Trang chủ Bài viết nổi bật Sống Mười Điều Lành – Phần 4

Sống Mười Điều Lành – Phần 4

Phàm con người sinh ra đều do dâm dục (nhất thiết chúng sinh giai dĩ dâm dục nhi chính tánh mạng). Dâm dục là nhân sanh tử luân hồi, là ma chướng ngăn trở bước đường tu giải thoát. Thế nên, đức Phật dạy: “Lòng dâm không trừ thì không ra khỏi trần lao” (Dâm tâm bất trừ, trần bất khả xuất). Bởi vậy, muốn giải thoát mà không đoạn lòng dâm thì tu ngàn kiếp cũng không bao giờ giải thoát.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Sống Mười Điều Lành – Phần 3

ĐIỀU LÀNH THỨ BA: KHÔNG NÊN TÀ DÂM

Phàm con người sinh ra đều do dâm dục (nhất thiết chúng sinh giai dĩ dâm dục nhi chính tính mạng). Dâm dục là nhân sinh tử luân hồi, là ma chướng ngăn trở bước đường tu giải thoát. Thế nên, đức Phật dạy: “Lòng dâm không trừ thì không ra khỏi trần lao” (Dâm tâm bất trừ, trần bất khả xuất). Bởi vậy, muốn giải thoát mà không đoạn lòng dâm thì tu ngàn kiếp cũng không bao giờ giải thoát.

Ở đây, tu Mười Điều Lành, ta cần ngăn ngừa tà dâm chớ không phải tu rốt ráo như các bậc xuất thế. Người cư sĩ, đối với vấn đề sinh lý vợ chồng thì đó là chính dâm, nhưng nếu hành dâm với người khác (không phải là vợ hay chồng của mình) là phạm tội tà dâm. Giữ được giới không tà dâm thì gia đình được đầm ấm, an vui, hạnh phúc; con cái học hành tốt. Những đứa trẻ bụi đời, sa chân vào cạm bẫy của băng đảng, xì ke ma túy, hoặc làm đĩ điếm đa số đều xuất phát từ những gia đình mất hạnh phúc, hoặc chỉ còn một cha hay một mẹ nuôi con mà thôi.

Sự dâm dục quá độ khiến cho sức khỏe hao mòn đưa đến chỗ bệnh tật, từ những bệnh phong tình, hoa liễu, giang mai cho đến các bệnh nan y không có thuốc chữa như Sida (AIDS). Nhìn lại lịch sử Việt Nam cũng như Trung Hoa ngày xưa, có vị vua nào mà sống lâu đâu (tam cung, lục viện với hàng trăm cung phi mỹ nữ), mặc dù có ngự y ngày đêm chăm sóc, bốc thuốc bổ cho vua. Trong lịch sử Việt Nam có vua “Lê Ngọa Triều”, nghĩa là vua ra chủ tọa phiên họp với triều thần, bá quan văn võ mà phải nằm chứ không ngồi dậy nổi!

Người giữ giới không tà dâm là người biết trọng nhân nghĩa với người phối ngẫu của mình. Xã hội Á Đông ngày xưa rất phong kiến, trọng nam khinh nữ, cho phép người chồng có quyền có nhiều thê thiếp. Cho nên có câu tục ngữ: “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Thậm chí nếu cưới nhau ba năm mà không sinh con trai thì vợ chính phải cưới vợ bé cho chồng, để có con nối dõi tông đường.

Ngày nay, các nước Âu Mỹ rất quý trọng người phụ nữ. Các ông chồng ở Âu Mỹ ăn cơm xong phải rửa chén là chuyện bình thường (vì cả hai cùng đi làm thì phải phân chia nhiệm vụ đồng đều); cắt cỏ, khiêng thùng rác to tướng ra đường, tưới cây, xách đồ nặng vẫn là chuyện của các ông. Người nữ cũng tham gia mọi lãnh vực trong xã hội từ nghề tài xế taxi, lái xe ủi đất cho đến làm luật sư, bác sĩ, lãnh đạo công ty, xí nghiệp, làm dân biểu, thượng nghị sĩ, thủ tướng, nữ hoàng, thậm chí còn đi vào không gian, thám hiểm các vì sao xa xôi. Thế mà các nước ở Trung Đông bây giờ người ta vẫn chèn ép người phụ nữ bằng tập tục bắt buộc người nữ ra đường phải lấy khăn che kín (để không ai nhìn thấy mặt mình); đàn bà còn bị đàn ông đánh đòn giữa chợ, còn đàn ông thì tha hồ có bao nhiêu vợ cũng được! Tập tục gì quái đản! Một phật tử cho biết, tại Hoa Kỳ ngày nay, có tiểu bang nào đó, người chồng theo đạo Mormon muốn cưới bao nhiêu vợ cũng được. Họ còn phổ biến trên truyền hình, phỏng vấn cả mẹ lẫn con đều làm vợ ông ta; ảnh chụp chung quanh ông chồng có hàng chục bà vợ và hàng lố con! Quả là chuyện lạ của thế kỷ hai mươi mốt!

Tóm lại, người phật tử giữ gìn giới không tà dâm là người biết tôn trọng nghĩa tình với người phối ngẫu, là biết bảo vệ sức khỏe bản thân, đem lại an vui, hạnh phúc cho gia đình, góp phần làm lành mạnh xã hội. Kinh Mười Điều Lành dạy rằng: “Không tà dâm và giữ được tiết hạnh sẽ được BỐN ĐIỀU LỢI ÍCH”:

  1. Sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đều được vẹn toàn;
  2. Đoạn trừ hết thảy những phiền não quấy nhiễu;
  3. Ở trong đời được người khen ngợi, được tiếng tốt;
  4. Vợ con không ai dám xâm phạm.

Không tà dâm là một đức hạnh mà người đời ai cũng ca ngợi, quý trọng, nó là ĐỨC CHUNG THỦY. Chồng hay vợ mà giữ gìn được Đức Chung Thủy thì gia đình an vui và hạnh phúc biết bao; vợ chồng không ghen tuông nhau.

✿✿✿

ĐIỀU LÀNH THỨ TƯ: KHÔNG NÊN NÓI DỐI

Nói dối là nói không đúng sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có. Sống trong xã hội, người nào nói dối là tự mình làm mất lòng tin của mọi người.

Nói dối rất tai hại cho sự chung sống, nói dối quen miệng trở thành cái tật thì rất khó diệt trừ. Nói dối mà người ta biết được thì kể như mình bị cô lập, không còn ai muốn thân cận với mình; nghĩa là nói dối sẽ làm cho uy tín mình không còn nữa.

Hòa thượng Thiện Hoa dạy: “Người ta ở đời, dù nói đùa chơi cũng không được nói dối, vì lẽ nói dối mà người ta biết mặt, về sau có nói thật (49) người ta cũng không tin. Nhất là người tu theo Phật giáo lại càng không nên nói dối, vì nói dối cho rằng mình chứng Thánh hay đắc đạo thì tội lỗi càng to lớn. Bởi nói như thế sẽ phạm tội đại vọng ngữ”.

Tội đại vọng ngữ sẽ đọa vào ba đường ác. Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên có kể câu chuyện năm vị tỳ kheo giả làm người tu hành đắc đạo. Họ đến một vùng đất lạ, cất một cái bụt cao, che phướn, che lọng, rồi một người lên ngồi nghiêm trang, mắt lim dim, còn bốn người kia đi vào làng kêu gọi mọi người đến xem có một vị tiên tu hành đắc đạo, nếu ai đến lễ lạy, cúng dường sẽ được nhiều phước báu. Cứ thế mà họ thay phiên nhau đi quảng cáo đồng bạn của mình để được cúng dường. Kiếp sau đó, vào thời đức Phật còn tại thế, có bốn người khiêng kiệu và một người bảo vệ kiệu của Hoàng hậu đến nghe Phật thuyết pháp. Khi Hoàng hậu đi nghe pháp thì cởi bỏ vòng vàng, nữ trang để trong kiệu. Năm người phụ trách kiệu xe thì nằm ngủ; ăn trộm đến ăn cắp tất cả nữ trang của Hoàng hậu. Quân lính cho tra khảo, đánh đập tàn nhẫn. Bà đến thỉnh ý Phật về nhân duyên gì mà có chuyện như thế. Đức Phật đáp rằng năm ông đó kiếp trước là năm thầy tu giả mạo, còn bà là một tín nữ sùng đạo, hết lòng cung kính cúng dường họ. Bây giờ họ phải làm lính khiêng kiệu cho bà để đền nợ trước. Nghe xong, (50) Hoàng hậu vô cùng kinh hãi, sợ mang tội với thầy nên bảo tha và không cho họ khiêng kiệu nữa. Nhưng họ khóc lóc, quì lạy năn nỉ: “Xin lệnh bà rủ lòng thương xót, cho chúng con tiếp tục hầu hạ lệnh bà. Chúng con hứa từ nay sẽ cẩn thận không bao giờ dám ngủ quên như thế…​”. Hoàng hậu thỉnh ý Phật thì đức Thế Tôn trả lời: “Nghiệp báo họ trả nợ chưa dứt thì làm sao mà họ ra đi dễ dàng được”.

Người nói dối để cứu người hay vật thì không phạm tội. Trong kinh có kể chuyện tiền thân đức Phật là một vị sa môn, đang ngồi thiền trong rừng, khi nhà vua và quân lính đi săn, đuổi theo con nai, đến chỗ đức Phật thì mất dấu. Họ đến hỏi vị tỳ kheo: “Ông có thấy con nai chạy về hướng nào không?”. Vị thầy tu lẳng lặng không nói. Quân lính nổi giận la hét và lôi thầy tu đến trước mặt nhà vua. Vua lập lại câu hỏi trên thì thầy ấy đáp như sau: “Thưa Đại Vương, tôi là kẻ tu hành, giữ gìn giới luật thì không được nói dối và cũng không được sát sanh. Nếu tôi nói không thấy là tôi nói dối, và phạm tội khi quân. Nếu tôi nói thật để Đại Vương giết con nai thì tôi phạm giới sát sanh. Xin Đại Vương tha thứ và cho tôi miễn trả lời câu hỏi này. Nếu Đại Vương bắt tội thì tôi sẵn sàng chịu chết chứ không thể nào trả lời cho Đại Vương được”.

Trong lịch sử Việt Nam, thời vua Quang Trung, khi quân lính truy lùng chúa Nguyễn Ánh, ông phải chạy vào chùa xin nhà sư cứu mạng. Chùa nghèo và rất đơn sơ, sư đành cho khiêng một trong ba tượng Phật xuống đất và bảo Nguyễn Ánh lên ngồi trên bàn thờ, thế chỗ tượng Phật ấy. Khi quân lính đến hỏi: “Nãy giờ ông có thấy ai chạy vào chùa không?”, thì nhà sư bình tĩnh trả lời: “A Di Đà Phật! Bần đạo bận tụng kinh, niệm Phật nên không nghe thấy ai cả”. Sau một hồi lục soát, thấy không có ai thì họ bỏ đi. Nhà sư đã nói dối để cứu mạng người (sau này là vua Gia Long), cũng được xem là không phạm tội.

Kinh Mười Điều Lành dạy, người không nói dối được “TÁM ĐIỀU LỢI ÍCH” như sau:

  1. Được thế gian kính phục;
  2. Lời nói nào cũng đúng lý, được người, trời kính yêu;
  3. Miệng thường thơm sạch, nói ra có mùi thơm như hoa Ưu Bát La;
  4. Thường dùng lời êm ái an ủi chúng sanh;
  5. Được hưởng lạc thú như ý nguyện, và ba nghiệp đều trong sạch;
  6. Lời nói không buồn giận, mà còn tỏ ra vui vẻ;
  7. Lời nói tôn trọng, được người trời đều vâng theo;
  8. Trí tuệ thù thắng không ai hơn.

Tóm lại, là phật tử chúng ta không được nói dối, vì nói dối sẽ làm mình mất đi hai đức hạnh: UY TÍN và THÀNH THẬT.

Xem thế chúng ta mới biết lời nói dối là một tai hại rất lớn cho bản thân. Cho nên, chúng ta dù có chết cũng không bao giờ nói dối.

Nói thật là tốt nhất, khi một giới luật được đức Phật dạy KHÔNG NÊN NÓI DỐI, thì nó rất quan trọng cho đời sống của người tu hành. Vì thế, chúng ta luôn luôn nhớ lời dạy này để không bao giờ nói dối.

Ngày xưa, khi đức Phật dạy La Hầu La lấy một cái chậu đựng nước để đức Phật rửa chân. La Hầu La vâng theo lời Phật dạy và bưng vào một chậu nước trong sạch. Khi đức Phật rửa chân xong liền bảo La Hầu La:

– Nước rửa chân này có dùng uống được không?

La Hầu La thưa:

– Kính bạch đức Thế Tôn, nước rửa chân này không thể dùng để uống được.

Đức Phật dạy:

– Người nói dối cũng như nước rửa chân, không thể dùng uống được.

Đức Phật dạy tiếp:

– Này La Hầu La, hãy đem chậu nước đổ đi.

La Hầu La làm theo lời Phật dạy và đem chậu vào.

Đức Phật hỏi:

– Cái chậu này có thể dùng đựng cơm ăn được không?

La Hầu La trả lời:

– Bạch Thế Tôn, cái chậu này không thể dùng đựng cơm ăn được.

Đức Phật dạy:

– Người nói dối cũng như cái chậu đựng nước rửa chân, không thể nào dùng được.

Bởi vậy, người phạm giới nói dối thì không bao giờ tu chứng đạo. Giới luật của Phật rất quan trọng trong việc tu hành. Tu hành thì không nên dối gạt người.

✿✿✿

ĐIỀU LÀNH THỨ NĂM: KHÔNG NÊN NÓI LỜI THÊU DỆT

Người đời thường hay trau chuốt lời nói. Khi kể lại một chuyện gì, muốn tạo sự chú ý của người khác và tăng phần hấp dẫn của câu chuyện, người ta thường “thêm mắm, giặm muối”.

Thí dụ kể lại chuyện đi câu cá: “Hôm qua tôi câu được con cá lóc nặng gần một kí-lô”. Thật ra người ấy câu được con cá trào, nặng gần 500 gram. Hoặc chuyện chồng đánh vợ: “Cái thằng cha ăn ở bất nhân. Nó lấy củi tạ mà đánh vợ nó”. Thật ra người chồng, trong khi gây gổ chỉ mới tát tai vợ mà thôi, thế mà người ta tự đặt thêm, cho thành một sự việc đáng nói để mọi người chú ý nghe.

Đi buôn vật xấu nói tốt, hàng giả bảo là hàng thật và bán giá cao, gạt người mua khiến người ta mua đồ về xài không được. Họ đâu biết rằng lời nói dối như vậy đâu phải là tốt, vì nói dối như vậy sẽ thành thói quen, thành người xấu.

Vì một chút lòng hờn ghen liền dùng lời nói thêu dệt để cho đôi bên thù hận có thể giết hại lẫn nhau, làm tổn hại tánh mạng người khác. Chỉ vì một chút lòng ganh tị, hoặc thù vặt bèn dùng lời thêu dệt để lung lạc lòng người, hoặc quyến rũ, gạt gẫm người khác, làm tổn hại danh dự và tài sản, cốt để đem lại cho mình được nhiều lợi lạc và còn được tiếng thơm, tiếng tốt.

Ngược lại, người có lời nói đúng đắn, không thêu dệt, nói chánh lý, không dối gạt người, không làm tổn hại danh giá, tài sản và thậm chí cả tánh mạng của người, đó là người tốt. Người không nói lời thêu dệt sẽ được “BA MÓN CÔNG ĐỨC” mà kinh Mười Điều Lành dạy:

  1. Được người trí yêu mến;
  2. Thường đáp được những câu hỏi khó khăn;
  3. Được làm người có uy tín cao quý trong cõi thế gian.

Bởi nói lời thêu dệt tốt làm cho người khác được lợi ích, nhưng chúng ta vẫn mang tiếng là người nói lời thêu dệt. Vì thế, dù nói lời thêu dệt tốt hay xấu đều là lời nói dối.

Chỉ có lời nói thành thật thì mới có giá trị, còn nói dối thì tự mình làm mất giá trị. Cho nên chúng ta nên tránh xa những người hay nói dối, vì họ sẽ đặt điều nói xấu chúng ta với mọi người.

Người nói dối như con rắn độc, cho nên đức Phật dạy La Hầu La: “Nói dối như nước rửa chân, không dùng được”. Lời này có ý đức Phật dạy chúng ta nên tránh những người nói dối.

Những người nói dối không thể làm bạn với chúng ta được, vì thế có thì nên nói có, còn không thì nên nói không, không được dối gạt người.

Biết người nói dối chỉ một lần và về sau này chúng ta cố gắng như thế nào để không còn gặp mặt họ. Nếu bất đắc dĩ gặp họ thì chúng ta nên cố gắng làm thinh là hay nhất, và tìm cách tránh né, xa lìa, đừng nên ở gần họ mà có tai họa.

Khi một người nói tốt một người nào, mà chúng ta xét thấy là đúng sự thật thì đó là không phải lời thêu dệt, còn ngược lại là lời nói thêu dệt. Cũng vậy, khi một người nói xấu người khác thì chúng ta nên xét lại xem người có xấu ác như vậy không, nếu không thì biết người đó nói lời thêu dệt cho người khác, thì chúng ta không tin và biết người thù oán hay ghét người kia mà nói thêu dệt như vậy.

Khi nghe người khác nói xấu hay nói tốt một người thì chúng ta đừng vội tin, mà cần phải tư duy, suy nghĩ, quán xét đúng hay sai rồi mới tin. Nếu chúng ta không chịu quán xét kỹ càng, vội tin thì chúng ta là những người bộp chộp. Những người bộp chộp là những người hay a dua theo người khác mà không do sự tư duy, quán xét kỹ lưỡng. Một người thiếu tư duy thường sống trong ác pháp, nên phải nhận lấy sự đau khổ là đúng.

✿✿✿

ĐIỀU LÀNH THỨ SÁU: KHÔNG NÊN NÓI LẬT LỌNG

Ở đời, có lắm kẻ mồm mép, vừa nói một lúc sau nói ngược trở lại; lấy quấy làm phải, lấy phải làm quấy, lật qua lật lại, tráo trở như người nướng bánh phồng!

Những hạng người này ta nên tránh xa. Họ thường dụm ba dụm bảy, đem chuyện người này nói ra nói vào, bêu xấu, khiêu khích người khác để tạo sự bất hòa, thù hận. Họ còn đem chuyện của người này gièm pha với người kia, có lúc nhạo báng, khinh chê làm cho đôi bạn thù hận, sanh mối tương tranh. Họ còn dùng môi mép, đứng trung gian gây ác cảm đôi bên để đi đến kiện thưa.

Người không nói lật lọng, không có làm phiền muộn bà con lối xóm, nên được thân bằng quyến thuộc, kẻ xa, người gần đều kính mến. Người không nói lưỡi hai chiều thường dùng lời êm ái an ủi, khuyên giải và giúp cho bà con xóm giềng được hòa thuận, thân yêu, khiến cho ai nấy cũng vui vẻ, an lòng. Người này đến đâu cũng được mọi người kính yêu, gặp khó khăn thì người ấy sẽ đứng ra thu xếp, hòa giải một cách dễ dàng.

Người không nói lật lọng là người luôn luôn đem lời nói hòa giải giúp cho mọi người sống trong xã hội được an vui, hạnh phúc. Ngày xưa, thời Tam Quốc ở Trung Hoa có những người chuyên đi du thuyết. Họ là người học rộng, hiểu nhiều, nói lời hòa nhã có sức thuyết phục. Họ thường được các vua cử sang nước khác để du thuyết, phân tích cho vua bên kia nghe ưu và khuyết của mỗi bên, những cái lợi và hại của việc đánh nhau, để cuối cùng thuyết phục được đối phương phải lui binh hoặc hưu chiến. Ngày nay, các quốc gia trên thế giới cũng có gởi Đặc Sứ, hoặc Sứ Thần đi sang nước khác (như Trung Đông, Nam Phi), để dàn xếp những vụ tranh chấp…​ Tất cả những việc làm ấy là do tài năng của người có khả năng ăn nói khéo.

Kinh Mười Điều Lành dạy: “Kẻ nào nói lời hòa giải thì được NĂM ĐIỀU KHÔNG THỂ PHÁ HOẠI”:

  1. Được nhân bất hoại, vì bản thân mình không bao giờ có ý hại người;
  2. Được làm con trong dòng họ sum họp, vì nhân mình không gây chia rẽ bà con quyến thuộc của người;
  3. Được đức tin bất hoại, vì nhân thuận theo nghiệp đời trước của mình;
  4. Được pháp hạnh bất hoại, vì nhân chỗ tu của mình rất kiên cố;
  5. Được thiện hữu tri thức bất hoại, vì nhân mình không hay nói dối người.

Vậy người phật tử tại gia phải giữ gìn giới không nói lật lọng, và thường hành hạnh nói lời hòa nhã, êm ái thì sẽ được phước đức lớn.

Không nói LỜI LẬT LỌNG tức là nói dối bằng cách lật ngược sự việc, lấy việc phải làm việc quấy, lấy việc quấy làm việc phải. Cho nên, lời NÓI LẬT LỌNG là của những người nhiều mồm, nhiều mép thường nói qua nói lại. Những người này chúng ta nên tránh xa, chớ không nên ở gần họ. Họ là những người không đáng tin cậy, không nên giao việc lớn cho những người này. Họ là những người gian tham vô độ, khó mà lường được.

Nếu ở gần người hay nói lật lọng thì nên dọn nhà đi nơi khác, chớ ở gần sớm muộn gì cũng bất an. Cho nên, người NÓI DỐI, người nói LỜI THÊU DỆT và người NÓI LỜI LẬT LỌNG thì không nên làm bạn với những người này, thường nên sống xa lánh họ, vì họ sẽ làm hại chúng ta bằng cách này hay bằng cách khác.

Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích sách: Sống Mười Điều LànhNhà xuất bản Tôn giáo

Nguồn link: https://thuvienchonnhu.net/sach/song-muoi-dieu-lanh

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường