Tác giả: Thích Nữ Minh Đạt Học viên Cao học Khóa 3 – Học viện PGVN tại Tp.HCM
Đạo Phật trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, đã trải qua không ít thăng trầm. Để có được diện mạo như hiện nay là cả một quá trình đóng góp của những người đi trước đã dành nhiều tâm huyết, có khi đổi cả mạng sống của mình để bảo vệ và hoằng dương. Trong số những con người ấy, thừa tướng Trương Thương Anh thời Tống (Trung Quốc) là một minh chứng. Đứng trước thực trạng Phật giáo bị xem là tôn giáo ngoại lai, nhiều người chê bai chỉ trích, ông đã viết Hộ pháp luận để vừa hộ pháp vừa đả phá những tư tưởng lúc bấy giờ. Họ cho rằng đệ tử Phật không cày ruộng mà có ăn, ông đã đưa ra những lập luận gì để bẻ gãy những lập luận đó.
Từ thời đức Phật cho đến ngày nay, bên cạnh những lời tán thán, Phật giáo đã gặp không ít những lời dèm pha, chê trách. Để tiếp cận với nền văn hóa bản địa, Phật giáo đã bị các nhà trí thức đem ra bàn luận, tranh luận một cách gay gắt. Vấn đề “không cày ruộng mà có cơm ăn”[1] chỉ là một trong những chủ đề được đề cập đến. Đứng trước lời chỉ trích như vậy, thừa tướng Trương Thương Anh cho rằng: “Họ là người chỉ biết một mà chẳng biết việc khác vậy.”[2] Ông đưa ra quan điểm của mình để bảo vệ Phật giáo: “ở chốn thông đò, ấp lớn, người không cày ruộng mà có cơm ăn ấy, mười phần đến bảy tám phần, cả đến nơi núi rừng, sông, biển, kẻ thảo khấu, trộm cắp, và những nơi chợ búa, phố xá, cùng những kẻ hát xướng, làm thuê, làm mướn, nơi hẻo lánh tà tắt, dối quan lậu thuế; trong chốn thần từ miếu mạo, thì kẻ đồng cốt, bói toán, đều như thế cả.”[3] Đâu phải chỉ riêng những đệ tử Phật, những thành phần trên, họ cũng không làm ruộng. Như vậy, họ chết đói sao, họ bị chỉ trích sao? Chính vì vậy, Trương Thương Anh cho rằng những người chỉ trích chỉ biết nhắm vào đệ tử Phật mà thôi.
Ông cho rằng: trong dân chúng, người tự cày bừa cũng có đệ tử của Phật. Ông đưa ra dẫn chứng: không riêng đời này: “ngay như xưa kia ngài Địa Tạng thiền sư cũng tự mình đi cày ruộng”.[4] Tổ Bách Trượng Duy Chính thiền sư bảo đại chúng khai điền, Ngài nói: “Đại chúng cùng lão tăng khai điền, lão tăng vì đại chúng nói nghĩa đại pháp.”[5] Đại Trí thiền sư thì nói: “Một ngày không làm thì một ngày không ăn.”[6] Trương Thương Anh còn kể lại câu chuyện giữa Tổ Quy Sơn khi hỏi ngài Ngưỡng Sơn: “Hạ này ông làm được những việc gì ?”. Ngài Ngưỡng Sơn đáp: “Tôi cày được một mảnh đất, cấy được một đám lúa.”[7] Tổ Quy Sơn khen ngài Ngưỡng Sơn đã không bỏ phí thì giờ. Không chỉ vậy, Tổ Đoạn Tế, Tổ Đỗng Sơn Thông thiền sư từng tập hợp đại chúng đi trồng cây và tự tay trồng cây tùng ở đỉnh núi Kim Cương.[8]
“Đệ tử Phật tuy đông nhưng mỗi người chỉ có một thân, ngày ăn bữa cơm bữa cháo, mặc áo vá để ngăn gió rét, sự tiêu dùng của họ rất ít.”[9] Vả lại, họ đã nhận ân nhà nước để làm hưng thịnh ngôi Tam Bảo, lại còn muốn bảo họ phải đi làm ruộng nữa hay sao? Hằng ngày, họ phải tiếp đón khoa phu, quan khách lui tới, hết thảy đều phải cung cấp; với việc công tư ấy, tốn thời gian biết nhường nào? Thời gian đâu còn để làm ruộng.
Hơn nữa, những bọn quan lại chỉ có lời khuyên suông là làm ruộng, mà thực ra là cái tai vạ để áp bức kẻ nông phu. Khuyên họ làm những việc không cần thiết để giết chết thời giờ, đó chính là đè nén chứ đâu phải là lời khuyến khích. Người cày tuy ít nhưng “nếu thường được mùa, thời lúa đậu cũng nhiều như nước lửa.”[10] Việc cày cấy còn phụ thuộc vào thiên tai: hoặc bị hạn hán, hoặc bị lụt lội, không năm nào không có, nên sự thu hoạch có khi được hai ba phần, có khi mất quá nửa. Điều đó do người cầy cấy ít mà lương thực chẳng đủ ư?
Trương Thương Anh dẫn lời Lão Tử nói: “Ta không làm mà người dân tự giàu. Nếu chẳng phải vì chí ý hòa khí mà chiêu cảm được mùa, dẫu cày nhiều để làm gì ?”[11] Một vị tăng phát xuất từ nơi Phật Tổ, “có người khổ hạnh, có người mật hạnh, ai nấy đều có chính định, tùy phận giữ đức, khắng khít với Giới, Luật, nhớ nghĩ nơi Định, Tuệ; bỏ những việc người đời khó bỏ, làm những việc mà người đời khó làm;”[12] coi giàu sang bề ngoài như mây nổi, nhìn sắc, thanh như tiếng vang, cầu đạo mong mỏi về sau đại ngộ, thọ nhận không bao giờ quên nghĩ đến chúng sinh. Đức Phật lấy “Giới, Định, Tuệ”, lập nên năm giới và “lấy đó làm việc lợi mình lợi người, lòng nhân phổ cập đến mọi loài hàm linh.”[13] Vì lòng thương nhớ nghĩ đến hết thảy chúng sinh, đức Phật mới đem lòng bình đẳng mong cầu cho họ được giải thoát, bởi thông minh đến đâu cũng không chống nổi định lực, giàu sang há tránh khỏi luân hồi. Vì thế, được làm thân người phải biết đạo “cao siêu nhiệm mầu” là quý, nên chán ghét việc người đời đều biết. Làm được như vậy mới là người trí.
Việc chê bai này trong thời đức Phật đã có. Khi Ngài đang khất thực, ngoại đạo đã cật vấn Ngài vì sao không cày ruộng, không thấy cái ách, cái cày, lưỡi cày, gậy thúc trâu bò, hay các con bò: “Này Sa môn, ta cày và ta gieo, sau khi cày, sau khi gieo, ta ăn. Và Sa môn, hãy cày và gieo. Sau khi cày và gieo, hãy ăn!”[14] Đức Phật đã chỉ cho ngoại đạo thấy Ngài cũng cày ruộng, cũng ăn theo cách của Ngài. Việc cày ruộng của đức Phật được miêu tả như sau:
“Lòng tin là hạt giống/Khổ hạnh là mưa móc/Trí tuệ đối với Ta/Là cày và ách mang/Tàm quý là cán cày/Ý căn là dây cột/Chính niệm đối với Ta/Là lưỡi cày, gậy đâm/Thân hành được hộ trì/Khẩu hành được hộ trì/Đối với các món ăn/Bụng Ta dùng vừa phải/Ta nhổ lên tà vạy/Với chân lý sự thật/Hoan hỷ trong Niết-bàn/Là giải thoát của Ta/Tinh tấn đối với Ta/Là khả năng mang ách/Đưa Ta tiến dần đến/An ổn khỏi ách nạn/Đi đến, không trở lui/Chỗ Ta đi, không sầu/Như vậy, cày ruộng này/Đưa đến quả bất tử/Sau khi cày cày này/Mọi đau khổ được thoát.”[15]
Sau khi nghe đức Phật trả lời như thế, Bà-la-môn Kasibhàradvàja lấy một bát bằng đồng lớn, cho đổ đầy cháo sữa dâng đức Phật và thưa: “Thưa Tôn giả Gotama, hãy dùng cháo sữa, Tôn giả là người đi cày! Tôn giả Gotama đi cày quả bất tử!”[16] đức Phật là một người cày ruộng như thế, đệ tử Ngài cũng vậy. Họ cày ruộng tâm, đem lại quả bất tử. Một việc làm mà những kẻ chỉ chăm chăm lo cho đời sống dục lạc làm sao thấy được. Chỉ có sự tu tập mới có thể chuyển hóa khổ đau, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Đức Phật và đệ tử Ngài đâu cần phải dùng tay chân mà dùng trí tuệ của mình, khiến mọi người hoan hỉ tự đem thức ăn đến dâng cúng. Trong cuộc đời này, ai làm cho người khác vui, ngộ ra được chân lý, người đó sẽ được trọng đãi. Người bị mê lầm trói buộc, khiến trôi lăn trong sinh tử, phiền não không dứt. Một khi họ được chỉ dạy con đường thoát khổ, tìm thấy hạnh phúc an lạc thì có giá trị nào bằng. Công đức của người hướng đạo to lớn biết bao! Cho nên, người chỉ biết cày ruộng kiếm cơm ăn chỉ là việc làm cạn cợt, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy giá trị lâu dài trong việc cày ruộng tâm như đức Phật. Việc cày ruộng chỉ là hoạt động để nuôi sống bản thân, mà có lúc được lúc mất. Nhưng cày ruộng tâm luôn luôn thẳng tiến, dẫn con người tiến tới hoàn thiện nhân cách, trở thành một người có đạo đức, tiến tới quả giải thoát.
Hơn nữa, việc khất thực của người tu sĩ với hạnh nguyện: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, trên cầu thành Phật, dưới nguyện hóa độ chúng sinh. Việc đi xin ăn của hàng đệ tử Phật không vì nhu cần ăn uống đơn thuần mà với mục đích tu tập và lan toả giáo lý Phật giáo vào đời sống cộng đồng. Hạnh khất thực của chư Phật và đệ tử chính là đem an lạc giải thoát đến cho quần sinh: “Từ trú xứ bước xuống/Ta vào thành khất thực/Ta cẩn thận đến gần/Một người cùi đang ăn/Với bàn tay lở loét/Nó bỏ vào một muỗng/Khi bỏ vào muỗng ấy/Ngón tay rời rơi vào/Dựa vào một chân tường/Ta ăn miếng ăn ấy/Đang ăn và ăn xong/Ta không cảm ghê tởm.”[17] Hạnh nguyện khất thực như Ngài Ca Diếp, mấy ai làm được. Chỉ có sự tu tập, vượt qua sự chấp ngã, vì hạnh nguyện độ sinh, người con Phật mới có thể trụ vững trong những hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc đời. Họ đi khất thực, người ta cho gì ăn nấy, không đòi hỏi miếng ngon vật lạ, không chấp vào bất cứ vật gì. Họ sống với ba y, bình bát, vân du mọi nẻo đường, đem giáo lý giải thoát dạy cho người. Hướng con người làm lành lánh dữ, tiến tới đời sống đạo đức cao thượng. Trong khi đó, người đời bon chen, vất vả ngược xuôi suốt cả cuộc đời rốt cuộc cũng vì lo cho những nhu cầu ăn, uống, mặc, ngủ hằng ngày, tiến xa hơn chút nữa thì cũng là tìm chút hư danh. Cuối cùng mang lấy nghiệp phải luân hồi trong sáu nẻo. Có đáng không!
Ngày nay, thời đại khoa học kĩ thuật phát triển vượt bậc. Ở phương diện nào đó, việc cày ruộng là việc lỗi thời, không mang lại lợi ích mà còn làm chậm sự phát triển của xã hội. Việc nông nghiệp chỉ tập trung tại những đồng bằng lớn, máy móc thay con người làm việc đã mang lại hiệu quả cao gấp bội. Con người không làm việc bằng tay chân mà thay vào đó là lao động trí óc. Vậy cày ruộng có ích gì! Do đó, cái gì hay thì nên phát huy, cái gì không thích hợp thì nên bỏ. Đó mới là người thức thời.
Xã hội càng phát triển, đời sống của con người không chỉ tập trung cho đời sống vật chất mà họ chú trọng vào đời sống tinh thần. Con người không phải lo cơm ngày ba bữa, mà tiến lên ăn ngon mặc đẹp, hưởng thụ tiện ích của khoa học kỹ thuật. Cùng với sự phát triển của xã hội thì số người trẻ tự tử càng tăng, tình trạng bạo lực, bất công, khủng bố... xảy ra khắp nơi. Đó là những hậu quả khi mọi người sống với nhau nhưng bị tâm tham sân si chi phối, không có sự dẫn dắt của đạo đức. Chỉ cần một trong ba tâm này khởi lên thì cả thế giới sẽ bị hủy diệt. Những nhà lãnh đạo nếu có đạo đức sẽ làm lợi ích cho cả cộng đồng, ngược lại sẽ tàn hại cả thế giới. Những vụ tấn công bằng bom hạt nhân, vụ ngày 11/09/2001 tại Mỹ, chiến tranh đang diễn ra giữa Nga và Ukraina... là những minh chứng cho sự sân hận, tham lam của con người gây nên. Như vậy, giữa việc tu tập đạo đức và việc cày ruộng kiếm cơm, không lo tô bồi đạo đức thì lợi ích của việc tu tập không gì sánh bằng. Việc chuyển hóa tâm, vô hình nhưng hiệu quả vô cùng. Nó không chỉ có ích cho bản thân mà cho số đông nhân loại, tác động đến nhận thức và hành vi cộng đồng.
Do đó, mỗi một người, dù là tu sĩ hay cư sĩ, chúng ta đều phải có trách nhiệm hộ pháp. Xem đó là một trách nhiệm thiêng liêng mà không phải là sự gò bó hay ép buộc. Trên tinh thần tự nguyện, người ta sẽ làm tốt hơn. Trước những lời chỉ trích, một mặt chúng ta phải tìm cách ngăn cản những hành vi không đúng này. Bằng cách tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: khóa tu một ngày an lạc, khóa tu Phật thất, thiền tĩnh tọa, thiền trà... Một mặt chúng ta phải “hồi quang phản chiếu” lại những việc mình đã làm. Là Tăng ni, bản thân là một người Phật tử, phải sống đúng tinh thần giới luật, chúng ta phải giữ giới cho thanh tịnh, làm tấm gương cho người khác soi vào. Không nên vì chút đam mê nhất thời, chút lợi ích của bản thân mà đánh mất chính kiến của người khác. Bởi việc mình làm khiến người phá kiến, tội lỗi vô cùng. Tạo được niềm tin thì khó, đánh mất niềm tin thì dễ như trở bàn tay. Trong thời hiện đại, thông tin chỉ cần một vài giây là cả thế giới đều biết. Do đó, khi làm việc gì chúng ta cũng phải chính niệm. Chúng ta không biện hộ cho những việc làm sai trái của mình mà hãy thành thật thừa nhận. Bởi vì càng bao biện là càng xa đạo pháp.
Một vấn đề quan trọng khác là những người con Phật, dù là ai, cũng nên đoàn kết, sống trong sự hòa hợp. Đừng bao giờ “vạch áo cho người xem lưng” mà hãy “đóng cửa dạy bảo nhau”. Có những vị mắc phải sai lầm, thường hay chỉ trích đồng đạo. Đây là duyên cớ để người ta nhìn thấy lỗ hổng trong quan hệ đôi bên mà đánh phá chúng ta. Khi người ta không thích sẽ tìm đủ mọi lý do, đủ mọi điểm yếu để nhắm vào. Do đó, cần phải có nền tảng vững chắc trong lòng nhân dân. Để làm được như vậy, thì mỗi thành viên đều phải là một viên gạch xây dựng nên niềm tin trong lòng quần chúng.
Tóm lại, trách nhiệm hộ trì và hoằng dương Phật pháp thì ai ở cương vị nào làm tròn bổn phận trách nhiệm cương vị đó. Mỗi thành viên trong tăng đoàn phải là một vệ sĩ. Người vệ sĩ ấy sẵn sàng xông pha trận mạc bằng áo giáp kiên cố của giới luật. Nghĩa là phải hộ pháp khi chưa xảy ra việc. Làm được điều đó thì phải gìn giữ đời sống phạm hạnh, nâng cao năng lực bản thân bằng cách nỗ lực tu học. Ngoài việc học kiến thức nội điển, còn phải nâng cao kiến thức ngoại điển, vững vàng trong tu tập, trong ứng phó đạo tràng. Nếu bản thân không có khả năng phát huy giáo lý thì đừng là nhân tố khiến Phật pháp suy vi, đừng để tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Tác giả: Thích Nữ Minh Đạt Học viên Cao học Khóa 3 – Học viện PGVN tại Tp.HCM ***THƯ MỤC THAM KHẢO 1. Cbeta,史傳部類T52, no.2114 護法論, p. 640 b.17:“議者深嫉其徒不耕而食。” 2. Nt, p. 640 b.18:“亦人知其一。而莫知其他也。” 3. Nt, p. 640 b.18-22:“通都大邑。不耕而食者。十居七八。以至山林江海之上。草竊姦宄。市廛邸店之下。娼優廝役。僻源邪徑之間。欺公負販。神祠廟宇之中。師童巫祀者皆然也。” 4. Nt, p. 640 b.25-26:“如古之地藏禪師。每自耕田。” 5. Nt , p. 640 b.28-29:“大眾為老僧開田。老僧為大眾說大法義。” 6. Nt, p. 640 b.29:“一日不作。一日不食。” 7. Nt, p. 640 c.2:“鋤得一片地。種得一畬粟。” 8. Nt, p. 640 c.3-4:“斷際禪師。每集大眾栽松钁茶。洞山聰禪師常手植金。剛嶺松。” 9. Cbeta,史傳部類T52, no.2114 護法論, p. 640 c.5-6:“釋氏雖眾而各止一身一粥一飯。補破遮寒。而其所費亦寡矣。” 10. Nt, p. 640 c.15:“若使常稔。則菽粟亦如水火矣。” 11. Nt, p. 640 c.18-19:“我無為而民自富。苟無以致和氣而召豐年。雖多耕而奚” 12. Nt, p. 640 c.22-24:“有苦行者。有密行者。各人有三昧。隨分守常德。孜孜於戒律。念念在定慧。能捨人之所難捨。能行人之所不能行。” 13. Nt, p. 640 c.28:“以此自利利他。則仁及含靈耳。” 14. Nt, tr. Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Tập, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr. 485. 15. Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Tập, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr. 486-7. 16. Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Tập - Chương Một: Phẩm Rắn Uragavagga, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr. 487. 17. Thích Minh Châu (dịch , 2001), Kinh Tiểu Bộ 3, Trưởng Lão Tăng Kệ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr. 469.
Bình luận (0)