Đặt dưới sự tương quan với Phật giáo, phê bình tư tưởng Duy vật cổ đại mở ra cho người viết về một cái nhìn trọn vẹn hơn về triết học Ấn Độ, cũng một lần nữa niềm tin về những giá trị đúng đắn tuyệt vời của Phật giáo trong lòng người viết.
Tác giả: Thích nữ Hiển Liên Ni sinh ThS Khóa V Học viện PGVN tại Tp.HCM
A. DẪN NHẬP
Từ buổi đầu của công cuộc thực dân sang phương Đông, ở phương Tây đã dấy lên một mối quan tâm theo kiểu tò mò đối với phương Đông thần bí và lạ lùng, đến mức hình thành một tín điều mà hễ nhắc đến phương Đông là nói đến sự bí ẩn. Qua nhiêu thế kỷ, từ khi diễn ra sự đổi chỗ cho nhau, từ Tây sang Đông và từ Đông sang Tây, mà sinh thời thủ tướng Ấn Độ India Gandhi (1917 - 1984) gọi là cuộc đổi chác theo phương thức đổi hàng (barter), mãi cho đến ngày nay, Đông phương học vẫn trở thành mốt và đối với Châu Âu bất cứ cái gì được đưa về từ phương Đông được coi là đặc sản, lạ lùng, thần bí và gây ấn tượng mạnh đến mức mà khi nhắc đến người ta sẽ cho rằng đó là những điều phi khoa học, có vẻ trục lợi bằng sự thần bí của phương Đông mà trong đó văn hóa tâm linh Ấn Độ là nổi bật lên cả.
Ngày nay, “màn sương” về Phương Đông đã phai nhạt đi nhiều, các quan điểm, tư tưởng triết học Đông - Tây được đưa ra bàn luận và đối chiếu nhiều hơn. Nhưng hình như, nhận định về màu sắc “quá tôn giáo” và sự “huyền bí đến phi thực tế” của tư tưởng Đông phương mà trong đó có triết học Ấn Độ dường như đã được hình thành và khó có thể thay đổi. Ấy thế mà, giữa muôn vàn sắc thái của tư tưởng triết học Ấn Độ lại tồn tại một tư tưởng duy vật, mà các triết gia đánh giá là tư tưởng duy vật triệt để nhất, vốn là nét đặc sắc của các tư tưởng phương Tây đầy tính thực tế và đòi hỏi cao về mặt logic, độ xác thực được khoa học chứng minh. Trong quá trình tìm hiểu về triết Ấn Độ, những điều lý thú đó đã hấp dẫn người viết, làm dấy lên một sự hứng thú tò mò về tư tưởng Duy vật cổ đại (Carvaka).
Đặt trong mối quan hệ phức tạp của hệ thống triết học với nhiều tôn giáo, trường phái, hệ tư tưởng của Ấn Độ cổ đại, trường phái Duy vật cổ đại trở nên rất đặc biệt và có nhiều mối tương quan với Phật giáo.
Phật giáo và Carvaka dường như đứng ở hai phía đối lập nhau khi một bên ủng hộ thuyết luân hồi dựa trên quy luật nhân quả, bên còn lại lại phủ nhận hoàn toàn những gì liên quan đến các yếu tố phi vật chất được thể hiện rất rõ ràng trong kinh Payasi, ấy thế mà lại có một điểm giao nhau là cùng nhau phủ nhận đi sự tuyệt đối của tư tưởng Veda.
Để có thể nghiên cứu Phật giáo dưới nhiều hơn nữa những góc nhìn khác nhau, tạo điều kiện cho việc hình thành cho mình một niềm tin như Pháp về giáo lý của Thế Tôn, bên cạnh việc nghiên cứu về giáo lý Veda đã từng “làm mưa làm gió” trong nền triết học Ấn, nghiên cứu về một thái cực khác nằm ở phía đối diện là tư tưởng Duy vật cổ đại (Carvaka) là một bước quan trọng trong việc khẳng định tính ưu việt của Phật giáo với tính trung đạo chắc thật.
B. NỘI DUNG
CHƯƠNG I: SƠ LƯỢC PÀYÀSI SUTTA VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT CỔ ĐẠI
1. Sơ lược về Pàyàsi sutta
Kinh Tệ-túc (P. Pàyàsi sutta, C. 弊宿經)[1] tương đương bài kinh cùng tựa đề trong Kinh Trường A Hàm[2], bộ 1, quyển 525; Kinh Tỳ-thích (蝉肆經), bộ 2, quyển 525; Kinh Đại-chánh-câu vương(大正句王經) bộ 1, quyển 831.
Với việc khởi lên ác, tà kiến cho rằng: “Không có đời sau, không có các loại hóa sinh, hành vi thiện ác không có quả báo” của vua Pàyàsi chính là duyên khởi của bản kinh. Lúc bấy giờ tôn giả Kumàra Kassapa với danh tiếng đồn đãi là “là bậc học rộng, tài cao, diệu trí, đa văn, lời nói thấu tâm, thiện xảo biện tài, bậc trưởng lão và bậc A-la-hán như vậy”[3] đang cùng 500 vị Tỳ-kheo lưu trú tại khu rừng Simsapà, phía Bắc thành Setvayà của xứ Kosala, đã làm phấn khởi một số Bà-la-môn và gia chủ cư ngụ tại đây và họ mong muốn được đến yết kiến. Do vậy, vua Pàyàsi cùng đại chúng này đi đến để yết kiến và đàm luận với tôn giả Kumàra Kassapa.
Cả bản kinh khắc họa cuộc đối thoại triết học về tái sinh giữa một tôn giả Kumàra Kassapa (Cưu-ma-la Ca-diếp) và vua Pàyàsi (Tệ Túc) vốn đang khởi lên ác, tà kiến. Xuyên suốt bản kinh, rất nhiều dụ ngôn được sử dụng này nhằm chứng minh ác, tà kiến về tư tưởng “Không có đời sau, không có các loại hóa sinh, hành vi thiện ác không có quả báo” là không đúng và sự thật rằng “chết không phải là hết” là phù hợp với chân lý, thông qua đó, giáo dục mọi người tin sâu nhân quả, chịu trách nhiệm về những gì mình làm, sống đời đạo đức thanh cao để hưởng an vui hạnh phúc ở hiện tại và tương lai. Sau cùng, tôn giả Gavampati đem thuật lại câu chuyện này để tất cả mọi người được hiểu biết.
2. Chủ nghĩa Duy vật cổ đại
Chủ nghĩa Duy vật là một trường phái triết học, một thế giới quan, một hình thức chủ nghĩa triết học nhất nguyên[4] cho rằng vật chất là chất cơ bản trong tự nhiên và tất cả mọi thứ, bao gồm cả trạng thái tinh thần và ý thức là kết quả của sự tương tác vật chất. Theo chủ nghĩa Duy vật triết học, tâm lý và ý thức là sản phẩm phụ của các quá trình vật chất (như sinh hóa của não người và hệ thần kinh), mà không có chúng thì tâm trí và ý thức không tồn tại.
Chủ nghĩa Duy vật có liên quan chặt chẽ với chủ nghĩa Duy vật lý, với quan điểm rằng tất cả những gì tồn tại cuối cùng là vật chất. Quan điểm Duy vật có lẽ được hiểu rõ nhất khi phản đối các học thuyết về phi vật chất được áp dụng cho tâm trí trong lịch sử của René Descartes[5]; tuy nhiên, bản thân chủ nghĩa Duy vật không nói gì về chất liệu nên được đặc trưng như thế nào. Ngoài ra, chủ nghĩa này thường cố gắng phân chia các đối tượng hoặc hiện tưởng ở một cấp độ mô tả thấp hơn, giải thích chúng về những đối tượng thường hơn, ở mức độ giảm hơn.
Chủ nghĩa Duy vật đã phát triển ở một số khu vực địa lý Á-Âu trong thời gian Karl Jaspers gọi là Thời đại Trục (800-200 TCN). Trong triết học Ấn Độ cổ đại, chủ nghĩa Duy vật đã phát triển khoảng năm 600TCN với các tác phẩm của Ajita Kesakambali, Payasi, Kanada và những người đề xướng trường phái triết học Carvaka. Từ điển bách khoa Việt Nam có viết: “Ở Ấn Độ, có tư tưởng về vũ trụ vô thủy vô chung, không do ai tạo ra. Ở Ai Cập, có tư tưởng hoài nghi về thế giới bên kia. Ở Trung Quốc cổ đại, có quan niệm Duy vật và vô thần về khí và về năm nguyên tố hợp thành vũ trụ (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Ở Hi Lạp và La Mã cổ đại, có tư tưởng cho rằng thế giới cấu tạo từ các nguyên tố vật chất như nước, lửa, nguyên tử”.[6]
Trường phái triết học Carvaka có tính chất triệt để Duy vật và phản thần đã bắt nguồn từ khoảng thế kỷ thứ 6 trước CN. Và cũng là trường phái triết học vô thần rõ rệt nhất của Ấn Độ. Nhánh triết học Ấn Độ này được coi là một hệ thống không chính thống (heterodox) và dĩ nhiên không được xem là một phần của sáu trường phái chính thống của Ấn Độ giáo. Một số triết gia mô tả nó như một phong trào triết học vô thần hay Duy vật chất trong Ấn Độ giáo.
“Sẽ rất khó khi chúng ta tìm thấy một tài liệu có hệ thống về chủ nghĩa Duy vật, hay một trường phái có tổ chức nào tương tự như kiểu các trường phái triết học, bởi hầu hết người dân Ấn theo đa thần giáo, ngoài trừ người theo đạo Sikh[7] là nhất thần giáo”.[8] Cho nên chúng ta chỉ có thể dựa vào các tác phẩm của các trường phái khác khi đề cập quan điểm Duy vật cổ đại, đặc biệt là tư tưởng Duy vật Carvaka.
Trong cuộc đấu tranh chống Duy tâm thời Trung đại, những người kế tụng tư tưởng Duy vật, vô thần của phái Carvaka hay còn gọi là phái Lokayata đã bảo vệ truyền thống Duy vật của triết học Ấn Độ. Bên cạnh đó, ở thời kì Trung đại những người kế tụng tư tưởng triết học của các hệ thống triết học cổ đại như Sankhya, Nyaya và Vaisesika đã giải thích quan điểm của các hệ thống đó theo tinh thần của chủ nghĩa Duy tâm tôn giáo, nhưng truyền thống Duy vật của triết học cổ Ấn Độ vẫn tiếp tục biểu hiện trong tư tưởng triết học của các phái ấy cả trong thời kì sơ khai của chế độ phong kiến. Yếu tố Duy vật cũng bao hàm cả trong những hệ thống Vaihasic và Sautrancic là những phái triết học Phật giáo đã thừa nhận sự tồn tại thực thể các sự vật độc lập với lực lượng tinh thần và với ý thức.
CHƯƠNG II: TƯ TƯỞNG DUY VẬT CỔ ĐẠI (CARVAKA)
Carvaka, Lokàyata hay Barhaspatya đều là tên gọi của một hệ thống triết học Ấn Độ giáo không chính thống, với tư tưởng mang tính Duy vật và vô thần được nhiều triết gia Ấn Độ nhận định là triết học Duy vật triệt để nhất trong các trường phái triết học Ấn Độ cổ. Carvaka còn được gọi là Lokāyata. Nếu như Carvaka có nghĩa là "bài phát biểu dễ chịu" hay "người nói ngọt ngào" (cāru - dễ chịu hay ngọt ngào và vāk - lời phát biểu) thì Lokāyata mang nghĩa là "phổ biến trong thế giới" (loka - thế giới và āyata - phổ biến).
Carvaka nổi lên như là một tư tưởng thay thế cho các tư tưởng Āstika Hindu chính thống trước Vệ đà, cũng như tư tưởng sơ khai đi trước của triết lý nāstika tiếp theo đương thời như Ājīvika, Jainism và Phật giáo trong giai đoạn khởi đầu của triết học Ấn Độ[9], với những sử liệu sớm nhất được ghi nhận là trong chính kinh Veda, các sách sử thi cổ Ấn Độ và cả trong các kinh sách của đạo Phật, mà điển hình là bài kinh Kinh Tệ-túc (P. Pàyàsi sutta, C. 弊宿經). Cho đến nay, không có một tác phẩm nào của các nhà triết học thuộc trường phái Lokàyata còn lưu lại, sở dĩ người ta biết đến phái triết học này là nhờ những ghi chép trong các tác phẩm thuộc các trường phái khác, đặc biệt là trong tập Sarvadar' sana samgrahĩi (Điểm qua tất cả các học thuyết) của Madhava. Các ghi chép này thường là các tóm tắt luận điểm (pùrvapaksa) để phê phán, nên nhiều khi, triết học Lokàyata bị xuyên tạc.
Tư tưởng triết học của trường phái này phát triển suốt nhiều thế kỷ qua và những người theo tư tưởng này luôn chống lại những tư tưởng có tính chất Duy tâm tôn giáo theo từng thời kỳ khác nhau. Về tư tưởng Duy vật cổ đại vô cùng triệt để và tương đối đặc biệt này, ta có thể nghiên cứu theo các chiều hướng liên quan đến ba vấn đề chính là bản thể luận, nhận thức luận và luân lý học.
1. Bản thể luận
Phái Carvaka cho rằng sự phát triển của toàn bộ thế giới vật chất do sự kết hợp của bốn yếu tố cơ bản đầu tiên gọi là “tứ đại” gồm: nước, khí, lửa và đất; có người còn thêm yếu tố ete. Bốn nguyên tố này có khả năng tự tồn tại, tự hoạt động trong không gian để tạo thành vạn vật và con người. Tương ứng với bốn nguyên tố là những nguyên tử đất, nước, lửa, khí tồn tại ngay từ đầu, không thay đổi và cũng không bị tiêu diệt.
“Nói về vật chất là cơ sở của mọi cái tồn tại, thuyết này có câu: Sự sống đã sinh ra từ vật chất.”[10] Mọi đặc tính của các vật thể đều phụ thuộc vào sự kết hợp của những nguyên tố nào và phụ thuộc vào số lượng, cách thức, tỷ lệ của sự kết hợp các nguyên tử ấy. Ý thức, lý tính và các giác quan xuất hiện cũng do sự kết hợp các nguyên tử, sau khi sinh vật chết đi thì sự kết hợp đó ta ra thành các nguyên tố và các nguyên tố này lại được kết hợp với các nguyên tử của biến thể tương ứng tồn tại trong thế giới vô sinh. Không có ý thức trong những yếu tố riêng rẽ. Ngoài ra, phái Lokayata cũng có quan điểm vì sự biến hóa của vật chất, cho rằng những nguyên tố này bắt nguồn từ những nguyên tố kia và đất là nguyên tố xuất phát của sự chuyển hóa đó.
“Về mối quan hệ tinh thần và thể xác, phái Lokayata đã giải quyết trên lập trường Duy vật chất phát”[11]. Họ hiểu ý thức là thuộc tính của cơ thể, do các nguyên tố kết hợp theo một thể thức đặc biệt mà có, tựa như men say của rượu vậy, rời khỏi nhục thể thì không thể có ý thức tồn tại. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói “tôi đau khổ”, “tôi vui sướng”, “tôi béo”... Ý niệm về cái tôi không thể tách ra khỏi đặc tính của nhục thể. “Xuất phát từ bốn yếu tố này, tự nó là tri thức thuần nhất, nó bị phá hủy khi các yếu tố bị phá hủy – sau cái chết không có trí thông minh nào tồn tại cả.”[12] Con người chết đi, thể xác tan ra thì ý thức về “cái tôi” cũng hết. Như thế đồng nghĩa với việc khẳng định: không có linh hồn tách khỏi cơ thể, không có linh hồn đạt tới thế giới thiên đình hay là năng lực siêu thoát, không có linh hồn bất tử.
Tư tưởng Carvaka tin tưởng rằng, con người là thân thể có ý thức, khi con người chết thì linh hồn cũng mất. Điều này được thể hiện rõ trong niềm tin của vua Payasi khi giữ quan điểm: "Không có đời sau, không có các loại hóa sinh, hành vi thiện ác không có quả báo" khi những vị tri kỉ của vua làm các điều ác, hứa sẽ trở lại báo cho vua biết nếu đọa vào các đường ác những không có ai đến nói cho vua, cũng không cho gửi sứ giả đến.[13]
Cùng với sự phủ nhận đi có một linh hồn biệt lập tồn tại sau khi chết là sự phủ định đi thế giới bên kia, sự tồn tại của thần linh bằng một sự khẳng định chắc nịch rằng chết là hết. Những niềm tin vào những điều như thế được xem là không bằng không chứng, bất hợp lý và đó là một sự tưởng tượng kì quái. Những điều học thuyết này ủng hộ luôn là những thứ những thứ hiện hữu, có thể tri giác được hoặc ít nhất là kết quả của sự suy ra nếu kết quả ít nhất và về mặt nguyên tắc là có thể tri giác được.
2. Nhận thức luận
Trường phái này có khuynh hướng Duy vật theo lập trường kinh nghiệm. Họ cho rằng cảm giác là nguồn gốc duy nhất, xác thực của nhận thức. Các kết luận, các suy lý chỉ có giá trị trong mối liên hệ với thế giới một cách kinh nghiệm. Họ phủ nhận tính chân xác của những tri thức lý tính. Điều này hoàn toàn được chứng minh bởi cách biện chứng để bảo vệ quan điểm của mình của vua Payasi khi lần lượt nêu ra các dẫn chứng như: không có người thiện, người ác nào quay về báo cho vua đã lên cõi trên hay đọa vào cõi dưới dù đã hứa với vua, hay dùng rất nhiều cách thức hành hạ xác thân sau khi người ta chết vẫn không tìm thấy linh hồn nào xuất ra, hay sự so sánh xác thân trước và sau khi chết,...[14]
Một số tác phẩm ở thời đại ấy nói rằng phái Carvaka thừa nhận những suy lý và kết luận logic là những phương tiện để nhận thức thế giới khách quan và nhờ những phương tiện ấy mà có thể chế biến những tài liệu cảm tính. Nguồn gốc của sự nhận thức chân lý là tri giác, cảm giác. Tri thức chân thực sinh ra từ tri giác. Họ cho rằng sự suy lý để đi đến kết luận, dù rằng không xác thực hoàn toàn nhưng vẫn có ích cho hoạt động thực tiễn. Đối lập với các tư tưởng khác, nguyên tắc đầu tiên của triết học Carvaka là không công nhận sự ảnh hưởng bên ngoài như một phương tiện để thiết lập những chân lý siêu hình.[15] Đối với những bản chất siêu cảm giác, Carvaka hoàn toàn phủ nhận tính chất xác thực của tri thức gián tiếp. Theo họ, suy lý, kết luận hay những chứng minh của kinh Veda đều là những phương pháp sai lầm của nhận thức. Chỉ có cái gì cảm giác biết được thì mới tồn tại. Do đó, Carvaka phủ nhận tính hiện thực của thượng đế, linh hồn và sự di chuyển của linh hồn.
Bằng lập luận phán đoán logic, phái Carvaka đã bác bỏ quan niệm về sự tồn tại của linh hồn tách khỏi thân thể, rằng: “...bởi vì không thể chứng minh sự tồn tại của những chất đó tách rời thân thể, cho nên từ đó phải kết luận rằng, những cái đó chỉ có thể là thuộc tính của thân thể. Như vậy là linh hồn không tách rời thân thể”[16].
3. Luân lý học
Một điểm đáng lưu ý của Carvaka là ý tưởng về bản ngã khi cho rằng tâm trí là một hiện tượng phát sinh trên cơ sở thể xác vật lý. Trong học thuyết này có nhiều quan niệm khác nhau về bản ngã như: đồng hóa bản ngã với các thành phần vật chất, cho rằng bản ngã chính là năng lực của trí giác giác quan, hay đồng hóa bản ngã với sinh lực và bên cạnh đó còn một quan điểm nữa nhận định rằng sự hiện hữu riêng biệt của tâm trí dù chính tâm trí cũng bị họ xem là có khả năng bị diệt vong khi thể xác không tồn tại. Những nhận định về bản ngã làm cho tư tưởng triết học Duy vật Carvaka trở nên phong phú và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến học thuyết này được truyền bá rộng rãi.
Xuất phát từ niềm tin mãnh liệt vào việc bên kia cõi chết không thể tồn tại một thứ gì sống sót, phái Carvaka cật lực phê phán những học thuyết tuyên truyền cho sự chấm dứt đau khổ bằng cách kiềm chế mọi ham muốn dục vọng và hy vọng sống cuộc đời hạnh phúc nơi thiên đường sau khi chết. Carvaka khẳng định đó là sự bịa đặt và chủ trương hãy để mọi người sống, hoạt động, hưởng thụ tất cả trên cõi đời với những niềm cay đắng và những vị ngọt của nó. Cũng vì như vậy mà trường phái triết học này còn được gọi là chủ nghĩa khoái lạc.
Mặt khác, lời dạy của Carvaka quả quyết rằng việc theo đuổi khoái lạc không nên gây đau khổ cho kẻ khác. Vì thế, người theo đuổi học thuyết này chống lại việc cũng tế súc vật và chiến tranh. Phái này cũng phê phán tôn giáo trên cả lĩnh vực đạo đức. Họ cho rằng tuyên truyền cho sự chấm dứt đau khổ bằng cách kiềm chế mọi dục vọng thực ra là tuyên truyền cho cái chết. Họ coi sự hưởng thụ những thú vui của cuộc sống là quyền tự nhiên của con người.
Trong cuộc sống, thiên đường là lạc thú, là hạnh phúc và địa ngục là đau khổ. Chủ trương ấy tuy bị các hiền triết chỉ trích nhưng rất khó có thể nghi ngờ rằng nó được sự ủng hộ và đồng tình của mọi tầng lớp nhân dân, những người đã chán ghét cái lối sống khắc khổ, chán ghét chủ nghĩa thần bí mà luân lý học Duy tâm kêu gọi họ thực hành; chính nhà triết học Duy tâm Madhad Charya đã thấy rõ về điều này và thừa nhận rằng học thuyết Carvaka được phổ biến rộng rãi vì tính hiện thực của nó.
Tiểu kết
Tuy mau chóng suy yếu, nhưng tư tưởng triết học của trường phái này vẫn luôn tồn tại qua nhiều thế kỉ và những ai theo chủ trương này luôn có một niềm tin mãnh mẽ vào vào sự tồn tại duy nhất của vật chất cũng như phủ nhận đi sự tồn tại của những gì không hiện hữu. Về tư tưởng Duy vật cổ đại vô cùng triệt để và tương đối đặc biệt này, ta có thể nghiên cứu thông qua góc nhìn của nhiều tư tưởng, tôn giáo khác trong đó có Phật giáo để thấy được một cách cụ thể hơn về trường phái này.
CHƯƠNG III: TƯ TƯỞNG DUY VẬT CỔ ĐẠI (CARVAKA) GIỮA CÁC GÓC NHÌN
Nếu như ví triết học Ấn Độ cổ đại như một con rồng thấy đầu không thấy đuôi thì các trường phái triết học cổ đại chính là chân trụ của con rồng ấy. Tư tưởng Duy vật cổ đại Carvaka vốn được xem là tư tưởng Duy vật triệt để nhất, khi đặt giữa những trường phái triết học Ấn Độ cổ đại, không chỉ không bị che lấp, mờ nhạt, mà còn thể hiện được ưu thế với những nét đặc sắc riêng mang đậm tính chất đặc trưng. Một điều đặc biệt là cho đến nay không còn lưu giữ bất kì tác phẩm nào thuộc trường phái tư tưởng này, những điều ta biết đến Carvaka đều thông qua tài liệu ghi chép của các trường phái với mục đích phản bác và bôi xấu. Thế nên, việc nghiên cứu tư tưởng Duy vật cổ đại Carvaka sẽ không được trọn vẹn nếu ta không đặt nó giữa những tư tưởng, những góc nhìn khác.
1. Carvaka giữa các trường phái đương thời
Người Ấn Độ cổ đại có phong cách riêng độc đáo khi trình bày các quan điểm, hệ thống triết học của mình. Với việc chấp nhận thẩm quyền của các kinh Veda và lấy đó làm định chuẩn là hai yếu tố xác nhận tính chính thống (astika) của một trường phái; ngược lại, nếu không chấp nhận thì bị xem là phi chính thống (nastika).[17] Việc phân định rõ ràng trường phái dựa trên tiêu chí chấp nhận hay không chấp nhận thẩm quyền kinh Veda đã nói rõ tư tưởng nòng cốt của các trường phái và ta đặt Carvaka vào giữa để so sánh và nhận định sẽ làm bật lên nét đặc trưng, tính độc đáo và giá trị của tư tưởng Duy vật cổ đại này.
Sáu hệ thống chính thống gồm trường phái SămKhya, trường phái Mimansa và Vedanta, trường phái Yoga, trường phái Nyaya- Vaisesika thừa nhận tính đúng đắn tuyệt đối của Veda và nếu so với Carvaka thì dường như là đứng ở phía đối diện. Tuy vậy, thì đâu đó trong một số tư tưởng vẫn tồn tại ít nhiều về tư tưởng Duy vật, những biện chứng về bản nguyên hiện hữu vốn là nét đặc trưng của tư tưởng Duy vật, dù chỉ là ở sơ kì hay công nhận sự tồn tại song song của cả hai yếu tố vật chất và tinh thần. Điều này về khách quan giúp ta có được một cái nhìn khả hơn về tư tưởng Duy vật cổ đại khi mà sáu phái chính thống với sự bác bỏ mãnh liệt Carvaka nhưng chính giáo lý của họ lại phần nào chứng minh sự tồn tại của nó. Tuy nhiên cũng chính những điều ấy, phản ánh sự cực đoan vốn là chân lý được tôn thờ bởi những người theo tư tưởng Carvaka.
Và sự thật đã chỉ ra, các nhà triết học Carvaka như Brihaspati phê phán gay gắt các trường phái triết học khác thời bấy giờ bao gồm các tư tưởng chính thống và cả không chính thống. Carvaka coi kinh Veda bị vấy bẩn với ba lỗi lầm là không trung thực, tự mâu thuẫn và tautology. Họ tuyên bố kinh Veda là những tác phẩm không mạch lạc do con người sáng tác với sự hữu ích duy nhất là cung cấp sinh kế cho những người giảng đạo.[18]
Nét tương đồng lớn nhất của Carvaka, Phật giáo và Jaina giáo chính là không chấp nhận thẩm quyền của Veda. Khác với những yếu tố Duy vật và biện chứng chất phác, thể hiện rõ nét nhất ở quan niệm về tính tự thân sinh thành, biến đổi của vạn vật, tuân theo tính tất định và phổ biến của luật nhân - quả ở Phật giáo, ở trường phái Jaina chủ yếu tôn thờ triết thuyết cơ bản “cái tương đối”, khẳng định sự thống nhất của cái bất biến và cái biến đổi, tôn thờ tư tưởng nhận định cái vĩnh hằng và vật chất và cái không vĩnh hằng là các dạng vật chất. Đặt Carvaka giữa hai nền tư tưởng là Phật giáo và Jaina một lần nữa ta lại thấy được sự cực đoan đến cùng cực của tư tưởng Duy vật này khi không chỉ bác bỏ Veda, mà tất cả các học thuyết được coi là “có mùi siêu nhiên” liên quan đều cật lực phản đối.
Không khác mấy so với sáu học thuyết chính thống, Carvaka phủ định Phật giáo và Kỳ Na giáo, chế giễu khái niệm giải thoát, tái sinh và tích lũy công đức hoặc mất công đức do nghiệp chướng. Họ tin rằng, quan điểm từ bỏ niềm vui để tránh đau đớn là “lý luận của những kẻ ngu ngốc”. Nhận thức luận Carvaka giữ nhận thức là nguồn kiến thức chính, trong khi bác bỏ suy luận mà có thể là không hợp lệ.
Tư tưởng Duy vật cổ đại Carvaka là phát triết học triệt để nhưng mai một sớm. Nhiều phái khác ban đầu cũng có tính Duy vật và vô thần nhưng về sau đã dần chuyển từ Duy vật sang Duy tâm hay nhị nguyên[19], từ vô thần sang hữu thần. Điều này cũng trở thành một câu hỏi lớn cho tình trạng xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Đó là sự trì tệ của xã hội Ấn Độ, hay là một sự phát triển liên tục nhưng chậm chạp như Mác đã nhận xét. Nhưng dù thế nào đi nữa, ta cũng không thể phủ nhận sự xuất hiện của tư tưởng Duy vật cổ đại Carvaka như một nét chấm phá khác biệt của nền triết học Ấn Độ vốn phức tạp với nhiều màu sắc đầy ấn tượng.
2. Carvaka và các trường phái Duy vật trên thế giới
Chủ nghĩa Duy vật vốn là một hình thức của thực hữu luận (physiacalism) với quan niệm rằng thứ duy nhất có thể được thực sự xem là tồn tại là vật chất và về căn bản, mọi sự vật đều có cấu tạo từ vật chất và mọi hiện tượng đều là kết quả của các tương tác vật chất. Chủ nghĩa Duy vật siêu hình và chủ nghĩa Duy vật biện chứng là sự phát triển của chủ nghĩa Duy vật chất phác cùng với sự phát triển của khoa học và thực tiễn. Chủ nghĩa Duy vật chất phác, được hình thành từ nhận thức của các nhà triết học Duy vật thời cổ đại. Carvaka là một điển hình tiêu biểu của chủ nghĩa Duy vật chất phát.
Phát triển khoảng thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII và đỉnh cao vào thế kỉ thứ XVII, XVIII, chủ nghĩa Duy vật siêu hình dùng quan niệm cho rằng thế giới giống như một cỗ máy cơ giới khổng lồ mà mỗi bộ phận tạo nên nó luôn ở trang thái biệt lập, tĩnh tại, nếu có biến đổi thì đó chỉ là sự tăng giảm đơn thuần về số lượng và do những nguyên nhân bên ngoài để giải thích cho thế giới. Giống như Carvaka nói riêng hay chủ nghĩa Duy vật chất phát nói chung, tư tưởng Duy vật siêu hình cật lực chống lại thế giới quan Duy tâm và tôn giáo. Trường phái này được đánh giá là chưa phản ánh đúng hiện thực trong mối liên hệ phổ biến và sự phát triển. Ở Carvaka và Duy vật siêu hình về cơ bản sự khác nhau không quá xa tuy là quan niệm nay có phần nhỉnh hơn về lý lẽ, dẫn chứng.
So với chủ nghĩa Duy vật siêu hình, chủ nghĩa Duy vật biện chứng có sự phát triển khá xa so với chủ nghĩa Duy vật chất phát ở cả lý lẽ lẫn cơ sở biện chứng. Được xây dựng bởi Mác và Ănghen vào thế kỉ XIX và Lênin phát triển, chủ nghĩa này vừa ra đời đã được cho là khắc phục được những hạn chế của các chủ nghĩa Duy vật trên, hay cũng có thể nhận định đây là đỉnh cao của chủ nghĩa Duy vật. Nó là kết quả của quá trình đúc kết, khái quát hóa những tri thức của nhân loại về nhiều lĩnh vực để xây dựng nên hệ thống quan điểm lý luận chung và được cho là định hướng xã hội tiến bộ. Ứng dụng triệt để các thành tựu khoa học đương thời và dùng lý lẽ để chứng minh cho tư tưởng Duy vật cốt lõi chính là điểm sáng của chủ nghĩa này.
Khi đặt Carvaka nằm trong tương quan của các trường phái Duy vật khác, ta thấy rõ sự cảm tính khi thừa nhận tính thứ nhất của vật chất, lý giải toàn bộ sự hình thành của thế giới từ một hoặc một số dạng vật chất, xem đó là thực thể đầu tiên và là bản nguyên của thế giới. Trong sự tương quan so sánh đó ta thấy rõ Carvaka khi giải thích về thế giới còn mang nặng tính trực quan với những kết luận mang tính ngây thơ, chất phác nếu không muốn nói là có phần cực đoan bảo thủ.
Mác từng nói rằng, lịch sử phương Đông là lịch sử tôn giáo[20]. Điều này đặc biệt thích hợp với trường hợp Ấn Độ. Ở Ấn Độ, đã có nhiều hệ thống tôn giáo tồn tại và các hệ thống triết học thường gắn liền với tôn giáo. Đã gắn với tôn giáo thì khó bỏ Duy tâm và hữu thần, dầu có lúc nhà triết học đã cố tách khỏi – hay quên mình là nhà tôn giáo. Thế nhưng, giữa nền triết học nhuốm màu tôn giáo, thì tư tưởng Duy vật Carvaka lại tồn tại độc lập và có một sự ảnh hưởng nhất định đến các trường phái khác khi mà những triết lý, tư tưởng của Carvaka được tìm thấy trong chính kinh sách của các tôn giáo bạn. Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa Duy vật và chủ nghĩa Duy tâm đến nay vẫn chưa ngã ngũ ở cả Ấn Độ và trên thế giới, tuy nhiên sự tồn tại của Carvaka, xét ở góc độ khách quan, chính là một động lực cho sự phát triển và tiến bộ không nhừng của chủ nghĩa Duy vật nói riêng, của nền triết học Ấn Độ và thế giới nói chung.
3. Carvaka dưới góc nhìn của khoa học
Ở dưới một góc độ khác, Carvaka lại hiện lên có phần lung linh hơn. Kautilya trong tác phẩm Thực lợi luận (Arthásastrn) đã đặt Carvaka ngang hàng với Sãmkhya và coi đó là khoa học logic[21]. Ngay luật Manu cũng gọi những người Lokàyata là những nhà logic học. Những điều này phủ định đi việc Lakàvata chống biện luận, suy lý mà ngược lại điều đó còn chứng minh ở Carvaka đã cho ra đời những nhà logic xuất hiện sớm trong lịch sử triết học Ấn Độ. Điều này cũng là một minh chứng rõ ràng cho nét tương đồng của Carvaka và nền khoa học ngày nay.
Đồng tư tưởng với Carvaka, khoa học ngày nay cũng cố gằng truy tìm loại vật chất nhỏ nhất cấu tạo nên vạn vật, nên thế giới. Cách đây không lâu, các nhà khoa học nhận định rằng cho rằng vật thể nhỏ nhất trên thế giới là phân tử (Molecule), nhưng sau đó họ lại tìm ra nguyên tử (Atom) và nghĩ rằng nguyên tử là vật thể nhỏ nhất. Các nghiên cứu mới nhất cho biết rằng nguyên tử không phải là nhỏ nhất mà con có những hạt lượng tử nhỏ hơn nhiều (Quark). Việc một lần lại một lần tìm ra nguyên tố nhỏ hơn kích thích sự tìm tòi nghiên cứu của các nhà khoa học. Nếu chúng ta tiếp tục nghiên cứu thì có lẽ sẽ còn có những thứ nhỏ hơn nữa. Nếu chúng ta có thể chứng minh được rằng hạt vi lượng (Neutrino) di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng thì thuyết tương đối của Einstein phải thay đổi và quỹ đạo của mọi hành tinh trong vũ trụ sẽ khác hẳn những gì chúng ta đo được ngày nay.[22] Do đó kiến thức của chúng ta luôn luôn thay đổi theo các khám phá mới của khoa học. Tuy nhiên điều này cũng chính là một nghi vấn lớn cho sự quả quyết rằng vật chất là nhân tố cấu tạo nên mọi thứ. Và có phải chăng chủ nghĩa Duy vật cũng với nền khoa học thực nghiệm đều không phải là những điều chắc chắn đã được chứng minh một cách tuyệt đối.
Một nhà Thiên Văn Học tại trung tâm nghiên cứu Palomar tuyên bố rằng: “Tôi đã dùng kính viễn vọng tối tân nhất, có thể quan sát các tinh tú xa trái đất hàng triệu năm ánh sáng mà nào có thấy Thiên Đường hay Thượng Đế cư ngụ nơi nào?”[23] nhận định này gần như tương đồng tuyệt đối với quan điểm của vua Payasi khi cho rằng “không có đời sau, không có các loại hóa sinh, hành vi thiện ác không có quả báo.” Nền khoa học thực nghiệm ngày nay chỉ tin vào những thứ có thể chứng minh được, nghiên cứu được hay còn gọi là tri giác được như tư tưởng xuyên suốt của chủ nghĩa Duy vật Carvaka.
Tuy vậy thì chính nền khoa học thực nghiệm cũng đã nêu ra sự bất hợp lý trong đó khi nhận định: Vũ trụ vô cùng rộng lớn và có rất nhiều Thái Dương hệ khác mà chúng ta chưa biết đến. Theo ước tính của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thì có hơn một tỷ Thái Dương hệ trong vụ trũ bao la mà Thái Dương hệ của chúng ta chỉ là một phần nhỏ trong đó. Thế nhưng, phủ định đi tất cả những thứ không thể chạm vào được, không thể chứng minh được hay không thể cảm nhận bằng giác quan là cách làm chủ yếu của những người tin theo tư tưởng Carvaka hay là tin vào sự tuyệt đối của nền khoa học thực nghiệm phát triển đến mức thách đố tất cả mọi sự như ngày nay.
“Cái đã biết là hữu hạn, cái không biết là vô hạn; về mặt trí tuệ chúng ta ở trên một hòn đảo nhỏ giữa đại dương vô tận của những điều chưa giải thích được.”[24] Với sự bao la và rộng lớn ấy của vũ trụ, những thứ không thể tri giác còn quá nhiều, và chỉ vì không thể chứng minh sự tồn tại của chúng cả Carvaka và khoa học thực nghiệm phủ nhận đi sự tồn tại của chúng là hoàn toàn không hợp lý. Việc phủ định đi tất cả những gì nằm ngoài chủ nghĩa Duy vật thể hiện rõ sự ngông cuồng có phần phiến diện của chủ nghĩa Duy vật Carvaka và nền khoa học thực nghiệm nếu không muốn nói đến sự sợ hãi trước những điều quá kì bí không thể nắm bắt, kiểm soát hay đơn giản là giải thích của tự nhiên.
Một tờ báo lớn tại Hoa Kỳ đã tuyên bố: “Thượng đế đã chết!”[25] hay sự nhận định chắc nịch về không có sự tồn tại của một linh hồn nào tồn tại ngoài cơ thể sống chính là một ví dụ về sự cật lực phản đối sự tồn tại độc lập của linh hồn, thần linh hoặc bất cứ thứ gì liên quan đến yếu tố Duy tâm. Thế nhưng những hiện tượng thôi miên hồi quy tiền kiếp, hay những trường hợp nhớ rõ hoàn cảnh của kiếp trước lại là những minh chứng chống lại quan điểm này mà ngay cả nền khoa học tiên tiến nhất cũng vẫn không thể giải thích được.
Tiến sĩ Masaru Emoto, giám đốc Hado (tổ chức IHM) ở Tokyo, Nhật Bản, và nhóm nghiên cứu của ông đã chứng minh được năng lực đặc biệt của tâm thức khi tác động đến cấu tạo của nước chỉ thông qua những ý niệm.[26] Điều này không chỉ chứng minh được sự tồn tại của những năng lượng thuộc về tâm thức, không thể chạm vào được những có thể tác động đến cấu trúc và sự vận hành của thế giới mà còn phủ nhận đi tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa Duy vật Carvaka vốn không tin vào sự tồn tại của linh hồn.
Với niềm tin mãnh liệt rằng chết là chấm dứt tất cả, chủ nghĩa Carvaka chủ trường rằng ta nên hưởng thụ khoái lạc tới mức cao nhất có thể được. Việc phủ nhận đi các giá trị nên có về tinh thần cũng là một trong những đặc trưng vốn có của chủ nghĩa này. Khoa học ngày nay với muôn vàn thí nghiêm, nghiên cứu,... đa đưa ra rất nhiều nhận định về tầm quan trọng không thể thiếu về những giá trị về mặt tinh thần. Việc khẳng định sự hưởng thụ vật chất nhất thời chỉ đem lại niềm hạnh phúc ngắn hạn và phần nhiều nếu cứ tiếp tục truy đuổi sẽ tạo nên những cơn nghiện vật chất chính là một minh chứng cụ thể nhất chống lại chủ trương Duy vật cổ đại Carvaka hay những quan niệm có phần thiên lệch của nền khoa học thực nghiệm cũ.
Nền khoa học thực nghiệm ngày nay dường như đang dậm chân tại chỗ trong việc giải thích các hiện tượng siêu nhiên và phải nhờ đến sự trợ giúp của tôn giáo vốn là yếu tố mà khoa học luôn tìm cách phủ nhận. Điều này một lần nữa khiến mỗi chúng ta phải đặt nghi vấn cho chủ trương Duy vật chất phát về sự tuyệt đối của vật chất và không tồn tại các yếu tố tâm linh có phải hay không cần một sự thay đổi?
CHƯƠNG IV: TƯ TƯỞNG DUY VẬT CỔ ĐẠI (CARVAKA) DƯỚI GÓC NHÌN PHẬT GIÁO – MỘT GÓC NHÌN TÍCH CỰC
Qua nỗ lực cố gắng tìm hiểu tư tưởng Duy vật Carvaka dưới nhiều góc nhìn, có vẻ chủ nghĩa này nhuốm màu tiêu cực và đa phần là cực đoan. Tuy vậy, khi thay đổi một góc nhìn - góc nhìn theo chiều hướng tích cực mang hơi thở Phật giáo, chúng ta sẽ thấy giáo thuyết ấy cũng có những điểm đáng để suy ngẫm. Có thể hiểu khái niệm đó bằng nhiều cách hoặc như cân bằng giữa lối sống xa hoa phóng đãng và chủ nghĩa khổ hạnh, hoặc giữa hằng cửu chủ nghĩa và hư vô chủ nghĩa. Dù là hiểu thế nào đi nữa, thì dưới cái nhìn khách quan của Phật giáo, ta sẽ phát hiện ra những điểm nhấn ấn tượng từ trong tư tưởng Duy vật Carvaka.
1. Bản thể luận
Cùng được sắp vào hệ phi chính thống với chủ nghĩa Duy vật Carvaka, nhưng bản thể luận của Phật giáo đã vượt ra khỏi những quan điểm của tư tưởng đương thời. Phát triển học thuyết về mối quan hệ nhân quả nên Phật giáo phủ nhận sự tồn tại của Brahman. Cũng như Carvaka, Phật giáo cho rằng thế giới có bản nguyên là vật chất. “Ngũ uẩn” với mối quan hệ của năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức đã khiến cho thể giới tồn tại và vận hành. Tuy thế, Phật giáo không cố công đi tìm nguyên nhân thứ nhất của vũ trụ, bởi vũ trụ là vô thủy vô chung và trước cái nguyên nhân thứ nhất ta tìm được nhất định sẽ có một nguyên nhân trước nữa. Và cứ xoay vần trong những điều ấy, ta sẽ không bao giờ tìm ra được một nguyên nhân cố định bất biến.
Nhận định “nhân duyên hội tụ” của Phật giáo cũng gần như tương đồng với nhận định “Mọi đặc tính của các vật thể đều phụ thuộc vào sự kết hợp của những nguyên tố nào và phụ thuộc vào số lượng, cách thức, tỷ lệ của sự kết hợp các nguyên tử ấy”[27] của Carvaka. Việc nhận định sự tương quan giữa các vật chất, không có vật nào tồn tại mãi mãi mà không biến đổi, nhân duyên hợp thì sinh, nhân duyên rời thì diệt giải thích được sự vận hành của thế giới một cách khách quan và rất có tính ứng dụng nếu chúng ta đặt chúng ta khéo léo đặt chúng dưới đúng góc nhìn, đúng vị trí của nó.
Tuy nhiên, thay vì nhận định “cái tôi” chính là vật chất hay là chính các giác quan của cơ thể như Carvaka thì Phật giáo phủ nhận “cái tôi” thông qua cái nhìn thế giới trong trạng thái vận động biến đổi không ngừng. Cũng do đây mà hai khái niệm “vô thường”, “vô ngã” được hình thành. “Vô thường” chính là sự khẳng định cho việc vạn vật luôn biến đổi theo chu trình sinh – trụ - dị - diệt và không có một thực thể nào có thể vĩnh hằng được. “Vô ngã” bao hàm tư tưởng cho rằng vạn vật trong vũ trụ chỉ là sự “giả hợp” do hội đủ nhân duyên , nên thành “có”. Ngay cả bản thân con người cũng là do ngũ uẩn hội tụ lại gồm sắc thọ, tưởng, hành và thức. Từ các quan niệm trên cho thấy rằng về mặt vũ trụ quan thì tư tưởng của Phật không có cái gọi là “tôi” là vô thần và cũng là biện chứng. Điểm khác biệt này cho thấy sự khá tương đồng trong nền tảng giáo lý giữa Phật giáo và Carvaka nếu đặt cả hai chung một hệ quy chiếu và tránh đi các yếu tố công kích làm méo mó đi bản chất thật của cả hai.
2. Nhân sinh quan
Tư tưởng bao trùm trong nhân sinh quan Phật giáo là tư tưởng “giải thoát” (Moksa) khỏi vòng “luân hồi”, “nghiệp báo” để đạt tới trạng thái tồn tại “Niết Bàn” (Nirvana), được thể hiện trong “Tứ Diệu Đế”. Nội dung triết học nhân sinh của Phật giáo tập trung ở bốn luận đề này được coi là bốn chân lý[28]. Sự trình bày cụ thể về những điều khổ đau của con người qua tám nổi khổ trầm luân bất tận, nguyên nhân gây ra những đau khổ ấy được lý giải qua mười hai nhân duyên, diệt khổ đạt được giải thoát và con đường để làm được điều ấy qua con đường chân chính tám ngành của Phật giáo chính là minh chứng cụ thể nhất cho thấy sự phủ nhận đi thượng đế sáng tạo ra thế giới, phủ nhận đi linh hồn bất tử, độc lập với thể xác. Về điểm này hoàn toàn tương đồng với quan điểm của Carvaka vốn luôn phủ nhận đi những yếu tố siêu nhiên, thần thánh, chú trọng vào thực tế, chú trọng vào vật chất.
Tuy nhiên, bên cạnh việc không công nhận những yếu tố có màu “mê tín”, đạo Phật vẫn công nhận sự tồn tại của nhiều kiếp luân hồi do các yếu tố nhân duyên nghiệp báo và chỉ ra cho con người đến con đường tìm về Niết Bàn cũng như là luôn hướng con người đến Niết Bàn – một trạng thái tâm linh thanh thản. Đặt chủ nghĩa Carvaka bên cạnh tư tưởng nòng cốt này của Phật giáo ta thấy rằng chủ nghĩa Duy vật và giáo thuyết của chủ nghĩa này có phần cực đoan khi giải thích về sự tồn tại vận hành của thế giới.
So sánh với giáo lý của đạo Phật, chúng ta có thể nhận ra một sự cực đoan khác khi mà chủ nghĩa Duy vật chỉ công nhận sự tồn tại cố hữu của vật chất, có thể thấy được, khống chế được, phủ nhận đi những điều thuộc về Duy tâm và đặc biệt giải quyết mối quan hệ giữa ý thức và vật chất một cách Duy vật mộc mạc.[29] Đây có phải hay không là một nỗi sợ hãi khi nhận định những điều không thể thấy, không thể kiểm soát là không có thay vì nhìn nhận khách quan hơn. Và ta cũng nhận ra, việc phê phán những sự mê tín, đả phá những chiều hướng xấu mà veda mang lại không đồng nghĩa với việc phủ nhận đi sự tồn tại của tiến trình tồn tại của con người mà luân hồi, nhân quả là những định luật hiển nhiên. Đây chính là những điểm chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng khi đặt chủ nghĩa Duy vật Carvaka dưới góc nhìn của Phật giáo.
3. Góc nhìn đạo đức
Sự xuất hiện của bất kì tôn giáo, trường phái tư tưởng hay dù nhỏ nhất như những học thuyết quan điểm nhận được sự tin theo của dù ít hay nhiều hội chúng thì đều có những giá trị nhất định, những mặt đóng góp tích cực mà chúng ta buộc phải khách quan nhìn nhận theo đúng như tính công bằng, trung đạo vốn là tiêu chuẩn của Phật giáo. Chủ nghĩa Duy vật Carvaka cũng không nằm ngoài định luật này, khi xét về nhiều góc độ đặc biệt là góc độ đạo đức, ta thấy được một sự đóng góp không hề nhỏ dù là đối với Ấn Độ ngày ấy hay thế giới bây giờ. Nghiêm túc nhìn nhận về chủ nghĩa này dưới lăng kính của Phật giáo và xét giữa những tương qua đạo đức là một bước bắt buộc để có được cái nhìn rõ nét và toàn diện khi nghiên cứu về chủ nghĩa Carvaka – chủ nghĩa Duy vật triệt để nhất này.
Trường phái Carvaka mang tính xây dựng trùng hợp với những học thuyết giá trị phủ nhận đi sự tồn tại của thần thánh để nghiêng về “một giá trị tuyệt đối cao hơn” như đạo Phật chẳng hạn[30], hoặc hướng về giá trị chân thiện mỹ của nhân loại. Chủ nghĩa này coi nhân loại như nguồn gốc tuyệt đối của luân lý và các giá trị, cho phép các cá nhân giải quyết mọi ngóc ngách của ý thức về các vấn đề đạo đức mà không cần có sự hiện diện của thần thánh để niềm hạnh phúc không bị hạn chế. Đứng về một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể nhận thấy người vô thần là một người thực tế, duy lý trí, chỉ tin vào những gì mắt thấy tai nghe hoặc những gì khoa học có thể chứng minh được. Đến đây chúng ta có thể tạm chấp nhận vai trò học thuyết của Carvaka là một bước đi mới mà bản thân của những người ngoài tôn giáo không muốn mình bị nô lệ kiến thức, hoặc quá lệ thuộc vào thần thánh.
Mặc khác, lời dạy của Carvaka quả quyết rằng việc theo đuổi khoái lạc khôgn nên gây đau khổ cho kẻ khác. Những ai theo trường phái này đề cật lực chống lại việc cúng tế súc vật và chiến tranh, sự nương vào tôn giáo để trục lợi. Điều này tạo thành là một điểm sáng của trường phái này vì phủ nhận đi những giá trị sai lệch ấy giúp cho con người như cơi được gông cùm của những tư tưởng mê tín, phụ thuộc quá đáng vào thần thánh. Tuy vậy, phái này cũng phê phán tôn giáo cả trên lĩnh vực đạo đức. Họ cho rằng tuyên truyền cho sự chấm dứt khổ đau bằng cách kiểm chế mọi dục vọng thực chất là tuyên truyền cái chết. Điều này dường như thể hiện sự cực đoan quá đáng về một thái độ nhìn nhận vấn đề quá mức thiên lệch. Việc họ coi sự hưởng thụ những thú vui của cuộc sống là quyền tự nhiên của con người sẽ đúng nếu chúng ta xét kĩ bản chất của những thú vui ấy. Nếu thú vui là những điều đưa đến an lạc giác ngộ thật sự thì đó là giá trị thật của nhân sinh mà Phật giáo vẫn ca ngợi. Nhưng nếu những thú vui ấy với mục đích kích động dục lạc, tạo thành sự sa đọa trong hưởng thụ thì quả thực là một thái cực nên tránh. Nhìn nhận một cách ôn hòa về giáo thuyết này, ta thấy rõ sự thiếu hụt trong các giải thích về nhân sinh nếu không muốn nói là có phần cực đoan.
Nhìn sơ qua thì có vẻ những ai theo chủ nghĩa Duy vật, vô thần không theo một chủ nghĩa, học thuyết nào, không có tín ngưỡng và tin theo một tôn giáo nào ngoài niềm tin xác chứng Duy vật của họ. Nhưng xét kĩ thì không hẳn như thế. Bản chất của chủ nghĩa Duy vật là tin vào những điều được chứng minh, có tính logic xác thực, tin vào những giá trị thành tựu đã được chứng minh, tránh đi những yếu tố huyền diệu, cảm tính mà đánh mất phần lí trí, ngoại trừ những ai quá mức cực đoan. Từ đó suy ra, nếu những quan điểm học thuyết của tôn giáo đủ sức thuyết phục khiến cho niềm tin của những ai theo chủ nghĩa Duy vật được hình thành thì sự nghiêm túc trong quá trình học hỏi và hành trì của họ sẽ là một ưu điểm. Đứng dưới cách thức vận hành của Phật giáo cũng thế, việc mù quán tin theo Thế Tôn mà không hiểu Người sẽ trở thành trở thành hủy báng Người.[31] Mọi sự thực hành, ứng dụng giáo lý đều phải được hình thành từ sự hiểu tường tận và một niềm tin chắc thật đúng pháp. Về điểm này, ta thấy được đâu có sự tương quan của Phật giáo và trường phái Duy vật Carvaka nếu bỏ qua sự khác biệt về sự giải thích trong giáo lý của cả hai.
Vài điều suy tư
Suy cho cùng, tư tưởng tôn giáo của Ấn Độ nhuốm màu “thần thánh” đương thời là một cực đoan thì chủ nghĩa Duy vật Carvaka lại là một cực đoan khác. Dù xuất phát điểm của giáo lý Duy vật có ý nghĩa đối với hiện trạng Ấn Độ lúc bấy giờ đi chăng nữa thì việc những người tin theo chủ nghĩa này một cách mãnh liệt và thực hành một cách thái quá vẫn là những điều đáng phê phán khi nói về chủ nghĩa này. Học hiểu giáo lý của Phật Đà, chúng ta phải mạnh dạn khẳng định tính quan trọng của trung đạo mà dù lệch sang hướng bên nào đi chăng nữa đều không thể được tuyên dương. Nghiên cứu kĩ về chủ trương Duy vật này sẽ là một bước quan trọng giúp ta thấy rõ được bức tranh toàn cảnh của những niềm tin và tác dụng của nó. Đặt tư tưởng này giữa sự tương quan của nhiều yếu tố trong nhân sinh, tu sĩ Phật giáo cũng ta cần phải vận dụng khéo léo và nhuần nhuyễn hơn nữa giáo lý của Thế Tôn trong việc cũng cố giá trị của bản thân, sự học tập hành trì để hướng tới giải thoát và trong cả trách nhiệm truyền thừa, truyền bá những giá trị tuyệt vời của Phật giáo.
Các nhà triết học Ấn Độ cổ có một tư duy phân loại đạt đến trình độ cao và sự phân tích sâu sắc đáng kinh ngạc khi không chỉ dừng lại ở vấn đề nhân sinh quan mà còn đặc biệt lưu tâm đến các vấn đề bản thể luận. Nếu so với triết học Trung Quốc cổ, chúng ta thấy ở Ấn Độ, các vấn đề bản thể luận được chú ý nhiều hơn, logic học cũng được phát triển nhiều hơn ở Trung Quốc. Trường phái Duy vật Carvaka bị mai một rất sớm và rất nhiều phái khác ban đầu cũng có tính chất Duy vật và vô thần những về sau cũng dần chuyển sang Duy tâm và nhị nguyên. Nhiều nhận định cho rằng nguyên nhân dẫn đến điều này là do sự phát triển trì tệ của xã hội Ấn Độ khi ấy. Tuy vậy, ta cũng có thể lạc quan khẳng định rằng do sự chứng minh được giá trị thật của tư tưởng xuyên suốt của tôn giáo trong đó có Phật giáo khiến những ai theo chủ nghĩa Duy vật bị thuyết phục. Không có bằng chứng nào chứng minh cụ thể cho điều nay nhưng dẫu sao giá trị về những học thuyết triết học Ấn Độ trong đó có Phật giáo, chủ nghĩa Duy vật Carvaka là không thể phủ nhận.
C. KẾT LUẬN
Nếu triết học Ấn Độ cổ đại hiện ra trước mắt chúng ta như một lâu đài đồ sộ, chứa đầy những khó báu tư duy của nhân loại thì chủ trương Duy vật cổ đại (Carvaka) lại như một kiến trúc không thể thiếu trong toàn cảnh về tòa lâu đài ấy.
Với đề tài “PHÊ BÌNH TƯ TƯỞNG DUY VẬT CỔ ĐẠI (CARVAKA) TRONG KINH PAYASI – D23”, người viết như vén được bức màng ngăn cách về sự phân định một cách rạch ròi về Duy tâm và Duy vật khi mà thấp thoáng đâu đó trong chủ trương Duy vật cổ đại (Carvaka) vẫn thấp thoáng đâu đó về một niềm tin mãnh liệt về một điều được gọi là “sự thật”, tuy là về biểu hiện của chủ trương này có phần cực đoan.
Đặt dưới sự tương quan với Phật giáo, phê bình tư tưởng Duy vật cổ đại mở ra cho người viết về một cái nhìn trọn vẹn hơn về triết học Ấn Độ, cũng một lần nữa niềm tin về những giá trị đúng đắn tuyệt vời của Phật giáo trong lòng người viết.
Hiểu được tầm quan trọng của đề tài này, ta sẽ biết được cách thức để ứng dụng những giá trị hữu ích đạt được từ sự tìm hiểu ấy vào đời sống tu học hành trì của bản thân, để hoàn thiện thêm về sự hiểu biết của mình và cũng là trang bị kĩ càng hơn cho sự hoằng dương chính pháp. Không có một sự nghiên cứu tìm hiểu nào trở nên vô dụng nếu người nghiên cứu thực hành đúng mục đích, đúng phương pháp như lời Thế Tôn luôn sách tấn.
Tác giả: Thích nữ Hiển Liên Ni sinh ThS Khóa V Học viện PGVN tại Tp.HCM ***THƯ MỤC THAM KHẢO SÁCH 1. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ 2, 23. Kinh Tệ Túc, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, 1991. 2. Nguyễn Duy Cần, Nhập môn triết học phương Đông, Nxb. Phương Đông. 3. Doãn Chính (chủ biên), Lịch sử triết học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002. 4. Cao Xuân Huy, Tư tưởng Phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu,, Nxb. Văn học, HN, 2995. 5. Thanh Huyền (dịch), Thông điệp của nước, Nxb. Lao Động, 2010. 6. Trần Đình Hựu, Các bài giảng về tư tưởng Phương Đông, Nxb. ĐHQG, HN, 2001. 7. Lê Xuân Khoa, Nhập môn triết học Ấn Độ cổ đại, Trung tâm học liệu Bộ GD Sài Gòn, 1997. 8. Thích Thanh Kiểm, Lược Sử Phật giáo Ấn Độ, THPG TP.HCM. 9. Nguyễn Hiến Lê (dịch), Lịch sử văn minh Ấn Độ. 10. Nguyễn Việt Long (dịch), Vũ Trụ, Nxb. Nhã Nam. 11. Tỷ Kheo Trí Quang, Tổng tập giới pháp xuất gia (Tập 1 & 2), 1. Kinh Phụng Kinh Dị giáo: Một, Chính Văn, Văn Hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2010. 12. NS. Huyền Tâm, Dẫn nhập triết học Ấn Độ, Tài liệu môn học HVPGVN. 13. Lê Mạnh Thát, Triết học của Vasubandhu, Nxb. Tổng hợp. 14. Pháp sư Từ Thông (Biên dịch), Như Huyễn Thiền sư (Hiệu), Đại Bát Niết Bàn Kinh Tập 1, Phẩm Thứ Mười: Tứ Thánh Đế, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2013. 15. Nguyễn Viết Thông, Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mac-Lênin, Nxb. Hà Nội. 16. HT. Thích Đức Trí (tuyển dịch), Kinh Trường A Hàm, Kinh Tệ Túc, Tôn Giáo, 2003. 17. Anlebook (dịch), Hành trình về phương Đông, 2018.
TRANG WED 1. HT. Thích Mãn Giác, Triết thuyết Vedànta, Đăng tải: 10/09/2013, Truy cập: 20/04/2022, Đường link: http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/triet-hoc-dong-phuong/triet-thuyet-vedanta_243.html 2. Minh Long (VNE), Phát hiện hạt di chuyển "nhanh hơn ánh sáng", Đăng tải: 13/02/2018, Truy cập: 20/04/2022, Đường link: https://plo.vn/phat-hien-hat-di-chuyen-nhanh-hon-anh-sang-post77288.html 3. Thích Lệ Thọ, Triết học Cārvāka, Đăng tải: 01/04/2019, Truy cập: 20/04/2022, Đường link: https://thuvienhoasen.org/a32126/triet-hoc-c-rv-ka 4. Bách khoa toàn thư mở, Triết học Duy vật khoái lạc, Truy cập: 20/04/2022, Đường link : https://www.duhocchina.com/wiki/vi/Carvaka 5. Bách khoa toàn thư trực tuyến, Lịch sử chủ nghĩa Duy vật, Truy cập: 20/04/2022, Đường link: https://tieng.wiki/content/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_duy_v%E1%BA%ADt/L%E1%BB%8Bch%20s%E1%BB%AD.html [1] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ 2, 23. Kinh Tệ Túc, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.217. [2] HT. Thích Đức Trí (tuyển dịch), Kinh Trường A Hàm, Kinh Tệ Túc, Tôn Giáo, 2003, tr.181. [3] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ 2, 23. Kinh Tệ Túc, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.218. [4] Thuyết nhất nguyên là quan niệm thần học và siêu hình học cho rằng tất cả thế giới đều thuộc về một bản chất, nguyên lý, chất hay năng lượng, tất cả đều có một khởi nguyên. [5] René Descartes (1596–1650) là triết gia, nhà khoa học, nhà toán học người Pháp, được một số người xem là cha đẻ của triết học hiện đại. [6] Từ điển bách khoa Việt Nam. [7] Đạo chỉ thờ một vị thần duy nhất, đó là Chúa trời. [8] NS. Huyền Tâm, Dẫn nhập triết học Ấn Độ, Tài liệu môn học HVPGVN, tr.105. [9] Bách khoa toàn thư mở, Triết học Duy vật khoái lạc, Truy cập: 20/04/2022, Đường link : https://www.duhocchina.com/wiki/vi/Carvaka [10] NS. Huyền Tâm, Dẫn nhập triết học Ấn Độ, Tài liệu môn học HVPGVN, tr. 106. [11] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ 2, 23. Kinh Tệ Túc, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.232. [12] HT. Thích Mãn Giác, Triết thuyết Vedànta, Đăng tải: 10/09/2013, Truy cập: 20/04/2022, Đường link: http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/triet-hoc-dong-phuong/triet-thuyet-vedanta_243.html [13] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ 2, 23. Kinh Tệ Túc, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.223. [14] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2, 23. Kinh Tệ Túc, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.223-225. [15] Bách khoa toàn thư mở, Triết học Duy vật khoái lạc, Truy cập: 20/04/2022, Đường link : https://www.duhocchina.com/wiki/vi/Carvaka [16] Quan niệm này do Sankara nêu ra trong những bài bình luận của ông về kinh Vedanta Sutra (III, 3,53). [17] NS. Huyền Tâm, Dẫn nhập triết học Ấn Độ, Tài liệu môn học HVPGVN, tr.106. [18] Thích Lệ Thọ, Triết học Cārvāka, Đăng tải: 01/04/2019, Truy cập: 20/04/2022, Đường link: https://thuvienhoasen.org/a32126/triet-hoc-c-rv-ka [19] Thích Lệ Thọ, Triết học Cārvāka, Đăng tải: 01/04/2019, Truy cập: 20/04/2022, Đường link: https://thuvienhoasen.org/a32126/triet-hoc-c-rv-ka [20] Nguyễn Viết Thông, Giáo Trình Những Nguyên Lý Cơ Bản Của Chủ Nghĩa Mac-Lênin, Nxb. Hà Nội, tr.203. [21] Bách khoa toàn thư trực tuyến, Lịch sử chủ nghĩa Duy vật, Truy cập: 20/04/2022, Đường link: https://tieng.wiki/content/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_duy_v%E1%BA%ADt/L%E1%BB%8Bch%20s%E1%BB%AD.html [22] Minh Long (VNE), Phát hiện hạt di chuyển "nhanh hơn ánh sáng", Đăng tải: 13/02/2018, Truy cập: 20/04/2022, Đường link: https://plo.vn/phat-hien-hat-di-chuyen-nhanh-hon-anh-sang-post77288.html [23] Nguyễn Việt Long (dịch), Vũ Trụ, Nxb. Nhã Nam, tr.304. [24] T.H.Huxley, 1887. [25] Anlebook (dịch), Hành trình về phương Đông, Nxb. Phương Đông, 2018, tr.17. [26] Thanh Huyền (dịch), Thông điệp của nước, Nxb. Lao Động, 2010, tr.30. [27] NS. Huyền Tâm, Dẫn nhập triết học Ấn Độ, Tài liệu môn học HVPGVN, tr.108. [28] Pháp sư Từ Thông (Biên dịch), Như Huyễn Thiền sư (Hiệu), Đại Bát Niết Bàn Kinh Tập 1, Phẩm Thứ Mười: Tứ Thánh Đế, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr.183. [29] Thích Lệ Thọ, Triết học Cārvāka, Đăng tải: 01/04/2019, Truy cập: 20/04/2022, Đường link: https://thuvienhoasen.org/a32126/triet-hoc-c-rv-ka [30] Phạm Thiên sau quá trình thanh lọc tâm hồn, chứng đắc đến cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ, nhưng vẫn còn bị luân hồi. Trường Bộ Kinh, Phạm võng kinh(sa., pi. brahmajāla, nghĩa là “tấm lưới của Phạm thiên”), nói về các quan điểm triết học và siêu hình thời Phật giáo sơ khai. [31] Tỷ Kheo Trí Quang, Tổng tập giới pháp xuất gia (Tập 1 & 2), 1. Kinh Phụng Kinh Dị giáo: Một, Chính Văn, Văn Hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr.54.
Bình luận (0)