Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Sự giống nhau và khác nhau về “quan niệm đạo đức” của Phật giáo và Kito giáo

Sự giống nhau và khác nhau về “quan niệm đạo đức” của Phật giáo và Kito giáo

Qua lăng kính đạo đức Phật giáo theo truyền thống dựa trên những quan điểm giác ngộ của đức Phật. Thuật ngữ đạo đức được sử dụng trong Phật giáo là Giới luật (sīla), một quy tắc ứng xử mang nội hàm tâm lý tự kiềm chế hành động, cảm xúc với động lực chính là bất bạo động, hoặc không sát hại.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Qua lăng kính đạo đức Phật giáo theo truyền thống dựa trên những quan điểm giác ngộ của đức Phật. Thuật ngữ đạo đức được sử dụng trong Phật giáo là Giới luật (sīla), một quy tắc ứng xử mang nội hàm tâm lý tự kiềm chế hành động, cảm xúc với động lực chính là bất bạo động, hoặc không sát hại.

Tác giả: Ngô Hữu Thiện Tâm – Thích Đức Thành
Học viên Cao học Tôn giáo K.27 – Học viện Chính trị Quốc gia

I. Dẫn Nhập

Tôn giáo (religion) là một hiện tượng xã hội, có nguồn gốc từ lâu đời, mỗi tôn giáo đều có sự chuyển biến thay đổi khác nhau trong các phương diện “Giáo Chủ/Church; Giáo Lý/Catechism; Giáo Luật/Canon Law; Giáo Nghi/Ordinance và Giáo Lễ/ Ordinance”, đối với đất nước ta Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo, đa dân tộc nên thường được ví như một bức tranh đầy màu sắc về tôn giáo.

Điển hình là “Phật giáo và Kito giáo” là hai tôn giáo lớn, có số lượng tín đồ đông đảo và có tầm ảnh hưởng lớn trong hình thái ý thức xã hội, đặc biệt là con người trong phương diện “tâm thức/consciousness; tâm linh/spirituality”. Hai tôn giáo này có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống “văn hóa tinh thần” của con người Việt Nam, bởi nó luôn tồn tại song hành cùng lịch sử dân tộc, có những đóng góp tích cực cho nền văn hóa, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Việt, chứa đựng những giá trị tốt đẹp, tích cực góp phần xây dựng đạo đức con người hướng đến “chân, thiện, mỹ”.

Quá trình du nhập của hai tôn giáo này đã góp phần làm phong phú và “nâng cấp” đời sống văn hóa, tinh thần, đạo đức và xã hội, những hình thức tín ngưỡng đã tạo nên những nét đẹp và nghệ thuật trở thành một bộ phận cấu thành của đời sống xã hội trong dòng chảy của lịch sử. Nhưng, trong đó các tôn giáo cũng mang trong mình những yếu tố tiêu cực nó hướng con người đến với một hạnh phúc hư ảo, làm mất tính chủ động và sáng tạo,…

Để hiểu rõ hơn về hai tôn giáo, chúng ta cùng đi vào tìm hiểu một hệ tư tưởng của hai tôn giáo đó chính là: “Sự giống nhau và khác nhau về quan niệm đạo đức giữa hai tôn giáo “Phật giáo và công giáo”.

II. Nội Dung

Đạo đức hay triết học đạo đức là một nhánh của triết học “liên quan đến việc hệ thống hóa, bảo vệ và khuyến nghị các khái niệm về hành vi đúng và sai.” Lĩnh vực đạo đức, cùng với thẩm mỹ, liên quan đến các vấn đề về giá trị; những lĩnh vực này bao gồm các nhánh của triết học được gọi là học thuyết giá trị (axiology)[1].

Đạo đức tìm cách giải quyết các câu hỏi về đạo đức con người bằng cách xác định các khái niệm như thiện và ác, đúng và sai, đức hạnh và tội lỗi, công lý và tội ác. Là một lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ, triết học đạo đức có liên quan đến các lĩnh vực tâm lý học đạo đức, đạo đức mô tả và lý thuyết giá trị.

Ba lĩnh vực nghiên cứu chính trong đạo đức được công nhận ngày nay là:

+ Siêu đạo đức học (Meta-ethics): liên quan đến ý nghĩa lý thuyết và tham chiếu của các mệnh đề đạo đức, và cách xác định các giá trị chân lý của chúng.

+ Đạo đức chuẩn mực (Normative ethics): liên quan đến các phương tiện thực tế để xác định một quá trình hành động đạo đức.

+ Đạo đức ứng dụng (Applied ethics): liên quan đến những gì một người có nghĩa vụ làm trong một tình huống cụ thể hoặc một lĩnh vực hành động cụ thể.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hinh duc Phat ok Copy

1. Đạo đức qua góc nhìn Phật giáo.

Qua lăng kính đạo đức Phật giáo theo truyền thống dựa trên những quan điểm giác ngộ của đức Phật. Thuật ngữ đạo đức được sử dụng trong Phật giáo là Giới luật (sīla), một quy tắc ứng xử mang nội hàm tâm lý tự kiềm chế hành động, cảm xúc với động lực chính là bất bạo động, hoặc không sát hại. Giới luật là một hành vi đạo đức bên trong, có ý thức và có chủ ý, nó như một chiếc la bàn đạo đức trong bản thân và các mối quan hệ, chứ không phải là thứ gắn liền với từ “đạo đức”.

Giới luật là một trong ba nền tảng thực hành của Phật giáo: Giới (sīla), Định (samādhi) và Tuệ (paññā). Các hướng dẫn đạo đức bao gồm trong kinh điển Phật giáo hoặc được lưu truyền qua truyền thống. Do đó, hầu hết các học giả về đạo đức Phật giáo đều dựa vào việc xem xét kinh điển Phật giáo và việc sử dụng bằng chứng nhân chủng học từ các xã hội Phật giáo truyền thống, để biện minh cho những tuyên bố về bản chất của đạo đức Phật giáo.[2] Nền tảng trung tâm của đạo đức Phật giáo là luật nhân quả và tái sinh.

Nghiệp (karma), một từ có nghĩa đen là “hành động” và được xem như một quy luật tự nhiên của vũ trụ thể hiện qua nhân quả. Theo quan niệm của Phật giáo, Nghiệp là một loại hành động đạo đức nhất định có hậu quả đạo đức đối với người thực hiện.[3] Cốt lõi của nghiệp là ý định tinh thần, và do đó đức Phật đã tuyên bố: “Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp; sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý.”[4] Do đó, vô tình làm tổn thương ai đó không phải là Nghiệp xấu, nhưng có những ý nghĩ gây tổn thương thì mới là Nghiệp xấu. Đạo đức Phật giáo coi những mô hình động cơ và hành động này là điều kiện hóa các hành động và hoàn cảnh trong tương lai – quả (phala) về hành động hiện tại của một người, bao gồm điều kiện và vị trí của hoàn cảnh sống trong tương lai của người thực hiện. Những hành động trong quá khứ của một người được cho là hun đúc ý thức của một người và để lại những hạt giống (bīja) sau này chín muồi trong kiếp sau. Mục tiêu của thực hành Phật giáo nói chung là để phá vỡ vòng luẩn quẩn, mặc dù người ta cũng có thể làm việc để tái sinh trong một điều kiện tốt hơn thông qua các hành động tốt.

Những hành động không tốt đó được Phật giáo áp dụng cho phật tử chân chính về ngũ giới nhằm ngăn ngừa bốn tội chính là sát sinh, trộm cắp, tà dâm và nói không đúng sự thật (kinh gọi là sát, đạo, dâm, vọng) và cũng nhằm hạn chế mặt xấu, cùng phát huy mặt tốt của ba nghiệp thân khẩu ý.  Hay 10 giới thập thiện và 6 giới trọng và 28 giới kinh … đều nhằm mục đích ngăn ác phát thiện, có một đời sống tốt đẹp.

2. Đạo đức qua góc nhìn Công giáo.

Đạo đức Công giáo, là một hệ thống công giáo bao gồm “Công giáo Rôma, công giáo Phương Đông hay một số nhóm nhỏ công giáo khác”, và hệ thống đạo đức Công giáo còn được gọi là thần học đạo đức, là một hệ thống đạo đức nhiều mặt: đó là đạo đức đức hạnh tập trung vào việc xây dựng nhân cách đạo đức và đạo đức nghĩa vụ nhấn mạnh nghĩa vụ. Nó cũng kết hợp đạo đức luật tự nhiên, được xây dựng trên niềm tin rằng chính bản chất của con người – được tạo ra theo hình ảnh của Chúa và có khả năng đạo đức, hợp tác, hợp lý, sáng suốt, v.v… cho biết cuộc sống nên được sống như thế nào, và nhận thức về tội lỗi đó không đòi hỏi sự mặc khải đặc biệt.[5] Các khía cạnh khác của đạo đức Công giáo, được đại diện bởi các phong trào như Phúc âm xã hội và thần học giải phóng, có thể được kết hợp thành một lĩnh vực thứ tư đôi khi được gọi là đạo đức tiên tri.[6]

Đạo đức Công giáo lấy cốt lõi siêu hình của từ Kinh thánh (72 quyển) trong đó, bao gồn kinh “Tân ước 27 quyển và cựu ước 46 quyển” coi Chúa là nguồn tối thượng của mọi quyền lực gồm “Chúa cha, Chúa con và Chúa Thánh thần”. Nhận thức luận hiển nhiên, cải cách và ý chí là ba hình thức phổ biến nhất của nhận thức luận Công giáo. Sự đa dạng của các quan điểm đạo đức trong Kinh thánh đã dẫn đến sự bất đồng lặp đi lặp lại về việc xác định các nguyên tắc đạo đức cơ bản của Cơ đốc giáo, với ít nhất bảy nguyên tắc chính trải qua nhiều cuộc tranh luận và giải thích lại. Các nhà đạo đức Công giáo sử dụng lý trí, triết học, luật tự nhiên, khoa học xã hội, và Kinh thánh để hình thành những cách giải thích hiện đại về những nguyên tắc đó; Đạo đức Công giáo áp dụng cho tất cả các lĩnh vực đạo đức cá nhân và xã hội. Cho nên, trong Kinh Thánh nói lên tư tưởng chủ đạo về tầm quan trọng đạo đức: “chúng ta chớ bỏ cuộc trong việc làm điều lành, vì nếu không thoái chí nản lòng thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt. Thế thì trong khi còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều lành cho mọi người, nhất là cho anh em đồng đức tin.”[7]

Đạo đức Công giáo còn được thể hiện thông quá các hệ thống giáo luật chặt chẽ, nghi lễ rõ ràng, kỷ luật nghiêm ngặt, có chế tài cụ thể, được quy định trong các bộ giáo luật hình thành năm 1983 và được áp dụng trên toàn thế giới. Những tín đồ theo đạo công giáo bắt buộc phải thực hiện các quy tắc đạo đức sau: 1/ chỉ thờ Thiên chúa, 2/ không kêu tên thiên Chúa một cách bất xứng, 3/ thánh hóa ngày chúa nhật, 4/ thảo kính cha mẹ, 5/ không giết người, 6/ không ngoại tình, 7/ không trộm cắp, 8/ không làm chứng gian, 9/ không ham muốn vợ chồng của người khác, 10/ không ham muốn của cải của người khác. Đó cũng là 10 điều căn bản đạo đức mà mỗi tín đồ theo đạo Công giáo cần thực hiện.

3. Những điểm tương đồng và dị biệt giữa hai tôn giáo

Vì thế, điểm tương đồng giữa Phật giáo và Công giáo là cả hai áp dụng nguyên tắc đạo đức cơ bản dựa trên học thuyết về thiện ác, mong muốn con người hướng đến đời sống thánh thiện, an vui và hạnh phúc.

Đối với điểm dị biệt giữa hai tôn giáo là về bản chất đạo đức, Phật giáo dựa trên tiêu chí đạo đức cá nhân, tập trung vào tự ngã đưa đến tác ý về nghiệp. Công giáo lại tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng đế nhất hữu, như Marcus Singer đã nói rằng một định nghĩa khả thi về cái ác đòi hỏi rằng: “Nếu một cái gì đó thực sự xấu xa, thì nó không cần thiết, và nếu nó thực sự cần thiết, thì nó không thể xấu xa.”[8] Mặt khác, niềm tin Công Giáo dạy rằng con người chỉ có một cuộc đời làm người để sống. Một người sống cuộc đời duy nhất của mình thế nào sẽ quyết định vận mệnh đời đời của người ấy. Nhưng sự quyết định này không nhất thiết hoàn toàn tuân theo Luật nghiệp quả.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Duc Phat Va Chua Giesu Kito 1

Trong hành trình cuộc đời của của mỗi con người, Thiên Chúa có một phương pháp sư phạm để dạy con người lớn lên. Sự lớn lên ấy có khi phải ngang qua những vấp ngã và thất bại, ngang qua những lỗi lầm và sai trái. Niềm tin Công Giáo dạy rằng, nếu Thiên Chúa đối xử với con người theo luật nghiệp quả, khó một ai có thể đứng vững và được cứu thoát. “Ôi lại Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130,3). Không một con người nào thật sự có khả năng tự cứu mình, bởi có những yếu đuối bất khả vượt qua của thân phận con người. Thánh Phaolô, một vị tông đồ lừng danh về sự mạnh mẽ đã từng phải thốt lên: “Tôi không hiểu mình nữa, điều tốt tôi muốn thì tôi không làm. Điều xấu tôi không muốn tôi lại cứ làm” (Rm 7,15).

Như thế, tự nền tảng, niềm tin Công Giáo dạy rằng mỗi người không phải và không thể là đấng cứu độ của riêng mình. Ai cũng cần một Đấng giải thoát, cần một trợ lực từ bên ngoài. Để được cứu, ai cũng cần đến sự đỡ nâng, cần tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Điều này khác biệt hoàn toàn với quan niệm “tự độ” của nhà Phật.

Cho nên, việc cá nhân nhân gây ra tội lỗi và xưng tội không phải là một khái niệm chính trong đạo đức Phật giáo, mà Luật nhân quả là một học thuyết sẽ vận hành những vấn đề này, gieo nhân lành thì sẽ gặp lành, gieo nhân ác thì sẽ gặp ác. Thí như một người đã gieo nhân ác nhưng muốn thay đổi thì người đó phải hành thiện rất nhiều để tác động vào nhân mình đã gieo khiến nó biến mất hoặc thay đổi sang một dạng nghiệp quả khác tích cực hơn. Trái lại, những tín đồ theo đạo Công giáo xưng tội với Thiên Chúa, thông qua người đại diện là linh mục, và những tội lỗi sẽ mất hoặc giảm đi rất nhiều trong tâm trí của họ. Bởi, Đức Chúa Trời luôn tha thứ mọi lỗi lầm của những người con ngoan của đạo.

Bên cạnh đó, Công giáo nhấn mạnh khái niệm “cứu độ” qua sự chấp nhận của đức Chúa Giê-su. Đối với những người tin tưởng vào Chúa Giê-su Kitô, các Kitô hữu tin rằng sẽ có một sự sống tốt hơn trên trời gọi là Thiên đàng. Có rất nhiều câu Kinh Thánh dạy dỗ điều này: Hãy coi chừng, chớ có ai lấy ác trả ác, nhưng hãy luôn cố gắng làm điều lành cho nhau và cho mọi người. Nhưng, Phật giáo đề cao một vai trò khác biệt, họ tin rằng một cá nhân phải thực hành đời sống tâm linh cho sự giải thoát cá nhân, và chia sẻ lợi ích đó đối với người khác, tuy nhiên, giai đoạn này có thể trải qua nhiều kiếp trong chu kỳ tái sinh.

Đức Dalai Lama nói rằng: “Tôi luôn luôn nói với bạn bè phương Tây của tôi rằng, tốt nhất là nên giữ truyền thống của riêng bạn. Thay đổi tôn giáo không phải là điều dễ dàng và đôi khi gây nhầm lẫn. Bạn phải tôn trọng truyền thống của mình cũng như tôn trọng tôn giáo của bạn.”[9]

III. Kết Luận

Mỗi tôn giáo đều có những phương pháp hành trì “làm theo” khác nhau, nhưng chung quy đều khuyên con người làm những việc thiện lành để hướng đến sự an lạc và hạnh phúc. Thực tiễn đời sống tôn giáo ở nước ta cũng như trên thế giới và kết quả nghiên cứu về vai trò đạo đức tôn giáo trong đời sống xã hội cho thấy, tôn giáo không chỉ có vai trò xây dựng đối với xã hội thông qua các giá trị văn hoá, đạo đức của nó, mà tôn giáo còn có thể đóng góp những giá trị tốt đẹp khác, đối với sự ổn định xã hội, nhằm đoàn kết dân tộc và phát triển bền vững. Tôn giáo cũng là một thực trạng quan trọng để thúc đẩy mở rộng đối ngoại nhân dân; tham gia giải quyết các vấn đề có tính chất toàn cầu như: Bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống chiến tranh, bá quyền, bạo lực, nghèo đói…

Qua hai tôn giáo “Phật giáo – Công giáo” đều có mục đích chung là hướng đến con người và thiết lập một nền tảng đạo đức đúng với quy tắc chuẩn mực của xã hội thông qua “Giáo Lý, Giáo Luật, Giáo Nghi hay Giáo Lễ” để con người trở nên hoàn thiện hơn trong đời sống, tạo tiền đề cho một xã hội loài người có nhân cách sống hòa thuận hơn từ gia đình cho đến xã hội. Thể hiện được giá trị đạo đức nhân bản rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người, góp phần xây dựng một một xã hội duy trì đạo đức, hoàn thiện nhân cách, hướng con người đến “Chân – Thiện – Mỹ”.

Tác giả: Ngô Hữu Thiện Tâm – Thích Đức Thành
Học viên Cao học Tôn giáo K.27 – Học viện Chính trị Quốc gia

***

[1] Random House Unabridged Dictionary: Entry on Axiology.
[2] Damien Keown, The Nature of Buddhist Ethics Macmillan 1992; Peter Harvey, An Introduction to Buddhist Ethics, Cambridge University Press 2000
[3] Keown, Damien; Buddhist Ethics A Very Short Introduction, p.5.
[4] AN VI. Ðại Phẩm 6.63. Một Pháp Môn Quyết Trạch
[5] Peterson, Claire Brown (2017). “Natural Law”. Christian Ethics: Four Views. IVP Academic. P.93
[6] Wilkins, Steve, ed. (2017). Christian Ethics: Four Views. IVP Academic. P.3-4
[7] Kinh Thánh, bản dịch Thế Giới Mới, Nxb WATCHTOWER BIBLE AND TRACT SOCIETY OF NEW YORK, INC. Wallkill, New York, U.S.A 2016, tr.3480
[8] Singer, Marcus G. (April 2004). “The Concept of Evil” Philosophy. Cambridge University Press. p. 185 “If something is really evil, it can’t be necessary, and if it is really necessary, it can’t be evil.”
[9] Dalai Latma XIV: “I always tell my Western friends that it is best to keep your own tradition. Changing religion is not easy and sometimes causes confusion. You must value your tradition and honor your own religion.”

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường