A. DẪN NHẬP

Tích Lan là đất nước đầu tiên được Phật giáo du nhập trực tiếp từ Ấn Độ, vào Thế kỷ III TCN. Người đem đạo Phật truyền vào là Đại đức Mahinda và Tỳ kheo ni Sangamita, hai vị này là con của đức vua Asoka đại đế. Khi Phật giáo truyền vào Tích Lan được vua quan và dân chúng hết sức ủng hộ. Trải qua các thời kỳ, Phật giáo được xem là tôn giáo chính của đất nước và được cho là quốc giáo. Trái ngược với những triều đại Phật giáo được đề cao, từ thế kỉ XVI Phật giáo bị các vị vua chống đối, không xem trọng, ra sức đàn áp một cách quyết liệt. Cùng với chế độ thực dân thay nhau xâm chiếm đất nước Tích Lan, những nhà xâm lược đã mang theo tôn giáo của mình là Cơ Đốc Giáo để truyền đạo, từ đó làm cho đạo Phật tại đây rơi vào bế tắc và suy vong trong một thời gian dài. Đến đầu thế kỷ XIX-XX, đã xuất hiện những nhân vật đứng lên phục hưng đạo Phật, bảo vệ tôn giáo truyền thống của dân tộc, cũng là bảo vệ đất nước khỏi sự đô hộ của các nước thực dân phương Tây.

B. NỘI DUNG

I. Bối cảnh lịch sử

1. Tình hình xã hội

Từ năm 1505 đất nước Tích Lan rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Vua quan tranh giành quyền lực, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, nhà nước không lo lắng chăm sóc cho nhân dân, giặc loạn nổi lên khắp nơi vì nghèo đói, xã hội vô cùng nhiễu loạn bởi các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, người dân không biết nương tựa vào đâu, chỉ biết tự nương tựa vào chính bản thân mình để sống qua ngày. Chính vì điều đó đã làm cho đất nước Tích Lan rơi vào bế tắc, tạo cơ hội cho các nước thực dân xâm chiếm.

2. Tình hình chính trị

Lúc bấy giờ đất nước Tích Lan chia thành 3 nước: “Tra-phu-nạp ở miền Bắc, Câu-đề ở miền Tây Nam, và Khảm-đề ở miền Trung và vùng bờ biển miền Đông. Ba nước này đối địch, bất hòa, trong đó Câu-đề lại chia thành ba nước: Câu-đề, La-già-na (Raiygama) và Tất-đa-ngõa-ca (Sitàwaka), do ba anh em cai trị, và cũng đối lập nhau. Như vậy Tích Lan (Xây Lan) phân thành năm nước, không đoàn kết, tạo một cơ hội rất tốt cho người Bồ Đào Nha nhanh chóng xây dựng cơ sở mở rộng thế lực ở Tích Lan, mà chẳng gặp phải một chút khó khăn nào”[1]. Chính vì điều đó đã làm cho đất nước Tích Lan bắt đầu trở thành nước bị đô hộ bởi các nước thực dân phương Tây.

3. Tình hình kinh tế

Với địa hình bốn bề là biển cho nên việc lưu thông hàng hải rất thuận tiện với các nước trên thế giới. Tích Lan là nơi hội tụ của những thuyền buôn trên khắp thế giới tập hợp về để giao lưu kinh tế và văn hóa, nhờ vậy kinh tế của đất nước Tích Lan rất phát triển. Nhờ thuận lợi về địa lí cho nên đã xuất hiện nhiều nhà máy, xí nghiệp và công việc đóng tàu biển, với mục đích phục vụ cho việc giao thương hàng hải, tạo điều kiện cho người dân có công việc và kinh tế đất nước được phát triển.

4. Tình hình văn hóa

Đạo Phật được xem là tôn giáo chính của đất nước Tích Lan, nhưng vào thế kỷ XVI đã có những tôn giáo ngoại lai bắt đầu truyền vào Tích Lan như Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, những nhà truyền giáo đã đi vào bằng việc giao thương và bằng con đường xâm chiếm của các nước Tây phương, từ đây Phật giáo bắt đầu có sự lung lay vì những tôn giáo mới và chịu sự cai trị của thực dân xâm chiếm, các nhà lãnh đạo phương Tây đã tạo mọi điều kiện để tôn giáo của họ phát triển, còn Phật giáo thì bị cấm đoán, vì điều đó Phật giáo đã bắt đầu có sự suy yếu vì sự đô hộ của những nhà lãnh đạo, cùng với sự xa lánh của người dân bản địa. Văn hóa Tích Lan lúc bấy giờ bắt đầu có sự biến động bởi văn hóa ngoại lại và tình hình xã hội, chính trị.

II. Nguyên nhân suy tàn Phật giáo Tích Lan

Từ khi thực dân phương Tây thay phiên nhau cai trị đất nước Tích Lan thì Phật giáo bắt đầu suy vi, cùng với những nguyên nhân khác đã làm cho đạo Phật tại đây rơi vào cơn suy tàn nghiêm trọng. Có hai nguyên nhân chính: Nội tại và Ngoại tại đã dẫn đến sự suy tàn tôn giáo lâu đời của đất nước.

1. Nguyên nhân Ngoại tại

Người Bồ Đào Nha đến đất nước Tích Lan vào năm 1505. Lợi dụng các vua chúa đang tranh giành quyền lực, họ đã đem quân với mục đích giúp đỡ nhưng sau đó đã đánh chiếm và cai trị đất nước Tích Lan. Sau khi đã chiếm được, thực dân Bồ Đào Nha đã cho truyền đạo Cơ Đốc giáo của mình bằng hai phương thức: “thuyết phục và đàn áp. Dùng lợi lộc, địa vị để thuyết phục cải đạo. Trong trường hợp thuyết phục không thành công họ sử dụng biện pháp đàn áp thẳng tay. Những ai muốn địa vị cao, cơ hội làm giàu phải cải đạo, những ai từ chối cải đạo bị trừng phạt nặng nề”[2]. Chùa chiền bị đốt phá, tài sản của chùa bị tịch thu, kinh sách bị đốt cháy. Phật giáo rơi vào cơn suy thoái vô cùng khốc liệt.

Thực dân Hà Lan tiếp tục thay thế để cai trị đất nước Tích Lan. Người Hà Lan đa số theo đạo Tin Lành, khi thống trị Tích Lan họ thực hiện chính sách khác với người Bồ Đào Nha. Họ cho mở các trường lớp khắp cả đất nước để đào tạo cũng là nơi để truyền đạo. “Thầy giáo vừa là giáo sư vừa là đại diện giáo hội Tin Lành truyền bá đức tin Thiên Chúa. Tại đây lễ cầu nguyện được tổ chức thường xuyên và định kỳ, tại đây hôn lễ được cử hành theo truyền thống Tin Lành”[3], cùng với đó họ thực hiện những chính sách bất lợi với người dân theo Phật giáo. Những người giữ chức vị cao trong nhà nước phải là người theo đạo Tin Lành, từ đó làm cho người dân vì hoàn cảnh, dần từ bỏ đạo Phật, dẫn đến Phật giáo đi vào suy vong.

Sau khi đánh bại quân Hà Lan vào năm 1796, đến năm 1815 thì thực dân Anh cai trị hoàn toàn đất nước Tích Lan. Cũng giống như người Bồ Đào Nha và Hà Lan, thực dân Anh cũng theo Cơ Đốc Giáo, họ đã mang theo tôn giáo này vào đất nước Tích Lan. Ban đầu quân Anh hứa sẽ bảo vệ Phật giáo, nhưng về sau họ đã đi ngược lại những gì đã ký trong hiệp ước, họ làm nội bộ Phật giáo chia rẽ, phân hóa trong đoàn thể Tăng già. Thực dân Anh đã thực hiện những chính sách bất lợi cho những người phật tử: “Phật tử Tích Lan không được hưởng một số quyền lợi chỉ dành riêng cho tín đồ Cơ Đốc. Thí dụ những trẻ em nếu không được mục sư làm lễ rửa tội, không được cấp giấy khai sinh; hôn nhân nếu không được mục sư làm lễ không được xem là hôn nhân hợp pháp. Chỉ tín đồ Cơ Đốc mới được chính phủ tuyển dụng trong các công sở. Chính quyền thuộc địa Anh còn đưa ra những biện pháp chia rẽ, phân hóa nội bộ tăng già, phân hóa giữa tín đồ và Tăng sĩ Phật giáo”[4]. Với những hành động mang tính chia rẽ, cùng các biện pháp bắt buộc đã làm cho người dân đành phải cải đạo để theo Cơ Đốc giáo, và người Phật tử xa lánh chư Tăng và chùa chiền vì những bất đồng mà họ đã tạo dựng ra. Từ đó Phật giáo rơi vào cơn khủng hoảng về mọi phương diện, dẫn đến đạo Phật dần đi vào con đường suy tàn.

Chính những nguyên nhân bên ngoài vừa nêu, đã làm cho Phật giáo tại Tích Lan suy tàn, ngoài ra còn có những lí do bên trong làm cho Phật giáo suy vong.

2. Nguyên nhân Nội tại

Từ khi Phật giáo du nhập vào Tích Lan đã được các triều đại vua chúa vô cùng tôn sùng, tạo mọi điều kiện để phát triển. Nhưng cũng có những vị vua không ủng hộ Phật giáo, ra sức đàn áp, hạn chế một cách quyết liệt.

Vào thời vua Ràjasinha I, ông trị vì đất nước vào thời kì Bồ Đào Nha đánh chiếm Tích Lan. Ông phạm tội giết cha, đến nhờ chư Tăng làm lễ sám hối, nhưng được giải thích không thể tiêu tội chướng nhanh chóng, ông nổi giận quay sang cải đạo theo Ấn Độ giáo, từ đó ông chống đối Phật giáo một cách quyết liệt “Đại sư phương trượng bị ông cho người ném đá chết, những vị sư khác bị chôn sống, đầu cách mặt đất, ông ra lệnh dùng cày cắt ngang, một số khác bị giết bằng dao, kiếm, chùa tháp bị phá hủy, kinh sách bị đốt cháy thành tro, bất động sản của chùa do phật tử cúng dường hàng thế kỷ qua bị tước đoạt”[5]. Với sự chống đối của nhà vua, cùng những chính sách bất lợi đã làm cho đạo Phật đi đến suy tàn.

Chư tăng lúc bấy giờ không chuyên tâm tu học, chỉ lo hưởng thụ, phá giới, không có thế hệ kế thừa. Chư tăng chống đối nhau, nội bộ chia cắt, làm mất lòng tin đối với tín đồ, cùng với những chính sách khắt khe của nhà cầm quyền đối với người dân, cho nên không có ai dám đi xuất gia dẫn đến số lượng người lãnh đạo Phật giáo ngày càng ít dần, có lúc cả đất nước Tích Lan “không có đủ 5 vị Tỳ kheo để tổ chức Đại Giới Đàn”[6]. Qua đó cho thấy một tôn giáo được cho là quốc giáo cũng có lúc chỉ còn được mấy vị tu sĩ. Đây là nguyên nhân chính yếu dẫn đến Phật giáo Tích Lan bị suy tàn, vì chư tăng là thành phần chủ đạo giúp cho đạo Phật được trường tồn và phát triển.

Người dân địa phương vì nhiều lí do đã xa lánh đạo Phật, phần vì chư tăng không lo tu tập, đất nước loạn lạc, với những chính sách bất lợi đối với những người theo đạo Phật, nhà cầm quyền chỉ tạo điều kiện cho những ai theo đạo Công giáo thì mới được nhận vào làm việc ở những công ty, xí nghiệp mà họ nắm giữ, con cháu không được đến trường nếu không phải là đạo Công giáo. Vì những trở ngại đó, người dân không còn theo tôn giáo lâu đời của đất nước, mà phải theo tôn giáo mới của những nhà thực dân xâm chiếm. Từ đó làm cho Phật giáo khủng hoảng trên mọi phương diện, rồi đi đến suy tàn vì không có sự ủng hộ của người dân.

Sau một thời gian dài đạo Phật tại Tích Lan bị suy tàn bởi những nguyên nhân nội tại vừa trình bày, đã xuất hiện những nhân vật đứng lên phục hưng Phật giáo, với mục đích khôi phục lại tôn giáo lâu đời của dân tộc.

III. Những nhân vật trong phong trào phục hưng Phật giáo Tích Lan từ thế kỉ XIX-XX

1. Mohottiwatte Gunànanda (...?)

Khi các nhà truyền giáo của đạo Cơ Đốc đi truyền bá cũng như dùng mọi biện pháp để cải đạo trên đất nước Tích Lan, với mục đích làm cho người dân bỏ tôn giáo của họ là Phật giáo để đi theo Thiên Chúa giáo. Họ cho rằng đạo Phật là đạo cũ xưa không còn phù hợp với xã hội hiện tại, chỉ có Chúa mới giúp được tất cả mọi người trên thế gian này. Theo đạo Cơ Đốc thì mọi người sẽ được ăn sang mặc sướng, có công ăn việc làm, con cháu sẽ được sự bảo hộ của nhà nước và sẽ được đến trường. Vì những điều đó người dân bắt đầu bỏ đạo Phật để theo tôn giáo mới.

Lúc này xuất hiện một vị Đại đức trẻ tên là Mohottiwatte Gunànanda. Đại đức đã đứng lên để bảo vệ Phật giáo bằng cách: “thách đố các nhà truyền giáo Cơ Đốc, lên diễn đàn công cộng, thảo luận những vấn đề liên quan đến hai tôn giáo”[7]. Đại đức là người được đào tạo tại trường giòng, được học giáo lý Cơ Đốc giáo, cùng với đó Đại đức đã được học giáo lý Phật giáo một cách uyên thâm, Ngài đã đi thuyết giảng khắp nơi yêu cầu những nhà truyền giáo của đạo Thiên Chúa lên diễn đàn để bàn luận về giáo lý của hai bên. Những lời thách đố của Ngài không được sự quan tâm của các nhà truyền giáo, họ cho rằng Ngài là người còn trẻ, có tính ngông cuồng cũng như chưa đủ uy tín để cho họ tranh luận. Nhưng càng về sau thì uy danh của Đại đức M. Gunànanda được mọi người biết đến khắp nơi vì những tài năng về giáo lý và sự biện hộ chắc chắn, cho nên phái bộ truyền giáo đã nhận lời thách đố của Đại đức. Buổi tranh luận diễn ra tại nơi công cộng trong ba lần: “lần 1 vào năm 1866 tại Udanvita, lần 2 tại Gampola năm 1871, và lần 3 vào năm 1873 tại Panadura”.

Hai buổi tranh luận đầu phần thắng đều thuộc về Đại đức M. Gunànanda, làm cho người dân rất phấn khởi, vì bấy lâu nay chưa có ai dám đứng ra để bảo vệ Phật giáo, dù biết rằng các nhà truyền giáo Cơ Đốc nói những điều không đúng về đạo Phật. Từ đây làm cho người dân cả nước mong chờ buổi tranh luận thứ ba diễn ra tại Panadura.

Cuộc tranh luận tại Panadura kéo dài một tuần lễ, đây là buổi tranh luận quan trọng giữa hai bên, có sự tham dự của những nhà lãnh đạo Phật giáo và đạo Cơ Đốc, hai bên chấp nhận những quy tắc và thủ tục trong quá trình tranh luận. Cuộc tranh luận được ghi hình trực tiếp trên truyền hình để những người dân có thể theo dõi.

Lần tranh luận thứ ba này phần thắng đã thuộc về người đại diện cho Phật giáo, tăng chúng, phật tử cả nước rất vui mừng: “Dân chúng vui mừng, tổ chức lễ hội, mang hình tượng Gunànanda đi nhiễu quanh làng, từ làng này đến làng khác. Cuộc tranh luận công cộng đã làm sống lại sức sống văn hóa, là chất xúc tác cho phong trào phục hưng Phật giáo tại Tích Lan”[8]. Sau cuộc tranh luận Đại đức M. Gunànanda đã “cho in thành tiếng Anh nội dung cuộc tranh luận đó, và cho gửi đi Âu Mỹ để tuyên truyền”[9]. Sau khi được in thành sách truyền bá đến các nước trên thế giới, thì có một nhân vật đọc được tác phẩm trên và bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật. Ông là H.S. Olcott, đây là cơ duyên đưa ông đến đạo Phật, và tiếp tục con đường phục hưng Phật giáo Tích Lan.

2. Đại tá Henry Steel Olcott (1832-1907)

Tiếp bước theo phong trào chấn hưng Phật giáo Tích Lan là Henry Steel Olcott. Ông sinh năm 1832, trong một gia đình gốc “theo đạo Tin Lành ở Orange, bang New Jersey, Hoa Kỳ”[10]. Vào thời chiến, “ông tham gia chiến đấu, và được thăng cấp bậc đại tá bộ binh và thủy quân lục chiến”[11]. Ông kết hôn với người phụ nữ nước Nga tên là Helena Petrovna Blavatsky, làm nghề thầy thuốc chuyên khoa mắt.

Tình cờ H.S. Olcott đọc được cuốn sách về cuộc tranh luận giữa Đại đức M. Gunànanda trong thư viện, bắt đầu ông tìm hiểu về Phật giáo tại Tích Lan. Ông và vợ đã quyết định đến Tích Lan để nghiên cứu về đạo Phật cũng như giúp đỡ tín đồ Phật giáo tại đây hoằng dương chính pháp.

Năm 1880 hai vợ chồng Đại tá H.S. Olcott đến Tích Lan và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân tại đây, vì trước đó danh tiếng của ông đã được người dân biết đến.

Tại tu viện Wijananda ở Galle, hai vợ chồng ông đã quy y Tam Bảo. Ông đã giải thích tại sao lại chọn đạo Phật làm tôn giáo của mình: “Nếu đạo Phật chứa đựng một giáo thuyết độc đoán mà buộc chúng tôi phải chấp nhận, thì chúng tôi sẽ không thọ tam quy ngũ giới và theo đạo Phật trong mười phút. Đạo Phật của chúng ta do Đức Đạo Sư Thích Ca khai sáng, là đạo của trí tuệ, là linh hồn của tất cả những tín ngưỡng thế giới”[12].

H.S. Olcott cho rằng, Phật giáo muốn phục hưng phải mở trường giáo dục cho lớp trẻ. Được sự ủng hộ của chư tăng và người dân bản địa, ông đã thành lập Thông Thiên Học Phật Hội vào ngày 17/6/1880. Mục đích của Hội là đào tạo, xây dựng quyền lợi nông công Tích Lan.

Khi ông đến Tích Lan, trên cả nước chỉ có ba ngôi trường Phật giáo được chính phủ bảo hộ. Sau 12 năm thành lập, trên cả nước đã có 25 trường dành cho nam, 11 trường dành cho nữ và trong đó có 10 trường dành cho cả nam lẫn nữ.

Đại tá Đại tá H.S. Olcott thấy vào ngày lễ quan trọng của Phật giáo, người dân theo đạo Phật không được nghỉ, điều này không phù hợp đối với các phật tử. Cho nên ông đã trực tiếp liên hệ với Bộ ngoại giao Anh để đòi quyền bình đẳng cho người dân. Sau khi nghe những gì ông đề cập về quyền lợi cho người dân trong các ngày lễ lớn của Phật giáo, cuối cùng đã được chính quyền cho phép người dân cả nước được nghỉ trong các ngày lễ của đạo Phật. Điều đó làm cho người dân vô cùng vui mừng và ngày càng có nhiều người ủng hộ ông trong phong trào phục hưng Phật giáo.

Ông khuyến khích các nhà lãnh đạo Phật giáo phải tổ chức các cơ sở ấn loát, phát hành sách báo để kêu gọi mọi người ủng hộ phong trào phục hưng Phật giáo. Hội Thông Thiên Phật giáo đã cho xuất bản tờ nhật báo Sarasavi-sandasara bằng tiếng Sinhalese, cùng với đó đã cho lưu hành bản tiếng Anh The Buddhist. Ông còn giúp tín đồ Phật giáo bằng cách lập Ngân hàng Phật giáo.

Những đóng góp của ông cho Phật giáo Tích Lan vô cùng lớn lao, công lao lớn nhất của ông dành cho đạo Phật trên toàn thế giới là sáng kiến ra “lá cờ Phật giáo” và được chọn là biểu tượng của Phật giáo.

H.S. Olcott mất vào năm 1907 tại Ấn Độ. Sau khi ông mất công việc phục hưng đang còn dang dở, tiếp tục được một nhân vật tại bổn xứ đứng lên tiếp tục cho phong trào mà ông để lại.

3. Anagàrika Dharmapàla (1864-1933)

Kế thừa những nhân vật đi trước với phong trào phục hưng Phật giáo Tích Lan là Anagàrika Dharmapàla. Ông tục danh là: “David Hewavitarana, sinh năm 1864, con trai trưởng của một thương gia nổi tiếng từ Matara, nam Tích Lan, đến thủ đô Colomo làm ăn buôn bán. Cha mẹ cũng như ông nội David là những Phật tử thuần thành”[13]. Từ nhỏ ông đã được giáo dục Phật giáo tại gia đình, mặc dù khi đi học ông phải học hỏi giáo lý của đạo Cơ Đốc. Trong cuộc tranh luận giữa Đại đức M. Gunànanda và phái bộ truyền giáo của đạo Cơ Đốc, ông có tham dự và vô cùng thích thú khi phần thắng về phía đạo Phật. Khi Đại tá Henry Steel Olcott và bà Blavatsky đến Tích Lan để đấu tranh cho Phật giáo thì lúc này ông được 16 tuổi. Ông đã tích cực hỗ trợ trong lúc hai vợ chồng Olcott ở tại Tích Lan.

Năm 1883 trước sự hành hung của những người Thiên Chúa giáo đối với các vị Phật tử trên đường đi dự lễ, từ đó ông xin gia đình bỏ học tại trường Cơ Đốc giáo để tham gia Hội Thông Thiên Phật Học.

Vào năm 20 tuổi, ông xin phép cha mẹ sống cuộc đời độc thân, để phụng sự cho Phật pháp. Ông làm thông dịch viên cho đại tá H.S. Olcott để đi kêu gọi mọi người đóng góp xây dựng trường học cho Phật giáo, trong quá trình làm thông dịch viên ông đã rèn luyện được khả năng nói chuyện trước công chúng của mình.

Để kêu gọi giới trẻ Tích Lan khôi phục nền văn hóa dân tộc cũng như văn hóa Phật giáo, ông đã đổi tên David thành Dharmapàla. Nhận thấy việc làm của ông hoàn toàn hợp lý, thanh niên trong nước đã hưởng ứng tinh thần dân tộc và văn hóa dân tộc, cùng với việc phục hưng đạo Phật, họ đã đổi tên tiếng Anh thành lên bản địa Tích Lan để ủng hộ phong trào.

Ông đã đi khắp nơi để truyền bá đạo pháp, kêu gọi trả lại thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ bởi những người Bà La Môn đang nắm giữ. Với sự can thiệp của ông các thánh tích đã được trả lại cho những nhà lãnh đạo Phật giáo. Ông đã mua đất xây chùa tại đất nước Ấn Độ với mục đích khôi phục Phật giáo tại đây.

Ông còn khuyên giới trẻ không nên uống rượu. Ông cho xuất bản những tạp chí Phật giáo bằng tiếng Tích Lan, kêu gọi mọi người đứng lên bảo vệ đạo Phật, cũng như bảo vệ tổ quốc.

Cuối đời Dharmapàla đã xuất gia với pháp hiệu là Devamitta Dhammapàla. Ông qua đời vào năm 1933 tại Ấn Độ. Ông mong muốn phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ. Trước khi mất ông đã phát nguyện rằng: “Đây là giây phút cuối cùng của đời tôi. Để phục hưng Phật giáo, tôi cầu mong được tái sinh vào một gia đình Bà La Môn . Để làm việc Phật sự, tôi nguyện chuyển sinh vào cõi đời này 25 lần nữa”[14]. Những việc làm của ông đối với Phật giáo Tích Lan và Ấn Độ đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dân. Dù hạnh nguyện của ông đối với Phật giáo Ấn Độ còn dang dở, nhưng đó là bước đệm cho những người sau này tiếp tục đứng phục hưng Phật giáo.

C. KẾT LUẬN

Phật giáo Tích Lan như một dòng chảy, lúc thịnh lúc suy, lúc thịnh thì Phật giáo được sự ủng hộ của các bậc vua chúa, phát triển một cách rực rỡ, chùa to Phật lớn được xây dựng khắp nơi, đạo Phật được coi trọng, xem là quốc giáo, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của quần chúng nhân dân. Lúc suy, thì các nhà lãnh đạo xa lánh, chùa chiền bị phá vỡ, chư tăng bị bắt giết, quần chúng nhân dân không theo tôn giáo lâu đời của đất nước. Cùng với đó là thực dân phương Tây đến xâm chiếm Tích Lan, họ đem theo tôn giáo để truyền đạo, tạo mọi điều kiện để tôn giáo mới phát triển, chèn ép Phật giáo, đối xử bất bình đẳng trong tôn giáo, chính vì vậy đã đưa Phật giáo vào con đường diệt vong. Trải qua một thời gian Phật giáo bị suy tàn, đầu thế kỷ XIX-XX, xuất hiện những nhân vật tin theo lời dạy của đức Phật, đứng lên khôi phục tôn giáo lâu đời của dân tộc. Họ đã làm mọi cách với mục đích khôi phục Phật giáo Tích Lan ra khỏi tình trạng diệt vong. Dù là người bản xứ hay người ngoại quốc, họ vẫn một lòng đứng lên phục hưng Phật giáo, việc làm vô cùng gian nan và khó khăn, nhưng với ý chí và nguyện lực đã phát nguyện cho phong trào, từ Đại đức M. Gunànanda, đến Đại tá Henry Steel Olcott và vợ Blavatsky, cuối cùng là Anagàrika Dharmapàla, đã cống hiến cả đời mình cho phong trào đến khi nhắm mắt. Với sự đóng góp to lớn đó, đã giúp cho Phật giáo Tích Lan phát triển trở lại, có được niềm tin đối với quần chúng nhân dân và góp phần giải phóng dân tộc trước sự đô hộ của thực dân phương Tây.

Thích Ân Truyền - Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

------------------- CHÚ THÍCH:

* Sri Lanka [1] Pháp sư Thánh Nghiêm, Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội, 2008, tr. 612. [2] Trần Quang Thuận, Phật giáo Tích Lan, Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Tôn giáo, 2008, tr. 176. [3] Trần Quang Thuận, sđd, tr. 178. [4] Trần Quang Thuận, sđd, tr. 186. [5] Trần Quang Thuận, sđd, tr. 176-177. [6] Trần Quang Thuận, tlđd, tr. 179. [7] Trần Quang Thuận, sđd, tr. 189. [8] Trần Quang Thuận, tlđd, tr. 189. [9] Pháp sư Thánh Nghiêm, Tịnh Hải, sđd, tr. 636. [10] Thích Nguyên Tạng, Phật giáo khắp thế giới, Hà Nội, Nxb Phương Đông, 2006, tr. 390. [11] Trần Quang Thuận, sđd, tr. 190. [12] Thích Nguyên Tạng, sđd, tr. 391. [13] Trần Quang Thuận, sđd, tr. 192-193. [14] Pháp sư Thánh Nghiêm, Tịnh Hải, sđd, tr. 641.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Pháp sư Thánh Nghiêm, Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008. 2. Thích Nguyên Tạng, Phật giáo khắp thế giới, Nxb Phương Đông, Hà Nội, 2006. 3. Trần Quang Thuận, Phật giáo Tích Lan, Nxb Tôn giáo, Tp. Hồ Chí Minh, 2008.