Trang chủ Nguyên thủy Chơn Như Tạo duyên giáo hóa chúng sanh (Phần 2)

Tạo duyên giáo hóa chúng sanh (Phần 2)

Sư phụ người đã dạy bảo, đã khích lệ mình mới có sự tu chứng như ngày hôm nay, Thầy tìm về núi cũ để thăm Sư phụ và tạo duyên giáo hóa chúng sanh. Cảnh vật nơi Chân Không thay đổi nhiều quá, đường lên núi được lát đá, sắp cấp dễ đi hơn nhiều. Hai bên đường là những am thất sang trọng, thầy Phước Hảo bỡ ngỡ nhìn ông già xa lạ từ đâu đi đến, tự xưng là Thông Lạc.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Sư phụ người đã dạy bảo, đã khích lệ mình mới có sự tu chứng như ngày hôm nay, Thầy tìm về núi cũ để thăm Sư phụ và tạo duyên giáo hóa chúng sanh. Cảnh vật nơi Chân Không thay đổi nhiều quá, đường lên núi được lát đá, sắp cấp dễ đi hơn nhiều. Hai bên đường là những am thất sang trọng, thầy Phước Hảo bỡ ngỡ nhìn ông già xa lạ từ đâu đi đến, tự xưng là Thông Lạc.

Người chiến thắng giặc Sinh tử

Thầy khép cửa thất lá lại, bắt đầu sống cuộc đời cô đơn và cô độc suốt gần mười năm liền. Người em gái buôn gánh, bán bưng chắt mót từng đồng để nuôi mẹ, nuôi anh.

Mẹ Thầy lo nhiệm vụ hộ thất, mang cơm, xách nước cho Thầy qua khung lỗ nhỏ.

Thời gian lặng lẽ trôi qua mãi, những đĩa rau khoai lang luộc với chén nước tương, hoặc nắm muối trắng bên cạnh tô cơm là những gì nuôi nấng chút sức lực còn lại, để Thầy âm thầm chiến đấu với giặc sanh tử từ muôn kiếp.

Thầy nhớ văng vẳng bên tai lời của Sư phụ (Hòa thượng Thanh Từ):

“Phật pháp còn hiện hữu ở thế gian bởi vì còn có người tu chứng”.

Đúng vậy, nếu Phật pháp không có người tu chứng thì giáo pháp của ngoại đạo sẽ diệt mất Phật pháp. Bằng chứng cụ thể như hiện giờ, kinh sách Đại Thừa và kinh sách Thiền Tông của Trung Quốc đã diệt mất Phật pháp ở nước này.

Vì sợ danh dự mà ra đi, nhưng lòng Thầy lúc nào cũng nhớ đến sư phụ: chỉ nguyện dốc hết sức tiến tu đền ơn sư phụ đã chỉ dạy đường lối tu hành quí báu, cũng là để cho pháp môn Thiền Tông hiện hữu ở mãi thế gian, để cho chúng sinh có nơi nương tựa, từ thế hệ, này đến thế hệ mai sau và mãi mãi.

Nhớ lại lúc mới dụng công, Thầy cũng cố gắng biết vọng không theo, nhưng vọng tưởng chập chùng ngăn che, cái biết không hiện tiền, vọng tưởng lừa gạt tuôn chảy mãi. Thầy tự thấy chưa đủ trình độ đi con đường thẳng tắp này, nên lui lại áp dụng phương pháp đếm hơi thở. Sau khi đếm hơi thở thuần thục, Thầy lại chuyển sang tùy tức, theo dõi hơi thở. Sau một thời gian chuyên chú tăng tiến, sức tỉnh giác đã mạnh, Thầy mới trở lại phương pháp biết vọng không theo.

Hồi ở trên Chân Không, Sư phụ có đưa một tập sách trong Đại Tạng Kinh chữ Hán, bảo thầy Thông Lạc dịch, nhưng Thầy xin được giữ độn công phu, không trọng nghĩa giải.

Bây giờ, ở trong thất kín cũng vậy, Thầy bỏ hết sách vở, một bề miên mật xoay về nội tâm tỉnh giác. Có những khi Thầy bắt chân lên ngồi, liền thấy rõ cảnh vật ở làng xa xa, nhưng không chấp nhận, Thầy xả thiền đi kinh hành. Hôm thầy Nhật Quang về thăm quê, có ghé thăm thầy Thông Lạc, thầy Thông Lạc có hỏi thăm về sự việc này, thì thầy Nhật Quang bảo đó là ngũ ấm ma. Khi thầy Nhật Quang về núi thuật lại cho Sư phụ, Sư phụ có viết một bức thư gửi cho thầy Thông Lạc, nhưng bức thư đó không đến.

Những tháng ngày tiếp nối lặng lẽ trôi qua, cuộc đời bên ngoài biến chuyển rộn ràng. Chiến tranh khói lửa ngút ngàn, đến năm 1975 thì hòa bình lập lại, sau cuộc chiến thắng lớn lao của quân đội giải phóng. Cả nước đang nỗ lực góp sức xây dựng lại quê hương, sau bao nhiêu năm chinh chiến. Hoàn cảnh lúc này có khó khăn, vì mới bước đầu dựng lại nền kinh tế độc lập cho xứ sở, và dĩ nhiên, sinh hoạt Phật giáo cũng có phần ảnh hưởng.

Tu viện Chân Không chỉ còn vài thầy với Sư phụ, các thầy trẻ tuổi về mở mang canh tác ở Thường Chiếu.

Nhưng trong chiếc thất lá đơn sơ này, có một bóng người ngồi lặng lẽ, thản nhiên, không bận tâm về các việc khác. Người này đang còn bận phải lập một chiến công oanh liệt nhất, là tự chiến thắng chính mình. Cuộc chiến này chưa ngã ngũ, những tên giặc vọng tưởng vi tế còn lẩn lút đâu đây.

Thầy Thông Lạc vẫn kiên trì, không chút lơi lỏng, từng giờ, từng phút, từng giây đều kỹ lưỡng tỉnh giác, không cho sơ hở. Khi ăn, lúc uống, khi đứng, lúc đi, khi ngồi thiền, lúc xả thiền đều miên mật chăm chú.

Một thời gian dài lâu trôi qua như vậy. Một hôm Thầy chợt nghĩ: “Chư Phật thành đạo đều do sức đại hùng, đại lực, bây giờ mình phải khởi phát đại hùng để dứt hẳn vọng tưởng vi tế này”.

Thầy bắt chân lên bồ đoàn ngay thẳng, tập trung sức tỉnh giác tột độ, cột trói tâm vào hơi thở, vào mắt, vào tai. Quả nhiên, dòng vọng tưởng vi tế bị cột lại cứng ngắt. Thầy dần dần cảm thấy thân thể bị đau đớn quá đỗi, nhưng như con đại tượng đã qua sông không ngó lại, Thầy vẫn chịu đựng để mong dứt sạch vọng tưởng cuối cùng.

Khi Thầy thấy dễ chịu và xả thiền, thì đã qua mất một đêm không hay. Sáng, mẹ Thầy mang cơm vào, Thầy nói: “Bây giờ con ngồi thiền, nếu mẹ thấy thân con còn ấm thì thôi, còn nếu thấy thân con đã lạnh thì gọi bà con lại chôn con”.

Mẹ Thầy ngỡ ngàng nhìn Thầy, rồi lui ra, không tin những điều vừa nghe được. Nhưng những giọt nước mắt của mẹ Thầy rơi xuống, không dấu được Thầy. Thầy thương mẹ lắm, nước mắt của Thầy cũng chảy dài trên má. Thầy tự hứa với lòng mình: phải ráng tu để đền đáp ơn mẹ, ơn nhiều người.

Thầy lại lên bồ đoàn, lại tập trung sức tỉnh giác tột độ như vậy, và cảm giác đau đớn lại khởi lên. Vẫn ý chí ngất trời xanh, vẫn tâm nguyện kiên cường như núi đá, Thầy tiếp tục ngồi không lay động. Người mẹ già mỗi ngày mang cơm vào rồi lại mang ra, vì Thầy ngồi mãi không xả. Bà lo sợ, nước mắt lại tuôn rơi, sợ Thầy chết mất, nên đến gần quan sát thì thấy vẫn còn hơi nóng nơi thân của Thầy, nên yên tâm đi ra, nhưng không sao giữ được những giọt nước mắt thương con. Bà thương con lắm, tu hành sao khổ đến thế!

Đến ngày thứ bảy thì Thầy xả thiền, bà mừng rỡ mang cơm vào cho Thầy, định hỏi thăm vài điều, nhưng thấy Thầy nhìn bà như nhìn một người xa lạ và không nói câu nào, không bảo đói, không nói khát, chỉ ngồi trơ trơ như người từ một thế giới nào lạc vào đây vậy.

Lúc này, thầy Thông Lạc đang ở trong cái đại tử của nhà thiền, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, nhưng mọi suy nghĩ phân biệt không khởi, có cơm thì ăn, có nước thì uống, chứ không còn thấy đói khát gì cả. Khi ngồi thiền, khi xả thiền đều từ thói quen của tay chân tự động, chứ không tác ý. Thời gian đại tử này kéo dài gần hai tháng.

Tạo duyên giáo hóa chúng sanh (Phần 2)

Một hôm, Thầy bắt chân ngồi sát bàn Phật mà không biết, đến khi xả thiền, kéo chân ra đụng vào góc bàn Phật, liền đó tan vỡ! Xem như giai đoạn tu tập Thiền Tông Tối Thượng Thừa đến đây là xong. Nhưng khi trở ra đời sống bình thường, không ở trong trạng thái đại định này, thì Thầy thấy tâm mình còn tham, sân, si, mạn, nghi và còn mạnh hơn lúc chưa tu. Nhưng tâm rất khôn khéo, lý luận che đậy bằng những lời lẽ mà ta thường gặp trong kinh sách Thiền Tông và Đại Thừa như: “Tự tại vô ngại đói ăn khát uống mệt ngủ liền”, hoặc: “vô sở đắc”, hoặc: “còn thấy tu chứng là chưa chứng”, hoặc: “Em là em, Phật là Phật, em không phải là Phật, Phật không phải là em”…​

Tu xong rồi tâm vẫn còn phiền não, bệnh đau phải đi bác sĩ, uống thuốc, không biết cách nào làm chủ sự sống chết. Tu hành chỉ có thông suốt tất cả những công án và kinh sách Đại Thừa để làm gì, khi không làm chủ được sanh, già, bệnh, chết? Thầy rất buồn nản, chẳng còn muốn sống, 10 năm tu tập trong thất rất là gian khổ, rốt cuộc chỉ có một số tưởng giải để lý luận hơn thua. Thế là cuộc đời tu hành của Thầy trở thành số không, nhập vào trạng thái không vọng tưởng thì 18 loại hỷ tưởng xuất hiện, biết chuyện quá khứ, vị lai của mình, của người rất rõ ràng. Nhưng để làm gì đây? Để trở thành thầy bói ư!

Thầy muốn chết đi cho xong, muốn vào rừng tự tử cho xong một đời tu hành chẳng ra gì. Tu hành như thế này còn mang nợ của đàn na thí chủ, chẳng ích lợi gì cho ai, chỉ có nói dối lừa người. Ôi! Thật là xót xa vô cùng, phí một đời người, chỉ trở thành người nói dối có kinh sách, giới luật thì vi phạm không một giới nào là không vi phạm (phạm giới trong ý). Đúng là chết quách đi cho rồi, nhưng mẹ còn sống mà chết đi là bất hiếu.

Bấy giờ, Thầy ở trong tình trạng như muốn điên loạn, thầy lấy tập kinh Trung Bộ song ngữ do Hòa thượng Minh Châu dịch ra đọc cho hết thời gian, nhưng khi đọc đến những câu: “Tác ý một tướng khác thì tướng kia bị diệt”, hoặc: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô”, hoặc: “Quán từ bỏ tâm tham…​”, hoặc: “Quán đoạn diệt tâm tham…​”. Đọc đến những đoạn kinh này, thầy Thông Lạc như bừng tỉnh. Thầy áp dụng vào đời sống tu hành của mình ngay liền, Thầy không ngồi kiết già nữa, vì ngồi kiết già tâm sẽ nhập vào Không Vô Biên Xứ Tưởng. Thầy rất sợ 18 loại tưởng xuất hiện, nên chỉ ngồi tựa cửa thất, nhìn trời mây, cây cỏ mà tác ý: “TÂM NHƯ ĐẤT, LY THAM, SÂN, SI CHO THẬT SẠCH”. Nhờ tác ý như vậy, tâm Thầy lần lượt quay vào định trên thân, Suốt ngày đêm Thầy không ngủ, luôn luôn biết hơi thở ra, vô và cảm giác toàn thân. Chính lúc này tâm Thầy đang quán trên thân, tức là Thầy đang tu tập Tứ Niệm Xứ mà không biết. Tâm định trên thân suốt sáu tháng trời, khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống đều biết chỉ có một tâm đó.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tao duyen giao hoa chung sanh Phan 2 2

Thị giả Mật Hạnh

Thị Giả Mật Hạnh

Một hôm, trên tâm thanh tịnh đó xuất hiện Bốn Thần Túc, Thầy liền biết một cách rõ ràng, nhưng cái biết đó không phải là ý thức, mà cái biết đó là thức uẩn, nên Thầy dùng thần lực đó nhập Bốn Định Hữu Sắc và thực hiện Tam Minh. Thầy hoàn toàn làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi sanh tử. Thầy biết rất rõ chỉ còn một đời sống này nữa mà thôi. Tâm Thầy không còn một chút tham, sân, si, mạn, nghi nào cả.

Sau sáu tháng tu tập với câu tác ý đơn giản, mà thành công vĩ đại không ngờ. Sự thành công này mở màn cho nền đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật giáo ra đời.

Thầy mở cửa thất đi ra làm người chiến thắng vinh quang, sau hơn mười năm giam mình trong cô đơn hiu quạnh, Thầy đi đến mẹ mình nói: “Từ nay mẹ khỏi mang cơm vào thất, vì con sẽ ra đây ăn cơm với mẹ. Con đã tu xong rồi”.

Mẹ Thầy vui mừng quá đỗi, nói: “Thời gian qua mẹ tưởng con điên mất, và nhất là lo sợ con chết”.

Có lẽ lời nguyện hứa từ kiếp nào đã làm tròn, bà cụ ra đi sau đấy ba tháng.

Mẹ ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong nhà chỉ còn lại hai anh em, nên thầy Thông Lạc xin một đứa cháu mới tám tuổi, đặt cho pháp danh là Mật Hạnh, về nuôi, cho đi học và dạy tu hành.

Sau mười năm nhọc nhằn nuôi mẹ, nuôi anh, giờ đây, người em được Thầy giúp đỡ mọi công việc nặng nhọc, đặt cho pháp danh là Diệu Quang và lại dạy tu hành ngồi thiền xả tâm. Đó là hai người đệ tử cư sĩ đầu tiên được quy y với Thầy.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tao duyen giao hoa chung sanh Phan 2 1

Tạo duyên giáo hóa chúng sanh

Thấy mình không có duyên giáo hóa chúng sanh, nên Thầy muốn thị hiện Niết Bàn để gây niềm tin cho mọi người rằng: Thời mạt pháp vẫn có thể tu chứng. Việc lợi ích chúng sinh của Thầy chỉ như vậy, chỉ là gây niềm tin cho mọi người bằng hình ảnh Niết Bàn của mình. Thầy cất một cái nhà sàn định dùng làm giàn hỏa thiêu. Nhưng Thầy thấy chúng sanh còn quá khổ, bỏ đi sao đành, con đường tu hành theo Phật giáo để được giải thoát thì bị kinh sách phát triển Đại Thừa và Thiền Đông Độ dìm mất, còn mình thì không có duyên, làm sao cứu họ đây. Thầy suy tư rất nhiều để tìm mọi cách độ chúng sanh. Rồi Thầy lại nhớ ngày xưa đức Phật còn hóa duyên độ chúng sanh, thì Thầy bây giờ cũng vậy. Phải hóa duyên độ chúng sanh, nhưng phải bằng cách nào?

Rồi Thầy tự trả lời câu hỏi: Phải tạo duyên mới chớ sao? Nhưng tạo duyên mới như thế nào? Người nào? Ở đâu?

Để trả lời những câu hỏi này, Thầy dùng trí tuệ tu chứng quan sát khắp nơi: Chỉ thấy có Sư phụ (Hòa thượng Thanh Từ), là nơi tạo duyên hóa độ chúng sanh dễ dàng.

Sư phụ người đã dạy bảo, đã khích lệ mình mới có sự tu chứng như ngày hôm nay, Thầy tìm về núi cũ để thăm Sư phụ và tạo duyên giáo hóa chúng sanh.

Cảnh vật nơi Chân Không thay đổi nhiều quá, đường lên núi được lát đá, sắp cấp dễ đi hơn nhiều. Hai bên đường là những am thất sang trọng, thầy Phước Hảo bỡ ngỡ nhìn ông già xa lạ từ đâu đi đến, tự xưng là Thông Lạc. Thầy Thông Lạc nói:

Thầy nhớ tôi không? Tôi là Thông Lạc đây!

Thầy Phước Hảo không tin người đứng trước mặt mình là người huynh đệ Thông Lạc ngày xưa. Thông Lạc ngày xưa đẹp đẽ, nho nhã bao nhiêu, thì ông già này tiều tụy già cỗi bấy nhiêu, mái tóc dài lõa xõa, chòm râu bạc lơ thơ, răng chiếc còn, chiếc mất, làm sao là Thông Lạc được.

Nhưng dù sao, thầy Phước Hảo cũng nhận ra được, và huynh đệ rất mừng tay nắm tay. Sau khi uống nước xong, thầy Phước Hảo giới thiệu lên Sư phụ. Đi vòng qua Thiền Đường uy nghi mát mẻ, qua tăng đường chỉ còn trơ lại nền đất, lên dốc Đại Mai uốn quanh, khỏi cốc thầy Kiến Thiện là phương trượng Sư phụ. Sư phụ nhận ra thầy Thông Lạc liền. Thầy Thông Lạc thưa:

Thưa Thầy! Sau bao năm xa Thầy, giờ đây con đã có trí tuệ và nhập định một cách dễ dàng.

Sư phụ bảo:

Chú nói chú có trí tuệ, bây giờ tôi hỏi mà chú đáp được thì tôi công nhận.

Thầy Thông Lạc nói:

Thỉnh Thầy hỏi.

Sư phụ đưa ra một công án thiền:

– Có một thiền sư hỏi thiền khách: “Phật là gì?”. Thiền khách đáp mãi mà thiền sư không đồng ý. Bây giờ tôi hỏi chú:

– Phật là gì?

Như trái banh nổi trên nước, đụng là xoay, đẩy là chạy, thầy Thông Lạc liền đáp:

Thầy có thấy lá cây rung trước gió chăng?

Sư phụ gật đầu và đưa ra một công án khác:

Có một thiền khách hỏi Động Sơn:

– Thế nào là đại ý Phật pháp?

Động Sơn đáp:

– Ba cân gai.

Vậy tôi hỏi chú:

Ba cân gai là gì?

Thầy Thông Lạc đáp nhanh như gió, không cần suy nghĩ:

– Đạo không lìa đời.

Sư phụ gật đầu, đọc một đoạn trong kinh Lăng Già để ấn khả chỗ đến của thầy Thông Lạc, tức là Thầy đã kiến tánh hoàn toàn.

Theo Thiền Tông, kiến tánh thành Phật, người thông suốt 1.700 công án thiền là trí, chứ không còn là thức phàm phu nữa.

Sư phụ có bảo:

– Nếu chú có ở gần tôi, chú đã đến chỗ này sớm hơn.

Thầy Thông Lạc lại thưa:

– Thưa Thầy cho phép con nhập Niết Bàn.

– Năm nay chú bao nhiêu tuổi?

– Dạ, hơn năm mươi tuổi!

Chú hãy còn trẻ lắm, hãy ở gần tôi thêm lợi ích và trợ duyên tôi giáo hoá.

Duyên đã tạo ra được, từ đây thầy Thông Lạc bình thản ở lại và tìm mọi cách dựng lại Chánh pháp của Phật. Sư phụ lại đưa cho Thầy nhiều kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông để mở mang kiến thức.

–o0o–

Chỉ có người tu chứng mới thống nhất Phật Giáo

Hôm nay, ngày 11 tháng 3 Âm lịch, năm 1987, thầy Thông Lạc lại về thăm Sư phụ.

Sư phụ đang ngồi trên võng, nơi nhà mát phương trượng, với vài ba phật tử quen thuộc ngồi dưới nền. Thầy Thông Lạc đến xá chào và ngồi xuống bên phải gần Sư phụ. Các phật tử đi theo Thầy cũng ngồi xuống chỗ thích hợp. Trong buổi nói chuyện này, anh Đỗ Đình Đồng đã trình nhiều ý kiến về Phật giáo và Thiền Tông với Sư phụ. Câu chuyện ban đầu đi dần đến kinh nghiệm tu hành. Thầy Thông Lạc thưa:

– Thưa thầy, theo kinh nghiệm của con, người tu thiền phải xả bỏ tận gốc các kiến giải, tưởng giải, vì sự hiểu biết đó chỉ là hiểu biết ảo tưởng, chứ không phải sự hiểu biết của tri kiến giải thoát. Như ngày trước con tu, không xem kinh sách gì, đến khi con lên trình Thầy. Thầy hỏi là con bèn đáp theo Tri Kiến Trực Giác, chứ không do ý thức suy nghĩ phàm phu.

Hòa thượng Thanh Từ bảo:

– Không phải thức như thế này. Có hai loại trí:

Một là Trí Hữu Sư.

Hai là Trí Vô Sư.

Trí hữu sư do học, còn trí vô sư do tâm thanh tịnh. Trí vô sư này mới chống lại với giặc sanh tử được, còn trí hữu sư thì không chống được. Trí tuệ là cái chính yếu để phá trừ vô minh được giải thoát. Ngày xưa, các Tỳ kheo dù nhập định đến 7, 8 ngày mà chưa thấy lý Tứ Đế vẫn không chứng A La Hán, vì trí hữu sư vẫn là phàm phu trí.

Sau đó, Sư phụ lại đề cập đến vấn đề Nguyên Thủy và Đại Thừa đang là điều chú ý hiện nay. Thầy bảo, cũng là đạo Phật, mà hai bên đi hai đường dường như trái hẳn nhau; không thông cảm, không thống nhất gì được. Anh Đỗ Đình Đồng tỏ vẻ bi quan về việc thống nhất, dung hợp Nguyên Thủy và Đại Thừa là điều quá khó khăn, xưa nay không ai nghĩ tới. Thầy Thông Lạc thưa:

– Thưa Thầy, theo con thấy mình cứ biểu hiện bằng sự tu chứng của mình. Họ thấy được điều đó rồi theo mình là tự nhiên thống nhất.

Sư phụ bảo:

– Được mấy người tu chứng, và bao lâu mới tu chứng. Dĩ nhiên điều này là hay, nhưng đòi hỏi thời gian. Trong khi vấn đề hiện nay cấp bách là phải giải quyết liền. Có ba yếu tố có thể giúp cho sự thống nhất:

Một là biểu hiện qua sự tu hành chân chánh của mình. Điều này đòi hỏi bên Đại Thừa phải trong sáng, không để xen lẫn những hình thức mê tín, dị đoan trái tinh thần giải thoát, giác ngộ của đạo Phật, phải có những người tu hành có kết quả rõ rệt; phải giữ gìn giới luật nghiêm túc; phải sợ hãi những lỗi lầm nhỏ nhặt trong giới luật.

Hai là giáo lý Nguyên Thủy và Đại Thừa phải được dẹp bỏ những kiến giải, tưởng giải làm sai lệch ý Phật. Nhất là kinh sách Đại Thừa xây dựng thế giới siêu hình ảo tưởng, tạo thành một tôn giáo thần quyền, chuyên cúng bái cầu siêu, cầu an tạo ra nhiều sự mê tín, dị đoan, lạc hậu, khiến phật tử mất hết sức tự lực, chỉ còn tha lực cầu cạnh quỷ thần. Những tư tưởng sai lệch của Đại Thừa như vậy cần phải dẹp bỏ, thì mới có thể hòa hợp với Nguyên Thủy Nam Tông.

Ba là nghi thức. Mình là người Việt Nam. Phật giáo là Phật giáo Việt Nam, mà bên thì tụng kinh bằng tiếng Pàli, bên thì tụng bằng tiếng Hán, người Việt Nam nghe không hiểu gì hết.

Ngừng một chút, Sư phụ tiếp:

– Nội cái việc hai tạng kinh không đồng nhau là đã rắc rối rồi. Hoà thượng Minh Châu chỉ nhận tạng kinh Pàli là đạo Phật, còn cho kinh điển Đại Thừa là ngoại đạo. Hòa thượng Trí Tịnh thì bảo ai không nhận kinh điển Đại Thừa kẻ đó là ngoại đạo. Hai ông Hòa thượng lớn của giáo hội còn chưa thông cảm nhau, huống hồ người dưới.

Không thể nào giáo lý Đại Thừa và Nguyên Thủy không trái nhau, hai giáo lý này nghĩa lý cách xa nhau như một trời, một vực, vì thế không thể thống nhất giáo lý được, mà thống nhất giáo lý không được thì làm sao thống nhất hai hệ phái lớn này được, Hai hệ phái lớn không thống nhất được thì các chi phái nhỏ, các nhánh khác dễ dàng gì thống nhất họ được.

Anh Đỗ Đình Đồng vui vẻ thưa:

– Con thấy việc làm này rất khó, chỉ có những người tu chứng mới làm nổi như ý Thầy Thông Lạc.

Thầy Thông Lạc cũng đồng ý:

– Đây chỉ còn là cách duy nhất mà thôi.

Sư phụ bảo:

– Tôi chỉ gợi ý thôi, còn để cho mấy chú sau này làm.

Nói xong, Sư phụ quay nhìn những đệ tử trẻ chúng tôi ngồi gần đấy.

Đã đến giờ ngọ trai, trước khi lui ra, thầy Thông Lạc thưa:

– Con muốn thưa chuyện riêng với Thầy, nếu được Thầy cho phép, con gặp Thầy vào buổi chiều.

Ờ, hai, ba giờ chiều rồi tới.

–o0o–

(Còn tiếp)

Tác giả: Trưởng Lão Thich Thông Lạc  Trích sách: Tạo duyên giáo hóa chúng sanh- Nhà xuất bản Tôn giáo

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường