Trang chủ Đời sống Quan điểm siêu nhân của F.Nietzsche

Quan điểm siêu nhân của F.Nietzsche

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nữ Nghiêm Liên
Học viên lớp Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Dẫn nhập

Đầu thế kỷ XIX, khi những giá trị văn hóa truyền thống phương Tây bước vào giai đoạn suy tàn, người phương Tây trở nên yếu đuối, tuyệt vọng. Khi những chuẩn mực trong xã hội dần bị xóa bỏ, đời sống tinh thần của họ rơi vào bế tắc. Khi những luân lý cao siêu mất giá trị; người phương Tây đánh mất luôn ý nghĩa, mục đích của cuộc đời. Trong bối cảnh như thế, tiểu thuyết triết học Zarathustra đã nói như thế của F.Nietzsche ra đời. Zarathustra đã nói như thế nhanh chóng được đón nhận và trở thành chỗ dựa tinh thần cho người phương Tây nói chung vì hình tượng siêu nhân Zarathustra được F.Nietzsche xây dựng.

Nội dung

Tên đầy đủ của F.Nietzsche là Friedrich Wilhelm Nietzsche. F.Nietzsche là triết gia người Đức, sinh năm 1844 và mất năm 1900. F.Nietzsche bắt đầu sự nghiệp như một nhà ngữ văn học, chuyên viết về các vấn đề tôn giáo, đạo đức, văn hóa và triết học. Những tác phẩm nổi tiếng của F.Nietzsche thường mang tính ẩn dụ (aphorism) và nhiều nghịch lý rất đáng nghiên cứu và suy tư, như là Ý kiến tương hợp và châm ngôn (1879), Lữ khách và bóng hình mình (1880), Bình minh (1881), Tri thức hân hoan (1882 – 1887), Zarathustra đã nói như thế (1883 – 1885), Bên kia thiện ác (1886) và Phổ hệ luân lý (1887).

Trong Zarathustra đã nói như thế, F.Nietzsche đã chuyển tải khá nhiều ưu tư, khát vọng của con người. Trong đó, quyền làm chủ số phận của con người, mà đỉnh cao là trở thành siêu nhân được F.Nietzsche nhấn mạnh đầy quyết đoạn thông qua tuyên bố “Thượng đế đã chết”.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc F.Nietzsche 1882 1

Friedrich Nietzsche, 1882. Ảnh: https://vi.wikipedia.org/wiki/Friedrich_Nietzsche

Trước hết, F.Nietzsche khẳng định siêu nhân là con người. Tuy nhiên, đó là người không còn bị trói buộc bởi bất cứ một thế lực siêu nhiên thần thánh nào. Những giá trị hiện tại con người đang có, không do thế lực siêu nhiên thần thánh tạo ra mà hiện hữu ngay trong từng cá thể người. Luân lý là do ý chí của con người tạo ra, nhưng do con người không nhận thức được điều đó, nên luân lý đã trở thành thứ công cụ trói buộc và giam giữ con người. Theo F.Nietzsche, con người cần phấn đấu, có ý chí, có lòng can đảm, sáng tạo ra những giá trị mới. Vì vậy, con người cần can đảm bước qua những rào cản tinh thần và trong tư duy, để đạt được khả năng sáng tạo của siêu nhân.

Mặt khác, luân lý còn là thước đo giá trị văn hóa tinh thần của nhân loại. Tiêu chuẩn của mọi đạo đức đều từ ý chí quyền lực của con người mà có. F.Nietzsche cho rằng việc con người theo đuổi ý chí quyền lực là do họ nhận thức được sự khổ đau nên đã tìm cách để rèn luyện ý chí, kích thích sự sống, giải thoát bản thân khỏi những ràng buộc. Theo F.Nietzsche, khi con người cảm nhận được những khổ đau và muốn vượt thoát những khổ đau đó, con người sẽ phát huy được sức mạnh nội tại cao nhất và họ có cơ hội trở thành siêu nhân.

Con người có ý chí quyền lực là người không cam chịu với số phận của mình. Họ khát vọng thay đổi cuộc sống tốt đẹp và tiến bộ hơn. Vì vậy, F.Nietzsche đưa ra những tư tưởng với mong muốn đánh giá lại tất cả giá trị như là khẳng định tính năng động, sáng tạo của con người, là căn cứ vững chắc trên ý chí quyền lực. Triển khai tư tưởng này, F.Nietzsche đã đi đến kết luận: Khát vọng quyền lực là một hiện tượng của vũ trụ, hoàn toàn không phải là đặc quyền của những cá thể riêng biệt. Con người cần phải quay về bản thân mình để là chính mình, ý chí khát vọng quyền lực là sự sống không có mục đích xác định, là sự quay trở lại vĩnh viễn với bản thân, với những bản năng bẩm sinh.

Con người thuộc về ý chí con người, không phụ thuộc bất kỳ một thế lực nào khác. Những gì con người tạo ra là vượt qua những luân lý cũ, vượt qua những giá trị cũ, vượt qua chính bản thân mình trở thành “siêu nhân”. Những tiềm năng sáng tạo bên trong con người sẽ được tự do thể hiện, nhắm đền nền văn minh phát triển với tốc độ nhanh nhất có thể. Siêu nhân là con người đã thực sự vươn tới mức hiện sinh tự do và tự chủ. Siêu nhân là con người sáng suốt để luôn luôn ý thức về bước đi của mình.

Theo F.Nietzsche, thế giới còn lại của con người là thế giới thực tại, con người được quyền tháo gỡ những quan niệm cuồng tin, mê tín đè nén tâm hồn con người lâu nay. Không ai có thể nhân danh thần thánh, kể cả nhân danh Thượng đế để được quyền phán quyết con người. Do vậy, F.Nietzsche tuyên bố “Thượng đế chết”. “Thượng Đế chết” là một hệ quả tự nhiên và hợp luân lý của thế giới quan siêu hình và tôn giáo. Con người đi ngược với sự phát triển và trở nên nhu nhược là hệ quả suy thoái của đạo đức Kitô giáo. Giáo điều của Kitô đã khiến con người bằng lòng với hiện trạng, chấp nhận số mệnh và không cầu tiến.

“Thượng đến đã chết” chính là kêu gọi và khẳng định của F.Nietzsche về quyền tự quyết cuộc đời và sự sống của mỗi con người. Thượng đế chết đồng nghĩa với không còn luân lý tuyệt đối, cũng không có cái thiện tự tạo, vạn vật đều thay đổi theo thời gian và không gian. Do đó, lý tưởng đạo đức cũng đã thay đổi. Theo F.Nietzsche, con người phải thay thế Thượng đế tạo ra các giá trị, phải làm chủ cuộc đời của mình và có quyền với tất cả các giá trị do mình tạo ra. F.Nietzsche tha thiết gọi mời con người quay về đời sống thực tế. Bởi vì, khi người ta sống xa rời thực tế và mơ mộng hão huyền đến một nơi thiên đàng, cực lạc khác, con người đã đánh mất chính họ và bỏ quên đời sống hiện tại. F.Nietzsche kêu gọi con người hãy sống và hãy trân quý những giá trị của thân thể: “Hỡi những người anh em, ta van xin các ngươi, hãy trung thành với mặt đất và chớ có tin những kẻ nói với các ngươi về những hy vọng lững lờ bên trên mặt đất! Họ là những kẻ đầu độc, dẫu họ có ý thức điều đó hay không. Họ là những kẻ khinh miệt đời sống, những kẻ hấp hối và cũng chính là những kẻ bị đầu độc, mặt đất đã quá mỏi mệt chán chê họ: họ hãy cút đi cho khuất mắt”.[1] Được như vậy, sự sống của con người mới thật sự thiết thực và có giá trị.

F.Nietzsche lên án, phê phán nếp sống khắc khổ và khinh thường thân xác. F.Nietzsche nhấn mạnh mục đích của đời người là trải nghiệm hạnh phúc bắt nguồn từ hoạt động tự do, tự chủ của con người. Siêu nhân chính là con người luôn thể hiện khác với đám đông, từ suy nghĩ, hành động mang nét ngông cuồng, nổi loạn nhưng chất chứa bao khắc khoải khổ đau. Siêu nhân là người dám vượt lên phía trước đám đông, dám là “con người cô đơn nhất”, vì chính trong sự cô đơn, con người có cơ hội hiểu được chính mình, tìm gặp được chính mình trong khoảng không trống rỗng, để từ đó khả năng sáng tạo của siêu nhân sẽ phát sinh mạnh mẽ.

Thứ đến, siêu nhân không vội tin theo những lời truyền dạy của luân lý mà luôn xét lại những lời dạy đó có còn phù hợp và còn tính nhân văn hay không. Khác với những người chỉ biết sống và làm theo đúng những gì người xưa truyền lại, siêu nhân luôn suy nghĩ, tư duy, tỉnh thức trên từng hành động. Siêu nhân không như đám “tiện dân”, thường có khuynh hướng hùa theo nhau, dựa dẫm vào nhau. Vì siêu nhân: “là kẻ suy tưởng khác hẳn với những điều mọi người chờ ở hắn căn cứ vào cội rễ, vào liên hệ, vào địa vị, vào việc làm của hắn và các lý tưởng thống trị của thời đại”.[2] F.Nietzsche cho rằng nếu con người cứ lệ thuộc vào các giá trị truyền thống và rập khuôn theo đó, con người sẽ đánh mất tính người. Theo F.Nietzsche: “chủ đích của triết hiện sinh là làm cho mỗi người ý thức và ý thức một cách bi đát về địa vị làm người của mình, đồng thời triết hiện sinh nhắc cho ta biết nếu ta thụ động, ta sẽ bán rẻ thiên chức làm người của ta và như vậy chúng ta sẽ rơi xuống hàng sự vật”.[3] Ông kêu gọi con người sống thức tỉnh, biết xây dựng cái mới, phải sáng tạo, thậm chí là phá bỏ những giá trị truyền thống không còn giá trị hay lợi ích, nếu cần.

Ngoài ra, siêu nhân có tinh thần cao thượng, kiên quyết loại bỏ mọi thứ giả dối, mọi giáo điều, mọi thiên kiến của nền văn minh đang bị sa vào cuộc khủng hoảng sâu sắc. Đó là những thứ cần thiết để họ tự giải thoát con người và giải phóng được bản thân mình. Siêu nhân ra đời để tạo dựng một cộng đồng người mới, những người hợp nhất lại trong cộng đồng sẽ trở thành kẻ gieo hạt giống của tương lai. Siêu nhân giải phóng con người khỏi nô lệ, đem lại sự bình đẳng cho nhân sinh.

Siêu nhân còn là sự thể hiện đạo đức trung thành của con người với trái đất. F.Nietzsche nhấn mạnh: “Hỡi những con người đức hạnh! Các ngươi hãy còn muốn được đền bù, trả công! Các ngươi muốn được tưởng thưởng cho đức hạnh mình, muốn có trời cao thay cho mặt đất và vĩnh cửu thay cho hiện tại của các ngươi? Giờ đây các ngươi thù ghét ta vì ta rao dạy rằng chẳng có phần thưởng cũng như đấng đứng ra ban thưởng?”[4].  F.Nietzsche mong rằng những đạo đức trước kia xa rời trái đất giờ đây sẽ quay trở lại với trái đất, với con người; trái đất, thân xác và sự sống chính là cuộc sống hiện thực, giá trị hướng đến con người.

Có thể thấy, khi F.Nietzsche lấy trái đất, con người làm trung tâm là sự khẳng định cuộc sống nơi con người của ông. Hạt nhân khi xây dựng giá trị đạo đức mới, chính bằng việc khẳng định giá trị của con người, đó cũng là mục tiêu của siêu nhân. Với lý tưởng siêu nhân, F. Nietzsche muốn báo động cho con người thời đại về tình trạng ngu muội của mình khi còn lệ thuộc vào các giá trị truyền thống, rập khuôn theo đó. Con người cần phải trở thành người theo chủ nghĩa phi đạo đức để nó cho phép chúng ta né tránh được những sự bịa đặt trống rỗng, làm cho con người trở nên bất lực với thực tại với chính bản thân.

Khuynh hướng triết học luôn gắn liền đời sống của con người, xã hội với các mối quan hệ xã hội. Con người là chủ thể và trung tâm mọi giá trị của cuộc sống. F.Nietzsche đã truyền đạt một cách trọn vẹn tư tưởng của ông ta về hình tượng siêu nhân. Với F.Nietzsche, Thượng đế không thể trú ngụ trong vương quốc được tạo bằng niềm tin, bằng đạo đức chân chính của loài người. Mẫu người mới thể hiện khát khao vươn lên, thoát lên mọi sự ràng buộc của giáo điều, trân quý và phụng sự đời sống hiện tại, thiết thực chính là mẫu người siêu nhân của F.Nietzsche.

Kết luận

Quan điểm siêu nhân của F.Nietzsche đã tạo những tiền đề cho sự ra đời của triết học hiện sinh, là con người hoàn toàn mới mẻ và có ý nghĩa cho sự tiếp nối những quan điểm của các nhà triết học hiện đại khi nói về con người. Ông khuyến khích động viên con người vượt lên làm chủ cuộc đời và vận mệnh của mình. Qua Zarathustra đã nói như thế, F.Nietzsche đã gióng lên hồi chuông thức tỉnh người dân châu Âu thoát khỏi cái bẫy đạo đức nô lệ do lý tính giăng ra, làm kiệt quệ tinh thần, kìm hãm sức sống của con người, nhấn chìm con người vào hố sâu không lối thoát.

Thích Nữ Nghiêm Liên
Học viên lớp Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH
[1] Trần Xuân Kiêm (dịch), Zarathustra Đã Nói Như Thế, Nxb Dân Trí, 2021, tr. 29.
[2] Mạnh Tường (dịch), Nietzsche Cuộc Đời Và Triết Lý, Nxb Văn Nghệ TP.HCM, 2007, tr. 82.
[3] Trần Đình Thái, Triết Học Hiện Sinh, Nxb Văn Học Hà Nội, 2005, tr. 28.
[4] Trần Xuân Kiêm (dịch), Zarathustra Đã Nói Như Thế, Nxb Dân Trí, 2021, tr. 145.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trần Xuân Kiêm (dịch), Zarathustra Đã Nói Như Thế, Nxb Dân Trí, 2021.
Trần Đình Thái, Triết Học Hiện Sinh, Nxb Văn Học Hà Nội, 2005.
Mạnh Tường (dịch), Nietzsche Cuộc Đời Và Triết Lý, Nxb Văn Nghệ TP.HCM, 2007.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường