Tác giả: Thánh Phú - Thạc sĩ Phật học khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM
Đặt vấn đề:
Tâm linh theo Phật giáo được hiểu là cuộc hành trì nội tâm; con đường trở về với tự thân tu tập, tự thân chứng ngộ, thành tựu Niết bàn. Văn hóa tâm linh Phật giáo bao hàm cả những giá trị tinh thần rất đa dạng, mang tính cao siêu của đời sống con người. Giá trị và ý nghĩa cao nhất của văn hóa tâm linh là tính thiêng. Văn hóa tâm linh Phật giáo ghi lại toàn cảnh về nguồn gốc, ý nghĩa của văn hóa tâm linh trong lịch sử và những chấm phá khoa học về tâm linh và tinh thần luôn hướng thiện chính đời sống văn hóa tâm linh của người Việt trong xã hội hiện đại.
Tag: Tâm linh, tâm linh phật giáo, văn hóa tâm linh, niết bàn, văn hóa,
Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ VI trước công nguyên, trong một xã hội bị phân chia đẳng cấp rất khắc nghiệt. Phật giáo ra đời cũng bắt nguồn từ những suy tư, khát vọng của con người. Hệ thống triết học Phật giáo gồm cả nhân sinh quan và thế giới quan đề cao vai trò của con người, thiên về triết lý sống, một phương pháp rèn luyện nhân cách hướng thiện. Phật giáo được truyền vào Việt Nam rất sớm vào cuối thế kỷ thứ II sau công nguyên. Phật giáo đến với Việt Nam với giáo lý đề cao bình đẳng, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, rất phù hợp với tín ngưỡng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trải qua quá trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, Phật giáo cũng có những bước thăng trầm, suy thịnh. Phật giáo được coi như quốc đạo như thời Lý-Trần, mà ở đó các nhà sư vừa là nhà tu hành, nhà chính trị, quản lý xã hội. Các vua triều Lý-Trần rất sùng kính đạo Phật. Trải qua hơn 20 thế kỷ, Phật giáo đóng vai trò trong nhiều lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đạo đức, hành vi, ứng xử của người Việt Nam. Thế kỷ 21 nền khoa học phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất thặng dư nhưng tâm lý con người luôn bị khủng hoảng, bế tắc, khổ đau và tuyệt vọng. Để giải quyết vấn đề căng thẳng tâm lý của con người hiện nay thì thiết lập một đời sống tâm linh theo Phật giáo.
1. Tâm linh
Tâm linh không phải là một vấn đề gì là mới mẻ mà là một sinh hoạt tinh thần vốn đã có từ xa xưa. Nó gắn liền với sự sự xuất hiện của con người và quá trình hình thành các cộng đồng dân tộc trên thế. Nó đề cập đến mối tương quan của con người với vũ trụ bao la và thế giới mênh mông được mỗi cá nhân và cộng đồng cảm nhận. Có nhiều định nghĩa về tâm linh. Trong nhiều tự điển đều được giải thích như sau: “Tâm” là trái tim, “Linh” là sáng suốt thiêng liêng. “Tâm linh” là tâm hồn sáng suốt thiêng liêng. Cái “Thiêng” là cái phát hiện con người nó có ý nghĩa và giá trị làm thăng hoa cái “phàm tục trần thế”, từ xa xưa được xem là kim chỉ nam trong vấn đề nghiên cứu tôn giáo. Nó giúp con người khám phá tiềm ẩn chính mình, vượt qua cam go cuộc sống. Đặc thù tính “Thiêng” tùy theo mỗi giai đoạn nhận thức con người. Điều đáng trân trọng là cái Thiêng trong thế giới đương đại được tái hiện với những sắc thái và giá trị mới. Những nhà khoa học ra đời ở thế kỷ 21 đã phát minh ra nhiều công trình giúp ích cho nhân loại làm ra của cải vật chất. Nhà bác học Einsten đã nói rằng: “Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng thảng thốt hay kinh ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình”[1]. Einsten không dùng từ tâm linh, nhưng ông cảnh báo cho loài người cần phải biết giữ lấy mình “điều bí ẩn, tính thiêng liêng, cái siêu việt”. Đó chính là lời nhận định có tính cách tiên tri. Bởi vì, trong thế giới hôm nay mọi tai ương, dịch bệnh, những lo âu sợ hãi, biến động rất lớn làm thay đổi cuộc sống con người. Vì thế, dường như nhân sinh đã đánh mất tính thiêng liêng của chính mình.
Theo sách Tâm linh Việt Nam của Nguyễn Duy Hinh thì định nghĩa: “Tâm linh là linh cảm về hiện tượng vô hình có ảnh hưởng đến đời sống con người cảm nhận qua cuộc sống trải nghiệm lâu dài của một cộng đồng người. Linh cảm về thiêng tác động đến đời sống con người.”[2]. Quan niệm về tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong đời sống thường ngày. Tâm linh là cái vô thể, trừu tượng, huyền bí, mê tín; mê tín thuộc về tâm linh nhưng không phải là hiện tượng mê muội mù quáng của tinh thần, của sự đồng cốt, phù phép, bùa chú…Mà nó chính là sự nhận thức chính kiến hay tà kiến trong cuộc sống.
Những cuộc tranh luận của các tôn giáo về vấn đề tâm linh đã trải qua nhiều thế kỷ. Nhiều nhà trí thức trong các tôn giáo đã nghiên cứu rất sâu sắc. Phật giáo cho rằng rất nhiều người nhẫm lẫn giữa tôn giáo và tâm linh. Tôn giáo có nhiều vấn đề liên quan đến tâm linh, nhưng tâm linh không chỉ liên quan đến tôn giáo, như khả năng ngoại cảm tiên tri là tâm linh nhưng không phải tôn giáo. Nếu mà đối tượng tâm linh của nghiên cứu khoa học gọi là khoa học tâm linh. Với những nghiên cứu về tôn giáo thì tâm linh, ngoại cảm[3], tiên tri là khả năng đặc biệt của con người. Những điều này chúng ta thấy rất phức tạp trong vấn đề nhận thức, cảm nghiệm của con người hiện nay. Xã hội các nước châu Á, các dân tộc phương Đông có truyền thống hướng nội, nghiêng về minh triết, nên chú trọng về tâm linh và quan sát nội tâm rất sâu sắc. Các nước ở châu Âu, dân tộc phương Tây thiên về hướng ngoại, chủ động, tư duy lý luận, đấu tranh sống còn, hiếu chiến, cạnh tranh, bành trướng, cá thể, phân tích, tri thức suy luận, khoa học, tư duy cơ giới, nên tâm linh họ chú ý nhiều đến thực thể. Phật giáo là tôn giáo nghiên cứu tâm linh thể hiện qua đời sống hàng ngày; đó là sự quan sát tâm linh giữa tinh thần và vật chất. Trong đó thì phần tinh thần gọi là phần tâm linh. Con người nếu hiểu rõ phần tâm linh của mình thì: “Ai sống quán bất tịnh, Khéo hộ trì các căn, Ăn uống có tiết độ, Có lòng tin, tinh cần, Ma không uy hiếp được, Như núi đá, trước gió”[4]. Vốn dĩ thân con người sinh ra đã là bất tịnh rồi, nằm trong cái bất tịnh thì con người không dễ gì nhận biết được được cái tinh khiết của chính mình. Muốn nhận rõ cái chân thật thì nên xem xét ngay chính bản thân mình để nhận ra sự bất tịnh mà hộ trì các căn, tinh tấn an trú chính niệm thì mới mong phát triển tuệ giác, mới thấy được phần tâm linh đúng đắn theo tinh thần Phật giáo.
Tâm linh là hành trình nội tâm của con người, là một diễn biến trừu tượng chứ không phải một thực thể trừu tượng trong lĩnh vực tinh thần. Tất cả mọi sự do tâm tạo ra chứ không do một thần linh nào tạo ra. Để kiểm soát lý trí tình cảm, tinh thần của con người thì phải điều tâm. Những người theo Phật giáo có niềm tin sâu sắc vào lời dạy của đức Phật, họ tin đó là chân lý, thực hành theo lời Phật dạy sẽ được nhiều ích lợi cho cuộc đời của mình. Đức Phật làm cho người ta tin mình qua việc nói người ta thực hành lời dạy của mình thấy có kết quả thì mới tin, người phật tử chân chính tin đức Phật qua sự kiểm chứng chứ không phải tin mù quáng. Đây cũng chính là một hành trình tâm linh theo Phật giáo.
2. Đời sống tâm linh của Phật giáo
Hầu hết các tôn giáo cho rằng tâm linh có nguồn gốc ở thần linh. Con người do thần linh tạo ra rồi thổi hơi thở vào và hơi thở đó chính là linh hồn, là cái thiêng liêng, cái bất tử ở trong con người. Do đó, theo tôn giáo thần quyền, thân người thì có sinh có diệt, có sống có chết nhưng linh hồn thì sống mãi, bất tử vì là linh thiêng. Tâm linh có thể được hiểu là chỉ cho cái gì cao cả nhất, sâu sắc nhất trong tâm người.Theo Phật giáo, con người được hình thành từ năm uẩn. Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp. Do đó không có linh hồn bất tử, tùy theo nghiệp nhân, nghiệp quả mà sau khi mạng chung được sinh vào đời sống này hoặc đời sống khác. Mục đích của đạo Phật là giới thiệu cho mọi chúng sinh về con đường đoạn trừ khổ đau, thành tựu giải thoát ở đời này và đời sau. Tâm linh theo Phật giáo được hiểu là cuộc hành trì nội tâm; con đường trở về với tự thân tu tập, tự thân chứng ngộ, thành tựu Niết bàn.
2.1. Quan niệm đời sống vật chất của Phật giáo
Trong đạo Phật, con người thế gian có hai đời sống căn bản, đó là đời sống vật chất và tinh thần; đời sống vật chất là nhu cầu sinh hoạt ăn, ở, mặc, ngủ, các hoạt động thể dục, lao động nâng cao sức khỏe con người. Phật giáo không phải là tôn giáo yếm ly như nhiều người nghĩ: đạo Phật phản đối hưởng thụ sống chịu đựng gian khổ, thiếu thốn về vật chất. Điều này hoàn toàn không đúng với giáo lý đức Phật, Phật giáo là tôn giáo hướng dẫn chúng sinh theo con đường hạnh phúc tối thượng. Theo đức Phật, nhu cầu vật chất quá cao thì dục vọng con người cũng cao, nó dẫn con người đi vào cạm bẫy tội lỗi nếu sử dụng vật chất không đúng cách. Đạo Phật rất chú trọng về đời sống vật chất để duy trì sức khỏe và phương tiện để hoạt động từ thiện. Con đường để chúng ta đi đến giải thoát không phải trải đầy tiền bạc, châu báu thế gian mà đức Phật đã khẳng định trong kinh Tương ưng: “Được lạc không vật chất, An trú trên tính xả. Từ bỏ năm triền cái, Thường siêng năng, tinh cần, Chứng Thiền định, nhứt tâm, Thận trọng, giữ chính niệm. Biết như thật là vậy, Đoạn diệt mọi kiết sử”[5].
Phật giáo không tán thành sự giàu có bất hợp pháp, của cải làm ra mà vi phạm pháp luật như: giết mổ, buôn người, bán ma túy và vũ khí, những nghề làm hủy hoại đạo đức nhân phẩm con người thì không nên làm. Người thế gian thường đem tài sản, danh vọng, địa vị của mình ra so sánh với người khác và họ cảm thấy hạnh phúc một khi đời sống vật chất không thiếu thốn. Thế nhưng, khi cuộc sống đã đạt được ấm no, hạnh phúc, tiền của dư giả, phần nhiều con người lại bị phiền não bởi những tham vọng cao xa của chính mình, vẫn cảm thấy chưa đủ với khát vọng của mình. Nếu người có trách nhiệm chăm lo đời sống cho cha mẹ vợ con nên người ấy cần có công ăn việc làm ổn định. Người ấy cần làm việc với nghề nghiệp hợp pháp, đúng pháp. Vị ấy không nên vì bất cứ lý do gì mà làm các nghề nghiệp không hợp pháp khiến gây bất an cho gia đình và làm rối loạn xã hội. Muôn vật trong thế gian, từ ngọn cỏ, cành cây cho đến tất cả dụng cụ đều có cách sử dụng của nó. Chúng ta biết sử dụng đúng là vật có ích, còn sử dụng sai thì kết quả ngược lại, muôn vật đều có cách dùng đúng hay dùng sai mà sinh ra kết quả an vui hay đau khổ. Sự tồn tại của vật chất chỉ là tạm thời, không có sự vật riêng biệt nào tồn tại mãi mãi. Để xây dựng thế giới hạnh phúc nội tâm là đời sống vật chất phù hợp với nghề nghiệp chân chính.
2.2. Quan niệm đời sống tinh thần của Phật giáo
Sự phát triển về khoa học kỹ thuật làm cho đời sống con người được cải thiện hơn. Nhưng mà đời sống vật chất phát triển cao thì tinh thần con người phát triển chậm lại. Đời sống tinh thần là các trạng thái tâm lý, tình cảm giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng xã hội. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ về vật chất thì nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong xã hội, khiến mối quan hệ của con người xa rời nhau cũng vì tài sản vật chất, con người cho rằng vật lý học chẳng liên quan gì đến tâm lý học, kinh tế học chẳng dính dáng gì đến đạo đức xã hội. Con người sống theo chủ nghĩa cá nhân, tư duy làm việc theo cá thể dẫn đến phát sinh phi đạo đức, ảnh hưởng đời sống của nhân loại. Sự mất quân bình giữa đời sống vật chất và tinh thần nó hiện hữu ngay trong đời sống hiện nay. Nếu chúng ta không quan tâm đời sống tinh thần thì đạo đức con người sẽ đi đến diệt vong. Chính sự tham cầu vô độ của con người mà khiến cho đạo đức bị đẩy lùi, lòng ham muốn vật chất lên ngôi, chỉ biết lao vòng xoáy và làm nô lệ cho vật chất, bị vật chất sai khiến mà thôi: “Khởi tham muốn tài sản, Tham dục làm say mê; Cuồng loạn không tự giác, Giống như người bắt cá. Do vì nghiệp ác này, Nên chịu báo khổ lớn”[6]. Sống trong thế giới Ta bà người đời vẫn biết cái tham dục là khổ nhưng vẫn cho là vui, tiền bạc chỉ là phương tiện nhưng cho là mục đích sống còn, Phật dạy cuộc đời là vô thường thì người đời cho là thường còn, vĩnh cửu. Chúng ta chỉ sống với hai thứ là lý trí và tình cảm, đồng thời cho rằng đó là tất cả thế giới tinh thần của con người. Ngoài lý trí và tình cảm ra không còn gì nữa. Nhưng theo đạo Phật thì lý trí và tình cảm chỉ là bề nổi của tâm mà thôi. Muốn có đời sống tâm linh theo Phật giáo thì phải thực hành chân tâm nhu nhuyễn vượt qua lý trí và tình cảm. Trong chân tâm, con người vẫn có tình cảm, nhưng đó là lòng từ bi. Trong chân tâm, con người người có lý trí nhưng đó là trí tuệ siêu việt. Tất cả chỉ là những yếu tố vật chất và tinh thần hợp lại tạo thành một cái tạm gọi là cái “Ta”. Cái Ta này không thật, nó chỉ là giả hợp, vô thường, không thường hằng bất biến, vì khi thiếu những điều kiện để tạo thành thì cái Ta tan rã, không còn gì cả. Để được cái “Vô Ngã” nên xây dựng cho mình thế giới tâm linh đúng với đời sống tâm linh trong Phật giáo.
2.3. Đời sống tâm linh Phật giáo
Đời sống vật chất và tinh thần chỉ giúp đáp ứng nhu cầu bình thường. Chúng chỉ mang tính chất tạm thời, chỉ là lớp vỏ bên ngoài của một thân cây mà thôi, chưa tiếp cận sâu xa của sự sống. Người có xu hướng khám phá tâm và phát triển năng lực bên trong của tâm thì người đó được gọi là người có đời sống tâm linh. Tâm linh ở đây là chỉ cho cái tính linh sẵn có trong mỗi chúng sinh, cái mà chúng ta thường gọi là Phật tính, chân tâm, bản lai diện mục. Mục đích của đời sống tâm linh trong Phật giáo không phải là tìm cầu sự hiệp thông với một đấng siêu nhiên, mang tính chất phi khoa học, trái với luật nhân quả, không đúng với nhân cách con người, mà đó là một lộ trình hướng nội, tìm lại chính mình, nhận diện được trạng thái của tâm thức, thực hành các môn tu tập để chuyển hóa và thăng hoa tâm thức từ bản tính sân hận, tham cầu, mê muội, khổ đau, tuyệt vọng, phàm tục sang trạng thái nhân từ, rộng lượng, hạnh phúc, lạc quan và thánh thiện. Để có được như thế, đức Phật khuyên mỗi chúng ta nên khởi đầu đời sống tâm linh chân chính bằng niềm tin chân chính không tin vào thế giới bên ngoài khi mình chưa thực hành[7].
Con đường tâm linh của đạo Phật không phải là sự cầu nguyện đầy mê tín, nhờ vào năng lực huyền ảo của đấng thần linh để cứu mình không bị khổ đau, mà phải thực hành đời sống luôn tỉnh thức, an trú trong giây phút hiện tại, nhận thức sự tương quan của nhân quả, giữa môi trường sống với con người, giữa cá nhân và cộng đồng, từ đó có quan niệm sống tích cực trong xã hội, có ý thức và tinh thần tự giác, có trách nhiệm hộ trì các căn, có sự thanh lọc tâm thức bất thiện và định hướng hạt giống thiện lành để phát triển tuệ giác.
Đời sống tâm linh của đạo Phật không phải là cầu thần thông biến hóa, pháp lạ nhiệm màu để cho người khác ngưỡng mộ tài năng của mình; mà chúng ta cần phải rèn luyện trau dồi một đời sống thánh thiện, nhiếp tâm an định trước biến cố cuộc đời dù có xảy ra, nhận ra chân lý sống giữa nhân sinh quan và vũ trụ quan. Sự thành công của đời sống tâm linh không phải là nhà chiêm tinh trứ danh, nhà lý số tài ba; mà là chính là sự thanh lọc tam độc tham, sân, si, thanh tịnh thân, khẩu, ý, tràn ngập năng lượng từ bi vô phân biệt.
Thế giới tâm linh của đạo Phật không phải thế giới thiên đường xa xôi nào cả, mà nó thực tại hiền tiền, ở đây và bây giờ, thế giới đó nó hiện hữu trong tâm thức của mỗi con người luôn luôn hướng thiện, thế giới luôn ẩn chứa một năng lượng lành thuần khiết; không có sự đấu tranh, sự thù hận trong tâm trí con người. Suốt quá trình hình thành và phát triển của đạo Phật, truyền thống giáo lý tâm linh đạo Phật đâu có khuyên con người sống bi quan, chán đời, hận đời mà luôn nào cũng luôn mang tinh thần tích cực nhập thế. Bất cứ xã hội nào, thời đại nào, chế độ nào, dù khoa học và công nghệ phát triển đến mấy, dù tri thức con người có tiên tiến đến đâu cũng phải công nhận một thực tế hiển nhiên là trong cuộc sống con người vẫn gạp những tai biến, hoạn nạn do thiên tai, ôn dịch, bệnh tật hiểm nghèo. Những lúc như vậy, con người tìm về đời sống tâm linh, để có sức mạnh vượt qua khổ đau, vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt. Con người có thể vượt lên trên những cái tầm thường của đời sống thế tục, như cái danh, cái lợi, hướng tới những giá trị tâm linh cao cả, mà nếu không có chúng thì đời sống con người sẽ trở thành vô nghĩa[8]. Đạo Phật luôn khuyên con người sống phải biết trân quý trong khoảng khắc thời gian, hơi thở trong cuộc sống, nhìn đời bằng ánh mắt biết ơn, hướng tất cả những suy nghĩ, lời nói, hành động thuần thiện nhất để xây dựng cho mình một đời sống tâm linh Phật giáo ở nhân gian ngay trong đời này. Thiết thực hơn nó được áp dụng trong đời sống văn hóa tâm linh Việt Nam.
3. Văn hóa tâm linh
3.1. Văn hóa là gì
Văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo, có từ thuở bình minh của loài người. Ở phương Đông, từ văn hóa đã xuất hiện trong đời sống rất sớm. Nó được xem như phương thức giáo hóa con người. Ở phương Tây, để chỉ đối tượng mà ta nghiên cứu, người Pháp và người Anh có từ culture (văn hóa), người Đức có từ cultus (giáo phái), người Nga có từ культура (văn hóa). Những danh từ này có chung gốc Latinh là chữ cultus animi là trồng trọt tinh thần. Vậy chữ cultus là văn hóa có hai khía cạnh: trồng trọt, thích ứng với tự nhiên, kha thác tự nhiên và giáo dục và đào tạo cá thể hay cộng đồng để họ không còn là con vật tự nhiên, mà họ có những phẩm chất cao thượng, tốt đẹp hơn[9].
Tìm giới thuyết của văn hóa, chúng ta thấy rằng văn hóa là những giá trị biểu hiện của trạng thái sinh hoạt của loài người, học thuật tư tưởng của loài người, mà nhân thế xem văn hóa có tính chất cao thượng đặc biệt. Văn hóa là chỉ chung cho tất cả phương diện sinh hoạt của loài người nên gọi “văn hóa tức là sinh hoạt”. Văn hóa tức là sinh hoạt thì không kể là dân tộc văn minh hay nghèo nàn đều có nền văn hóa riêng của mình, cách sinh hoạt của mỗi dân tộc khác nhau nên văn hóa cũng khác nhau. Điều kiện tự nhiên về địa lý mỗi dân tộc khác nhau nên cách sinh hoạt vì thế mà biến chuyển cho thích hợp với những điều kiện cần thiết cho dân tộc đó. Có thể nói, văn hóa là thành tích của sự cố gắng của loài người để thoát ly tự nhiên; hay nói rộng ra là thoát hoàn cảnh thực tại. Sự sáng tạo ra văn hóa khởi điểm ở trong mối đau đớn do hoàn cảnh thực tại gây cho con người, ở trong mối hoài nghi của con người đối với thực trạng. Những người sáng tạo ra văn hóa là những bậc thiên tài, họ cũng từng trải qua những đau khổ của cuộc đời và cũng có nhiều năng lực phi thường. Sự sáng tạo ra văn hóa đó chính là quá trình sống và làm việc qua nhiều thế hệ; trong đó có cả sự mất mát, hy sinh rất lớn[10]. Văn hóa ngày nay có được là sự kết tinh của nhân loại trên thế giới chứ không riêng một giai cấp nào; ở phương Tây có những nhà triết học, khoa học và nghệ thuật; ở phương Đông có những nhà minh triết, tâm linh. Sự hoát nhiên đại ngộ của đức Phật chính là sự khám phá tiềm năng trong mỗi con người mà ai cũng có, sự giác ngộ đến từ con người chứ không một đấng Thánh Thần nào cả.
Văn hóa hôm nay là tổng thể những nét riêng biệt của tinh thầ và vật chất, trí tuệ và cảm xúc quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống có giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và dấu thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức bản thân, tự biết mình là phương án chưa hoàn thành, đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo những công trình vượt trội lên bản thân[11].
3.2. Văn hóa tâm linh của người Việt Nam
Niềm tin thiêng liêng, được xem là yếu tố then chốt tạo nên đời sống tâm linh, văn hóa tâm linh đúng nghĩa và trang trọng. Một xã hội văn minh, phát triển, niềm tin thiêng liêng, niềm tin cao cả càng có giá trị bền vững. Văn hóa tâm linh là một bộ phận hợp thành của văn hóa nhân loại, là sự hội tụ của: tính thiêng, tính linh ứng và sự hợp chuẩn của chân, thiện, mỹ ở mức độ lý tưởng nhất. Đây cũng chính là những dấu hiệu đặc thù của văn hóa tâm linh. Ý nghĩa khoa học của vấn đề là ở chỗ:
văn hóa tâm linh là một bộ phận của văn hóa nhân loại nên sẽ có đầy đủ những đặc trưng của văn hóa. Nhưng văn hóa tâm linh lại là một dạng thức của văn hóa nên bên cạnh cái chung, cái riêng còn có cái đơn nhất để khẳng định sự tồn tại hợp lý của nó. Từ giới thuyết khái niệm về văn hóa và tâm linh, chúng ta thấy rằng những gì liên quan đến đời sống tâm linh thì con người tạo nên văn hóa tâm linh.
Tâm linh là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống con người. Trên đời sống tinh thần gia đình, bạn bè, anh em, đất nước…, thì đó là đời sống tâm linh, con người tin vào cái thiêng, vào chính nội tâm hướng thiện của mình, con người được giải tỏa, cởi bỏ phiền muộn, lo âu, những điều tốt đẹp cho mình và cộng đồng xã hội. Văn hóa tâm linh theo Nguyễn Đăng Duy tương đối đầy đủ: “Văn hóa tâm linh là văn hóa biểu hiện những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống đời thường và biểu hiện niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tôn giáo”[12]. Văn hóa tâm linh là sợi dây kết nối cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân từ, và tinh thần hướng thiện góp phần tạo nên sức sống cho cá nhân và cho dân tộc.
Việt Nam là nước thuần túy về nông nghiệp lúa nước, cư dân trồng lúa có quan niệm lúa sinh ra thóc gạo để nuôi sống vạn vật. Để làm nông nghiệp tốt thì người dân phải đoàn kết, sống đầy tính bao dung, nhân hậu, con người sống hòa mình với thiên nhiên. Khi ấy con người đồng nhất giữa mình với vạn vật hữu tình; giữa thế giới thực tại, hữu hình với thế giới siêu nhiên vô hình; giữa con cháu với người thân đã khuất như có một sợi dây liên hệ mật thiết là nhu cầu tinh thần cần thiết trong cuộc sống con người khi gặp khó khăn, đau khổ, hiểm nguy của chính mình.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm sóng gió, bao gian khổ hiểm nguy, bao tủi nhục đắng cay trong một thời gian lịch sử rất dài mới có được đất nước thanh bình. Trong những cuộc chiến đẫm nước mắt và máu, đã biết bao người đã ngã xuống vì tổ quốc, vì nhân dân. Công lao của họ đi vào lịch sử, vào cõi bất tử của miền nhân gian. Họ trở thành hồn thiêng đất nước, đi vào đời sống tâm linh của dân tộc Việt. Từ nhiều thế kỷ nay, dân tộc ta dành phần thiêng liêng vào việc tôn thờ và biết ơn các vị anh hùng có công dựng nước và giữ nước, bất kể là những vị anh hùng đó nguồn gốc từ tự nhiên hay có thật trong lịch sử thì họ là những người sống khôn thác thiêng, lập công trạng khi sống và hiển linh phù trợ giúp dân giúp nước khi chết. Nguồn gốc văn hóa tâm linh của người Việt là tưởng nhớ người đã khuất, những vị anh linh, mà nó khẳng định được lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt.
Trên cái vốn sẵn có của dân tộc là nền tảng yêu nước, thương nòi, dân tộc ta tiếp thu những trào lưu văn hóa từ nước ngoài du nhập vào, đồng hóa nó để tự phát triển thành cái riêng của mình. Biểu hiện cụ thể là việc tiếp nhận được hệ tư tưởng của Phật giáo hòa theo cách thức của người Việt. Với Phật giáo ta tiếp thu sự bình đẳng, lòng từ bi, bác ái. Những điều này phù hợp với tinh thần nhân ái dân chủ truyền thống của dân tộc: “Mái chùa chở chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của Tổ tông.”[13]. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam để phù hợp với đời sống dân gian thì hình ảnh Phật (Buddha) trở thành ông Bụt, Phật Bà, Pháp Vân (chủ quản mây), Pháp Vũ (chủ quản mưa), Pháp Lôi (chủ quản sấm), Pháp Điện (chủ quản chớp) để cứu giúp người hoạn nạn lưu truyền mãi muôn đời. Phật giáo là sự lựa chọn tối ưu của người Việt, bởi họ nhận thấy tư tưởng Phật giáo không phải là hệ thống lý thuyết phức tạp mà căn bản dựa vào con người, lấy con người làm trung tâm. Trước Phật, chúng sinh đều bình đẳng như nhau, ai cũng có thể tìm đến Phật. Tìm đến với Phật là tìm đến ông Bụt, Phật Bà, Mẫu để được cảm thông, chia sẻ, được chở che, bảo vệ, được phù hộ độ trì trong cuộc sống hằng ngày đầy khó khăn và vất vả. Người Việt tiếp nhận đạo Phật xem đây là đời sống tâm linh của mình, làm đẹp mối quan hệ giữa người với người theo quan niệm “ở hiền gặp lành”; “tu nhân tích đức”; để đức lại cho con cháu đời sau, hoặc triết lý nhân quả “ác giả ác báo” để răn người không làm việc sai quấy. Sống tin tưởng vào lẽ phải ở đời, có lòng yêu thương, sống làm điều thiện, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn, sống lòng vị tha nhân ái, hiếu thảo với cha mẹ ông bà, niềm tin thiêng liêng cao cả không khác gì niềm tin tôn giáo cao siêu.
Sống trong đất nước nào cũng vậy luôn có những bất trắc rình rập bởi nạn ôn dịch, hạn hán, lũ lụt đe dọa, con người bất lực trước mối hiểm họa không ngờ đó, Phật giáo bằng phương tiện giáo hóa đưa ra nhưng phương pháp cầu an, cầu siêu để con người đặt niềm tin mà giải tỏa tâm lý khổ đau. Phật giáo truyền vào nước ta với nhiều tông phái để tùy theo căn cơ của từng người mà thực hành; với pháp môn Thiền đề cao cái tâm, Phật tại tâm, tâm tại Phật, người tu Thiền đòi hỏi phải nhiều thời gian, tinh tấn hành trì, giữ tâm tĩnh lặng, giữ Giới mới đạt Định và thông Tuệ giác mới tìm ra chân lý. Khác với Thiền, Tịnh độ gần gũi và phổ biến trong đời sống nhân dân. Hầu như các chùa ở Việt Nam đều chuyên và pháp môn niệm Phật. Tịnh độ ra đời ví như con thuyền Bát nhã đưa con người đến Niết bàn tịch tịnh. Bởi quan niệm cho rằng, đời sống của người bình dân khốn khó, vất vả, suốt ngày bận rộn cơm áo gạo tiền nên khó tĩnh tâm Thiền được, khó lòng đạt được bản thể chân như. Trong nỗi khổ không lối người bằng phương tiện tu Mật tông, con người tin vào pháp Mật chú, ấn quyết nhằm xua đuổi những độc khí, ám chướng, và mục thiết thực là chữa bệnh.
Đạo Phật đã thấm nhuần trong cuộc sống của dân tộc Việt Nam, chẳng những cho người còn sống mà pháp Phật cứu độ chúng sinh đã mất. Mà nhất là nạn chết do chiến tranh, ôn dịch, tai nạn giao thông, lũ lụt…Thương những con người đó, linh hồn đó, Nguyễn Du trong thời cận đại đã sáng tác bài Văn chiêu hồn文昭魂,trước hết thái độ, tấm lòng thương xót của tác giả với tất cả chúng sinh; người dương thế hay người cõi âm trong thời kỳ đó không biết dựa vào ai, chỉ có đức Phật từ bi là nơi nương tựa mới mong được sự chở che, vỗ về của thế giới thiêng. Người dân Việt cho rằng có sự tồn tại linh hồn, bày tỏ lòng tin đối với Phật thì tâm hồn người sống được thanh thản và linh hồn của người chết được siêu thăng. Qua bao đời người Việt Nam luôn lấy Phật làm, Phật tại tâm để sống tốt, sống có ích cho xã hội.
Tóm lại, dẫu biết rằng chuyện gì đến sẽ đến, không sầu vương lo lắng. Hãy để nó đến với tự nhiên rồi đi tự nhiên. Con người rồi ai cũng phải chết, nhưng con người sống ở đời không muốn điều đó xảy ra, vẫn có khát vọng được sống dù ở trong hoàn cảnh dịch bệnh hoành hành, lửa thiêu, nước cuốn. Nếu chúng ta có niềm tin vào đời sống tâm linh Phật giáo có được cuộc sống hạnh phúc ở hiện tại này.
Ngày nay, thời đại công nghệ thông tin, của khoa học nhưng đây cũng chính là con người ta phải bàn về tâm linh, đời sống tâm linh, văn hóa tâm linh nhiều nhất. Và nhất là tình hình bệnh dịch Covid hiện nay đang bùng nổ toàn thể giới; những cảnh chết chóc đột ngột hiện ra từng ngày, làm cho cảnh chia lìa trong đau đớn, tang thương. Con người còn đau khổ thì giá trị tâm linh rất thiêng liêng. Bởi phàm sinh ra con người ai cũng ý thức được giá trị bản thân, của sự sống. Niềm tin vào khả năng bản thân hay một xã hội xây dựng đạo đức nội tâm, luôn hướng thiện chính là đời sống văn hóa tâm linh của người Việt.
Tác giả: Thánh Phú - Thạc sĩ Phật học khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM
*** CHÚ THÍCH [1] Albert Einstein (tiếng Anh), Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hảo, Trần Tiễn Cao Đăng (dịch), Thế giới như tôi thấy, Nxb Tri thức, 2006, tr.9. [2] Nguyễn Duy Hinh, Tâm linh Việt Nam, Nxb. Từ điển Bách khoa, 2007. [3] Thích Đức Thiện, Báo Sức khỏe và Đời sống, ra ngày 27/11/2006. [4] Nārada MahāThera ( Pāli-Anh), Thích Minh Châu (Pāli-Việt), Thích Thiện Siêu (Hán- Việt), kinh Pháp cú, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014, tr. 23. [5] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VI, Phẩm Dhammika, Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 123. [6] Thích Tịnh Hạnh, Tạp A- Hàm, quyển 46, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, trang 58. [7] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Phẩm Lớn, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 344. [8] Thích Minh Châu, Chánh pháp và hạnh phúc, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2001, trang 64. [9] Trần Quốc Vượng, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 18. [10] Đào Duy Anh, Văn hóa là gì, Nxb Tân Việt, Hà Nội, 1947, tr. 14 [11] Tuyên bố về những chính sách văn hóa, Hội nghị quốc tế do UNESCO chủ trì từ ngày 26/7 đến ngày 6/8/1982 tại Mêxico. [12] Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002, tr. 26. [13] Thích Mãn Giác, Nhớ chùa, https://diendanphatphap.com › diendan › threads › tho, truy cập ngày 10/8/2021. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Albert Einstein (tiếng Anh), Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hảo, Trần Tiễn Cao Đăng (dịch), Thế giới như tôi thấy, Nxb Tri thức. 2. Đào Duy Anh, Văn hóa là gì, Nxb Tân Việt, Hà Nội, 1947. 3. Nārada MahāThera ( Pāli-Anh), Thích Minh Châu (Pāli-Việt), Thích Thiện Siêu (Hán- Việt), kinh Pháp cú, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014. 4. Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002. 5. Nguyễn Duy Hinh, Tâm linh Việt Nam, Nxb. Từ điển Bách khoa, 2007. 6. Thích Đức Thiện, Báo Sức khỏe và Đời sống, ra ngày 27/11/2006. 7. Thích Mãn Giác, Nhớ chùa, https://diendanphatphap.com › diendan › threads › tho, truy cập ngày 10/8/2021 8. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Phẩm Lớn, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1996. 9. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VI, Phẩm Dhammika, Tôn Giáo, Hà Nội, 2005. 10. Thích Minh Châu, Chánh pháp và hạnh phúc, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2001. 11. Thích Tịnh Hạnh, Tạp A- Hàm, quyển 46, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000. 12. Trần Quốc Vượng, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006. 13. Tuyên bố về những chính sách văn hóa, Hội nghị quốc tế do UNESCO chủ trì từ ngày 26/7 đến ngày 6/8/1982 tại Mêxico.
Bình luận (0)