Thích Nguyên Sĩ Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023
Trong kinh điển ta bắt gặp rất nhiều sự im lặng của đức Phật; im lặng sau khi thành đạo có lẽ là sâu sắc nhất.
Sự im lặng này vừa chiêm nghiệm lại quá trình chiến thắng nội tâm, đồng thời tận hưởng những phút giây an lạc sau khi chứng đắc Vô-thượng Bồ-đề của Ngài. Sự im lặng này cũng nói lên rằng: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới cảm nhận! Còn quần chúng này ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó thấy định lý này, tức là y duyên tính duyên khởi pháp. Thật khó thấy định lý này, tức là tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sinh y được từ bỏ, ái tận, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, như vậy thật mệt mỏi cho Ta, như vậy thật bực phiền cho Ta.”
Hoặc ta có thể thấy sự im lặng ghi nhận trong lễ Bố-tát, được các bộ Luật ghi lại khi đức Phật tập Tăng thuyết giới. Hoặc Thiền tông có tích truyện “Niêm hoa vi tiếu” Ca-diếp mỉm cười khi đức Phật đưa cành hoa sen. Nơi khác, ta có thể bắt gặp sự im lặng của Duy-ma- cật trước câu hỏi của Văn-thù về bất nhị pháp môn, và được Văn-thù hết lời tán thán. Lẽ đó, chúng ta tìm hiểu nội dung thuyết pháp mà cư sỹ Duy-ma bổ thuyết lời Phật trong bổn kinh Duy-ma-cật sở thuyết (Vimalakīrti-nirdeśa-sūtra).
1. KINH DUY MA CẬT
Vimalakīrti-nirdeśa có nghĩa là “lời dạy của Vimalakīrti”. Vimalakīrti có nghĩa là “người được xưng là đã lìa khỏi nhiễm ô”, là nhân vật chính của kinh này. Vimalakīrti ở thành phố thành phố Vaiśārī. Người này trong quá khứ đã tích tập căn lành, đã thành tựu đến nỗi có thể gọi là Phật, nhưng vì để dẫn dắt chúng sinh nên sinh ra làm người tại gia sống ở thành này. Một hôm Vimalakīrti biết thế tôn đến thuyết pháp ở thành đó liền giả bệnh. Thế tôn biết liền sai đệ tử đi thăm Vimalakīrti. Nhưng mọi người đều từ chối vì biết sự đối ứng biện tài của Vimalakīrti.
Tuy nhiên, cuối cùng Manjuśrī quyết định đi thăm Vimalakīrti, Manjuśrī dẫn đầu cùng với nhiều bồ-tát, thanh văn và chư thần đến nhà Vimalakīrti. Khi được Manjuśrī hỏi bệnh thế nào, Vimalakīrti đáp “vì chúng sinh có bệnh nên tôi cũng bệnh”. Điều này làm rõ bản tính bệnh của Vimalakīrti.
Tiếp theosau đó làsự đối biện của Manjuśrī và Vimalakīrti, đối biện này đã chạm đến tinh tuý của tư tưởng “tính không”. Sau đó có một vài vấn đấp của các vị thanh văn, thiên nữ... , cao trào của buổi vấn đáp này là sự im lặng của Vimalakīrti ở phẩm Nhập Bất Nhị Pháp Môn.
Kinh cũng cho biết Vimalakīrti từ thế giới Diệu Hỷ đến. Kinh biểu hiện nhiều nghịch thuyết để đề cập không tính. Đây là kinh điển đặc biệt rất được biết rộng rãi và được yêu chuộng bởi nhân vật chính là nam cư sỹ tại gia chứng đắc không tính.
Hán dịch và các sớ giải thì tồn tại rất nhiều, đặc biệt các văn bản chú-giải nổi tiếng nhất là của ngài Tăng Triệu, Cát Tạng, Trí Khải… Nhật Bản thì bản chú giải của Thánh Đức Thái Tử 聖 德太子 (574-662) là được dùng nhiều nhất. Hiện ba bản Hán dịch tham khảo trên Taisho (大 正) đáng quan tâm nhất là:
Phật thuyết Duy-ma-cật kinh 佛說維摩詰經. Đại chánh 14 no 474, 2 quyển, Ngô, Chi Khiêm 支謙 dịch.
Duy-ma-cật sở thuyết kinh 維摩詰所說經. Đại chánh 14 no 475, 3 quyển, Dao Tần, Cưu- ma-la-thập 鳩摩羅什 dịch.
Phật thuyết Vô Cấu Xưng kinh 說無垢稱經. Đại chính 14 no 476, 6 quyển, Đường, Huyền Trang 玄奘 dịch.
Tibet dịch ‘Phags pa Dri med grags pas bstan pa źes bya ba theg pa chen po’i mdo, (P.843). Dịch bởi Chos nyid tshul khrims (dharmatāśīla) (8th Century A.D). Ngoài ra còn có bản Phạn, Tạng, Hán Đối Chiếu, bản này rất tiện dụng. • 大正大 学綜合佛教研究所『梵蔵漢 対照「維摩経」』(大正大 学綜合佛教研究 所梵文研究 会、2004 (Study Group on Buddhist Sanskrit Litterature (2004), Vimalakīrtinirdeśa: Transliterated Sanskrit Text Collated with Tibetan and Chinese Translations, Study Group on Buddhist Sanskrit Literature, The Institute for Comprehensive Studies of Buddhism, Taisho University, Tokyo.
2. TỔNG THỂ NỘI DUNG
2.1. Nội dung tổng thể của Kinh
Như đã biết, nội dung tổng thể của kinh Duy-ma, đó là, kiến lập Phật quốc độ, tịnh độ ở hiện đời này là chủ đề căn bản. Câu nói nổi tiếng thường được biết đến “kỳ tâm độ tịnh tức Phật độ tịnh”, lời chỉ dạy của đức Phật dành cho thanh niên Bảo Tích (Ratnākara) về hành tướng Tịnh độ của Bồ-tát: “Bảo Tích ! Nếu Bồ-tát muốn làm thanh tịnh quốc độ, hãy làm thanh tịnh tự tâm. Tùy theo tâm tịnh mà Phật độ tịnh.”
Bồ-tát muốn thành tựu quốc độ hãy thanh tịnh tự tâm, tùy theo tâm tịnh, Phật độ tịnh. Sự bao dung của một vị Bồ- tát được kí tải qua hình tượng cư sĩ Duy-ma-cật; tổng thể ấy, hình ảnh ấy, được phát nét qua 12 phẩm theo bản Phạn Vimalakīrti-nirdeśa-sūtra, 14 phẩm theo bản Hán của La- thập và Huyền Trang.
Nội dung thuyết pháp mà cư sĩ Duy-ma bổ thuyết lời Phật trong kinh Duy-ma-cật, từ phẩm thứ 2 đến phẩm thứ 10 mà nhân vật Vimalakīrti nói là bổ thuyết cho những gì đức Phật đã nói về tịnh độ của Bồ- tát ở phẩm thứ nhất. Nhưng tóm yếu nội dung chính mà cư sĩ Duy-ma thuyết, được thể hiện qua luồng tư tưởng, giải thoát bất khả tư nghì và pháp môn bất nhị.
Quan niệm trọng yếu của kinh này là tính không (sa. śūnyatā) của tất cả các pháp. Trong tính không này thì cả Hữu lẫn Vô đều được hợp nhất. Bất nhị (sa. advaya) là nền tảng của giáo lý trong kinh này thế nhưng, bất nhị rất khó diễn bày. Ba mươi hai vị Bồ Tát (chương 8) đều không trình bày nổi. Ngay cả Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi (sa. mañjuśrī) - hiện thân của trí huệ siêu việt - cũng không giải thích nổi bởi vì ngôn ngữ không thể diễn bày Pháp môn bất nhị này. Chỉ có Duy-ma-cật giãi bày bằng sự im lặng, một sự im lặng sấm sét (mặc như lôi 默如雷). Im lặng ở đây không phải là không hiểu, không diễn bày mà chính là ngôn ngữ tuyệt đỉnh, ngôn ngữ duy nhất có thể trình bày cái Bất khả tư nghị (sa. acintya).
2.2. Duy-ma-cật bổ thuyết lời Phật dạy
Đại Sư Tăng Triệu chú giải cho kinh Duy-ma-cật cũng chỉ điểm rằng:“Điểm thuyết minh của Kinh này, để thống hợp vạn hạnh, thì lấy quyền trí làm chủ; trồng cội đức, thì lấy sáu độ làm rễ; cứu vớt kẻ ngu khờ mê hoặc thì lấy từ bi làm đầu. Cực điểm của ngữ tông, thì lấy bất nhị làm cửa. Chúng thuyết này đều là gốc của bất tư nghị vậy.” Điều này chúng ta có thể xem rõ nhất ở phẩm 6 “Bất tư nghì” và phẩm 9 “Pháp môn bất nhị”.
Phẩm 6: Các đề tài được đàm luận ở đây là tính không (śūnyatā), một cái nhìn phân tích sâu sắc về bệnh tình của Duy-ma-cật và lĩnh vực hoạt động của một Bồ-tát. Duy-ma- cật diễn giảng sự giải thoát bất khả tư nghị cho các vị Như Lai và Bồ-tát.
Phẩm 9: Theo lời yêu cầu của Duy-ma-cật, ba mươi mốt vị Bồ Tát trình bày quan điểm của mình về pháp môn bất nhị. Khi Văn-thù-sư-lợi trình bày quan điểm của mình và yêu cầu Duy- ma-cật trình bày kiến giải, ông ta chỉ lặng thinh.
Theo phần y cứ đã dẫn trên, từ phẩm thứ 2 đến phẩm thứ 10 mà nhân vật Vimalakīrti nói là bổ thuyết cho những gì đức Phật đã nói về tịnh độ của Bồ- tát ở phẩm thứ nhất. Bắt đầu phẩm 11 “Bồ Tát hành”, Bồ-tát hạnh của kinh này được phát nét qua phẩm thứ 11 này. Nội dung Bồ-tát hạnh của kinh Duy-ma-cật mục đích làm lợi ích chúng sinh, làm tăng tiến hạnh phúc (upacayaṃ karoti) cho chúng sinh, giáo hóa (vinayo bhavati) chúng sinh, làm chúng sinh nhập vào trí tuệ của Phật (buddhajñānam avataranti), v..v.
Nhưng để có thể đạt được quả là có khả năng làm lợi ích chúng sinh, Bồ-tát phải thành tựu nhân là sự tu hành của bồ-tát. Đó là 18 nhân: (1) Trực tâm (āśaya), (2) Thâm tâm (adhyāśaya), (3) Gia hành (prayoga), (4) Bồ-đề tâm (bodhicitta), (5) Bố thí (dāna-), (6) Trì giới (śīla-), (7) Nhẫn nhục (ksānti-), (8) Tinh tấn (vīrya-), (9) Thiền định (dhyāna-), (10) Trí huệ (prajñā-), (11) Tứ vô lượng tâm, (12) Tứ nhiếp sự, (13) thiện xảo phương tiện, (14) Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, (15) Hồi hướng tâm, (16) Thuyết pháp để trừ 8 nạn, (17) Tự mình giữ giới và không phê bình người khác phá giới, (18) Tịnh tu 10 nghiệp thiện thân, khẩu, ý.
Phẩm 11 này, toàn pháp hội tại nhà Duy-ma-cật được chuyển đến rừng Am-la, ngay trước mặt Phật Thích-ca. Sau khi hỏi Duy- ma-cật, A-nan bạch Phật rằng thức ăn tại nhà Duy-ma-cật có cùng hiệu quả như hiệu quả của Phật. Phật Thích-ca đồng ý và thuyết một bài pháp tên Ngộ nhập nhất thiết Phật pháp pháp môn 悟入一切佛 法 法 門 (Sarvabuddhadharmapraveśa), giải thích những điểm dị biệt và giống nhau của Phật độ, tính bình đẳng và bất khả tư nghị của Phật, tính chất siêu việt của các vị Bồ Tát so với hàng Thanh Văn.
Thể theo yêu cầu của các vị Bồ-tát từ Phật độ Nhất Thiết Diệu Hương (Sarvagandhasugandha), Phật Thích-ca giảng thêm pháp môn Tận vô tận vô ngại giải thoát pháp môn 盡無盡無閡法門 (ksayāksayo nāma vimoksah). Các vị Bồ Tát nghe bài thuyết pháp xong hoan hỉ trở về Phật độ của họ.
Tư tưởng Duy-ma ra đời tại thành Tỳ-xá-ly và manh nha phát triển trong xã hội thời bấy giờ. Căn cứ theo chỉ dẫn Đại Đường Tây vực ký, biên soạn bởi pháp sư Huyền Tráng, chỉ điểm điển tích của trưởng giả Duy-ma-cật, và thanh niên Bảo Tích như sau: “Phía đông bắc già-lam ba dặm có một ngôi tháp. Đó là nền nhà cũ của Tỳ-ma-la-cật, có nhiều linh dị. Cách đó không xa, có một miếu thần, hình trạng như đống gạch. Truyền thuyết gọi là Tích thạch, là chỗ trưởng giả Vô Cấu Xưng hiện bệnh, thuyết pháp. Cách đó không xa, có một ngôi tháp, là nhà cũ của trưởng giả Bảo Tích. Cách đó không xa có một ngôi tháp, là nhà cũ của Yêm-một-la nữ.”
3. LỜI KẾT
Có thể nói kinh Duy-ma-cật là thức ăn tinh thần của Phật giáo Đại thừa, xuất hiện vào thế kỉ thứ 2 sau Công nguyên. Nhờ kinh này mà người ta có thể xem cư sĩ và tăng sĩ có một mục đích như nhau trên bước đường giác ngộ. Kinh mang ý nghĩa, với một tinh thần phụng sự chúng sinh, xây dựng xã hội của Phật giáo Đại thừa. Như vậy, cư sĩ Duy-ma-cật, một hành trạng, với lý tưởng Bồ- tát quả thật cao cả, một sự hi sinh thầm lặng, cứu vớt những chúng sinh hãy còn chìm đắm trong ngũ dục. Nhưng, để học được những hành trạng ấy, hạnh bao dung ấy, chúng ta cần phải có sự huân tập, không thể xuất ngôn vô độ, nói mớ được.
Thích Nguyên Sĩ Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023 ***CHÚ THÍCH: (1) Tăng Sinh khóa XV, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM. (2) Majjhima.167 -Ariyapariyesanā-sutta (Kinh Thánh Cầu); Saṃyutta 1. 136-Tương ưng Phạm Thiên. Duy-ma-cật 1. T14.No.475, p.538c4. 寶積!若菩薩欲得淨土,當淨其心;隨其心淨,則佛土淨。」 (3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Duy-ma-cật-sở-thuyết kinh. (4) Duy-Ma-Cật Sở Thuyết, Tuệ Sỹ dịch. Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2008; tr. 24. Đại Đường Tây vực ký 7, T.2087, p.908b22-28.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: Taishō Shinshū Daizōkyō (大正新脩大藏經) 2. Duy-Ma-Cật Sở Thuyết, Tuệ Sỹ dịch. Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2008. 3. Thích Minh Châu dịch, kinh Trung bộ và kinh Tương Ưng bộ. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 2016. 4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Duy-ma-cật-sở-thuyết kinh. 5. Mạng điện toán toàn cầu.
Bình luận (0)