Thích Nữ Nhẫn Hòa Chùa Tâm Ấn, số 9/1 Đinh Tiên Hoàng, Phường 2, Tp.Đà Lạt Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

Dẫn nhập: Thời kỳ triết học cổ đại Hy Lạp có nhiều triết gia nổi tiếng với nhiều tư tưởng học thuyết về thế giới và con người. Hegel đại biểu tiêu biểu về triết học duy tâm, bằng logic học và thực nghiệm ông đã chạm đến thế giới tâm linh người phương Đông mà ông gọi đó là ý niệm tuyệt đối. Tại Ấn độ, Nagarjuna đã thống nhất các tư tưởng thời bấy giờ bằng phép biện chứng pháp phủ định các pháp mà không chấp các pháp đang tồn tại. Trong ý nghĩa tìm hiểu sự tương đồng và dị biệt của hai hệ thống triết học Đông-Tây, người viết tìm hiểu đề tài: “So sánh Tư tưởng Triết học của Hegel và Nagarjuna” để thấy được “tinh thần tuyệt đối” của Hegel tương đồng với “tính không” của Nagarjuna mặc dù biện chứng pháp của hai triết gia có phần khác nhau. Từ khóa: Nagarjuna, Hegel, triết học, duy tâm, duy vật, triết gia…

1. Khái quát về Nagarjuna, Nagarjuna (tiếng Hán: 龍樹; tiếng Sanscrit: Nagarjuna) (150-250 A.D).

Hiện nay, Nāgārjuna được giới học Phật phương Tây xem như là một nhà tư tưởng lớn nhất của Phật giáo, được truyền thống cũng như giới nghiên cứu Phật học tôn xưng là đức Phật thứ hai trong lịch sử phát triển Phật giáo. Qua Trung quán luận của Nāgārjuna: “Những học giả hiện đại chuyên môn về Tính Không luận với những đại biểu có thẩm quyền như T. R. V. MURTI, Ed. CONZE, J. MAY, và có thể kể thêm những vị ở ngoài lãnh vực chuyên môn này nhưng cũng được coi như là có thầm quyền như STCHERBATSKY, J.TAKAKUSU, vân vân, đều đồng thanh công nhận Tính Không luận như là Biện chửng pháp ( dialectique )” [1]. Các nhà học giả hiện đại, khách quan đã tìm thấy điểm tương đồng hai nền triết học là biện chứng pháp. Tính không luận là tiếng nói đồng thanh với triết học phương Tây bỡi lẽ tư tưởng trên nguyên tắc mâu thuẫn sẽ dung nạp tư tưởng phương Tây, dung nạp tất cả mọi tương phản, tất cả mọi cái không phải là nó.

Trung quán luận của Nāgārjuna dựa trên Duyên khởi xây dựng nên một lập trường triết lý độc đáo không ra ngoài truyền thống căn bản Phật giáo và không một triết thuyết nào cũng như học phái đại thừa sau này vượt qua được khi giải thích nguyên lý căn bản lời Phật dạy.

Tranh vẽ Nagarjuna - Ảnh: St

2. Khái quát G. W. F. Hegel (1770-1831)

Triết học Phương Tây có mặt hơn 25 thế kỷ không chỉ khám phá, tư duy về thế giới vật chất mà còn mang hình thái triết học duy tâm với những đại biểu sơ khai được ghi nhận trong lịch sử như Socrates, Plato, Hegel, Kant. Theo Hegel: “cái gì tồn tại thì hợp lý, triết học ra đời, tồn tại và phát triển đáp ứng nhu cầu của con người để nhận thức, khám phá thế giới và bản thân mình” [2]. Triết học của Hegel khám phá thế giới tự nhiên và bản thân mình thiên về thực nghiệm logic học.

Hegel là nhà duy tâm khách quan hay chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối. Ông cho rằng khởi nguyên của thế giới không phải là vật chất mà là “ý niệm tuyệt đối” hay “tinh thần thế giới”. Cái mới trong thuyết của Hegel chính là ông xem xét tinh thần thế giới, ý niệm tuyệt đối là một quá trình phát triển không ngừng. Ông là nhà triết học hoàn chỉnh phép biện chứng duy tâm, phép biện chứng của ý niệm tuyệt đối, tinh thần thế giới là cơ sở đầu tiên và nguồn gốc của mọi tồn tại.

3. So sánh biện chứng pháp giữa Hegel và Nagarjuna

a. Sự giống nhau:

Biện chứng pháp là chủ đề chính của triết học Hegel và Trung Quán tông. Nền tảng chung làm phát sinh phép biện chứng pháp của triết học Hegel và Trung quán tông là bản chất của lý tính, nhị luận bội lý, tương đối. Nghĩa là Lý tính là hoạt động thông qua các mặt đối lập, còn biện chứng pháp là ý thức về sự đối lập.

Cả hai hệ thống triết học đều cố gắng giải quyết sự đối lập này bằng cách nâng nó lên tầm quan điểm cao hơn.

b. Sự khác nhau

b.1 Biện chứng pháp của Hegel: là sự vận động từ lập trường của nhận thức là lập trường cô lập và trừu tượng hóa sự vật, chú ý đến từng sự vật rời rạc một cách giả tạo-đến lập trường của lí tính là lập trường bao hàm và hợp nhất những mặt đối lập của nhận thức [3]. Biện chứng pháp của Hegel cố gắng loại bỏ sự đối lập giữa chính đề và phản đề tức giữa Hữu và phi Hữu bằng cách nối kết và hợp nhất chúng vào một khái niệm thứ ba không còn xung đột đạt đến sự hài hoà. “Chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối của Hegel đương đầu với ‘Linh hồn thế giới’ triển khai từ đó và qua đó ông trình bày cái được gọi là ‘Biện chứng pháp Hegel. Theo biện chứng pháp ấy, một khái niệm (tiền đề) đương nhiên phát sinh cái đối lập của nó (phản đề), và cả hai đề ấy tương tác dẫn tới một khái niệm mới (tổng hợp đề). Tới lượt cái thứ ba này trở thành tiền đề của một bộ ba mới” [4].

Biện chứng pháp của Hegel đưa ra những vấn đề trọng yếu khiến nó khác với triết học Trung quán tông nghĩa là: “Một hợp đề chỉ có thể được xem là cao hơn nếu ta chứng minh được nó là thực tại tính của các mệnh đề đối lập , mà thực tại tính này chỉ là biểu tướng hư vọng của cái như thực” [5]. Theo Hegel, thực tướng không thể hiểu như là sự mở rộng thêm về trương độ hay số lượng. Các mệnh đề đối lập là một phần của thực tướng, nghĩa là một phần của nó thì bất thực, nếu thêm một cái gì đó vào nó thì nó sẽ chân thật hơn.

Hegel quan niệm rằng, tư tưởng cấu thành nên thực tướng, sự hỗ tương giao thiệp là một nét đặc trưng của thực tướng. Mọi hình thức từ trạng thái thấp nhất (tri giác) đến hình thái cao nhất (ý niệm tuyệt đối) đều được Helgel giải thích là các giai đoạn của tư tưởng: tự tha hóa rồi phục hồi lại bản thể. Ở đây cái tuyệt đối của Hegel có thể xem là cái tục đế của Trung quán tông.

Hegel nói về việc duy trì và chấp nhận các mặt đối lập mà không hủy diệt chúng; bản thân sự phủ định được hiểu như là sự hoàn tất, chứ không phải là sự loại bỏ để thay thế. Hợp đề là hợp âm của những nốt nhạc chỏi nhau. Đây là thuật ngữ do Hegel đề xuất, dùng để chỉ cái phổ quát cụ thể, đối nghịch với cái phổ quát trần trụi mà ta có được khi loại bỏ sạch những sự khác biệt. Đây là có thể nói Hegel đã chạm đến triết lý chân đế trong trung quán, có sinh thì có diệt, tất cả mọi thứ trên thế gian đều tồn tại hai mặt trai lập của nhau, thế giới tồn tại được nhờ những gì đối lập nhau. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng giới theo trung quán.

b.2 Biện chứng pháp của Nāgārjuna: là sự vận động từ tương đối tính của lý tính trong hiện tượng giới đến trực giác bất nhị về cảnh giới tuyệt đối, hay từ kiến giải đến trí bát nhã. Trung quán tông phát triển lập trường trung đạo thật ra là phi lập trường bằng sự phê phán sắc bén, loại bỏ mọi kiến giải mọi quan điểm đang bị nhồi nhét trong sở tri của mình mới liễu ngộ được thực tướng y như thực.

Theo Nāgārjuna, để liễu ngộ được thật tướng như thật thì tâm trí phải xa lìa mọi tính tương đối và và mọi mối tương quan. Thực tướng của trung quán là lý thể tuyệt đối của tính không. Cảnh giới tuyệt đối có thể thể nhập được chỉ khi thể chứng được trí bát nhã. Còn lý tính với chức năng phân biệt, tạo nên sự khác biệt giữa pháp này và pháp kia thì không thể nào chạm đến được cảnh giới tuyệt đối. “Triệt để loại trừ quan điểm nhị biên là phương pháp biện chứng của trung quán” [6]. Quán xét về quan điểm nhị biên như một tiền đề hữu lý hoặc vô lý, những mâu thuẫn luận lý và phi luận lý thường xảy ra trong một tiền đề loại trừ hoặc giải quyết những mâu thuẫn đó trong cùng một tiền đề là biện chứng của Nāgārjuna.

Chân dung G. W. F. Hegel (1770-1831) - Ảnh: St

Trung quán tông nói rằng, thực tướng chỉ có thể ngộ thông qua sự phủ định các kiến giải, chứ không phải bằng cách thêm vào. Liễu ngộ mọi kiến giải đều là không. Cảnh Giới Tuyệt Đối của Trung quán tông, không phải là hiện tượng giới của những pháp sai biệt, mà là pháp tính của hiện tượng giới. Do đó, Nāgārjuna tuyên bố rằng thậm chí không có mảy may sai biệt giữa sinh tử luân hồi (sansāra) với Niết Bàn (Nirvāna). Nếu có phủ bác đi chăng nữa, thì đó là do ta ngộ giải mà thôi, chứ hoàn toàn không có sự bỏ rơi hay tách ly với thực tướng.

Tóm lại: Biện chứng Trung luận của Nāgārjuna: phủ nhận các pháp hay giáo điều chỉ là cách nói trên ngôn ngữ, một cách nói vượt thoát ngôn ngữ để hiển bày chân lý. Phủ nhận tất cả, buông bỏ tất cả chỉ là điều kiện bắt buộc để hành giả vượt qua khuôn mẫu tư duy, lý luận quen thuộc của thế giới tri thức bờ bên này để vượt qua bờ bên kia của trí tuệ giải thoát. Phủ nhận mọi pháp, lại không thấy mình phủ nhận, không thấy mình được hay mất. Tất cả pháp đều không, nghĩa chúng chưa bao giờ là, chưa bao giờ tồn tại độc lập mà không bị ảnh hưởng từ các nhân duyên khác. Để hiểu được tính chất hay bản thể luận tức Duyên khởi tính không cần tự tu và tự chứng, nếu chỉ hiểu trên ngôn ngữ khó thấy được chân lý, không thể đạt tới rốt ráo giải thoát, đây cũng là điểm nổi bậc và khác biệt so với triết học phương tây nói chung và Hegel.

4. Nhận định tư tưởng triết học của Hegel và Nagarjuna

Tính không trong Trung quán luận là một tuyệt đối luận chứ không phải là hư vô luận hay thực chứng luận. Trung quán tông lột tả được cảnh giới thực tướng. Thực tướng thì siêu việt cảnh giới tư duy và không thể hình dung hay quan niệm nó bằng một thuật ngữ thường nghiệm. Biện chứng pháp Trung quán tông lấy tâm linh làm mục tiêu. Tục đế Trung quán tông là cái tuyệt đối của Hegel.

Trong tinh thần tuyệt đối của Hegel đều bao hàm chủ khách và năng sở. Biện chứng pháp Hegel đưa ra những vấn đề trọng yếu khiến nó khác với triết học trung quán tông. “Hợp đề của hai mệnh đề đối lập luôn được Hegel xem là cao hơn, phong phú hơn, chân thật hơn. Một hợp đề chỉ có thể được xem là cao hơn nếu ta chứng minh được nó là thực tại tính của mệnh đề đối lập, mà thực tại tính này chỉ là biểu tướng hư vọng của cái như thực” [7]. Giả và chân không chỉ khác biệt nhau vì chúng còn phụ thuộc vào sự đánh giá, cái được công nhận thì chân còn cái bị phủ nhận là giả. Thực tướng theo Hegel là sự mở rộng thêm về trương độ hay số lượng khác với thực tướng theo Trung quán tông là thực tại tính, là pháp tính của biểu tướng. Như thực là “không chư kiến” tức liễu ngộ mọi kiến giải là không. Biện chứng pháp Trung quán tông là sự phủ định những điểm khác biệt, trong khi biện chứng pháp Hegel là sự tổng hợp chúng lại. Hegel đồng nhất cái tuyệt đối với tư tưởng còn Trung quán tông đồng nhất nó với trực giác bất nhị tức trí tuệ bát nhã.

Triết học của Hegel tương ứng với ý niệm tuyệt đối, vượt bỏ mọi tư tưởng của logic học [8] tương đồng với Trung quán luận của Long Thọ vượt khỏi ý niệm nhị nguyên tức sự đối đãi, nhưng sau đó triết học Trung Quán Luận nhờ vượt cái thấy của sự đối đãi đã thấy được thực tướng tức vô ngã Niết bàn. Muốn đạt được Niết bàn, Phật giáo chỉ rõ phương pháp tu tuệ mới tự mình chứng nghiệm được, còn Hegel sau khi vượt bỏ mọi tư tưởng logi học, tại đây khái niệm mới là sự thống nhất được dị biệt hóa coi như chân lý hay ý niệm tuyệt đối.

Triết học Nāgārjuna không cần sự can thiệp trung gian của khái niệm, mà bằng ngộ từng bước. “Nhưng với cái từ ấy nhặt lấy bên lề của ngôn ngữ và người ta giao cho nó làm cái thế nước đôi cho khái niệm” [9] tức Hegel nói ý niệm tuyệt đối hay triết học quan niệm nó có một khách thể chân lý còn minh triết hay trung quán luận nói ngộ ra. Nhận thức bằng khái niệm có thể được đặt ra như là cứu cánh, ngộ ra không phụ thuộc vào các phương tiện mà vào các điều kiện. Ngộ ra tức nhận thức không phải về cái ta không nhìn thấy, hay về cái ta không biết mà ngược lại về cái ta thấy, cái ta biết thậm chí về cái ta quá biết rồi hay nhận thức về cái hiển nhiên, hình thế duy lý giống nhau giữa Hegel và Long thọ tức tư tưởng Hegel đã có điểm chung với Long thọ về tục đế.

Nếu như triết học phương Tây thường đi từ trừu tượng đến cụ thể, từ rộng đến hẹp, từ thế giới quan đến nhân sinh quan, từ bản thể luận đến nhận thức luận thì triết học phương Đông thường đi ngược lại từ cụ thể đến trừu tượng, từ hẹp đến rộng, từ nhân sinh quan đến thế giới quan. Tuy nhiên triết học duy tâm của Hegel và Trung quán luận của Nāgārjuna đã gặp nhau trên tinh thần ý niệm tuyệt đối.

C. Kết luận

Mỗi học thuyết triết học được xem là tài sản chung của nhân loại. Nghiên cứu triết học phương Đông để khám phá hội ngộ với nữa bên kia của chính mình, để thấy được hai nền triết học giao thoa với nhau bởi triết học Trung quán của Nāgārjuna. Triết học Long Thọ biểu thị tinh thần tuyệt đối và cái tinh thần tuyệt đối của Hegel chính cái vô ngã Niết bàn. Tuy nhiên Hegel chỉ mới chạm đến chân đế của phương Đông nhưng chưa biết cách làm sao đạt được nó. Trung quán luận của Nāgārjuna đưa ra được con đường thực nghiệm có thể thấy được cái tuyệt đối bởi thiền định và trí tuệ bát nhã. Đây là điểm đặc sắc và khác biệt nổi bậc giữa hai nền triết học.

Thích Nữ Nhẫn Hòa Chùa Tâm Ấn, số 9/1 Đinh Tiên Hoàng, Phường 2, Tp.Đà Lạt Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023 ***

CHÚ THÍCH: (1) Tuệ Sỹ, Tánh Không luận là gì, Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, Tư Tưởng Số 1 (Năm 1970), In tại Đăng Quang - Phan Thanh Giản, Sài Gòn, 1970, tr.115. (2) Lê Tôn Nghiêm, Lịch Sử triết học phương Tây- tập 1,Nxb.Tp.HCM, 2000, tr.8. (3) T.R.V Murti, Tánh Không Cốt Tuỷ Triết học Phật giáo, Huỳnh Ngọc Chiến dịch, NXB Hồng Đức, 2012. (4) Nguyễn Ước, Ba mươi Triết gia Tây Phương, https://phapthihoi.org/kinh/Ebooks/Sach-Noi/Viet-Nam/Ba-Muoi-Triet-Gia- Tay-Phuong-Nguyen-Uoc.pdf ngày truy cập 04/07/2022 (5) T.R.V Murti, Tánh Không Cốt Tuỷ Triết học Phật giáo, Huỳnh Ngọc Chiến dịch, NXB Hồng Đức, 2012. (6) Thích Kiên Định, Lịch sử văn học Sanskrit & Hán tạng Phật giáo, Nxb.Thuận Hoá, Huế, 2008 (7) T.R.V Murti, Tánh Không Cốt Tuỷ Triết học Phật giáo, Huỳnh Ngọc Chiến dịch, NXB Hồng Đức, 2012 (8) Michael Inwood, Từ điển triết học Hegel, Tập thể dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, Nxb.Trí Thức, 2015. (9) Francois Jullien, Minh triết phương Đông và triết học phương Tây, Nguyên Ngọc dịch, Nxb.Đà nẵng, 2004, tr.43.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Thích Kiên Định, Lịch sử văn học Sanskrit & Hán tạng Phật giáo, Nxb.Thuận Hoá, Huế, 2008. 2. Tuệ Sỹ, Tánh Không luận là gì, Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, Tư Tưởng Số 1 (Năm 1970), In tại Đăng Quang - Phan Thanh Giản, Sài Gòn, 1970. 3. Lê Tôn Nghiêm, Lịch Sử triết học phương Tây- tập 1, NXB Tp.HCM, 2000. 4. T.R.V Murti, Tánh Không Cốt Tuỷ Triết học Phật giáo, Huỳnh Ngọc Chiến dịch, NXB Hồng Đức, 2012. 5. Michael Inwood, Từ điển triết học Hegel, Tập thể dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, Nxb.Trí Thức, 2015. 6. Francois Jullien, Minh triết phương Đông và triết học phương Tây, Nguyên Ngọc dịch, Nxb.Đà nẵng, 2004, tr.43. 7. Nguyễn Ước, Ba mươi Triết gia Tây Phương, https://phapthihoi.org/kinh/Ebooks/Sach-Noi/Viet-Nam/Ba-Muoi-Triet-Gia- Tay-Phuong-Nguyen-Uoc.pdf (truy cập 04/07/2022)