Bốc bát hương là tín niệm dân gian, tập tục này thịnh hành ở miền Bắc, các vùng miền khác vào dịp cuối năm chỉ lau chùi bát hương, thay cát mới rồi thắp nhang bình thường. Đạo Phật không có tín niệm bốc bát hương, vì thế chẳng có nghi thức nào cả.
Hỏi: Để đón mừng năm mới, các gia đình thường dọn dẹp, trang hoàng. Bốc bát hương cũng là một trong những công việc đó, để hướng đến kính thờ tổ tiên và cầu mong gia đạo an yên, tăng phúc thọ tài lộc. Xin quý Báo hướng dẫn cách bốc bát hương theo đúng nghi thức đạo Phật.
(TRẦN LỘC, Loc...@vn.gt.com)
Bạn Trần Lộc thân mến!
Bốc bát hương là tín niệm dân gian, tập tục này thịnh hành ở miền Bắc, các vùng miền khác vào dịp cuối năm chỉ lau chùi bát hương, thay cát mới rồi thắp nhang bình thường. Đạo Phật không có tín niệm bốc bát hương, vì thế chẳng có nghi thức nào cả.
Các chùa và tư gia Phật tử cũng thường lau dọn bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên cho sạch sẽ, trang nghiêm để đón mừng năm mới. Bát hương được lau chùi hoặc đánh bóng cho tinh sạch, sau đó bỏ cát cũ, thay cát mới. Tượng Phật, bài vị, linh ảnh cùng các vật dụng thờ cúng khác cũng được làm mới theo cách thông thường. Lau chùi xong xếp đặt vào vị trí cũ rồi sử dụng, thờ cúng bình thường.
Người có tín niệm bốc bát hương tin rằng bát hương là nơi tụ khí, phải thực hiện đúng nghi thức thì khí thiêng mới hội tụ, thần linh hay tổ tiên mới chứng giám và phù hộ. Quan điểm của đạo Phật thì bát hương chỉ là vật dụng cắm hương, dâng hương trầm thơm ngát để cúng dường Tam bảo và tổ tiên.
Bát hương cần tôn nghiêm nhưng chẳng phải là nơi linh thiêng, ngay cả mùi trầm hương cũng mang tính tượng trưng cho ngũ phần hương (hương Giới, hương Định, hương Tuệ, hương Giải thoát và hương Giải thoát tri kiến). Dâng hương cúng dường là nguyện thành tựu năm phần tâm hương này.
Theo đạo Phật, để “gia đạo an yên, tăng phúc thọ tài lộc” thì cần tạo phước trong đời sống hàng ngày chứ không phải nhờ bốc bát hương. Người Phật tử chân chính cần lưu tâm đến vun bồi 10 điều phước thiện (1- Bố thí, 2- Giữ giới, 3- Hành thiền-tụng kinh-niệm Phật, 4- Cung kính, 5- Phục vụ, 6- Hồi hướng, 7- Tùy hỷ, 8- Thuyết pháp, 9- Nghe pháp, 10- Chánh kiến) để gieo trồng phước đức.
Khi phước đức tăng lên sẽ có năng lực chuyển hóa một hay nhiều phần các nghiệp quả xấu ác. Thế nên, thực hành các phước thiện thì chắc chắn phước báo sẽ đủ đầy, gia đạo sẽ an yên.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: Báo Giác Ngộ
Bình luận (0)