Trang chủ Chuyên đề Sứ mệnh hoằng pháp trong thời đại ngày nay

Sứ mệnh hoằng pháp trong thời đại ngày nay

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Thọ
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Hoằng Pháp là nghĩa vụ thiêng liêng của người con Phật bởi vì Đức Phật ra đời là: “vì lợi ích cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người”. Do đó, Giáo pháp của Đức Phật là phương pháp sống thực tiễn, không thể tách rời con người. Nếu không đem Chính pháp hoằng truyền cho chúng sinh thừa hưởng, thì Phật giáo chỉ là món đồ cổ trưng bày xem chơi chớ chẳng có ích lợi gì. Phật pháp là dòng chảy linh động nên không bị bế tắc và hạn cuộc trong bất cứ khuôn khổ nào. Vì vậy, cũng là Giáo pháp Phật, nhưng về hình thức, Giáo pháp của 2500 năm trước và ngày hôm nay đã được thay đổi rất nhiều, cho dù là Phật giáo Nguyên thủy cũng không còn là nguyên thủy, tất cả chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu của từng thời đại. Đó chính là tinh thần tuỳ duyên trong đạo Phật.

Ngày hôm nay, với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, văn minh con người đã vượt quá những gì từng là sản phẩm của niềm tin, con người muốn giải tỏa tất cả những nghi vấn còn nằm trong bế tắc, mà nhất là trong niềm tin tôn giáo. May thay Giáo pháp của Đức Phật không phải là niềm tin suông, sự mặc khải của thần thánh, mà là chân lý vũ trụ và nhân sinh, thực tiễn, được diễn tiến một cách vi diệu nơi mỗi con người, mỗi thời đại. Nhằm làm tỏa sáng hơn về niềm tin chân lý Phật đà, người hoằng Pháp trong thời hiện tại cần phải làm gì để phát huy chân lý đó? Đó chính là câu hỏi cần được đặt ra và tìm lời giải đáp chân xác, thiết thực nhất ở mỗi hành giả hoằng Pháp của chúng ta.

I. THỰC TRẠNG TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

1. Số lượng tín đồ

Hiện nay, theo thống kê gần nhất, số lượng tín đồ Phật giáo chiếm rất nhỏ so với tổng số dân trên phạm vi cả nước; mà đa phần là các vị cao tuổi, tầng lớp trẻ và tri thức lại rất ít. Thực tế này quá phũ phàng so với bề dày lịch sử mà Phật giáo đã có mặt trên đất nước Việt Nam. Đây là vấn đề trăn trở cho các bậc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt nam hiện nay, và là nhiệm vụ chung của những người đang mang sứ mệnh hoằng Pháp. Chúng ta cần phải suy tư sâu sắc: vì sao Phật giáo Việt Nam, về hình thức dường như phát triển tốt, nhưng sâu vào bên trong lại có chiều hướng suy giảm như thế. Đây là vấn đề cần được đặt ra?

2. Niềm tin

Đạo Phật lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Niềm tin của đạo Phật không dựa vào sự mặc khải của thượng đế… mà niềm tin dựa trên cơ sở trí tuệ, hiểu biết đúng đắn. Đức Phật đã từng tuyên bố rằng: “Ai tin ta mà không hiểu ta là hủy báng ta”. Như vậy, trong đạo Phật không có giáo điều. Đạo Phật rất tôn trọng tinh thần tự do: tự do ngôn luận, tự do phê phán, tự do nhận thức… Trong kinh Tăng Chi, Đức Phật từng dạy nhóm người Kalama: “Đừng vội tin theo điều gì người ta cứ lặp đi nhắc lại mãi. Đừng vội tin theo điều gì dù nó là một tập tục cổ truyền. Đừng vội tin theo điều gì dù nó được người ta đồn đại, nhắc đến luôn. Đừng vội tin theo điều gì dù nó là bút tích thánh nhân để lại… Đừng vội tin theo điều gì dù nó được nói ra từ ông thầy đầy quyền uy… Hãy suy tư xác định coi cái gì hợp với lý trí rồi hãy tin theo”. Thế thì đó là niềm tin đầy lý trí và khách quan, đạo Phật không có bắt buộc, gò bó, hay có tính cách nhồi sọ để tín đồ tin theo một cách mù quáng. Nhưng xét trên thực tế, số lượng người tin theo Phật giáo bằng lý trí thật quá ít so với số người tin theo tín ngưỡng, tôn thờ Đức Phật như một thần linh, mặc dù có những người được quí thầy giáo dục rất kỹ.

Do đó, khi mà Phật giáo chuyển mình theo đà phát triển văn minh nhân loại, những đường lối tu hành tín ngưỡng xưa cũ dường như bị phá vỡ, thì số người bình dân lần lần họ cũng bắt đầu tách rời đạo Phật. Họ cảm thấy Đức Phật không còn bảo hộ được mình nữa, nên số người ấy tìm nơi nương tựa tinh thần vào những niềm tin khác và đạo lạ… Như vậy, giáo dục tín đồ với niềm tin thuần lý trí, mặc dù đúng với chân lý, nhưng cũng khó bề truyền bá rộng khắp được. Đây là những vấn đề khéo léo và tế nhị của những người làm nhiệm vụ hoằng Pháp, làm sao để Phật pháp ngày càng được phổ cập khắp mọi nơi, mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân… Làm sao độ tận chúng sinh – đó là lý tưởng tối thượng của người con Phật.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Su Menh Hoang Phap Thoi Hien Dai 1

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

II. SỨ MỆNH HOẰNG PHÁP TRONG THỜI ĐẠI HIỆN TẠI

1. Vai trò và sứ mệnh của giảng sư

Sở dĩ bao thế kỷ qua, mọi người được hiểu đạo và hướng về Phật pháp là do công hoằng hóa của các bậc Tổ đức từ bao đời trước. Quý Ngài đã tận tâm, tận lực, cạn lời giáo hóa chúng sinh đời ngũ trược cang cường, nên họ mới chịu qui hướng theo con đường Phật pháp, tu hành.

Hôm nay đây, trong hoàn cảnh xã hội tương đối ổn định về mọi mặt, các vị giảng sư không còn phải vất vả trên con đường làm Phật sự. Niềm tin mọi người phần nhiều đã có sẵn, như một mảnh đất mầu mỡ, các vị sứ giả Như Lai khéo gieo giống Bồ đề. Ngày nay, mọi phương tiện hoằng Pháp đều được đầy đủ, chỉ cần tâm đức của người hoằng Pháp, nghĩ đến chúng sinh đang sống trong vòng vô minh đau khổ, nếu không tiếp nhận được giáo lý Phật Đà thì chắc chắn đời đời họ không thoát ra được cuộc sống mê muội, ngục tù này. Quán chiếu để thấy rõ trên thế gian còn quá nhiều người chưa đủ duyên lành để tiếp cận được Giáo lý đạo Phật; hoặc có người nắm bắt được chút ít nhưng nhận thức lệch lạc; hoặc một số người hướng dẫn quần chúng tu học chưa đúng với Chính pháp… Với lòng từ bi của người xuất gia học đạo, vì hạnh nguyện độ sinh, chúng ta sẵn sàng dấn thân cứu giúp họ hiểu đúng Chính pháp, đem lại lợi ích thiết thực.

Luôn nghĩ đến sự phát triển của đạo pháp, lợi ích quần sinh, không nên lợi dụng hầu trục lợi cá nhân, tìm cách tiến thân trên con đuờng công danh địa vị. Nếu nghĩ tu học để mong được làm chức gì, để có được danh vọng là sai sai tôn chỉ của đạo Phật, sai đi mục đích của người hoằng Pháp; mà hãy làm tất cả bằng tâm huyết, bằng tấm lòng vì đạo, vì chúng sinh, thì địa vị dẫu có, là do mọi người tôn xưng đưa lên, chớ không phải do chúng ta mong cầu hoặc tìm cách này cách khác để có được. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: “Ta xem địa vị vương hầu như bụi qua kẻ hở, xem những vàng ngọc quí báu như ngói gạch, xem y phục lụa là như đồ giẻ rách …” Là người tu hành chúng ta cần phải quán chiếu lời dạy chân xác này!

Hãy phát huy truyền thống cao đẹp của ngành Hoằng Pháp, phải là những sứ giả Như Lai chân chính, đem pháp mầu hoá độ khắp muôn nơi. Hãy trọn đời cúng dàng thân tâm này cho đạo pháp, đừng thấy mình là người hy sinh gì cả, đừng so sánh với những đồng đạo thiếu lương tâm; có như thế chúng ta mới hết lòng vì sự nghiệp chung của Giáo hội. Tổ Qui Sơn đã dạy: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”. Hãy làm tiếng rống của sư tử cho Chính pháp được lan truyền khắp chốn, đừng làm dã can đội lốt sư tử là sai đi sứ mạng của người hoằng Pháp. Lời của ngài Vĩnh Gia Huyền Giác, vẫn còn hằng vang mãi trong lòng mọi người con Phật chúng ta:

“Giống sư tử sinh ra con nòi sư tử.
Ba tuổi năm gầm vang động núi rừng xanh.
Bầy chó hoang vờn theo dấu chân đấng Pháp vương,
Trăm năm sủa vẫn là tiếng ngâu ngâu đáng ghét”.

2. Những ý kiến đóng góp cho việc hoằng Pháp hiện nay và tương lai.

Với cái nhìn thiển cận của hàng hậu học thì chắc không thể là cái nhìn thấu đáo được. Nhưng đây lại là những điều trăn trở, khi trước mắt luôn diễn ra những điều đáng nghi ngờ để đặt dấu hỏi, hỏi tận lương tâm, thưa hỏi cùng các bậc thầy đi trước. Sau đây chúng con xin được mạn phép đệ trình lên một vài ý kiến đóng góp, nếu có điều gì mạo phạm xin quí Ngài từ bi lượng thứ cho.

2.1. Tránh sự giảng thuyết tùy tiện.

Phật pháp tuy đa dạng nhưng luôn được quy nạp theo tinh thần của hai hệ thống giáo lý chính, đó là giáo lý Nguyên thuỷ và giáo lý Phát triển (Đại thừa). Cho nên khi giảng dạy, dẫu chúng ta có khai triển rộng hẹp khác nhau nhưng phải căn cứ vào hai hệ thống giáo lý này làm nền tảng căn bản, không nên trên pháp toà, cao hứng tùy tiện quá mức. Kết quả sau mỗi buổi giảng làm cho Tăng Ni, Phật tử hoang mang, thậm chí “ngớ ngẩn” về nhiều vấn đề, hoặc căn cứ vào những lời giảng dạy đó tam sao thất bản với người khác, với quý thầy trưởng thượng. Đây là vấn đề không được tốt đẹp cho Phật pháp.

2.2. Hoằng Pháp không nên chỉ nhắm vào Phật tử thuần thành.

Sở dĩ Phật ra đời chính là vì cuộc đời quá nhiều đau khổ. Đức Phật là bậc đại lương y, tùy bệnh cho thuốc để chúng sinh lìa khổ được vui. Như vậy, gạo cơm cần cho người đói thiếu, nghèo khổ, chớ ai đem cho người dư ăn bao giờ. Bác sĩ cho thuốc bệnh nhân, chớ người lành mạnh họ không cần thuốc. Do đó, người hoằng Pháp phải nhắm vào người chưa được thuần thục, những người chưa biết Phật pháp, tạo phương tiện gần gũi, khéo dùng phương tiện để dẫn dắt họ quay về với Chính pháp, lìa khổ được vui. Đó là nhiệm vụ căn bản của sứ giả Như Lai. Còn vô số chúng sinh nghèo đói, bệnh tật đang cần lương y, đang cần những nhà hảo tâm như chúng ta ra tay cứu giúp! Đây là vấn đề đòi hỏi lương tâm, lòng kiên nhẫn, chịu khó vì Phật pháp của người làm nhiệm vụ hoằng pháp.

2.3. Kết nối các nhóm thiện nguyện.

Một khía cạnh khác của thời đại là các tập thể câu lạc bộ, đoàn viên, hội nhóm… xuất hiện ngày càng nhiều và tổ chức bài bản. Những tập thể này sinh hoạt theo tiêu chí riêng, không hẳn là của tôn giáo nào. Như trong một tập thể, có thể nhiều cá nhân khác niềm tin tôn giáo, nhưng họ đều chung lý tưởng, đó là gắn kết với nhau trong công tác thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ nhau trong học tập, sống vì người khác, nương tựa lẫn nhau và xem như người một nhà.

Như vậy, ngoài những tập thể sinh hoạt mà ta thường thấy trong Phật giáo như đạo tràng Phật tử, gia đình Phật tử, câu lạc bộ Phật tử… thì các nhóm nêu trên sẽ là môi trường và cánh tay dang rộng để chúng ta có thể kết nối, gẫn gũi và dần đưa họ lại gần với Phật giáo.

2.4. Lễ Hằng thuận trong Phật giáo.

Cư sĩ tại gia là hàng ngũ không thể thiếu trong đoàn thể đệ tử Phật, sự có mặt và đóng góp của quý vị ấy được khẳng định từ khi Đức Phật truyền bá Chính pháp. Xuyên suốt chiều dài lịch sử cho đến hôm nay, biết bao gương hạnh hộ pháp của cư sĩ tại gia, giúp xiển dương chính pháp của đức Như Lai. Việc thực hiện lễ Hằng thuận trong chùa, dưới sự chứng minh của chư Tôn đức Tăng Ni và họ hàng hai bên trước Tam Bảo trang nghiêm sẽ tăng thêm niềm tin cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Bên cạnh đó, đôi bạn trẻ được trang bị thêm kiến thức hôn nhân gia đình qua lời dạy của chư Tăng, để từ đó thêm hành trang cho đời sống gia đình cũng như giáo dục thế hệ con cháu mai sau.

Trong các phần quan trọng của lễ Hằng Thuận, đó là giấy chứng nhận lễ Hằng Thuận, với đầy đủ tên và pháp danh của đôi bạn trẻ, ai chưa quy y thì được Chư Tăng chứng minh buổi lễ ban cho pháp danh, xem như là một người con Phật chính thức. Sau chương trình lễ còn có tiệc chay mời bà con họ hàng, đây là dịp cho những người chưa thưởng thức món chay, biết được việc ăn chay ngon và giá trị như thế nào. Tất nhiên, việc làm này sẽ vun bồi thêm công đức cho gia đình và đôi vợ chồng, tránh bớt nghiệp quả xấu cho con cháu mai sau.

Việc này chứng minh cho mọi tầng lớp trong xã hội thấy rằng, đạo Phật không xa cuộc đời, mà thiết thực xây dựng nếp sống hạnh phúc gia đình và xã hội ngay trong hiện tại. Đương nhiên, muốn mọi người nhìn nhận tích cực hơn về việc tổ chức lễ Hằng Thuận tại chùa, thì mọi công tác tổ chức như trang trí, âm nhạc, lễ nghi, quần chúng… phải vừa mang tính hiện đại, gần gũi, vừa mang nét trang nghiêm, thoát tục của chốn thiền môn. Được vậy, lo gì giới trẻ không đến với chùa trong những lúc quan trọng của cuộc đời!

2.5. Một số giải pháp thực hiện

Về cơ bản, quý Thầy hướng đạo nơi các chùa thuộc GHPGVN đã làm tốt các công tác Phật sự tại địa phương. Nhưng để cho Phật Pháp được lan truyền rộng rãi hơn nữa, chúng con xin mạo muội có đề xuất một số giải pháp như sau:

– Nên có sự kết hợp, giao lưu giữa các chùa trong cùng địa bàn để có thể tổ chức được các chương trình mang tính quy mô; 3 tháng một lần sẽ có một chương trình giao lưu giữa các chùa.

– Thỉnh mời quý thầy trong Ban Trị sự và Ban Hoằng Pháp cấp tỉnh đứng ra tổ chức cũng như giảng Pháp. Một năm sẽ có chương trình tổng kết, thỉnh mời Ban Hoằng pháp Trung ương và các quý thầy giảng sư có uy tín về giao lưu.

– Mở thêm các lớp bồi dưỡng giáo lý chuyên sâu cho Phật tử trong địa bàn, mỗi Phật tử sẽ là một hoằng Pháp viên, là cánh tay nối dài của quý Thầy để đem ánh sáng Phật pháp đến với mọi người. Được theo học các lớp giáo lý sẽ tạo ra sự phấn khởi trong việc học và tu tập của người Phật tử. Để làm được những việc đó đòi hỏi phải có sự đoàn kết, sự nhiệt tâm ủng hộ của các quý Thầy các chùa trong địa bàn vì mục đích đem giáo Pháp đi vào cuộc đời, làm cho Phật pháp được trường tồn trên thế gian. Đó cũng là lý tưởng của tất cả những người con Phật.

III. KẾT LUẬN

Cuối cùng, xin trích lại lời dạy của Đức Phật về hạnh nguyện hoằng Pháp để một lần nữa nhắc nhở cho tất cả chúng ta: “Này các Tỷ khiêu!… hãy lên đường vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá Chính pháp… Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ.”

Những người sứ giả hoằng Pháp chúng ta hãy lên đường, hãy biết vận dụng những phương tiện mới, nâng niu những cơ hội và môi trường hoằng pháp mới với tuổi trẻ, giới trí thức và người cao tuổi. Đặc biệt, hãy là một “Sứ giả hoằng pháp” thực thụ. Một người phải nếm trải ít nhiều hương vị giáo pháp thì mới có chất liệu khơi dậy niềm tin giáo pháp ở người khác. Bằng không, thì lợi ích không lớn, hoặc nguy hại đến bản thân, như một người không biết bắt rắn, thì có thể bị hại tính mạng khi bắt rắn; một người không tiếp nhận đúng Chính pháp thì cũng nguy hại như vậy, đó là lời nhắc nhở của Đức Phật trong bài Kinh Ví Dụ Con Rắn.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Thọ
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường