Tác giả: Thích nữ Tuệ Như (Mai Thanh Hà) Học viên Ths K.5 - Học viện PGVN tại TP.HCM
DẪN NHẬP
Từ xa xưa tới ngày nay, con người luôn luôn tìm cầu hạnh phúc. Tất cả các triết thuyết ra đời, các tôn giáo ra đời đều có mục đích làm giảm đi nỗi lo sợ vì sự thiếu hiểu biết về qui luật của thiên nhiên, vũ trụ và về chính bản thân con người.
Triết học Phương Tây và Triết học Phật giáo đều có chung mục đích là nỗ lực tìm ra chân lý để mang con người đến hạnh phúc, thoát khỏi khổ đau.
Triết học Phương Tây mà khởi nguồn từ Triết học Hy Lạp cổ đại đã có những triết gia lỗi lạc như Socrates, Plato... với những tư tưởng rất tiến bộ và một phần nào gần với tư tưởng Phật giáo. Tuy nhiên, để có một con đường giải thoát rốt ráo với một số lượng khổng lồ Tam tạng Kinh điển, chỉ có thể là Phật giáo mang lại sự an lạc tuyệt đối cho các hành giả hữu duyên. Điều này thực sự không phải là một nhận định chủ quan, thiên lệch, vì chỉ có trong Phật giáo người ta có thể tìm thấy sự tự do tuyệt đối qua lý thuyết và sự hành trì tu chứng.
TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC LONG THỌ
1. Tiểu sử: Bồ tát Long Thọ (tiếng Phạn là Nàgarjuna). Ngài sinh ra trong dòng Phạm Chí tại miền Tây Ấn Độ, vào khoảng thế kỷ thứ ba sau Tây lịch. Bồ tát Long Thọ sớm giác ngộ được tính vô thường của các pháp. Ngài rời bỏ thế tục vào núi tu hành các pháp thuật. Tổ Ca Tỳ Ma La đã tìm đến nơi ẩn tu của Ngài và độ cho Ngài xuất gia thọ trì giới pháp, thuộc phái Án Đạt La (Đại Chúng Bộ). Bồ tát Long Thọ đã từng theo học tại Trường Đại học Phật giáo Nalanda tại miền Bắc Ấn Độ. Ngài thắp sáng lên ngọn đuốc trí huệ Bát Nhã dẹp các tà ma ngoại đạo, xiển dương giáo nghĩa Đại Thừa, Lý Trung đạo Tính Không. Ngài chấn hưng lại Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Đại thừa được truyền bá mạnh mẽ ở Mông Cổ, Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và Trung Quốc.
2. Tư tưởng “tính không” của Long Thọ xuất phát từ cốt tủy của Phật giáo Nguyên thủy.
Trong Kinh Nikāya, đức Phật dạy rằng: ”Sabbe saṅkhārā aniccā’ti” (tất cả các hành là vô thường), “hành” hay “hữu vi pháp” là những gì có sinh, trú, diệt, được kết hợp bởi điều kiện hay duyên. “Sabbe saṅkhārā dukkhā’ti” (tất cả các hành là khổ); và “Sabbe dhammā anattā’ti” (tất cả các pháp là vô ngã). “Dhamma” trong câu này mang ý nghĩa rộng lớn bao hàm cả hữu vi, vô vi, tuyệt đối, niết bàn... “Yadā paññāya passati //Attha nibbindati dukkhe// Esa maggo visuddhiyā.” (Với Tuệ quán thấy vậy,//Đau khổ được nhàm chán,//Chính con đường thanh tịnh)[1]. Kết tinh từ những lời dạy này của đức Phật, Ngài Long Thọ đã xây dựng nên Trung Quán Luận.
Pratῑyasamutpāda – Duyên khởi là một giáo lý nền tảng của Phật học giảng về nhân duyên và cơ sở bản thể của mọi hiện tượng. Giáo lý duyên khởi cho rằng mọi hiện tượng sinh khởi trong sự tùy thuộc vào các nhân và duyên. Trên cơ sở này, Ngài Long Thọ đã có một tuyên bố danh tiếng “vạn pháp giai không” bởi vì chúng không hề có cái gọi là “tự tính” (svabhāva) để có thể tự hiện hữu hay hiện hữu độc lập. Duy chỉ trong duyên khởi tính không mới có thể thông đạt Tam pháp ấn một cách dung nhiên vô ngại. Quán Nhân Duyên này chính là để phủ định nhân duyên sinh có tự tính, nên thấu triệt sâu sắc rằng các pháp là vô tự tính Không.
Kệ Bát bất:
“Bất sinh diệc bất diệt (không sinh cũng không diệt),
Bất thường diệc bất đoạn ( không thường cũng không đoạn),
Bất nhất diệc bất dị ( không một cũng không khác),
Bất lai diệc bất xuất (không đến cũng không đi).”[2]
Bài quán “bát bất” này chính là cốt tủy của Trung Đạo quán. Quán “bát bất” sẽ giúp hành giả thấy các pháp đúng như thật chính nó là, thấy pháp là thấy lý nhân duyên, là thấy Phật; là có chính kiến, xa lìa ngã chấp và pháp chấp. Bát bất tóm lược tư tưởng cốt lõi không phải chỉ của Trung Luận mà còn là tư tưởng trung tâm của giáo pháp Đại thừa: lấy KHÔNG làm tướng để vượt thoát nhị biên. Đạt được cảnh giới này, chính là Niết bàn của Đại thừa, nhân không, pháp không.
Quan điểm lập trường Không của Long Thọ hay Trung Quán Luận đều dựa trên nghĩa Không của Phật giáo nguyên thủy, đó là Vô thường, Khổ, Không, Vô Ngã trong Tứ Đế và Lý Duyên sinh Vô Ngã, là Không của Thập Nhị Nhân Duyên...Điều đó có nghĩa là tư tưởng Không của Long Thọ Bồ tát chính là nền tảng trên nghĩa Không Nguyên thủy. Trung Quán Luận đã được xây dựng và phát triển theo một tiến trình hợp lý.
3. Định nghĩa thâm sâu của Long Thọ về “tự tính”
Trong Trung Quán Luận, Bồ tát Long Thọ có định nghĩa rất thâm sâu về “tự tính”. Ngài bác bỏ các định nghĩa mang tính chất giả tạm về “tự tính”. Ví dụ như, lửa đang cháy là một “vật”, và sức nóng là “tự tính” của nó. Ở đây, “tự tính” được hiểu như thuộc tính của pháp đó, nó chỉ hiện ra với pháp đó chứ không với pháp khác. Một định nghĩa khác về “tự tính”, đặc điểm trưng yếu của một pháp, “tự tính” là cái mang dấu ấn riêng, độc nhất, không có cái thứ hai giống nó.
Bồ tát Long Thọ bác bỏ hai quan niệm trên đây về “tự tính”. Ngài cho rằng, “tự tính” của hết thảy pháp hay các sự thể biệt lập rõ ràng là ngẫu hợp và lệ thuộc các duyên. Trở lại với ví dụ “hơi nóng”, là đặc tính chính của lửa, tùy thuộc vào sự cùng tác động của nhiều nhân tố khác nhau như que diêm, chất đốt, ô xy... Về loại “tự tính” này có thể nói rằng :” Trước đó chưa từng có, sau đó do duyên mà mới được sinh ra”. Bồ tát Long Thọ định nghĩa rằng: ”Tự tính” chân thực phải không lệ thuộc các duyên, tự hữu vĩnh viễn, không tùy thuận biến dịch.” Chiếu theo định nghĩa trên thì không có một thực thể riêng biệt nào có thể tìm thấy tự tính riêng biệt của nó. Định nghĩa của Bồ tát Long Thọ về “tự tính” là khởi điểm của hệ thống Trung quán. Đây là kết quả của tư duy thiền quán lâu dài và thâm sâu về “lý duyên khởi”. “Sinh” là một pháp duyên sinh, tính nó là không. “Tử” là một pháp duyên sinh, tính nó là không. Niết bàn cũng như vậy. Do vậy, trong đệ nhất nghĩa đế không nói rằng lìa sinh tử riêng có Niết bàn.
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG CỦA TRIẾT HỌC PLATO VỚI TƯ TƯỞNG TÍNH KHÔNG CỦA LONG THỌ
1. Tiểu sử: Plato (khoảng 427 - 347 tr.C.N) là nhà triết học người Athen trong thời kỳ Cổ điển ở Hy Lạp cổ đại, người sáng lập trường phái tư tưởng Plato và Học viện, cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở thế giới phương Tây. Ông là học trò của Socrates, người đặt nền tảng cho chủ nghĩa duy tâm. Ông được coi là nhân vật quan trọng trong lịch sử triết học phương Tây và Hy Lạp cổ đại cùng với người thầy của ông. Ông được coi là một trong những người sáng lập ra tôn giáo và tâm linh phương Tây.
2. Tư tưởng Triết học tiêu biểu của Plato
“Nền tảng của toàn bộ hệ thống triết học Plato là học thuyết ý niệm. Theo Plato, tồn tại đích thực không phải là thế giới sự vật cảm tính thường xuyên biến đổi mà là thế giới vô hình, bất biến, vĩnh viễn ở bên ngoài các sự vật vật chất - thế giới ý niệm. Ý niệm tạo nên cấu trúc tối cao của thế giới và không bị lệ thuộc vào cấu trúc này. Ý niệm là mô thức lý tưởng của các sự vật, là bản chất, nguyên mẫu của sự vật, còn các sự vật chỉ là cái bóng, là sự mô phỏng lại ý niệm. Ý niệm là linh hồn của vạn vật. Sự vật chỉ có thể là nó khi nằm trong quan hệ với ý niệm. Vật chất là điều kiện cho sự tồn tại của sự vật, là bản nguyên thứ hai của sự vật, còn bản nguyên thứ nhất, cái tạo thành bản chất của sự vật là ý niệm - mô thức về nó.
Trong thế giới ý niệm thì ý niệm Thiện là cao nhất, là ngọn nguồn của chân lý "trong thế giới tri thức, Mô thể cơ bản của Sự Thiện là điều được tri giác sau cùng và khó khăn nhất. Một khi nó được tri giác, chúng ta sẽ phải kết luận rằng nó là nguyên nhân của tất cả những gì đúng và tốt; trong thế giới hữu hình, nó phát sinh ánh sáng và phát sinh ra chủ nhân của ánh sáng, trong khi nó là chúa tể của thế giới khả tri và là nguồn gốc của trí thông minh và chân lý. Nếu không có sự hiểu biết về Mô thể này không ai có thể hành động một cách khôn ngoan, dù là trong đời sống cá nhân hay trong các hoạt động cộng đồng"[3]. Plato cũng cho rằng: “Linh hồn bất tử, khi con người chết đi chỉ có thể xác phân hủy, linh hồn còn lại, vì linh hồn là cái tinh khiết, vô hình, cao cả không phải hợp chất, theo lẽ tự nhiên cái là hợp tố và hợp chất thế nào cũng tan vỡ thành phần cấu thành. Linh hồn con người tuân theo kiếp luân hồi: mất đi ở kiếp này, tái sinh ở kiếp khác. Trong tác phẩm Phaedo, cũng giống Socrate, Plato coi thể xác là nơi giam cầm của linh hồn”[4]. Plato cho rằng mục đích của cuộc đời là tìm cách giải phóng linh hồn đưa nó về thế giới vô hình hoàn hảo, thế giới của chân, thiện, mỹ nơi mà từ đó nó sinh ra.
Thế giới bao gồm thế giới ý niệm (lý trí) mang tính phổ biến, chân thực, tuyệt đối bất biến, vĩnh hằng và duy nhất.
- Thế giới sự vật (cảm tính): không chân thật,không đúng đắn, mang tính chất cá biệt, tương đối, các sự vật luôn trong quá trình thay đổi sinh ra và mất đi, phức tạp, thoáng qua...
- Ý niệm là cái sản sinh có trước, là nguyên nhân, bản chất khuôn mẫu của sự vật. – Sự vật là cái có sau, là cái bóng được mô phỏng, sao chép từ ý niệm, xuất phát từ ý niệm và có quan hệ ràng buộc với ý niệm
Plato cho rằng: ”Hành động đúng không thể tách rời với ý thức đúng, triết học không thể tách rời đạo đức và tôn giáo, vì tất cả chỉ là một”[5]
3. So sánh triết học Plato và học thuyết Tính Không của Long Thọ
Nghiên cứu lại giáo lý và Triết học Phật Giáo các bộ phái Phật Giáo, chúng ta thấy Thượng Tọa bộ, Nhất Thiết Hữu bộ có chủ trương Ngã Không Pháp Hữu thể hiện trong luận thuyết: “Tam thế thật hữu, pháp tính Hằng hữu”. Điều này có nghĩa là hiện tượng của các pháp sinh diệt vô thường, nhưng thể tính của chúng thì thường trú. Triết học Platon phần nào có tương ưng với điểm này.
Plato cho rằng: ”Tư tưởng phải được phát sinh qua sự phân tích liên tục từ cái có điều kiện và đến cái vô điều kiện, từ hiện tượng đến ý niệm, từ các ý niệm đặc thù đến các ý niệm phổ quát nhất.”[6] “Cái có điều kiện” ở đây nếu theo ý nghĩa của Phật giáo là các pháp hữu vi do duyên mà sinh, “cái vô điều kiện” không phải do duyên sinh, nó là pháp vô vi.
Thuyết ý niệm của Plato: “Ý niệm là cái sản sinh có trước, là nguyên nhân, bản chất khuôn mẫu của sự vật. – Sự vật là cái có sau, là cái bóng được mô phỏng, sao chép từ ý niệm, xuất phát từ ý niệm và có quan hệ ràng buộc với ý niệm”. Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo. Nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.”; “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình.”[7] Chúng ta có thể thấy ở đây có sự gần tương đồng giữa thuyết ý niệm của Plato và Kinh Pháp Cú.
Học thuyết Tính Không của Bồ tát Long Thọ rất thâm sâu, là cốt tủy của Phật giáo. Tính Không trong Trung quán luận của Bồ tát Long Thọ chính là để mô tả cái Niết-bàn tịch tịnh, hay nói cách khác là chân như, Phật tính, không rơi vào chấp có, không rơi vào chấp không, là lý Trung đạo, là Chính kiến. Trung Quán là nói về các pháp ở dạng Chân đế (Paramatha), giáo nghĩa Ngã Không, Pháp Không, nhất nguyên, đi sâu vào bản thể luận. Theo Luận Abhidhamma thì thuyết ý niệm của Plato cũng không thể xếp vào pháp Chân đế.
Mở rộng ra trong các lời dạy của đức Phật, Plato có nhiều quan điểm gần với Phật giáo. Plato có một câu nói nổi tiếng ”Tự chinh phục mình là chiến công vĩ đại nhất." Đây là một sự đặc biệt trong triết học phương Tây, biết quay lại chính con người, lấy con người làm đối tượng để giải thoát khổ đau. Kinh Pháp cú số 104, đức Phật dạy: "Tự thắng mình còn vẻ vang hơn thắng kẻ khác. Muốn thắng mình phải luôn luôn tiết chế lòng tham dục.”[8].
Plato có khái niệm vật chất luôn luôn trong trạng thái thay đổi, tương ưng với thuyết vô thường trong Phật giáo. Phật giáo cho rằng cuộc đời con người tuân theo kiếp luân hồi và sự thác sinh luân hồi đó là do nghiệp chi phối, thì Plato cũng có khái niệm linh hồn có sự tái sinh, lên thiên đàng hay xuống địa ngục là do tâm niệm thiện hay ác của con người. Theo Plato, con người do thần linh coi giữ và người đời chỉ là một phần trong sở hữu của các thần linh. Con người sống trong thế giới sự vật cảm tính, được tạo thành từ linh hồn và thể xác, giống như sự vật được tạo thành từ ý niệm và vật chất. Như vậy, triết học của Plato là triết học hữu ngã, hữu thần. Giải thoát trong triết học Plato chỉ là giải thoát mang tính tương đối.
Theo Phật giáo không có một linh hồn tồn tại vì một chúng sinh theo quan niệm Phật giáo do ngũ uẩn mà hợp thành. Ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Các uẩn này trong trạng thái thay đổi liên tục, do vậy, không có gì gọi là một bản ngã, một linh hồn, một thực thể bất biến. Nếu so sánh thuyết ý niệm của Plato với tư tưởng tính không của Bồ tát Long Thọ thì thuyết ý niệm rơi vào nhị nguyên đối đãi. Tính không của Long Thọ bặt dứt “có” “không”.
Quan điểm của Plato: ”Mục đích của cuộc đời con người là giải thoát linh hồn đưa nó trở về với cội nguồn nơi nó sinh ra, tức thế giới vô hình, hoàn hảo - thế giới của cái chân, thiện, mỹ tuyệt đối. Muốn vậy, con người cần trau dồi đạo đức, để cư xử tốt ở đời. Linh hồn sung sướng hơn hết, linh hồn có nơi nhập tốt đẹp hơn hết là linh hồn đã luyện tập, trau dồi đức tính của công dân bình thường - gọi là điều độ, chính trực"[9] Triết học Plato có giá trị trong việc xây dựng một xã hội tốt đẹp với con người được rèn luyện đạo đức và thể chất. Plato đưa ra nhận định: "Thực tập triết học đúng đường lối kìm hãm, lánh xa, chế ngự, chống trả, cương quyết không đầu hàng đam mê thể xác"[10]. Đây là một điểm rất gần với Phật giáo, như trong kinh Tiểu Bộ, đức Phật dạy: “Ngày đêm ngươi nhận thấy,//Ðoạn dục, ly nghi ngờ, //Ái diệt là Niết-bàn”.[11]
Chủ trương của Phật giáo là giải thoát khổ đau nên đức Phật để lại đầy đủ trong Tam tạng Pháp bảo, tất cả các pháp để đối trị các bệnh khổ của chúng sinh. Đối với diệt trừ tham ái về thể xác, đức Phật dạy quán bất tịnh để đối trị rất rõ ràng và hiệu quả, giải thoát con người khỏi sự trói buộc của dục vọng thể xác.
Pháp quán này trong Phật giáo chỉ là pháp phương tiện, tu định để sau đó đi sâu vào tuệ quán, để dứt trừ được vô minh vi tế.
Nghiên cứu về triết học Plato rất thú vị và cho chúng ta thấy vẫn còn nhiều giá trị cho tới ngày nay để xây dựng một đời sống tốt đẹp.
KẾT LUẬN
Tư tưởng triết học Platon có rất nhiều điểm nông, sâu tương đồng với tư tưởng cốt yếu của Phật giáo Nguyên thủy. Một hành giả đại thừa thực hành bồ tát đạo cần nghiên cứu sâu để làm phương tiện dẫn chứng đưa những người có tư tưởng văn hoá phương Tây đến với con đường giải thoát của Phật giáo, đó chính là phương tiện thiện xảo vì lòng bi mẫn với chúng sinh với đại trí tuệ dẫn đường.
Giáo sư R.W.Rhys.Davids, Chủ tịch sáng lập Hội Pali Text Society tại London, bày tỏ chính kiến của mình: ”Dầu là phật tử hay không, tôi nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo lớn trên thế gian, và trong tất cả, tôi không tìm thấy một tôn giáo nào có cái gì cao đẹp và toàn diện hơn Bát Chính Đạo của đức Phật. Tôi chỉ còn có một việc làm là thu xếp nếp sống sao cho phù hợp với con đường ấy”.[12]
Tác giả: Thích nữ Tuệ Như (Mai Thanh Hà) Học viên Ths K.5 - Học viện PGVN tại TP.HCM
***
Chú thích: [1] TK.Đức Hiển biên soạn,HT.Thích Minh Châu dịch, Dhamapada, kệ ngôn số 277; kệ ngôn số 278, tr.457, kệ ngôn số 279, tr.458, Nxb.Tôn giáo, 2009, tr.456. [2] T.V.Murti (1968), Tánh Không Cốt tủy Triết học Phật giáo Nghiên cứu về Trung Quán Tông, Huỳnh Ngọc Chiến (dịch), NXB Hồng Đức, 2019. [3] Plato, "Cộng hòa" trong: Benjamin Jowett & M.J. Knight, Plato chuyên khảo, NXB Văn hóa thông tin, 2008 [4] N.T.T. Huyền,Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 31, Số 2 (2015) tr.22 [5] Benjamin Jowett & M.J.Knight, “The Essential of Plato”, Book of the Month Club, “Plato chuyên khảo, Plato tinh hoa”, Lưu Văn Hy – Trí Tri (dịch), Nxb.Văn hóa Thông tin, tr.25 [6] Benjamin Jowett & M.J.Knight, “The Essential of Plato”, Book of the Month Club, “Plato chuyên khảo, Plato tinh hoa”, Lưu Văn Hy – Trí Tri (dịch), Nxb.Văn hóa Thông tin, tr.25 [7] Kinh Pháp Cú, Nārada MahāThera dịch Pāli – Anh, HT. Thích Thiện Siêu dịch từ bản Hán ngữ HT. Thích Minh Châu dịch từ bản Pāli ngữ, Công ty CP Văn hóa Thiện Tri Thức, 2014, tr.19 [8] Kinh Pháp Cú, Nārada MahāThera dịch Pāli – Anh, HT. Thích Thiện Siêu dịch từ bản Hán ngữ HT. Thích Minh Châu dịch từ bản Pāli ngữ, Công ty CP Văn hóa Thiện Tri Thức, 2014, tr.77 [9] Plato, "Phaedo", Đỗ Khánh Hoan (dịch), Ngày cuối trong đời Socrates, NXB Thế giới, 2013 [10] Plato, "Phaedo", Đỗ Khánh Hoan (dịch), Ngày cuối trong đời Socrates, NXB Thế giới, 2013 [11] Kinh Tiểu bộ, Thích Minh Châu(dịch), Kinh tập chương 5, Phẩm:Con đường đến bờ bên kia, xb.1999,tr.792 [12] Bhikkhu Nārada, Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, tr.281
SÁCH THAM KHẢO TK.Đức Hiển biên soạn,HT.Thích Minh Châu dịch, Dhamapada,Nxb.Tôn giáo, 2009. Kinh Pháp Cú, Nārada MahāThera dịch Pāli – Anh, HT. Thích Thiện Siêu dịch từ bản Hán ngữ HT. Thích Minh Châu dịch từ bản Pāli ngữ, Công ty CP Văn hóa Thiện Tri Thức, 2014. Kinh Tiểu bộ, Thích Minh Châu(dịch), Kinh tập chương 5, Phẩm:Con đường đến bờ bên kia, xb.1999. N.T.T. Huyền,Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 31, Số 2 (2015) Bhikkhu Nārada, Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, tr.281 T.V.Murti (1968), Tánh Không Cốt tủy Triết học Phật giáo Nghiên cứu về Trung Quán Tông, Huỳnh Ngọc Chiến (dịch), NXB Hồng Đức, 2019. Plato, "Cộng hòa" trong: Benjamin Jowett & M.J. Knight, Plato chuyên khảo, NXB Văn hóa thông tin, 2008 Benjamin Jowett & M.J.Knight, “The Essential of Plato”, Book of the Month Club, “Plato chuyên khảo, Plato tinh hoa”, Lưu Văn Hy – Trí Tri (dịch), Nxb.Văn Plato, "Phaedo", Đỗ Khánh Hoan (dịch), Ngày cuối trong đời Socrates, NXB Thế giới, 2013.
Bình luận (0)