Ni sư Thích nữ ngộ hồng cho biết: “hầu hết các em mà chùa dưỡng nuôi là người dân tộc Khmer, hoàn cảnh bất hạnh như mồ côi cha mẹ; bị bỏ rơi; gia đình quá nghèo không còn khả năng nuôi dưỡng. Từ đó, tôi sẵn lòng chăm sóc về vật chất lẫn tinh thần để các em trở thành người tốt cho xã hội sau này và tránh được những cám dỗ của cuộc đời”.
Trong tiếng chuông ngân nga trầm mặc buổi hoàng hôn, Ni sư Thích Nữ Ngộ Hồng, 75 tuổi chậm rãi kể về cơ duyên mình đến với Phật pháp: “Gia đình tôi có 3 người xuất gia từ tấm bé, bản thân tôi mong muốn đem sức mình phục vụ chúng sinh bớt khổ đau vì nợ trần, giúp đỡ những mảnh đời khó nhọc”.
Xuất gia tu tập tại quê nhà huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, năm 1977, Sư cô Ngộ Hồng được phân công về làm nhiệm vụ trụ trì tại chùa Long Vân (xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Năm 2014, Ni sư được phong chức danh Viện chủ cho đến nay.
Tân Bình là địa phương còn nhiều khó khăn, đời sống người dân chủ yếu là nông nghiệp, nhiều gia đình không có ruộng, vườn canh tác dẫn đến việc cho con em thất học, thêm vào đó một số tệ nạn xã hội cũng dần phát sinh. Trước tình hình trên, Ni sư đã vận động, kêu gọi nhiều tấm lòng vàng khắp các địa phương để giúp đỡ hàng chục trường hợp học sinh không đủ điều kiện đến lớp, tặng nhiều quần áo, sách vở, xe đạp, dụng cụ học tập tạo thêm điều kiện và động lực tới trường cho học sinh nghèo.
Bà Trần Thị Kiều, ngụ tại xã Tân Bình xúc động kể: “Mấy năm trước, tui có hai đứa con học lớp 5 và lớp 2, nhà nghèo quá định cho tụi nhỏ nghỉ học, nhưng còn phúc duyên gặp Ni sư tới nhà cho tiền, quà, cặp da, quần áo và “biểu” cho hai đứa nhỏ tới trường. Tới nay cả hai đã lên học cấp hai rồi, gia đình rất mang ơn Ni sư”.
Không chỉ giúp đỡ học sinh nghèo, lúc rỗi rảnh, Ni sư Ngộ Hồng còn thường xuyên đi tìm hiểu hoàn cảnh sống của các hộ nghèo xung quanh địa phương, vận động cất mới nhiều mái ấm nghĩa tình giúp nhiều gia đình có nơi ăn ở ổn định, lạc quan hơn trong cuộc sống. Song song đó, Ni sư còn vận động tổ chức nhiều cuộc khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo trong và ngoài xã; xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn.
Điều đáng quý ở Ni sư, mỗi khi có phật tử đến tham quan, hành lễ, Ni sư đều tranh thủ thời gian để vận động mọi nguời luôn giữ gìn môi trường sống, giữ gìn hạnh phúc gia đình; xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi các tệ nạn xã hội ở nông thôn như cờ bạc, số đề…
Bà Nguyễn Thị Tám, 77 tuổi ngụ tại địa phương nhận xét: “Ni sư có kiến thức và sự hiểu biết rất nhiều, mỗi lần đến chùa, chúng tôi được sự thuyết pháp nhiều điều hay, lẽ phải, biết thêm nhiều chuyện mới của xã hội đang diễn ra”.
Đến chùa Long Vân hôm nay, chúng tôi rất cảm động và ngạc nhiên khi biết được ngôi chùa này đã từng nuôi chứa, cưu mang nhiều chiến sỹ cách mạng trong suốt quá trình chiến tranh đánh Mỹ. Chưa dừng lại ở đó, chùa này đã và đang nuôi dưỡng trên 40 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em có đủ điều kiện hòa nhập cộng đồng, được nhà chùa tạo điều kiện tới trường.
Ni sư Thích Nữ Ngộ Hồng cho biết: “Hầu hết các em mà chùa dưỡng nuôi là người dân tộc Khmer, hoàn cảnh bất hạnh như mồ côi cha mẹ; bị bỏ rơi; gia đình quá nghèo không còn khả năng nuôi dưỡng. Từ đó, nhà chùa sẵn lòng chăm sóc về vật chất lẫn tinh thần để các em trở thành người tốt cho xã hội, tránh được những cám dỗ của cuộc đời”.
Hôm chúng tôi đến, chùa đang nuôi dưỡng năm cháu gái người Khmer, cháu lớn nhất đã học lớp 7, cháu nhỏ nhất đang học lớp 4. Số còn lại đã được gia đình đón về vì đã ổn định cuộc sống, có em đã có gia đình riêng và thường xuyên trở về chùa thăm lại Ni sư, thăm lại mái ấm đã từng chở che, cưu mang. Em Triệu Thị Ngọc Kim, 13 tuổi đang học lớp 7 xúc động kể: “Con sinh ra bị bỏ rơi không biết cha mẹ là ai, nhờ Ni sư đem về chùa nuôi dưỡng đến nay, được ăn no, mặc ấm, đi học cùng bè bạn. Từ đó con ra sức học thật tốt, 7 năm liền là học sinh giỏi, con rất mang ơn nhà chùa, nhất là Ni sư viện chủ đã cưu mang con suốt thời gian qua”.
Ni sư Ngộ Hồng nói thêm: “Còn khó khăn nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng tiếp nhận nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh với sự từ bi của đức Phật bao dung và sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng, từ tấm lòng quý phật tử gần xa”.
Tiễn chúng tôi ra về trong tiếng chuông yên ả bên dòng sông Tân Bình, trong những ánh mắt đang nhóm lên những niềm tin rất kỳ diệu của 5 mảnh đời bất hạnh, chúng tôi hiểu các em sẽ không cô đơn giữa đời thường bởi đã được những tấm lòng nhân ái đang dang tay rộng mở, trong đó có Viện chủ Ni sư Thích Nữ Ngộ Hồng, người đang sống tốt đạo, đẹp đời.
Tác giả: Phương Anh Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2017
Bình luận (0)