Trang chủ Chuyên đề Sơn môn Liên Tông ở Thăng Long cuối thế kỷ XVII nửa đầu thế kỷ XVIII

Sơn môn Liên Tông ở Thăng Long cuối thế kỷ XVII nửa đầu thế kỷ XVIII

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

ThS.Nguyễn Văn Quý
Viện Nghiên cứu Tôn giáo

1. Khái lược bối cảnh xã hội, tình hình Phật giáo ở Thăng Long thế kỷ XVII – XVIII

Đến cuối thời Trần, tầng lớp Nho sĩ dần dần có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị xã hội Đại Việt và Nho giáo chính thức thay thế đạo Phật khi Hồ Quý Ly lập ra nhà Hồ. Tuy chỉ tồn tại trong khoảng 07 năm, song với những hoạt động cải cách hành chính, kinh tế, quân sự và chuyển kinh đô về Thanh Hóa đã cho thấy vị trí, vai trò của Nho giáo đáp ứng tốt nhu cầu quản lý. Nhà Minh xâm lược và cai trị bằng chính sách hà khắc, hủy diệt nền văn hóa Đại Việt. Nhiều cuộc khởi nghĩa[1] nổ ra nhưng đều thất bại và phải đến khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn năm 1418 cho đến năm 1428 mới giành thắng lợi. Lê Lợi lên ngôi, định đô ở Thăng Long.

Từ năm 1428 đến năm 1789 gọi là Hậu Lê, phân thành hai giai đoạn: Lê Sơ (1428-1527) và Lê Trung Hưng (1533-1789). Ở giai đoạn Lê Sơ, các vị vua đều chú trọng xây dựng, quản lý chính quyền trên nền tảng Nho giáo. Nhất là thời vua Lê Thánh Tông trị vì, giáo dục, khoa cử, luật pháp, quan chế,… đều lấy Nho giáo, khiến cho Nho giáo phổ rộng đến mọi tầng lớp. Giai đoạn Lê Trung Hưng có nhiều biến động như năm 1527, nhà Mạc tiếm ngôi khiến cho tình hình chính trị xã hội bất ổn, nhất là khi Trịnh Kiểm nắm quyền vào năm 1545 thì nội chiến Trịnh – Mạc xảy ra từ năm 1545 đến năm 1580, nhưng phải đến năm 1592, Trịnh Tùng mới lấy được Thăng Long, họ Mạc phải rời lên Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng,…

Một điểm đáng chú ý là vào năm 1558, Đoan quận công Nguyễn Hoàng chủ động xin anh rể Trịnh Kiểm vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa. Trịnh Kiểm nhân đó đã giao cho ông trấn thủ cả vùng đất Quảng Nam xa xôi cách trở[2]. Từ đây, Đoan quận công Nguyễn Hoàng đã gây dựng được giang sơn riêng, độc lập với chính quyền vua Lê – chúa Trịnh. Thấy được mối nguy, vào năm 1627, chúa Trịnh Tráng đem quân tiến đánh chúa Nguyễn Phúc Chu và dẫn tới cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn kéo dài đến cuối thế kỷ 18 nhưng không phân thắng bại. Giữa hai dòng họ Trịnh – Nguyễn thiết lập ranh giới ở Sông Gianh, tỉnh Quảng Bình. Miền Bắc thuộc quyền quản lý của vua Lê – chúa Trịnh, gọi là Đàng Ngoài (Bắc Hà), từ Quảng Bình trở vào nam thuộc quyền quản lý của chúa Nguyễn gọi là Đàng Trong (Nam Hà).

Năm 1600, Trịnh Tùng được phong vương và hưởng quyền thế tập, tự tổ chức chính quyền bên cạnh vương triều. Quyền thế của chúa Trịnh lớn tới mức có thể chọn người kế vị ngai vàng[3]. Để đối phó với nhà Mạc và chúa Nguyễn ở Đàng Trong[4], các chúa Trịnh tiếp tục củng cố chính quyền và lực lượng quân đội[5]. Bên cạnh đó, cũng như triều Mạc, các chúa Trịnh chú trọng khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp, thương mại và các đô thị Thăng Long, Phố Hiến,… ngày càng sầm uất. Ngoài ra, các chúa Trịnh vẫn duy trì nền giáo dục khoa cử, nhưng đến giữa thế kỷ 18, nền khoa cử Nho học rơi vào suy thoái.

Trên phương diện tín ngưỡng, tôn giáo, tình hình chung là Tam giáo và các loại hình tín ngưỡng đều có sự phục hồi, phát triển. Song tiêu biểu hơn cả là sự phục hưng của Phật giáo nhờ sự quan tâm của quý tộc, quan lại, thương nhân và người dân. Họ hưng công tiền của xây dựng, tu bổ các tự viện. Theo một thống kê cho thấy: “Nếu thống kê số lượng văn bia ghi về việc tu bổ, tôn tạo chùa chiền từ năm 1600 đến 1730, có khoảng 400 tấm bia (ở Đàng Ngoài) mà đại bộ phận là văn bia ở thế kỷ XVII. So với thế kỷ XV – XVI, số lượng văn bia chùa ở thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, nhiều gấp bội”[6] và phần lớn nội di bi ký ghi chép việc tu bổ, tôn tạo chùa Phật, tô tượng đúc chuông,… Khi thiền phái Lâm Tế, Tào Động và sự phục hưng của Phật giáo Trúc Lâm thì tình hình Phật giáo ở miền Bắc nói chung và Thăng Long nói riêng phát triển nhanh chóng và đảm nhận vai trò dẫn dắt đời sống tín ngưỡng, tinh thần của quý tộc, quan lại và người dân.

Cũng như thời Mạc, nhiều vương công quý tộc họ Trịnh sùng mộ đạo Phật, xuất gia như Trịnh Thị Ngọc Trúc, Trịnh Thập,… Song, khác với thời Mạc, vào năm 1726, chúa Trịnh đã có những quy định về các chùa và quy chuẩn trụ trì, những người giúp việc đàn chay. Chẳng hạn, sư phải là người thoát tục, nương về Tịnh độ, được miễn thuế; là sư thì phải được cấp độ điệp mới được trụ trì, mỗi chùa một người; Về y phục, hòa thượng mặc áo màu lục, áo cà sa màu đỏ, mũ màu đỏ; Tăng chánh và phó mặc áo màu xanh, áo cà sa, mũ màu xanh,… Các tăng chúng, người nào được cấp độ điệp thì áo thâm, cà sa, mũ đầu dùng màu xanh,… [7]. Tình hình sinh hoạt Phật giáo thời kỳ này, về cơ bản, yếu tố Tịnh đã trội hơn thiền, điều này không chỉ phản ánh qua trước tác của các đại sư ở Đàng Ngoài, tiêu biểu như Thiền sư Tuệ Đăng – Chân Nguyên, mà còn thể hiện ở sự bài trí tượng Phật trong chùa, tiêu biểu là sự hiện diện của bộ tượng Tây phương Tam thánh trên Phật điện và nhiều tượng Phật, Bồ tát khác. Nói cách khác, ở thời kỳ này, tình hình sinh hoạt Phật giáo ở kinh thành Thăng Long nói riêng và Đàng Ngoài nói chung cơ bản vẫn là xu hướng Thiền – tịnh song tu, nhưng yếu tố Tịnh đã trội hơn thiền: “Chốn Phật truyền vang, chín lần gõ mà sóng lên Cửu phẩm”[8].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Hoang Thanh Thang Long 1

Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: St

2. Vị trí và vai trò của sơn môn Liên Tông ở Thăng Long cuối thế kỷ thế kỷ XVII nửa đầu thế kỷ XVIII

Như phần nào đã đề cập ở trên, tình hình Phật giáo thời Lê Sơ khá trầm lắng, thay vào đó là Nho giáo. Từ kinh thành cho đến thôn quê, người người nô nức học hành khoa cử,… Đến giai đoạn Lê Trung Hưng, nhất là từ thế kỷ nửa sau thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XVIII, Phật giáo phục hưng và phát triển. Sự phục hưng của Phật giáo ở Thăng Long hay Đàng Ngoài không đơn giản chỉ là sự ủng hộ từ chính quyền, sự quan tâm của vương tôn, quý tộc, quan lại mà còn là sự hiện diện đúng thời điểm của các thiền phái Lâm Tế, Tào Động và Trúc Lâm. Danh tăng các thiền phái đã thổi luồng gió mới vào kinh thành Thăng Long, làm sống dậy tư tưởng, giáo lý Phật giáo đã ẩn sâu trong dân gian trong một thời gian khá dài. Điểm quan trọng nữa, trong bối cảnh thời Lê Trung Hưng có nhiều biến động, nội chiến Trịnh – Mạc rồi Trịnh – Nguyễn đã khiến cho Nho giáo không còn vị trí như thời Lê Sơn, Phật giáo được nhiều vương tôn quý tộc, quan lại và người dân hướng về. Hơn nữa, trong bối cảnh nội chiến tương tàn, song tình hình kinh tế, thương mại lại có sự phát triển, khiến cho tầng lớp quý tộc, quan lại, thương nhân có điều kiện bảo trợ về vật chất cho hoạt động tu bổ đình, đền,… nhất là các tự viện vốn là những trung tâm, tổ đình Phật giáo Đàng Ngoài trước đây như chùa Quỳnh Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bút Tháp, Phật Tích, Tây Phương,… nhiều tự viện cũng được xây dựng mới trong thời kỳ này và thường gắn với quê hương của họ Mạc hay họ Trịnh,…

Thiền phái Lâm Tế được Thiền sư Chuyết Chuyết (1590-1644)[9] truyền đến nước ta năm 1630, nửa đầu thế kỷ XVII. Lúc này, Thiền sư Chuyết công đến Đàng Trong rồi từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài vào năm 1633. Ngài dừng chân ở chùa Khán Sơn và giảng dạy Phật pháp cho tín đồ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn thì Ngài về chùa Phật Tích (Bắc Ninh) hoằng pháp. Khi chùa Bút Tháp tu bổ xong thì Ngài về trụ trì cho đến khi viên tịch. Thiền sư Chuyết Chuyết được vua Lê Chân Tông kính trọng, phong là Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền sư. Ở Trung Quốc, Thiền sư Chuyết công thuộc đời thứ 34 phổ hệ Lâm Tế. Ngài có hai vị đệ tử nổi tiếng là Minh Hành Tại Tại (người Trung Quốc) và Minh Lương (người Việt) thuộc phổ hệ thứ 35 truyền bá thiền phái Lâm Tế ở Đàng Ngoài. Thiền sư Minh Hành Tại Tại là người có công lớn khi vâng lời thầy về Trung Quốc thỉnh kinh, rồi đem trở lại Đàng Ngoài lưu giữ tại chùa Phật Tích. Chúa Trịnh sai thợ san khắc, ấn tống, lưu thông ở nhiều tổ đình Phật giáo. Còn Thiền sư Minh Lương lại là Thầy của Thiền sư Chân Nguyên. Nhìn chung, Thiền sư Chuyết Chuyết là người có công lớn trong việc truyền bá thiền phái Lâm Tế ở Đàng Ngoài, đặc biệt là ở tỉnh Bắc Ninh.

Thiền phái Tào Động được truyền khoảng nửa sau thế kỷ 17 gắn với hành trạng và công lao của Thiền sư Thủy Nguyệt (1637 – 1704). Theo Tào Động tông nam truyền tổ sư ngữ lục cho biết, Thiền sư Thủy Nguyệt sinh năm 1637 ở xã Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Nam Sơn. Nay là thôn Thanh Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình[10]. Theo văn bia còn lưu tại chùa Hồng Phúc – Hòe Nhai cho biết: “Vị Tổ sư thứ nhất là Hòa thượng Thủy Nguyệt, thi thư đời trước nối truyền, đạo đức sửa mình trong sạch. Thiếu thời thi đỗ Nho khoa, tên sớm nêu cao bảng hổ”[11]. Năm 1664, Ngài đến chùa Nhân Vương Hộ Quốc, núi Phượng Hoàng, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Tại đây, Ngài được Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo nhận làm đệ tử và ban pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền sư cùng bài kệ[12] gồm 28 chữ. Bài kệ này được Thiền sư Thủy Nguyệt xem là “Động tông Nam truyền”[13]. Năm 1667, Ngài trở về nước ở chùa Tư Phúc (Hải Dương), truyền bá thiền Tào Động. Sau đó, Ngài đến chùa Hạ Long (Hàm Long) thu nhận môn đồ. Ít lâu sau, Ngài đến chùa Nhẫm Dương ở Kinh Môn, Hải Dương tu hành và viên tịch tại đây vào năm 1704. Trong số các môn đồ, Thiền sư Tông Diễn được Ngài lựa chọn kế đăng. Có thể nói, Thiền sư Thủy Nguyệt là người có công lớn trong việc truyền bá thiền phái Tào Động ở miền Bắc nước ta vào nửa cuối thế kỷ XVII. Và  người có công phát triển thiền phái này ở kinh thành Thăng Long chính là Thiền sư Tông Diễn.

Thiền sư Tông Diễn (1638-1709) có công lớn truyền bá thiền phái Tào Động ở kinh thành Thăng Long. Như một cơ duyên, bấy giờ, vua Lê Hy Tông có lệnh đuổi tăng nhân vào rừng, Thiền sư Tông Diễn cho rằng: “Đạo tồn tại là nhờ Quốc vương, cớ sao nhà Vua nhẫn tâm cho đạo Phật là vô dụng. Ví dù có ở nơi núi non thuyết pháp có thể khiến đá phải cúi đầu. Ở nơi rừng sâu giảng kinh có thể hoa trời rơi xuống, chẳng qua đối với vật vô tình kia mà thôi, nào có ích lợi gì đối với sinh linh đâu? Giả sử đạo lớn không được hoằng truyền, lấy gì báo đáp ơn sâu Phật tổ. Nếu chỉ tốt cho riêng mình, lấy gì cứu vớt chúng sinh trong biển khổ. Uổng công vào cửa không, phí một đời nơi chùa Phật. Chẳng bằng rời chân ra khỏi núi rừng, đem thân đến chốn kinh thành, nếu có thể (đem Phật pháp) thấu đạt đến cửu trùng (nhà vua) ắt có thể hoằng dương Tam bảo”[14]. Vì thế, Ngài đã đến kinh thành viết biểu, được vua Lê Hy Tông cho mời vào triều hỏi Phật pháp rồi được vua cho trụ trì chùa Khán Sơn. Từ đây, thiền phái Tào Động hiện diện ở kinh thành và phát triển mạnh từ sơn môn Hồng Phúc – Hòe Nhai. Nhờ sự ủng hộ từ quý tộc, quan lại, nhiều tự viện thuộc thiền phái Tào Động được xây dựng thời kỳ này. Ở kinh thành và các huyện phụ cận, các đệ tử của Thiền sư Tông Diễn như Thiền sư Khoan Nhân trụ trì chùa Trấn Quốc, Thiền sư Khoan Giai trụ trì chùa Bà Đá, Thiền sư Khoan Thông trụ trì chùa Hồng Phúc – Hòe Nhai,… Một số ngôi chùa như chùa Ái Mộ (Long Biên), chùa Đại Quang (Thuận Thành), chùa Tiêu Sơn (Từ Sơn), chùa Nành (Gia Lâm) đều do các đệ tử thuộc thiền phái Tào Động từng trụ trì. Trên phương diện truyền thừa, có thể thấy hệ thống truyền thừa của thiền phái Tào Động ở Đàng Ngoài vẫn tuân thủ theo bài kệ của Thiền sư Nhất Cú Trí Giáo đã ban cho Thiền sư Thủy Nguyệt khi ông còn ở chùa Nhân Vương Hộ Quốc – Trung Quốc[15].

Thiền phái Trúc Lâm được Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) phát triển khá mạnh ở Đàng Trong và sau đó ở Đàng Ngoài. Ngài vốn người làng Áng Độ, huyện Chân Phúc, tỉnh Nghệ An đỗ Cử nhân năm 18 tuổi và được làm trong phủ chúa Trịnh. Ít lâu sau, Ngài được bổ làm Tri phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 25 tuổi, Ngài theo học Thiền sư Viên Cảnh và được ban pháp hiệu là Minh Châu Hương Hải. Thiền sư Minh Châu Hương Hải được các chúa Nguyễn rất mến mộ và mời vào Đàng Trong hoằng pháp. Tuy nhiên, vào năm 1682, vì một số lý do chính trị, Ngài cùng một số đệ tử quay trở lại Đàng Ngoài. Ở Đàng Ngoài, Ngài được chúa Trịnh hậu đãi, sai người xây cất am để Ngài tu hành. Năm 1700, Ngài trở về Nguyệt Đường ở tỉnh Hưng Yên tu tập, thu nhận đệ tử và phục hưng Phật giáo Trúc Lâm. Theo đánh giá của Nguyễn Duy Hinh “về tư tưởng Phật giáo, ông tuyên truyền tư tưởng Trúc Lâm, đề cao Phật tại Tâm, không nên tìm đâu bên ngoài. Tiêu biểu tư tưởng đó trong các bài kệ:

Tầm ngưu tu phỏng tích
Học đạo quý vô tâm
Tích tại ngưu hoàn tại
Vô tâm đạo dị tầm.

Nghĩa là: Tìm trâu phải theo dấu chân, học đạo quý ở vô tâm, dấu chân còn thì trâu còn, vô tâm thì đạo dễ tìm. Đó là diễn đạt tư tưởng của Thập ngưu đồ và tư tưởng vô tâm thị đạo”[16]. Điểm quan trọng là ngoài việc dạy môn đồ Phật pháp, Thiền sư Minh Châu Hương Hải còn trước tác và để lại nhiều tác phẩm có giá trị như Giải Sa si ni giới luật, Phổ khuyến tu hành, Sự lý dung thông, Giải Pháp Hoa kinh,… Như vậy, Thiền sư Minh Châu Hương Hải là một nhà Nho và là một nhà sư nổi tiếng thời kỳ này phát triển Phật giáo Trúc Lâm ở Đàng Ngoài, trong đó tiêu biểu hơn cả là ở Hưng Yên.

Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) hội tụ hai dòng thiền phái Lâm Tế và Trúc Lâm. Ngài vốn đọc Tam tổ thực lục khởi tâm tu hành và tìm đến Yên Tử cầu pháp với Thiền sư Tuệ Nguyệt, được ban pháp danh Tuệ Đăng. Sau khi tôn sư viên tịch, Ngài tham học với Thiền sư Minh Lương thuộc phổ hệ 35 thiền phái Lâm Tế, được ban pháp hiệu Chân Nguyên thuộc phổ hệ thế 36 dòng Lâm Tế: “Chân Nguyên là nơi hội tụ tông Trúc Lâm với tông Lâm Tế… Tông Trúc Lâm không phải tông Lâm Tế mà tập hợp nhiều tông trong Thiền tông Trung Hoa, lấy tư tưởng Tâm tức Phật của Mã Tổ Đạo Nhất làm cơ sở siêu việt trên mọi tông phái và thiền sư sau Mã Tổ. Trong tông Trúc Lâm chỉ có yếu tố Lâm Tế mà không phải tông Lâm Tế. Bản thân tông Lâm Tế từ Nghĩa Huyền cho đến Chuyết Chuyết – Minh Hành – Minh Lương đã có sự diễn biến quan trọng. Trước tiên là sự phân chia thành hai phái Dương Kỳ Phương Hội (902-1049) và Hoàng Long Tuệ Nam (1002-1069) vào đầu thế kỷ XI để rồi sau đó phái Dương Kỳ tồn tại tự xưng Lâm Tế chính thống, còn phái Hoàng Long thì suy yếu. Chính vì vậy, mà trong Kế đăng lục, Như Sơn đã trình bày phả hệ Lâm Tế mà không có Hoàng Long Tuệ Nam. Như Sơn giới thiệu tông Lâm Tế: Tứ liệu giản, tam huyền tam yếu”[17].

Thiền sư Chân Nguyên trước tác nhiều, song cho đến nay chỉ còn biết 11 tác phẩm[18] và chính Ngài hiệu đính, trùng khắc bộ Thánh đăng lục. Theo gương Ngài, các thế hệ sau tiếp tục công việc hữu ích này như Thiền sư Như Trí trùng san bộ Thiền uyển tập anh năm 1715, Thiền sư Như Sơn soạn bộ Kế đăng lục năm 1734, Thiền sư Tuệ Hiền trùng khắc bộ Khóa hư lục,… Ngài cũng là người khởi dựng tòa Cửu phẩm liên hoa vào năm 1684 theo mô hình tòa Cửu phẩm chùa Bút Tháp. Việc Thiền sư Chân Nguyên trước tác, biên soạn nhiều bộ luận liên quan đến Tịnh Độ và dựng tòa Cửu phẩm liên hoa minh chứng cho xu hướng Thiền tịnh song tu trong thời kỳ này, nhưng “tư tưởng Phật giáo Chân Nguyên cơ bản vẫn là tư tưởng Trúc Lâm, tuy nhận truyền thừa Lâm Tế, song trong thực tế không thể hiện các đặc trưng Lâm Tế”[19].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Nghien Cuu Van Ban Nom Xuat Gia Sa Di Quoc Am Thap Gioi 2

Tượng Tổ Như Trừng Lân Giác tại Nhà thờ Tổ chùa Liên Phái

Thiền sư Như Trừng Lân Giác (1699-1733) thế danh là Trịnh Thập, nhân đào ao thấy cọng sen mà “cải gia vi tự”, đặt tên là Liên Tông. Sau đó, ông đến Yên Tử theo học Thiền sư Chân Nguyên và được ban pháp danh Như Trừng Lân Giác. Sau khi đắc pháp, Ngài trở về trụ trì chùa Liên Tông và dần trở thành một sơn môn phát triển bậc nhất ở kinh thành Thăng Long lúc bấy giờ.

Tương truyền, khi mới sinh ra, trên trán Ngài có góc hình như chữ Nhật và khi đào ao tại tư gia thấy cọng sen lớn thì Ngài cho là điềm xuất gia. Khi đến chùa Long Động, Thiền sư Chân Nguyên đã bảo với Ngài rằng “duyên xưa gặp gỡ, vì sao đến chậm vậy?”. Ngài trả lời rằng: “Thầy trò hội hiệp thời tiến đến thì gặp”. Sau một thời gian tham học Phật pháp, Ngài được tôn sư cho thụ giới Cụ túc và được truyền tâm pháp. Ít lâu sau, Ngài trở về chùa Liên Tông thu nhận môn đồ, phát triển Phật giáo ở kinh thành Thăng Long. Trước khi viên tịch, ông để lại bài kệ như sau:

Bản tùng vô bản
Tòng vô vi lai
Hoàn tòng vô vi khứ
Ngã bản vô lai khứ
Tử sinh hà tằng lụy

Dịch nghĩa:

Vốn từ không gốc
Từ không mà đến
Lại từ không mà đi
Ta vốn không đến đi
Tử sinh làm gì lụy[20]

Bản (gốc, cội nguồn, bản thể) từ cái vô bản (không) mà ra, từ vô vi đến trở về vô vi. Ta vốn không có đến đi gì cả thì sinh tử làm sao ràng buộc hệ lụy ta được[21].

Như thế, ở kinh thành Thăng Long, vào nửa cuối thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XVIII, ngoài Thiền phái Lâm Tế thì còn hiện diện Thiền phái Tào Động và Trúc Lâm,… Tuy nhiên, thiền phái Lâm Tế do Thiền sư Chuyết Chuyết chủ yếu phát triển ở Bắc Ninh (Phật Tích và Bút Tháp), Phật giáo Trúc Lâm do Thiền sư Minh Châu Hương Hải phát triển ở Hưng Yên thì thiền phái Tào Động do Thiền sư Thủy Nguyệt phát triển ở Đông Triều, Hải Dương và Thiền sư Tông Diễn phát triển ở kinh thành Thăng Long. Khi Thiền sư Như Trừng Lân Giác trở về chùa Liên Tông thì cùng với sự hoằng pháp của Thiền sư Tông Diễn thì Phật giáo ở kinh thành Thăng Long trong thế kỷ XVII và XVIII có sự phát triển mạnh. Sự phát triển này không chỉ là ở số lượng các tự viện mà còn ở sinh hoạt tu tập, định hướng đời sống tín ngưỡng và tinh thần cho người dân. Nói cách khác, sơn môn Liên Tông với vị thế, uy tín của Thiền sư Như Trừng Lân Giác đã có sự phát triển mạnh. Bản thân ngài còn trước tác khá nhiều, có thể kể đến như Thập giới quốc âm, Thập giới quốc âm, Uy nghi quốc âm,… lại cho khắc ván rồi in ấn nhằm phổ biến bộ Chư kinh nhật tụng, Tỳ ni nhật dụng lục khiến cho tín đồ Phật giáo thời bấy giờ có được nền tảng tu tập vững chắc. Bên cạnh đó, Ngài còn xây dựng tự viện, ngoài chùa Liên Tông còn chùa Hộ Quốc ở kinh thành Thăng Long và chùa Hàm Long ở Bắc Ninh. Điểm quan trọng nữa là Ngài đã có nhiều đệ tử giỏi, tiếp tục kế nối phát triển sơn môn như Thiền sư Tính Dược trụ trì chùa Liên Phái, và là người khai sơn chùa Hội Xá (Sùng Phúc tự) ở Thường Tín. Hay Thiền sư Tính Ngạn trụ trì chùa Hàm Long; Thiền sư Tính Tuyền vâng mệnh sang Trung Quốc học tập Phật pháp và thỉnh được hơn 300 bộ kinh sách về Việt Nam,… Như vậy, từ sơn môn Liên Tông đã phát triển nhiều tự viện khắp Thăng Long, Bắc Ninh, Hải Dương,… và đã có sự truyền đăng liên tục.

3. Đôi lời kết luận

Trong thế kỷ XVII – XVIII, ở Đàng Ngoài nói chung và kinh thành Thăng Long nói riêng không chỉ hiện diện ba dòng Phật giáo Trúc Lâm, Lâm Tế và Tào Động. Song, với sự hiện diện của Sơn môn Liên Tông đã cho thấy Phật giáo phát triển mạnh ở Thăng Long.  Nói cách khác, ở kinh thành Thăng Long từ thế kỷ 17 đã hình thành hai Sơn môn mới là Sơn môn Hồng Phúc – Hòe Nhai và sơn môn Liên Tông. Với sơn môn Hồng Phúc – Hòe Nhai do Thiền sư Thủy Nguyệt và học trò của mình là Thiền sư Tông Diễn đã làm cho thiền phái Tào Động phát triển mạnh ở Thăng Long và một số vùng phụ cận. Còn sơn môn Liên Tông do Thiền sư Như Trừng – Lân Giác khai sáng cũng phát triển mạnh ở Thăng Long và một số tỉnh, tiêu biểu là Bắc Ninh.

Như vậy, với Thiền sư Chuyết Chuyết thì thiền phái Lâm Tế chính thức xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam; với Thiền sư Thủy Nguyệt thì thiền phái Tào Động cũng chính thức xuất hiện ở miền Bắc nước ta. Phật giáo Trúc Lâm và Lâm Tế được phục hưng bởi Thiền sư Tuệ Đăng – Chân Nguyên và tiếp tục được phổ rộng ở kinh thành Thăng Long với công lao của Thiền sư Như Trừng Lân Giác. Như thế, vị trí và vai trò của sơn môn Liên Tông cuối thế kỷ XVII nửa đầu thế kỷ XVIII rất đặc biệt, đặt nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Đàng Ngoài giai đoạn sau.

ThS.Nguyễn Văn Quý
Viện Nghiên cứu Tôn giáo

***

Chú thích:
[1] Như cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng,…
[2] Vào năm 1558, ông cùng với một số người vào đất Thuận Hóa; năm 1559, ông được vua Lê Anh Tông cho trấn thủ đất Thuận Hóa, Quảng Nam; năm 1593, Nguyễn Hoàng đem quân ra Bắc giúp họ Trịnh đánh nhà Mạc, lập nhiều công lao. Trịnh Tùng tìm cách giữ Nguyễn Hoàng lại;  năm 1600, Nguyễn Hoàng dẫn binh về Thuận Hóa. Từ đấy Nam Bắc phân chia.
[3] Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết: “Duy Thận, con thứ mười một của Dụ Tông và là em Thuần Tông… Giang (Trịnh Giang) mới nói thác ra rằng diện mạo Duy Thận giống như tiên đế, nên quyết ý lập làm vua. Bầy tôi không ai dám nói gì cả. Ngày Giáp Ngọ, làm lễ cáo Thái Miếu, ngày Bính Thân lên ngôi vua (tức Ý Tông)…”. Xin xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 494.
[4] Xin xem: Viện Sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 4, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr94. Ngoài ra, ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh còn phải đối phó với nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân từ giữa thế kỷ 18 như cuộc nổi dậy của quận He, quận Hẻo, Lê Duy Mật, Hoàng Công Chất,… các cuộc khởi nghĩa này cuối cùng bị dẹp năm 1770.
[5] Chẳng hạn, chúa Trịnh Tùng đã bãi bỏ các chức Tả thừa tướng, Hữu thừa tướng, Bình chương có từ thời trước, đặt chức Tham tụng, Bồi tụng và các Phiên giống như Lục bộ, đồng thời chia Đàng Ngoài thành 13 trấn và một phủ. Bao gồm các trấn: Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hóa, An Quảng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An và phủ Phụng Thiên thuộc kinh thành.
[6] Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Dương (2015), Thiền phái Tào Động Việt Nam và quần thể di tích Nhẫm Dương – giá trị lịch sử, văn hóa và Phật giáo, Kỷ yếu hội thảo khoa học, tr. 116.
[7] Xin xem chi tiết tại: Ngô Cao Lãng (1977), Lịch triều bản kỷ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[8] Tu tạo bảo khánh, chùa Nành – Pháp Vân tự, huyện Gia Lâm
[9] Ông người Tiệm Sơn, quận Thanh Chương, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ông có tục danh là Lý Thiên Tộ, pháp danh Hải Trừng. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh học giỏi. Song vì đam mê Phật pháp mà quyết chí tu hành, nhận Thiền sư Đà Đà thuộc phổ hệ thiền phái Lâm Tế làm thầy.
[10] Tăng thống Đạo Nguyên Thích Khoan Dực biên soạn, Tào Động môn nhân Đức Nguyên Thích Tiến Đạt dịch (2015), Tào Động tông nam truyền tổ sư ngữ lục, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 9. Xin xem thêm: Thích Thanh Từ (2015), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, Hà Nội, tr. 419.
[11] Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1978), Tuyển tập văn bia Hà Nội, Quyển I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 118.
[12] Tịnh trí thông tông/ Từ tính hải khoan/Giác Đạo sinh quang/Chính tâm mật hạnh/Nhân đức di lương/Tuệ đăng phả chiếu/ Hoằng pháp vĩnh trường.
[13] Tăng thống Đạo Nguyên Thích Khoan Dực biên soạn, Tào Động môn nhân Đức Nguyên Thích Tiến Đạt dịch (2015), Sđd, tr.15.
[14] Tăng thống Đạo Nguyên Thích Khoan Dực biên soạn, Tào Động môn nhân Đức Nguyên Thích Tiến Đạt dịch (2015), Sđd, tr. 29-30.
[15] Tổ đời thứ 36, Thiền sư Thủy Nguyệt – Thông Giác (1637 – 1704); Tổ đời thứ 37, Thiền sư Chân Dung – Tông Diễn (1638 – 1709); Tổ đời thứ 38, Thiền sư Tĩnh Giác – Từ Sơn Hành Nhất (1681 – 1737); Tổ đời thứ 39, Thiền sư Tăng Chính – Tính Chúc Đạo Chu; Tổ đời thứ 40, Thiền sư Viên Thông Tăng Thống – Hải Điện Mật Đa; Tổ đời thứ 41, Thiền sư Đạo Nguyên Thanh Lãng – Khoan Dục Phổ Chiếu; Thiền sư Thiện Căn – Khoan Giáo Như Hòa; Thiền sư Thanh Quang – Khoan Thông Chính Trị; Thiền sư Thanh Nguyên – Giác Bản Minh Nam; Tổ đời thứ 42, Thiền sư Thanh Đàm – Giác Đạo Tâm Minh Chính Hoằng Quang; Tổ đời thứ 43, Thiền Sư Lục Hoà – Giác Lâm Minh Liễu; Tổ đời thứ 44, Thiền sư Thanh Như Chiếu – Đạo Minh Quang Lịch Minh Đạt; Tổ đời thứ 45, Thiền sư Hồng Phúc – Quang Lư Thích Đường, hiệu Như Như; Tổ đời thứ 46, Thiền sư Hòa Thái – Chính Bỉnh Thích Bình Minh Vô Tướng; Tổ đời thứ 47, Thiền sư Tâm Nghĩa – Tính Nhân Từ; Tổ đời thứ 48, Thiền gia Pháp Chú – Mật Ứng (1889 – 1957); Tổ đời thứ 49, Thiền sư Đức Nhuận (1897 – 1993).
[16] PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb. Tôn giáo và Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr475
[17] PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Sđd, tr.476. Về Tứ liệu giản, tam huyền tam yếu xin xem chi tiết tại Lâm Tế lục.
[18] Đó là: Tôn sư pháp sách đăng đàn thọ giới, Nghênh sư duyệt định khoa, Long thư tịnh độ văn, Long thư  tịnh độ luận hậu bạt tự, Tịnh độ yếu nghĩa, Ngộ đạo nhân duyên, Thiền tông bản hạnh, Nam hải Quan âm bản hạnh, Thiền tịch phú, Đạt nam thái tử hạnh, Hồng mông hạnh
[19] PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Sđd, tr.496
[20] Thích Thanh Từ (2008), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr477
[21] Dẫn tại từ: PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Sđd, tr.498

Tài liệu tham khảo:
1.PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb. Tôn giáo và Từ điển Bách khoa, Hà Nội
2.Ngô Cao Lãng (1977), Lịch triều bản kỷ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
3.Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội
4.Tăng thống Đạo Nguyên Thích Khoan Dực biên soạn, Tào Động môn nhân Đức Nguyên Thích Tiến Đạt dịch (2015), Tào Động tông nam truyền tổ sư ngữ lục, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội
5.Thích Thanh Từ (2008), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh
6.Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1978), Tuyển tập văn bia Hà Nội, quyển I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội
7.Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Dương (2015), Thiền phái Tào Động Việt Nam và quần thể di tích Nhẫm Dương – giá trị lịch sử, văn hóa và Phật giáo, Kỷ yếu hội thảo khoa học
8.Viện Sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 4, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường