Trang chủ Chuyên đề Sự hình thành và phát triển Sơn môn Liên Phái

Sự hình thành và phát triển Sơn môn Liên Phái

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

NNC.Nguyễn Đại Đồng

1. Tổ đình Liên Phái

Trịnh Linh (lớn lên gia tộc đổi tên là Trịnh Thập) là con trai thứ 11 của Tấn Quang vương Trịnh Bính (1670-1702). Năm 7 tuổi, thân phụ qua đời, Trịnh Thập được anh ruột là chúa Trịnh Cương Hy Tổ Nhân vương đón về nuôi dạy.  Do có tài đức nên vua Lê Hy Tông (1676-1705) đã gả con gái thứ 4 cho ngài[1] và cấp cho một khu đất rộng 6 mẫu Bắc Bộ ở địa phận làng Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương,  phủ Phụng Thiên (nay thuộc Ngõ Chùa Liên Phái, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng), Hà Nội.

 Năm 1715, khi vừa tròn 20 tuổi, Trịnh Thập đã dâng sớ xin với chúa Trịnh Cương được xuất gia xả tục, cũng trong thời gian này Trịnh Thập được phong chức Phó tướng, tước Thân Quận công nắm giữ binh quyền phò giúp triều đình.

Một hôm, Trịnh Thập sai người đào đất ở phía sau nhà thì thấy một ngó sen rất lớn, ông cho đó là điềm báo phải xuất gia, bèn cho sửa phủ đệ thành chùa đặt tên là Liên Hoa để tham thiền đọc kinh Phật[2]. Sau đó ông bỏ nhà lên núi Yên Tử tìm sư tổ Chân Nguyên Long Động (1646-1726) học đạo. Thấy Trịnh Thập là người có tâm với đạo, lại có trí tuệ hơn người, nên tổ Chân Nguyên đã hướng dẫn ông tu tập rất cẩn thận và trao pháp hiệu Như Như. Ít lâu sau tổ Chân Nguyên truyền tâm ấn cho Trịnh Thập và cử ngài về trông nom chùa Hàm Long, huyện Quế Võ (nay thuộc thôn Thái Bảo, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh), tỉnh Bắc Ninh và khai đàn thuyết pháp ở đây, người đến tham học rất đông. Sau, sư trở về trụ trì tại chùa Liên Tông. Tại đây, Sư hoằng hóa rất thạnh, đồ chúng đến tham học rất đông. Do đó lập thành một phái lấy hiệu là Liên Tông còn gọi là sơn môn Lâm Tế Liên Phái thực hành Thiền –Tịnh song tu.  Như Trừng Lân Giác Thượng Sĩ (1696-1733), đời thứ 37 tông Lâm Tế, được suy tôn là tổ đời thứ nhất tổ đình Liên Phái[3].

Tổ đời thứ 2: Hòa thượng Trạm Công Tính Truyền nổi tiếng khắc ván in kinh sách. Trong vòng 10 năm (1636-1746) tổ cho khắc in được 6 bộ kinh: Từ bi thủy sám khai pháp, Từ bi tam muội thủy sám kinh văn, Dược Sư lưu ly Quang Như Lai bản nguyện, Diệu pháp liên hoa kinh, Tứ phần luật đại cương, Ngũ đăng hội nguyện, Ngài còn đưa về chùa Liên Phái 146 bộ kinh sách.

Tổ đời thứ 3: Bảo Sơn Tính Dược Hòa thượng. Hiện còn tượng thờ ở nhà Tổ, và tháp mộ ở khu vườn tháp trong chùa.

Tổ đời thứ 4: Từ Phong Hải Quýnh Hòa thượng (1728-1811). Ngài họ Nguyễn, quê ở thôn Nghiêm Xá, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh. Năm 16 tuổi, ngài xuất gia với thiền sư Bảo Sơn Tính Dược tại chùa Liên Phái. Sau ngày tổ Bảo Sơn Tính Dược viên tịch, ngài kế đăng và đăng đàn thuyết pháp, đồ chúng các nơi đến tham học tới 300 người. Hiện còn tượng thờ ở nhà thờ Tổ và tháp mộ ở khu vườn tháp trong chùa Liên Phái.

Tổ đời thứ 5: Kim Liên Tịch Truyền Hòa thượng (1745-1816). Ngài quê thôn Trình Viên, huyện Thường Tín, Hà Nội. xuất gia từ thuở thiếu niên ở chùa Vân Trai cùng huyện. Sau , ngài đến cầu học Hòa thượng Từ Phong Hải Quýnh ở chùa Liên Phái. Hiện còn thờ ở nhà thờ Tổ và tháp mộ  ở khu vườn tháp trong chùa Liên Phái.

Tổ đời thứ 6: Phổ Tính Đại sư có tên hiệu là Thanh Hinh Đại sư. Khoảng giữa thế kỷ XIX, chùa Liên Phái bị đổ nát, khả năng tịnh tài của chùa lại hạn chế nên Đại sư đã dẫn các môn đồ đến chùa Liên Trì Hải Hội[4] mời Hòa thượng Phúc Điền về trụ trì chùa Liên Phái. Sau khi tu bổ tôn tạo lại chùa cảnh, Hòa thượng Phúc Điền thỉnh Đại sư Thanh Hinh làm Giám tự chùa Liên Phái.

Tổ đời thứ 7: Hòa thượng Phúc Điền (1784-1863), họ Vũ, quê xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, xuất gia năm 12 tuổi. Năm 1835 vào kinh đô Huế dự kỳ khảo hạch của triều đình, được vua Minh Mạng ban giới đao độ điệp. Là người có công lớn trong sự nghiệp hoằng pháp biên soạn kinh sách và đào tạo Tăng tài.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chua Lien Phai 1

Tam bảo chùa Liên Phái. Ảnh: St

Tổ đời thứ 8: Hòa thượng Thích Thông Bính (Bính Đào). Ngài vốn ở chùa Tràng Tín, Hàng Chuối, Hà Nội, sau được đón về trụ trì chùa Liên Phái. Ngài có 10 đệ tử được chia đi trụ trì các chùa ở Hà Nội.

Tổ đời thứ 9: Thiền sư Thanh Duyên.

Tổ đời thứ 10: Đang tìm trong Thiền phả.

Tổ đời thứ 11: Hòa thượng Thanh Dụng, trụ trì năm 1950, viên tịch năm 1980.

Tổ đời thứ 12: Hòa thượng Thích Thanh Tuệ, trụ trì từ năm 1951 đến 1991.

Tổ đời thứ 13: Hòa thượng Thích Gia Quang. Ngài kiêm nhiệm trụ trì chùa Tràng Tín, phố Hàng Chuối; chùa Linh Thông, huyện Đông Anh Hà Nội; chùa Phố Cũ, TP. Cao Bằng. Hiện là Phó Chủ tịch HĐTS, kiêm Trưởng ban Truyền thông, Tổng biên tập tạp chí Nghiên cửu Phật học tại Hà Nội. Chùa đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật ngày 28 tháng 4 năm 1962.

2. Chùa Hàm Long, thành phố Bắc Ninh

Sau hơn một năm theo học với thiền sư Chân Nguyên Long Động, Như Trừng Lân Giác được sư tổ cử về chùa Hàm Long, tỉnh Bắc Ninh hoằng đạo. Bấy giờ chùa đã trở thành phế tích do trải nhiều năm không có người trông coi. Ngài Như Trừng cùng nhân dân trong vùng tiến hành khai sơn phá thạch kiến thiết trùng tu chùa cảnh thật tố hảo. Từ đó Tăng chúng từ Bắc đến Nam theo về tham thiền học đạo rất đông. Sau khi ngài viên tịch, các đệ tử trong môn phái tâu lên triều đình và rước xá lợi về kinh sư. Thái phi ban tặng cho từ mẫu và người trong môn phái được dựng tháp ở chùa Liên Phái và chùa Hàm Long để đặt xá lợi và ghi chép tiểu sử. Cũng năm ấy (1733), vua Lê Dụ Tông  ban sắc phong ngài là Cao Thiền Viên Giác Hòa thượng. Tháp đá đặt xá lợi ngài tại chùa Hàm Long có tên là Tháp Cứu Sinh.

Lịch đại tổ sư

1. Tổ đời thứ nhất: Lân Giác Thượng sĩ Hoằng nguyện Độ sinh Như Như Trừng Trừng Viên Giác Cao Thiền Hòa thượng Đại Tuệ Thiền sư (1690 – 1733)[5] ở viện Ly Trần chùa Liên Tông (Bạch Mai, Hà Nội).

2. Tổ đời thứ 2, Tịnh Minh Tháp, Tỷ khiêu Tính Ngạn Thích Ngột Ngột Hòa thượng (1690-1745). Quê làng Nhân Lâm, huyện Thường Tín, Hà Nội.

3. Tổ đời thứ 3: Vũ Hoa Hòa thượng.

4. Tổ đời thứ 4: Chính Trí Tịch Dự.

5. Tổ đời thứ 5: Chính Tâm Đại sư.

6. Tổ đời thứ 6: Chân Không Phổ Toán thiền sư.

7. Tổ đời thứ 7: Thông Vinh Tỷ khiêu Đại sư.

8. Tổ đời thứ 8: Hòa thượng Thích Ngọc Uẩn (1887-1949), tự là Mật Ngân và Hựu Hàm Nghi, quê Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

9. Tổ đời thứ 9: Hòa thượng Thích Thanh Nhân ( ? -1973).

10. Tổ đời thứ 10: Hòa thượng Thích Thanh Dũng (1933-nay).

Chùa Hàm Long được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 28/BVH ngày 28 tháng 1 năm 1988.[6]

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chua Ham Long Bac Ninh 1

Chùa Hàm Long, Bắc Ninh. Ảnh: St

3. Chùa Hộ Quốc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Năm 1715, Phò mã Trịnh Thập dâng sớ xin chúa Trịnh Cương cho phép ông được xuất gia đầu Phật. Ông được vua Lê Dụ Tông (1705-1728) phong làm Phó tướng, tước Thân Quốc công nắm giữ binh quyền, phò giúp triều đình. Cũng trong thời gian này, Trịnh Thập đã cúng tiền vào việc trùng tu tôn tạo chùa Hộ Quốc, số 130 phố Nguyễn Khoái, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội[7].

Chùa hiện do sư Ni trụ trì. Chùa được xếp hạng Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 9 tháng 1 năm 1990.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chua Ho Quoc Thanh Luong Ha Noi 1

Chùa Hộ Quốc (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: St

4. Nhất Đọi, nhì Đa, thứ ba Khê Hồi

Các đệ tử của tổ đình Liên Phái đã tỏa đi hoằng hóa khắp vùng Thường Tín, Phú Xuyên và Duy Tiên, Hà Nam, với các chùa  Nhất Đọi, Nhì Đa, thứ ba Khe Hồi, như Lê Quốc Việt trong bài Chùa Am Phổ Quang cho biết:

1. Lân Giác Thượng sỹ Hoằng nguyện Độ sinh Như Như Trừng Trừng Viên Giác Cao Thiền Hòa thượng Đại Tuệ Thiền sư (1690 – 1733) ở viện Ly Trần chùa Liên Tông (Bạch Mai, Hà Nội).

2. Bảo Sơn tháp Từ Bi Quảng Đại Phúc Tuệ Viên Minh Trí Củ Tỷ khiêu Tính Thược[8] Diệp Diệp Viên Dung Hoà thượng Phổ Tế Tổ sư (1674 – 1774) ở chùa Sùng Phúc (Thường Tín, Hà Nội).

3. Từ Phong tháp Chính Định Viên Minh Thanh Lương Phổ Trạch Chân Thị Tỷ khiêu tự Hải Quýnh Chiêu Chiêu Bố Đức Thiền sư (1728 – 1811) ở quán Kim Sơn (Phú Xuyên, Hà Nội).

4. Từ Niệm tháp Ma ha Tỷ khiêu giới tự Tịch Chiếu Minh Minh Nhuận Đức Thiền sư ở chùa Hoa Lâm (Thường Tín, Hà Nội).

5. Từ Hoà tháp Ân tứ đao điệp Ma ha Tỷ khiêu tự Chiếu Thường Tại Tại Hoà thượng Nhục thân Bồ tát chùa Long Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) và chùa Hoa Lâm (Thường Tín, Hà Nội).

Tổ Từ Hoà Chiếu Thường súc dưỡng được các đệ tử:

1. “Nhất Đọi” là Từ Nghiêm tháp Phổ Đoan Tỷ khiêu Thanh Tùng Từ Thuận Bồ tát Luật sư (1794 – 1866).

2. “Nhì Đa” là Bảo Liên tháp Từ Tâm Mật Hạnh Trí Tính Viên Minh Ma ha Tỷ khiêu tự Phổ Thiền Hoá thân Bồ tát.

3. “Thứ ba Khê Hồi” (và Thọ Ngải) là Từ Đạt Chính Tín Tỷ khiêu Phổ Thịnh Thích Quang Quang Luật sư.

Nhất Đọi. Theo Lê Quốc Việt, Đệ nhất tổ Long Đọi là Từ Nghiêm Phổ Đoan Thanh Tùng. Tuy nhiên, Ngô Văn Trưởng trong bài Đọc Long Đọi tự xưa và nay[9] cho biết lịch đại tổ sư chùa Long Đọi, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam như sau: Theo Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ của Phúc Điền, thiền sư Hải Triều Tự Tại (1706-1761) họ Nguyễn, quê ở Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Lúc đầu ngài đến chùa Liên Tông học đạo với tổ Bảo Sơn Tính Dược, đệ tam trụ trì chùa Liên Phái. Sau khi ngộ đạo mới về chùa Long Đọi trụ trì, kiến lập tùng lâm, phát triển thiền phái. Do đó, chùa Đọi thuộc về sơn môn Lâm Tế Liên Phái và thiền sư Hải Triều Tự Tại trở thành Đệ nhất tổ Long Đọi.

Tổ đời thứ hai: Tịch khoan Nhân Trí (1733-1778) quê Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Năm 13 tuổi ngài xuất gia với tổ Hải Triều.

Tổ đời thứ ba: Chiếu Tính Đức Hạnh sinh năm 1749 viên tịch năm 1793.

Tổ đời thứ tư: Phổ Minh  Chấn Đức, họ Lương quê ở Hưng Yên, sinh 1766 viên tịch 1838. Năm 19 tuổi xuất gia, 33 tuổi được ban chức Tăng chính.

Tổ đời thứ năm: Từ Hòa Chiếu Thường Tại Tại Hòa thượng họ Tạ, quê Đội Lĩnh, sinh 1781, xuất gia với tổ Phổ Minh Chấn Đức ở chùa Đọi Sơn, sau theo học với tổ Từ Niệm Tịch Chiếu ở chùa Khê Hồi. Năm 1816, tổ Từ Niệm viên tịch, Từ Hòa Chiếu Thường kế đăng làm tổ thứ 2 Khê Hồi. Sư xuất gia với tổ Phổ Minh Chấn Đức, pháp danh chữ Thông theo kệ phái, nhưng sư chỉ dùng tên tự  Chiếu Thường của tổ Từ Niệm ban cho năm 1838 sư Phổ Minh Chấn Đức viên tịch, Từ Hòa Chiếu Thường kế đăng, viên tịch 1840.

Tổ đời thứ sáu: Đại sư Từ Thuận Phổ Đoan Thanh Tùng, họ Tạ, người Đội Lĩnh (là cháu của Từ Hòa Chiếu Thường), 18 tuổi xuất gia, lúc đầu theo Hòa thượng Phúc Điền học tập, sau đắc pháp với tổ Từ Hòa Chiếu Thường. Ngài sinh 1794, tịch năm 1866, hiệu là Từ  Nghiêm.

Tổ đời thứ bảy: Thiền sư Bảo Thụ (1823-1900), quê ở huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Họ Trần, tên Bảo Thụ. Đầu tiên ở chùa Thanh Sơn, Hương Tích, sau đó mới về chùa Long Đọi Sơn. Giỗ ngày 15 tháng 10 hàng năm.

Tổ đời thứ tám: Từ Viên Thông Quyền, (1839 -1908), xuất gia với tổ Phổ Đoan Thanh Tùng, là huynh đệ với thiền sư Bảo Thụ, kế đăng trụ trì.

Tổ đời thứ chín: Thiền sư Thích Quảng Chí, (1858 – 1929). Quê ở huyện Thường Tín. Họ Vũ tên là Phúc Hựu. Giỗ ngày mùng 8 tháng 9 hàng năm.

Tổ đời thứ mười: Thiền sư Thích Tịnh Đức thế danh là Lê Thông Trà  (1878 – 1945), Quê ở thôn Bút, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Xuất gia năm 16 tuổi tại chùa Long Đọi. Năm 20 tuổi thụ giới Thanh Văn, kế đăng trụ trì năm 1929. Giỗ ngày 4 tháng 1 hàng năm.

Tổ đời thứ mười một: Thiền sư Thích Thanh Quảng, sinh năm 1924, năm mất chưa rõ. Là cháu của Thích Tịnh Đức. Quê ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Giỗ 18 tháng 3 hàng năm.

Tổ đời thứ mười hai: Thiền sư Thích Thanh Bột (1902 – 1973). Quê ở thôn Yên Nam, xã Điệp Sơn, Duy Tiên, Hà Nam, đến trụ trì xây dựng lại chùa năm 1957.

Tổ đời thứ mười ba: Ni sư Thích Liên Huệ (1921 – 1989). Quê ở thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam. Cùng đến tham gia xây dựng lại chùa từ năm 1957, sau ngày Hòa thượng Thích Thanh Bột viên tịch Ni sư kế đăng trụ trì từ năm 1973. Giỗ ngày 15 tháng 11 hàng năm.

Tổ đời thứ mười bốn:  Ni sư Thích Đàm Thử, (1907-1997). Quê ở Hưng Hà, Thái Bình. Cùng đến tham gia xây dựng lại chùa từ năm 1957. Cùng trụ trì chùa với Ni sư Thích Liên Huệ.

Tổ đời thứ mười lăm: Đại đức Thích Thanh Vũ, trụ trì chùa từ năm 1989 đến hiện nay. Quê ở xã Hòa Hiệp, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Sư trụ trì hiện nay: Thượng tọa Thích Thanh Vũ[10].

Nhì Đa: Sau khi đắc pháp với Hòa thượng Phúc Điền ở chùa Liên Phái, Hà Nội, Tổ sư Bảo Liên Phổ Thiền về trụ trì chùa Đa Bảo, ở xã Trì Mỹ, huyện Phú Xuyên, thì phổ hệ truyền đăng như sau:

1. Tổ đời thứ nhất: Bảo Liên tháp Từ Tâm Mật Hạnh Trí Tính Viên Minh Ma ha Tỷ khiêu tự Phổ Thiền hóa thân Bồ tát.

2. Tổ đời thứ hai: Bảo Nghiêm tháp Chính Trực Đôn Hoà Minh Trí Thiền sư tự Thông Giám hóa thân Bồ tát.

3. Tổ đời thứ ba: Bảo Sở tháp Tri Túc An Lạc Nhẫn Tiến Thiền sư tự Tâm Khang Liệt Liệt Tăng quang hóa thân Bồ tát.

4. Tổ đời thứ tư: Bảo Đông Quang tháp Trác Trịnh Sa môn pháp húy tự Thanh Thiệu Thích Hưng Long.

5. Tổ đời thứ năm: Đông Hưng tháp, pháp húy tự Quảng Khải hiệu Hiển Dương Luật sư.

6. Tổ đời thứ sáu: Bảo Quang tháp, Tri Túc Sa môn tự Nguyên Uẩn hiệu Trí Nhu Tỷ khiêu Bồ tát (1864 – 1914), kiêm Viên Minh Sơ tổ.[11]

7. Tổ đời thứ bảy: Hội Đồng tháp, húy Thích Quảng Dung hiệu Chân Thành[12]

Sau khi Hòa thượng Thích Quảng Dung lên Hà Nội, sư Thích Đàm Hằng là Đương gia chùa.

Hiện nay Tỷ khiêu Thích Thiện Huy quê xã Trì Mỹ, đệ tử của Thượng tọa Thanh Khoát là trụ trì chùa.

Thứ ba Khê Hồi: Chùa Khê Hồi tên chữ là Hoa Lâm tự, nằm ở đầu làng cạnh đình làng Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Chùa được dựng vào thời Lê Trịnh. Bia Nam mô A Di Đà Phật tại chùa cho biết chùa được sư trụ trì là Hòa thượng Từ Niệm trùng tu vào năm Giáp Tuất niên hiệu Gia Long thứ 13 (1814). Từ Niệm Tịch Chiếu họ Đỗ, người huyện Thường Tín, từ nhỏ xuất gia rồi đắc pháp với tổ sư Từ Phong Hải Quýnh. Từ Phong là đệ tử của Tính Dược, Tính Dược là đệ tử của Tổ Như Trừng Lân Giác khai sáng Tổ đình Liên Phái.

Lịch đại Tổ sư

Tổ đời thứ nhất: Từ Niệm Tịch Chiếu (1748-1816) Thích Minh Minh.

Tổ đời thứ hai: Từ Hòa Chiếu Thường (1780-1840), tháp Từ Hoà, Ân tứ đao điệp Ma ha Tỷ khiêu tự Chiếu Thường Tại Tại Hoà thượng Nhục thân Bồ tát chùa Long Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) và chùa Hoa Lâm (Thường Tín, Hà Nội).

Tổ đời thứ ba: Từ Đạt Chính Tín Tỷ khiêu Phổ Thịnh Thích Quang Quang Luật sư

Tổ đời thứ tư: Từ Khuê Thông Huyên Thích Khiêm Khiêm.

Tổ đời thứ năm: Thịnh Châu Tâm Trúc Thích Hoàng Hoàng.

Tổ đời thứ sáu: Từ Nhẫn Thanh Quy Thích Minh Minh.

Tổ đời thứ bảy Hòa thượng Thích Thanh Soạn (?-1954).

Tổ đời thứ tám: Phúc Nghiêm Thích Thanh Chỉnh (1919-2008).

 Đệ tử của sư Thanh Soạn về trông coi chùa đến năm 1960.

Từ 1970 – 1976, chùa có sư Ni từ Hưng Yên về nhận chùa rồi cho đệ tử là Ni sư Đàm Tiến chính thức trụ trì chùa từ năm 1986 đến nay.

5. Truyền thừa vào tỉnh Ninh Bình

Tông Lâm Tế Như Trừng Lân Giác Tổ đình Liên Phái truyền vào tỉnh Ninh Bình theo ba đường sau đây:

Một là từ tổ Phổ Nghi khai sáng chùa Yên Vệ (Phúc Hào tự) xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, rồi từ Tổ đình Phúc Hào đi các nơi trong tỉnh và vào Thanh Hóa.

Hai là từ tổ Phổ Tế khai sáng chùa Đồng Đắc (Kim Liên tự), năm 1848 về trụ trì chùa Phượng Ban, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, rồi từ Tổ đình Phượng Ban truyền đi các nơi trong tỉnh và truyền vào tỉnh Thanh Hóa.

Ba là từ tổ Bảo Thụ đời thứ bảy trụ trì chùa Long Đọi huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (cử đệ tử Trần Đức Huy) năm Bính Tuất (1886) niên hiệu Đồng Khánh thứ nhất vào khai sáng chùa Lạc Khoái (Hưng Khánh tự), huyện Gia Viễn, rồi từ đây truyền đi các nơi thuộc các huyện Gia Viễn, Nho Quan tỉnh Ninh Bình[13].

Cả ba đường đều chung một gốc là Tổ Chiếu Thường Từ Hòa trụ trì chùa Lâm Tế Khê Hồi Hoa Lâm tự, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Các đệ tử của Từ Hòa Chiếu Thường ở Khê Hồi như thiền sư Phổ Phụng trụ trì chùa Đồi (Phúc Lâm tự), huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định truyền đạo vùng Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thiền sư Phổ Nghi, từ chùa Đồng Đội, huyện Vụ Bản truyền đạo vùng Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

6. Lời kết

Các chùa Hàm Long (Bắc Ninh); chùa Liên Phái, Nga Mi, Phúc Thông, Nga Mi, Khê Hồi, Đa Bảo, (Hà Nội); chùa Long Đọi (Hà Nam) và nhiều chùa thuộc tỉnh Nam Định, Ninh Bình …là hệ thống chùa thuộc sơn môn Lâm Tế Liên Phái. Chư Tổ và sơn môn Liên Phái đã có công lao to lớn trong việc chấn hưng và phát triển dòng thiền Lâm Tế Như Trừng Lân Giác tại xứ Bắc, xứng đáng được Lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi nhận.

NNC.Nguyễn Đại Đồng

***

Chú thích:
[1] Như vậy, trước khi xuất gia thế tử Trịnh Thập đã lập gia đình. Cho đến nay chưa có công trình nào xác định: Trịnh Thập có bao nhiêu thê tử. Sau ngày ngài xuất gia thì  các vị đó ở đâu? Nếu ngài có con thì con ngài ở đâu, làm gì?
[2] Theo Nguyễn Thế Long-Phạm Mai Hùng trong sách Chùa Hà Nội, Nxb Văn hóa Thông tin thì năm 1733, chùa đổi tên là Liên Tông. Sau ngày Nguyễn Thiệu Trị lên ngôi (1841-1847) chùa đổi tên là Liên Phái vì kiêng húy tên vua Thiệu Trị là Miên Tông.
[3] TT. Thích Gia Quang – PGS.TS Nguyễn Tá Nhí (2009),  Chùa Liên Phái, danh lam nổi tiếng Hà Thành, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. tr38-223.
[4] Còn gọi là chùa Địa Ngục, chùa Quan Thượng, chùa Báo Ân, do Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Đăng Giai (?-1854) quê huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) quyên góp xây dựng từ 1842-1846. Bị Pháp triệt hạ năm 1889 để làm Bưu điện Hà Nội, dấu tích hiện còn là tháp Hòa Phong bên Hồ Hoàn Kiếm.
[5] TT.Thích Gia Quang – PGS.TS Nguyễn Tá Nhí,  Chùa Liên Phái, danh lam nổi tiếng Hà Thành, Nxb Tôn giáo, 2009, Tuy nhiên Nguyễn Quang Khải trong sách Chùa Hàm Long, Nxb Văn hóa Thông tin, trang 71, viết: “Hòa thượng Cứu Sinh nhập Niết bàn vào giờ Ất Mão ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tý niên hiệu Vĩnh Khánh (1732)”
[6] Đỗ Hoài Tuyên chủ biên, Chùa Việt Nam tiêu biểu, Nxb Tôn giáo, 2011, trang 129.
[7] Nguyễn Thế Long và Phạm Mai Hùng, trong sách Chùa Hà Nội, Nxb Văn hóa Thông tin xuất bản năm 1997 cho biết: Chùa Hộ Quốc (An Khánh tự) do Linh Lang đại vương dựng từ đời Lý Thánh Tông (1054-1072). Thế kỷ XVI, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lế. Vua Lê phải lánh nạn ở chùa. Vua Lê đi rồi, quân Mạc đến đốt phá chùa. Sau khi nhà Lê trung hưng,  nhớ đến ơn trước cho lập lại chùa tráng lệ hơn, ban tên là Hộ Quốc.Cấp cho nhiều ruộng ở ngoài bãi sông làm ruộng hương đăng cúng Phật.
[8]  Có sách viết là Bảo Sơn Tính Thược.
[9] Ngô Văn Trưởng, Đọc Long Đọi tự xưa và nay, Tạp chí Pháp Luân, số 77, năm 2011.
[10] Từ tổ đời thứ 7 dẫn theo Trần Thị Thúy Hằng, Chùa Long Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) từ thế kỷ XII đến năm 2018, Khóa luận tốt nghiệp Đại học, khoa Lịch sử Đại học Sư phạm 2 Hà Nội.
[11] Tổ đời thứ 6: Viên Minh Sơ tổ truyền xuống:
Viên Minh nhị đăng là Quảng Tốn Châu Tạng, Quảng Tốn là Yết ma sư truyền xuống cho.
Viên Minh tam đăng là Dịch diệp y chỉ Giới tử Thích Tục Tuệ – tức đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ (1917-2021).
Thích Thanh Vịnh, đương kim trụ trì.
Như vậy tổ thứ 6 chùa Đa Bảo về trụ trì làm Sơ tổ chùa Ráng (Viên Minh tự) xã Quảng Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
[12] Ni trưởng Thích Đàm Hằng từ chùa Long Đọi về chùa Đa Bảo năm 1953 khi chùa bị quân Pháp bắn phá. Năm 1958 thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Thượng tọa Thái Hòa và Thượng tọa Viên Tu về chùa Đa Bảo vận động Thượng tọa Quảng Dung lên Hà Nội làm việc cho Hội. Ni trưởng ở lại trông coi chùa cùng với Thượng tọa Thích Thanh Khoát đệ tử của ngài Quảng Dung. Sau, Thượng tọa Thanh Khoát về trụ trì chùa Phú Cốc, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín. Ni trưởng Thích Đàm Hằng là Đương gia chùa. Sau, Tỷ khiêu Thích Thiện Huy đệ tử Thượng tọa Thích Thanh Khoát đi học về, trụ trì chùa
[13] Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Phú Lợi (2017), Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, Nxb Tôn giáo, Hà Nội

Tài liệu tham khảo
1. Khoa cúng Tổ chùa Khê Hồi
2. Khoa cúng Tổ chùa Đa Bảo
3. Khoa cúng Tổ chùa Khê Hồi
4. Nguyễn Thế Long, Phạm Mai Hùng, Chùa Hà Nội, Nxb Văn hóa Thông tin, 1999.
5. Ngô Văn Trường (2011), Đọc Long Đọi tự xưa và nay, Tạp chí Pháp Luân, số 77
6. TT. Thích Gia Quang, PGS.TS Nguyễn Tá Nhí (2009), Chùa Liên Phái, danh lam nổi tiếng Hà Thành, Nxb Tôn giáo, Hà Nội
7. Đỗ Hoài Tuyên (chủ biên, 2011), Chùa Việt Nam tiêu biểu, Nxb Văn hóa Thông Tin, Hà Nội
8. Nguyễn Quang Khải (2011), Chùa Hàm Long, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội
9. Lê Quốc Việt, Góp nhặt cát sỏi: Chùa am Phổ Quang, Đao điệp Hoà thượng Phổ Hiến và Tổ trường Linh Sóc trên mạng internet.
10. Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Phú Lợi (2017), Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, Nxb Tôn giáo, Hà Nội
11. Theo lời kể của Ni trưởng Thích Đàm Hằng, chùa Đa Bảo, 2021.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường