Nhân dịp Đại lễ Vesak, kỷ niệm những sự kiện chính trong cuộc đời của đức Phật, Bộ Đối thoại Liên tôn thuộc Tòa thánh Vatican chân thành gửi chào mừng đến các Phật giáo đồ trên toàn thế giới, với tựa đề: “Phật tử và tín hữu Cơ đốc: Chữa lành vết thương cho nhân loại thông qua Karuna (từ bi tâm) và Agape (lòng bác ái).” (Buddhists and Christians: Healing wounded humanity and the earth through Karuna and Agape)

Việt dịch: Thích Vân Phong Nguồn: Vatican News

Sau đây là nội dung của Thông điệp được ký bởi Bộ trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn, Đức Hồng Y Ángel Ayuso Guixot, M.C.C.J, và Thư ký là linh mục Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage:

Quý Phật tử thân mến!

Bộ này, trước đây được gọi là Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, gửi đến quý Phật tử lời chào thân ái nhân dịp Đại lễ Vesak, thời điểm quý Phật tử kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn. Hy vọng lễ hội này một lần nữa truyền cảm hứng cho các đạo hữu tiếp tục hành trình tìm hiểu sâu sắc về bản chất của khổ đau, những điều kiện gây ra khổ đau và cách vượt qua đau khổ.

Cuộc sống sẽ có lúc có những đau khổ, chúng ta cần có cái nhìn sâu sắc để kết nối và hóa giải. Ngày nay, sự trao đổi thông tin giữa các cá nhân ngày càng gia tăng trong thế giới toàn cầu hóa, giúp chúng ta nhận thức được những vấn đề gặp phải không phải là cá biệt; chúng là kết quả của những căng thẳng và tệ nạn đang bám víu toàn thể nhân loại.

Có rất nhiều vết thương đang gây ra cho thế giới; nghèo đói, phân biệt đối xử và bạo lực; sự thờ ơ đối với người nghèo, tình trạng nô lệ do các mô hình phát triển không tôn trọng sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên; sự căm ghét được thúc đẩy bởi tác động chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc; trên hết là thái độ tuyệt vọng với cuộc sống thể hiện qua nhiều kiểu lo lắng và nghiện ngập. Tất cả những thực tế này phơi bày lỗ hổng chung của chúng ta một cách đau đớn.

Nhận thức sâu sắc về tính dễ bị tổn thương này, đòi hỏi những hình thức liên đới mới được định hình bởi các truyền thống tôn giáo tương ứng của chúng ta, qua đó chúng ta tìm kiếm “câu trả lời cho những thắc mắc chưa được giải đáp về thân phận con người vốn đánh động sâu sắc trái tim con người” (xem Nostra Aetate 1). Bởi vì chúng ta cùng chung một đại gia đình nhân loại, nên tất cả chúng ta đều có quan hệ với nhau như anh chị em, những người cùng sống phụ thuộc lẫn nhau trên hành tinh này. Chúng ta đi trên cùng một con thuyền, “nơi vấn đề của cá nhân một người tức là vấn đề của tất cả mọi người. Một lần nữa, chúng ta nhận ra rằng không ai được tự cứu một mình; chỉ có thể cùng nhau được cứu chung cho tất cả chúng ta” (ĐGH Francis, Fratelli Tutti, 32). Đây là lý do tại sao chúng tôi cho rằng việc nhớ lại tiềm năng của các truyền thống tôn giáo tương ứng của chúng ta là có thể đưa ra các phương dược liệu có khả năng chữa lành vết thương trầm trọng của chúng ta, của gia đình, quốc gia và hành tinh của chúng ta.

Các đạo hữu Phật tử thân mến, các đạo hữu chữa trị bệnh khi thể hiện Karruna – từ bi tâm đối với tất cả chúng sinh, được giáo huấn từ kim ngôn khẩu ngọc của đức Phật (Sutta Nipata 1.8, Sutta Nipata 2.4) hoặc khi các đạo hữu hành động vị tha như các vị Bồ tát, người đã từ bỏ quả vị Niết bàn và thị hiện tại thế gian để hành đạo Bồ tát, giúp tất cả chúng sinh vơi bớt đi những nỗi khổ niềm đau cho đến khi họ được giải thoát, đạt đến an lạc hanh phúc. Đức Phật mô tả một người hoàn toàn được thông báo bởi Karuna: “Cuộc sống của vị ấy một hướng tràn ngập suối nguồn từ bi tâm. Ngoài ra, hướng thứ hai, hướng thứ ba, hướng thứ tư cũng vậy. Như thế trên, dưới, xung quanh, khắp nơi, đồng hóa mình với tất cả, vị ấy sống tràn ngập thế giới của tất cả (chúng sinh) với từ bi tâm, bao la, siêu phàm, không giới hạn, không thù hận, không sân hận” (Abhidhamma Pitakaya Vibhanga b). Những người sống với lòng đồng hành với từ bi tâm đưa ra liều thuốc giải độc cho những cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chúng tôi đã đề cập, cống hiến từ bi tâm toàn diện để đối phó với những tệ nạn lan rộng và liên kết với nhau.

Tương tự, đối với những cơ đốc nhân, không có phương thuốc nào hữu hiệu hơn là thực hành agape (lòng bác ái), di sản vĩ đại mà đức Chúa Giê-su để lại cho các môn đồ. Đức Chúa Giê-su ban cho các môn đệ món quà tình yêu thiêng liêng – agape – và dạy họ yêu thương nhau (x. Ga 15:13). Ngài đã đưa ra ví dụ về một người đàn ông đã bỏ công chăm sóc một người khách lạ, kẻ thù của dân tộc mình, người đã trở thành nạn nhân của bọn cướp: “Một người Sa-ma-ri đi đường, đến nơi anh ta ở; Người chạnh lòng thương, đến gần, băng bó vết thương, thoa bôi dầu và rượu, rồi đặt anh ta lên lưng con vật của mình, đưa vào quán trọ và chăm sóc cho anh ta” (Lc 10,33-34). Người Samari thể hiện sự gần gũi cụ thể với người đang cần giúp đỡ. Tôi muốn ôn lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Franciscus hãy phục vụ người khác với lòng trắc ẩn, yêu thương một cách cụ thể chứ không phải trừu tượng, với một tình yêu “là ân sủng, quảng đại ước muốn đến gần, một tình yêu không ngại hy sinh cho người yêu. Trong mọi sự bác ái, tình yêu, là chia sẻ với người mình yêu. Tình yêu làm cho chúng ta như nhau, nó tạo ra sự bình đẳng, nó phá vỡ những bức tường và xóa bỏ khoảng cách” (Sứ điệp Mùa Chay 2014). Tương tự như thế, sự nhấn mạnh của đức Phật về việc rèn luyện trái tim đặc biệt có giá trị khi chúng ta cùng nhau tiến lên trong nỗ lực mang lại sự chữa lành: “Hãy phát triển thiền định về từ bi tâm; vì khi các vị phát triển thiền định về từ bi tâm, mọi hành động độc ác sẽ tiêu tan” (Maharahulovada Sutta - MN 62).

Mong tất cả chúng ta cố gắng sống với tình yêu thương và từ bi tâm lớn hơn, cùng nhau kiến tạo một thế giới công bằng hòa bình và đoàn kết hơn. Hy vọng các đạo hữu “lan tỏa tình yêu thương vô lượng đến toàn thế giới – trên, dưới và khắp tất cả - không chướng ngại, không sân hận, không hận thù” (Karaniya Metta Sutta, Sn. 1.8). Cầu nguyện quý đạo hữu Phật tử thân mến được hưởng phúc lành dồi dào và niềm vui được cống hiến vào việc chữa lành những vết thương của xã hội và hành tinh, ngôi nhà chung của chúng ta.

Vatican, ngày 16 tháng 4 năm 2023

Hồng y Miguel Angel Ayuso Guixot,

Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn

Linh mục Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage

Thư ký

Việt dịch: Thích Vân Phong Nguồn: Vatican News