Trang chủ Bạn đọc Sen hồng ấp ủ mầm thương

Sen hồng ấp ủ mầm thương

Bằng sắc hương rực rỡ, hoa sen đã tạo nên những giá trị cho riêng mình, “hữu xạ tự nhiên hương”, tự mình tỏa sáng. Ngẫm lại, chúng ta ai cũng cần trau dồi và tự tạo nên những giá trị cho bản thân, như hoa sen kia, nhờ những nỗ lực khi còn là một mầm hoa, đã hiên ngang bừng nở dưới ánh mặt trời sau một thời gian dài đầm mình trong ao hồ lạnh lẽo.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Bằng sắc hương rực rỡ, hoa sen đã tạo nên những giá trị cho riêng mình, “hữu xạ tự nhiên hương”, tự mình tỏa sáng. Ngẫm lại, chúng ta ai cũng cần trau dồi và tự tạo nên những giá trị cho bản thân, như hoa sen kia, nhờ những nỗ lực khi còn là một mầm hoa, đã hiên ngang bừng nở dưới ánh mặt trời sau một thời gian dài đầm mình trong ao hồ lạnh lẽo.

Tác giả: Bùi Thị Kim Loan

Làng tôi có một ngôi chùa nhỏ không biết đã ở đó từ khi nào, mái ngói đã nhuốm màu rêu phong cổ kính. Thỉnh thoảng khi thấy lòng mệt mỏi với bộn bề cuộc sống, tôi lại đến chùa dâng hương và tìm chút bình an. Đón tôi luôn là chiếc cầu nhỏ có hai cây dương liễu hai bên bắc trên chiếc hồ sen trước cổng tam quan. Gió từ cây dương liễu rì rào, làm đung đưa mấy chùm hoa đỏ. Hồ sen thơm mát, những chiếc lá khổng lồ che hết mặt nước, chỉ nhìn thấy một mảng xanh như rêu, đây đó nhú lên những búp sen hồng như bàn tay Đức Phật. Trên tay tôi, bó sen Quan Âm cũng chúm chím môi cười, chưa vào tới chính điện mà lòng tôi đã đầy an lạc.

Đảnh lễ xong, tôi hay đi dạo quanh khuôn viên chùa, để tâm trí mình nghỉ ngơi, ngắm cây, ngắm lá. Tiếng chuông chùa vang vọng từng hồi thức tỉnh hồn tôi.

Trong những giây phút ấy, tôi đã tạm quên đi những lo toan đời thường, thấy lòng cũng bình thản như tiếng mõ trầm an nhiên, không màng thế sự. Chùa làng nên khách viếng không đông, không vào mùng một hay ngày rằm thì hầu như trong chùa chỉ có sư ông trụ trì, thỉnh thoảng có vài người trong xóm đến quét dọn làm công quả. Thế nên ngôi chùa rất yên tĩnh và trong ngoài đều mang lại cảm giác tĩnh tại, bình yên. Từng lối đi, từng luống hoa trong sân chùa cũng sạch như lau như li trong không gian có khói nhang trầm thoang thoảng.

hinh nen hoa sen cho iPhone 2

Ảnh minh họa.

Tôi đặc biệt thích hai hồ sen của chùa. Một hồ trước cửa ra vào và một hồ bên sân hông, nhìn xa xa ra đồng lúa. Tôi hay men theo lối đi rải sỏi đến ngồi thật lâu trên chiếc ghế đá cạnh hồ, xung quanh bờ hồ cũng râm mát những cây dương liễu lâu năm, tán rộng xòe ra gần nửa mặt hồ, có nhiều nhánh lòa xòa gần chạm mặt nước. Sen hồng sen trắng đua nhau nở, hương sen quyện khói trầm ngây ngất. Hương sen át cả mùi bùn, chỉ còn lại một mùi hương thanh khiết. Tôi đưa mắt từ búp nọ sang búp kia, đôi khi mải mê dõi theo những chú ong nâu chăm chỉ hút mật. Thỉnh thoảng có vài chú cá đớp mồi gây sự chú ý nơi tôi, một thoáng xao động rồi mặt hồ cũng dần tĩnh lặng. Từng vòng tròn đồng tâm từ chỗ cá đớp mồi cứ loang ra, loang ra. Tôi cảm giác như có làn điệu du dương vỗ về tâm trí. Bất giác tôi nhắm mắt lại, hít hà một hơi thật sâu, để hương sen đầy ngập trong từng ngõ ngách tâm hồn.

Ngày mới được nghe câu chuyện đêm đức Phật Thích Ca ra đời nơi vườn Lâm- Tỳ-Ni, bảy đóa sen nhiệm màu đã nở dưới từng bước chân của Ngài, mang đến cho nhân loại một đấng Giác Ngộ, tôi lấy làm thắc mắc, tại sao không phải là hoa sa la vì nơi đó vốn dĩ là rừng cây sa la? Thì ra đấy mới là điều kỳ diệu. Hoa sen chính là tượng trưng cho sự vươn lên, vượt qua nghịch cảnh để thành chính quả. Nếu không có bùn thì hoa sen không sống được, từ bùn nhơ mà búp sen vẫn vươn lên nở những bông hoa thơm ngát. Bùn trong ao sen, chính là những thử thách, những cám dỗ của cuộc sống. Con người cũng như sen, sẽ trở nên tỏa sáng lung linh khi vượt qua những thử thách mà cuộc đời mang lại. Đối với hoa sen, bùn là yếu tố cần thiết thì đối với con người, những điều không như ý mà ta đang phải đối mặt cũng là chất liệu không thể thiếu. Chợt thấy những lo lắng trong lòng cũng tiêu tan, những khó khăn mà tôi đang gặp phải là điều tất yếu trong kiếp nhân sinh này, ta phải chấp nhận như nó là một phần của cuộc sống và mạnh mẽ bước qua.

Gió lao xao hướng ánh mắt tôi sang tượng Đức Phật ngự trên tòa sen dưới cội bồ đề, hào quang lấp lánh. Ngày đức Phật thành đạo, chính là ngày búp sen rời khỏi nơi tối tăm bùn lầy, nở ra thành những đóa sen thơm ngát. Đức Phật xuất thân từ dòng dõi đế vương, những cám dỗ bày ra trước mắt Ngài to lớn hơn chúng ta rất nhiều lần, ấy vậy mà Ngài còn từ bỏ được để đi theo con đường giác ngộ. Thế nên nếu đã là mầm sen thì mầm sen nào cũng có khả năng vươn lên khỏi mặt nước bùn lầy mà nở ra tươi thắm. Nếu đã là con người thì ai cũng có thể từ bỏ những cám dỗ, dục vọng, những ô nhiễm để tự tìm Phật trong chính bản thân mình. Càng nghĩ sâu sắc, tôi càng thấy muốn buông bỏ hết những sân si, những tham ái. Tham, sân, si chính là những thứ khiến hành trang của chúng ta nặng nề hơn, làm chậm đi cuộc hành trình và đôi khi khiến chúng ta gục ngã. Đức Phật không tiếc nuối quá khứ vàng son để có ngày ngự trên tòa hoa sen. Ta cũng nên nuôi dưỡng một tòa sen trong tâm để trở về con đường chính niệm.

Lang thang trong sân chùa, ngồi tĩnh tâm bên hồ sen, tôi thấy mình như tìm lại được sự bình an và tìm lại được chính mình. Những khó khăn mà cuộc sống mang lại cũng như những trở ngại do chính mình tạo ra dần dần tan biến. Tan biến không phải là nó mất đi, nó vẫn ở đó nhưng ta với tâm thế sẵn sàng đối mặt, sẵn sàng bước qua thì nó không còn là vấn đề to tát nữa. Tôi cảm nhận hoa sen còn dạy cho ta nhiều điều hơn thế khi thấy bướm ong bay lượn quẩn quanh hoa sen. Từ dưới bùn đen tăm tối, hoa sen đã biết cách vượt lên. Bằng sắc hương rực rỡ, hoa sen đã tạo nên những giá trị cho riêng mình, “hữu xạ tự nhiên hương”, tự mình tỏa sáng. Ngẫm lại, chúng ta ai cũng cần trau dồi và tự tạo nên những giá trị cho bản thân, như hoa sen kia, nhờ những nỗ lực khi còn là một mầm hoa, đã hiên ngang bừng nở dưới ánh mặt trời sau một thời gian dài đầm mình trong ao hồ lạnh lẽo.

Những hôm đó tôi về nhà, bộ đồ lam trên người vẫn phảng phất hương sen. Và trong giấc mơ, có những nụ sen hồng đang ấp ủ mầm thương chờ ngày bừng nở.

(Tản văn)

Tác giả: Bùi Thị Kim Loan

Địa chỉ: Karaoke Sao Mai – KP Phú Thọ, P. Phú Chánh, TX. Tân Uyên, Bình Dương

Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường