GS TS Nguyễn Hùng Hậu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

Tóm tắt: Giữa Hồ Chí Minh và Phật giáo có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ, đặc biệt là về tư tưởng, chẳng hạn như tư tưởng “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”; lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha; kết hợp tri hành, coi trọng hành; hay sự tương đồng giữa cứu khổ một cách triệt để với làm cách mạng cho đến nơi…. Tất cả những sự tương đồng này nói lên rằng Hồ Chí Minh là Người am hiểu đạo Phật. Từ khóa: Hồ Chí Minh, Phật giáo, sự tương đồng

Dẫn nhập

Hồ Chí Minh (1890-1969), lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Còn Phật giáo ra đời từ thế kỷ VII tr.CN, cách Hồ Chí Minh 27 thế kỷ. Nhưng sao giữa Hồ Chí Minh và Phật giáo có những điểm tương đồng kỳ lạ, lý thú đến như vậy. Điểm tương đồng kỳ thú đầu tiên ta thấy, bông sen tượng trưng cho Phật giáo, trong khi đó Hồ Chí Minh lại sinh ra ở đất “Sen vàng” (Kim Liên); Phật giáo là khuyến thiện trừ ác, còn cái mà Hồ Chí Minh yêu nhất là điều thiện, cái mà Người ghét nhất là điều ác; giữa đức Phật và Hồ Chí Minh đều có chung tư tưởng mình không vào địa ngục cứu chúng sinh thì ai vào; hay thái độ của người phật tử và thái độ của người chiến sĩ cách mạng cũng có nhiều điểm tương đồng khi Người nói: "Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng, ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”(1). Người làm cách mạng cũng như người đi tu, “phải cải cách tính nết mình trước tiên”, phải chống giặc nội xâm, giặc ở trong lòng. Hồ Chí Minh và Phật giáo đều cho rằng phải kết hợp giữa tri và hành, nhưng phải coi trọng hành; còn thể hiện tư tưởng đâu chỉ qua câu chữ; …. Và còn có thể kể ra nhiều điểm tương đồng khác nữa, nhưng sự tương đồng về tư tưởng giữa Hồ Chí Minh và Phật giáo mới là điều kỳ thú nhất.

1. Tư tưởng “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”

Theo Phật giáo, cái đẹp đẽ, cao cả, cái quý hiếm không phải nằm ở đâu xa, không phải trú ngụ trong vương quốc mây mù trừu tượng, mà nó nằm ngay trong thế giới ô trọc bụi bặm này. Bông sen tỏa hương thơm mát lại mọc lên từ bùn lầy. Tê giác là loài thú quý hiếm, ăn ở trong gai, ngủ trong bùn. Nói theo danh từ triết học thì cái tuyệt đối nằm trong cái tương đối, cái tương đối chứa đựng cái tuyệt đối. Chân Như, Niết Bàn, Bồ Đề, Chân tâm, Phật không phải ở đâu xa mà ngay trước mắt (“xúc mục”), trong tâm mỗi người. Tư tưởng này không có gì mới so với Thiền tông Trung Quốc. Niết Bàn nằm trong thế giới trần tục, vậy, con người trần tục muốn đạt đến cái nằm trong thế giới trần tục (Niết Bàn), tốt nhất nên bằng con đường trần tục như giã gạo, bổ củi, gánh nước, quét dọn. Lục tổ Huệ Năng đã làm như vậy. Đây là một tư tưởng quan trọng cho việc tu hành. Biển rộng mênh mông bao la bát ngát, nơi bao chứa tất cả các dòng sông dù trong hay đục cũng không làm cho nó thay đổi, cũng giống như núi cao có thâu chứa bao nhiêu bụi hồng trần đi nữa cũng không làm cho nó biến dạng. Đây là tư tưởng của thiền sư Viên Chiếu (999 - 1090), thế hệ thứ 7 dòng Vô Ngôn Thông, khi ông nói:

Sơn cao cánh tại dung trần trữ (Biển rộng bao dung nhiều nguồn nhỏ) Hải khoát năng thâm nạp tế lưu (Non cao bao chứa bụi hồng trần)

Trong cuộc sống, ai hướng thiện, hướng tới cái tâm bao la bát ngát như biển cả thì người đó tiến dần đến giải thoát. Tư tưởng này được quốc sư Trúc Lâm làm rõ hơn khi khuyên vua - đồng thời cũng là một vị Phật tử - Trần Thái Tông: “Dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm” (Lấy muốn của thiên hạ làm muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình). Đó cũng là tư tưởng “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”. Theo tư tưởng này, con người hướng thiện bằng việc phục vụ nhân sinh, nhân quần xã hội, và trong quá trình đó, tâm con người mở rộng, khai mở dần dần bao chứa tâm nhiều người từ hẹp đến rộng, từ nông đến sâu, và nói một cách đơn giản, từ gia đình đến quốc gia và thiên hạ. Càng trải rộng bao nhiêu thì càng đi dần đến giác ngộ bấy nhiêu.

Như vậy, Phật giáo Việt Nam vạch ra một con đường mới đi đến giác ngộ, có điểm khác với Phật giáo Ấn - Trung, đó là con đường đi đến giác ngộ bằng cứu dân độ thế. Điều này được Tuệ Trung Thượng Sĩ - ngôi sao sáng chói trên nền trời Thiền học Việt Nam - nói khá rõ: “Tâm của muôn loài tức Phật tâm” (Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm). Đi đến giác ngộ bằng cách như vậy, Phật giáo Việt Nam đã mang trong mình tinh thần yêu nước. Không thể nói yêu nước thương dân mà lại không lấy nguyện vọng, mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình. Ngược lại, đã là người yêu nước chân chính thì phải lấy nguyện vọng, mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình.

Ở đây ''Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm'' tức là lấy tâm của chúng sinh làm tâm của mình, thay cái tâm cá nhân ích kỷ của mình bằng cái tâm đồng loại. Nếu vô tâm là trút bỏ cái tâm nhỏ bé của mình thành cái tâm bao la của muôn loài, thì đây thực sự là quá trình vô tâm. Vô tâm là tâm tất cả. Mà tâm tất cả lại là vô tâm. Biện chứng ở đây là như vậy. Cũng giống như không có gì dường như lại là có tất cả và có tất cả lại dường như là không có gì. Sức mạnh của chữ ''vô'', ''không'', ''hư'' của nhà Phật là ở chỗ đó. Đúng là ”Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Trần Nhân Tông), “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu” (Bách Trượng Hoài Hải) Tư tưởng ''Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm'' của Phật giáo Việt Nam rất gần gũi với tư tưởng của Hồ Chí Minh: ''Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành''(2).

2. Cơ sở của triết lý “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” là triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến”

Triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, tuy không phải là tư tưởng của Hồ Chí Minh mà là của Kinh dịch, nhưng đó luôn là phương châm, cách ứng xử của Người. Triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” có nghĩa là lấy cái bất biến (cái không thay đổi) ứng phó với cái vạn biến; ứng phó với cái vạn biến nhưng không xa rời, vứt bỏ, đánh mất cái bất biến. Hoàn cảnh luôn thay đổi, cuộc sống cũng như sự nghiệp cách mạng luôn thay đổi, bởi vậy, sách lược trong từng lĩnh vực cụ thể cũng phải mềm dẻo, uyển chuyển (cái vạn biến). Nhưng dù có mềm dẻo, uyển chuyển đến đâu đi chăng nữa cũng không được quên mục đích cuối cùng (cái bất biến), bởi nếu không sẽ dễ bị lạc vào cái mê cung, rừng rậm của vạn biến, cái vụn vặt mà không thấy đường ra. Phải nói, cho đến hiện nay, cái bất biến ở Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo tôi, cái bất biến đầu tiên ở Người là nước phải được độc lập. Độc lập gắn liền với hòa bình, thống nhất. Nhưng sau khi giành được độc lập, hòa bình, thống nhất rồi thì phải giàu mạnh; còn nhân dân thì phải được hưởng tự do, hạnh phúc, dân phải được làm chủ, dân là chủ (dân chủ). Tất nhiên hai cấp bậc này liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau; bởi lẽ theo Người, nước độc lập, nhưng dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Mỗi triết lý hành động đồng thời cũng là một triết lý sống, quy định một phong cách sống tương ứng. Triết lý hành động “Dĩ bất biến ứng vạn biến” đồng thời cũng là triết lý sống “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” (Lấy tâm của mọi người làm tâm của mình) mà ta đã trình bày trên. Đi sâu vào triết lý sống này ta hãy xem tâm, lòng mong muốn của người dân Việt Nam khi đó là gì? Đó là nước được độc lập, dân được tự do, mọi người được hạnh phúc. Hồ Chí Minh đã lấy cái tâm (mong muốn) của mọi người làm cái tâm (mong muốn) của mình khi Người viết: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3). Hồ Chí Minh đã lấy tâm của mọi người làm tâm của mình bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể như ra đi tìm đường cứu nước và khi đã tìm được cái “cẩm nang” thì trở về nước thức tỉnh nhân dân, tổ chức, đoàn kết, huấn luyện nhân dân, đưa nhân dân đấu tranh giành tự do, độc lập. Đến độ chín muồi, Hồ Chí Minh đã tiến hành thành lập Đảng, đề ra chiến lược, sách lược cách mạng cho từng thời kỳ, kêu gọi toàn dân đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước... từ đó đã dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Với triết lý sống “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” đã khiến cho Hồ Chí Minh và Đảng ta ngoài lợi ích của nhân dân không còn lợi ích nào khác. Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ đau là một ngày Người ăn không ngon, ngủ không yên. Với triết lý sống “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” tất yếu sẽ dẫn đến phong cách sống “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” (Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc), lối sống vì mọi người, hòa đồng cùng xã hội, cùng thiên nhiên cây cỏ, lối sống không cho riêng mình, và vì vậy nên trường cửu. Triết lý này có sự tương đồng kỳ thú với tư tưởng “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha” của nhà Phật. Chỉ có điều “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong Phật giáo là dùng cái tâm tĩnh lặng, yên tĩnh, bất biến để ứng phó, nhận thức, quán chiếu sự biến đổi, thay đổi, vô thường của vạn vật. Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Vạn pháp như lôi nhất tâm thiền định. Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Đó là những quan điểm của bậc đại giác nói lên khuynh hướng này. Quan điểm này có lý ở chỗ: vạn vật luôn thay đổi; nếu tâm, thức chỉ là phản ánh vạn vật luôn thay đổi, thì tâm, thức chỉ chạy theo vạn vật y như con khỉ truyền từ cành cây này sang cành cây khác.

Với triết lý hành động, triết lý sống như vậy, nên Hồ Chí Minh thường viết ít, nếu có viết thì ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để thực hiện, để làm, tức viết không phải để mà viết, nói không phải để mà nói; viết, nói để thức tỉnh và từ đó đứng lên làm cách mạng. Có người cho rằng khi viết cần phải trau truốt. Ngay trong Đường kách mệnh, phương châm, chủ trương của Hồ Chí Minh là phải kêu to, làm chóng để cứu giống nòi, đâu có thời gian cho vẽ vời trau chuốt. Khi nước bị mất, giống nòi có nguy cơ diệt vong, không thể đứng đó triết lý về nguy cơ diệt vong của dân tộc, không phải lúc trau chuốt cho từng câu từng chữ, mà phải kêu to làm chóng để cứu giống nòi. Điều này rất giống câu chuyện Người đi đường bị bắn bởi mũi tên thuốc độc trong Phật giáo.

Ở Hồ Chí Minh không chỉ triết lý gắn với hành động, đi liền với hành động mà hành động cũng nói lên triết lý. Theo GS. Trần Văn Giàu, hoạt động thực tiễn, hành động biểu hiện tư tưởng trung thành hơn gấp nhiều lần những bài văn được ngòi bút đẽo gọt. Cái đánh giá đúng sai của tư tưởng không phải nằm trong tư tưởng mà phải ở trong hoạt động thực tiễn. Chính thực tiễn là cái duy nhất kiểm tra tính đúng đắn của tư tưởng, là tiêu chuẩn của chân lý. Hoạt động thực tiễn nói lên tư tưởng. Chính vì vậy, khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta không chỉ nghiên cứu qua câu chữ, bởi lẽ qua câu chữ chỉ phản ánh được một phần tư tưởng của Người. Những cử chỉ, hành động, hành vi, tác phong, lối sống, cách đối nhân xử thế của Hồ Chí Minh, đều toát lên một triết lý thâm sâu vi tế, triết lý suốt đời vì dân, vì nước. Điều này rất gần gũi với Phật giáo, đặc biệt là các Thiền sư.

3. Triết lý cứu khổ một cách triệt để của Phật giáo và triết lý làm cách mạng cho đến nơi của Hồ Chí Minh.

Các vua thời Lý - Trần cho rằng sau khi đánh tan quân xâm lược, đất nước trở lại thanh bình, nhưng con người vẫn còn những nỗi khổ hàng ngày dày vò, ví dụ như sinh, lão, bệnh, tử, cầu bất đắc khổ (cầu mà không được thì khổ), ái biệt ly khổ (yêu nhau mà phải xa nhau), oán tăng hội khổ (ghét nhau nhưng vẫn phải ở gần nhau), …. Bởi vậy, các ông muốn cứu dân thoát khỏi những nỗi khổ thường nhật hàng ngày đó. Đây là một tư tưởng, ý muốn, mong muốn vô cùng nhân văn. Xuất phát từ việc muốn cứu khổ một cách triệt để đối với con người mà cụ thể ở đây là người dân Đại Việt mà nhiều vua thời Lý - Trần sau khi đánh tan quân xâm lược đã nhường ngôi cho con để đi tu, tìm con đường cứu người dân khỏi nỗi khổ thông thường hằng ngày, tức cứu khổ một cách triệt để. Ở Hồ Chí Minh cũng có một sự tương đồng kỳ thú với tư tưởng này, khi Người nghiên cứu các cuộc cách mạng trên thế giới và đi đến kết luận: đã không làm cách mạng thì thôi; còn nếu đã làm cách mạng thì phải làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mạng rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người; thế mới khỏi phải hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc. Muốn làm cách mạng cho đến nơi thì phải gắn cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa; từ cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc là bước đầu có tính chất tiên quyết, nhưng lôgíc tiếp theo là phải làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, cách mạng giải phóng dân tộc là sự mở đầu, cách mạng xã hội chủ nghĩa đi tới xã hội cộng sản là sự hoàn tất. Không có cái thứ nhất thì không thể có cái thứ hai, nhưng nếu chỉ dừng lại ở cái thứ nhất thì làm cách mạng lại chưa đến nơi. Muốn cho đến nơi lại phải làm tiếp bước hai, tức cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cái thứ nhất nghiêng về tiền đề không thể thiếu được, nhưng cái thứ hai mới là mục đích cuối cùng. Người cho rằng thắng đế quốc, phong kiến còn tương đối dễ, nhưng thắng bần cùng, nghèo nàn, lạc hậu còn khó hơn nhiều. Đây là cuộc chiến khó khăn nhất, sâu sắc nhất, gay go nhất, gian khổ nhất, nhưng cũng vĩ đại và vẻ vang nhất. Hồ Chí Minh thường nói, đây là cuộc chiến khổng lồ chống tất cả những gì là cũ kỹ lạc hậu. Người cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Nếu không phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì vẫn là cách mạng nửa vời, cách mạng chưa đến nơi đến chốn, bởi lẽ “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”(4). Đến đây ta lại thấy sự tương đồng kỳ thú về tư tưởng giữa Hồ Chí Minh và Phật giáo.

Kết luận

Từ tất cả những điều trình bày trên, chúng ta rút ra một số kết luận: 1. Hồ Chí Minh là người am hiểu Phật giáo 2. Phật giáo chứa đựng nhiều yếu tố nhân văn, đúng đắn, hợp lý 3. Qua sự tương đồng giữa Hồ Chí Minh và Phật giáo, ta thấy chân lý chỉ có một còn sai lầm thì phong phú vô cùng.

GS TS Nguyễn Hùng Hậu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022 ***

CHÚ THÍCH: (1) Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011,t.15, tr.672 (2) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.187 (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 187. (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 56.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4 2. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15 3. Thiền uyển tập anh. Phân Viện nghiên cứu Phật học. Nhà xuất bản Văn học. Hà Nội 1990 4. Nguyễn Hùng Hậu. Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1996 5. Nguyễn Hùng Hậu. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1997 6. Nguyễn Hùng Hậu. Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 2002 7. Nguyễn Hùng Hậu. Triết lý trong văn hóa phương Đông. Nxb. Đại học Sư phạm. Hà Nội 2004. 8. Nguyễn Hùng Hậu. Suy ngẫm về triết Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2015.

https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chu-tich-ho-chi-minh-va-giao-ly-phat-giao.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ho-chi-minh-voi-dao-phat.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ho-chi-minh-va-cac-gia-tri-dao-duc-phat-giao.html