Tiết trời tháng bảy Vu Lan, Dù đi muôn hướng, muôn ngàn trùng dương. Lòng con không khỏi vấn vương, Quay về nguồn cội, nhớ thương mẹ hiền. (Sưu tầm)

Ngày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy tính nhân văn Phật giáo đó là “từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, hay câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”... lễ Vu Lan mở ra cả một chiều sâu ý nghĩa của mùa báo ân, báo hiếu. Báo hiếu ở đây là báo hiếu đối với cha mẹ, không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác, bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng nghiệp báo luân hồi. Và cũng chính vì nhìn nhận dưới góc độ đó mà hết thảy mọi chúng sinh trong xã hội đều có mối quan hệ với nhau.

Báo hiếu là sự biểu hiện phẩm hạnh đạo đức của mỗi con người. Vì vậy báo hiếu là việc ai ai cũng cần nuôi dưỡng và thực hành hàng ngày, do đó, con người nếu đã hiếu nghĩa với cha mẹ, họ hàng thì không thể không yêu quý có trách nhiệm với quốc gia; thầy cô, bè bạn; mở rộng ra là với toàn thể nhân loại và chúng sinh vạn loài. Cùng với báo ân cha mẹ, ba điều này hợp thành khái niệm: “Tứ ân” trong Phật giáo. Ðó chính là:

- Ân hiếu sinh: là ân sinh thành, dưỡng dục, nuôi dạy khôn lớn thành người. - Ân thầy đạo: là ân dạy dỗ những kiến thức về đạo làm người, nghề nghiệp và những điều hay, lẽ phải. - Ân quốc gia xã hội: là ân bảo vệ đất nước, nhân quyền, giữ gìn môi trường sống trong sạch, hoà bình và phát triển. - Ân chúng sinh vạn loài: là ân những chúng sinh đã kết hợp các mối tương duyên trong cuộc sống tạo ra của cải vật chất để cho chúng ta tồn tại, phát triển.

Mùa Vu Lan là dịp để ôn lại những suy nghĩ, hành động đúng với tinh thần báo hiếu, đặc biệt là đúng với tinh thần “tứ ân” trong đạo Phật.

Nghĩ về mẹ trời luôn tươi sắc nắng, Hoa trong vườn không gió cũng xôn xao. (Sưu tầm)

Ðạo Phật là đạo hiếu, lấy tình thương yêu con người (và cả vạn loài) làm đầu. Tình thương này bắt nguồn từ tình thương cha mẹ, sau đó mới mở rộng ra thành tình người, tình nhân loại, tình chúng sinh vạn loài. Chính vì vậy, trong các kinh điển Phật giáo, đức Phật dạy về đạo hiếu nhiều không kể xiết. Do đó, muốn tu theo Phật giáo phải lấy chữ hiếu làm đầu bởi vì kinh Phật đã dạy: “Phụng thờ cha mẹ là phụng thờ đức Phật”.

Như vậy, không phải cứ mùa Vu Lan chúng ta mới có dịp để báo hiếu cha mẹ mà Vu Lan là dịp để nhìn nhận lại hành động hiếu thảo của mình, qua đó điều chỉnh và uốn nắn đúng theo “đạo làm con”, đặc biệt đúng theo tinh thần “tứ ân” mà đức Phật đã chỉ dạy.

Dưới đây là một số cách báo hiếu cha mẹ.

- Báo hiếu bằng lời nói, hành động: thể hiện tình yêu, lòng thương với cha mẹ bằng lời nói, và những việc làm cụ thể. Lúc gặp cha mẹ và nói một cách chân tình với cha mẹ rằng con thương cha mẹ. Đôi khi những lời đó khó nói ra, hoặc chưa đủ thì ta phải có những hành động cụ thể. Không cần những thứ cao siêu, mời một tách trà, hỏi thăm sức khỏe, đỡ đần công việc, bên cạnh cha mẹ mỗi khi họ cần đến là cha mẹ đã thấy đủ.

- Báo hiếu lúc tuổi còn nhỏ: lúc nhỏ thì con cái có thể báo hiếu cha mẹ bằng những lời hỏi thăm, động viên cha mẹ như: “hôm qua mẹ ngủ có ngon không, mẹ đi làm về có mệt không, mẹ có cần con giúp gì không,…” những câu hỏi thăm đó cũng đủ cha mẹ cảm nhận được tình thương của con cái đối với cha mẹ. Báo hiếu càng sớm càng tốt, bởi nếu chờ đến khi trưởng thành, vật chất ê hề, chưa chắc cha mẹ đã còn tại thế để đón nhận tấm lòng của người con.

- Báo hiếu khi trưởng thành: cha mẹ luôn mong muốn con cái khi trưởng thành có cuộc sống tốt, nghề nghiệp ổn định, gia đình hạnh phúc, con cái chăm ngoan, học giỏi vâng lời ông bà, thực hiện đầy đủ bổn phận của mình với mọi người xung quanh, gia đình và xã hội.

- Báo hiếu lúc cha mẹ sai: có những lời nói, hành động của cha mẹ đôi khi cũng gặp phải sai lầm. Lúc này ta nên chọn thời điểm thích hợp để phân tích cho cha mẹ hiểu, nếu cha mẹ không nghe ta có thể nhờ những người thân của cha mẹ nói cho họ hiểu rồi nhờ họ tác động lại.

- Báo hiếu lúc cha mẹ bệnh: những lúc này, sự cần thiết nhất của cha mẹ là có con cái bên cạnh chăm sóc, giúp đỡ cha mẹ. Ngày đêm thân cận, không rời xa cha mẹ. Đây là lúc để thể hiện sự hiếu thảo của mình một cách chân thành và thiết thực.

- Báo hiếu lúc cha mẹ mất: với người đã mất ta nên cung kính, thờ phụng theo phong tục văn hóa. Đối với người con Phật thì đi chùa, tham dự các khóa lễ sám hối, cầu an và cúng dường Tam bảo, làm những việc thiện để vun bồi phước đức và hồi hướng cho cha mẹ.

- Báo hiếu đối với người con Phật: những người con Phật đang còn cha mẹ thì đây là điều vô cùng hạnh phúc, lúc này ta nên khuyên cha mẹ đi chùa, nói chuyện cho cha mẹ hiểu về Phật pháp, dẫn dắt cha mẹ trên con đường học đạo theo đúng chính pháp của đức Phật.

- Báo hiếu đối với hàng đệ tử đã xuất gia: con đường duy nhất là tu hành đắc đạo, thì lúc đó mới có khả năng mang lại cuộc sống an vui, giải thoát cho ta, cho người thân và cho tất cả chúng sinh vạn loài. Đây là cách báo hiếu cao cả nhất mà đức Phật đã chỉ dạy.

Tóm lại, mùa Vu Lan báo hiếu đã đến, hình ảnh thân thương của cha mẹ, ông bà ngày nào cũng như ngày nào luôn sống dậy mãnh liệt trong tâm trí những người con hiếu thảo. Người có phước duyên còn được cha mẹ bên cạnh, hãy giữ gìn, chăm sóc tâm hiếu, hạnh hiếu cho đúng lời Phật dạy để tạo dựng một gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Những người không còn được chở che trong tình thương vô giá của cha mẹ, hãy sống một cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, với người con Phật hãy nỗ lực tu hành, tạo thật nhiều công đức, phước thiện để hồi hướng đến cha mẹ.

Với mỗi người con hiếu thảo thì báo hiếu không chỉ mùa Vu Lan, mà phải là Vu Lan trong “tâm khảm”, trải dài trong từng khoảnh khắc thời gian, cho đến mỗi lời nói, mỗi hành động hàng ngày, đó mới là cách báo hiếu thực chất.

Tác giả: Tâm Đạt Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2017