Trang chủ Chuyên đề Tăng cường nội dung các chuyên đề trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Tăng cường nội dung các chuyên đề trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (NCPH) là ấn phẩm báo chí của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và là một trong những cơ quan báo chí chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Bộ VH-TT (nay là Bộ TT & TT) cấp Giấy phép báo chí.

Tạp chí có các chuyên mục, chuyên trang như: Triết học, lịch sử, Trao đổi-nghiên cứu, Nhân vật Phật giáo… là những chuyên đề chuyên giúp các quý tăng ni, học giả nghiên cứu, trao đổi và cùng nhau phổ biến tri thức Phật pháp. Bên cạnh đó, những trang mục Phật giáo với đời sống, Đời sống Phật tử, văn hóa Phật giáo, Suy ngẫm, Pháp thoại… tập trung phản ánh sự ứng dụng, hòa nhập đa dạng của tri thức Phật giáo trong đời sống xã hội.

Việc Tạp chí được cấp mã số ISSN là việc cần thiết, giúp liên kết rộng rãi hơn với các học giả, các nhà nghiên cứu, các tu sinh và học viên nghiên cứu Phật giáo tại các trường học và viện nghiên cứu, mặc dù chỉ số này không liên quan nhiều đến chất lượng khoa học các bài báo trong các tạp chí đó. Đối với một tạp chí khoa học nói chung thường dựa vào hai chỉ số để đánh giá tiêu chí là chỉ số ảnh hưởng và số lần trích dẫn (citation index). Chỉ số ảnh hưởng IF là số lần trích dẫn hay tham khảo trung bình các bài báo mà tạp chí đã công bố hai năm trước. Tất nhiên với một tạp chí về Phật giáo thì những chỉ số đó cũng chỉ là một yếu tố để tham khảo, bởi tạp chí và các ấn phẩm về Phật giáo không chỉ đơn thuần là hướng tới các mục tiêu và chỉ số khoa học.

Trước sự phát triển mạnh mẽ, đầy tiện ích của nguồn thông tin và tri thức Phật giáo được đăng tải trên internet và các mạng xã hội, việc duy trì đều đặn các ấn phẩm báo in thực sự là một sự nỗ lực lớn của đội ngũ Ban Biên tập Tạp chí, người viết tham luận xin có một vài ý kiến nhỏ về định hướng nội dung của Tạp chí trong những năm tới như sau:

1. Cần đa dạng hơn nội dung các chuyên đề

Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã có nhiều đăng tải các chuyên đề, tuy nhiên theo người viết tham luận thì nên khai thác nhiều hơn các bài viết về nội điển. Trong ba phần tinh túy của kinh sách Phật giáo, thì Luận tạng chiếm vị trí quan trọng. Luận tạng chứa đựng các tri kiến của Phật giáo về Triết học, Tâm lý học, Nhân minh học, Trung đạo, Luận lý, Nhận thức, Bản thể… Ngày nay không chỉ trong chương trình đào tạo tại các trường Phật học giành cho tu sĩ, mà cả các trường ngoài thế tục cũng giới thiệu, nghiên cứu các tư tưởng này trong nhiều môn học. Hiện nay còn lưu trữ một hệ thống vô cùng đồ sộ các bản kinh văn Luận tạng, các bình giải, chú giải, nghiên cứu, so sánh và ứng dụng các tư tưởng trong Luận tạng. Trong những năm tới Tạp chí Nghiên cứu Phật học nên giành một thời lượng nhiều hơn cho các chuyên đề về Luận tạng. Qua tìm hiểu nội dung một số luận văn, luận án tiến sĩ về triết học Phật giáo, Tâm lý học Phật giáo, Phật học và những ngành nghiên cứu có liên quan tới Phật giáo ở Việt Nam khoảng hơn 10 năm qua thì hầu như vắng bóng các nghiên cứu chuyên sâu về Luận tạng hoặc nếu có thì cũng chỉ nghiên cứu những tác phẩm rất phổ thông tại Việt Nam mà ít có sự cập nhật các bản dịch mới. Ví dụ như có một luận án Tiến sĩ viết về Luận sư Long Thọ nhưng cũng chỉ khai thác xung quanh bộ luận Căn bản Trung Quán Luận mà hầu như ít khai thác tới những tác phẩm khác, ít nhất đã được chuyển dịch sang tiếng Việt.

gii thiu ban thng tin truyn thng trung ng 4 638

Ngoài bộ luận Căn bản Trung Quán Luận, một số trước tác của Luận sư Long Thọ đã được dịch sang tiếng Việt như Đại Trí Độ Luận (sa. mahāprajñāpāramitā-śāstra, mahāprajñāpāramitopadeśa), Bảo Hành Vương Chính Luận, Lá Thư Gửi Bạn (Thiện Tri Thức dịch, 2002), Vòng châu báu lời khuyên quốc vương (sa. ārya-nāgārjunabodhisattva-suhṛllekha), Giọt dưỡng sinh luận (Nhật Hạnh dịch, 2015).

Một trong những lý do chính mà giới nghiên cứu trong nước, các học viên Sau đại học thường đưa ra là ngoài việc các chuyên đề trong Luận tạng khá trừu tượng và đa dạng thì hạn chế về ngôn ngữ là lý do chính để ít người đi sâu vào các nội dung chuyên đề và tác phẩm trên. Trong bài tham luận này, người viết xin liệt kê thêm một số bộ luận đã được dịch sang tiếng Việt của các luận sư để cho thấy việc khai thác nội dung các chuyên đề đa dạng, thâm sâu và căn bản từ Luận Tạng là có thể thực hiện được và rất cần thiết cho việc nghiên cứu Phật học những năm tới.

Luận sư Thánh Thiên (Aryadeva) một trong những luận sư đệ tử của Long Thọ. Các trước tác của Thánh Thiên như Tứ Bách Luận (Bốn trăm câu kệ), Quảng Bách Luận, Bách Tự Luận…, đều là những bộ kinh văn nền tảng của Trung Quán Luận. Bộ Quảng Bách Luận được ngài Thánh Thiên soạn vào thế kỷ thứ III. Luận này gồm có 200 bài kệ tụng theo thể 5 chữ. Nội dung chia làm 8 phẩm: Phá thường, Phá ngã, Phá thời, Phá kiến, Phá căn cảnh, Phá biên chấp, Phá hữu vi tướng và Giáo giới đệ tử. Lập trường chủ yếu của luận này là phá trừ vọng chấp của ngoại đạo và Tiểu thừa cho rằng các pháp là có thật, đồng thời, thuyết minh lí chân không vô ngã. Tứ Bách Luận (Sankrit: Bodhisattvayogacarya-catuhshataka-shastra-karika) có một ấn bản tiếng Việt mới được Hồng Như dịch năm 2012.

Nguyệt Xứng một trong những Luận sư quan trọng của Trung Quán Luận. Ông phát triển trường phái Trung Quán Ứng thành. Các trước tác của Nguyệt Xứng hiện nay còn nhiều bộ trên hệ ngôn ngữ Hán, Tạng và Sanskrit, trong đó có một số đã được chuyển dịch sang tiếng Việt như Tứ Bách Luận, Trung Quán Căn bản Minh Cú Luận. Nguyệt Xứng luận sáu mươi kệ tụng biện luận lý tính duyên khởi của Long Thọ, Đặng Hữu Phúc dịch, thuvienhoasen.org, 2010, Nguyệt Xứng và giải nghĩa căn bản Trung Quán Luận của Long Thọ (Madhyamakavatara bản dịch của Nhật Hạnh và Hạnh Tấn, in tại Hoa kỳ, 2015).

Minh Cú Luận (Sankrit: Prasannapada): Luận giải mệnh đề sáng tỏ (Cao Dao dịch tiếng Việt, Thuvienhoasen.org. 2010). Tác phẩm liệt kê và phủ định các lập luận truyền thống của Phật Giáo cũng như của “ngoại đạo” như hiện hữu cá thể trong quá khứ, trong trương lai, khái niệm vĩnh hằng…

Tịch Thiên (Shantideva) được nhiều học giả đặt ngang hàng với những đại luận sư khác như Long Thụ, Thánh Thiên, Nguyệt Xứng, Thanh Biện và Giác Hiền. Ba bộ luận quan trọng do ngài trước tác vẫn còn được lưu giữ trong hệ Hán truyền và là pháp bảo căn bản trong các trường Phật học tại hệ Tạng truyền. Luận sư Tịch Thiên để lại ba bộ luận quan trọng là Tập Bồ Tát Học Luận (Sankrit: śikṣāsamuccaya), Nhập Bồ Tát Hạnh (sa. Bodhicaryāvatāra) và Tập Kinh Luận. Tập Bồ Tát Học Luận có một ấn bản do Hòa Thượng Như Điển dịch tiếng Việt vào 2004. Trọng tâm của Tập Bồ Tát Học Luận là con đường tu tập của một vị Bồ Tát. Luận văn chuyên chú đến khía cạnh tu tập cụ thể mà mỗi Phật tử có thể thực hành.

Nhập Bồ Tát Hạnh có ba ấn bản tiếng Việt do Thích Nữ Trí Hải dịch năm 1998, Nxb Hồng đức phát hành năm 2015. Bộ kinh văn này còn có 2 bản dịch tiếng Việt khác do Thích Trí Siêu dịch năm 1990, Nxb Hồng Đức phát hành năm 2015 và Nguyên Hiển dịch, Tuệ Quang Foundation – hội Phật học Phổ Minh phát hành 2005.

Bộ luận Tập Yếu Nghĩa Phật Pháp được Hòa thượng Thích Huyền Vi dịch năm 1985 và cũng được Hòa thượng Thích Bảo Lạc dịch dưới một tên khác là Luận Đại Thừa Bảo Yếu (Pháp Bảo 88).

Luận sư Vô Trước được xem là Luận sư sáng lập học phái Du già. Sư Địa Luận là trước tác luận điển quan trọng. Đây là một trong ba bộ luận thuộc loại đồ sộ bậc nhất hiện có trong Hán Tạng, là một trong những tác phẩm căn bản nhất của Duy Thức tông. Bộ luận Du Già sư địa được Nguyễn Huệ dịch tiếng Việt và Nxb Hồng Đức phát hành năm 2013. Ngoài ra Luận sư Vô Trước được giới thiệu kỹ trong tác phẩm Trung Quán và Du Già Hành tông, tác giả Gadjin M. Nagao, được dịch giả Thích Nhuận Châu dịch tiếng Việt, Nxb Văn hóa-nghệ thuật Tp Hồ Chí Minh, 2020.

Luận sư Di-lặc (Maitreya-nātha – khoảng 270-350 TL) là tên một nhân vật lịch sử trong 3 vị luận sư khai sáng Du Già Hành Tông (Yogācāra) hay Duy Thức tông (Vijñānavāda): Di-lặc (Maitreya-nātha), Vô Trước (Asaṅga), Thế Thân (Vasubandhu). Ngài là tác giả của năm bộ luận, được gọi là Di Lặc ngũ luận. Cả năm bộ luận quan trọng này đều đã được chuyển dịch sang tiếng Việt, có thể liệt kê như sau:

Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Nxb Thiện tri thức, 2016, Thiện tri thức dịch, Skt: Abhisamaya-alamkāra). Tác phẩm là một luận giảng theo thể kệ về văn học Bát nhã ba la mật (trong 100.000 và 25.000 và trong 8.000 câu kệ) và giống như văn học ấy, được chia thành tám chủ đề kim cương.

Đại Thừa Trang Nghiêm Luận (Quảng Minh dịch và chú giải tiếng Việt, Nxb Tôn giáo, 2012. Skt: Mahāyāna-sūtrālamkāra-kārikā). Tác phẩm gồm hai mươi mốt chương bằng thể kệ, gồm một bàn luận về Phật tính, quy y Tam Bảo, những con đường Đại thừa, và giáo lý tính Không.

Trung Biên Phân Biệt Luận (Skt: Madhyānta-vibhāga-kārikā) là một luận giảng trình bày chủ yếu về trường phái Duy tâm (Cittamatra) của Phật giáo, đặc biệt trường phái Shentong. Bản luận khám phá thường kiến (chủ nghĩa vĩnh cửu) và đoạn kiến (chủ nghĩa hư vô) và tại sao chúng không phải là trung đạo.

Phân biệt Pháp và pháp tính (Sankirt: Dharma-dharmatā-vibhāga) là một luận giảng về giáo lý Như Lai tạng và trường phái Duy tâm.

Luận Phật Tính (Đỗ Đình Đồng dịch tiếng Việt, 2016, NXB tôn giáo, Sankrit: Utara Tantra, Maitreya). Tác phẩm được viết bằng thể kệ và có bảy điểm kim cương. Chủ yếu là một giảng luận về Tam Bảo, hạt giống của Phật tính có sẳn trong tất cả chúng sinh, và những thuộc tính và hạnh của Phật, đặc biệt luận về Phật tính và sự khai triển chứng ngộ bản tính của những hiện tượng qua sự tịnh hóa những phiền não.

Trung Luận và Hồi Tranh Luận (Sankrit: Vigrahavyavartani, 2012, Bồ tát Long Thọ, Đỗ Đình Đồng dịch tiếng Việt, NXB Hồng Đức. Hồi Tránh Luận (*) (sa. vigraha-vyāvartanī, vigrahavyāvartanīkārikā).

Tất nhiên ngoài các chuyên đề về Luận thì vẫn cần khai thác sâu thêm kinh điển, các trước tác của chư tổ các sơn môn, lịch sử Phật giáo các nước, các ngành khoa học liên quan tới Phật giáo…

Ma so ISSN

2. Tạp chí Nghiên cứu Phật học cần có ấn bản tiếng Anh

Đối với một Tạp chí Nghiên cứu là cơ quan ngôn luận của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì một ẩn bản tiếng Anh là điều cần thiết. Thứ nhất, ấn bản tiếng Anh có vai trò giới thiệu tri thức Phật học nói chung, đặc biệt là hình ảnh Phật giáo Việt Nam tới các học giả, nhà nghiên cứu và các Phật tử quốc tế. Tăng cường tính hội nhập, giao lưu Phật giáo với các nước bên ngoài. Thứ hai, ấn bản tiếng Anh có thể làm quà biếu nhân những dịp các phái đoàn khách quốc tế, Phật giáo quốc tế tới viếng thăm Giáo hội hoặc làm tư liệu cho các trung tâm Phật giáo Việt Nam ở các nước ngoài. Thứ ba, ấn phẩm tiếng Anh giúp cho những nhà nghiên cứu, các học viên nghiên cứu Phật giáo gồm cả các tu sĩ và học giả thế tục tăng cường vốn ngoại ngữ chuyên ngành Phật học, vốn là một trong những hạn chế trong các chương trình đào tạo về khoa học xã hội nhân văn, trong đó có Phật học và các ngành liên quan tới Phật giáo tại Việt Nam hiện nay.

Qua tham khảo một số Tạp chí có chỉ số khoa học cao trong nước hiện nay, các ấn phẩm tiếng Việt thì phần Mục lục và tóm tắt một số bài viết chính đều được chuyển dịch sang tiếng Anh. Người viết xin đề xuất, trong những năm tới tạp chí Nghiên cứu Phật học có kế hoạch xuất bản mỗi năm một số ấn phẩm tiếng Anh. Trong điều kiện nguồn lực của Phật giáo, có thể liên kết, hợp tác với các tăng ni sinh và các học giả đã và đang tu học các các nước trên thế giới để hỗ trợ cho loại hình ấn phẩm này.

3. Tăng cường chuyên mục hướng dẫn thực hành

Phật giáo có thể được tiếp cận ở nhiều góc độ từ góc độ nghiên cứu, khoa học, tổ chức, chứng ngộ… Tạp chí Nghiên cứu Phật học ngoài những chuyên mục mang tính nghiên cứu, hàn lâm cũng đã có nhiều bài viết về Phật giáo ứng dụng, những suy nghiệm triết lý trong đời sống, tuy nhiên theo người viết tham luận này thì vẫn nên tăng cường thêm chuyên mục hướng dẫn thực hành, đặc biệt một số nghi thức thực hành đơn giản, các cách khởi tâm đơn giản trong đời sống thường nhật.

Việc hướng dẫn các cách khởi tâm đơn giản theo tri kiến Phật giáo rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày nay. Truyền thống Phật giáo dạy rất nhiều các cách sinh hoạt đơn giản, lời ăn, tiếng nói trong gia đình, làm việc nơi công sở, học đường, công sở…

Riêng đối với chuyên mục này, Tạp chí nên tận dụng kết hợp thiết kế các video hay âm thanh hướng dẫn trên phiên bản online để nội dung được truyền tải đa dạng, sinh động và trực quan hơn với độc giả. Các Tạp chí về Phật giáo trên thế giới ngày nay như Lionroar, Trycle… tận dụng rất hữu hiệu các nguồn lực tương tác trực tiếp trên internet. Tất nhiên việc kết hợp này cũng đòi hỏi phải xây dựng thêm rất nhiều các nguồn lực từ thiết kế, giọng đọc, tài chính…

Xin kính chúc Ban biên tập Tạp chí thêm nhiều sức khỏe. Tạp chí đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, để truyền tải rộng rãi các giá trị Phật Pháp lợi lạc cộng đồng xã hội./.

Cư sĩ La Sơn Phúc Cường
HỘI THẢO KHOA HỌC: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội & Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Thành tựu và Định hướng”

——————————-

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Văn Nhung, Mã số ISSN và sự phân loại tạp chí khoa học, tạp chí Khoa học và Công nghệ, 2017.
2. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 01, 2020.
3. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 05, 2019.
4. Đại Thừa Trang Nghiêm Luận, Quảng Minh dịch và chú giải tiếng Việt, Nxb Tôn giáo, 2012.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường