Thông qua thực trạng tác động của IR4 đối với giáo dục Phật giáo hiện nay nhận thấy rằng, cuộc cách mạng này là sự phát triển vượt bậc, một tiến bộ lớn của nền văn minh nhân loại, nó đã đưa đến những thành tựu cũng như hạn chế đáng kể đối Phật giáo.

Tác giả: Thích Đức Thành Học viên Thạc sĩ Tôn giáo học K27, Học viện Chính trị Quốc gia Tp.HCM

MỞ BÀI

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một cuộc cách mạng mang tính đột phá nhằm thay đổi điều kiện sống của con người, nó bắt đầu hình thành từ khoảng thập niên 70 của thế kỷ XX. Cho đến năm 2011 thuật ngữ IR4 [1] mới được một nhóm nhà khoa học người Đức giới thiệu đến cộng đồng trên thế giới. Cuộc cách mạng này đã tác động đến mọi khía cạnh của xã hội bao gồm: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…và cả tôn giáo. Sự ra đời của IR4 đã đánh dấu cho sự phát triển của các sản phẩm, thiết bị, ứng dụng, khoa học – kỹ thuật cao, một bước tiến mới của nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, với sự phát triển này nó đã đem lại những thách thức không nhỏ đối con người và các tổ chức chính trị - xã hội trong đó có cả các tổ chức tôn giáo cũng chịu sự tác động này.

Phật giáo, một tôn giáo bắt nguồn từ Ấn Độ hình thành vào khoảng thời gian cách đây 2566 năm, vào thời kỳ nguyên thủy khi đức Phật còn tại thế, đối với phương thức truyền đạo, cụ thể là truyền giảng giáo lý, giáo luật, chủ yếu là truyền miệng (kim khẩu), lúc bấy giờ đức Phật chu du khắp đất nước Ấn Độ truyền tải giáo lý bằng những bài thuyết pháp cho nên lúc bấy giờ đòi hỏi đệ tử, tín đồ phải có trí tuệ siêu việt để ghi nhớ lời giảng và truyền bá lại cho mọi người.

Mãi cho đến ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của IR4 đã tạo ra những sản phẩm công nghệ như: Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning/ERP), Mạng lưới mạng kết nối vạn vật (Internet of Things/IoT), Dữ liệu lớn (Big data), Trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence/AI), Số hóa (Digitization), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Máy móc tương tác máy móc (Machine to Machine/M2M), Máy học (Machine Learning), Công nghệ in 3D; Xử lý dữ liệu thời gian thực (Real-time data processing), Hệ sinh thái (Business Ecosystem), Hệ thống không gian mạng thực ảo (Cyber-physical systems/CPS), công nghệ nano, công nghệ sinh học, các phương tiện không người lái, lưu trữ năng lượng, khoa học vật liệu và máy tính lượng tử [5][2]…đã hỗ trợ và thay thế sức lực của con người. Với cuộc cách mạng này, nó thể giúp cho Phật giáo kết nối vạn vật, đưa con người đến gần hơn với phật pháp bằng các phương tiện công nghệ như ứng dụng lưu trữ “Kinh Tạng, Luật Tạng, Luận Tạng”[3] hay các ứng dụng thuyết giảng Phật pháp trực tuyến (online); Ứng dụng kỹ thuật 3D,4D hay 5D mô tả lại hình ảnh đức Phật một cách sống động để ngài trở nên gần gũi như vẫn đang hiện hữu bên cạnh tín đồ, phật tử…

Bên cạnh những tối ưu mà cuộc cách mạng này mang lại, Phật giáo cũng phải đối diện với những thách thức mà nó tác động đến, cụ thể: tính giải thoát (liberation)[4], trí tuệ (wisdom)[5] của Phật giáo cũng gặp nhiều trở ngại khi một số lượng lớn tín đồ có thể bị trầm cảm, tự kỷ, rối loạn tâm thần do thất nghiệp, mất việc làm, nghiện Interrnet, mạng xã hội đôi khi làm con người rơi vào trạng thái mất niềm tin vào người khác. Đặc biệt, mạng xã hội đã khiến con người dần trở nên hoang mang, ngờ vực giữa yếu tố (thực - ảo) trong đời sống và hoài nghi về bản thân, cho đến hoài nghi các giá trị tâm linh, luận lý, đạo đức, nhân quả và cả chính pháp. Việc tiếp cận giáo pháp đức Phật, cho đến giao tiếp với tăng, ni, tín đồ, phật tử hiện nay chủ yếu qua mạng Internet tạo nên một cộng đồng Phật giáo ảo, ngộ nhận tính tùy duyên trong Phật giáo có còn phù hợp và thích nghi với những thay đổi của công nghệ, người máy, Rô-bốt, trong đó những vấn đề về quản lý, theo dõi những hoạt động của Phật giáo cũng gặp nhiều khó khăn.

Phật giáo với phương châm “tùy duyên bất biến” và trách nhiệm “khai thị chúng sinh, ngộ nhập tri kiến Phật” trong bối cảnh cuộc cách mạng này cần phải học hỏi, nắm bắt và tận dụng những thành tựu. Khắc phục những hạn chế của nó trong hoạt động Phật giáo, giúp cho Phật giáo luôn là một tôn giáo với tôn chỉ phát triển toàn diện con người về đạo đức, luân lý, trí tuệ, khoa học… hướng con người đạt đến sự toàn diện “chân – thiện – mỹ” của cuộc sống.

Ngày nay, trong kỷ nguyên phát triển toàn cầu, chúng ta đang sống trong thời đại xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nên tảng IR4, với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, công nghệ  - thông tin như vũ bão đã tác động đến mọi khía cạnh của xã hội. Những tiến bộ của Internet, kết nối vạn vật, thiết bị và ứng dụng thông minh, trí tuệ nhân tạo, Rô-bốt… hứa hẹn sẽ mang đến những tiềm năng mới trong việc tiếp cận tri thức, sự đổi mới này hứa hẹn sẽ nâng cao một đời sống vật chất và tinh thần đưa vô vàn lợi ích từ IR4 mang lại cho chúng ta. Tuy vậy, bên cạnh những cơ hội đạt được cũng phải đối diện với nhiều thách thức khác nhau, dưới sự tác động của IR4 gây nên nhiều biến đổi, bất ổn trong đời sống văn hóa - xã hội, trong đó có tôn giáo và Phật giáo cũng chịu sự ảnh hưởng của IR4 này.

Để hiểu được thực trạng tác động của IR4, ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động Phật giáo, chúng ta cùng đi vào tìm hiểu, phân tích tác động của nó đến hoạt động quan trọng của Phật giáo hiện nay như: “Hoạt động Giáo dục”, một trong những hoạt động quan trong đặt tiền đề trong vấn đề đào tạo nhân lực tăng tài trong sự nghiệp phát triển Phật giáo.

NỘI DUNG

1. Giáo dục là gì?

Trước tiên chúng ta cần xác định rằng: Giáo dục, là một yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước, cũng như phát triển mặt trí tuệ, nhân cách, đạo đức, lối sống con người trong xã hội. Tất cả các nước trên thế giới đều lấy giáo dục là quốc sách hàng đầu, bởi đó là mục đích, tầm nhìn sâu cho sự phát triển toàn diện mọi mặt của đất nước bao gồm chính trị (absolutism) - kinh tế (economy) - văn hóa (culture) - xã hội (society). Nhưng, trên thực tế ở thời điểm hiện tại, mặt bằng giáo dục Việt Nam vẫn còn lạc hậu so với các nước thế giới, từ phương pháp cho đến nội dung đào tạo.

Phật giáo một bộ phận không thể tách rời trong đời sống văn hóa - xã hội, là một tôn giáo có đông số lượng tín đồ nhất ở Việt Nam, tầm ảnh của Phật giáo lan tỏa khá rộng trên nhiều khía cạnh đời sống bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, Phật giáo cần có những phương pháp giáo dục hiện đại, để đào tạo một thế hệ tăng, ni có đầy đủ đức lẫn tài, phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Phật giáo và tạo ra ảnh hưởng lớn trong đời sống phát triển xã hội.

Vậy Giáo dục là gì? Giáo dục “Education”, là một hình thức học tập gồm kiến thức, kỹ năng và thói quen của con người được truyền trao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu, điều kiện để hình thành giáo dục đòi hỏi phải có đủ người dạy và người học. Chữ “Education” có gốc từ chữ Latinh là Èducàtiò có nghĩa: Nuôi dưỡng, nuôi dạy, trong đó Èdùcò: Tôi giáo dục, tôi đào tạo. Tiếng Việt, chữ “giáo” có nghĩa là dạy, “dục” có nghĩa là nuôi. Ghép chung lại “giáo dục” là dạy dỗ nuôi lớn một con người đầy đủ trí dục, đức dục và thể dục, giáo dục xuất hiện rất sớm trong đời sống xã hội, là một dạng hoạt động xã hội vốn gắn bó với đời sống con người như các hoạt động khác: kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học, kỹ thuật công nghệ, sản xuất... Vì vậy, UNESCO (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization)[6] định nghĩa khái quát “Giáo dục”: hễ có con người là có giáo dục. [3][7]

2. Giáo dục Phật giáo là gì?

Kế đến giáo dục Phật giáo là gì? Theo cố Hòa thượng Thích Chơn Thiện, nguyên Viện trưởng HVPG Việt Nam tại TP.Huế: “Giáo dục thường được hiểu là những gì làm nên văn hóa, văn minh của mọi xứ sở. Các công trình sáng tạo là suối nguồn của văn minh, với các vai trò xây dựng và phát triển xã hội của giáo dục là suối nguồn văn hóa của một dân tộc, giáo dục văn hóa và văn minh đều là sản phẩm của tư duy con người trong mỗi thời đại, con người ước mong được an ổn, hòa bình và hạnh phúc, vì thế văn hóa và giáo dục phải đem lại sự an ổn, hòa bình, hạnh phúc cho con người. Một hệ thống văn hóa giáo dục như thế phải được xây dựng trên cơ sở một hệ thống triết lý, tâm lý và mẫu người giáo dục lý tưởng. Các vấn đề giáo dục quan trọng, tất yếu này phải xuất phát từ một lý thuyết về nhân tính về lý tưởng nói lên được sự thật và mối quan hệ không thể tách rời giữa con người và cuộc đời”.

Hoặc giáo dục cũng có nghĩa là “Giáo hóa”: Giáo là khiến cho con người hiểu và hành được các thiện pháp; Hóa là khiến cho con người xa lìa các ác bất thiện pháp, tương tợ như từ giáo hóa, trong kinh điển chúng ta thường bắt gặp các từ như khai hóa, nhiếp hóa, khuyến hóa, cảm hóa, chuyển hóa,…Tất cả từ “Hóa” trên đây, cái nghĩa của chúng rất quan trọng như: chuyển hóa phàm phu thành Thánh nhân, chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc, chuyển hóa tham, sân, si, hôn trầm, thụy miên, trạo hối, nghi (năm triền cái) thành năm thiền chi: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Nhất Tâm. “Vậy giáo dục ở đây đồng với nghĩa tu hành”. [2][8]

Có rất nhiều định nghĩa về giáo dục Phật giáo nhưng tóm lại giáo dục Phật giáo là một nền giáo dục đa văn hóa, bởi sự thích nghi, dung hợp với các nền văn hóa, tư tưởng, triết học trên thế giới. Giáo dục Phật giáo là những giáo lý, lời dạy của đức Phật, mang lại một đời sống đạo đức, tinh thần với phương châm (từ bi[9], hỷ xã[10], vô ngã[11], vị tha[12]) và hướng đến giải thoát, giáo dục Phật giáo còn mang tính thiết thực với mục đích, phương pháp, đối tượng rõ ràng.

Bên cạnh đó những lời Phật dạy luôn mang lại những giá trị lợi ích lớn lao, thiết thực và bền vững nhất so với bất kỳ giáo thuyết nào, cho nên đức Phật được tôn vinh là “nhà đại giáo dục vĩ đại”. [1]

Mục đích chính của giáo dục Phật giáo là tạo nên một con người tự do, có đạo đức, có trí tuệ, hướng mỗi chúng sinh đến sự giải thoát, giác ngộ chân chính, đưa chúng sinh đến sự an lạc, tĩnh thức về nội tâm, tỏ ngộ “giới, định, tuệ”[13]. Giá trị của giáo dục là những giải pháp tốt cho những vấn đề xã hội như đạo đức, lối sống, chính trị, văn hóa, tư tưởng, bình đẳng, hòa bình, môi trường, nhân quyền, tự do, dân chủ thể hiện rõ hơn bao giờ hết trong giáo dục Phật giáo.

Giáo dục Phật giáo mang tầm quan trọng trong sự nghiệp truyền bá đạo Phật, sự truyền bá này cần được duy trì mạng mạch phật pháp, Giáo dục Phật giáo là sự gắn kết chặt chẽ trong công tác giáo dục đào tạo tăng ni, bởi tăng, ni là những người kế thừa hạt giống Phật, cho nên trong bối cảnh của IR4, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần nắm bắt thời cơ, tận dụng những lợi thế của IR4, khắc phục những tác động không mong muốn của IR4 đến công tác giáo dục, đào tạo tăng, ni.

Vì thế, theo cố Hòa thượng Thích Minh Châu, nguyên Viện trưởng HVPG Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh trình bày về tâm nguyện của người về sự nghiệp giáo dục, nội dung với phương pháp giáo dục như sau: “Sự nghiệp giáo dục chỉ có thể thành công chừng nào sự nghiệp ấy trở thành ý thức và trách nhiệm chung của tất cả mọi người, thiếu mất ý thức và trách nhiệm này chúng ta không thể nói đến giáo dục hay xây dựng một môi trường tốt đẹp cho con người”.[3][14]

Ngày nay IR4 bùng nổ đã kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức, lối sống của người xuất gia, cho nên trước thực trạng đó Phật giáo Việt Nam cần nhận thức rõ tầm quan trọng giáo dục Phật giáo trong thời đại IR4. Vậy, Giáo dục 4.0 là gì? Nó tác động như thế nào đối với hoạt động Giáo dục của Phật giáo? Nó đưa đến những lợi ích gì? Những hạn chế như thế nào? … Chúng ta đi vào tìm hiểu giáo dục 4.0 là gì và tác động của nó.

3. Giáo dục 4.0 là gì?

Để hiểu được Giáo dục 4.0 là gì? Trước tiên chúng ta tìm hiểu sự hình thành giáo dục qua từng thời kỳ với các cuộc cách mạng công nghiệp của con người:

Giáo dục lần đầu tiên là một hệ thống giáo dục “trường học 1.0” ở thời kỳ này nền giáo dục của con người rất thô sơ, với hệ thống chương trình đào tạo không chính thống, với công nghệ thô sơ, lạc hậu chỉ là “phấn – bảng” và được đặc quyền giới hạn số lượng người học, giáo dục thời kỳ này chỉ tập trung đào tạo về lao động kỹ năng.

Giáo dục lần thứ hai (trường học 2.0) là thời kỳ đòi hỏi đào tạo đại chúng hoá giáo dục và dân chủ hoá việc tiếp cận tri thức, với công nghệ là “PC, Laptop” thời kỳ này thì tập trung đào tạo lao động tầng lớp có tri thức.

Giáo dục lần thứ ba (trường học 3.0) với thời kỳ này đã xuất hiện các thiết bị kỹ thuật số làm công cụ trong công tác giảng dạy và học tập bao gồm “Internet - Thiết bị di động và các thiết bị thông minh khác” với cuộc cách mạng này là sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông được áp dụng trong các mô hình giáo dục, bao gồm giáo dục trực tuyến đã được tiếp cận và cuộc cách mạng này là tiền đề cho cách mạng giáo dục 4.0.

Vì thế giáo dục 4.0 là: “Một hệ thống giáo dục mở, được cách tân và sáng tạo dựa trên những thành tựu khoa học kỹ thuật, một mô hình giáo dục được gắn kết dựa trên các yếu tố từ nhu cầu của con người, qua đó áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc thiết lập những ứng dụng, thiết bị máy móc thông minh nhằm tối ưu hóa việc học theo phương diện công nghệ cao” [15][6]. Đây sẽ là một phương pháp giáo dục mới, hoàn toàn thay đổi so với phương pháp giáo dục hiện tại, tất cả mô hình thông minh này sẽ được kết nối hệ thống dựa trên yếu tố con người, sự vật, thiết bị máy móc thực hành tạo thành sự liên kết trong quá trình học tập giảng dạy, trong quá trình đó cần có sự tư duy, sáng tạo là tiêu chí nhằm phát triển hệ thống giáo dục thông minh.

Cho nên, sự tác động này đối với giáo dục là sự đổi mới về môi trường giảng dạy là yếu tố quan trọng, cho nên cần phải hội tụ đủ các ứng dụng, thiết bị trong công tác đào tạo, giảng dạy, khai thác triệt để lợi ích của nó, cần phân loại theo mô hình theo mức độ đào tạo, giá trị tri thức đối từng cấp độ để áp dụng vào công tác giảng dạy một cách toàn diện. Cho nên trước thực trạng đó, IR4 có tác động như thế nào đối với hệ thông giáo dục Phật giáo bao gồm các trường Phật học hiện nay như sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học, sẽ chịu ảnh hưởng gì đối với sự phát triển của cuộc cách mạng này.

4. Những tác động của IR4 đến giáo dục Phật giáo

Internet, trí tuệ nhân tạo, Big data, Rô-bốt, những công nghệ số, công nghệ in 3D - 4D, tự động hóa, an ninh mạng, khoa học dữ liệu, sức khỏe, môi trường, tái tạo năng lượng… Hiện nay các trường học Phật giáo đã, đang triển khai áp dụng các hệ thống thông minh trong công tác giáo dục, với những thành tựu mà IR4 mang lại đã thúc đẩy quá trình đào tạo, giảng dạy và học tập. Nay người viết xin trình bày một số tác động tiêu biểu của IR4 trong hoạt động giáo dục Phật giáo như sau:

Internet đã phát triển toàn cầu cho nên bắt buộc đòi hỏi hoạt động giáo dục bắt buộc cần áp dụng trong công tác giảng dạy, bởi đây là điều không thể thiếu trong hệ thống giáo dục thông minh. Ngày nay với hệ thống kết nối vạn vật IoT, tất cả mọi thiết bị đều được kết nối lẫn nhau, cho nên tất cả những thông tin, dữ liệu, đều được tra cứu và tìm kiếm trên nền tảng này. Với tác động của Internet cho phép giáo viên và Tăng Ni sinh chỉ cần thông qua thiết bị laptop, điện thoại di động, máy tính bảng… đều có thể tự tra cứu tìm hiểu tất cả những thông tin áp dụng trong vấn đề giảng dạy, học tập. Thông qua nền tảng IoT, tất cả những ứng dụng thuận lợi trong việc truyền đạt, trao đổi thông tin, lưu trữ thông tin trực tuyến: Gmail; Email; Zalo; Messenger; Migcrosoft Team; Zoom… những ứng dụng này đã trở thành phương tiện thuận tiện cho việc giao tiếp, trao đổi thông tin, lưu trữ thông tin từ giáo viên đến Tăng Ni sinh một cách nhanh chóng, thuận tiện và gần nhau hơn. Theo thống kê từ vnetwork.vn “Tính đến tháng 01/2021, dân số Việt Nam đạt mốc 97.8 triệu dân, với tỷ lệ dân thành thị là 37.7%. Trong đó, có khoảng 68.17 triệu người đang sử dụng Internet (chiếm 70.3% dân số) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau, với thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút” [4][16], cho thấy tình trạng Internet ở Việt Nam là điều không thể thiếu trong mọi phương diện. Thực trạng việc áp dụng Internet một phần nào đã cải thiện hoàn hảo từ nhà giáo dục với học viên trong khả năng tiếp cận thông tin, hoặc tự tìm hiểu kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên để đạt được mục tiêu trong quá trình nghiên cứu đổi mới phương pháp học.

Song với những lợi ích của IR4 thì, Internet cũng gây ra những ảnh hưởng trong sự trao đổi thông tin giữa giáo viên với Tăng, Ni sinh làm mất đi sự năng động trong việc trao đổi, học hỏi, nghiên cứu. Những nguồn tài liệu mà Internet cập nhật vẫn còn hạn chế, trong đó các nguồn tài liệu vẫn chưa đủ sức tin cậy, bởi có quá nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu từ các học giả hoặc không phải học giả nên sẽ ảnh hưởng đến sự chọn lọc của học viên. Ngược lại việc nghiên cứu của giáo viên, tăng, ni sinh truy cập quá nhiều nên gây ra hiện tượng phụ thuộc vào Internet, vì thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tự nghiên cứu và phát huy năng lực của bản thân, không vận dụng sự suy nghỉ của “chất xám” cứ bám vào Internet để tìm câu trả lời giải đáp thắc mắc cho chính mình.

Trong đó vấn đề đáng lo ngại là Internet chứa đựng những Web đen có thể gây ảnh hưởng đến quá trình tiếp xúc đối với các tăng, ni sinh, việc tiếp xúc quá nhiều sẽ gây ra tình trạng bị đắm nhiễm (nghiện Internet) gây ra sự xao lãng trong vấn đề học tập, theo thống kê ở trên cho thấy số lượng tiếp xúc với Internet càng ngày càng cao so với năm 2020 là 6.2% cho thấy đáng lo ngại trong việc tiếp xúc quá nhiều với Internet. Việc lạm dụng, tiếp xúc quá nhiều sẽ gây ra một số bệnh bởi từ trường điện tử Wifi, ánh sáng xanh hay nguồn điện năng… sẽ gây ra tác động đến sức khỏe, nhận thấy rằng việc sử dụng Internet trong việc giáo dục là cần thiết những nó cũng gây ra quá nhiều tác động đáng lo ngại trong phương thức sử dụng.

Dữ liệu (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép nền giáo dục Phật giáo phát triển. Big data cho phép thu thập dữ liệu, sau đó nhiệm vụ của AI sẽ phân tích dữ liệu và dự đoán dữ liệu và đưa ra phương pháp trong mục đích phát triển giáo dục. Big data và AI đóng một vai trò cốt yếu trong xu thế phát triển đối với IR4, nó vô cùng quan trọng trong giáo dục và đào tạo hiện nay, Big data cho phép lưu trữ hệ thông dữ liệu khổng lồ (danh sách tăng, ni sinh, điểm số, sổ sức khỏe…) sau đó AI sẽ dự đoán, phân tích dữ liệu cung cấp đến giáo dục một cái nhìn tổng quát, toàn diện về mọi mặt, đưa ra kết quả cần thiết cho công tác giảng dạy. Nó cho phép giảng viên giám sát, đo lường và phản hồi về sự hiểu biết của tăng, ni sinh và đưa ra tài liệu cần bổ sung, phân tích, gợi ý sự điều chỉnh cho giáo viên về phương pháp giảng dạy, góp phần cải tiến và phát triển chương trình, phương pháp giảng dạy, cải thiện hiệu suất của giảng viên đáp ứng nhu cầu học tập của tăng, ni sinh phù hợp với từng tầng kiến thức, sắp xếp theo trình độ của người học.

Big data, AI còn cung cấp dữ liệu tổng thể cho các nhà nghiên cứu về tình hình chung của sự phát triển mặt bằng tổng thể xã hội, đánh giá những lĩnh vực đang phát triển kịp thời cập nhật bổ sung vào chương trình đào tạo còn hạn chế, phát huy những lĩnh vực cần thiết cho hệ thống giáo dục Phật giáo hiện nay. Quan trọng hơn nữa nó còn có khả năng cung cấp những dữ liệu lớn nhằm thúc đẩy hệ thống giáo dục, theo kịp tốc độ phát triển của hệ thống thông tin và công nghệ mới, bắt kịp với sự phát triển của văn minh nhân loại.

Hơn hết AI giúp các nhà giáo dục nhận diện cử chỉ của tăng, ni trong việc học, bởi nó có thể biết cử chỉ tăng, ni sinh có hiểu bài hay không, để thay đổi phương pháp trong giảng dạy. Việc tùy chỉnh chương trình học cũng có thể được AI giải quyết, trong hệ thống giáo dục bình thường sử dụng hình thức ra bài tập, bài kiểm tra chấm điểm, thì nay AI có thể kiểm tra trực tiếp ở trên ứng dụng và chấm điểm trực tiếp, điều này cũng đã giải quyết những khắc phục thiếu sót trong học tập. AI cũng cung cấp cho người học nhiều ngôn ngữ khác nhau bằng phương pháp dự đoán hoặc giọng nói qua sự trợ giúp của hệ thống Google dịch; Siri của Apple… để người học có thể đọc và nghe thông qua hệ thống đó. Việc giảng dạy, phiên dịch tài liệu nước ngoài cũng được AI xử lý, những kinh điển, tài liệu, sách… bằng các thứ tiếng khác nhau cũng được phiên dịch một cách thuận tiện không cần phải thông qua người dịch như phương pháp thông thường.

Đáng kể đến là vận dụng Big data và AI đưa đến thành công của việc dịch kinh điển đáng kể đến là dịch thuật tiếng anh trên máy tính, tính từ năm 2006, tổ chức Tuệ Quang Wisdom Light đã cam kết dịch các Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng kinh sang tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi đã phát triển phần mềm máy tính dựa trên phương pháp thay thế từ và một từ điển toàn diện về các thuật ngữ Phật giáo.

Trong công việc dịch thuật, chúng tôi đã biên soạn một từ điển đa ngôn ngữ gồm hơn 40.000 thuật ngữ Phật giáo bằng tiếng Trung, tiếng Phạn, tiếng Việt và tiếng Anh. Công cụ dịch thuật thực hiện bản dịch thô toàn bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng kinh trong vòng chưa đầy 60 giờ”[17], có thể thấy AI đã hoàn thiện trong việc dịch thuật một cách thành công trong công tác phiên dịch kinh điển Phật giáo. Việc vận dụng AI trong việc dạy học có thể giúp giáo viên, tăng, ni sinh dễ dàng hơn trong việc dạy học thông qua sự nghiên cứu, điều này giúp tiết kiệm được thời gian và dễ dàng hơn trong quá trình đánh giá năng lực học viên.

Những thuận lợi mà Big data và AI mang lại đã cải thiện nhiều trong công tác giảng dạy, nhưng nó cũng chứa nhiều điều rủi ro gặp phải, bởi sự giúp đỡ của Big data và AI khiến cho giáo viên, tăng, ni sinh dần dần bị thụ động trong việc nghiên cứu và giảng dạy. Áp dụng quá nhiều từ Big data và AI, nó sẽ làm tổn thương người sử dụng thay vì giúp đỡ, bởi vì Big data và AI là hệ thống thông minh nên nó chứa đựng rất nhiều dữ liệu, bao gồm thông tin cá nhân của tăng, ni sinh, cho nên nó sẽ khá nhạy cảm trong vấn đề quản lý quyền riêng tư, một phần khác chi phí lắp đặt cho hệ thống Big data và AI khá đắt nên khó có thể áp dụng được nó. Mặt khác Big data và AI là một hệ thống vô cùng phức tạp, cho nên đòi hỏi cần có trình độ, kiến thức đối với giáo viên, tăng, ni sinh trong phương pháp sử dụng. Vấn đề về thu thập dữ liệu, theo dõi dữ liệu, phân tích dữ liệu, kết nối với khoa học, tối ưu hóa môi trường giáo dục và giải quyết các vấn đề về quyền riêng tư. Đặc biệt là hệ thống Big data và AI cần thường xuyên, bảo trì, nâng cấp và đạp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật về lưu trữ, xử lý, bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu.

Điện toán đám mây (Cloud computing) những ứng dụng cho phép lưu trữ dữ liệu như: “OneDrive (SkyDrive), Đồng bộ dữ liệu từ Windows lên OneDrive; FreeCommander; Google Photos Lưu trữ ảnh, video không giới hạn, Google Driver lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trực tuyến, iCloud…” những ứng dụng này cho phép lưu trữ tài liệu học, nghiên cứu được lưu trữ một cách thuận tiện nhất, tích hợp trong công việc giáo dục. Những ứng dụng này cho phép người dùng số lượng dữ liệu nhất định trong việc lưu trữ, cho phép sử dụng miễn phí và thuận tiện cho tăng, ni sinh và người dùng.

Kế đến là những thiết bị, trong công tác giáo dục bao gồm thiết bị dạy học, thiết bị an ninh, thiết bị chăm sóc sức khỏe, thiết bị bảo vệ môi trường và tái tạo năng lượng.

Thiết bị dạy học: Đây là những thiết bị nhằm cung cấp các thiết bị thông minh trong mô hình phòng học thông minh, ngoài bàn ghế bục giảng bình thường, thì nay được thay thế theo mô hình thiết kế phòng học thông minh cần được trang bị những công nghệ như: Máy chiếu, máy tính, camera vật thể, hệ thống âm thanh, phần mềm dạy học, phần mềm kiểm tra tự động… trong việc giảng dạy.

Ví dụ: Bục giảng thông minh là một mô hình được thiết kế đa phương tiện bao gồm máy tính bằng cảm ứng, được điều khiển bằng giọng nói, đa nhiệm, được điều chỉnh theo nhu cầu của giáo viên, bàn học thông minh giành cho tăng, ni sinh đươc gắn kết thông qua máy chủ của giáo viên, nó sẽ tự động phân tích những gì giáo viên giảng dạy và đưa ra phương pháp nghiên cứu cho tăng, ni sinh. Nhưng những thiết bị này đòi hỏi với chi phí lắp đặt cao, đòi hỏi cần phải có kỹ năng sử dụng, cần được bảo trì và kiểm tra định kỳ tránh ảnh hưởng trong công tác giảng dạy.

Thiết bị an ninh: Số lượng tăng, ni sinh ngày càng đông nên công tác quản lý tăng, ni sinh sẽ khó khăn hơn, cho nên với các thiết bị như camera an ninh, máy quét vân tay, nhân diện khuôn mặt… sẽ giải quyết vấn đề đó. Những thiết bị này cho phép truyền dữ liệu thông tin về máy chủ, người quản lý có thể dễ dàng theo dõi tình hình lớp học thông qua camera, máy quét vân tay, nhân diện khuôn mặt giúp cho việc quản lý số lượng tăng, ni sinh một cách nhanh chóng, thay vì hình thức điểm danh bằng miệng như thường. Tuy nhiên, hệ thống camera dày đặc có thể mang lại sự khó chịu cho người học vì họ cảm thấy bị theo dõi, gò bó trong quá trình học tập và đi lại trong môi trường quảng lý gắt gao.

Thiết bị chăm sóc sức khỏe: Trong các trường học Phật giáo hiện nay, tăng ni sinh đang được học nội trú, cho việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho tăng, ni sinh cũng được quan tâm. Với những thiết bị theo dõi sức khỏe cũng được trang bị, những thiết bị như: Máy phân tích chỉ số cơ thể; Máy đo huyết áp điện tâm đồ; Máy theo giỏi sức khỏe thông qua thiết bị đeo thông minh; Máy cảm biến đo nhiệt độ cơ thể; Máy tạo oxi… và các thiết bị dùng trong sơ cứu, cấp cứu.

Trong tình trạng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, sống chung với đại dịch COVID thì việc sử dụng các thiết bị y tế trong trường học là điều không thể thiếu, cho nên các trường học cần được trang bị trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho tăng, ni sinh.

Thiết bị môi trường, tái tạo năng lượng: Hiện nay đối với Học viện Phật giáo ở Việt Nam là một cơ sở đào tạo có lượng tăng, ni khá lớn, mỗi cơ sở lên đến vài trăm cho đến nghìn tăng ni, cho nên vấn đề nước sạch, điện, không khí… là vấn đề phải được giải quyết. Những thiết bị trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng cần được áp dụng như máy lọc nước thông minh. Nó có thể phân tích hàm lượng các chất có trong nước đưa ra chỉ số báo động nhằm điều chỉnh phù hợp, trong quá trình sử dụng cung cấp cho người dùng, điện mặt trời nhằm giảm thiểu sử dụng điện từ các thủy điện, hay máy lọc không khí giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường trong trường học và giảm ảnh hưởng đến không khí.

Bên cạnh một số tác động tích cực mà IR4 mang lại, cho thấy những bước tiến của khoa học công nghệ nhằm cải thiện một đời sống xã hội, hướng đến một nền giáo dục thông minh nhằm phát triển về mặt trí tuệ, toàn diện về lối sống. Việc áp dụng các công nghệ của IR4, đối với các cơ sở giáo dục Phật giáo đã áp dụng tốt trong việc tích hợp các công nghệ và quản lý các quy trình học tập trong hệ thống giáo dục, cho phép quản lý tốt hơn và đưa các lộ trình học tập khác nhau trong môi trường đào tạo, tối ưu hoá các quy trình học tập. Hơn nữa sự phong phú của khoa học công nghệ hiện tại sẽ đưa nền giáo dục Phật giáo mang một hình thái mới, chứng minh rõ nền giáo dục Phật giáo là một nền giáo dục vượt thời đại.

KẾT LUẬN

Thông qua thực trạng tác động của IR4 đối với giáo dục Phật giáo hiện nay nhận thấy rằng, cuộc cách mạng này là sự phát triển vượt bậc, một tiến bộ lớn của nền văn minh nhân loại, nó đã đưa đến những thành tựu cũng như hạn chế đáng kể đối Phật giáo. Nhưng không vì lẽ đó, mà Phật giáo sợ hãi trước thời đại mà cần phải thể hiện hết sức mình, với vai trò và trách nhiệm trong sự nghiệp đóng góp xây dựng nền văn hóa cho quốc gia, dân tộc hướng đến một lối sống đạo đức xây dựng niềm tin hướng đến “Chân, Thiện, Mỹ” hoàn thiện con người với đời sống có ý thức, trong khuôn khổ của pháp luật thể hiện đúng với phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của quốc gia, dân tộc. Phật giáo phải luôn đóng vai trò tiên phong trong các cuộc cách mạng hướng đến một quốc gia, dân tộc phát triển thịnh vượng, luôn cập nhật, phát huy, tận dụng rất tốt trong quá trình nhập thế, thừa hưởng được những thành của IR4 trong các lĩnh không chỉ là giáo dục mà còn hơn thế nữa nhằm hoàn thiện hơn trong quá trình hội nhập và phát triển.

Tác giả: Thích Đức Thành Học viên Thạc sĩ Tôn giáo học K27, Học viện Chính trị Quốc gia Tp.HCM

***

Chú thích: [1] Cách mạng công nghiệp 4.0. [2] Schumacher, A.; Erol, S.; Sihn, W. A Maturity Model for Assessing Industry 4.0 Readiness and Maturity of Manufacturing Enterprises. Procedia CIRP 2016, 52, 161–166. [3] P: Sutta – Pitaka, Vinaya – Pitaka, Abhidhamma – Pitaka. [4] “Giải thoát” P: mukti or vimuti, skt: Moksha, Phàm tất cả cảm thọ ảnh hưởng sự khổ vui thân tâm đều được giải tỏa, mà đạt đến chổ sinh tử tự do, chẳng bị thời gian không hạn chế mới là chân giải thoát. [5] “Trí tuệ” skt: Jnana and prajna, là sự hiểu biết về vạn hữu và thực chứng chân lý. [6] Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc. [7] Thích Nhật Từ (2019) “giáo dục Phật giáo, bản chất, phương pháp, giá trị”. NXB Hồng Đức. Tr, 223. [8] Thích Minh Thiện, (2019), “Đức Phật và vấn đề giáo dục”. Nguồn: http://thuvienhoasen.org. [9] P: “Metta – Karuna”. [10] Skt: “Vyavasaraga - Rata” [11] P: “Anatta” [12] P: Parahita [13] P: “Dhatu, Ditthi, Angasama” [14] Thích Nhật Từ (2019) “giáo dục Phật giáo, bản chất, phương pháp, giá trị”. NXB Hồng Đức. Tr, 223. [15]https://www.researchgate.net/publication/360071754_Is_Education_40_a_Sufficient_Innovative_and_Disruptive_Educational_Trend_to_Promote_Sustainable_Open_Education_for_Higher_Education_Institutions_A_Review_of_Literature_Trend. [16] https://www.vnetwork.vn/vi/news/thongketinhhinhinternetvietnamnam2021. [17] Thích Nhật Từ - Thích Đức Thiện (2019) “Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0” NXB Hồng Đức. Tr, 144. Từ Ngữ Viết Tắt XX: Thế kỷ 20 HVPG: Học viện Phật giáo TP: Thành phố P: Pali Skt: Sanskrit Tài Liệu Tham Khảo 1. Thích Minh Châu (2005) “Đức Phật Nhà đại giáo dục” NXB tôn giáo. Tr, 5. 2. Thích Minh Thiện, (2019), “Đức Phật và vấn đề giáo dục”. Nguồn: http://thuvienhoasen.org. 3. Thích Nhật Từ (2019) “giáo dục Phật giáo, bản chất, phương pháp, giá trị”. NXB Hồng Đức. Tr, 223. 4. https://www.vnetwork.vn/vi/news/thongketinhhinhinternetvietnamnam2021. 5. Schumacher, A.; Erol, S.; Sihn, W. A Maturity Model for Assessing Industry 4.0 Readiness and Maturity of Manufacturing Enterprises. Procedia CIRP 2016, 52, 161–166. 6. https://www.researchgate.net/publication/360071754_Is_Education_40_a_Sufficient_Innovative_and_Disruptive_Educational_Trend_to_Promote_Sustainable_Open_Education_for_Higher_Education_Institutions_A_Review_of_Literature_Trends.