Tác giả: Thích Nữ Thanh Thảo Chùa Xuân Lư, Hương An - Quế Sơn - Quảng Nam
I. DẪN NHẬP:
Trong Kinh Pháp Hoa đức Phật có dạy: “Các đức Phật Thế Tôn chỉ do một sự nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời. Vì muốn cho chúng sinh khai Tri Kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời”. Đó là bản hoài của tất cả mười phương chư Phật. Nhưng chúng sinh do vô minh che lấp nên không ai nhận ra "Tri kiến Phật" nơi mình, cứ mãi tìm cầu hạnh phúc bên ngoài, trôi lăn trong ba cõi sáu đường, khổ đau nghèo đói.
Vì muốn cho chúng sinh cũng chứng ngộ như các Ngài, bấy giờ đức Phật mới dùng Phương Tiện khai mở cho chúng sinh thấy rõ thật tướng của các Pháp là giả huyễn không thật, do vô minh vọng tưởng kiến chấp sai lầm, nên chúng sinh cứ mãi trôi lăn trong sinh tử luân hồi.
Đức Phật vì thương chúng sinh đau khổ, nên đã đưa ra những phương thuốc trị tâm bệnh, chỉ cho chúng sinh con đường đưa đến đoạn diệt khổ, tiến tới Niết bàn an vui, tức chỉ cho chúng sinh nhận ra “Tri kiến Phật”, sau đó tinh tấn tu hành đạt đến quả vị “Vô Thượng Bồ Đề”. Vậy đức Phật muốn đạt tới mục đích tối thượng đó, phải dùng đến những Phương Tiện uyển chuyển nào?
II. NỘI DUNG:
1. Định nghĩa Phương tiện:
Theo “Từ Điển Phật Học Huệ Quang” chủ biên “Thích Minh cảnh” tập 4 (2002), (trang 3773): Định nghĩa phương tiện là thiện quyền biến mưu. Phương pháp khéo léo để phát triển hướng thượng.
Trong cuốn “Danh Từ Phật Học Thực Dụng” (trang 368). Định nghĩa: “Phương là phương pháp, tiện là tiện dụng, phương pháp tiện dụng thích hợp với căn cơ của chúng sinh để giáo hóa, hướng dẫn, làm lợi ích cho chúng sinh”.
Một phươnSg tiện không thể áp dụng cho mọi trường hợp, cho tất cả mọi người. Vì vậy đức Phật dạy 84.000 pháp môn công phu tu hành. Phương tiện là thiết lập tạm thời để khai ngộ, giúp con người hiểu rõ chân lý. Điều quan trọng là phải phân biệt, thấy rõ phương tiện và cứu cánh. Phương tiện nếu bị nhận nhầm là cứu cánh thì không còn có ích lợi, mà lại còn cản trở việc tìm chân lý. Nương phương tiện để đạt cứu cánh, nương ngón tay chỉ để thấy mặt trăng, nhờ bè mà sang tới bờ bên kia. Nhưng đừng nhìn ngón tay mà quên mặt trăng, tới bờ rồi thì bỏ bè lại, đừng vát theo trên vai.
Phương tiện trong đạo Phật được hiểu như cách dùng ngôn ngữ hoặc hành động để chuyên chở vận chuyển những tư tưởng đạo lý truyền tải đến người nghe. Tất cả các cách thức trình bày thuyết giảng đưa ra những ví dụ dùng đến ngôn ngữ hình tướng “văn dĩ tải đạo”... Thậm chí cả đến sự ra đời của Phật cũng đều là Phương tiện. Phương là giáo lý chân chính, tiện là ngôn ngữ mỹ tuyệt. Giáo lý thậm thâm mà không dùng lời nói ái ngữ dễ nghe thì không tháo vào lỗ tai, không đi sâu vào lòng người, hoặc có khi dùng hành động để thể hiện biểu đạt ý của người muốn nói như “Thân giáo”. Ví như có nhiều vị Thầy dạy đệ tử, ngoài khẩu giáo ra có khi phải dùng đến thân giáo để biểu đạt hết ý của vị Thầy muốn trao truyền cho đệ tử.
Qua những định nghĩa trên hành giả có thể nói: Phương tiện cũng ví như Phương tiện vận chuyển, như xe cộ, máy bay hoặc tàu hỏa… đều với mục đích vận chuyển hành khách từ bến này đến điểm kia. Còn trong Phật pháp thì các Pháp môn tu chỉ là Phương tiện đưa con người từ bờ mê qua bến giác. Các phương pháp thích hợp mà đức Phật dùng để chỉ bày cho chúng sinh thấy rõ được thật tướng của các pháp và “Khai, Thị, Ngộ, Nhập” Tri kiến Phật trong mỗi chúng sinh.
Để chỉ bày pháp Phương tiện đức Phật đã áp dụng pháp ấy trong Đại thừa Phật giáo, điển hình như Kinh Pháp Hoa, kinh Thiện Phương Tiện, kinh Đại Bảo Tích, kinh Duy Ma Cật….hay trong tam tạng thánh điển Nikāya, chính pháp đã được đức Phật dùng rất nhiều phương tiện để trình bày, giải thích. Chủ đích chỉ để độ các giai cấp dân chúng thời bấy giờ, đả phá các học thuyết sai lầm, và chỉ ra chân lý đúng đắn cho thính chúng hướng tới điều tốt đẹp nhất.
2. Quan niệm “Phương tiện” trong Phật Giáo Đại Thừa:
a) Phương tiện trong kinh Pháp Hoa:
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa đức Phật đã dùng rất nhiều Pháp phương tiện để dẫn dắt chúng sinh ra khỏi nhà lửa tam giới, chứng nhập vào Tri Kiến Phật. Như “Phẩm Thí Dụ” đức Phật dùng một thí dụ để chỉ rõ rằng: “Trước đây chư Phật dùng các món nhơn duyên lời lẽ thí dụ phương tiện để giáo hóa chúng sinh, nay Phật cũng phương tiện đưa ra thí dụ để những người có trí do thí dụ mà đặng hiểu”. Phật đưa ra ví dụ “Ông Trưởng giả dùng Phương tiện bảo các người con mau ra khỏi nhà lửa, cha sẽ cho các xe dê xe hưu xe trâu. Các người con liền nghe cha hứa cho các thứ xe nên tranh nhau chạy ra khỏi nhà lửa đó. Ông Trưởng giả đều cho một thứ xe trâu lớn. Đức Phật cũng thế, vì thấy chúng sinh ham mê đắm chìm trong tam giới, bị lửa vô thường nó đót cháy mà không hay biết, dù có biết cũng không lấy làm lo sợ, đức Phật vì thương chúng sinh nên đưa ra tam thừa (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát) để phương tiện cho chúng sinh ra khỏi nhà lửa tam giới. Khi chúng sinh tu chứng đến các quả vị “Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát” rồi thì Đức Phật nói đó chỉ là Phương tiện để đưa đến quả vị Phật thừa bình đẳng. Phẩm “Hóa Thành Dụ” cũng nói lên Phương tiện, “Thấy chúng nhân đi tìm trân bảo thấy đường còn xa giữa đường lại muốn lui về, có vị đạo sư thông minh dùng phương tiện hóa ra cái thành nghĩ tạm”, hóa thành ở đây cũng dụ như các quả vị tu chứng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát chỉ là Niết bàn tạm không phải là cứu cánh. Cứu cánh là phải đi tiếp đến quả vị Phật.
Phẩm “Như Lai Thọ Lượng” Phật lại dùng Phương tiện ví dụ: “Vị Thầy thuốc giỏi có sự duyên nên ông đến nước khác...Khi đi xa, ông nhắn tin về là ông đã chết, những người con nghe cha chết không còn ỷ lại, bèn lấy thuốc uống và khỏi bệnh". Những đứa con bị nhiễm đọc nhiều, dụ như chúng sinh hạ căn bị vô minh phiền não che phủ, mãi đến khi Phật nhập Niết bàn rồi, mới chịu nghiên cứu kinh điển mà tu hành giải thoát. Phật Phương tiện Nhập diệt là vì muốn khẳng định những lời Phật nói là chân lý. Nhập diệt là phương tiện chỉ sự vô thường khiến cho chúng sinh tin lời Phật dạy mà tu hành. Đức Phật đã để lại thuốc hay trị tâm bệnh cho chúng sinh, chúng ta phải nên uống tức phải thực hành theo lời Phật dạy mà tu hành đạt giải thoát giác ngộ.
Hay thí dụ hạt châu được nhắc đến ba lần trong kinh pháp hoa, Hạt châu tượng trương cho Chơn Tâm hay “Nhất thiết trí” ở bên trong mỗi con người chúng ta, Phật đã dùng vô số Phương tiện để hiển bày cái Phật Tính ấy. Như trong Phẩm “Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký” có nói: “Viên châu được người bạn cột trong áo của chàng say rượu, lúc tĩnh dậy không biết trong mình có hạt châu liền đi tìm cầu sự ăn mặc thật cực khổ, sau gặp lại người bạn chỉ viên châu cọt trong chéo áo, rồi gả mới biết mình có hạt châu liền đem ra dùng”. Người cho châu dụ cho đức Phật, người nghèo say rượu kia tượng trưng cho đệ tử Phật.
Hay gã Cùng Tử trong phẩm “Tín Giải”. Đức Phật lại ví như người Cha, thấy con mình ý chí hạ liệt không dám nghĩ nhớ đến của cải của cha. Bằng dùng Phương tiện thuê cho hốt phân. Nghề dọn phân dơ được ví như giai đoạn dụng công tu hành trừ cấu uế phiền não nơi tâm. Chúng ta giờ đây cũng giống như gã cùng tử, mặc dù xuất gia tu học, nhưng trong tâm chỉ mong tu hành giảm bớt phiền não tham sân si, được an lạc trong hiện đời là đủ, không có tâm cầu quả vị Phật. Nay nhờ pháp phương tiện của Phật, mà chúng ta mới tự thấy hổ thẹn muốn cầu “Nhất Thiết Trí Phật”.
Lại thấy trong phẩm “Pháp sư” đức Phật dùng phương tiện nói với ngài Dược Vương “Thí dụ có người khát nước….Bồ tát cũng vậy,…. Nếu dùng 'văn, tư, tu' thọ trì kinh này, thì chắc biết sẽ gần đạo Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác”. Với nội dung đoạn kinh chỉ cho chúng ta thấy muốn cầu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề, phải trải qua công phu cần khổ chứa nhóm công đức mới tìm được đạo. Không gì bằng tu tập và hành trì kinh Pháp Hoa, thì chắc chắn cách đạo không xa, vì kinh Pháp Hoa là mở môn phương tiện là Vua trong các kinh.
b) Phương tiện trong kinh Thiện Phương Tiện:
Trong kinh mô tả cuộc đời của Đức Phật từ lúc nhập thai ở hoàng cung lớn lên lập gia đình, xuất gia tu thành chính quả đều là những Phương tiện để cho chúng sinh thấy rằng, dù giàu sang quyền quý, sống đầy lạc thú nhưng không gì cao quý bằng con đường xuất gia chứng đắc Niết Bàn tối thượng.
Kinh đã thuật lại một số câu chuyện với những trường hợp, các vị Bồ tát đã dùng những phương tiện khéo léo, vì lợi ích cho chúng sinh, đã chấp nhận phạm những giới luật căn bản. “Như chuyện truyền thân đức Phật là một vị Bồ tát dẫn đầu một đoàn thương buôn 500 người, trong số này có một tên cướp, toan tính muốn sát hại đoàn thương buôn để trộm tài sản...vì lòng từ bi sợ số đông phải đọa địa ngục, nên Ngài đã giết tên cướp kia, để tên cướp và đoàn thương nhân tránh được nghiệp ác và khỏi bị quả báo đọa địa ngục”. Hành động này của vị Bồ Tát, gọi là “Phương tiện sát sinh”. Trong kinh xem là một Phương tiện để cứu giúp chúng sinh không có cơ hội gieo nhân ác. Bồ tát hạnh đặt đạo đức trên cơ sở lòng từ bi.
c) Phương tiện trong kinh Đại Bảo Tích:
Trong Phẩm “Pháp Hội Đại Thừa Phương Tiện Thứ Ba Mươi Tám”, nhân ngài Trí Thắng hỏi đức Phật về Đại Bồ Tát hành những Phương tiện gì?
Đức Phật dạy: “Bồ Tát dùng một vắt cơm bố thí cho tất cả chúng sinh cầu Nhất Thiết Trí… dùng 2 nhân duyên: Cầu nhất thiết chủng trí và nguyện Phương tiện, để nhiếp tất cả chúng sinh, đây gọi là đại Bồ Tát hành Phương tiện vậy...Bồ Tát thấy chúng sinh thọ các báo vui thì nguyện cho họ được vui Nhất Thiết Trí, thấy chúng sinh khổ liền vì họ mà sám hối tội nghiệp, thay họ chịu khổ để họ được an vui…Bồ Tát đảnh lễ tán thán cúng dường...đọc thuộc được một bài kệ bốn câu…rồi đem giảng nói cho người, mà không mong cầu lợi dưỡng, chỉ mong cho người nghe pháp này và tất cả chúng sinh được đa văn như ngài A nan….hoặc Bồ tát sinh vào nhà bần cùng...cho đến hành lục độ Ba la mật, tất cả căn lành đều nguyện cho mình và chúng sinh được Nhất thiết chủng trí, đây là đại Bồ Tát hành Phương tiện vậy”.
Như vậy, vị Bồ tát hành Phương tiện bố thí với từ bi tâm chớ không phải ở nơi của thí ít hay nhiều, mà chú trọng về tâm lượng từ bi rộng lớn, lấy việc hóa độ chúng sinh làm mục tiêu. Giống như trong kinh Pháp hoa có câu: “Đói ta cho ăn, khát ta cho uống, no đủ rồi ta mới cho Pháp vị”, đó là phương tiện độ sinh của các vị Bồ tát vậy.
d) Phương tiện trong kinh Duy Ma Cật:
Phẩm Phương tiện trong kinh Duy Ma Cật: “Trưởng giả Duy Ma Cật đã từng cúng dường vô lượng chư Phật…chứng được vô sinh pháp nhẫn, biện tài vô ngại…vì muốn độ người...Ông tùy theo đối tượng mà hiển bày Phương tiện để độ họ xa lìa các khổ hưởng được an vui. Sau Ông dùng Phương tiện thị hiện thân bệnh, nên các hàng quốc vương cho đến thứ dân…đều đến thăm. Duy Ma Cật nhân đó dùng thân bệnh vì họ mà nói Pháp”. Đoạn này Ông chỉ cho chúng sinh thấy sự vô thường, giả tạm, mong manh...của thân người. Nó là khổ, phiền não, nơi nhóm họp các bệnh, khuyên chúng sinh không nên nương tựa vào nó, Ông phương tiện giảng nói về thân vô thường, và chỉ bày thân Phật tức Pháp thân…chúng ta phải nhàm chán cái thân tạm bợ này, thì phải đoạn tất cả bệnh chúng sinh, phải phát tâm vô thượng chính đẳng chính giác.
Qua đoạn kinh Duy Ma Cật cho thấy tinh thần tu Bồ tát hạnh, với hình tướng người cư sĩ tại gia, dễ dàng len lõi vào trong thế gian, muốn chúng sinh được độ thoát, thì Bồ tát phải dùng vô số Phương tiện khéo léo, như ngài Duy-Ma-Cật thị hiện bệnh để có cơ hội hóa độ chúng sinh.
Theo ngài Trí Quang nói: “Có giải thoát thật mới nhập thế thật, tự tại vô nhiễm như hoa sen trong bùn”. Muốn hành Bồ tát hạnh, trước hết phải chứng quả “Vô sinh pháp nhẫn” như ngài Duy ma, vì giáo lý Bồ tát là giáo lý đã giải thoát mới nhập thế. Như Kinh “Phóng ngưu” trong Nikāya là bức tranh “Thỏng tay vào chợ” đã nói lên sự giải thoát mới tự tại nhập thế, còn người chưa chứng quả chưa giải thoát thì chưa thể nhập thế được. Chưa giải thoát ở đây được ví như 2 bàn tay bị thương mà nhúng vào bát nước có độc vậy, vết thương sẻ nhiễm độc vào trong cơ thể. Còn bàn tay không bị trầy xước, được mang bao tay bảo vệ, thì dù có nhúng vào thuốc độc cũng sẻ không bị nhiễm độc. Như người tu hành chưa chứng quả, chưa phòng hộ tốt 6 căn, dùng phương tiện nhập thế cứu độ chúng sinh đâu không thấy, bị thế gian lôi kéo lại mình.
3. Pháp Phương tiện được áp dụng trong thời đại hiện nay:
a. Áp dụng Phương tiện sai với quan niệm của Phật:
Qua những gì được trình bày về phương tiện trong các kinh của Đại thừa cho thấy tất cả đều là Phương Tiện, Phương tiện trong thời đức Phật là giải thoát thật Phương tiện thật. Còn thời nay những Phương tiện được áp dụng không được đúng với mục đích của đức Phật. Điển hình như: Trong những lễ hội cúng sao giải hạn của các chùa. Trước đây vì Phương tiện Phật giáo du nhập phải dung hợp với văn hóa ở địa phương đó, để Phật giáo thuận tiện trong phương tiện giáo hóa, với ý nghĩa Phật giáo phải uyển chuyển tùy duyên nhưng bất biến. Đến nay mục đích chính là muốn thu hút cho đông tín đồ. Vì vậy nhà chùa cũng phải biết coi quẻ, bói toán, xem ngày giờ. Một số ít chùa chỉ cúng sao giải hạn, chớ chẳng khai thị nói pháp cho thính chúng hiểu về Phật Pháp để phá mê khai ngộ.
Hoặc có những vị chưa học Phật được bao nhiêu, cũng “sống lâu ra lão làng”, đem sự hiểu biết thiển cận của mình ra giảng dạy chúng sinh, áp dụng giáo pháp của đức Phật một cách thiếu hiểu biết, thiếu trí tuệ, đem đến sự mê tín tà kiến, lệch lạc về giáo lý, dẫn đến sự nguy hiểm cho một thế hệ mai sau.
Vì vậy, muốn nhập thế độ chúng sinh, thì cần phải am tường giáo lý Phật dạy, tu chứng và có trãi nghiệm nơi tự thân, thì lúc ấy mới có đủ nghị lực đem an lạc đến cho mọi người áp dụng phương tiện đúng với quan niệm của Phật.
b. Phương tiện được dùng theo tinh thần đức Phật
Hiện nay, các trường Trung cấp, Cao đẳng, Cử Nhân, Thạc Sĩ, Tiến Sĩ Phật Học… ở các nơi đều mở môn phương tiện, giảng dạy giáo lý cho các Tăng Ni sinh viên, nhằm mục đích truyền dạy những pháp môn tu, cho hành giả thực tập tu hành, đào tạo tăng tài, xiển dương chính pháp. Hay quý Giáo Thọ Sư phương tiện ra các đề tài nghiên cứu, cũng nhằm mục đích cho các học viên cơ hội nghiên cứu chuyên sâu hơn về giáo lý Phật học. Nhờ đó mà thâm nhập “Tri Kiến Phật”, có chính kiến trên đường hướng tu tập đúng đắn hơn. Hoặc dùng các Phương tiện độ sinh, điển hình như mở khóa tu “Phật thất”, hay “một ngày an lạc”, hoặc thuyết Pháp trên các phương tiện truyền thông, hay các trang mạng khác rất tiện ích trong việc hoằng pháp đến thính chúng. Từ thiện giúp đỡ người nghèo, xây nhà tình thương, các công tác Phật sự lợi đạo ích đời... Đó cũng được coi là dùng phương tiện để giáo hóa vậy.
Qua đó Hành giả cũng rút ra được những kinh nghiệm tu tập cho bản thân. biết nên làm gì để trên con đường tu học của mình không sai lầm tội lỗi. Đó không gì bằng sự tu hành, y theo lời Phật dạy, mỗi ngày phải tự phản tỉnh mình, với mục đích “thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh”. Phải "văn, tư, tu" và hành trì "giới, định, tuệ", có được sự an lạc giải thoát cho tự thân rồi mới áp dụng các Phương tiện khéo léo để hóa độ chúng sinh, không vì mong cầu lợi dưỡng, mà vì lòng từ bi ban vui cứu khổ, hóa độ chúng sinh đồng nhập vào Nhất Thiết Trí Tâm.
III. KẾT LUẬN:
Qua các định nghĩa và giải thích về Phương tiện trong Đại thừa Phật giáo hay Kinh tạng Nikāya, thì Phương Tiện được hiểu như “Mượn ngón tay để chỉ mặt Trăng”, mục đích chính là nhìn thấy mặt Trăng, còn ngón tay không phải là mặt Trăng, hay “Qua sông chớ lụy đò” cũng là chỉ chiếc thuyền hay chiếc đò đưa ta qua sông, rồi ta phải bỏ chiếc thuyền đó lại dưới bến sông, chớ không phải thấy nó tốt nó đẹp mà vát nó lên bờ.
Nói tóm Phương tiện là những Pháp môn tu tùy căn cơ của chúng sinh, mà đức Phật bày pháp Phương tiện cho chúng sinh tỏ ngộ Tri kiến Phật, Suốt 49 năm thuyết Pháp độ sinh, cuối cùng đức Phật cũng Phủ nhận “Ta không nói một Pháp nào”. Qua đó cho thấy tám mươi bốn ngàn pháp môn cũng chỉ là Phương Tiện đưa chúng sinh đến quả vị Phật Thừa, mà đã là phương tiện thì nó không thật, chỉ tạm mượn cái này để diễn tả cái kia, đến khi nhận ra cái kia rồi, thì cái này bỏ đi. Đó gọi là pháp “Phương Tiện” trong Phật giáo.
Ngày nay từ Phương tiện độ sinh dùng rất phổ biến, để khế hợp với thời hiện đại, hợp với quốc độ, nên chư Tăng phải dùng các Phương tiện để dẫn đạo vào đời. Vì thời đại bây giờ tinh thần nhập thế đã xuất hiện. Chư Tăng mỗi người đi giáo hóa một phương. Dần dần Phật giáo lan tỏa rộng ra, lăn lõi đến những nơi chưa có đạo Phật. Nên nhìn từ gốc độ hình tướng cho thấy, thời nay với tinh thần nhập thế, phương tiện giáo hóa. Phật giáo trở nên hưng thịnh, chùa chiền xây cất rất quy mô, tăng lữ thì rất đông. Nhưng về giáo lý hay sự chứng ngộ như thời đức Phật thì rất ít. Vì thời đức Phật, các đệ tử chứng A la hán rồi mới ra độ sinh. Thời nay dù có tùy duyên hay phương tiện để hóa độ chúng sinh. Chúng ta cũng đừng quá chạy theo cái danh vọng mà quên tự độ cho mình, thì quá uẩn phí một đời.
Tác giả: Thích Nữ Thanh Thảo Chùa Xuân Lư, Hương An - Quế Sơn - Quảng Nam ***TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Sa môn Thích Quảng Độ dịch (2014), Phật Quang Đại Từ Điển, tập 4, Nxb Tôn Giáo Phương Đông. 2. HT Thích Trí Tịnh dịch (2011), Kinh Diệu pháp Liên Hoa, Nxb Tôn Giáo. 3. HT Thích Thanh Từ (2009), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải, Nxb Tôn Giáo Hà Nội. 4. Thích Trí Tịnh dịch (1999), Kinh Đại Bảo Tích, 38. Pháp hội Đại Thừa phương tiện, NXB Ban Văn Hóa TP. Hồ Chí Minh. 5. Thích Minh Châu dịch (1994), Đại Tạng Kinh Việt Nam, Nxb Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Bình luận (0)