GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ Số: 90 /QĐ-HĐTS |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Căn cứ Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VII, 2022; Căn cứ Nghị quyết số 626/NQ-HĐTS ngày 27/12/2022 Hội nghị Kỳ 2 Hội đồng Trị sự khóa IX GHPGVN; Xét đề nghị của Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN.QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy chế hoạt động Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN nhiệm kỳ IX (2022 - 2027), gồm có 10 chương, 30 điều (Quy chế đính kèm).
Điều 2. Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký - Chánh Văn phòng Trung ương GHPGVN (VP1, VP2), Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN và các thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Quy định trước đây trái với Quy chế này đều không còn giá trị./.
Nơi nhận: - Như điều 2; - BTTr HĐTS GHPGVN; - Lưu: VP1,VP2. |
TM.BAN THƯỜNG TRỰC CHỦ TỊCH Hòa thượng Thích Thiện Nhơn |
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ BAN HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ TW |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc |
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG BAN HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ TRUNG ƯƠNG GHPGVN NHIỆM KỲ IX (2022-2027) (Ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-HĐTS ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam)
LỜI NÓI ĐẦUĐối với hàng đệ tử Phật, cư sĩ tại gia là một bộ phận đông đảo trong “Tứ chúng đồng tu” của Phật giáo, đã có những cống hiến xứng đáng vào các Phật sự lợi đạo ích đời.
Do vậy, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định trong Hội đồng Trị sự có Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, chuyên trách hướng dẫn sinh hoạt tu học cho hàng Phật tử tại gia.
Ban Hướng dẫn Phật tử hoạt động trên cơ sở phụng hành giới luật Phật chế, hoằng dương giáo pháp, tuân thủ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
CHƯƠNG I DANH XƯNG - MỤC ĐÍCH
Điều 1. Danh xưng: Ban Hướng dẫn Phật tử, viết tắt là BHDPT.
Điều 2. Mục đích của Ban Hướng dẫn Phật tử là hướng dẫn hàng Phật tử tại gia và những người có cảm tình với Phật giáo tu học Phật pháp, hộ trì Tam bảo, tu dưỡng đạo đức bản thân, góp phần xây dựng đất nước, kiến tạo cuộc sống hòa bình, an lạc.
CHƯƠNG II HỆ THỐNG TỔ CHỨC
Điều 3. Hệ thống tổ chức của Ban Hướng dẫn Phật tử gồm bốn cấp:
- Cấp trung ương có danh xưng là Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương (viết tắt là BHDPT TW).
- Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) có danh xưng là Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh.
- Cấp quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) có danh xưng là Ban Hướng dẫn Phật tử huyện. - Cấp cơ sở của Ban Hướng dẫn Phật tử gồm các Đạo tràng cư sĩ Phật tử, Đạo tràng Phật tử dân tộc, Đơn vị Gia đình Phật tử, Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử, Hội Phật tử Việt Nam hải ngoại sinh hoạt tại các tự viện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.
Điều 4. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương
1. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương trực thuộc sự lãnh đạo của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
2. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương có các Phân ban và các Tiểu ban chuyên trách trực thuộc:
- Phân ban Cư sĩ Phật tử (viết tắt là PB CSPT)
- Phân ban Gia đình Phật tử (viết tắt là PB GĐPT)
- Phân ban Thanh Thiếu nhi Phật tử (viết tắt là PB TTNPT)
- Phân ban Phật tử Dân tộc (viết tắt là PB PTDT)
- Phân ban Phật tử Hải ngoại (viết tắt là PB PTHN)
- Phân ban Chuyên nghiệp Phật tử (PB CNPT)
- Phân ban Tổ chức Sự kiện - Khóa tu (PB TCSK-KT)
- Phân ban Đặc trách Đạo tràng Phật tử (PB ĐTĐTPT)
- Phân ban Bảo trợ (PB BT).
Chương III THÀNH PHẦN NHÂN SỰ
Điều 5. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương
1. Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương là thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các thành viên còn lại do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương mời với đầy đủ các thành phần:
- Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN cấp Tỉnh.
- Thành viên tiêu biểu của các hệ phái.
- Cá nhân tiêu biểu là các Tăng Ni, cư sĩ có năng lực, uy tín và tâm huyết.
2. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương có số lượng không quá 97 thành viên được Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y bằng một quyết định, thành phần nhân sự gồm có:
- Một Trưởng ban
- Ba Phó Trưởng ban Thường trực
- Các Phó Trưởng ban chuyên trách và tiêu biểu
- Một Chánh Thư ký
- Hai Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng (phía Bắc và phía Nam)
- Hai Thủ quỹ (phía Bắc và phía Nam)
- Hai Ủy viên Tài chính (phía Bắc và phía Nam) - Các Ủy viên Thường trực- Các Ủy viên.
3. Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương gồm có: Trưởng ban, ba Phó Trưởng ban Thường trực, các Phó Trưởng ban (số lượng các Phó Trưởng ban không quá 15 vị kể cả hai Phó Trưởng ban Thường trực), Chánh - Phó Thư ký, Thủ quỹ, Ủy viên Tài chính, các Ủy viên Thường trực.
4. Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương có thể cử một số Ủy viên Thường trực hoặc Ủy viên của Ban đảm nhiệm chức vụ Phó Văn phòng nếu có yêu cầu.
Điều 6. Các Phân ban trực thuộc (cấp Trung ương)
1. Phân ban Trung ương hoạt động theo Quy chế riêng có nội dung phù hợp với Hiến chương GHPGVN và Quy chế Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương do Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành.
2. Trưởng các Phân ban Trung ương do Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương mời một Phó trưởng ban hoặc một Ủy viên Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương chuyên trách.
3. Các Phân ban Trung ương có số lượng không quá 37 thành viên (không tính vào số lượng thành viên chính thức của Ban) do Trưởng Phân ban mời, được Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương thông qua và được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chuẩn y bằng một quyết định, thành phần gồm có:
- Một Trưởng Phân ban
- Hai Phó Trưởng Phân ban Thường trực
- Các Phó Trưởng Phân ban
- Một Chánh Thư ký
- Hai Phó Thư ký
- Một Thủ quỹ
- Một Ủy viên Tài chính
- Các Ủy viên Thường trực
- Các Ủy viên.
Điều 7. Các Tiểu ban trực thuộc (các Phân ban Trung ương)
1. Ngoài các Phân ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, tùy theo Phật sự, mỗi Phân ban cấp Trung ương được thành lập các Tiểu ban.
2. Các Tiểu ban Trung ương hoạt động theo Quy chế riêng có nội dung phù hợp với Quy chế Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Quy chế của các Phân ban liên quan, do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ban hành.
3. Các Trưởng Tiểu ban Trung ương do Trưởng các Phân ban Trung ương mời một Phó Trưởng Phân ban hoặc một Ủy viên Thường trực thuộc Phân ban Trung ương chuyên trách và trình Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương chuẩn y bằng một quyết định.4. Các Tiểu ban Trung ương có số lượng không quá 27 thành viên do Trưởng Tiểu ban mời (không tính vào số lượng thành viên chính thức của Phân ban) được Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương chuẩn y bằng một quyết định, thành phần gồm có:
- Một Trưởng Tiểu ban
- Một Phó TrưởngTiểu ban Thường trực
- Các Phó Trưởng Tiểu ban
- Một Chánh Thư ký
- Hai Phó Thư ký
- Một thủ quỹ
- Một Ủy viên Tài chính
- Các Ủy viên Thường trực
- Các Ủy viên.
Điều 8. Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh
1. Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh trực thuộc sự lãnh đạo của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh sở tại, hoạt động theo Quy chế Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Quy chế hoạt động của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh.
2. Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh là thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và là thành viên của Ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh. Các thành viên còn lại do Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh mời với đầy đủ các thành phần:
- Các Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử huyện.
- Thành viên tiêu biểu của các hệ phái.
- Cá nhân tiêu biểu là các Tăng Ni, cư sĩ có năng lực, uy tín và tâm huyết.
3. Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh có số lượng không quá 37 thành viên được Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh chuẩn y bằng một quyết định, thành phần gồm có:
- Một Trưởng ban
- Một Phó Trưởng ban Thường trực
- Các Phó Trưởng ban chuyên trách
- Một Chánh Thư ký
- Một Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng - Hai Phó Thư ký- Một Thủ quỹ
- Một Ủy viên Tài chính
- Các Ủy viên Thường trực
- Các Ủy viên.
4. Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh gồm có: Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực, các Phó Trưởng ban, Chánh - Phó Thư ký, Thủ quỹ, Ủy viên Tài chính và các Ủy viên Thường trực.
5. Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh tùy theo nhu cầu, được thành lập các Phân ban, Tiểu ban tương ứng với các Phân ban, Tiểu ban của cấp trung ương. Trưởng Phân ban cấp tỉnh do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh mời một Phó Trưởng ban hoặc một Ủy viên Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh chuyên trách.
6. Trưởng Tiểu ban cấp tỉnh do vị Trưởng Phân ban cấp tỉnh mời một vị Phó Trưởng Phân ban hoặc Ủy viên Thường trực Phân ban đảm trách. Các thành viên còn lại do Trưởng Tiểu ban cơ cấu, trình Phân ban.
7. Phân ban Phật tử cấp tỉnh có số lượng không quá 27 thành viên do Trưởng Phân ban cấp tỉnh mời (không tính vào số lượng thành viên chính thức của Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh) được Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh chuẩn y bằng một quyết định, thành phần gồm có:
- Một Trưởng Phân ban
- Một Phó Trưởng Phân ban Thường trực
- Các Phó Trưởng Phân ban
- Một Chánh Thư ký
- Hai Phó Thư ký
- Một Thủ quỹ
- Một Ủy viên Tài chính
- Các Ủy viên Thường trực
- Các Ủy viên.
Điều 9. Ban Hướng dẫn Phật tử Huyện
1. Ban Hướng dẫn Phật tử huyện trực thuộc sự lãnh đạo của Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện sở tại.
2. Ban Hướng dẫn Phật tử huyện gồm một Trưởng ban, một Phó Trưởng ban Thường trực, các Phó Trưởng ban, một Chánh Thư ký, một Phó Thư ký, một Thủ quỹ, một Ủy viên Tài chính và các Ủy viên.
3. Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử huyện là ủy viên Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện, các thành viên còn lại do vị Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử huyện mời có số lượng không quá 25 thành viên được Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện chuẩn y bằng một quyết định.4. Ban Hướng dẫn Phật tử huyện tùy theo nhu cầu, được thành lập các Phân ban, Tiểu ban tương ứng với các Phân ban, Tiểu ban của Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, có số lượng không quá 15 thành viên do một Phó Trưởng ban hoặc một Ủy viên Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử huyện làm Trưởng Phân ban, Tiểu ban. Các thành viên còn lại do Trưởng Phân ban, Tiểu ban cấp huyện mời và được Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện chuẩn y bằng một quyết định.
Điều 10. Đơn vị cơ sở
Thành phần lãnh đạo các đơn vị cơ sở của Ban Hướng dẫn Phật tử là Ban điều hành đạo tràng Cư sĩ Phật tử, Ban điều hành đạo tràng Phật tử dân tộc, Ban Huynh trưởng Gia đình Phật tử, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử, Ban Điều hành Hội Phật tử Việt Nam hải ngoại sinh hoạt tại các tự viện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.
CHƯƠNG IV NHIỆM VỤ
Điều 11. Nhiệm vụ Ban Hướng dẫn cấp Trung ương
1. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương có nhiệm vụ
1.1. Trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự xét duyệt chấp thuận trước khi thực hiện các chương trình:
- Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ, hàng năm, hàng kỳ, tu chỉnh và bổ sung chương trình sinh hoạt của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh.
- Chương trình tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề, mở các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo lý, nghiệp vụ chuyên môn.
1.2. Báo cáo định kỳ sáu tháng một lần các hoạt động Phật sự và các đề xuất mới cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thông qua hai Văn phòng Trung ương Giáo hội.
1.3. Hằng năm thăm và làm việc với Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh để nắm bắt tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hướng dẫn Phật tử của các Tỉnh.
2. Các Phân ban Trung ương có nhiệm vụ
2.1. Soạn thảo chương trình sinh hoạt tu học của Phân ban và các Tiểu ban trực thuộc, đệ trình Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương xét duyệt chấp thuận và chịu trách nhiệm đôn đốc triển khai thực hiện.
2.2. Báo cáo định kỳ sáu tháng một lần các hoạt động Phật sự và các đề xuất mới cho Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.3. Các Tiểu ban trực thuộc các Phân ban Trung ương có nhiệm vụ
3.1. Soạn thảo chương trình hoạt động nhiệm kỳ, hàng năm và hàng quý của Tiểu ban đệ trình Thường trực Phân ban Trung ương xét duyệt chấp thuận và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện.
3.2. Báo cáo định kỳ sáu tháng một lần các hoạt động Phật sự và các đề xuất mới cho Thường trực Phân ban Trung ương liên hệ.
Điều 12. Nhiệm vụ Ban Hướng dẫn cấp tỉnh
Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, các Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh có nhiệm vụ:
1. Thực hiện mọi Phật sự của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh giao phó.
2. Báo cáo định kỳ sáu tháng một lần các hoạt động Phật sự và các đề xuất mới cho Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Tỉnh.
3. Lập các chương trình sinh hoạt, tu học như: mở khóa tu, lớp giáo lý, hội thi giáo lý cho các đạo tràng CSPT, đạo tràng PTDT, câu lạc bộ TTNPT, đơn vị GĐPT và các hội đoàn Phật tử để nâng cao trình độ giáo lý và kiến thức chuyên môn, trình Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Tỉnh thông qua trước khi thực hiện.
4. Thăm và làm việc với các đạo tràng, câu lạc bộ, Gia đình Phật tử và các hội đoàn Phật tử cơ sở tại các tự viện tiêu biểu để nắm bắt tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Hướng dẫn Phật tử của từng địa phương.
Điều 13. Nhiệm vụ Ban Hướng dẫn cấp huyện
Ban Hướng dẫn Phật tử huyện, các Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử huyện có nhiệm vụ:
1. Thực hiện mọi chủ trương, kế hoạch của Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh.
2. Thực hiện chương trình, kế hoạch của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện có liên quan đến ngành Hướng dẫn Phật tử.
3. Thường xuyên theo dõi, thăm viếng, đôn đốc, nắm bắt tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, phản ánh những ý kiến của các đạo tràng CSPT và PTDT, câu lạc bộ TTNPT, đơn vị GĐPT và các hội đoàn Phật tử tại cơ sở, báo cáo và tham mưu định hướng hoạt động cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Huyện và Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh.
4. Báo cáo định kỳ sáu tháng một lần các hoạt động Phật sự, số liệu đạo tràng, khóa tu, lớp giáo lý, giảng đường của các đạo tràng CSPT, đạo tràng PTDT, câu lạc bộ TTNPT; sự sinh hoạt và số liệu Huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT tại các tự viện và các đề xuất mới về Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện và Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh.
5. Báo cáo đột xuất những Phật sự đặc biệt cần thiết và đề xuất hướng giải quyết về Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện và Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh.
Điều 14. Nhiệm vụ của các thành viên
Nhiệm vụ của các thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp được quy định tại Quy chế hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ban hành.
Điều 15. Nhiệm vụ chung của Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp
1. Kiểm tra, đánh giá, mở khóa huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, kiến thức tổng quát của các thành viên thuộc các bộ phận chuyên trách trực thuộc.
2. Tổ chức khóa tu, mở lớp giáo lý, thành lập các đạo tràng CSPT, đạo tràng PTDT, câu lạc bộ TTNPT, đơn vị GĐPT, thành lập các đoàn hoằng pháp cư sĩ để truyền bá chánh pháp đến các vùng miền chưa có Phật tử.
3. Hưởng ứng, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, hội nhập cộng đồng, giao lưu văn hóa nghệ thuật với các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự các Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Tỉnh và các đoàn thể xã hội.
4. Hưởng ứng, tham gia các chương trình phối hợp hành động, chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Ủy ban Mặt trận các cấp đề ra.
CHƯƠNG V NHIỆM KỲ
Điều 16. Nhiệm kỳ của Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp
1. Nhiệm kỳ của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và các Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương là 05 năm, tương ứng với nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
2. Nhiệm kỳ của Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, huyện và các Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, huyện là 05 năm, tương ứng với nhiệm kỳ của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, huyện sở tại.
Điều 17. Khuyết nhiệm giữa nhiệm kỳ
1. Trong giữa nhiệm kỳ, nếu có thành viên nào trong Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương bị khuyết thì Trưởng ban sẽ đề cử một ủy viên chính thức khác của Ban thay thế tại kỳ họp sáu tháng đầu năm hoặc tại kỳ hội nghị tổng kết cuối năm gần nhất. Riêng ngôi vị Trưởng ban thì phải do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thỉnh cử bổ khuyết.
2. Đối với Ban Hướng dẫn Phật tử cấp tỉnh, cấp huyện và Phân ban, Tiểu ban các cấp, việc cử bổ sung thay thế ủy viên khuyết nhiệm giữa nhiệm kỳ cũng được áp dụng tương tự như tại Khoản 1 Điều 17 Quy chế này.Điều 18. Chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ
1. Giữa hai nhiệm kỳ kế tiếp của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, vị nguyên Trưởng ban có nhiệm vụ bàn giao văn phòng và công tác cho vị tân Trưởng ban.
2. Trong thời gian chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, vị tân Trưởng ban kết hợp với vị nguyên Trưởng ban và các thành viên tiếp tục điều hành Phật sự cho đến khi có quyết định bổ nhiệm tân Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
3. Đối với Ban Hướng dẫn Phật tử cấp tỉnh, cấp huyện và Phân ban, Tiểu ban các cấp, việc chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ cũng được áp dụng như tại Khoản 1 và 2, Điều 18 Quy chế này.
CHƯƠNG VI HỘI HỌP – HỘI NGHỊ
Điều 19. Hội họp
1. Họp định kỳ: Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương họp định kỳ có thời gian họp tương ứng với kỳ hội nghị của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để sơ kết công tác Phật sự của Ban. Thành phần dự họp gồm các thành viên Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.2. Họp bất thường: Trường hợp cần thiết, Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương được tổ chức cuộc họp bất thường, thành phần tham dự gồm Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và đại diện Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh hoặc những đại biểu có liên quan đến công việc cần giải quyết.
3. Các cuộc họp trên đều do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương triệu tập, chủ trì. Nếu Trưởng ban vì duyên sự đặc biệt không thể triệu tập hoặc chủ trì thì phải ủy nhiệm cho một trong hai vị Phó Trưởng ban Thường trực triệu tập, chủ trì.
4. Đối với Ban Hướng dẫn Phật tử cấp tỉnh, cấp huyện và Phân ban, Tiểu ban các cấp, việc hội họp cũng được áp dụng như tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 19 Quy chế này.
Điều 20. Hội nghị
1. Hội nghị thường niên: Hội nghị thường niên Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương được tổ chức vào cuối mỗi năm trong nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương triệu tập và chủ trì. Nếu Trưởng ban vì duyên sự đặc biệt không thể triệu tập hoặc chủ trì thì phải ủy nhiệm cho một trong hai vị Phó Trưởng ban Thường trực triệu tập hoặc chủ trì, để tổng kết công tác Phật sự trong năm qua hoặc trong nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng hoạt động Phật sự cho năm tới hoặc nhiệm kỳ tới.
2. Hội nghị bất thường: Trường hợp cần thiết, sau khi được Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương thống nhất, Hội nghị bất thường ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương được tổ chức do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương triệu tập và chủ trì để giải quyết công việc.3. Thành phần đại biểu chính thức của Hội nghị (thường niên và bất thường) gồm có:
- Toàn thể thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
- Đại diện các Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
- Đại diện các Ban bảo trợ thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
- Đại diện Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh
- Đại diện các tổ chức và các cá nhân liên hệ.
4. Thời gian Hội nghị thường niên phải trước kỳ Hội nghị thường niên của Hội đồng Trị sự GHPGVN ít nhất là một tháng và trước kỳ họp chuẩn bị tổ chức Đại hội Đại biểu Phật Giáo toàn quốc của Hội đồng Trị sự ít nhất là hai tháng.
5. Số lượng đại biểu hội nghị do Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương quy định. Số lượng đại biểu tham dự hội nghị phải đạt hai phần ba số lượng đại biểu được mời. Nghị quyết của hội nghị phải được ba phần tư số lượng đại biểu hiện diện tán thành thì kết quả hội nghị mới có giá trị.
6. Đối với Ban Hướng dẫn Phật tử cấp tỉnh, cấp huyện và Phân ban, Tiểu ban các cấp, việc tổ chức hội nghị thường niên và bất thường cũng được áp dụng tương tự như tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 20 Quy chế này.
CHƯƠNG VII TÀI CHÍNH
Điều 21. Tài chính của Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp gồm:
- Tài vật do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và ban viện các cấp tài trợ;
- Công đức phí do thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành;
- Tài vật được hiến cúng hợp pháp;
- Tài vật do Ban Hướng dẫn Phật tử và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp tự tạo hợp pháp;
Sự đóng góp của nam nữ cư sĩ Phật tử và những người có thiện cảm với Phật giáo.
CHƯƠNG VIII TUYÊN DƯƠNG CÔNG ĐỨC – KỶ LUẬT
Điều 22. Tuyên dương công đức
1. Ban Hướng dẫn Phật tử và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp xét và đề xuất với cấp Giáo hội có thẩm quyền tặng Bằng Tuyên dương công đức hoặc Bằng Công đức cho các tập thể và cá nhân có thành tích sinh hoạt tu học tinh tấn xuất sắc, có công đức phục vụ cúng dường cho các hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp.
2. Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương xét tặng Kỷ niệm chương, Bằng Tuyên dương công đức hoặc Bằng Công đức cho tập thể và cá nhân có thành tích sinh hoạt tu học tinh tiến, xuất sắc; có công đức phục vụ, cúng dường cho các hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp, được Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp đề xuất.
3. Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh xét tặng Bằng công đức cho tập thể và cá nhân có thành tích sinh hoạt tu học tinh tiến, xuất sắc hoặc có công đức phục vụ, cúng dường cho các hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử và các Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh và huyện được Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp đề xuất.
Điều 23. Kỷ Luật
1. Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp xét và đề xuất với cấp Giáo hội có thẩm quyền khuyến cáo kiểm điểm, đình chỉ công tác, bãi miễn chức danh (tùy theo mức độ vi phạm) đối với các thành viên có những hoạt động vi phạm giới luật Phật chế, Hiến chương GHPGVN, Quy chế của Giáo hội và pháp luật nhà nước hiện hành trong phạm vi quản lý của cấp thực hiện.
2. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương khuyến cáo, kiểm điểm, trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị đình chỉ công tác, bãi miễn chức danh (tùy theo mức độ vi phạm) đối với các thành viên do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự bổ nhiệm có những hoạt động vi phạm giới luật Phật chế, Hiến chương GHPGVN, Quy chế hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử và pháp luật nhà nước hiện hành.
CHƯƠNG IX SẮC PHỤC TĂNG, NI VÀ PHẬT TỬ
Điều 24. Sắc phục Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam biểu hiện qua hình thức sắc phục của các truyền thống Hệ phái Phật giáo Việt Nam. Trong đó: Tăng, Ni Phật giáo Bắc tông Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cả nước gồm 3 hình thức: Lễ phục, Giáo phục, Thường phục.
Điều 25. Cư sĩ Phật tử không được sử dụng lễ phục và giáo phục của Tăng Ni đã được quy định tại Quy chế Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong mọi trường hợp.
CHƯƠNG X HIỆU LỰC - TU CHỈNH
Điều 26. Quy chế Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương là văn bản điều phối chung cho các hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử, Phân ban, Tiểu ban các cấp và các đạo tràng Cư sĩ Phật tử, đạo tràng Phật tử dân tộc, câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử, đơn vị Gia đình Phật tử, các hội đoàn Phật tử tại các tự viện thuộc GHPGVN ở trong nước và ở nước ngoài.
Điều 27. Quy chế Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương được tu chỉnh để phù hợp với yêu cầu mới của Giáo hội chỉ khi nào có một trong ba trường hợp sau đây:
1. Sự chỉ đạo của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
2. Sự đề xuất của Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
3. Sự nhất trí đề nghị của 2/3 thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
Điều 28. Việc tu chỉnh Quy chế Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương được quy định như sau:
1. Thành lập Tiểu ban soạn dự thảo Quy chế tu chỉnh. Thành phần, nhiệm vụ của Tiểu ban soạn dự thảo Quy chế tu chỉnh do Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương quyết định.
2. Dự thảo Quy chế tu chỉnh phải được trình bày tại hội nghị Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và phải được 2/3 đại biểu tán thành. Sau khi được 2/3 đại biểu tán thành phải trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN chuẩn y bằng một quyết định mới có hiệu lực áp dụng.
Điều 29. Quy chế Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tu chỉnh lần thứ VI này được xây dựng trên cơ sở của Hiến chương GHPGVN (được thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ IX (2022-2027)) và dựa theo Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022).
Điều 30. Quy chế này gồm Lời nói đầu, 10 Chương, 30 Điều đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ IX (2022-2027) thông qua và có hiệu lực áp dụng từ ngày Hội đồng Trị sự ký Quyết định ban hành.
BAN HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Bình luận (0)