Tác giả: Thích Nữ Liên Liên Học viên Cao học Học viện PGVN tại Tp.HCM
Để có thể hành trì một cách chính xác và đưa đến lợi ích thì việc tìm hiểu nội dung của Giới luật là thật sự cần thiết và quan trọng. Giới luật (Ba-la-đề-mộc-xoa) được chia thành năm chương (Ngũ thiên) hoặc bảy nhóm (Thất tụ).[1] Hay nói cách khác, phân loại theo các việc cần phải cấm chỉ không được làm (chỉ trì) hoặc cần phải làm (tác trì) thì có bảy nhóm (thất tụ), còn phân loại theo tội phạm và mức độ xử phạt thì có năm chương (ngũ thiên). Bên cạnh đó, giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni sở dĩ gọi là giới Cụ túc[2] (具足戒; upasampāda) vì giới ấy thể hiện trọn vẹn đời sống mẫu mực của một vị Phạm hạnh. Đối với hàng Tỳ-kheo-ni, Thượng Tọa bộ có 311 giới; Pháp Tạng bộ có 348 giới
Giới của Tỳ-kheo-ni được chia thành hai nhóm tội, nếu vi phạm. Đó là nhóm tội trọng và khinh. Nhóm tội trọng gồm có thiên Ba-la-di (波羅夷; Pārājika), thiên Tăng tàn (僧殘, Saṅghādisesa). Nhóm khinh tội gồm những thiên còn lại. Ở đây, người viết chỉ bàn về điểm tương đồng lẫn dị biệt của thiên Ba-la-di trong Luật tạng Pāli và Tứ phần luật.
Giới trục xuất (Pārajika)
Còn gọi là Ba-la-di (波羅夷), tiếng Pāli là Pārajika, dịch có chín nghĩa[3] như sau:
- Khí (器): Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào phạm một trong những giới này thì bị bỏ ngoài biển Phật pháp, đuổi khỏi hàng Tăng, mất hết tư cách một vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni...
- Tha thắng (他勝): Bị ngoại duyên, cảnh vật thắng mình, bị quân ma đến hàng phục, như người bị thua kẻ địch. Khi phạm giới này thì tất cả mọi người đều khinh rẻ.
- Vô dư (無余): Không còn phương pháp nào cứu chữa được, không chỗ nào dung chứa được nên không thể xưng tội sám hối, không cho thọ giới lại.
- Cực ác (極悪): Không có tội nào nặng hơn pháp này.
- Đoạn đầu (斷頭): Phạm giới này như người bị chặt đầu, như cây Sa-la bị chặt ngang, như cây kim bị sứt lỗ, như tảng đá bị bể hai. Người phạm giới này thì mất đi Phạm hạnh Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni.
- Đọa phu xứ (堕伕處): Rơi vào chỗ không vừa ý, tức là đọa vào tam đồ ác đạo, ví như lá vàng lìa khỏi cành không thể xanh tươi lại.
- Bất cộng trụ (不共住): Không được ở và sinh hoạt Tăng thân thanh tịnh.
- Thối một (倅沒): Mất hết đạo quả Niết-bàn, như chiếc áo quý giá đã bị cháy không thể mặc được.
- Biên tội (扁罪): Bỏ bên ngoài lề đường Phật pháp.
Giới này thì Tỳ-kheo có 4 giới, Tỳ-kheo-ni có 8 giới. Cả LTP và TPL đều có chung 8 giới.
Giữa hai hệ thống giới luật, trước khi quy chế điều giới cho Tỳ-kheo, đức Phật đều chỉ dạy rằng: “Này các Tỳ-khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này các Tỳ-khưu, hơn nữa, kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.”[4]
Bên cạnh đó, Ngài còn nói rõ mười điều lợi ích của các điều học giới:
Nhằm đem lại sự tốt đẹp cho hội chúng (Samaghasutthatāya), nhằm đem lại sự an lạc cho hội chúng (Samghaphāsutāya), nhằm việc trấn áp những Tỳ-khưu-ni ác xấu (Dummankuman puggalānamniggahāya), nhằm sự lạc trú của các Tỳ-khưu-ni hiền thiện (Pesalānam bikhūnam phāsuvihāya), nhằm ngăn ngừa các lậu hoặc trong hiện tại (Dittha dhammikanam asavanam samvarāya), nhằm sự trừ diệt các lậu hoặc trong tương lai (Samparāyikanam āsavanam patighātāya), nhằm đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin (Appasannānam pasādaya), nhằm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin (Pasannānam bhiyyobhāvāya), nhằm sự tồn tại của Chánh pháp (Saddhammatthiliyā), và nhằm sự hỗ trợ Luật (Vinayā nuggahāya).[5]
Và Tứ phần luật[6] thì ghi như sau:
… Từ nay trở đi, Ta vì các Tỳ-kheo kết giới, nhắm đến mười cú nghĩa: 1. Nhiếp thủ đối với Tăng (攝取於僧); 2. Khiến cho Tăng hoan hỷ (靈 僧懽喜); 3. Khiến cho Tăng an lạc (靈僧安樂); 4. Khiến cho người chưa có tín thì có tín (靈未信者信); 5. Người đã có tín khiến tăng trưởng (以信者靈增長); 6. Để điều phục người chưa điều phục (難調者靈調順); 7. Người có tàm quý được an lạc (慚愧者得安 樂); 8. Đoạn hữu lậu hiện tại (斷現在有漏); 9. Đoạn hữu lậu đời vị lai (斷未來有漏); 10. Chánh pháp được tồn tại lâu dài (靈正法久住).” [7]
Ở cả hai bộ luật, đều ghi nhận trước khi thuyết giới, bậc Giác Giả đều nêu ra mười điều này. Đây còn là điểm chung ở hầu hết bất cứ các bộ luật dù theo truyền thống Phật giáo nào. Ở đây, với giới Ba-la-di này thì cả hai hệ thống giới luật Thượng Tọa bộ và Pháp Tạng bộ đều có chung 8 giới.
Xét riêng các pháp Ba-la-di, giữa hai hệ thống giới luật tồn tại những nét tương đồng lẫn dị biệt. Tuy nhiên, tất cả vẫn thể hiện rõ những quy định, cũng như ý nghĩa các học giới mà bậc Vô Sở Trước truyền dạy đến chúng Tỳ-kheo-ni trong giáo hội Tăng-già.
Khái quát lại, trong tám pháp Ba-la-di, có hai điều mà cả hai bộ luật hoàn toàn tương đồng nhau là điều thứ nhất và điều thứ tư. Những điều giới còn lại ít nhiều gì cũng có sự khác biệt nhau giữa LTP và TPL. Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình nghiên cứu tám pháp Ba-la-di, học viên nhận thấy rằng tuy mỗi điều giới có nội dung độc lập nhưng tựu trung lại về mặt ý nghĩa thì các điều giới như nhau, đó là hướng đại chúng Tăng - Ni thuần thiện pháp học, pháp hành đem an vui, lợi lạc đến cho mình và người. Hay nói cách khác, đức Phật vì muốn chúng đệ tử xuất gia kiện toàn phẩm hạnh, xuất ly sống cuộc sống Phạm hạnh, trau dồi giới đức, lìa xa ác pháp bất thiện mà Ngài chế định các điều học cho chúng đệ tử thực hành để mong bước châm lên thềm thang giác ngộ, giải thoát.
Ngoài ra, tuy mỗi điều giới là một bài học, một câu chuyện, một bối cảnh, một địa điểm, một tác nhân vi phạm… song, dù điều giới nào, trước khi ra điều học cho đệ tử, đức Thế Tôn luôn nêu lên giá trị và ý nghĩa, công năng, diệu dụng của giới luật đối với người xuất gia. Từ đó, Ngài mới tìm hiểu sự thật nội dung câu chuyện có phải như các vị Thánh đệ tử trình thưa hay không. Sau đó, Ngài mới quở trách, khuyên ngăn đệ tử mình không nên như thế, như thế… Đó cũng là một nghệ thuật, một phương pháp giáo dục mà chúng ta cần lưu tâm để ý học hỏi.
Với tám pháp Ba-la-di này, nếu đã vi phạm thì không khác người bị đứt đầu, cây cỏ bị đứt gốc, không thể nào tiếp tục sinh sống được. Cũng thế, Tăng Ni nào vi phạm một trong tám pháp này buộc phải không được cộng trú, sống xa mọi người, có trường hợp phải bị trục xuất khỏi đại chúng, sống cuộc đời thế tục vì đã vi phạm giới trọng trong hệ thống giới luật mà đức Phật đã quy định.
Song, có trường hợp ngoại lệ, phạm tội Ba-la-di nhưng được sám tội. Đó là trường hợp phạm mà phát lồ ngay. Nghĩa là Tỳ-kheo-ni phạm một trong tám giới này, song vẫn muốn được ở trong ngôi nhà Phật pháp, không muốn hoàn tục sống đời tại gia. Khi phạm tội, vị này không có tâm che giấu mà thiết tha ai cầu sám hối, đến trước đại chúng Tăng, thành khẩn cầu pháp yết-ma giải tội. Sau khi được hội chúng tác pháp xuất tội và trao truyền Ba-la-di giới, Tỳ-kheo-ni kia được gọi là Tỳ-kheo-ni học giới. Vị ấy phải tuân thủ theo lời giáo huấn của đại Tăng và thực hành ba mươi lăm pháp học.[44] Chính vì sự nhiệt thành, chí kính sám hối ấy nên vị này không bị sa đọa vào địa ngục nhưng vẫn phải chịu cảnh sinh tử luân hồi trong lục đạo, không được chứng Thánh quả, vẫn còn pháp hữu lậu. Dù hằng ngày vẫn sống cùng chúng Tăng trong một trú xứ nhưng chỉ được dự hai pháp của Tăng là bố-tát với tự tứ. Song, với pháp yết-ma bố-tát thì vị này chỉ được tham dự với vai trò dự thính. Trong hội chúng, người này buộc phải ngồi sau Tỳ-kheo-ni nhỏ nhất, suốt đời còn lại phải nghiêm trì tám giới Ba-la-di một cách cẩn mật, không được tái phạm. Và nếu đã được trao tám học pháp này mà tái phạm lại một trong tám điều ấy, người vi phạm sẽ bị Tăng tác pháp yết-ma tẩn xuất khỏi Tăng đoàn, suốt đời không được trở lại xuất gia tu học. Sau khi chết, người này sẽ chịu cảnh đau khổ ở cõi địa ngục.[45]
Tác giả: Thích Nữ Liên Liên Học viên Cao học Học viện PGVN tại Tp.HCM ***[1] Ngũ thiên: (i) Ba-la-di (vô dư); (ii)Tăng-già-bà-thi-sa (hữu dư); (iii) Ba-dật-đề (đơn đọa); (iv) Ba-la-đề-đề-xá-ni (hướng bỉ hối); (v) Đột-kiết-la (chúng học pháp). Thất tụ: (i) Ba-la-di; (ii) Tăng-già-bà-thi-sa; (iii) Thâu-lan-giá; (iv) Ba-dật-đề; (v) Ba-la-đề-đề-xá-ni; (vi) Ác tác; (vii) Ác thuyết. [2] Theo Kinh Tỳ-ni-mẫu (毘尼母經), có 5 cách thọ giới Cụ túc. Một là gọi “Thiện lai Tỳ-kheo!” liền được thọ Cụ túc; Hai là tự nói ba lần “Con xin quy y Phật, Pháp, Tăng” liền được thọ Cụ túc; Ba là bạch tứ yết-ma để thọ giới gọi là thọ Cụ túc; Bốn là Phật ra lệnh cho phép thọ Cụ túc, liền được thọ Cụ túc; Năm là cách thọ Cụ túc bậc cao nhất. Thế nào là cách thọ Cụ túc bậc cao nhất? Đó là khi Phật còn tại thế, những người chưa thọ giới, chỉ ở bên cạnh Phật, nghe pháp liền đắc quả A-la-hán, gọi là cách thọ Cụ túc bậc cao nhất. Đó là năm cách thọ Cụ túc của Tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni cũng thọ Cụ túc bằng năm cách. Một là làm đúng theo lời dạy của thầy, gọi là thọ Cụ túc. Hai là bạch tứ yết-ma mà được thọ Cụ túc. Ba là nhờ người thay thế mình mà được thọ Cụ túc. Bốn là được gọi là “Thiện lai”, liền thọ Cụ túc. Năm là thọ Cụ túc bậc thượng. Xem thêm Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, tập 81, Kinh Tỳ-ni-mẫu, số 1463, quyển 1, Nxb: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn, Đài Bắc, tr. 444 - 446 [3] Xem Trích dịch thiết yếu Luật Tứ phần Tỳ-kheo-ni, Thích nữ Trí Hải dịch, Nxb: Hồng Đức, 2013, tr. 102, 103. Xem thêm Luật Thập tụng, Q.1; Luật Ma-ha Tăng-kì, Q.2; Hữu Bộ-tì-nại-da, Q.1; Luật Ngũ phần, Q.17, Q.23; Thiện Kiến Luật Tì-bà-sa, Q.7 [4] Phân tích Giới Tỳ-khưu-ni, Indacanda dịch, Nxb: Tôn giáo, 2017, tr. 5 [5] Phân tích Giới Tỳ-khưu-ni, tr. 5 [6] Luật Tứ phần, tập 1, HT. Thích Đỗng Minh dịch, Nxb: Phương Đông, 2013, tr. 22 [7] Theo Luật Ngũ phần (tr.3 q.1), mười nghĩa như sau: i/ Tăng hòa hiệp; ii/ Tăng đoàn kết; iii/ Chế ngự người xấu; iv/ Để cho người biết hổ thẹn được yên vui; v/ Đoạn hữu lậu đời này; vi/ Diệt hữu lậu đời sau; vii/ Khiến người chưa tin có tín tâm; viii/ Khiến người có tín tâm được tăng trưởng; ix/ Để Chánh pháp lâu dài; x/ Phân biệt Tỳ-ni Phạm hạnh tồn tại lâu dài. Theo Ma-ha Tăng-kỳ luật (摩呵僧祇律): i/ Nhiếp Tăng; ii/ Cực nhiếp tăng; iii/ Để Tăng an lạc; iv/ Chiết phục người không biết hổ thẹn; v/ Để người có tàm quý sống yên vui; vi/ Người chưa tin được tin; vii/ Người đã tin thì tin thêm; viii/ Trong đời này được lậu tận; ix/ Các lậu đời vị lai không sinh; x/ Để Chánh pháp cửu trụ. Theo Luật Căn bản: i/ Vì sự ưu mỹ của Tăng; ii/ Vì sự an lạc của Tăng; iii/ Để chế phục hạng người không biết hổ thẹn; iv/ Để các Tỳ-kheo nhu hòa, sống an lạc; v/ Để ngăn chặn hữu lậu đời này; vi/ Để đối trị hữu lậu đời sau; vii/ Vì tịnh tín của người chưa có tín; viii/ Vì sự tăng trưởng của người có tín; ix/ Vì sự trường tồn của Chánh pháp; x/ Để nhiếp hộ Tỳ-ni. Như thế, qua các bộ luật ở các hệ thống khác nhau, mười ý nghĩa (lý do) khi đức Thế Tôn thuyết giới cho chúng đệ tử xuất gia luôn tương đồng nhau. Hay nói cách khác, dù ở bất kỳ bộ luật nào, theo dòng truyền thừa nào, giới luật do đức Phật chế vẫn giữ nguyên giá trị ý nghĩa của mình, không thay đổi. [8] Xem Phân tích giới Tỳ-khưu, tập 1, Indacanda dịch, Nxb: Tôn giáo, 2017, tr. 46 [9] Luật Tứ phần, tập 2, HT. Thích Đỗng Minh dịch, Nxb: Phương Đông, 2013, tr. 762 [10] Ở đây, theo Luật Tứ phần, vị vi phạm là Tu-đề-na tử, nghĩa là con trai của Tu-đề-na, ở thôn Ca-lan-đà (迦蘭陀村須提那子), chứ không phải vị Tỳ-kheo vi phạm tên Tu-đề-na. Pāli: (Vin.III.11): Sudinno nāma Kalanda(ka)putto seṭṭhiputto: Sudinna, con trai của phú hộ Kalandaka. Với Luật Ngũ phần, thì là con trai của trưởng giả Na-lan-đà, tên là Tu-đề-na. Theo Luật Tăng-kỳ, tại thành Tỳ-xá-ly, con trai trưởng giả tên là Da-xá (耶舍), là vị vi phạm. Theo Luật Thập tụng, con trai trưởng giả tên là Tu-đề-na Gia-lan-đà (加蘭陀) là người vi phạm đầu tiên. Theo Luật Căn bản, người vi phạm là con trai của Yết-lan-đạc-ca tên là Tô-trần-na (羯蘭鐸迦子蘇陳那). [11] Tuy số lần kết giới như nhau nhưng thứ tự các lần giữa LTP và TPL không giống nhau. Theo LTP, lần thứ nhất đức Phật chết giới do Tỳ-kheo Sudinna Kalandaputta vi phạm, lần thứ hai do Tỳ-kheo làm việc bất tịnh với con khỉ cái, lần thứ ba do các vị Tỳ-kheo “chưa từ bỏ sự học tập, chưa bày tỏ lòng yếu nhược mà đã thực hiện việc đôi lứa”. Còn theo TPL, lần thứ nhất nhân duyên do Tu-đề-na tử vi phạm, lần thứ hai do Tỳ-kheo Bạt-xà tử (跋闍子) vi phạm, lần thứ ba là chuyện con vượn cái. Như vậy, cùng số lần kết giới nhưng nhân duyên lần 2 và 3 ở cả hai bộ luật không tương đồng nhau. [12] Về cách định tội, cả hai bộ luật vẫn tương đồng nhau. Theo đó, có thể tóm lược vào các trường hợp sau: i/ Tỳ-kheo-ni tự nguyện hay bị ép buộc phải làm việc bất tịnh với một trong các đối tượng người, phi nhân, súc sinh (còn sống, có ý thức) mà Tỳ-kheo-ni kia có cảm thọ (ở một trong ba giai đoạn) thì Tỳ-kheo-ni ấy phạm Ba-la-di. ii/ Các đối tượng trên (người, phi nhân, súc sinh) không tỉnh táo, điên đảo, hoặc đã chết nhưng chưa bị phân hủy, thối rửa mà vị Tỳ-kheo-ni đồng ý hành bất tịnh và có cảm thọ thì phạm Ba-la-di; không đồng ý thì không phạm. iii/ Các đối tượng trên đã chết và bị phân hủy mà Tỳ-kheo-ni đồng ý hành bất tịnh thì phạm Thâu-lan-giá (Thullaccaya); không ưng thuận thì vô tội. iv/ Tỳ-kheo-ni chỉ Tỳ-kheo-ni khác hành bất tịnh, Tỳ-kheo-ni kia làm theo thì Tỳ-kheo-ni dạy phạm Thâu-lan-giá (Thullaccaya); nếu Tỳ-kheo-ni kia không làm thì Tỳ-kheo-ni dạy phạm Đột-kiết-la (Dukkaṭa). Chỉ các đối tượng khác, ngoại trừ Tỳ-kheo-ni, thì người kia có làm hay không, Tỳ-kheo-ni dạy vẫn phạm Đột-kiết-la (Dukkaṭa). [13] Theo Ngũ phần luật, Luật Căn bản, đức Phật chế giới này tại thành Vương Xá, bên bờ ao Yết-lan-đạc-ca, trong vườn Trúc lâm (王舍城羯闌鐸迦池竹林園中). Đây là điểm giống nhau giữa các bộ luật này. [14] Tội này tính cả thêm phương thức dùng mánh khóe lừa đảo để lấy của người, kiện tụng gian xảo để lấy, hoặc trốn thuế, hoặc tiếp tay cho kẻ khác trộm. Tất cả đều phạm Ba-la-di. Cách định tội ở điều giới này giữa hai bộ luật giống nhau. Phạm tội Ba-la-di (như đã trình bày ở trên); phạm Thâu-lan-giá khi không hội đủ các yếu tố phạm Ba-la-di; phạm Đột-kiết-la khi Tỳ-kheo-ni có tâm trộm vật trị giá năm tiền nhưng chưa chạm tới vật, hoặc vật có giá trị chưa tới năm tiền nhưng đã chạm vào vật và chưa di dời vật sang chỗ khác. [15] Theo Ngũ phần, học giới này được đức Phật kết giới hai lần. Theo Tăng-kỳ luật, giới được kết ba lần. Riêng Thập Tụng luật, Căn bản thì giống như Luật Tứ phần, là điều giới này được kết một lần. [16] Theo Luật Ngũ phần, giới này được kết hai lần. Với Tăng-kỳ luật, giới được kết ba lần. Thập tụng và Căn bản luật thì như Luật Tứ phần, giới kết một lần. [17] Theo Luật Ngũ phần và Thập tụng, người vi phạm là Tỳ-kheo Đạt-ni-ca (達尼迦). Theo luật Tăng-kỳ, là do Trưởng lão Đạt-nị-già (長老達膩伽) vi phạm. Theo Luật Căn bản, người vi phạm là bí sô Đản-ni-ca (但尼迦苾芻). Như thế, người vi phạm ở các bộ luật khá dị biệt. [18] Ca ngợi sự chết gồm có: i/ Ca ngợi bằng thân (kāyena saṃvaṇṇeti); ii/ Ca ngợi bằng lời nói (vācāya saṃvaṇṇeti); iii/ Ca ngợi bằng thân và lời nói (kāyena vācāya saṃvaṇṇeti); iv/ Ca ngợi bằng người đưa tin (dūtena saṃvaṇṇeti). [19] Cùng thành Tỳ-xá-ly nhưng TPL là trong giảng đường, bên cạnh sông Di-hầu (獼猴江); LTP là trong rừng Đại Lâm (Mahāvana), tại một ngôi nhà sàn. Theo Luật Thập tụng, đức Phật chế giới tại nước Bạt-kỳ (Vajji); Luật Căn bản, Phật chế giới tại thành Quảng Nghiêm (廣嚴城), bên bờ sông Thắng Tuệ (廣嚴城), rừng Sa-la-trĩ (娑羅雉林). [20] Không hội đủ các điều trên thì phạm Thâu-lan-giá. Đó là đối tượng không phải người mà do loài khác biến thành, là người nhưng tưởng không phải người, giết nhầm người, gây thương tích trên người hoặc muốn người chết mà họ chưa chết. Như thế thì phạm Thâu-lan-giá. Phạm Đột-kiết-la khi giết chúng bộ quỷ thần, súc sinh biến hóa nhưng chúng không chết, hoặc tự mình chặt ngón tay. [21] Phân tích giới Tỳ-kheo, tập 1, Indacanda dịch, Nxb: Tôn giáo, 2017, tr.133 [22] Sđd., tr. 133 [23] Luật Ngũ phần, người phạm là chiên-đà-la tên Di-lân (彌鄰); Luật Thập tụng là người Phạm chí tên Lộc Trượng (鹿杖). Tên người vi phạm ở các bộ luật khác nhau. [24] Luật Tứ phần, tập 1, HT. Thích Đỗng Minh dịch, Nxb: Phương Đông, 2013, tr. 52 [25] Theo LTP, pháp thượng nhân được hiểu là thiền, sự giải thoát, định, sự chứng đạt, trí tuệ và sự thấy biết, sự tu tập về Đạo, sự chứng ngộ về Quả, sự dứt bỏ phiền não, sự không còn bị che lấp của tâm, sự thỏa thích ở nơi thanh vắng. [26] Theo Luật Tăng-kỳ, đức Phật chế giới tại thành Xá-vệ ( Sāvatthi); Luật Thập tụng thì đức Phật thuyết giới tại Duy-la-li. [27] Lần thứ nhất, đức Phật chế giới vì nhóm Tỳ-kheo do nhu cầu lợi dưỡng về vật phẩm mà tự nhận mình đã chứng quả dù bản thân còn là phàm Tăng; lần thứ hai đức Phật quy định điều giới là sau khi có vị Tỳ-kheo chưa chứng đắc mà tưởng rằng bản thân đã chứng đắc rồi bảo với mọi người rằng mình đã chứng đắc. [28] Luật Tăng-kỳ: Tỳ-kheo-ni Lại-tra (賴吒比丘尼) dạy kinh cho một thiếu niên họ Thích; Thập tụng luật: Tỳ-kheo-ni Châu-na-nan-đà (周那難陀). [29] Pāli: 5 động tác: adhakkhakaṃ ubhajānumaṇḍalaṃ āmasanaṃ vā parāmasanaṃ vā gahanaṃ chupanaṃ vā paṭipīḷanaṃ vā sādiyeyyāti, “… thuận tình cho vuốt ngược, vuốt xuôi, ôm ghì, sờ mó hay ép sát, từ xương cổ trở xuống và từ đầu gối trở lên…” [30] Phân tích giới Tỳ-kheo, tập 2, Indacanda dịch, Nxb: Tôn giáo, 2017, tr. 6 [31] Ngũ phần luật và Thập tụng luật: Từ chân tóc trở xuống, từ đầu gối trở lên. Tăng-kỳ luật: Từ bờ vai (từ ngực) trở xuống, từ đầu gối trở lên (đến rốn). Luật Căn bản: Từ con mắt trở xuống, từ đầu gối trở lên. [32] Luật Ngũ phần: Thi-lị-bạt (尸利跋), cháu ngoại của bà Visākha (Tỳ-xá-khư); Thập tụng luật: con trai của ông Lộc Tử (鹿子居士兒). [33] Hán: tróc ma 捉摩, khiên 牽, thôi 推, nghịch ma 逆摩, thuận ma 順摩, cử 舉, hạ 下, tróc 捉, nại 捺. [34] Luật Tứ phần, tập 2, HT. Thích Đỗng Minh dịch, Nxb: Phương Đông, 2013, tr. 768 [35] Từ nách trở xuống: Nghĩa là phần thân bên dưới nách. Từ đầu gối trở lên: Phần thân bên trên đầu gối. [36] Hoặc sờ mó, hoặc kéo, hoặc đẩy, hoặc vuốt lên, hoặc vuốt xuống, hoặc nâng lên, hoặc để xuống, hoặc nắn, hoặc bóp. Ở Luật Tăng-kỳ và Ngũ phần luật không có chi tiết này. [37] Tám sự: i/ Cho nắm tay (hatthaggahaṇaṃ); ii/ Cho nắm vạt áo choàng/ tăng-già-lê (saṅghāṭikaṇṇaggahaṇaṃ); iii/ đứng (trong tầm tay với của đàn ông) (santiṭṭheyya (…purissa hatthapāse)); iv/ Nói chuyện (trong tầm tay với…) (sallapeyya (…purissa hatthapāse)); v/ Đi đến chỗ hẹn (saṅketam vā gaccheyya); vi/ Cho đàn ông đến gần (purissa vā abbhāgamanaṃ); vii/ Đi theo vào chỗ khuất (channaṃ vā anupavíseyya); viii/ Trao thân cho mục đích ấy - hành bất tịnh hạnh (kāyaṃ vā tadatthāya upasaṃhareyya). Tám sự, theo Ngũ phần: i/ Nắm tay, ii/ Nắm áo, iii/ Cùng hẹn, iv/ Cùng đi, v/ Cùng đứng, vi/ Cùng nói, vii/ Cùng ngồi một chỗ, viii/ Thân thể cọ sát nhau. Thập tụng: i/ Cho nắm tay; ii/ Cho nắm áo; iii/ Cùng đứng; iv/ Cùng nói; v/ Cùng hẹn; vi/ Vào chỗ khuất; vii/ Chờ đàn ông đến; viii/ Trao thân như nữ bạch y. Căn bản ni: i/ Trạo cử; ii/ Đùa giỡn; iii/ Cười cợt; iv/ Chỉ định chỗ; v/ Hẹn giờ; vi/ Ước tín hiệu; vii/ Đi đến chỗ đàn ông; vii/ Cùng ở chỗ có thể hành sự. [38] Theo sự chú giải trong bản luật tạng Pāli, ghi theo ý ngài Buddhaghosa (VinA. IV, 904) [39] Luật Tăng-kỳ: Là hai vị Tỳ-kheo-ni cùng nam nhân đứng nói chuyện trong tầm tay với. [40] Tỳ-kheo-ni này đã phạm giới dâm trước đó, có thai non ba tháng nhưng che giấu, không báo cho hội chúng Tỳ-kheo-ni biết. Đến khi bào thai ngày càng lớn, cô này hoàn tục để sinh con. Người chị vẫn che giấu, không báo cho đại chúng biết sự việc. [41] Theo Thập tụng: Hai chị em cùng xuất gia làm Tỳ-kheo-ni, người chị là Tỳ-kheo-ni. Di-đa-la (彌多羅) phạm giới hành bất tịnh hạnh, người em là Tỳ-kheo-ni Di-đế-lệ (彌帝隸) thanh tịnh, không phạm giới nhưng giấu tội của chị mình. [42] Theo Ngũ phần luật, nhân duyên là có hai vị Tỳ-kheo-ni chơi rất thân, đó là Tỳ-kheo-ni Tô-hưu-ma và Tỳ-kheo-ni Bà-phả. Khi Tỳ-kheo-ni Bà-phả qua đời, Tỳ-kheo-ni Tô-hưu-ma khóc thảm thiết. Chư vị cho rằng Tô-hưu-ma vì sinh tiền chơi thân với Bà-phả nên khi Bà-phả mất đi, cô này đau lòng, thương tiếc nên các vị khuyên nhủ Tô-hưu-ma nén bi thương. Nhưng Tô-hưu-ma cho biết rằng cô khóc thương vì vị ni cô kia đã phạm tội Ba-la-di khi cô còn sống, mà không phát lồ sám hối nên vị này mới khóc thương. [43] Theo Ngũ phần, Tỳ-kheo-ni Ưu-ta (優蹉) là em gái của Xiển-đà; Tăng-kỳ luật: Mẹ của Xiển-đà là Tỳ-kheo-ni vì tình thân riêng mà bênh vực con trai, chống lại Tăng đoàn; Thập tụng luật: Tỳ-kheo Ca-lưu-la Đề-xá (迦留羅提舍) bị Tăng tác yết-ma bất kiến tẫn (不見擯) bị xả trí, vì không nhận tội); có bảy cô em gái đều là Tỳ-kheo-ni đã cùng nhau hợp sức lại chống lại Tăng. [44] 35 pháp gồm có: 5 pháp liên quan đến tư cách làm thầy, 5 pháp liên quan đến Tăng, 5 pháp tự thúc liễm chính mình, 5 pháp liên quan đến luật nghi, 5 pháp liên quan đến sự phục vụ, 5 pháp thuộc về lễ độ, 5 pháp thuộc về kiềm chế. Xem thêm Pháp yết-ma chỉ nam, HT. Thích Bình Minh dịch, Nxb: Hồng Đức, 2015, tr. 302 - 304 [45] Xem Phân tích giới tướng Tỳ-kheo-ni và Phương thức sám tội, HT. Thích Minh Thông, Nxb: Phương Đông, 2011, tr. 44 - 45.
Viết tắt: LTP : Luật tạng Pāli TPL : Tứ phần luật TK : Tỳ-kheo TKN : Tỳ-kheo-ni ĐTKVN : Đại Tạng Kinh Việt Nam BKP : Bát kỉnh pháp Nxb : Nhà xuất bản Tr. : trang VNCPHVN : Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TÀI LIỆU THAM KHẢO: Luật tạng Pali (9 quyển), Indacanda dịch (2017), Nxb: Tôn giáo, Hà Nội. Luật Tứ phần (5 tập), HT. Thích Đỗng Minh dịch (2013), Nxb: Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh. Luật Ngũ phần (2 tập), HT. Thích Đỗng Minh dịch (2011), Nxb: Hồng Đức, Hà Nội. Luật Ma-ha Tăng-kỳ (4 tập), Thích Phước Sơn dịch (2014), Nxb: Tôn giáo, Hà Nội. Tứ phần Tỳ-kheo-ni, Thích nữ Trí Hải dịch (2008), Nxb: Tôn giáo, Hà Nội. Tỳ-kheo-ni giới, Phật Oánh chú giải, Thích Trí Minh dịch (2013), Nxb: Tôn giáo, Hà Nội. Luật Tỳ-kheo-ni giới bổn, HT. Thích Thiện Chơn (2010), Nxb: Tôn giáo, Hà Nội. Luật Tứ phần Tỳ-kheo-ni giới bổn chú giải, Thích Trí Minh dịch (2013), Nxb: Tôn giáo, Hà Nội. Luật Tứ phần Tỳ-kheo-ni giới bổn hội nghĩa, Thích nữ Diệu Sơn dịch (2003), Nxb: Tôn giáo, Hà Nội. Trích dịch thiết yếu Luật Tứ phần Tỳ-kheo-ni, Thích nữ Trí Hải dịch, Nxb: Hồng Đức, Hà Nội. Luật Ngũ Phần, HT. Thích Đổng Minh dịch (1997), Nxb: Tôn giáo, Hà Nội. Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, tập 81, Kinh Tỳ-ni-mẫu, số 1463. Trùng Trị Tỳ-ni Sự Nghĩa Tập Yếu, Thích Đổng Minh & Thích Đức Thắng dịch (2011), Nxb: Tôn giáo, Hà Nội.
Bình luận (0)