Tác giả: Liên Vũ Học viên lớp Ths Khóa II tại Học viện PGVN tại Huế
Gia đình là môi trường nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách và đạo đức con người, góp phần giữ gìn và phát huy các truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Trong từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Gia đình là những người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái” [15, tr. 478]. Còn theo Giáo sư Trần Đình Hượu phân tích: “Gia đình là một tổ chức rất xa xưa, bắt nguồn từ quan hệ nam nữ, tìm việc sinh con đẻ cái rất tự nhiên, về sau trong lịch sử mới thay đổi thích ứng với phương thức sản xuất, với cơ chế chính trị - xã hội, với nền văn hóa…” [8, tr. 25] Đối với mỗi con người, gia đình là tổ ấm, là nơi bình yên để quay về sau bao bộn bề công việc, là nơi che chở, bảo bọc mỗi khi chúng ta vấp ngã, là hậu phương vững chắc trên con đường đời đầy chông gai, thử thách. Vì vậy, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân, rộng hơn nữa là ảnh hưởng đến đạo đức, văn hóa của cả xã hội. Bởi lẽ, gia đình là tế bào của xã hội, từ những gia đình êm ấm, hạnh phúc sẽ tạo nên một xã hội hòa bình, thịnh vượng “Gốc của thiên hạ là quốc gia, gốc của quốc gia là gia tộc và nhà cửa, gốc của gia tộc và nhà cửa chính là bản thân mình vậy (thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia, gia chi bản tại thân” [9, tr. 661]. Thấy được tầm quan trọng đó, có nhiều tư tưởng của các nhà triết học hay các tôn giáo đã đề cập đến vấn đề gia đình, trong đó nổi bậc là Nho giáo và Phật giáo. Mỗi tôn giáo đều đưa ra những quy chuẩn đạo đức, phép tắc, luân lý để mọi người theo đó thực hiện. Về phương diện gia đình, cả hai tôn giáo đều có rất nhiều chuẩn mực nhằm hướng tới xây dựng một gia đình có an vui, hạnh phúc. Và trong bài viết này, người viết sẽ so sánh quan niệm về gia đình của hai tôn giáo trên phương diện các mối quan hệ trong gia đình.
Đầu tiên là nói đến các mối quan hệ gia đình theo Nho giáo, Nho giáo hướng tới ba mối quan hệ cơ bản là cha-con, chồng-vợ, anh-em, trong mỗi mối quan hệ Nho giáo đều đưa ra những quy chuẩn đạo đức về ứng xử, thái độ cho mỗi cá nhân “Một nhà nhân thì cả nước dấy lên đức nhân, một nhà lễ nhượng thì cả nước dấy lên lễ nhượng” [10, tr. 44]. Trước hết là mối quan hệ cha mẹ và con cái, nói đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà nói đến mối quan hệ huyết thống thiêng liêng, con cái là quả ngọt được đúc kết từ tình yêu của cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ có bổn phận và trách nhiệm rất lớn trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái, từ giáo dục thể chất cho đến giáo dục tinh thần, từ nuôi nấng bảo bọc cho đến hướng dẫn cho con tự lập trong cuộc sống. Bởi lẽ cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên dạy cho con hiểu biết về thế giới xung quanh, biết lễ nghi, đạo đức, cách cư xử, giao tiếp trong cuộc sống. Ngược lại, con cái cũng phải biết vâng lời, làm tròn những bổn phận, phép tắc đối với cha mẹ, như vậy mới có thể báo đáp phần nào công ơn nuôi dưỡng của hai đấng sinh thành.
Theo Nho giáo, trong mối quan hệ này có hai chuẩn mực cơ bản là từ và hiếu. Từ chính là tình thương, trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy, giáo dục con cái đến lúc trưởng thành. Khi còn nhỏ thì chăm sóc, nuôi dưỡng, đến khi trưởng thành thì dạy đạo làm người. Con cái có gây ra vấn đề gì thì phải lấy lòng từ mà dạy dỗ, chỉ bảo con. Đó chính là trách nhiệm của cha mẹ trong quan niệm của Nho giáo. Ngược lại, con cái phải biết vâng lời, hiếu kính với cha mẹ đó là chữ hiếu. Trong Nho giáo, chữ hiếu được coi là chuẩn mực đạo đức quan trọng của con người trong quan hệ gia đình. Công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của hai bậc sinh thành sâu như biển cả, lớn như núi cao, vì vậy khi còn nhỏ phải biết nghe lời, chăm lo học hành, đến khi lớn lên phải biết chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ với lòng kính trọng, biết ơn vô hạn. Nếu không làm được như vậy thì sẽ như ý nghĩa trong câu Khổng Tử đã nói: “Người nay được gọi là hiếu là người có thể nuôi cha mẹ. Nhưng nuôi chó ngựa cũng có thể gọi là nuôi, nếu nuôi cha mẹ mà không kính thì khác gì nuôi chó ngựa nhỉ?” [11, tr. 192]. Bên cạnh đó, Nho giáo đòi hỏi phận làm con phải có trách nhiệm với cha mẹ không chỉ khi còn sống mà cả khi cha mẹ đã mất, Khổng Tử nói: “Khi cha mẹ sống thì theo lễ mà phụng sự, khi cha mẹ chết thì theo lễ mà an táng, và khi cúng tế cũng phải đúng lễ” [12, tr. 245]. Thực hành theo những chuẩn mực phép tắc như vậy mới được gọi là một người con có hiếu theo Nho giáo. Một mối quan hệ khác cũng rất cơn bản trong gia đình đó là mối quan hệ vợ chồng.
Trong mối quan hệ vợ chồng, Nho giáo yêu cầu người phụ nữ phải có tam tòng “Phụ nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vô chuyên dụng chi đạo, cố vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử (Nghĩa là: Người đàn bà có cái nghĩa phải theo ba điều, mà không có cái lễ (đạo) làm theo ý mình, cho nên, khi chưa lấy chồng thì theo cha, khi đã lấy chồng thì theo chồng, khi chồng chết thì theo con. Đó là ba điều người phụ nữ phải tuân theo, không được tự định đoạt theo ý mình. Người phụ nữ từ nhỏ cho đến khi xuất giá đều phải phụ thuộc vào người đàn ông trong gia đình, không có quyền quyết định cuộc sống hay hạnh phúc của bản thân, Mạnh Tử đã cho rằng: “Nếu chẳng đợi lệnh cha mẹ, chẳng chờ lời mai mối, mà lén dùi lỗ để nhìn nhau, vượt tường để theo nhau, thì cha mẹ và người trong xứ đều khinh rẻ mình” (Bất đãi phụ mẫu chi mệnh, mối trước chi ngôn, toàn huyệt khích tương khuy, du tường tương tùng, tắc phụ mẫu, quốc dân giai tiện chí) [13, tr. 14]. Ngoài tam tòng, người phụ nữ phải có tứ đức: Cửu tần chưởng phụ học chi pháp, dĩ cửu giáo ngự: Phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công. (Nghĩa là: Cái phép học của người vợ cả là lấy chín điều - tập trung trong bốn đức: công, dung, ngôn, hạnh). Theo Nho giáo, với người phụ nữ, tứ đức gồm phụ công, phụ dung, phụ ngôn và phụ hạnh.
1. Công: Nữ công, gia chánh phải khéo léo. Tuy nhiên các nghề với phụ nữ ngày xưa chủ yếu chỉ là may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán, với người phụ nữ giỏi thì có thêm cầm kỳ thi hoạ.
2. Dung: Dáng người đàn bà phải hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân.
3. Ngôn: Lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng.
4. Hạnh: Tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt. [14, tr. 77]
Tam tòng và tứ đức là những quy chuẩn, là thước đó đức hạnh để giáo dục người phụ nữ trong tư tưởng Nho giáo.
Trong mối quan hệ anh-em, Nho giáo xác định chữ đễ để điều chỉnh mối quan hệ anh em. Đó là chuẩn mực đạo đức về cả hai phía. Một người anh có đễ là một người anh biết yêu thương và có trách nhiệm đối với các em. Trách nhiệm ấy càng trở nên nặng nề hơn khi cha mẹ mất sớm và các em chưa trưởng thành. Cũng vậy, người em có đễ là người em biết kính trọng, yêu thương và biết vâng lời anh.
Như vậy, Nho giáo yêu cầu mỗi thành viên phải làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình với gia đình, cha ra cha, con ra con, anh ra anh, em ra em. Nho giáo đã định ra những đức tính cho từng mối quan hệ: Cha từ, con hiếu, anh lành, em đễ, chồng có nghĩa, vợ vâng lời. Thực hiện đúng chuẩn mực đạo đức đó thì gia đình hòa thuận, êm ấm. Theo Nho giáo, việc đề cao trách nhiệm mỗi thành viên trong gia đình với nhau theo tiêu chuẩn đạo đức đã được đề ra nhằm gìn giữ nề nếp gia phong, gia huấn tốt đẹp trong gia đình, dòng tộc là những giá trị cần thiết trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, thủy chung hiện nay.
Đó là những quan niệm gia đình trong Nho giáo, cũng bàn về các mối quan hệ trong gia đình nhưng Phật giáo chỉ đưa ra hai mối quan hệ cơ bản là cha mẹ-con cái và vợ-chồng, trong mỗi mối quan hệ đức Phật đã đưa ra trách nhiệm, bổn phận của mỗi bên trong mối quan hệ đó.
Nói đến mối quan hệ cha mẹ-con cái, trong Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt, đức Phật dạy bậc cha mẹ có năm bổn phận đối với con cái, hoàn thành được những nhiệm vụ này không chỉ giúp cha mẹ thiết lập được mối quan hệ bền vững với con cái, mà còn khiến cho họ tự hào về bản thân. Các bậc cha mẹ phải có lòng thương tưởng đến con cái theo năm cách: a/ Ngăn chặn con cái làm việc ác; b/ khuyên dạy con cái làm việc thiện; c/ tạo dựng nghề nghiệp cho con cái; d/ tạo dựng gia thất cho con cái và e/ truyền trao gia tài cho con cái đúng thời [1, tr. 542]. Đối với con cái, nhà là trường học đầu tiên, cha mẹ là những người thầy đầu đời của các con, tương lai những đứa trẻ ấy có trở thành những người công dân có ích cho xã hội hay không thì trách nhiệm giáo dục của bậc làm cha làm mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Năm bổn phận của cha mẹ đã được đức Phật giới thiệu là những việc làm cần thiết để định hướng và giáo dục con cái trở thành một người đạo đức, chín chắn trong sự nghiệp và hạnh phúc trong cuộc sống. Không chỉ đề cập đến bổn phận của cha mẹ, đức Phật tiếp tục trình bày về bổn phận của người làm con. Ông bà ta có câu “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, để đáp lại công ơn sâu nặng ấy, đức Phật đã dạy năm bổn phận của một người con có hiếu đối với cha mẹ. Đó là a/ tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ; b/ tôi sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ; c/ tôi sẽ giữ gìn danh dự gia đình và truyền thống; d/ tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự và e/ tôi sẽ lo chu toàn tang lễ của cha mẹ đúng pháp [1, tr. 542]. Con cái là niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm hy vọng của cha mẹ, dù có vất vả khó khăn ra sao cha mẹ cũng không than thở một lời, chỉ mong cho con lớn lên khỏe mạnh, là một người con ngoan, là một công dân tốt của xã hội. Khi đứa con trưởng thành, chính chắn trong sự nghiệp cũng là lúc cha mẹ đã già yếu. Vì vậy, đức Phật dạy trách nhiệm của con cái là nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ, đến khi cha mẹ qua đời phải lo chu toàn tang lễ. Là một người con hiếu trong đạo Phật, ngoài việc chăm lo một cuộc sống vật chất đủ đầy cho cha mẹ, còn phải hướng dẫn cha mẹ có niềm tin vào Tam bảo, tin vào nhân quả, nghiệp báo, khuyến khích hướng dẫn cha mẹ từng bước đi vào con đường Phật pháp, để cha mẹ có cơ hội cùng làm, cùng tu tập những điều tốt đẹp với mình. Ngõ hầu, làm cho cha mẹ có thể an vui trong hiện tại cũng như gặp được quả thiện ở trong tương lai. Đó làm cách báo hiếu của một người con Phật, không chỉ đáp ứng về nhu cầu vật chất mà còn báo hiếu trong đời sống tinh thần.
"Này các Tỳ kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này. Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ kheo là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha." [5, tr.119, 120]
Như vậy, theo Phật giáo cha mẹ và con cái có một mối tương quan qua lại với nhau, ngoài đạo làm con thì cũng có đạo làm cha làm mẹ, cha mẹ có năm bổn phận đối với con cái thì ngược lại con cái cũng có năm bổn phận đối với cha mẹ. Ai cũng có bổn phận của mình, cha mẹ làm tốt bổn phận của cha mẹ, con cái làm tốt bổn phận của con cái thì gia đình nào không hạnh phúc, nhiều gia đình hạnh phúc sẽ tạo nên một xã hội tốt đẹp an vui, người người nhà nhà vui vẻ thì cuộc sống này sẽ có ý nghĩa biết bao. Một mối quan hệ gia đình khác được Phật giáo đề cập đến là mối quan hệ vợ-chồng.
“Hôn nhân là hiện tượng xã hội-là sự liên kết giữa đàn ông và đàn bà” [16, tr. 14] . Quan hệ vợ chồng là kết quả tốt đẹp của một tình yêu lứa đôi, mong muốn được ở bên nhau cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nói đến các mối quan hệ trong gia đình, mối quan hệ vợ chồng là mối quan hệ quan trọng trong việc giữ gìn tổ ấm, duy trì nòi giống. Vì vậy, để có một mối quan hệ vợ chồng hòa thuận, mỗi người đều phải biết bổn phận của mình, có như vậy làm gì cũng dễ, có khó khăn nào cũng vượt qua. Nên dân gian có câu “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.
Theo đức Phật nền tảng của một mối quan hệ vợ chồng bền vững chính là tình yêu, sự thấu hiểu chia sẻ của người chồng và người vợ, Ngài dạy từ lúc yêu thương đến lúc chung sống với nhau thì phải phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội, phải phù hợp với đạo lý làm người.
Trong Kinh Đại Bảo Tích, đức Phật dạy rằng: “Nếu một người đàn ông có thể tìm được một người vợ, người phụ nữ thích hợp và hiểu biết; người phụ nữ có thể tìm được một người đàn ông thích hợp và hiểu biết, cả hai thực sự may mắn.” [7, tr. 35]. Đối với người chồng là trụ cột gia đình, người chồng có trách nhiệm chăm lo, bảo vệ gia đình, nhưng không vì thế mà quên đi bổn phận của một người chồng đối với vợ. Để trở thành một người chồng lý tưởng trong mắt vợ người chồng phải hoàn thành được năm bổn phận sau: a/ Kính trọng vợ, b/ không bất kính đối với vợ, c/ trung thành với vợ, d/ giao quyền hành cho vợ, e/ sắm đồ nữ trang cho vợ [3, tr. 543]. Xã hội Ấn Độ thời đức Phật, việc trọng nam khinh nữ là chuyện phổ biến khắp nơi. Tất cả quyền quyết định đều nằm trong tay người chồng từ gia đình cho đến xã hội, người vợ không có một quyền gì, ngoài việc chăm sóc gia đình và con cái. Cho nên đối với vợ, những ông chồng coi vợ như một công cụ để làm việc, để trút bỏ những bực tứt, buồn phiền và duy trì nòi giống. Trong xã hội ấy, đức Phật đã dạy những bổn phận của người chồng cần làm đối với người vợ. Có thể nói rằng, đây là lời dạy mang hơi thở thời đại, vượt trên mọi định kiến xã hội để cho đến ngày nay lời dạy đó vẫn còn giá trị thiết thực cho một đời sống vợ chồng, là một lời thức tỉnh dành cho những người chồng đang quên đi bổn phận của mình. Trong bài Kinh Tăng Chi, Phật có dạy rằng: “Người vợ nào biết thương yêu chăm sóc, giúp đỡ chồng, biết cách giữ gìn và làm giàu tài sản của chồng như một người mẹ lo lắng chu tất cho con cái. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như mẹ” [6, tr. 407]. Cha mẹ là người đáng kính trọng thì người chăm lo cho bạn như cha mẹ họ cũng phải xứng đáng nhận được sự kính trọng giống như vậy.
Nếu người chồng nào thực hiện được năm bổn phận trên, đó chính là một người chồng lý tưởng của những người phụ nữ. Nó vừa thể hiện trách nhiệm, bổn phận, đạo đức của một người chồng, vừa cho thấy tình yêu, sự tôn trọng và tin tưởng của họ dành cho vợ của mình. Hạnh phúc không phải đâu xa, hạnh phúc là do chúng ta tạo ra. Gia đình hoà hợp, vợ chồng hạnh phúc khi người chồng làm theo những lời dạy này.
Ngoài năm bổn phận của người chồng, đức Phật đã dạy năm bổn phận dành cho người vợ như sau: a/ Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình, b/ khéo tiếp đón bà con, c/ trung thành với chồng, d/ khéo gìn giữ tài sản của chồng, e/ khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc [3, tr. 543]. Được mệnh danh là người giữ lửa trong gia đình, người phụ nữ mang hai sứ mệnh cao cả là làm mẹ và làm vợ.
Đối với vai trò là một người mẹ, ngoài việc nuôi dưỡng, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho con, người mẹ còn dạy dỗ, giáo dục nhân phẩm đạo đức để định hướng cho con trở thành một người con ngoan, một công dân tốt của xã hội. Bên cạnh vai trò của một người mẹ, người phụ nữ trong gia đình còn giữ vai trò là một người vợ, ngoài việc hoàn thành công việc ngoài xã hội người vợ cũng nên hoàn thành bổn phận của một người vợ trong gia đình, dọn dẹp nhà cửa, nấu những bữa ăn để gia đình cùng nhau quay quần, sắp xếp ổn thỏa mọi công việc, có như vậy, người chồng sẽ thấy được nhà là nơi để về sau một ngày làm việc vất vả. Là một người phụ nữ thông minh, khéo léo, dù bên ngoài xã hội có giữ chức vụ lớn như thế nào thì lúc về nhà, hãy xả bỏ cái địa vị đó, trở thành một người phụ nữ của gia đình và làm tròn những bổn phận của một người vợ, điều đó sẽ làm cho người chồng tôn trọng và yêu thương mình.
Để đời sống gia đình hạnh phúc thì cả vợ và chồng đều phải thực hiện nghiêm túc những bổn phận và trách nhiệm của mình. Đó là những phép ứng xử văn minh, là nếp sống đạo đức lành mạnh, là nhân tố tạo nên hạnh phúc trong đời sống gia đình. Nếu gia đình nào cũng biết và thực hành theo những lời dạy này sẽ không còn cảnh vợ chồng lục đục, cơm không lành canh không ngọt, thay vào đó là vợ chồng hòa thuận, gia đình đầm ấm, an vui và hạnh phúc. Trên đây là hai mối quan hệ gia đình mà Phật giáo đề cập đến.
Qua những sự trình bày ở trên, khi bàn về quan niệm gia đình trong Nho giáo và Phật giáo ta sẽ thấy một vài điểm tương đồng.
Thứ nhất, trong các mối quan hệ, cả hai tôn giáo đều đưa ra những chuẩn mực đạo đức cho các cá nhân tương ứng với mỗi vị trí của mình trong các mối quan hệ để thiết lập tôn ti, trật tự.
Thứ hai, chữ hiếu là một phẩm chất đạo đức không thể bỏ qua trong đời sống gia đình; vì vậy, cả hai tôn giáo đều chú trọng đến vấn đề này.
Thứ ba, mục đích mà hai tôn giáo hướng tới là xây dựng một gia đình hòa thuận, êm ấm và hạnh phúc để góp phần tạo nên một xã hội an bình, thịnh vượng. Tuy nhiên, ngoài những điểm tương đồng vẫn có nhiều điểm khác biệt trong quan niệm về gia đình giữa hai tôn giáo.
Các mối quan hệ sẽ bền vững khi nó được xây dựng trên nền tảng trách nhiệm, tình nghĩa và không thể thiếu sự bình đẳng, tin cậy lẫn nhau. Nhưng trong Nho giáo, việc xây dựng các mối quan hệ bị đặt trên cơ sở nhẫn nhục, chịu đựng. Nho giáo còn đề cao sự phục tụng một chiều vô điều kiện của người dưới đối với người trên em đối với anh, vợ đối với chồng, con cái đối với cha mẹ. Điều này được thể hiện rõ thông qua tư tưởng trọng nam khinh nữ, người đàn ông toàn quyền quyết định mọi việc trong nhà lẫn xã hội, người phụ nữ có trách nhiệm phục tùng, không có quyền đưa ra ý kiến, điều này đã dẫn tới hiện trạng bất bình đẳng giới gây nên ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, hạnh phúc của người phụ nữ. Trong mối quan hệ cha mẹ và con cái, con cái phải nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ một cách vô điều kiện, nếu không làm theo sẽ mang tiếng bất hiếu. Ngoài ra, Nho giáo còn đặt nặng vấn đề có con trai để nối dõi tông đường, nếu không có con trai là nhà vô phúc, con cái bất hiếu. Việc có trai lại đặt nặng lên vai người phụ nữ, rồi cộng thêm khuôn phép tam tòng, tứ đức, trong mối quan hệ vợ chồng, thì “chồng chúa vợ tôi” hay “phu vi thê cương”, “phu xướng phụ tùy”, người vợ chỉ biết chấp nhận cuộc sống quanh quẩn trong nhà và bếp núc, không được học hành hay giao lưu với xã hội bên ngoài. Qua đó, có thể thấy sự bất công đối với người phụ nữ trong tư tưởng Nho giáo. Chúng ta không phủ nhận những ảnh hưởng tích cực của những quy chuẩn đạo đức mà Nho giáo đề ra trong các mối quan hệ gia đình nhưng trong một xã hội tiến bộ và phát triển hiện nay, các mối quan hệ cần đặt trên tinh thần bình đẳng và trách nhiệm. Mọi người đều có bổn phận của mình, cùng nhau lắng nghe, cùng nhau chia sẻ công việc để gia đình ngày càng trở nên đầm ấm, hạnh phúc hơn.
Trái với tư tưởng của Nho giáo, trong các mối quan hệ Phật giáo lại đề cao tinh thần bình đẳng, bình đẳng trong khuôn khổ phép tắc, tôn ti trật tự chứ không phải bình đẳng để con cái cãi lời cha mẹ, vợ chồng không tôn trọng lẫn nhau. Sự bình đẳng của đức Phật được thể hiện thông qua các bổn phận, trách nhiệm mà đức Phật đưa ra cho mỗi người trong từng mối quan hệ, đặc biệt đức Phật rất quan tâm đến thân phận của người phụ nữ. Trong một xã hội thân phận của người phụ nữ không được xem trọng, quyền quyết định cuộc sống cũng phụ thuộc vào người đàn ông trong gia đình như quan niệm của Nho giáo nhưng không vì vậy mà Phật giáo đi theo tư tưởng đó, vượt qua những quan niệm, định kiến của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, đức Phật đã cho phép người nữ xuất gia tu tập và Ngài đã công nhận người nữ có khả năng đạt được Tứ thánh quả như người nam, còn trong đời sống gia đình, đức Phật đã rất tâm lý khi đưa ra 5 bổn phận của người vợ đối với chồng thì ngược lại người chồng cũng sẽ có 5 bổn phận tương ứng với người vợ. Trong từng bổn phận ta sẽ thấy có sự tương ứng giữa các bổn phận của vợ và chồng, đều này đưa đến sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trong đời sống hôn nhân, gia đình. Bên cạnh đó, trong mối quan hệ cha mẹ và con cái cũng như vậy, hai bên đều có trách nhiệm tương ứng của mình, con cái thì vâng lời, hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ, ngược lại cha mẹ chăm sóc, định hướng tương lai cho con cái. Một mối quan hệ đặt trên tinh thần bình đẳng, không mang tính phục tùng nhằm giữ gìn mối quan hệ trở nên tốt đẹp và thiêng liêng hơn. Với tấm lòng từ bi, sự thương tưởng đến nhân sinh, muốn cho con người có một cuộc sống hạnh phúc, thăng hoa trong một xã hội trật tự, đạo đức và văn minh, đức Phật đã ân cần chỉ dạy những bổn phận, trách nhiệm của cả hai bên trong từng mối quan hệ thông qua hành động, cử chỉ, lời nói và thái độ. Đó chính là nhân cách, là nếp sống đạo đức tốt đẹp mà xã hội loài người đã và đang hướng tới.
Nho giáo và Phật giáo là hai tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống gia đình người Việt từ bao đời nay. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực thì những khía cạnh tiêu cực vẫn đang tồn tại len lỏi trong mỗi gia đình. Tư tưởng trọng nam khinh nữ trong Nho giáo là một điển hình cho ảnh hưởng tiêu cực đó, vẫn rất nhiều nhà còn quan niệm sinh con trai để nối dõi tông đường, con gái là con người ta. Xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, tư duy và nhận thức của con người cũng ngày càng cao. Do đó, chúng ta nên tiếp thu, chọn lọc những cái hay, cái tốt và loại bỏ những cái tiêu cực, đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng không tốt đến đời sống gia đình. Là một thành viên trong xã hội loài người ai cũng phải có những bổn phận và nghĩa vụ nhất định. Việc thực hiện những nghĩa vụ trách nhiệm một cách đúng đắn sẽ tạo nên một con người chuẩn mực về đạo đức, nhân cách, lối sống và cách ứng xử với mọi người xung quanh. Mỗi người tự có trách nhiệm với bản thân, hoàn thiện nhân cách và làm tròn bổn phận đối với gia đình và xã hội thông qua các mối quan hệ. Cách ứng xử đó phải dựa trên sự hỗ tương, bình đẳng và tin cậy có như vậy, các mối quan hệ mới có thể tồn tại lâu dài và bền chặt, từ đó gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển.
Tác giả: Liên Vũ Học viên lớp Ths Khóa II tại Học viện PGVN tại Huế ***Tài liệu tham khảo 1. Trường Bộ Kinh tập II, Thích Minh Châu dịch, Tp. Hồ Chí Minh: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr. 542. 2. Sđd, tr. 543. 3. Tăng Chi Bộ Kinh tập I, Thích Minh Châu dịch, Tp. Hồ Chí Minh: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr. 119, 120. 4. Tăng Chi Bộ Kinh tập III, Thích Minh Châu dịch, Tp. Hồ Chí Minh: Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr. 407. 5. Kinh Đại Bảo Tích, Thích Trí Tịnh dịch, Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 1999, tr. 35. 6. Trần Đình Hượu, Những Nghiên Cứu Xã Hội Học về Gia Đình Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Khoa học xã hội, 1991, tr. 25. 7. Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong (chú dịch), Tứ thư, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.661. 8. Chu Hy, Tứ thư tập chú, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.44. 9. Phạm Văn Khoái, Khổng phu tử và Luận ngữ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.192. 10. Trần Lê Sáng, Ngữ văn Hán Nôm, tập 1: Tứ thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.245. 11. Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê (2004), Đại cương triết học Trung Quốc, Tập 2, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr.14. 12. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2001, tr. 77. 13. Hoàng Phê chủ biên, Từ Điển Tiếng Việt, Tp. Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng, 2009, tr. 478. 14. TS. Nguyễn Văn Cừ chủ biên, Giáo Trình Luật Hôn Nhân và Gia Đình Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Công an nhân dân, 2017, tr. 14.
Bình luận (0)