. Tu đúng, tu sai là quí vị nhờ, chứ chúng tôi chẳng có ích lợi gì trong đó cả. Chúng tôi chỉ mong quí vị tỉnh ngộ, quay về với con đường chân chính của đạo Phật, để có sự ích lợi thiết thực cụ thể hơn.

Những điều quí vị tu hành, và những việc làm của quí vị đều tốt, đều thiện, nhưng tốt và thiện đối với tôn giáo khác, còn đối với Phật giáo thì quí vị đã lầm lạc. Bởi quí vị đã không tu giới luật mà còn phá giới luật, làm những điều sai trái phạm vào giới luật, trong khi giới luật là ông Thầy mà quí vị từ bỏ không chịu tu theo. Chúng tôi cũng không biết nói thế nào nữa cho đúng. Nếu đi tu mà không chịu nghe lời dạy, không chịu nương tựa vào ông Thầy của mình thì quí vị sống với ai, tu tập cái gì?

Nếu chúng tôi tu tập giới luật, thiền định, trí tuệ của đạo Phật mà không có kết quả như ngày hôm nay, thì chúng tôi cũng chẳng nói lên đây làm gì. Vì có kết quả quá rõ ràng, cho nên chúng tôi cho nổi cơn sấm sét, để quí vị tỉnh cơn mơ mộng trong các kinh sách thời nay, trong các pháp tu thời nay.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, quí vị hãy cùng chúng tôi sửa sai lại những gì quí vị đã từ lâu không biết, đã làm sai. Quí vị hãy chấm dứt, đừng vì lợi ích nhỏ mọn, ích kỷ cá nhân tầm thường mà làm tổn hại Phật pháp. Bấy lâu nay cũng vì hiểu sai Phật pháp, tu sai mà tưởng là bồi đắp xây dựng Phật pháp. Vì thế, dầu quí vị có tìm khắp nơi trên thế giới cũng không tìm ra một bậc tu chứng.

THẦY CHÚNG TÔI Hòa thượng THÍCH THANH TỪ

Chúng tôi sẽ giải nghi cho quí vị về con đường Thiền Đông Độ. Chúng tôi biết rằng khi nói đến Thiền Đông Độ là chạm đến Thầy chúng tôi. Song chúng tôi tin rằng Thầy chúng tôi không phải là người tầm thường. Thầy chúng tôi luôn sáng suốt và thường để tâm theo dõi chúng tôi, sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi trên bước đường tu tập, cũng như khai thác những kinh nghiệm gì mà chúng tôi đã gặt hái được kết quả lợi ích thiết thực và cụ thể của đạo Phật, để lấy đó phục hồi, chấn hưng làm sáng tỏ Thiền Tông Việt Nam.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và phật tử, cách đây 14 năm, khi chúng tôi tu hành có kết quả, về trình lại với Thầy và có ý xin Thầy cho phép chúng tôi nhập diệt bỏ báo thân này. Thầy chúng tôi không bằng lòng, và khuyên bảo chúng tôi ở lại giúp Thầy chấn hưng Thiền Tông Việt Nam. Chúng tôi nhận lời và ở lại giúp Thầy. Cho nên, suốt 14 năm nay chúng tôi đã gặp bao nhiêu cay đắng, phũ phàng và chịu nhiều gian khổ, chúng tôi cũng chẳng sờn lòng. Dù sông kia có thể cạn, núi kia có thể mòn, song lòng dạ chúng tôi không hề thay đổi, nguyện đem đời tu hành của mình làm viên đá để Thầy chúng tôi xây dựng lại ngôi nhà Thiền Tông Việt Nam, như ước vọng của Thầy chúng tôi.

Chúng tôi biết rằng Thầy chúng tôi không bao giờ cố chấp, chịu khô cằn trong giáo điều Thiền Đông Độ, và cũng không bao giờ chịu chết cứng trong giáo điều Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Vì Thầy đã từng nói với chúng tôi: “Thầy trò hiểu nhau là hơn hết”. Mặc dù Thầy chúng tôi nói với quí vị chúng tôi tu lạc vào thiền ngoại đạo bị ngũ ấm ma, và còn nói với quí vị chúng tôi chẳng hiểu Phật pháp, chúng tôi tu theo Tiểu thừa tiêu nha, bại chủng, chồi khô, mộng lép, hoặc nói chúng tôi khai trừ Thầy. Những lời nói này quí vị không thể hiểu nổi Thầy chúng tôi đâu. Quí vị nên nhớ, nhờ có Thầy chúng tôi mà quí vị mới biết đến chúng tôi ngày nay.

Thầy chúng tôi đã tận tụy hy sinh cả đời mình vì Phật pháp. Tìm thấy cái gì hay trong kinh sách vội đem ra kêu chúng tôi về cho tu tập. Cho nên, cuộc đời của Thầy chúng tôi nguyện đem hết sức mình lo cho tăng, ni và phật tử quá nhiều, luôn luôn lúc nào Thầy của chúng tôi cũng chịu cực khổ lo giảng kinh, dạy đạo, và còn dịch viết kinh sách Thiền để cho quí vị không lầm đường tu hành. Bởi vậy chúng tôi tin Thầy của chúng tôi hơn ai hết.

Thầy nói điều gì về chúng tôi là nhắc nhở chúng tôi tránh những điều sai lầm. Như nói chúng tôi tu lạc vào thiền ngoại đạo là nhắc nhở chúng tôi kiểm tra lại đường lối tu hành của mình. Nói chúng tôi không hiểu kinh điển là bảo chúng tôi ôn cố lại kinh điển. Nói chúng tôi bị ngũ ấm ma là nói chúng tôi ý tứ từng lời nói và việc làm. Nói chúng tôi tiêu nha bại chủng là nói chúng tôi tận lực tu hành để trợ giúp Thầy chấn hưng Phật pháp, làm Bồ Tát hạnh. Nói chúng tôi khai trừ Thầy là bảo chúng tôi gắn bó cùng Thầy để thầy trò cùng nhau làm lợi ích chúng sinh.

Kính thưa quí vị tu sĩ tăng, ni và cư sĩ phật tử, những lời dạy bảo này là vì nguyên nhân Phật pháp hôm nay đã bị pha trộn đủ loại pháp môn tu hành. Người tu hành thường hay bị rơi vào ngũ ấm ma mà không hề hay biết, nên Thầy chúng tôi ngăn ngừa cảnh giác, nói thẳng về sự tu hành của chúng tôi để chúng tôi coi chừng lầm lạc.

Kính thưa quí vị, những lời nói này là những lời khuyên vàng ngọc của Thầy đối với chúng tôi. Những lời nói này làm cho chúng tôi cảm thấy rằng Thầy luôn lúc nào cũng ở bên mình, dìu dắt chúng tôi từng bước đi, không để chúng tôi bị ngã té trên đường tu học. Lòng thương yêu của Thầy chúng tôi không thể lấy trời biển, núi non mà sánh được.

Kính thưa quí vị, tâm nguyện lớn lao hy sinh cả cuộc đời mình cho Phật pháp, nên Thầy chúng tôi thường dạy bảo: “Một người tu chứng là Phật pháp thường còn”. Vì thế, ngày nay đã biết bao nhiêu người thấm nhuần công đức của Thầy chúng tôi. Vì có hiểu Thầy như vậy, nên chúng tôi không ngần ngại nói lên những điều mà chúng tôi đã thấy biết được, để giúp Thầy chấn hưng Phật pháp, và cũng để giúp quí vị tu hành không hoài công phí cuộc đời.

(Còn tiếp)

Tác giả: Trưởng Lão Thich Thông Lạc  Trích sách: Tạo duyên giáo hóa chúng sanh- Nhà xuất bản Tôn giáo

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường