Tác giả: Thích nữ Thiên Vân Học viên Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM
A. DẪN NHẬP
Trong bất cứ một mô thức xã hội nào, việc giữ gìn và thực thi nghiêm túc các luật lệ chung là nền tảng thiết yếu để hình thành nên những giá trị tốt đẹp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho từng cá nhân và hướng đến việc xây dựng tập thể vững mạnh.
Cũng vậy, giới luật chính là cốt tủy của Phật giáo, giới luật được xem như nền móng và cột trụ giúp giữ vững ngôi nhà chính pháp. Phật giáo cho rằng, một khi giới luật được gìn giữ và thực thi thì phật pháp sẽ luôn được duy trì và phát triển dài lâu. Do vậy, tất cả chúng đệ tử Phật dù tại gia hay xuất gia vẫn luôn xem việc tuân thủ giới luật là thiết yếu của việc tu học vì lợi ích của tự thân và sự phát triển của Phật pháp mai hậu.
Trên nguyên tắc là vậy, tuy nhiên ngày nay cùng với sự thay đổi của xã hội, một bộ phận tăng, ni trẻ đã và đang có những phương cách và thái độ hành trì giới luật trong bối cảnh xã hội công nghiệp có nhiều điều đang đặt ra hết sức cấp thiết.
Vì ảnh hưởng của yếu tố thời đại, tăng ni trẻ thời hội nhập có một số thiếu sự tư duy, nghiền ngẫm về giới luật, dẫn đến phát sinh những nghĩ lệch lạc, chưa đúng với tinh thần giới luật Phật chế.
Hệ quả là có những sự ảnh hưởng trực tiếp đến đường lối tu tập và một bộ phận tăng, ni trẻ thiếu niềm tin vào giáo pháp và con đường đức Phật đã truyền trao.
Thực trạng này đang len lỏi và ngày càng lan rộng theo hướng tiêu cực trong đời sống tu tập của tăng, ni trẻ. Vì vậy, chúng con chọn đề tài có liên quan đến giới luật để khẳng định vị trí, vai trò của giới luật đối với mọi hành giả tu tập theo Phật giáo.
Mục đích hướng đến việc duy trì đời sống phạm hạnh của tăng, ni trẻ nói riêng, góp phần xây dựng nền tảng tu học, hành trì nhằm mang lại nếp sống kỷ cương, thanh tịnh, hòa hợp của tăng đoàn trong bối cảnh hội nhập xã hội. Qua đây có thể giúp tăng, ni trẻ nhận thức rõ vai trò của giới luật nhằm cũng cố niềm tin vào chính pháp, từ đó có sự tư duy đúng đắn và sự thực hành đúng hướng để có thể đạt được nhiều lợi ích trong quá trình tu nhân học Phật làm sáng tỏ lộ trình tu học, đưa đến sự an định và trí tuệ giải thoát.
B. NỘI DUNG
1. Khái quát về Giới-luật
Giới-luật là những điều đức Phật chế ra nhằm làm nền tảng pháp lý giúp răn đe những vị Tỳ-kheo phạm lỗi. Đối với những vị chưa có sai phạm, giới-luật là “hàng rào phòng hộ” giúp người hành trì không bị xâm hại bởi các ác, bất thiện pháp, đồng thời là nền tảng đưa đến định và tuệ giải thoát.
Thông thường chúng ta hay gọi chung là Giới-luật. Tuy nhiên, nếu phân tích riêng thuật ngữ Giới và Luật thì “Giới” là những phép tắc, là chuẩn mực đạo đức mà đức Phật chế định ra như những điều răn nhằm nâng cao đạo đức cho cả đệ tử xuất gia và tại gia; “Luật” là kỷ luật, quy luật hay phương thức quy định việc thực hành giới cấm và cũng là phương thức để xử lý các sự vi phạm giới pháp. Nếu xét về phạm vi thì Giới là một phần của Luật và Luật bao hàm cả Giới, tuy nhiên Giới và Luật có cùng tính chất nên vẫn thường được gọi chung là Giới-luật.
1.1. Giới
Giới, tiếng Phạn (và Pàli) là sīla (S. शील), Trung hoa dịch âm là Thi-la hay còn gọi la Ba-la-đề-mộc-xoa, biệt biệt giải thoát.[1]“Giới” theo Phạn ngữ là những thói quen, tập quán, phong tục, là sự thu thúc, đặc tính và hành vi; “Giới” cũng là sự ứng xử tốt hay những thói quen, tính cách cao thượng, ngay thẳng và quy tắc đạo đức…[2] Theo ngôn ngữ Pàli, “Giới” là sự tự nhiên, là thói quen, đạo đức và là sự thực hành giới luật.[3] Giới Sìla có nguồn gốc từ căn từ √sìl, có hai nghĩa là: Upadhàranà (luân lý, đạo đức của Phật giáo, cách cư xử, tư cách đạo đức) và Samàdhi (thiền, định).[4]
Giới cũng được hiểu là “phòng phi chỉ ác”, là việc ngăn ngừa, dừng lại và đoạn trừ những điều xấu ác, làm cho những điều thiện được sinh khởi và tăng trưởng, từ đó khiến cho người trì giới được an lạc, thoát khỏi những lo âu, sợ hãi từ những suy nghĩ và hành động bất thiện, đạt được sự giải thoát và bước ra khỏi những vô minh và phiền não.[5]
Chữ Giới trong Ba La Đề Mộc Xoa (S. Pràtimoksa; P. Patimokkha) cũng gọi là Giới hạnh, Giới bổn, Biệt giải thoát, Xứ xứ giải thoát, hay Tùy thuận giải thoát. Biệt giải thoát tức là giữ giới phần nào thì được giải thoát phần đó, giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít. Tùy thuận giải thoát là tùy hành giả trì giới cách nào thì hiệu quả theo đó mà thành tựu. Pràti có nghĩa là hướng tới và moksa là “giải thoát khỏi vòng luân hồi” (saṃsāra). Như vậy Pràtimoksa là hướng tới sự giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Giới gồm có có nhiều cách phân loại nhưng bao gồm giới của hàng xuất gia và tại gia. Giới của hàng cư sĩ tại gia gồm có ngũ giới (pañca-sila), tám giới (Bát quan trai giới); Giới của hàng xuất gia gồm có 10 giới cho các Sa-di và Sa-di ni (dasa-sila), 227 giới cho Tỳ-kheo, 311 giới cho Tỳ-kheo ni, theo Phật giáo Theravada; 250 giới cho Tỳ-kheo, 348 giới cho Tỳ-kheo ni, theo truyền thống Mahayana.
Tóm lại, Giới là những điều răn cấm do đức Phật đặt ra cho hàng đệ tử nhằm ngăn ngừa các tội lỗi và đạt được ba mục tiêu chính đó là: ngăn không làm các điều ác, luôn làm các việc thiện lành và luôn giữ cho tâm ý thanh tịnh, như vậy sẽ loại bỏ được các lậu hoặc, đạt đến mục tiêu cứu cánh, Niết Bàn thanh tịnh. [6]
1.2. Luật
Luật tiếng Phạn là Vinaya: संस्कृ तम्, phiên âm là Tỳ-nại-da, hay Tỳ-ni, có nghĩa là pháp luật, kỷ luật, pháp cấm chế hay những quy tắc phán xét đúng sai, nặng nhẹ, là những phương thức quy định trong Tăng đoàn do Đức Phật ban hành. Luật có 4 tên gọi:
1. Tỳ-Ni (Vinaya) dịch là Luật hay điều phục những sự sai trái nơi thân, khẩu, ý. Nó cũng có nghĩa là diệt trừ các phiền não và nhờ giới này mà chứng được diệt đế, diệt quả.
2. Ba-la-đề-mộc-xoa (Pràti-moksa), dịch là biệt giải thoát.
3. Thi-la (Sìla), dịch là Giới.
4. Upalaksa, dịch là Luật. [7]
Như đã nói trên, giới luật được đức Phật chế định trên quy tắc “Tùy phạm tùy chế”. Do vậy, Luật được đức Phật ban hành vào những dịp khác nhau tùy vào từng sai phạm mà chế định, sau đó mới được kết thành bộ Luật tạng đầy đủ. Luật được tạo thành nhằm mục đích kỷ luật và điều chỉnh hành vi của các đệ tử, gồm các quy tắc, quy định chung về việc quản lý Tăng đoàn như: những quy định về việc tiếp nhận đệ tử xuất gia, những nghi thức sám hối, giải tội, về pháp an cư, hay về việc thọ nhận tứ vật dụng được cúng dường…Luật ngăn chặn các pháp hữu lậu từ bên ngoài vào hay bên trong khởi lên, giúp cho những người hành trì đúng luật được thân và tâm thanh tịnh, cắt đứt mọi phiền não do ba nghiệp thân, khẩu, ý gây ra.
Từ khi thành lập Tăng đoàn, mười hai năm đầu Phật chưa chế định Giới-luật. Trong giai đoạn này, Tăng đoàn sống rất thanh tịnh, hòa hợp, Tăng chúng cùng tương trợ lẫn nhau tu tập và chưa có sự sai phạm. Tuy nhiên, sang đến năm thứ mười ba, có những pháp hữu lậu bắt đầu xuất hiện trong Tăng đoàn, vì vậy đức Phật đã thuyết giới căn cứ vào những sự sai phạm ấy. Việc kiết giới vì mười mục đích chính, đó là:
1. Khiến cho Tăng hoan hỷ, an lạc;
2. Nhiếp thủ Tăng;
3. Làm cho tăng chúng được yên ổn;
4. Người không có niềm tin sẽ sinh khởi niềm tin;
5. Người đã có niềm tin, tăng trưởng niềm tin;
6. Dứt trừ kẻ phá giới;
7. Đưa tà đạo vào chính đạo;
8. Người tàm quý an ổn;
9. Phật pháp được thọ mạng lâu dài [8]
10. Cực thiện và an lạc cho Tăng chúng.[9]
Như vậy, Giới hay Luật tuy tên gọi khác nhau nhưng vốn đồng một thể. Tuy nhiên, Giới thiên về hành động cá nhân nhiều hơn và không có tính chất bắt buộc hoàn toàn (biệt giải thoát); Luật trong Phật giáo chỉ đến những hình thức răn đe cho những hoạt động của Tăng đoàn nếu có sai phạm về cấm giới.
2. Vai trò của Giới Luật đối với tăng, ni trẻ ngày nay
2.1. Thực trạng hành trì của tăng, ni trẻ
Điều kiện kinh tế xã hội phát triển, tăng, ni trẻ ngày nay cũng bắt đầu có nhiều thay đổi trong lối sống, cách ứng xử và dần xa rời phương thức hành trì truyền thống. Họ được thừa hưởng những thành quả của sự phát triển xã hội và khoa học kỹ thuật, đồng thời cũng là những người được kế thừa một nền tảng Phật giáo đã được xây dựng vững mạnh qua thời gian như: chùa chiền, tự viện, những công trình nghiên cứu và dịch thuật từ những bậc tôn túc đi trước. Tuy nhiên, đó vừa là điều kiện thuận lợi và cũng đồng thời trở thành những rào cản trong việc tu tập của tăng, ni trẻ trong thời hiện đại. Bởi vì, khi tài vật hưng thịnh thì các lậu hoặc dễ phát sinh, các dục cũng giống như chút mật ngọt trên lưỡi dao, sinh tâm ham muốn có thể gây ra tổn thương cho mình và cho người. Bởi thế, đức Phật thường dạy chúng đệ tử nên sống ít ham muốn và biết đủ và luôn hài lòng với những gì mình đang có, bởi vì:
“Cách sống thiểu dục, tri túc không có nghĩa là sống hèn hạ, an phận, thiếu hiểu biết, thiếu nỗ lực vươn đến sự phát triển; trái lại, đó là cách sống sáng suốt và cao thượng, hạn chế lòng vị kỷ, sống hài hòa với thiên nhiên, không làm hư môi sinh, vì nhận biết được những gì nên khai thác và khai thác đến mức độ nào, những gì cần bảo vệ để cho con em thế hệ kế tiếp của chúng ta khai thác”[10].
Đây cũng là cách rèn luyện nội tâm trở nên mạnh mẽ để chống lại chính sự tham lam, ích kỷ của tự thân, đồng thời đó là cách phát triển lòng từ bi và sự biết ơn đối với những người xung quanh mình.
Ngoài ra, một bộ phận tăng, ni trẻ ngày nay cũng được dung dưỡng quá mức, trở nên sống phụ thuộc, ích kỷ, ỷ lại, đi đến những nơi không nên đến, làm những việc thế tục mà một tu sĩ Phật giáo lẽ ra không nên tham gia. Vô tình trở thành miếng mồi ngon cho ngoại đạo dùng để chống phá Đạo Phật. Thực trạng đó xảy ra một phần là do Tăng Ni trẻ được sinh ra, nuôi dưỡng, được đào tạo trong môi trường hội nhập kinh tế và văn hóa xã hội nên họ có suy nghĩ phóng khoáng và mở rộng hơn so với nhiều thế hệ trước. Vì lẽ đó, khi những thành phần này được đưa vào khuôn phép của Giới-luật sẽ dễ dàng trở nên khó hòa nhập, phát sinh tâm lý ngột ngạt và muốn thoát ra khỏi “hàng rào” ấy.
Hơn thế, tăng, ni trẻ là những người chưa được trang bị đầy đủ kiến thức Phật học, chưa có nhiều sự trãi nghiệm, hành trì và chưa có sự chứng ngộ. Cho nên, khi có điều kiện tiêp xúc với thế giới bên ngoài bằng nhiều phương tiện khác nhau, một lần nữa được những tăng, ni trẻ có cơ hội “hội nhập với lối sống cũ” một lần nữa khiến họ dễ dàng bị mất phương hướng, và dễ dàng bị lôi kéo ra ngoài vùng an toàn của Giới-luật. Không chỉ bị cuốn ngược trở lại với vòng xoáy thế tục, một số khác còn “thế tục hóa” nếp sống thiền môn mặc dù vẫn duy trì hình thức của một tu sĩ Phật giáo.
Vấn đề mấu chốt ở đây chính là việc tăng, ni trẻ chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của Giới luật đối với đời tu học của một tu sĩ. Tăng, ni trẻ cũng chưa đặt nặng việc học và thực hành giới luật một cách nghiêm túc. Vì vậy, khi gặp phải ngoại duyên họ dễ dàng đánh mất chính kiến và dễ dàng “lờ đi” những giới điều đã được học.
Thực trạng là ngày càng có nhiều tăng, ni trẻ có hành vi vi phạm giới luật, có cách cư xử và hành động giống thế tục mà chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trên các mặt báo hay các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, đó là một bộ phận nhỏ trong tầng lớp những tăng, ni trẻ, vẫn còn một phần lớn có chánh kiến trong tu học, hiểu được giá trị của giới luật và cố gắng phát huy nên có được thành quả trong tu học.
2.2. Những ngộ nhận về Giới Luật của tăng, ni trẻ
Xã hội càng phát triển thì vật chất càng được nâng cao, những cám dỗ của dục lạc thế gian cũng tăng theo cấp số nhân. Tăng, ni trẻ dù muốn hay không vẫn phải ít nhiều phải hòa nhập vào nhịp sống thời đại và bị quay cuồng trong vòng xoáy của đạo và đời. Sinh ra trong thời đại kinh tế phát triển, với sự hôi nhập và giao lưu văn hóa dễ dàng, một số tăng, ni trẻ cho rằng giới luật Phật chế là không còn phù hợp và cần thay đổi.
Ví dụ như vài năm gần đây, một số Ni trong Ni giới Đài Loan đã xin bãi bỏ “Bát Kỉnh Pháp” mà Phật đã chế ra khi lập Ni đoàn. Họ cho rằng đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ, đó là một sự chèn ép Ni giới trong khi xã hội tôn trọng chế độ bình quyền và cho rằng tám điều trên là những giới điều làm cho Ni giới bị tụt hậu, không thể đứng ngang hàng với chư Tăng. Thực chất, những suy nghĩ “tân tiến” đó một phần là do ảnh hưởng của văn hóa, xã hội nhưng lý do chính thuộc về nội hàm. Đó là việc họ quá khắt khe, và có ác cảm với hai từ “Giới- luật”, cũng như chưa có cái nhìn thấu đáo vào Giới điều. Bởi vì, thực chất Giới điều chỉ là phương tiện thiện xảo giúp bảo vệ người tu sĩ và đồng thời có chức năng làm bàn đạp cho hành giả bước đến gần hơn con đường giải thoát.
Tăng, ni trẻ ngày nay đang “sống trong lòng thế tục”, dù là những người phát tâm xuất gia, tu theo Phật đạo và tự chấp nhận nép mình trong nếp sống thiền môn. Nhưng, cuộc sống hiện đại có quá nhiều sự tác động, khiến cho tăng, ni trẻ cũng phải có những sự so sánh giữ Tăng và Tục.
Đức Phật cũng có nói rằng các dục lạc này hay các dục lạc khác thường được tìm thấy với tuổi trẻ [11]. Tuổi trẻ hay tăng, ni trẻ là những người chưa có sự hoàn thiện trong suy nghĩ, hay là những người vừa mới bước chân vào con đường tìm cầu chân lý nên còn non kém trong việc tu học, chưa có đủ sự tư duy về giáo lý và cũng chưa có sự trì giới luật một cách nghiêm mật khi đối diện với sự cuốn hút của những dục lạc bên ngoài.
Mục đích của việc hành trì giới luật là mang đến sự lợi ích, an ổn và hạnh phúc cho hành giả. Nếu người nghiêm trì giới luật sẽ cảm nhận được sự an tịnh, mát mẻ, giải thoát như nghĩa “thanh lương” của nó. Do đó, ý nghĩa nội hàm của Giới thực chất không mang bất cứ sự trói buộc nào cả, không giống như một phần ít tăng, ni trẻ ngày nay cho rằng giới luật chính là một xiềng xích, là gông cùm, là sợi dây trói chặt người tu sĩ. Với tâm tưởng như thế, cho nên, một số tăng, ni trẻ dù yêu quý đạo Phật nhưng vẫn muốn vùng vẫy, tìm cách thoát ra khỏi hàng rào của giới luật. Về những vị Tỳ Kheo như vậy, đức Phật dạy rằng:
“Cho đến khi nào vị Tỷ-kheo chưa gây được lòng tin đối với các thiện pháp, chưa gây được lòng hổ thẹn đối với các thiện pháp, chưa gây được lòng sợ hãi đối với các thiện pháp, chưa gây được tinh tấn đối với các thiện pháp, chưa gây được trí tuệ đối với các thiện pháp; cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta cần phải phòng hộ Tỷ-kheo ấy”[12].
Đó chính sự phòng hộ các căn, không để chạy theo các dục của thế gian. Muốn được như vậy thì tăng, ni trẻ càng phải nương nơi Giới luật vì Giới luật ví như chiếc la bàn giúp người lạc đường thể nương theo đó để đi đúng hướng. Một khi có sự hành trì, hành giả chắc chắn sẽ đạt được sự an lạc, khi ấy sẽ không thấy mình đang hành trì giới, mà chính là đang được dùng “phương thuốc hữu hiệu” đưa đến sự an vui cho mình và cho người ngay trong hiện đời, đồng thời nương nơi giới luật mà dứt trừ được các dục lạc. Bởi vì:
“Dục ái sinh sầu ưu, Dục ái sinh sợ hãi, Ai thoát khỏi dục ái, Không sầu, đâu sợ hãi?”[13]
Chỉ có Giới luật mới là hàng rào phòng hộ hữu hiệu nhất giúp hành giả không bị sự xâm hại, ái nhiễm của dục lạc thế gian.
2.3. Vai trò của Giới Luật
2.3.1. Giới là cội gốc của mọi điều lành
Giới luật là nền tảng đạo đức, là nơi thành tựu mọi thiện Pháp. Người đệ tử Phật muốn đạt đến mục đích tối hậu trước tiên cần phải xác định mục tiêu chính của việc tu tập cho cuộc đời mình. Dù hành giả có thực hành bất cứ một pháp môn nào trong những pháp môn đức Phật đã dạy thì cũng không nằm ngoài việc tránh xa những việc làm bất thiện, luôn cố gắng làm các hạnh tốt lành, đồng thời phải giữ cho tâm ý luôn trong sạch, thanh tịnh. Cần dứt trừ tham, sân, si, phiền não trong tâm và đoạn tận các dục lạc thế gian, đức Phật cũng ví các dục như đầu rắn, nếu muốn bắt rắn thì nên bắt lấy đầu rắn nếu nắm bắt một cách sai lệch như thân hoặc đuôi rắn thì chẳng những không bắt được rắn, phí sức, uổng công, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, lại gây nguy hiểm cho tự thân.[14]
Cũng vậy, để đạt được an lạc và trí tuệ, hành giả cần phải lấy Giới luật làm nền tảng và xem đó như là chìa khóa để mở cánh cửa giải thoát, là bậc thang thứ nhất để tiến bước trên lộ trình “tam vô lậu học”. Vì Giới như ngọn đèn sáng có khả năng xua tan bóng tối trong đêm dài vô minh, Giới như gương báu soi khắp cả các pháp giới mà ở đó có những nơi dù cho ánh sáng của mặt trời, mặt trăng cũng không thể soi tới, Giới cũng như viên ngọc Mani, loại ngọc sáng và quý giá nhất trên đời được ban đến những người nghèo cùng khốn khổ.[15] Giới cũng được xem như mãnh đất tốt tươi, màu mỡ mà ở đó những hạt giống nào có thể mang lại ích lợi cho quần sinh đều có thể sinh trưởng tốt tươi, mang lại hương thơm, quả ngọt cho đời. Chính nơi ấy, người trì Giới cũng đã tự đạt được 5 điều lợi ích lớn, đó là:
“1.Tiền của dồi dào do sống không phóng dật
2. Tiếng tốt đồn xa
3. Đi vào hội chúng không bối rối, sợ hãi
4. Khi mạng chung tâm không loạn
5. Khi mạng chung được sinh vào thiện giới”.[16]
Người xuất gia cũng phải xem Giới luật như là mạng sống, dù phạm lỗi nhỏ cũng làm tổn giảm thiện căn huống chi những lỗi thuộc vào những giới cốt lõi, những trọng giới không thể sửa đổi và không thể sám hối được như Prajika (Ba-la-di), Sanghadisesa (Tăng-già-bà-thi-sa) và Aniyata (Bất định giới).
Nếu Tỳ Kheo phạm vào một trong những Giới trên thì chính là rời xa con đường thiện hạnh, tự đạp đổ ngôi nhà thiện pháp, giống như cây dừa, loại cây chỉ có một ngọn duy nhất, nếu bị chặt đứt đầu thì không thể tiếp tục sống và không thể sống lại được, lại ví như người bị què chân không thể đi được,…cũng như xe vào đường hẽm lo mất chốt, gãy trục vậy.[17]
2.3.2. Tăng trưởng Bồ Đề tâm
“Bồ Đề Tâm” chính là tâm thiết tha, khát khao sự giác ngộ giải thoát tối thượng. Người có Tâm Bồ Đề kiên cố là người có năng lượng mạnh mẽ, một lòng mong muốn vượt thoát khỏi sự mê mờ của màng sương vô minh, năng lượng ấy sinh khởi từ việc tự mình chiêm nghiệm, thực hành và kết quả đạt được chính là sự an lạc từng ngày trong quá trình tu tập.
Tuy nhiên, tăng, ni trẻ là những người sơ phát tâm, vẫn còn là những “cây non” chưa đủ cành lá và gốc rễ để có thể chống lại những tác động của ngoại cảnh, cũng chưa trang bị đủ năng lực và sự kiên cố của tâm thức để chống đỡ lại những cuốn hút của lợi dưỡng bên ngoài hay chưa thể đương đầu với những chúng ma phiền não dẫn đến việc dễ thoái thất Bồ Đề Tâm khi gặp biến cố. Do vậy, vị Tỳ Kheo trẻ cần phải nương nơi Giới luật, lấy đó làm vũ khí sắc bén để tự bảo vệ mình không bị các dục và triền cái khuyến dụ. Giới luật cũng giống như một chiếc neo, khi con thuyền được thả neo, có một điểm trụ thì dù cho có bị sóng xô hay gió đẩy theo hướng nào nó vẫn cố định và xoay vòng tại một điểm. Cho nên:
“Bậc trí an trú giới Tu tập tâm và tuệ Nhiệt tâm và thận trọng Tỳ kheo ấy thoát triền”[18]
Người giữ giới trong sạch, không có sự hủy phạm, sai sót sẽ sinh ra được nhiều công đức lành như trong Kinh Hoa Nghiêm có nói rằng “Giới luật chính là mẹ sinh ra các công đức” và từ đó sẽ càng sinh khởi niềm tin nơi Giáo pháp bằng chính sự chứng ngộ của mình.
2.3.3. Kiểm thúc oai nghi bằng việc trì Giới
Người xuất gia có hai việc lớn cần phải luôn tự mình kiểm thúc đó chính là “Thân và tâm” Trong đó “Thân” chính là những hình thức, tướng trạng và là những biểu hiện có thể thấy được bên ngoài. “Tu thân” chính là việc tự mình ý thức trong việc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, ngủ nghỉ sao cho thật nghiêm trang, tác phong lời nói phải thật nhu nhuyến, nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đây không phải là một việc đơn giản cho người xuất gia, bởi vì “tâm sinh tướng”, những biểu hiện bên ngoài của một người là những biểu hiện của những suy nghĩ trong tâm của họ, hoặc đó cũng có thể là kết quả của hạt giống nghiệp đã gieo trồng từ trước. Tuy nhiên, một người xuất gia dù có sẵn thân tướng đoan chính, xinh đẹp, hoặc khiếm khuyết, không ưa nhìn thì cũng nên luôn chú tâm từ những việc vi tế nhất. Nhất là tăng, ni trẻ, khi chưa có đủ sự hành trì cho tâm thức, thì tự giữ gìn và tự kiểm thúc hành vi bên ngoài là khởi đầu cho hành trình tu tập, sao cho: “Vàcànurakkhì manasà susamvuto kàyena ca nakusalam kayirà ete tayo kammapathe visodhaye àràdhaye magga' misippaveditam”
“Lời nói được thận trọng, Tâm tư khéo hộ phòng Thân chớ làm điều ác, Hãy giữ ba nghiệp tịnh, Chứng đạo Thánh nhân dạy”.[19]
Bởi vì dù là người đã chọn lối sống rời xa gia đình, không có gia đình, nhưng tăng, ni vẫn phải sinh hoạt và va chạm với đời sống thế tục, bởi vì nhiệm vụ của tăng, ni là những người mang chính pháp trực tiếp truyền đạt, lan tỏa đến thế nhân. Tu sĩ cũng là những hình mẫu lý tưởng của đạo đức, phép tắc, lễ nghi, là bậc thầy mô phạm cho tín đồ phật tử noi theo và phát khởi tín tâm vào giáo pháp. Muốn được vậy, tăng, ni cần phải nương theo Giới luật, “sống với đời sống của Giới luật”, không xa rời Giới luật, dùng Giới luật như món trang sức đẹp đẽ tự trang nghiêm tự thân sẽ đạt được thân tâm thuần tịnh, giải thoát.
2.4. Những phương hướng phát huy vai trò của Giới luật trong xã hội hiện đại ngày nay.
Đức Phật đã xác quyết với Ngài Mục Kiền Liên rằng: Niết Bàn là có thật và có con đường sẽ đưa hành giả đến được Niết Bàn, đức Phật cũng chỉ là một người chỉ đường, Ngài đã dùng các phương tiện để giáo huấn và khiển trách các Tỳ Kheo, tuy nhiên, có thể đạt được cứu cánh Niết bàn hay không còn tùy thuộc vào sự hành trì của từng người, và Đức Thế Tôn chỉ ghi nhận những sở hành ấy chính là cứu cánh đưa đến lậu tận.[20]
Theo như lời dạy trên của đức Phật, là những tăng, ni trẻ có nhiệm vụ tiếp bước sự nghiệp của chư Phật, chư Tổ, tăng, ni trẻ cần phải có nhiều sự nỗ lực và quyết tâm hơn trong việc tu học. Cần phải xác quyết rằng dù thời đại có khác nhau, dù xã hội có nhiều sự biến đổi nhưng Giới luật không bao giờ “lỗi thời”, đây luôn là nền tảng hướng hành giả đến lối sống đạo đức, là ngọn đuốc soi sáng vượt không gian và thời gian cho những ai đang trên con đường hoàn thiện nhân cách và tiến hóa tâm linh.
Do vậy, hiểu được tầm quan trọng của Giới luật, tăng, ni nên tự lập trình cho mình con đường hành trì sao cho phù hợp với bản thân, thường xuyên đọc tụng Giới, kèm theo đó là sự tư duy và áp dụng ngay trong đời sống thực tiễn. Trong kinh Tương Ưng, đức Phật dạy rằng:
“Này các Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới, đầy đủ giới bổn Pàtimokkha, được chế ngự với sự chế ngự của Pàtimokkha. Hãy sống đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp.”[21]
Nên thực hành các học giới ngay sau khi được học, đừng xem thường các lỗi nhỏ vì đó có thể trở thành một tập tánh không tốt cho việc tu tập. Và rằng: “Này các Tỷ-kheo, không có gì gọi là lỗi lầm nhỏ mọn cả, ngay đến những lỗi nhỏ nhất cũng phải được người trí điều phục.”[22]
Siêng năng học tập và hành trì lời Phật dạy với sự tư duy, thiền định và trí tuệ, không bị dẫn dụ và chạy theo những tài vật thế gian. Về điều này, đức Phật đã khuyến dạy các đệ tử rằng: “Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta đừng là người thừa tự tài vật”.[23]
Bởi vì tăng sĩ Phật giáo là những người đã phát nguyện sống đời sống phạm hạnh, rời xa gia đình, sống đời sống không gia đình để đạt được sự tiến hóa tâm linh thì cần phải hiểu sự tạm bợ của các sắc tướng bên ngoài. Người đệ tử Phật chân chính là người có thể “thấy Pháp” của Phật, những ai thấy được pháp Tứ Đế và Duyên Khởi thì người ấy đã thấy đức Phật. Ngược lại nếu không thấy được pháp Duyên khởi thì “chúng sinh hiện tại bị rối loạn như một tổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja, không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử”.[24]
C. KẾT LUẬN
Tóm lại, Giới luật giữ vai trò then chốt trong quá trình tu học của tu sĩ Phật giáo. Tăng, ni trẻ là những người vẫn còn vọng động và quay cuồng theo tự ngã, thân và tâm đều dễ bị nhiễm ô theo sự cám dỗ của dục lạc. Chính vì vậy, Giới luật giữ vai trò như sợi dây neo giúp con thuyền tâm thức có nơi bám trụ, đồng thời Giới luật còn giúp mang lại cho chúng ta sự bình ổn và bền vững, không bị dao động trước những thay đổi, biến cố trong cuộc sống.
Ví như người không có vết thương nào, lại cẩn thận và khéo phòng hộ thì chất độc không cách nào xâm nhập và làm hại vào cơ thể được. Người trì Giới cũng vậy, nhờ nương theo Giới luật mà sinh ra các môn thiền định và trí huệ diệt khổ, các pháp lành cũng được sinh ra từ việc giữ Giới.[25]
Tăng, ni trẻ là những người chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình, chưa có nhiều tư lương cần thiết để cho lộ trình phía trước. Dẫu biết rằng tăng, ni trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết, nên việc chọn rẽ sang một con đường hoàn toàn mới là một việc làm đòi hỏi một sự quyết tâm vô cùng lớn. Tuy nhiên, chỉ có quyết tâm thôi thì chưa thật sự đủ, bởi vì, khi đã trả lại mái tóc cho đời thì hiển nhiên một người trẻ cũng trở thành một người thầy, một vị sư cô, là một người con “chính thống” của Phật, và đã là một vị “thiên nhân sư” trong mắt những người luôn khao khát đủ duyên, đủ dũng khí để được tìm về nương tựa dưới mái chùa. Để xứng đáng với sự trọng vọng đó, tăng, ni trẻ cần phải có sự hành trì Giới luật một cách nghiêm mật để trở thành người có phẩm cách đạo đức và cũng là bậc mô phạm cho người khác, đồng thời góp phần duy trì Phật pháp trường lưu.
Tác giả: Thích nữ Thiên Vân Học viên Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM ***D. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] HT. Thích Thanh Từ (2004), Bước Đầu Học Phật, Phẩm Giới, Hội Thiền Học Việt Nam, PL. 2548- DL. [2] Thích Trung Định (2020), Tam Vô Lậu Học Qua Kinh Tạng Pàli, Nxb Thuận Hóa. [3] Harcharan Singh Sobti (2011), Nibbàna in Early Buddhism, Delhi: Eastern Book Linkers. [4] T.W. Rhys Davids and William Stede (2003), Pàli-English Dictionary, Motilal Banarsidass, Delhi. [5] HT. Thánh Nghiêm- Thích Nữ Tuệ Đăng dịch (2007), Cương Yếu Giới Luật, Nxb Phương Đông. [6] Thích Chơn Thiện (1997), Phật Học Khái Luận, Chương Hai - Pháp Bảo, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam. [7] Thích Thiện Siêu (2002), Cương Yếu Giới Luật, Nxb Tôn Giáo. [8] Thích Đổng Minh, Thích Đức Thắng- Việt dich (2006), Tứ Phần Luật, Phần thứ nhất-Quyển 1, Ban Tu Thư Phật Học. [9] Thích Minh Châu- Việt dịch (2018), Tăng Chi Bộ Kinh, Tập 1- Phẩm thứ 17, Nxb Tôn Giáo. [10] HT. Thích Trí Quảng (2008), Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển- Quyển I, NXB Tôn Giáo, Hà Nội. [11] HT. Thích Minh Châu dịch- Việt dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ II, Chương V-Phẩm Sức Mạnh Hữu Học, NXB Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, HCM, tr.311. [12] HT. Thích Minh Châu dịch- Việt dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ II, Chương V-Phẩm Sức Mạnh Hữu Học, NXB Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, HCM, tr.312. [13] HT. Thích Minh Châu dịch- Việt dịch (1999), Kinh Tiểu Bộ I, Pháp Cú 215, NXB Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, HCM. [14] HT. Thích Minh Châu dịch- Việt dịch (2012), Kinh Trung Bộ I, Kinh số 22- Kinh Ví Dụ Con Rắn, NXB Tôn Giáo, Hà Nội. [15] HT. Thích Trí Tịnh dịch (2002), Kinh Phạm Võng, NXB Tôn Giáo, Hà Nội. [16] Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Trường Bộ I, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam. [17] Thích Chơn Thiện dịch (1998), Tỳ Kheo Ni Giới Bổn, NXB TPHCM. [18] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương I Tương Ưng Chư Thiên III. Phẩm Kiếm (S.I,13), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. [19] HT. Thích Minh Châu- Việt dịch (2015), Kinh Tiểu Bộ- Tập I, Pháp Cú 281, NXB Tôn Giáo, Hà Nội. [20] Thích Nguyên Hùng- Biên soạn (2014), Tổng Quan Bốn Bộ A Hàm-Toát Yếu Kinh Trung A Hàm, NXB Hồng Đức, Hà Nội. [21] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương IV Bốn Pháp II. Phẩm Hành, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. [22] Hòa Thượng Thích Minh Châu (2015), Kinh Tiểu Bộ- Tập V, Chương Mười Một- Phẩm Mười Một Bài Kệ, Hà Nội. [23] HT. Thích Minh Châu-Việt dịch (2012), Kinh Trung Bộ I- Kinh Thừa Tự Pháp, NXB Tôn Giáo, Hà Nội. [24] HT.Thích Minh Châu-Việt dịch (1991), Kinh Trường Bộ I, Kinh số 15-Kinh Đại Duyên, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TPHCM. [25] Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến -Việt dịch (2010), Kinh Di Giáo, NXB Tôn Giáo.
Bình luận (0)