Bát thức quy củ là những câu kệ tụng nói về hành tướng sinh hoạt và sự liên hệ của tám thức đối với cảnh, lượng, tính, giới, địa. Sau khi cùng các đệ tử toát yếu bộ thành duy thức luận, ngài Huyền Trang trên nền tảng bộ luận này tạo ra bát thức quy củ để xiển dương giáo nghĩa duy thức...
Thích Nguyên Sĩ Tăng Sinh khóa XV, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023
1. Tác giả và tác phẩm
1.1. Về tác giả
Huyền Trang (602-664) tên tục Trần Huy (Trần Vĩ hoặc Trần Y 陳褘) sinh năm 602, có thuyết nói là năm 600 (niên hiệu Khai Hoàng thứ 20, đời Tùy), tại Lạc Châu (洛州), huyện Câu Thị (緱氏 縣), tỉnh Hà Nam, trong một gia đình có truyền thống quan, năm 13 tuổi xuất gia, và thọ giới cụ túc năm 21 tuổi. Ngài tu học kinh sách Đại thừa với nhiều giảng sư khác nhau, và thấy có nhiều chỗ giảng giải mâu thuẫn. Đây là lý do chính thức đẩy ngài lên đường đi Thiên Trúc để tự mình tìm hiểu. Ngài là một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh từ Phạn ngữ ra tiếng Hán. Ngài cũng là người sáng lập ra Pháp tướng tông.
Mặc dù bị hoàng đế ra lệnh cấm đi du hành qua Ấn Độ, năm 629 ngài liều mình ra đi để hành hương chiêm bái quê hương đức Phật, hi vọng sẽ tìm kiếm và nghiên cứu kinh điển mà hồi đó Trung Quốc chưa biết tới. Tập ký sự du hành của ngài có tên là Đại đường tây vực ký để lại cho hậu thế một nguồn tài liệu vô song về địa lý, xã hội và tập quán của miền Trung Á và Ấn Độ trong thế kỉ thứ 7. Nhiều miêu tả của ngài về các vùng đất đó đã đạt tới độ chính xác mà trong thế kỉ 19, 20, nhiều nhà du khảo phương Tây như Ariel Stein đã tham khảo tập ký sự đó như một tập sách hướng dẫn nhằm tìm lại và xác định những vị trí đã được tìm ra và rồi bị lãng quên trong nhiều thế kỉ.
Sau khi trở về cố quốc, một phần nhờ trình độ uyên bác xuất chúng, một phần nhờ tiếng tăm vang dội mà ngài đã gặt hái được tại Ấn Độ và các nước Trung Á, một phần nhờ hoàng đế Trung Quốc đặc biệt hỗ trợ, như xây cất chùa chiền cho ngài trú ngụ cũng như thành lập một ban dịch thuật do chính nhà vua chọn lọc để giúp cho ngài hoàn thành công tác phiên dịch của hơn 600 kinh sách mang về Trung Quốc. Huyền Trang đã trở thành tăng sĩ tiếng tăm nhất tại vùng Đông Á trong thế hệ đó. Học viên đến với ngài từ khắp Trung Quốc, kể cả từ Triều Tiên và Nhật Bản, song song có nhiều tăng sĩ từ Ấn Độ và các vương quốc Trung Á đến để bày tỏ lòng hâm mộ.
Ngoài việc truyền bá kinh sách Phật giáo và tư tưởng Ấn Độ vào Trung Quốc, ngài cũng gây ảnh hưởng lên nền nghệ thuật và kiến trúc Trung Quốc bằng những vật dụng và thiết kế do tự tay mang về. Có một ngôi chùa được xây theo thiết kế của ngài tại Trường An (ngày nay là Tây An) để chứa đựng kinh sách và các tác phẩm nghệ thuật của ngài mang về. Ngôi chùa đó ngày nay vẫn còn và là một dấu ấn quan trọng của đô thị này.
1.2. Về tác phẩm
Bát thức quy củ tụng 八識規矩頌, tác phẩm cuối đời của ngài Huyền Trang vào năm 664, gồm 4 chương, mỗi chương 12 câu; tổng cộng có 48 câu.
Tác phẩm này giải thích học thuyết duy thức dựa trên 8 thức, tương truyền tác phẩm này do Huyền Trang 玄奘 biên soạn vào thời Đường. Nguyên tác bản này không tìm thấy riêng biệt ở đây, kể cả trên tạng Đại chánh, hầu như chỉ được lưu truyền nhờ các bản chú giải khác.
Tuy nhiên, luận giải về bản tụng này, Phổ Thái 普 泰 lại cho rằng, bản gốc của tụng bản được tìm thấy trong mục Đại chánh, số hiệu (T45 No1865. 467 – 476) với nhan đề Bát thức quy củ bổ chú 八識規矩補 註, nhưng được sắp xếp khác hơn. Đối với bản dịch tiếng Anh, bản gốc của tác phẩm này, được giáo sư Ronald Epstein dịch sang Anh ngữ, có thể được tìm thấy trên mạng điện toán quốc tế.
Về vấn đề tác giả, xưa nay vẫn tương truyền do Huyền Trang trước thuật, nhưng giới học thuật cận đại như Lữ Trừng, ông phán định rằng “Người đời sau sở truyền Bát Thức Quy Củ Tụng, văn nghĩa đều có khuyết điểm, suy ra mà biết chẳng không do tự tay Huyền Trang viết.” Phần phụ chú ông còn giải thích đoạn ngắn “Phi lượng, hiện lượng, tỉ lượng gọi là tam lượng, còn xem Luận sư Nan- đà là ngu giả, Huyền Trang có sở học sâu sắc không sơ suất đến như vậy.”
Xưa kia ngài Thế Thân (Vasubandhu), vì muốn hộ trì Phật Pháp, độ chúng sinh mê lầm nên toát yếu bộ Du-già, và soạn thêm Duy Thức Tam Thập tụng (trimśikāvijñaptikārikā) vừa làm sáng tỏ sự huyên áo của bộ luận này, và giúp kẻ hậu học dễ dàng nhập đạo, nhưng chưa kịp viết sớ giải thì ngài tịch. Theo Thành Duy Thức luận Thuật Kí 成唯識 論述記 của Đại Sư Khuy Cơ 窺基 10 vị luận sư đó là:
Đạt-ma-ba-la 達磨波 羅 (Dharamapāla) tức Hộ Pháp 護法 (TL. 530-561) con vua Đạt-la-tì-trà 達羅毘荼 (Dravida) tại thành Kiến- chí 建至 (Kañcipura), mất vào năm 32 tuổi tại chùa Bồ-đề.
Củ-noa-mạt-để 寠拏末底 (Gunamati) tức Đức Huệ 德慧 nguyên là thầy An Huệ. Theo Phật giáo sử Tây Tạng hai thầy trò đều theo học với Đức Quang 德光 (Gunaprabha).
Tất-sỉ-la-mạt-để 恥 羅末底 tức An Huệ 安 慧 (Sthiramati, 470-550) người nước La-la (Phạt- lạp-tì) thuộc nam Ấn Độ hàng tiên đức của Hộ Pháp. Ngài chú giải rất nhiều tác phẩm của Thế Thân.
Bạn-đồ-thất-lị 畔徒室利 (Bamdhuśrī) tức Thân Thắng 親勝 đồng thời với Thế Thân, sống vào thế kỉ thứ 5, là người đầu tiên viết luận thích. Nan-đà 難陀 (Nanda) tức Hoan Hỷ 歡喜 (450-530) học thuyết truyền được thừa xuống Thắng Quân 勝軍, có lẽ thuộc hàng tiền bối của Hộ Pháp.
Thú-chiến-đạt-la 戍陀戰達羅 (Śuddhacamdra) tức Tịnh Nguyệt 淨月 đồng thời với An Huệ, sống vào thế kỷ thứ 6.
Chất-đát-ra-bà-noa 質呾羅婆拏 (Citrabhāna) tức Hỏa Biện 火辨 cũng đồng thời với Thế Thân, sống vào thế kỷ thứ 5.
Tì-thế-sa-mật-đa-la 毘世沙蜜多羅 (Viśsesamitra) tức Thắng Hữu 勝友 sống vào thế kỷ thứ 6.
Thần-na-phất-đa-la 辰那弗多羅 (Jinaputra) tức Tối Thắng Tử 最勝子 sống vào cuối thế kỷ thứ 5.
Nhã-na-chiến-đạt-la 若那戰達羅 (Jñānacamdra) tức Trí Nguyệt 智月 sống vào cuối thế kỷ thứ 6.
Tiếp nối giải thích, chú thích giúp cho bộ thư tịch này càng thêm phong phú nghĩa lý. Cho đến khi ngài Huyền Trang Tây du trở về Trung Hoa, dựa theo học thuyết của ngài Hộ Pháp và 10 vị luận sư, tập lại thành một bộ, gọi là, luận Thành Duy Thức (vijñaptimātrasiddhi), bộ Bát Thức Quy Củ tụng, cũng được trước thuật theo giáo thuyết này. Tác phẩm là sách nhập môn để học tập nghiên cứu về duy thức.
Về phần nội dung của sách, trình bày đại khái về học thuyết duy thức, chú trọng nói rõ vấn đề tâm thức là trung tâm học thuyết của duy thức. Bài ở đây đang nói, tức là, kệ tụng chữ Hán. Ba bài tụng đầu nói về 5 thức trước (tiền ngũ thức); bài 4-6 nói về thức thứ 6; bài 7-9 nói về thức thứ 7; ba bài cuối nói về thức thứ 8.
2. Các sơ bản - Chú giải - Việt dịch
Sách này đời nhà Thanh-Minh có rất nhiều bản chú thích, trong đó, các bản được liệt kê dưới đây được xem là nổi tiếng nhất:
Bát thức quy củ bổ chú (八識規矩補註) Phổ Thái (普泰), 2 quyển, T45. No.1865.
Bát thức quy củ chứng nghĩa (八識規矩補註證 義) Minh Dục (明昱), 1 quyển, X55. No 890.
Bát thức quy củ lược thuyết (八識規矩頌略說) Chánh Hối (正誨), 1 quyển, X55. No.891.
Bát thức quy củ giải (八識規矩解 ) Chân Khả (真可) 1 quyển, X55. No. 892.
Bát thức quy củ thông thuyết (八識規矩通說) Đức Thanh (德清), 1 quyển, X55. No.893.
Bát thức quy củ tụng (八識規矩頌) Toán Thích (纂釋) Quảng Ích (廣益), 1 quyển, X55. No. 894. Bát thức quy củ trực giải (八識規矩直解) Trí Húc (智旭), 1 quyển, X55.No.895.
Bát thức quy củ tiên thuyết (八識規矩淺說); Bát thức quy củ tụng chú (八識規矩頌注) Hư Chu (虗舟), 1 quyển. X55. No.896-897.
Bát thức quy củ luận nghĩa (八識論義) Tánh khởi (性起) giải thích, Thiện Chương (善漳) luận văn, 1 quyển, X55 No.898.
Các bản dịch Việt tại Việt Nam có ba bộ tiêu biểu.
Bát thức quy củ: Cụ Tâm Minh Lê Đình Thám. Bát thức quy củ: Tỳ Kheo Ni Huyền Huệ.
Bát thức quy củ: Hòa Thượng Thích Thắng Hoan.
3. Tiểu kết
Bát thức quy củ là những câu kệ tụng nói về hành tướng sinh hoạt và sự liên hệ của tám thức đối với cảnh, lượng, tính, giới, địa. Sau khi cùng các đệ tử toát yếu bộ thành duy thức luận, ngài Huyền Trang trên nền tảng bộ luận này tạo ra bát thức quy củ để xiển dương giáo nghĩa duy thức và chứng minh rằng, chỉ tồn tại bởi thức. Mọi sự vật, hiện tượng tất cả chỉ tồn tại duy chỉ là thức, hay chính xác hơn chỉ là dữ liệu thông tin của thức.
Sự thông tin được thực hiện bằng: chủ thể nắm bắt (grāhaka: năng thủ) và đối tượng được nắm bắt (grāhya: sở thủ, đối tượng). Cho nên, cái mà ta thấy biết không phải thực tại như thực, mà chỉ là ảnh tượng tái cấu trúc do chính tự tâm nhìn thấy, hay nói cách khác, sự thể được biểu hiện nơi tự tâm, đó là pháp xuất thế gian và pháp thế gian được ghi nhận trong hệ thống nhận thức của mỗi con người. Khi được ghi nhận trong hệ thống nhận thức chúng chỉ là những ảnh tượng (ābhāsa) của các sự vật, các thông tin về sự vật (vijñapti), không phải chính bản thân của sự vật.
Thích Nguyên Sĩ Tăng Sinh khóa XV, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023 ***TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Taishō Shinshū Daizōkyō 大正新脩大藏經 2. 吕澂,玄奘法師略傳, 大乘文化出版,1980. 3. Thành Duy Thức luận, Tuệ Sỹ dịch, Nhà xuất bản Phương Đông; 2016. 4. Mạng điện toán toàn cầu.
CHÚ THÍCH: (1) 大唐西域記, 玄奘. T51no2087. (2) Nguyên tác “Verses Delineating the Eight Consciousnesses” by Tripitaka Master Hsuan-Tsang of the Tang Dynasty Translation and Explanation by Ronald Epstein. (3) 吕澂,玄奘法師略傳, 大乘文化出版,1980; p.6. (4) 吕澂, Ibid, p.9. (5) 述記 1, T43no1830, p.231c7-232a6. (6) 伐臘毘國, Skt:Valabhī. Một nước xưa thuộc miền Nam Ấn Độ, theo phỏng đoán có lẽ thuộc bán đảo Kāthiāwār ngày nay. Căn cứ theo chỉ dẫn Đại đường tây vực kí (大唐西域記, T51n2087_p.936b16) biên tập bởi Huyền Trang, nước này chu vi hơn 6 nghìn dặm, kinh đô khoảng 30 dặm. (7) 成唯識論 T31no1585, Hộ Pháp và các Bồ-tát tạo, Huyền Trang dịch, 10 quyển.
Bình luận (0)