Quyền lực trong Giáo hội nhằm mục đích điều tiết, quản lý các thành viên trong tổ chức của Giáo hội, các Tăng, Ni, tín đồ Phật giáo, thực hiện tuân thủ những quy định của Giáo hội, Giáo luật Phật chế và pháp luật Nhà nước; đặc biệt, quyền lực trong Giáo hội nhằm định hướng, xây dựng để hoàn thiện con người tốt hơn trong xã hội, có đầy đủ năng lực, phẩm chất đạo đức.
Tác giả: TT.TS.Thích Lệ Quang Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM
TÓM TẮT: Trong xã hội con người, quyền lực đóng vai trò quan trọng trong mỗi cá nhân, tổ chức, tôn giáo, quốc gia, nhân loại. Nó là công cụ đắc lực để bảo vệ mạng sống con người, giúp cho con người sáng tạo ra mọi thứ để sinh tồn; đồng thời nó có khả năng tác động, ảnh hưởng đến những hành vi, suy nghĩ của cá nhân, nhóm người, tổ chức, tôn giáo… với những ý nghĩa tích cực dựa trên mục đích, nguyên tắc, phương thức sử dụng quyền lực.
Tuy nhiên, sự tha hoá của quyền lực, lạm dụng quyền lực sẽ dẫn đến mặt tiêu cực đối với đời sống xã hội và điều đó không phải là trường hợp ngoại lệ trong Phật giáo, nó tác động đến sự phân mảnh con đường lý tưởng giác ngộ của những người tu theo Phật giáo. Bài viết tập trung trình bày quyền lực với việc hoàn thiện con người; sự tha hoá của quyền lực tác động đến sự phân mảnh của lý tưởng giác ngộ Phật giáo. Mục đích của bài viết không có chủ ý đả kích, phê phán bất kỳ đối tượng nào trong xã hội.
Từ khoá: Quyền lực, hoàn thiện con người, tha hoá quyền lực, phân mảnh, lý tưởng giác ngộ.
Điều 4 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà năm 1959 ghi rõ: “…tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”.
Do vậy, quyền lực được sinh ra trong đời sống xã hội, từ những nhu cầu của con người, nhu cầu tổ chức của hoạt động xã hội, quản lý xã hội. Quyền lực đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hoá… cho đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Quyền lực là sức sống của mỗi cá nhân, nhóm người, tổ chức, tôn giáo, quốc gia, nhân loại, mà nếu thiếu nó thì mọi vấn đề của cuộc sống sẽ trở nên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Nó đảm bảo cho các cá nhân, nhóm người, tổ chức, tôn giáo, quốc gia, hoạt động một cách bình thường trong xã hội.
Tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng không phải là trường hợp ngoại lệ; là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo chịu sự quy định của tồn tại xã hội, chịu sự quy định của quá trình vận động và phát triển xã hội. Do đó, Phật giáo không tách rời xã hội và chịu sự quy định của những đặc điểm, điều kiện lịch sử - xã hội để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn xã hội, đặc biệt là trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chính vì vậy, quyền lực trong Giáo hội Phật giáo nhằm đảm bảo và đáp ứng cho mọi nhu cầu, sinh hoạt của tăng, ni, các tín đồ, các tự, viện…hoạt động theo một trật tự ổn định, phù hợp với những quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật của Nhà nước. Do đó, sự cần thiết làm rõ vai trò của quyền lực cũng như sự tha hoá của quyền lực tác động ảnh hưởng đến sự hoàn thiện con người trong Phật giáo hiện nay.
1. Quyền lực với việc hoàn thiện con người
Trước hết, quyền lực (power) là một khái niệm chính trị xã hội, có nội hàm khá rộng, được các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu với nhiều quan điểm, ý kiến đa chiều. Trong đó, quyền lực được hiểu là sức mạnh, quyền hành nằm trong tay một cá nhân, nhóm người, tổ chức, nó có đủ khả năng quyết định đến mọi công việc trong xã hội.
Theo Nguyễn Như Ý (chủ biên), khái niệm quyền lực trong Đại từ điển tiếng Việt được định nghĩa là: “Quyền hành và thế lực mạnh, đủ để quyết định các công việc: nắm quyền lực trong tay, dùng quyền lực ép người ta phải nghe theo, làm theo” [1].
Do đó, quyền lực có khả năng tác động đến hành vi, suy nghĩ của các cá nhân, nhóm người, tổ chức với những ý nghĩa là “quyền lực” đối với những cá nhân, nhóm người, tổ chức, mà họ không thể lẩn tránh hay từ chối được. Theo Hradil, quyền lực: “Chỉ một khoảng không gian hành động mà một bộ phận xã hội chiếm giữ, cho phép gây ảnh hưởng lên một người khác bên dưới mà người đó không thể lẩn tránh được” [2].
Còn theo Bách khoa Triết học: “Quyền lực là khả năng thực hiện ý chí của mình có tác động đến hành vi, phẩm hạnh của người khác nhờ một phương tiện nào đó như uy tín quyền hành Nhà nước sức mạnh” [3].
Vậy, quyền lực có mối quan hệ xã hội dựa trên cơ sở những nguồn lực khác nhau, có kiểm soát, nhưng hữu hạn về nguồn dự trữ và được phân chia một cách không đồng đều giữa các thành viên trong cộng đồng, xã hội. Theo Weber sự “thống trị được xem là biểu hiện bên ngoài được thể chế hoá hợp pháp của quyền lực” [4].
Chính vì vậy, quyền lực bao giờ cũng thuộc về cá nhân, nhóm người, tổ chức, có những lợi thế vượt trội hơn so với kẻ dưới bị yếu thế. Quyền lực còn mang tính pháp lý, biểu hiện ở thẩm quyền, quyền lợi, quyền hành của cá nhân, nhóm người, tổ chức, tôn giáo…tham gia vào xã hội và dựa trên nền tảng của pháp luật, được xây dựng thông qua các tiêu chí cụ thể, các khế ước xã hội.
Trong xã hội tồn tại nhiều loại quyền lực khác nhau như quyền lực Nhà nước, quyền lực các tổ chức, quyền lực trong tôn giáo…, theo Hradil có hai loại quyền lực là “quyền lực địa vị” dựa trên các đặc điểm khách quan của cơ cấu xã hội ổn định và “quyền lực cá nhân” dựa trên các đặc điểm của cá thể, nó mang “tính quan hệ” của quyền lực “hiện thời”.
Do đó, quyền lực là công cụ đắc lực nhằm thực thi những nhiệm vụ, hoạt động trong công tác quản lý của xã hội, nhằm đảm bảo sự thống nhất ý chí của mỗi cá nhân trong việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ của mình trong công tác.
Vì vậy, nó là điều kiện quan trọng và có mối quan hệ mật thiết trong việc quản lý của cá nhân, nhóm người, tổ chức, tôn giáo. Trong đó, quyền lực trong Giáo hội Phật giáo đóng vai trò quan trọng, là một phần không thể tách rời của xã hội hiện nay, nhất là trong công tác quản lý của Giáo hội.
Bởi lẽ, theo điều 7, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ghi rõ: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo đúng Giáo pháp, Giáo luật Phật chế và pháp luật của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” [5].
Quyền lực trong Giáo hội nhằm mục đích điều tiết, quản lý các thành viên trong tổ chức của Giáo hội, các tăng, ni, tín đồ Phật giáo, thực hiện tuân thủ những quy định của Giáo hội, Giáo luật Phật chế và pháp luật Nhà nước; đặc biệt, quyền lực trong Giáo hội nhằm định hướng, xây dựng để hoàn thiện con người tốt hơn trong xã hội, có đầy đủ năng lực, phẩm chất đạo đức.
Trong hoạt động thực tiễn, bằng những hoạt động có ý thức, có ý chí con người đã tạo ra bản thân mình và làm chủ chính bản thân, từ đó tạo ra quyền lực của chính mình.
Nhờ vào sức mạnh của mình, con người đã biết chinh phục tự nhiên, cải tạo tự nhiên, sản xuất ra của cải vật chất, sản sinh ra những thế hệ và tạo ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu cho cuộc sống xã hội. Mặc dù, thế giới tự nhiên to lớn, con người nhỏ bé như bọt nước đại dương trước thiên nhiên bao la, nhưng nhờ có sức mạnh của con người, nó đã bị con người chinh phục, sản xuất tạo ra của cải, tài sản, vật chất phục vụ sự sống của con người. Do đó, sức mạnh của con người là nhân tố quyết định đến sự sống và sự hoàn thiện chính con người trong xã hội.
Trong đời sống tinh thần, con người đứng trước những thử thách khắc nghiệt của môi trường, hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu tốn, phức tạp trong đời sống xã hội như chiến tranh, đấu tranh trong tôn giáo, nạn đói, lũ lụt, hạn hán, thiên tai, sự biến động của xã hội ngày càng diễn ra hết sức phức tạp, khó lường trong cuộc sống, nhưng con người đã vượt qua bằng chính sức mạnh của mình được bọc lộ qua những biểu hiện, hành động kiên nhẫn, chịu đựng, đè nén bản thân, dung hoà, thoả hiệp, chịu đựng mọi thử thách, có lúc phải hy sinh, thiệt thòi bản thân để con người chiến thắng trong cuộc sống, duy trì sự sống của con người.
Con người cũng phải trả giá để hoàn thiện mình bằng những chuẩn mực đạo đức, lối sống thánh thiện. Con người phải dùng sức mạnh của mình để đấu tranh với những sự trổi dậy của nội tâm, có lúc cuồng cuộng như thác đổ, có lúc lại êm đềm như dòng nước ở khe núi, để vượt qua những nhu cầu, ham muốn bản thân, những phiền não, tham, sân, si, những tưởng tượng, giả tạo của cuộc sống, chấp nhận nó một cách khó khăn để duy trì sự sống.
Duy trì nếp sống chuẩn mực, đạo đức bằng những việc làm thánh thiện, quên mình cứu người trong lũ dữ, lấy thân che lửa để cứu người trong hoả hoạn; nhịn ăn, nhịn mặc để góp phần chia sẻ miếng ăn, cái mặc cho người nghèo khổ trong xã hội; có khi chịu oan ức, bị hiếp đáp bởi sự hàm oan trong cuộc sống để duy trì sinh mệnh.
Tất cả những vấn đế mà con người đối diện với hiện thực của cuộc sống, nó phản ánh một sức mạnh nội tâm, sức mạnh tinh thần của con người; nếu không có sức mạnh, ý chí, nghị lực thì con người sẽ không tồn tại và phát triển. Mặc dù, thiên nhiên có khắc nghiệt đến đâu, xã hội có đầy cạm bẫy, phức tạp đến đâu, sự hy sinh đến trả giá của bản thân thì con người cũng vượt qua, vẫn sống tốt, chính nhờ sức mạnh của con người.
Trong công tác quản lý, tổ chức, tôn giáo, xã hội, dù phức tạp, khó khăn, nhưng nhờ vào sức mạnh, quyền lực con người đã làm tốt, hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo. Nếu không có sức mạnh, không có quyền lực thì có lẽ con người sẽ không hoàn thành sứ mệnh như kỳ vọng đặt ra. Một công ty, tập đoàn, dù lớn hay nhỏ, nếu Giám đốc điều hành không có quyền lực trong tay thì mọi công việc, hệ thống của công ty, tập đoàn, nhà máy đều không thể vận hành một cách trơn tru, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Do đó, bất kỳ một nhóm người, tổ chức, tôn giáo…đều có sức mạnh, quyền lực nhất định để duy trì trật tự, ổn định hệ thống, tổ chức. Song, Phật giáo với vai trò là một tổ chức tôn giáo, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phật giáo cũng cần có quyền lực, sức mạnh để quản lý công việc của tổ chức Giáo hội, làm cho nó hoạt động một cách có trật tự, hệ thống, đi đúng với giới luật của Phật chế và đường lối chủ trương của Nhà nước, pháp luật.
Nhờ có quyền lực, sức mạnh mà Giáo hội kiềm chế, giải quyết những vấn đề, mâu thuẫn cấp thiết phát sinh, làm ảnh hưởng đến niềm tin Phật giáo và gây mất ổn định trị an như hiện nay. Nếu không có sức mạnh, Giáo hội không thể giải quyết những vấn đề nóng bỏng mang tính thời sự theo chiều hướng xấu của dư luận xã hội về sự kiện “xá lợi tóc đức Phật”, “thầy tu ăn đùi gà”, “Thích Tâm Phúc vào quán nhậu”…
Chính vì vậy, trong thời đại giao lộ thông tin đa chiều, đa phương diện hết sức phát triển, phức tạp như hiện nay, thì sức mạnh của Giáo hội cần được phát huy tốt để giải quyết những “điểm mù” của thông tin trên mạng xã hội một cách có hiện quả, nhằm bảo vệ những thành quả tốt đẹp của Phật giáo, trước sự xâm lấn đa phương diện, tác động xấu đến tăng, ni, tổ chức Giáo hội.
Tuy nhiên, quyền lực, sức mạnh đó nếu đi theo chiều hướng tích cực, thì nhu cầu đời sống không ngừng sáng tạo ra, con người không chỉ duy trì mạng sống, mà còn hoàn thiện chính mình; ngược lại, nó sẽ trở thành sự “tha hoá quyền lực” đối với quyền lợi của các cá nhân, nhóm người, tổ chức, tôn giáo; đặc biệt là sự tha hoá của quyền lực tác động xấu đến sự phân mảnh của con đường lý tưởng giải thoát, làm xói mòn niềm tin vào Phật giáo.
2. Sự tha hoá quyền lực tác động đến sự phân mảnh của lý tưởng giải thoát
Trong đời sống kinh tế xã hội, sự tha hoá của sức mạnh quyền lực diễn ra trong mối quan hệ giữa con người với con người và những sản phẩm được làm ra. Con người cần có nhu cầu ăn, uống, mặc, trao đổi, sinh hoạt, tư liệu sản xuất để phục vụ cho bản thân, để duy trì mạng sống. Tuy nhiên nhu cầu của sự sống con người lúc này không còn mang tính trao đổi đơn thuần, đơn lẻ, mà nó là sự trao đổi hai chiều, có tính chất vụ lợi, cưỡng ép, bất bình đẳng lẫn nhau.
Quan hệ lúc này trở thành quan hệ phụ thuộc vào quyền sống giữa con người và đòi hỏi phải có sự trao đổi qua lại mang tính xòng phẳng, có vay mượn tất nhiên phải có trả; giúp đỡ người khác đòi hỏi người khác phải đền đáp tương xứng; địa vị được cân nhắc lên cao, đòi hỏi phải đáp lễ cho tương xứng…Một khi, tính xòng phẳng không được đáp trả tương xứng theo quy luật “hai bên cùng có lợi” thì tất yếu sự bất công, bất bình đẳng xuất hiện, đồng nghĩa với sự xuất hiện của tha hoá quyền lực là điều không thể tránh khỏi.
Trong xã hội, để điều tiết công việc của cá nhân, nhóm người, tổ chức, tôn giáo, cũng như mọi hoạt động ổn định xã hội thì đòi hỏi phải có quyền lực nhất định. Nhưng một khi nhu cầu đòi hỏi về quyền lực vượt qua nhu cầu cần thiết trong xã hội, tôn giáo, thì sự tha hoá quyền lực, sức mạnh quyền lực xuất hiện và khi đó, tác động xấu đến xã hội, tôn giáo bằng những thủ thuật đối phó với các chuẩn mực bằng những ý nghĩa mang tính quyền lực cá nhân.
Khi quyền lực cá nhân bị tha hoá sẽ tác động đến mọi thứ xung quanh và có khi nó trở thành một thứ cưỡng bức, bạo lực gây phương hại đến kẻ dưới quyền. Đó là thứ quyền lực, phần lớn là không hợp pháp của quyền lực.
Trong thời kỳ phong kiến sự tha hoá quyền lực phát sinh từ những Xã trưởng, Lý trưởng, tầng lớp Hội đồng kỳ mục nắm trong tay những chức vụ quản lý làng, xã; tuy nhiên họ dùng quyền lực để thao túng các công việc trong làng, xã. “Phép vua thua lệ làng”, là một cụm từ thường được dân gian truyền tụng, nó phản ánh đời sống của người dân phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”, vừa tuân thủ luật pháp, còn phải chịu quản lý trói buộc bởi những hương ước, tục lệ của làng, xã.
Biểu hiện sự tha hoá quyền lực của các quan chức, chức sắc, là dựa vào quyền lực để thao túng, lũng đoạn và chiếm hữu công quỹ, tài sản người khác, ép người khác phục tùng mệnh lệnh, coi thường nhân phẩm, nhân cách người khác, dùng quyền lực tự mình định đoạt, phân công, phán xử người khác theo một luật lệ riêng, không phù hợp với công lý…Mặt khác, sự tha hoá quyền lực, lạm dụng quyền lực, có khi không thuộc về người nắm quyền lực, mà nó bị thao túng bởi “bàn tay vô hình” phía sau điều khiển, lèo lái, làm chệch mục tiêu, định hướng ban đầu của người nắm quyền.
Trong tôn giáo, quyền lực đôi khi đã trở thành mục tiêu hướng đến của sự tha hoá quyền lực, làm chệch hướng con đường lý tưởng của sự giác ngộ, giải thoát trong Phật giáo. Con đường lý tưởng ban đầu không bắt nguồn từ quyền lực, mà nó khởi đầu của một nhận thức, một hướng đi rất “lý tưởng cao đẹp”, nhằm mở ra một bầu trời tươi sáng, hồn nhiên, ung dung, tự tại, một cảnh giới “tiên thánh” khác xa với cảnh giới “trần tục”.
Giác ngộ, giải thoát là mục tiêu mà các bậc tôn sư thường nhắc đến cho những con người muốn “đi ngược dòng đời” khi bước vào cửa “không môn” thực hiện “lý tưởng hoá” của mình. Song, thế giới không đứng yên, mà luôn luôn vận động, phát triển không ngừng theo quy luật vận động của nó, đã tác động đến sự thay đổi tự nhiên, thay đổi trật tự xã hội con người; đồng thời nó làm thay đổi những quan điểm, tư tưởng, con người của tôn giáo, nhất là trong xã hội hiện nay.
Chức sắc, chức việc đã gắn liền với hệ thống các tổ chức xã hội và có mối quan hệ không thể tách rời nhau. Vì vậy, sự xuất hiện “quyền lực mềm” trong Giáo hội là rất cần thiết để điều tiết mọi hoạt động của Giáo hội. Tuy nhiên, một khi có quyền lực, sức mạnh, tất yếu xuất hiện sự tha hoá quyền lực là không thể tránh khỏi. Sự tha hoá quyền lực nằm trong tay một cá nhân, nhóm người, tổ chức, sẽ đưa đến một sự kết thúc hết sức tồi tệ đối với người dưới quyền.
Họ sử dụng quyền lực như một công cụ, nhằm thao túng, thúc ép, ra lệnh cho người dưới thực hiện những ý đồ theo quan điểm chủ quan của họ, không theo công lý, pháp luật, giới luật, nhằm bẻ cong dư luận xã hội bằng những thủ thuật mang tính “chính nghĩa”, mà đôi khi cả một tổ chức vẫn đành bất lực trước sự lạm quyền của cá nhân một cách “ma thuật”.
Do đó, sự tha hoá quyền lực cần phải được kiểm soát, giám sát để chống lại sự lạm quyền, thao túng, lợi dụng núp bóng của những cá nhân “phía sau”, nhằm điều khiển, làm chệch mục tiêu của tổ chức. Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có thông điệp, cần phải “nhốt quyền lực vào trong lòng cơ chế, luật pháp”, đồng thời “lò đã nóng lên rồi thì củi khô, củi tươi đều cháy hết” để ngăn ngừa những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, làm suy yếu, thoái hoá về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” [6]. Song, tôn giáo không phải là trường hợp ngoại lệ, nhất là trong thời đại ngày nay.
Việc kiểm soát, giám sát quyền lực là rất cần thiết, để chống lại sự thao túng, lạm dụng, tha hoá quyền lực, dựa “hơi quyền lực”, tác động làm thay đổi cấu trúc, hệ thống Giáo hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của tăng, ni. Cần phải nâng cao chất lượng, hoạt động đúng chức năng, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, quyền dân chủ của tăng, ni trong hệ thống tổ chức Giáo hội.
Tóm lại, trong đời sống xã hội, quyền lực đóng vai trò quan trọng trong mỗi cá nhân, tổ chức, tôn giáo, quốc gia, nhân loại. Nó là công cụ đắc lực để bảo vệ mạng sống con người, giúp cho con người sáng tạo ra mọi thứ để sinh tồn; đồng thời nó có khả năng tác động, ảnh hưởng đến những hành vi, suy nghĩ của cá nhân, nhóm người hoặc một tổ chức xã hội, tôn giáo… với những ý nghĩa tích cực dựa trên mục đích, nguyên tắc, phương thức sử dụng quyền lực.
Nhờ có sức mạnh, có quyền lực, con người xây dựng, hoàn thiện chính bản thân con người và cải tạo thế giới, cải tạo đời sống ngày càng tốt đẹp hơn về mọi mặt từ tài sản, của cải, đời sống sung túc cho đến hoàn thiện phẩm chất đạo đức, lối sống tốt đẹp; đặc biệt là trong đời sống tôn giáo, con người sẽ hoàn thành tốt lý tưởng giác ngộ, giải thoát hướng đến mục tiêu cuối cùng của đạo Phật.
Tuy nhiên, sự tha hoá của quyền lực, lạm dụng quyền lực sẽ dẫn đến mặt tiêu cực đối với đời sống xã hội và tôn giáo; nó tác động đến sự phân mảnh con đường lý tưởng giác ngộ của những người tu theo Phật giáo. Vì vậy, quyền lực cần phải có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ, quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.
Việc kiểm soát, giám sát quyền lực để ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng lạm dụng quyền lực, tha hoá quyền lực, thao túng quyền lực vì lợi ích cá nhân, đặc biệt là ngăn ngừa con đường lý tưởng tu hành đi chệch mục tiêu ban đầu, từng bước rơi vào con đường tranh giành quyền lực, quyền lợi trong tôn giáo, ảnh hưởng đến Phật giáo và mất đoàn kết trong nội bộ, hơn nữa là ảnh hưởng đến lợi ích của Quốc gia, dân tộc trong thời đại ngày nay diễn ra hết sức phức tạp, khó lường.
Tác giả: TT.TS.Thích Lệ Quang Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM
*** TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Bách khoa Triết học (tiếng Nga), 1989, Moscow. 2. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, năm 2021. 3. G. Endruweit và G. Trommsdorff, Từ điển Xã hội học, NXB. Thế giới, năm 2002. 4. Nguyễn Như Ý (chủ biên) và các tác giả khác, Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, năm 2011. 5. PGS.TS. Cao Xuân Long (2023), Giáo trình tư tưởng triết học Hồ Chí Minh, NXB. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023. 6. Viện Văn học, Thơ văn Lý- Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.
CHÚ THÍCH: [1] Nguyễn Như ý (chủ biên) (2011), Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 1311. [2] . G. Endruweit và G. Trommsdorff (2002), Từ điển Xã hội học, NXB. Thế giới, tr. 409. [3] . Bách khoa Triết học, 1989, tr.15. [4] . G. Endruweit và G. Trommsdorff (2002), Từ điển Xã hội học, NXB. Thế giới, tr. 409. [5] Hiến chương giáo hội Phật giáo Việt Nam (2013), NXB. Tôn giáo, tr. 9. [6] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 74.
Bình luận (0)