Tác giả: Tỳ khưu Sanghasena Việt dịch: Thích Vân Phong Nguồn: Buddhistdoor Global
Khi giác hạnh đã viên mãn, thọ mệnh đức Phật tuổi đã bát tuần (80 tuổi). Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng đã thuận theo định luật vô thường mà lão hóa. Năm ấy Ngài ở tại rừng cây Sala tại Kushinagar (Kusinara, Câu-thi-na), nơi đức Phật nhập diệt. Trước khi rời bỏ xác thân tứ đại giả hợp, Ngài gọi tôn giả A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh đến và phán rằng:
- “A Nan! Ðạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay ta đã có đủ bốn hạng đệ tử: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay ta tiếp tục lan tỏa ánh đạo nhiệm mầu từ bi, trí tuệ, hùng lực, tự do, bình đẳng và đạo ta cũng đã truyền bá khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các ngươi mà ra đi. Thân hình ta, theo luật vô thường, bây giờ như một cỗ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở pháp, nay xe đã vừa mòn mà pháp cũng đã lan khắp nơi, vậy ta còn luyến tiếc làm gì cái thân tiều tụy này nữa? A Nan! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết bàn” . . .
- "Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của Ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của Ta mà tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!..".
- "Này! Các người đừng vì dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Chỉ có chân lý cuả đạo Ta là bất di, bất dịch. Hãy tinh tiến lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của Ta!".
Đức Phật (đối với các Phật giáo đồ) hoặc đức Chúa (đối với các tín đồ Kitô giáo). . . đức Phật/đức Chúa đều không trụ ở một nơi (vô sở trụ, 無 所 住) hay một phương hướng cụ thể nào. Đừng nhọc sức đó đây khắp nơi tìm kiếm hoặc một nơi nào đó. Các Ngài luôn hiện hữu trong tâm của bạn! Đừng khổ công tìm kiếm đức Phật/đức Chúa bên ngoài. Đức Phật/đức Chúa luôn hiện hữu trong tâm các bạn.
Đức Phật dạy: “Chư Phật không thể làm cho các bạn giác ngộ thành Phật, chư Phật chỉ là vị Đại Đạo sư đưa đường dẫn lối hướng đến sự giác ngộ giải thoát. Bản thân các bạn phải tự mình theo lời hướng dẫn của chư Phật mà tự tu tập và chứng nghiệm đạo Niết bàn”. Đạo Phật nổi tiếng với lời nói “Mời bạn đến và thấy” (Ehipassiko), thanh thản hồn nhiên đi vào thế giới trí thức bởi tính chất trí tuệ nhân bản của nó.
Đức Phật tuyên bố đạo của Ngài là chân lý khách quan, do Ngài phát hiện và tuyên thuyết, được người có trí (pandito) tự mình chứng hiểu. Ai cũng có khả năng thấu đạt chân lý, vì chân lý có mặt trong mỗi người.
Sự giác ngộ không phải là thứ có thể cho được; nó không thể chuyển giao, nó không thể chia sẻ được, nó không thể trao truyền, thậm chí nó không thể truyền đạt được bởi vì không cần phải chuyển sự giác ngộ từ người này sang người khác. Sự giác ngộ là do mỗi chúng ta tự chứng nghiệm lấy.
Một vị thiền sư chứng ngộ đã từng nói:
“Tất cả mọi người đều có thể thành một vị Phật, người đã hoàn toàn loại trừ tất cả các khiếm khuyết, sửa sai mọi thiếu sót và chứng ngộ mọi tiềm năng. Nó giống như nước và băng; ngoài nước, không có băng; ngoài chúng sinh, không có chư Phật! Chẳng biết nó gần, ta tìm nó xa! Thật là một sự ồn ào! Như con cá trong đại dương kêu than khát nước, không biết chung quanh là nước mênh mông vô tận!”
Tìm kiếm Chân lý hay Giác ngộ bên ngoài chính mình, thì chẳng khác nào như người người nấu cát, đá mà muốn nó thành cơm.
Có một lần, Ngài Guru Nanak (1469-1539), người sáng lập và là guru đầu tiên của đạo Sikh đến Thánh địa Makkah al-Mukarramah (Mecca), thành phố cổ Mecca là thủ đô tinh thần của thế giới Hồi giáo. Ngài ấy cảm thấy mệt mỏi, vì thế Ngài nằm xuống để nghỉ ngơi. Trong khi Ngài ấy đang nằm nghỉ ngơi, đôi chân của Ngài đã duỗi thẳng về phía ngôi Đền linh thiêng nhất ở thành phố cổ Mecca. Vị Linh mục/người quản lý đều hành Tòa thánh nhận thấy có người đang nằm và duỗi chân về phía Thánh đường, nơi mà đối với ông ta là “Cung điện của đức Chúa Trời, nơi đức Chúa Trời ngự.”. Ông ấy cảm thấy điều này vô cùng bất kính với đức Chúa, một sự xúc phạm đến đức Chúa Trời, và ông ta đến làm lay động cho Ngài Guru Nanak thức giấc, và quát lớn tiếng rằng: “Đồ vô tri, đồ vô liêm sỉ! Sao ngươi dám nằm duỗi chân về phía nơi ngự của đức Chúa Trời! Ông không có một chút đức tin hay sự kính trọng nào đối với đức Chúa Trời sao?”.
Ngài Guru Nanak thanh thản đứng dậy và từ tốn nói: “Tôi thành thật xin lỗi nếu tôi đã làm tổn thương cảm xúc của bạn. Tôi không hề có ý định tỏ ra bất kỳ sự tôn trọng nào với đức Chúa Trời, bạn ạ, nhưng tôi có thể làm gì? Tôi được sinh ra với hai chân này, tôi phải xoay xở để giữ đôi chân này bên mình cho đến chết; Bạn có thể vui lòng chỉ cho tôi một hướng mà không có sự hiện diện của đức Chúa Trời không, sau đó tôi sẽ ngay lập tức xoay đôi chân của mình để chỉ về hướng đó.”.
Đức Phật/đức Chúa/chân lý/giác ngộ được tìm thấy ngay trước mặt ví như lỗ mũi trên mặt của mỗi người, nơi bạn đang ở, ngay bây giờ! Không hề có khoảng cách giữa bạn và đức Phật/đức Chúa/chân lý/giác ngộ. Tất cả đều hiện diện bên trong bạn. Tuy nhiên, ngay cả khi nói rằng chúng “ở bên trong bạn” cũng không hoàn toàn đúng, vì chúng là bạn; bạn là chúng! Khác biệt duy nhất là bạn vẫn chưa nhận biết về chúng; bạn vẫn chưa ý thức về chúng.
Chả cần tìm kiếm chân lý tại các cơ sở thờ tự, đền chùa, miếu mạo, thánh địa, thánh thư, từ ngữ, danh xưng, học thuyết hay triết lý! Chả cần tìm kiếm thiên đàng/niết bàn bên ngoài chính bạn! Những gì chúng ta đang tìm kiếm được một cách tuyệt vọng đều không tìm thấy bên ngoài chúng ta; chúng không tách rời chúng ta; không có khoảng cách giữa chúng ta và chân lý mà chúng ta đang tìm kiếm. Rõ ràng nó bên trong nội tại; nó ngay đây và bây giờ.
Trớ trêu thay: Nó ngay đây mà chúng ta lại tìm đâu nữa! Nó hiện hữu thực tại mà chúng ta lại hướng ngoại tìm cầu! Đây là lý do tại sao phần lớn những người tìm kiếm đã bỏ lỡ nó hết lần này đến lần khác!
Tôi đã nghe nói rằng một người nào đó đã từng đánh mất chìa khóa của mình, và đã khá lâu để cố tìm kiếm nó trong vườn của mình. Người hàng xóm của anh ấy để ý thấy bạn của anh ấy tìm kiếm thứ gì đó nên đã đến và hỏi anh ấy: “Có vẻ bạn đang tìm kiếm thứ gì đó phải không?”. Người bạn trả lời: “Vâng, hàng xóm ơi, tôi đang tìm chìa khóa bị mất”. Người hàng xóm nói: “Ồ! Tôi hiểu rồi. Tôi có thể tham gia cùng bạn trong cuộc tìm kiếm của bạn không?”, “Ồ, làm ơn đi. Tôi sẽ đánh giá rất cao sự giúp đỡ!” người hàng xóm đáp. Cả hai đã tìm kiếm khá lâu, nhưng vô ích. Cuối cùng, người bạn của anh hỏi người hàng xóm: “Anh có nhớ chính xác mình đánh mất chìa khá ở đâu không?” Anh ấy trả lời: “Vâng ạ!, tôi nhớ rõ rồi, tôi làm mất chìa khóa trong phòng!”. Người bạn của anh ấy, ngạc nhiên, sau đó hỏi: “Nếu anh nhớ rõ rằng anh đã đánh mất chìa khóa trong nhà, thì anh đang tìm nó trong vườn làm cái quái gì vậy?” Người hàng xóm trả lời, một cách cam chịu: “Làm gì đây bạn? Trong nhà tối đen không có đèn nên tôi không nhìn thấy, tỏng khi ngoài vườn có đủ ánh sáng, tôi có thể nhìn ở đây nên tôi đang tìm kiếm ở đây?”.
Thật là một điều dại dột!
Nếu bạn bị mất chìa khóa trong nhà, làm sao bạn có thể hy vọng tìm thấy nó bên ngoài? Cho dù bên ngoài nhà có sáng sủa đến mấy, bạn cũng không thể tìm thấy chìa khóa ở đấy. Bạn phải suy nghĩ và làm điều gì đó để thắp ánh sáng trong nhà để có thể tìm thấy chìa khóa bị mất.
Phần lớn những người “tìm kiếm” tâm linh cũng mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn tương tự. Họ cứ tiếp tục đó đây khắp nơi để tìm kiếm đức Phật/đức Chúa/chân lý, giác ngộ bên ngoài họ. Họ tiếp tục vân du khắp đó đây hành hương; tiếp tục đi đến cơ sở thờ tự các tôn giáo Hồi giáo, Do Thái giáo; tiếp tục tham gian các buổi cầu nguyện, các nghi lễ tôn giáo khác; tiếp tục tham gia các buổi giảng thuyết; tụng đọc kinh, thánh điển; tiếp tục cúng dường hương, hoa, nến, trà, quả, trái cây, nước trái cây và các loại thực phẩm,... Thật ngu ngốc!
Có một câu chuyện khác về một vị thiền sư chứng ngộ:
Một lần, một vị thiền sư chứng ngộ là khách nghỉ trọ tại một tu viện Phật giáo quy mô và nổi tiếng ở Nhật Bản. Lúc bấy giờ vào mùa đông lạnh rét buốt. Trong tu viện có nhiều tượng Phật bằng gỗ. Một buổi sáng sớm tinh sương, vị thiền sư thức dậy và cảm giác rất lạnh, bởi lúc đó tu viện không có hệ thống sưởi thích hợp, nên Ngài đã mang một trong những pho tượng Phật bằng gỗ từ điện thờ xuống và bật lửa đốt trong lò sưởi để sưởi ấm.
Khi các vị sư của tu viện đến gặp vị khách tăng này, họ hoàn toàn bị sốc khi thấy một trong những pho tượng Phật bằng gỗ bị vị khách tăng đốt cháy. Các vị sư trong tu viện kinh hãi hỏi: “Sư phụ đã làm gì thế? Đốt pho tượng Phật là một nghiệp xấu nghiêm trọng như thế! Điều này hoàn toàn bất ngời từ một bậc thầy vĩ đại như Ngài!”
Vị thiền sư cầm một cây gậy và bắt đầu đào xới trong ngọn lửa than hồng như thể đang tìm kiếm một thứ gì đó. Các vị sư trong tu viện tiếp tục hỏi: “Sư phụ; Ngài đang tìm kiếm gì trong ngọn lửa than hồng và đóng tro tàn thế?”
Thiền sư đáp: “Ta tìm xá lợi Phật”.
Các vị sư trong tu viện hoảng hốt hỏi: “Sư phụ, làm sao có thể tìm thấy xá lợi Phật trong đóng tro tàn của một pho tượng Phật bằng gỗ? Đây là pho tượng làm bằng gỗ, không phải là Phật, nó được làm bằng gỗ!”
“Ồ! Là vậy hả?” Thiền sư trả lời, với một nụ cười gượng. “Nếu là như thế, sáng ngày mai trời lạnh thấu xương như thế, ta cảm giác rất lạnh, có thể tiếp tục lấy thêm một pho tượng Phật bằng gỗ đốt sưởi cho ấm nhé?”
Tượng, ảnh Phật tôn thờ là biểu tượng để nhắc nhở chúng ta về đức Phật hiện thực; vị Phật vô tướng đang thường trú trong mỗi chúng ta. Thế mà chúng ta cứ bám víu vào những vị Phật vật chất do những người chưa giác ngộ tạo ra, như thế họ là những vị Phật thực sự, do đó đánh mất vị Phật hiện thực đang thường trú trong mỗi chúng ta!
Ý của tôi không có cho rằng việc đi đến những nơi linh thiêng, thực hiện nghi lễ tôn giáo, và đọc thánh thư là những hoạt động sai trái hoặc không lành mạnh. Mọi thứ chúng ta làm với tư cách là một thực hành tâm linh đều có vị trí và giá trị của nó, giá trị và lợi ích đặc biệt của nó, như một phương tiện thiện xảo để đạt được mục đích đã định. Trên thực tế, nếu hoạt động tâm linh nói trên thực sự khuyến khích người tìm kiếm tha thiết hướng sự tập trung chú ý vào nội tâm, nhìn vào nội tâm chính họ, để khám phá ra những gì mầu nhiệm ở nội tâm, thì chúng hoàn toàn phù hợp và có lợi ích.
Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ đắm chìm trong những nghi lễ và nghi lễ bên ngoài, trong những nghi lễ tôn giáo, hoặc chỉ tập trung chú ý vào việc thu thập thêm kiến thức trí tuệ, thì chúng ta chẳng hơn gì những kẻ đi tìm chìa khóa ngoài vườn chứ không phải tìm chìa khóa trong nhà! Chắc chắc chúng tôi sẽ lãng phí thời gian quý báu của mình và chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ tìm thấy chiếc chìa khóa hay Chân lý bị mất tích! Thật không may, đây là điều đang xảy ra với hầu hết mọi mọi người, tất cả “những người tìm kiếm”, cái gọi là và thường được coi là “tôn giáo”.Có một câu chuyện khác mà tôi muốn chia sẻ với bạn, câu chuyện này có thể hữu ích trong việc giúp người đọc hiểu dễ dàng hơn những gì tôi đang nỗ lực hết sức truyền đạt ở đây. Mặc dù thế, hãy để tôi nói rõ trước khi bắt đầu rằng câu chuyện này không phải là câu chuyện đạo Phật. Đây là một câu chuyện hiện đại!
Quan niệm về “Thượng Đế” của đạo Phật hoàn toàn khác với quan niệm của đa số tôn giáo khác, nơi mà người ta có thể tin rằng Ngài là “Đấng Sáng tạo Tối thượng” của thế giới này. Tuy nhiên, dù là phật tử hay không, tôi rất thích câu chuyện này, và bất cứ điều gì tôi yêu thích, tôi cũng muốn chia sẻ với người khác. Xin đừng suy nghĩ quá nhiều về câu chuyện này có thật hay chỉ là chuyện ngụ ngôn, mà hãy tư duy về thông điệp tiềm năng của nó, bởi mỗi câu chuyện đều chứa đựng một số thông điệp; luôn có điều gì đó để học hỏi từ mỗi câu chuyện – dù câu chuyện đó có thật hay chỉ là chuyện ngụ ngôn. Hãy trích xuất thông điệp, ý nghĩa cốt lõi của câu chuyện và bỏ qua phương diện huyền ảo hơn của nó.
Trước khi con người được tạo ra, thế giới là một nơi tươi đẹp hoàn hảo hơn nhiều. Không có ô nhiễm không khí, nước hoặc trái đất. Không có tiêu cực, tham nhũng hay bạo lực nhằm vào chúng sinh hoặc ngỗ nghịch với mẹ thiên nhiên và phủ nhận sự giúp đỡ của mẹ thiên nhiên luôn giúp đỡ, che chở môi trường xung quanh.
Mọi thứ đều hoàn hảo. Vẻ đẹp và sự thuần khiết của thế giới nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người: vẻ nguy nga tráng lệ của Mặt trời, với cảnh tượng bình minh tỏa rạng và hoàng hôn thường nhật của nó; màu sắc và hương thơm lạ thường của những các loài hoa đang nở rộ; sự hùng vĩ của những ngọn núi và thung lũng; nước lấp lánh của các sông, suối và hồ; sự chuyển động lung linh và nhịp nhàng của biển và đại dương, vẻ đẹp rực rỡ của cây cối và những cánh rừng bạt ngàn; những vì tinh tú ban đêm lấp lánh và sự tỏa sáng lung linh rạng ngời của Mặt trăng – mọi thứ đều tuyệt đối yên bình và hài hòa. Ồ! Đây thực sự là Vườn Địa đàng (Eden), hay cõi Cực lạc hoàn hảo!
Một ngày nọ, Thượng Đế tự nghĩ: “Thế giới này thật tươi đẹp, với bầu trời bao la, trong xanh, được tô điểm bởi những áng mây trắng bay bãng lãng lấp lánh như ngọc trai; những đại dương sâu thẳm lung linh; những rừng thảo mộc hùng vĩ và những loài hoa sặc sỡ nhất; cảnh tượng bình minh ló dạng và hoàng hôn buông xuống; những vì tinh tú lấp lánh trên bầu trời và ánh sáng vằng vật tỏa rạng của mặt trăng; những dòng sông êm đềm chảy không ngừng và những ngọn núi hùng vĩ; sự đa dạng và hứa hẹn của các mùa thay đổi, mùa hè và mùa đông, mùa thu và mùa xuân, sự đa dạng của các loài chim muông, các loài bướm, côn trùng và các sinh vật sống khác. Nhưng Ngài lại nghĩ thêm, vẫn còn thiếu một cái gì đó!” Và để đáp lại, Thượng Đế đã quyết định tạo ra một số người, để họ có thể đánh giá cao và tận hưởng vẻ đẹp của thế giới.
Vì vậy, Thượng Đế đã tạo ra loài người và chỉ dẫn họ như sau: “Hỡi loài người thân yêu của Ta, thế giới này thật tươi đẹp, và vì không có ai ngoài Ta để đánh giá và tận hưởng trọn vẹn thiên đường sống động này, nên Ta đã tạo ra các ngươi để các ngươi được sống trong tình yêu thương, hòa bình, hạnh phúc, hòa hợp và tình bạn, do đó thưởng thức những thú vui đa dạng của thế giới tuyệt vời nhất này. Sau đó, hãy đi và tận hưởng tất cả những gì thế giới này mang lại cho bạn, ca hát, nhảy múa bằng niềm vui tuyệt đối của tất cả các giác quan mà bạn có thể chiêm ngưỡng – hiện thực ‘Thiên đường trên Trái đất’ này”.
Ngay sáng hôm sau, có tiếng gõ cửa cung điện của Thượng Đế. Và chưa bao giờ trải nghiệm bất cứ điều gì như thế trước khi Thượng Đế tự hỏi: “Ai đó! Ai đang đến và gõ cửa cung điện của Ta vào sáng sớm vậy? Ai đấy, đến đây vì lý do gì?”
Với tâm trí rất tò mò, Thượng Đế đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, đi đến cửa cung điện và mở cửa ra. Trước sự ngạc nhiên của Ngài, và được chào đón khi nhìn thấy chính một số người mà Ngài đã tạo ra ngày hôm trước đang đứng trước mặt Ngài, cãi nhau và tranh cãi với nhau.
Thượng Đế đã bị sốc và mất tinh thần sâu sắc trước những gì chào đón Ngài, và Ngài nói: “Tất cả sự bất hòa và hiềm khích này là để làm gì? Thậm chí nó còn chưa được một ngày kể từ khi tôi tạo ra các ngươi. Làm thế nào các người có thể tìm thấy và gây quá nhiều bất đồng và không hài lòng trong một thời gian ngắn như thế và trên một thiên đường như thế? Chẳng phải Ta đã hướng dẫn các ngươi sống trong hòa bình, hòa hợp và tình bạn, cùng tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên sao? Bây giờ các ngươi hãy đi về và làm như Ta đã chỉ dẫn!”
Con người nói: “Tâu vâng thưa Thượng Đế,” và sau đó rời khỏi cung điện của Thượng Đế.
Ngay sáng hôm sau, một lần nữa, nhưng sớm hơn một chút, lại có tiếng gõ cửa cung điện của Thượng Đế, lần này to tiếng hơn và dai dẳng hơn.
Thượng Đế nghĩ, hôm nay có thể là ai thế, và họ đến gõ cửa cung điện mình với mục đích gì? Với tâm tò mò, Ngài đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, đi đến mở cửa cung điện ra. Ngài vô cùng ngạc nhiên, trước mặt Ngài cũng chính là một số người mà Ngài đã tạo ra chỉ hai ngày trước, quay trở lại một lần nữa, nhưng tham gia vào những cuộc tranh cãi nẩy lửa và càng gay gắt hơn.
Thượng Đế đã bị sốc, mất tinh thần và tức giận trước cảnh tượng trước mắt, và Ngài lại hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra với các ngươi thế? Chưa đến hai ngày kể từ khi các người bước vào thiên đường mà một mình tôi đã thiết kế và tạo ra để các ngươi đánh giá cao và tận hưởng. Có gì phàn nàn nào? Tại sao các ngươi lại gây gổ và cãi vã với nhau? Chẳng phải Ta đã nói với các ngươi rằng Ta đã tạo ra các ngươi để các ngươi có thể tham gia vào tất cả những điều kỳ diệu đa dạng của thế giới này sao? Có quá nhiều thứ thú vị để các giác quan của các ngươi chiêm ngưỡng và thỏa mãn sự yêu thích. Tại sao các ngươi dám phàn nàn, cãi vã và đánh nhau hả!”
Một lần nữa, Thượng Đế khuyến khích họ đừng phàn nàn, cãi vã hay tranh đấu với nhau. Và để đáp lại, họ đồng ý và rời đi một lần nữa.
Tiếp đến ngày thứ ba, lại tiếp tục có tiếng gõ cửa cung điện của Thượng Đế. Lần này thì sớm hơn nhiều và khăng khăng hơn nhiều. Ban đầu Thượng Đế bối rối, nghĩ rằng bây giờ đây có thể là ai? Tuy nhiên, trước khi mở cửa cung điện, Ngài đã nhận ra không ai khác đó chính là một số ít người vô nghĩa và tự hủy hoại bản thân mà Ngài đã tạo ra ba ngày trước đó.
Lần đầu tiên Ngài tự nhủ: Ôi! Công nhận rằng Thượng Đế có thể đã phạm một tội sai lầm nghiêm trọng khi tạo ra những con người “phiền toái” này.
Thượng Đế hoàn toàn không tin rằng họ có thể, hoặc thậm chí sẽ chú ý đến những chỉ dẫn được lặp đi lặp lại nhiều lần của Thượng Đế giáo huấn để sống trong hòa bình, hài hòa và tình bạn, để cùng chung sống bên nhau trong hòa bình. Ngài cảm thấy gần như cam chịu khi ngày càng biết rõ rằng, họ sẽ không làm gì khác ngoài phàn nàn, cãi vã và đánh nhau, mang thêm rắc rối và bất mãn và tiếp tục đến gõ cửa cung điện của Thượng Đế.
Thượng Đế tự ngẫm nghĩ thêm: “Ta có thể làm gì bây giờ? Ta là đấng Sáng tạo ra bọn chúng, bây giờ không thể tiêu diệt chúng nó”.
Trong cơn tuyệt vọng ngày thêm sâu đậm, Thượng Đế triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, gồm cả các Bộ trưởng đáng tin cậy của Ngài và nói với họ: “Hỡi các Bộ trưởng thân mến, Ta đang gặp rắc rối nghiêm trọng và Ta cần lời khuyên khôn ngoan của các ông”.
Các Bộ trưởng trả lời: “Kính lạy Thượng Đế, xin đừng nói đùa như thế. Nghe có vẻ không hay khi, Đức Chúa Trời, Thượng Đế, Đấng Sáng Tạo Hóa Vũ Trụ, đang phải đối mặt với những rắc rối nghiêm trọng như vậy.”.
Thượng Đế khăng khăng với nghiêm giọng: “Ồ không, không, Ta không nói đùa đâu nhé! Ta đang gặp rắc rối nghiêm trọng và Ta cần sự giúp đỡ của các ông đấy!” Các Bộ trưởng trả lời: “Thưa Ngài, chúng tôi không hiểu, kính xin Ngài cho biết ý của Ngài. Làm sao Thượng Đế, Đức Chúa Trời toàn năng có thể gặp rắc rối được? Xin hãy nói cho chúng tôi biết, chúng tôi không hiểu ý Ngài ạ!”
Sau đó, Thượng Đế giải thích tình trạng khó khăn nặng nề của mình, thuật lại toàn bộ câu chuyện cho các Bộ trưởng của mình: cách mà Ngài đã tạo ra con người với những mong muốn kỳ vọng cao như thế đối với họ, và những sự kiện đáng buồn trong ba ngày trước đó. Thượng Đế nói: “Ta đã phạm phải một sai lầm nghiệm trọng khi Ta đã tạo ra những người này. Họ đã không lắng nghe những hướng dẫn được lặp đi lặp lại của Ta. Họ đã quay lưng lại với cuộc sống hòa bình, và tình bạn, họ cũng không cho phép Ta sống trong hòa bình và hòa hợp. Ta là người tạo ra chúng, bây giờ Ta không thể tiêu diệt chúng. Vì thế, Ta cần lời khuyên của tất cả các ông về nơi Ta đi và trốn khỏi họ, để Ta có thể tìm thấy sự bình yên mà Ta hằng mong ước.”
Một vị Mục sư đứng lên và nói: “Kính thưa đức Chúa Trời, một nơi thiên đàng tuyệt hảo như thế rất khó tìm; tại sao Ngài không di chuyển lên đỉnh núi Everst? Nơi đó tất cao, rất lạnh, có nhiều băng tuyết, ở đó không có dưỡng khí. Đây là nơi trú ẩn an toàn nhất cho Ngài, Con người không bao giờ có thể lên trên đấy được!”.
Đức Chúa Trời suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Không, không, đây không phải là một nơi an toàn, Tenzing và Hillary này sẽ đến đó rất nhanh thôi.”
Một Mục sư khác đứng lên và nói: “Kính lạy đức Chúa Trời; tại sao Ngài không di chuyển đến nơi sâu nhất của đại dương? Con người không thể lặn sâu dưới đại dương, họ cần không khí.”
Thượng đế suy nghĩ lại một lúc rồi trả lời: “Không, không, ngay cả nơi sâu nhất cả đại dương cũng không phải là nơi an toàn. Ta có thể thấy những con người này chẳng bao lâu nữa sẽ cho thứ gì đó vào miệng và mang trên lưng thứ gì đó có thể giúp họ mang những rắc rối và xung đột của mình đến cả những nơi sâu nhất của đại dương. Đây không phải là nơi trú ẩn an toàn mà Ta tìm kiếm.”
Một Bộ trưởng khác đứng dậy và nói: “Đức Chúa Trời ơi!, tại sao Ngài không di chuyển lên mặt trăng? Làm thế nào con người có thể hy vọng đến đấy? Con người không thể đến đó được”
Thượng Đế lại suy nghĩ một lúc, rồi trả lời: “Không, không, đây cũng không phải là một nơi an toàn. Người Mỹ này sẽ sớm đến được đấy.”
Bấy giờ, khi ba lời đề nghị này, được các vị Bộ trưởng đưa ra với tất cả sự chân thành và với sự quan tâm và chăm sóc dịu dàng như thế, đã bị đức Chúa Trời từ chối, thì vị Mục sư cuối cùng và lớn tuổi nhất, với bộ râu dài và trắng bạc phơ, đứng dậy và thì thầm vào tai của đức Chúa Trời: “Lạy Ngài, sao Ngài không ẩn náu trong tâm thức của những người này? Chắc chắn họ sẽ tìm kiếm Ngài ở khắp nơi khác, ở mọi nơi khác trên thế giới, ở mọi nơi khác trong vũ trụ, xuyên qua toàn bộ dãy Hymalaya, ở nơi sâu nhất của đại dương, trong những khu rừng rậm sâu thẳm nhất, trong tất cả những nơi linh thiêng – trong các cơ sở tự viện tôn giáo, giữa các trang bìa của một cuốn Thánh kinh. Chắc chắn họ sẽ luôn tìm kiếm Ngài cách xa họ. Gần như chắc chắn họ sẽ cãi vã, đánh nhau và giết nhau trong cuộc tìm kiếm Ngài vô ích”.
Thượng Đế suy nghĩ lại một lúc, rồi mỉm cười đáp: “Nghe thật tuyệt! Cám ơn ngươi rất nhiều! Xin ngươi hãy giữ bí mật, ngươi đừng tiết lộ điều này cho những con người phiền phức đó nhé!”.
Vì thế, câu chuyện kể rằng, kể từ cuộc gặp gỡ của các vị Mục sư này, đức Chúa Trời cư trú trong Thành ẩn náu, không bị phát hiện và không bị quấy nhiễu, trong trái tim của con người! Và hãy nhìn những gì con người đã làm khi vắng mặt Ngài! Vì hoa quả của Đức Phật/Đức Chúa có nghĩa là “TÌNH YÊU, TỪ BI, TRÍ TUỆ, GIÁC NGỘ, MÀ CHỈ CÓ THỂ TÌM ĐƯỢC TRONG BẠN!”
Họ đã trở thành chuyên gia trong việc suy nghĩ quá nhiều; họ đã trở thành chuyên gia trong việc nhọc sức tìm cầu quá nhiều; họ đã thành chuyên gia suy nghĩ về kiếp trước và suy đoán kiếp tương lai; họ đã trở thành chuyên gia tích lũy quá nhiều kiến thức về mọi thứ trong vũ trụ; nhưng về cơ bản họ vẫn không có khả năng chung sống hòa bình trong phong trào hiện nay!
Hãy thu thập thông điệp quan trọng của câu chuyện này và quên đi sự ngây dại trẻ thơ trong phong cách nó tường thuật. Nếu ai đó chỉ cho bạn mặt trăng bằng cách chỉ ngón tay về hướng nó, hãy nương ngón tay để nhìn mặt trăng và đừng cố bám víu vào ngón tay!
Thông điệp quan trọng của câu chuyện này là mọi thứ đều ẩn trong chúng ta. Nơi nào chúng ta trải qua tất cả đau khổ, sợ hãi và đau buồn, cũng chính nơi đó chúng ta trải nghiệm tất cả niềm vui, dũng cảm, hạnh phúc, hòa hợp, trí tuệ, tự do và giác ngộ!
Sa môn Sanghasena là một nhà lãnh đạo tâm linh nổi tiếng và đang Giám đốc của Trung tâm Thiền Quốc tế Mahabodhi (MIMC) ở Ladakh, thuộc miền Bắc Ấn Độ, đồng thời là người sáng lập quỹ MahaKaruna, tổ chức “Save the Himalayas” và cố vấn tinh thần cho Mạng lưới liên kết Phật tử quốc tế (INEB).
Sa môn Sanghasena thành lập MIMC ở Leh vào năm 1986. Kể từ đó, thầy đã trở thành đại diện cho tinh thần Phật giáo nhập thế. Thầy tạo ra nhiều dự án, tham gia các sự kiện mang lại cơ hội giáo dục và nơi nương tựa cho những trẻ em kém may mắn, khuyến khích phụ nữ và các đối tượng yếu thế tham gia vào các chương trình xóa mù chữ, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và người nghèo và xây dựng nhiều nhà dưỡng lão. MIMC đã phát triển thành một không gian rộng rãi, trở thành trung tâm hoạt động của nhiều chương trình văn hóa cộng đồng và xã hội nhằm chia sẻ phật pháp thông qua việc tiếp cận số đông.
Tác giả: Tỳ khưu Sanghasena Việt dịch: Thích Vân Phong Nguồn: Buddhistdoor Global
Bình luận (0)