PGS.TS.Đặng Ngọc Lệ Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Thành phố Hồ Chí Minh

1. Dẫn nhập

Năm 1991, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành tác phẩm “Phật tâm luận” do Thích Phước Hảo dịch từ năm 1974. Để có bản dịch này, Thích Phước Hảo cho biết: “Sau thời gian học kinh tại Tu Viện Chân Không, tôi được người bạn đồng song trao cho quyển “Phật Tâm Luận” nầy (viết bằng chữ Hán) bảo xem và khuyên dịch ra Việt ngữ. Chúng tôi tự xét mình không đủ khả năng phiên dịch những loại sách khó nên do dự rồi bỏ qua. Nhưng khi đọc kỹ thấy quyển luận thật có giá trị. Trong ấy có nhiều tài liệu rất cần thiết cho người tu Phật nói chung, cho người tu Thiền nói riêng; nhất là rất thích hợp với đường lối của Tu viện mà chúng tôi đang thực hành. Soạn giả đã dày công nghiên cứu rút nhiều tinh hoa giáo lý Đại thừa và góp nhặt những lời chư Tổ dạy sắp thành một đường lối tu duy nhất để người học dễ nhận, y theo đó mà thực hành, khỏi phí công đọc nhiều kinh sử.

Bởi thấy sự lợi ích trên, nên chúng tôi cố gắng phiên dịch, trước để làm tài liệu tu học, kế là giúp ích cho các nhà tu Phật nào chưa đủ phương tiện đọc kinh luận bằng chữ Hán.

Quyển luận nầy do một Thiền sư Việt Nam biên soạn, nhưng vì trải qua lâu đời nên bị thất lạc và hư rách. Gần đây, vào năm Ất Mão, đời vu Tự Đức, tại tỉnh Bắc Ninh, huyện Việt An, xã Tiên? (Bắc Việt) được Hòa thượng Tuệ Không chùa Phổ Đà khắc bản lại. Hòa thượng khắc bản xưa tại Hải Dương, chùa Côn Lôn. Nguyên bản ấy đã hư rách nhiều cho đến lời tựa của quyển sách cũng rách mất. Sau có ông Lương Đô mang đến chùa Hồng Phước tìm lại bổn khác để điều chỉnh những chỗ thiếu sót, nhưng cũng không tìm lại được lời tựa của quyển luận. Bởi lý do trên nên không biết soạn giả là ai, chỉ thấy người xưa ghép vào thư tịch của Phật điển Việt Nam nên biết của một Thiền sư Việt Nam soạn mà thôi”[1].

Cũng may, gần đây, nhà ngiên cứu Lê Mạnh Thát đã phát hiện tác phẩm “Phật tâm luận” và xác định được tác giả của tác phẩm này. Trong Lời tựa, ông viết: “với việc phát hiện ra bản in Phật tâm luận do sa môn Tuệ Không từ Tứ Ân thiền tự núi Bổ Đà đứng khắc vào năm Tự Đức Ất Mão (1855) và đến Tự Đức 34 (1881) mới xong và có lời ghi của đệ tử là tỷ kheo trụ trì Phổ Tiến chép lại quá trình hình thành văn bản này. Chúng ta bây giờ biết Phật tâm luận là một tác phẩm của thiền sư Như Trừng Lân Giác và chúng tôi sẽ công bố trong Toàn tập Như Trừng Lân Giác. Bản khắc gỗ vẫn còn lưu lại nguyên vẹn tại chùa Tứ Ân này. Trong Phật tâm luận, Như Trừng đã cho dẫn lời của năm thiền sư từ Thiền uyển tập anh là Ngộ Ân (tờ 33b1-4) Cửu Chỉ (34a2-b1), Tỳ Ni Đa Lưu Chi (35a2-8), Trường Nguyên (35a8-b2) và Bảo Giám (49b1-3). Nhờ những trích dẫn này, ta hiệu chính được những sai sót trong tiểu sử của các thiền sư vừa dẫn”[2].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Phat Tam Luan 1

2. Phật pháp tự tâm sẵn có

Mở đầu tác phẩm “Phật tâm luận”, Tổ Như Trừng Lân Giác đặt câu hỏi: “Thế nào là Phật?”. Và trả lời:

“- Phật là tiếng Ấn Độ. Tàu dịch là Giác tánh. Giác là linh giác, cảm hóa mọi căn cơ, thu nhiếp các vật. Nhướng mày chớp mắt, đưa tay, động chân đều là chánh linh giác của chính mình. Tánh tức tâm, tâm tức Phật. Phật tức là Đạo, đạo tức là Thiên. Thiên là thể tánh vắng lặng vậy. Thể tánh vắng lặng nhưng thường chiếu soi, chiếu soi mà thường vắng lặng, gọi là Giác. Do tâm thường giác nên gọi là Đại Giác Thế Tôn; cũng gọi là Giác Vương Như Lai.

Tâm tức là Phật lại không có Phật nào khác, Phật tức là tâm không có tâm nào khác. Như bàn tay và nắm tay, như nước và sóng. Sóng tức là nước, bàn tay tức là nắm tay.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm, Phật, chúng sanh cả ba đều không sai khác”. Tất cả Phật pháp tự tâm sẵn có, nếu ngoài tâm cầu Phật, khác nào con bỏ cha mẹ đi hoang. Vả lại, tâm này là “Cội nguồn của chư Phật” mà cũng là “tánh địa của chúng sanh”. Tất cả các pháp đồng về nhứt tâm, tâm sanh các pháp sanh, tâm diệt tất cả các pháp diệt. Nên nói: Các ngôi sao đều chầu về hướng Bắc, tất cả các dòng nước đều chảy về Đông.

Lại nói hiện tiền nhất tâm, vốn đủ muôn pháp. Từ Tổ Sư trước dùng tâm truyền tâm, dùng tâm ấn tâm. Năm ngàn bốn mươi tám (5.048) quyển kinh, tám vạn bốn ngàn pháp môn, nhiều thứ phương tiện đều từ một chữ tâm này mà lưu xuất. Dùng núi Tu Di làm bút, lấy nước biển làm mực cũng không đủ chép một chữ tâm này. Nên trong kinh có nói: “Chỉ diễn tả một chữ tâm, mà biển mực cũng khó viết hết”. Bởi thế nên, thái hư tuy rộng mà chẳng bao trùm được thể của tâm. Mặt trời, mặt trăng tuy sáng, mà chẳng dụ được cái sáng của tâm. Ông Xuyên Công nói: “Sức nhanh của tâm dù sấm chớp cũng không bì, sự sáng suốt của tâm dù điện cũng không sánh kịp”. Nên hư không nhường sự cao rộng cho tâm, mặt trời mặt trăng cũng thua ánh sáng của tâm vậy.

Ông Nhan Tử nói: “Ngước đó thì càng cao, dùi đó thì càng cứng, nhìn xem thì ở trước mắt, bỗng nhiên ở sau lưng. Tuy muốn theo nó rốt cuộc không có chỗ gá”.

Như nói: “Tâm này khi mở ra thì rộng cả pháp giới, hẹp thì chẳng đầy mũi kim. Am tuy nhỏ nhưng hàm tàng pháp giới, mở ra thì rộng lớn, không vật gì ngoài; thâu lại tuy nhỏ nhưng không vật gì trong; nó sáng suốt rỗng rang, chiếu khắp mười phương, thí như ngàn mặt trời phóng ánh sáng lớn”[3].

Qua trả lời này, ta có thể thấy Tổ Như Trừng Lân Giác hiểu Phật pháp hơn thời đạo Phật mới vào nước ta, như Mâu Tử đã viết trong Lý Hoặc Luận khoảng cuối thế kỷ thứ 2: “Hỏi: Sao chính gọi là Phật? Phật có nghĩa gì?

Mâu Tử đáp: - Phật là hiệu thụy vậy, như gọi ba vua thần, năm đế thánh. Phật là nguyên tổ của đạo đức, đầu mối của thần minh. Nói Phật nghĩa là giác, biến hóa nhanh chóng, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ được lớn đươc, tròn được vuông được, già được trẻ được, ẩn được hiện được, đạp lửa không bỏng, đi dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp họa không mắc, muốn đi thì bay, ngồi thì lóe sáng, nên gọi là Phật vậy”[4].

Trong câu trả lời, Tổ Như Trừng – Lân Giác có dẫn ý của các danh nho như Mâu Tử, và khi nói về “Đạo”, ngài hiểu Phật hơn Mâu Tử: “Hỏi: - Sao gọi là Đạo? Đạo ấy giống như cái gì?

Mâu Tử đáp: - Đạo là nói dắt dẫn vậy, dắt dẫn người đến chỗ vô vi. Dắt không có đàng trước, dẫn không có đàng sau. Giơ lên không có trên, đè xuống không có dưới. Nhìn không có hình, nghe không có tiếng. Bốn phương là lớn, nó vượt ra ngoài, tơ hào là nhỏ, nó lọt vào trong. Vì thế gọi Đạo”[5].

Trong tác phẩm “Phật tâm luận”, ngoài viện dẫn kinh điển Phật giáo, Tổ Như Trừng Lân Giác còn viện dẫn một số câu nói của một số danh Nho cũng là điều dễ hiểu, vì ngài sinh ra và lớn lên ở thời Hậu Lê (vua Lê – chúa Trịnh), mà “Sự học hành về đời Hậu Lê, thì đại khái cũng giống như đời Tiền Lê, trong nước ở đâu cũng lấy Nho học làm trọng”[6]. Nhưng không chỉ bản thân ngài hay thời của ngài mới vậy. Đặc thù tư tưởng, tâm lý – xã hội lẫn đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa từ thời Đinh Tiên Hoàng, nhất là thời nhà Lý về sau, hiện tượng Tam giáo đồng nguyên (Phật, Nho, Lão) đã có mặt. Nguyễn Lang khẳng định: “Trong thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (hiện diện ở nước ta từ năm 580 – ĐNL), có nhiều thiền sư học rộng không những về Phật, Lão, Khổng mà còn về các khoa sấm vĩ và phong thủy nữa”[7].

3. Như Như đối đáp trong Phật Tâm Luận có phải Tổ Như Trừng?

Qua Phật tâm luận, Tổ Như Trừng Lân Giác, giải thích cho mọi người biết thêm “Thế nào là Hàm Tàng”, “Thế nào là ứng thân”, “Thế nào là hóa thân”, đặc biệt là “Bài tụng Như Như”.

Như Như là pháp danh của ngài khi lên chùa Long Động (Yên Tử) xin quy y đầu Phật. Văn bia Cứu sinh Trịnh tổ lục bi hiện có trong khuôn viên chùa Hàm Long, có ghi một số nét cơ bản về hành trạng của ngài như sau: “Trịnh Hòa thượng húy là Như Như, biệt danh Thích Trung Trung, hiệu là Lân Giác, họ Trịnh tên Thập, là con thứ 11 của quan Tham tể Tiến Quang vương triều Lê. Mẹ ông là Vũ thị có một đêm nằm mộng thấy một ông lão mặc áo thụng xanh, dắt một đồng tử vui vẻ giao cho bà mẹ ông. Từ đó, phu nhân của Tiến Quang vương có thai. Đến giờ Dần, ngày 5 tháng 5 năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (1696), bà sinh một bé trai kháu khỉnh và đặt tên là Thập. Ngay từ khi mới sinh, trên trán Trịnh Thập có một cái nốt trông như cái sừng, rất lạ. Năm Trịnh Thập lên 7 tuổi, được Trịnh vương nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành. Ngài có dung nhan tươi đẹp, sức vóc khỏe mạnh, lại có khí độ đường hoàng. Các môn: độc giảng, kinh sách, thi thư,… ngài đều thông thạo.

Vua Lê Hy Tông nghe tiếng ông, bèn gả công chúa thứ tư cho. Nhưng Trịnh Thập mặc dù ở nơi vinh hoa phú quý mà trong lòng đã chôn vùi cõi tục (…)

Năm Bính Ngọ (1726), ngài xuất gia và lên núi Yên Tử (…) Giờ Canh Tý, ngày 10 tháng 3 năm ấy, Trịnh Thập được độ làm tiểu và được đặt pháp danh là Như Như”[8].

Nhưng Như Như trong bài có phải là Tổ Như Trừng Lân Giác? Nếu đúng như vậy cũng chẳng lấy gì làm lạ, vì trên thế giới này, không thiếu những danh nhân dùng tên mình đặt tên cho những định đề, định lý, đinh luật,… như Pythagoras, Archimedes, Newton, Hoàng Tụy,…

Nhưng qua “Bài tụng Như Như”, ta thấy đây là loại kinh để cho những người con Phật trì tụng. Theo Từ điển Tiếng Việt:  “Tụng: Đọc to, giọng đều đều. Tụng kinh”[9]. Bách khoa toàn thư mở, nói rõ hơn: “Tụng kinh là xướng đọc lên những lời giáo huấn của Phật (Phật ngôn, sa. Buddhavacana) thông qua các kinh điển (sa. Sutra) do Phật tuyên thuyết. Tụng kinh là một trong những phương pháp tu tập, được thực hành rộng rãi ở mọi tông phái khác nhau của Phật giáo (Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa và Kim Cang thừa) trong các thời lễ nhằm cầu an, cầu siêu cho người đã khuất hoặc sám hối (Sa. Samma) những ác nghiệp mà Phật tử đã gây ra trong quá khứ hay đôi khi đơn giản là học thuộc lòng, quán xét kinh văn một cách thấu đáo. Tụng kinh được thực hiện bởi tứ chúng đệ tử bao gồm các những người đã xuất gia (tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni) hoặc những người tu tại gia (cận sự nam/ ưu-bà-tắc, cận sự nữ/ ưu-bà-di). Thông thường, người ta thường hay tụng kinh trước tôn tượng, hình ảnh của Phật, Bồ Tát... (…) Theo kinh sách, tụng kinh có ý nghĩa giúp người trì tụng hiểu rõ nghĩa lý kinh sách, tạo nhiều phước báu, giúp người âm vất vưởng có thể siêu thoát và đôi khi giúp tiêu trừ nghiệp chướng của người tụng”[10].

Như thế, tôi nghĩ trì tụng Phật tâm luận, cũng giống như trì tụng các bộ kinh khác, như: Kinh A-di-đà (gọi tắt Kinh Tiểu Bản), Kinh Vô Lượng Thọ Phật (gọi tắt Kinh Đại Bản), Kinh Quán Vô Lượng Thọ (gọi tắt Quán kinh), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Địa Tạng... Đây cũng là điều đáng vui, vì tu sĩ người Việt đã có đóng góp vào kho tàng Văn học Phật giáo vậy.

4. Biến văn trong Phật Tâm Luận

Đọc Phật tâm luận, chúng ta thấy những đoạn văn xuôi, văn vần đan xen. Theo TT-TS Thích Đồng Văn, thì lối viết ấy gọi là “Biến văn”. Trong Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên, Đồng Văn cho rằng: “Biến văn là hình thức văn học trong đó có văn vần và văn xuôi xen kẽ nhau, phần văn vần trong Biến văn có ý nghĩa quan trọng. Văn vần không chỉ có tác dụng thể hiện tình cảm, gây dựng không khí mà có khi còn tham gia vào quá trình kể chuyện, kết hợp với văn xuôi tạo nên bước chuyển tiếp tình tiết trước sau. Điều đó đòi hỏi về mặt cách luật của văn vần cũng mang đặc trưng thời đại rất rõ nét”[11].

Mở đầu “Bài tụng Như Như”, Tổ Như Trừng Lân Giác viết:

“Không hình không bóng cũng không tên

Vừa có mảy may thảy gọi trần

Cơm hẩm trẻ gần mùi chẳng biết

Nơi ba việc ấy gượng nêu danh

(Vô hình vô tướng diệc vô danh/Tài hữu tim hào tổng thị trần/Ủy phạn lên nhi bất giác xá/Cố ư tam giả cượng an danh). Ngài Nam Tuyền nói: “Đạo chẳng thuộc biết, chẳng thuộc chẳng biết. Biết là “Vọng giác”, chẳng biết là “Vô ký”. Nếu đạt được chơn thì với đạo chẳng ngại, như hư không rộng lớn bao la, đâu có thể gượng nói phải quấy…

Chương cửu Thiên Sanh thần tóm chép: “Lớn thay! Chi đạo. Nó là cái rỗng rang, không tối, không sang, không hình tượng, không tánh danh, không màu sắc, không manh mối và không âm thanh. Vận dụng thể đạo ngự trị thế gian, mở suốt huyền thông. Khi trời đất mới lập thì gồm 3 sắc chất lẫn lộn, chợt có chợt không. Do lay động cọ xác với nhau đến chỗ cùng tột thì 3 khí phát ra ánh sáng. Khí thanh ngưng đọng trên cao, nhóm dương khí thành trời. Khí Trược kết đọng cặn đục tích tụ chìm xuống thành đất. Cửu khí thay đổi, nhật, nguyệt, tinh tú, âm dương, ngũ hành, nhơn dân và phẩm vật đều từ đó mà thọ sinh.

Như nói: “Trời đất cùng ta đồng cội, vạn vật cùng ta đồng thể, một dòng phân làm hai mươi lăm vật gốc nguyên là một dòng. Thoạt đến, thoạt đi, đi rồi hoàn lại. Hiện xưa, hiện nay không gián đoạn, bởi không gián đoạn nên không có hạn lượng, muôn lượng vàng ròng trọn không thể đổi.

Ông Phu Tử nói: “Nếu từ trong nhà ra không ai chẳng từ cửa, cũng không có ai chẳng do đạo này. Tuổi của cha mẹ không thể chẳng biết, nhưng không tên là trước trời đất, chỉ có tên là mẹ của vạn vật”.

Ông Lão Tử nói: “Trời đất có đầu mối, đó gọi là mẹ. Đã được gọi là mẹ tức biết có con; đã biết có con nên lại chấp cái ban đầu và thân sau không dứt”.

Như nói: (…)

Đức Khổng Tử nói: “Trước khi thái cực chưa phân lẫn lộn làm một gọi là Thái Sơ hay “thái nhất”.

Ông Trang Tử nói: “Do thái hư có tên là “trời”, do khí hóa có tên là “Đạo”, hợp thái hư và khí hóa mà có tên là “tánh”, có hợp tánh và tri giác mà có tên là tâm.

Ông Chu Tử nói: “Tâm ấy là tinh thần sáng suốt của con người. Do đó có đủ các lý mà ứng hiện muôn vật vậy… (…)

Như nói:

Chơn tánh xưa nay tựa kim đan (đơn)

Giá mà mượn thiết lư luyện thành hoàn

Chẳng nhiễm chẳng tư trừ vọng tưởng

Tự nhiên đạt đến cảnh tiên đàn

(Bổn lại chơn tánh hiệu kim đan/Vu giả vi lư luyện tác đàn/Bất nhiễm bất tư trừ vọng tưởng/Tự nhiên hiển xuất phó tiên đàn)”[12],…Đọc một số kinh Phật, tôi thấy có cách viết như thế, như: Kinh Pháp bảo đàn, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa,… cứ mở ra là thấy, không cần trích dẫn vào đây cho dài dòng.

5. Phật do vô tâm mà ngộ

Đọc “Phật tâm luận”, tôi thấy Tổ Như Trừng Lân Giác là người học rộng, thông cả tam giáo (Nho, Phật, Lão), nhất là tóm thâu được tinh hoa của Thiền phái Trúc Lâm – thiền phái cho vua Trần Nhân Tông sáng lập bằng cách “hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỷ 12 – đó là dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi”[13]. Theo Nguyễn Lang, Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến nước ta (năm 580), tu tại chùa Pháp Vân (Bắc Ninh ngày nay). Ở đây, ngài đã dịch kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì, mà “Kinh Tổng trì là một kinh về Mật giáo. Sự có mặt của yếu tố Mật giáo trong thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi là một trong những đặc điểm của thiền phái này (…) Mật giáo chấp nhận sự có mặt của những thần linh được thờ phụng trong dân gian, và như thế khiến cho đạo Phật phát triển rất rộng trong sinh hoạt quần chúng”[14]. Nguyễn Lang còn khẳng định: “Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi hầu như chỉ chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ mà ít chịu ảnh hưởng Trung Hoa. Đây là một thiền phái rất có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ”[15], còn “Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh thuyết đốn ngộ, chủ trương con người có thể trong một giây lát, đạt được quả vị giác ngộ, khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn tiệm tiến”[16], do “thiền sư Vô Ngôn Thông từ Trung Hoa sang Việt Nam (năm 820). Từ đó một thiền phái khác được thành lập mang tên là thiền phái Vô Ngôn Thông”[17].

Thiền học Vô Ngôn Thông không có màu sắc Mật giáo, nhưng ở Việt Nam lại có ảnh hưởng Mật giáo khá quan trọng. Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Lang cho rằng “Ảnh hưởng ấy có thể thấy rõ ở các thiền sư Không Lộ, Giác Hải và Nguyện Học”[18].

Thiền phái Thảo Đường, do Thiền sư Thảo Đường tạo dựng. Vị thiền sư này, ban đầu là một trong 5 vạn tù binh khi vua Lý Thánh Tông Nam chinh Chiêm Thành bắt về (1069), sau đó được phong làm Quốc sư, tu tại chùa Khai Quốc ở kinh thành Thăng Long. Nguyễn Lang cho biết: “Sự xuất hiện tại Việt Nam năm 1069 của thiền sư Thảo Đường, đệ tử của thiền sư Tuyết Đậu, đã khiến khuynh hướng thiền ngữ thi ca ảnh hưởng sâu đậm đến thiền học Việt Nam”[19], và “khuynh hướng thiền học trí thức và thi ca (của Thiền phái Thảo Đường) đã từ đó ảnh hưởng tới hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông”[20].

Đọc đoạn cuối sách Phật tâm luận, chúng ta thấy rõ điều ấy.“Như Như nói: “Danh từ Phật tiếng Phạn tạm dùng. Đường dịch là Giác tánh, nhưng nó chẳng rời thân. Nếu không hiểu cho chơn chánh, luống cầu hình tướng bên ngoài, giống hệt quên nhà mình chạy ra ngoài tìm nhà người khác. (Ý này, ngài ảnh hưởng Phật hoàng Trần Nhân Tông viết trong Cư trần lạc đạo phú: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch - Trong nhà có báu thôi tìm kiếm”).

Ngài Phó Công nói: “Đức Như Lai cử động thân tướng là thuận theo tình thế gian, sợ e người thân đoạn kiến, huyền lập giả danh, giả nói có ba mươi hai tướng, tám mươi hình đẹp là lời nói phương tiện. Nên nói: “Có thân chẳng phải thể giác, không tướng mới chơn hình”.

Như nói: “Phật do vô tâm mà ngộ, chẳng nên có tướng mà cầu. Bỗng nhiên đốn ngộ, thấy biết được vô thượng chánh chơn. (Ý này, ngài ảnh hưởng Phật hoàng Trần Nhân Tông viết trong Cư trần lạc đạo phú: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”).

Đã có vô thượng chánh chơn, cần thấy vô thượng chánh chơn chăng?

Núi sông và đất bằng toàn bày thân Pháp Vương.

Như Như nói: “Tâm địa ông bình đẳng hiệp với trời đất, luống công vào núi tuyết lễ Phật, người ngu chấp trước đầu từng thấy Phật thiệt rõ ràng trước mắt ta”. Lại nói:

Tâm tức là Phật, Phật tức tâm

Chớ đem Bồ tát bên ngoài lầm

Vốn không tướng mạo đâu nhạc niệm

Riêng vì chúng sanh giả lập danh

(Tâm tức thị Phật, Phật tức tâm/Hưu tương Bồ tát ngoại biên tầm/Bổn vô tướng mạo hà vô niệm/Vị biệt chúng sanh giả lập danh).

Lại nói: “Trước khi cha mẹ sanh, Linh quang khắp pháp giới, vốn không tướng mạo, quyền gọi là vô biên”.

Như nói: “Thường nghe Đức Thích Ca trước đã được Phật Nhiên Đăng thọ ký. Phật Nhiên Đăng và Đức Thích Ca, nếu luận về trí thì có trước và sau, nếu luận về thể thì không khác. Trong khác mà không khác, vì một đức Phật đồng tất cả chư Phật, tâm là đất Như Lai”.

Như Lai nói: “Tánh Thiên Chơn không mờ tối, mặt trời trí huệ chiếu vô cùng, xưa nay không gián đoạn, rõ ràng đã viên thánh”.

Ngài Tuệ Trung nói:

Chớ cầu Thiếu Thất với Tào Khê

Phật tánh sáng ngời chữa từng mê

Trăng cổ chiếu soi gần xa khắp

Gió thiên nào lựa chốn cao đê (thấp)

Ánh châu tùy sắc phân đen trắng

Sen đỏ thơm nồng chẳng nhuộm nhơ

Diệu khúc xưa nay thường xướng mãi

Chớ tìm Nam Bắc với Đông Tây.

(Hưu cầu Thiết Thất dữ Tào Khê/Duy tánh minh minh vị hữu mê/Cổ nguyệt chiếu phi khai diễn cận/Thiên phong suy bất giản cao đê/Châu quang hắc bạch tùy duyên sắc/Liên diệp hồng hương bất trước mê/Diệu khúc bổn lai tu cử xướng/Mục tầm Nan Bắc dữ Đông Tây)

Như nói:

Phải biết trong không vốn không hoa

Quyền chỉ người mê gọi Thích Ca

Thinh sắc vọng cầu cầu chẳng thấy

Bổn nguyên chơn Phật khác chi mà

(Tu tri không lý bổn vô hoa/Quyền vị mê đồ hiệu Thích Ca/Dĩ thinh sắc cầu chung bất kiến/Nguyên lai chơn Phật bổn phi tha)”[21],…

Đọc tới đây, tôi tâm đắc với nhận xét của Thích Phước Hảo: “Nội dung quyển luận này, soạn giả muốn cho chúng ta nhận ra được Đức Phật sẵn có ở tự tâm của mỗi người chúng ta, hướng về Đức Phật ấy mà tu tập để thấy Phật tánh.

Bởi từ xưa đến nay đa số người tu Phật, nhưng không rõ được đường lối của Phật dạy cho chính xác nên cứ tu loanh quanh mà không tiến được. Phật tánh sẵn có của chúng ta bị lãng quên, cứ chạy theo giả tưởng hoặc lầm lẫn trên phương tiện của Phật dạy mà không đạt đến chỗ cứu cánh, nên cố dụng công vẫn không được kết quả viên mãn. Cổ đức nói: “Chúng ta đang cỡi trâu mà tìm trâu, hay vác Phật đi tìm Phật” là phải lắm! Hòa thượng ở Giang Tây (Mã Tổ) cũng nói: “Các ông bỏ quên của báu sẵn có nhà mình cứ chạy đi tìm nơi nhà người khác. Nếu mỗi người đều nhận được của báu ấy đem ra tiêu dùng thì giàu có an ổn. Thế nên chúng ta tu hành, không gì khác hơn là cố tình xoay lại với Phật tính sẵn có của chúng ta. Một phen xoay lại là thấy được Phật, khỏi phải tìm kiếm đâu xa mà khổ nhọc”[22].

6. Kết luận

Phật tâm luận là câu nói của ngài Tuệ Trung: “Phật tự là Phật, phàm tự là phàm; phàm phu chẳng cầu làm Phật, Phật chẳng cầu làm phàm phu. Chẳng nghe Cổ đức nói: “Văn Thù tự Văn Thù, giải thoát tự là giải thoát hay sao?”[23].

Xếp cuốn Phật tâm luận lại, nghĩ về những gì Tổ Như Trừng  Lân giác đã viết cùng với câu kết của ngài Tuệ Trung, làm tôi nhớ đến bài Kinh Pháp Cú (số 102): “Dầu nói trăm câu kệ/ Nhưng không gì lợi ích/ Tốt hơn một câu pháp/ Nghe xong được tịnh lạc”.

PGS.TS.Đặng Ngọc Lệ Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Thành phố Hồ Chí Minh ***

Chú thích: [1] Thích Phước Hảo (dịch, 1991), Phật tâm luận, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, tr3. [2] Lê Mạnh Thát (2021), Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr 11. [3] Phật tâm luận, sđd, tr5-6. [4] https://thuvienhoasen.org/a24472/b-ban-dich-ly-hoac-luan [5] https://thuvienhoasen.org/a24472/b-ban-dich-ly-hoac-luan [6] Trần Trọng Kim (1999), Việt Nam sử lược, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr338. [7] Nguyễn Lang (20110, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I-II-III, Nxb.Văn học, Hà Nội, tr134-135. [8] http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2177&Catid=478 [9] Viện Ngôn ngữ học (2001), Từ điển Tiếng Việt, Nxb.Đà Nẵng, tr1065. [10]https://vi.wikipedia.org/wiki/Tụng_kinh_(Phật_giáo) [11] Đồng Văn (2013), Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr139. [12] Phật tâm luận, sđd, tr9-13. [13] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thiền_phái_Trúc_Lâm [14] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr125-126. [15] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr145. [16] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr156. [17] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr148. [18] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr172. [19] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr165. [20] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr181-182. [21] Phật tâm luận, sđd, tr105-107. [22] Phật tâm luận, sđd, tr4. [23] Phật tâm luận, sđd, tr112.

Tài liệu tham khảo: 1. Đồng Văn (2013), Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tụng_kinh_(Phật_giáo) 3. Lê Mạnh Thát (2021), Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội 4. https://thuvienhoasen.org/a24472/b-ban-dich-ly-hoac-luan 5. Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I-II-III, Nxb. Văn học, Hà Nội 6. http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2177&Catid=478 7. Thích Phước Hảo (dịch, 1991), Phật tâm luận, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành 8- Trần Trọng Kim (1999), Việt Nam sử lược, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội 9. Viện Ngôn ngữ học (20010, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng