PGS.TS.Hoàng Thị Thơ Viện Nghiên cứu Tôn giáo

Tóm tắt: Như Trừng Lân Giác (1696-1733), thuộc đời pháp thứ 37 tông Thiền Lâm Tế, sáng lập Sơn môn Liên Phái tại Thăng Long trong thế kỷ 18. Phật Tâm Luận được cho là của Tổ Như Trừng biên soạn về yếu chỉ Thiền học và Phật học. Đây là một dấu nối trong lịch sử Thiền Phật giáo Việt Nam từ các dòng thiền du nhập (Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường) đến dòng thiền Trúc Lâm Đại Việt. Đây là một bổ sung thú vị cho toàn bộ bức tranh lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Từ khóa: Phật Tâm Luận, Tổ Như Trừng Lân Giác, Sơn môn Liên Phái, dấu nối lịch sử.

Bài viết này xin tập trung khai thác các nội dung về Phật học, Thiền học trong “Phật Tâm Luận” của tổ Như Trừng Lân Giác (1696-1733) thuộc đời pháp thứ 37 Thiền Lâm Tế và phân tích sự tiếp nối lịch sử tư tưởng Thiền tông Việt Nam qua giá trị đóng góp của tác phẩm. Tổ Như Trừng là người sáng lập Sơn môn Liên Phái tại Thăng Long (thế kỷ XVIII). Phật Tâm Luận được tổ Như Trừng biên soạn bằng Hán văn, theo thể “biền văn[1]”, dùng để trì tụng trong các khóa tu, khóa lễ của thiền môn. Phật Tâm Luận được Thích Phước Hảo dịch Hán -Việt (1974) và ấn bản bởi Thiền viện Thường Chiếu (1991)[2]. Phật Tâm Luận được đánh giá ngay trong phần “Lời dịch giả” là “quyển luận thật có giá trị”, … “cần thiết cho người tu Phật nói chung, cho người tu Thiền nói riêng; nhất là rất thích hợp với đường lối của Tu viện (Chân Như) mà chúng tôi đang thực hành.”[3]

Thích Phước Hảo cũng cho biết Phật Tâm Luận bị thất lạc một thời gian dài, bị sờn rách không còn rõ tác giả, song lại có trong danh sách thư tịch của Phật điển Việt Nam, nên được cho là “do một Thiền sư Việt Nam biên soạn”[4]. Phật Tâm Luận bản tiếng Việt được Thích Phước Hảo thực hiện dịch Hán – Việt công phu, sưu tầm, đối chiếu nhiều bản và đã trở thành kinh điển quan trọng của Tu Viện Chân Như. Hôm nay nhà Phật học Lê Mạnh Thát phát hiện và khẳng định danh phận của Phật Tâm luận là do Tổ Như Trừng Lân Giác biên soạn. Xin tri ân công đức nhà Phật học Lê Mạnh Thát!

Đến thế kỷ XVII, thiền Lâm Tế được truyền từ Trung Quốc bởi Thiền sư Chuyết Chuyết (1590 – 1644) và Thiền sư Minh Hành Tại Tại (1596-1659) vào miền Bắc Việt Nam; tiếp tục vào miền Trung và Miền Nam qua các vị tăng nhờ các thuyền buôn và theo yêu cầu của các chúa Nguyễn thỉnh tăng sĩ từ Trung Quốc. Trong các tăng sĩ Việt Nam, có Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726)[5] được đánh giá là người có công phục dựng lại tư tưởng, phương pháp tu hành cũng như các tác phẩm Thiền học và các di tích, chùa chiền của Thiền phái Trúc Lâm ở miền Bắc. Theo nhánh truyền thừa ở miền Bắc, Như Trừng Lân Giác (húy là Như Như, biệt danh Thích Trung Trung, hiệu là Lân Giác)[6] đã kế thừa tổ Chân Nguyên và thành lập sơn môn Liên Phái, tiếp tục tôn chỉ của Thiền Lâm Tế kết hợp với Thiền Trúc Lâm Đại Việt. Sự tiếp tục đó được, như một dấu nối giữa Thiền Trúc Lâm thời Trần với Thiền Lâm Tế thế kỷ XVIII được thể hiện khá rõ trong nội dung Phật Tâm Luận. Đó là sự tích hợp Tam giáo (Nho – Phật – Lão), đồng thời tích hợp tam tông (Thiền – Tịnh – Mật) và tích hợp cả những nội dung cốt tủy của Phật giáo gốc (Nguyên thủy) và Thiền Trúc Lâm Đại Việt với Lâm Tế (tức Nguyên thủy – Trúc Lâm – Lâm Tế). Sau nữa thì có Thiền sư Liễu Quán phát triển phái Lâm Tế Việt Nam ở miền Trung; Thiền sư Duy Lực gốc Hoa truyền Lâm Tế ở Sài Gòn và nay lan rộng tới vùng Đông Nam Bộ.

Một trong những đặc điểm nhận diện tông Lâm Tế (từ lúc bắt đầu cho đến hiện đại) là việc trao thị tịch kệ cho đệ tử nối Thiền phái và xác định đệ tử sơn môn theo quy ước đặt pháp danh, pháp hiệu cho đệ tử theo thứ tự các chữ trong bài kệ đó. Giáo Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất toàn bộ gia đình Phật giáo Việt Nam (1981), từ đó truyền thống phân tông môn, sơn môn, pháp phái không còn chặt chẽ như trước. Ngày nay, trong bối cảnh mới, nội dung tư tưởng Thiền học và Phật học như trong Phật Tâm Luận của các tổ Việt Nam để lại vẫn là một trong những căn cứ giáo lý có giá trị để xem xét lại định hướng tu hành của Phật giáo hiện đại, dù đó là thuộc sơn môn hệ phái nào. Phật Tâm Luận đặt mục đích tiếp tục tư tưởng thiền Trúc Lâm Đại Việt và vì Phật tử Việt Nam tại các Thiền môn rất rõ ràng, mà dịch giả Phước Hảo đã nắm bắt được căn bản: “… soạn giả muốn cho chúng ta nhận ra được Đức Phật sẵn có tự tâm của mỗi người chúng ta, hướng về Đức Phật ấy mà tu tập để thấy Phật tánh… Bởi … không rõ được đường lối của Phật dạy nên … cứ loay hoay mà không tiến được… cứ chạy theo giả tưởng hoặc lầm lẫn trên phương tiện của Phật dạy mà không đạt đến chỗ cứu cánh… không được kết quả viên mãn. … Thế nên… xoay lại với Phật tánh sẵn có của chúng ta… Xoay lại là thấy… khỏi phải tìm kiếm đâu xa…”[7].

Phật Tâm Luận tập trung trả lời những câu hỏi lớn giúp Phật tử khỏi lạc đường trong tu giải thoát như “Thế nào là Phật?”, “Thế nào là Hàm tàng?”, “Thế nào là Ứng thân, Hóa Thân?”, “Thế nào là Nguyên?”… Tất cả đều được giải thích triệt để theo triết lý căn bản của Thiền học và Phật học, song trên phông nền kiến thức của người Việt về Tam giáo (Nho, Phật, Đạo) mà các tổ Ấn, Trung, Việt đã du nhập và dày công bồi đắp cho phù hợp sắc thái văn hóa của người Việt. Đó cũng chính là những câu hỏi tầm triết học-tôn giáo về: bản thể luận, nhận thức luận, giải thoát luận, biện chứng luận độc đáo của Phật giáo… được sưu tầm biên troạn trong Luận này.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Phat Tam Luan 2

Phật Tâm Luận (bản dịch) dầy 100 trang, được viết theo thể Biền văn, tức kết hợp cả văn vần (tụng, kệ) và văn xuôi (bình, giảng, kể, thoại) với nội dung sưu tập tư tưởng của các tổ, từ Đức Phật tổ đến các tổ du nhập Phật giáo vào Việt Nam đầu tiên (Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông), các tổ thiền tông Trung Hoa (với Năm nhà, bẩy phái), rồi Tam tổ Trúc Lâm Đại Việt, và các tổ của tông Lâm Tế ở Việt Nam đã trả lời hệ thống những thắc mắc lớn của Phật tử tại các thiền môn. Phật Tâm Luận cũng dẫn nhiều điển tích và lời bình giảng uyên thâm của các Nho gia, Đạo gia về cùng chủ đề “Phật tánh”, “Tâm Phật” … Đặc biệt tập hợp những phân tích thuyết phục về sự nhầm lẫn trong nhận thức và tu chứng dẫn đến lạc lối, mê tín, không thành công của đa số Phật tử theo pháp môn thiền…

Phật Tâm Luận không chia thành chương mục, nhưng căn cứ trên các nội dung triển khai có thể tạm chia thành 3 phần chính: 1. Khái niệm, nguyên lý phổ quát cho Phật tử; 2.  Các bài tụng, kệ, ca và kinh điển; 3. Luận giảng về phương pháp và con đường tu thiền cho Phật tử; 4. Giá trị tối hậu của Tâm Phật và Phật tính đối với giải thoát đúng đắn.

1. Khái niệm, nguyên lý phổ quát cho phật tử

Một số khái niệm “Phật” “Tâm”, “Tánh” và “Đạo” được giải thích trong mối quan hệ mật thiết, song ngay trong đó Tổ khẳng định chúng đều chỉ là những danh từ Đức Phật và các tổ tạm mượn làm phương tiện để giúp chúng sinh hiểu Vô Ngã, Vô Tâm và Giác ngộ đã vốn sẵn có ở trong mỗi người. “Tất cả các pháp tự tâm sẵn có. Nếu ngoài tâm cầu Phật, khác nào con bỏ cha mẹ đi hoang”, nói cách khác “Tâm tức là Phật lại không có Phật nào khác, Phật tức là Tâm, không có tâm nào khác”. Do vậy, không diễn ngôn nào có thể tả được Tâm là gì, Phật là gì, Tánh là gì, Đạo là gì. Đó là những khái niệm căn bản độc đáo nhất, song cũng hay bị hiểu lầm nhất, mặc dù “Năm ngàn bốn mươi tám quyển, tám muôn bốn ngàn pháp môn, nhiều thứ phương tiện đều từ một chữ Tâm này mà lưu xuất”… Bởi nhầm lẫn như thế nên con đường đến với giải thoát và giác ngộ càng trở nên khó khăn. Thực chất Tâm, Tánh, Phật, Đạo vốn sẵn có trong mỗi người, nên phải trở về chính mình để nhận được Tâm, Phật, Tánh, Pháp và Đạo chứ không phải tìm cầu bên ngoài.

“Thế nào là Hàm tàng thức?” tập trung giải thích Alaija thức (thức thứ tám). Đây là câu hỏi lớn thuộc nhận thức luận của Thiền Phật giáo. Phật Tâm Luận cho rằng Tàng thức “bao trùm cả càn khôn, tàng chứa muôn vật”. Tàng thức đã chứa trong nó bản chất Không tối hậu (còn gọi là Tính Không) của mọi vật và mọi hình tướng. Tàng thức chứa sẵn cái “tuy không có hình tướng mà hay hiện tất cả các tướng. Chơn không mà diệu hữu, bất biến mà tùy duyên…”. Tương tự như vậy, theo Hàm tàng, bản tánh của Tâm “tự rỗng rang vắng lặng, như mặt gương tròn lớn hay hiện tất cả các vật; tuy hiện tất cả các vật mà chẳng nhiễm tất cả các vật… không thể nắm bắt, … ”[8].

Thuật ngữ “Ứng thân?” được giải thích cùng với “Báo thân” và “Pháp thân”. Tổ Như Trừng dẫn cả lời của Lão Tử, Khổng Tử để làm rõ hơn chúng chỉ là những phương tiện mà Đức Phật tạm mượn (tương tự Đạo gia và Nho gia) nhằm diễn đạt tương đối sự biến hiện vô cùng của Vô Ngã trong ứng, hóa, dụng một cách linh hoạt vô cùng của sự sống… Tổ đã chốt lại nguyên tắc nhận thức luận là “Đạo chẳng sắc tướng, lý bặt danh ngôn”… với ý nghĩa là bản chất tối hậu cũng như Đạo không thể mô tả bằng hình tướng và ngôn ngữ được, vì đó là hướng ra ngoài, tất cả (Phật, Tâm, Tánh, Pháp và Đạo…) chỉ là danh từ mượn tạm song rất dễ gây hiểu lầm nếu chấp trước vào đó.

2. Các bài tụng, kệ, ca và kinh điển

Trong Phật Tâm Luận trích dẫn rất nhiều bài kệ, tụng, ca và những cuộc đối thoại kinh điển của nhiều Thiền sư như: Hòa thượng Hoàn Hương, Kỉnh Sơn, Lục tổ (Huệ Năng), Tuệ Trung Thượng Sĩ, Bàng Long Uẩn, Phật Ca Diếp, Phật Tỳ Xá Phù, Vĩnh Gia, … v.v… rất nhiều, song đều không xa rời mục tiêu đặt ra của toàn tác phẩm.

Bài tụng Như Như:

Không hình không bóng cũng không tên

Vừa có mảy may thảy gọi trần

Cơm hẩm trẻ gần mùi chẳng biết

Nơi ba việc ấy gượng nêu danh.

(Vô hình vô tướng diệc vô danh

Tài hữu tim hào tổng thị trần

Ủy phạn lên nhi bất giác xá

Cố ư tam giả cượng an danh).

Bài tụng Như như đặt trong khung cảnh đang bàn về Phật Tâm, Phật tánh cho thấy Tổ Như Trừng khẳng định Tính Không là một nguyên lý bao trùm nhất, nhìn đâu cũng thấy, song không sao định danh được. Đó là Tính Không vượt ngoài mọi quan hệ, tương tác, ngoài mọi thái cực phân biệt (có – không, sắc – không), ngoài mọi ngôn từ (tạm mượn). Nói cách khác, Tính Không chính là sự đang tương tác, biến đổi liên tục của của sự sống sinh động, mà không thể dùng tri thức, kinh nghiệm để biết hết được. Tất các các giáo lý, ngôn từ chỉ là “gượng nêu danh” mà thôi. Chưa biết Tính Không là bản chất tối hậu thì không thấy được, mà thấy được thì hai chữ “Tính Không” cũng chỉ “gượng mượn” để miêu tả một cách tương đối mà thôi. Hễ mượn thì đã trở thành chết cứng, không còn sống động. Bài tụng Như như thực sự là bài khẳng định tư tưởng Tính Không theo Thiền tông Phật giáo Đại thừa và có nguồn gốc từ Bát Nhã, Kim Cương, Lăng Già ngay từ kinh điển Phật giáo Nguyên thủy. Có thể gọi đây là Bài tụng về Tính Không mà Phật tử thiền môn nói chung và Thiền Lâm Tế nói riêng nào cũng phải nắm vững như một tôn chỉ để định hướng tu hành cá nhân… do đó phải TỤNG hàng ngày, mọi khóa lễ.

Có một cách hiểu nữa về tên bài tụng này là dựa theo văn bia Cứu sinh Trịnh tổ lục bi hiện trong chùa Hàm Long, còn ghi rõ “Trịnh Hòa thượng húy là Như Như, biệt danh Thích Trung Trung, hiệu là Lân Giác”, để tin rằng Bài tụng Như Như trong Phật Tâm Luận là do tổ Như Trừng viết. Tinh thần Triết lý Tính Không của Thiền Phật giáo trong bài tụng này là tôn chỉ của Lâm Tế nói riêng và Thiền Phật giáo nói chung.

Để luận giải rõ tư tưởng Tính, Tâm cho Phật tử Việt, sau Bài tụng Như Như Tổ đã mượn những phân tích uyên thâm của nhiều Thiền sư, cũng như Nho gia, Đạo gia nổi tiếng, và Phật tổ như: Đức Thích Ca Mâu Ni, Nam Truyền, Phu Tử, Lão Tử, Khuê Phong, Trương Tử, Chu Tử, Nhan Tử, Trung Hòa, Trình Tử, Tử Tư, Triệu Châu, Lương Khưu Tử, Xuyên Công, Trang Tử, Quách gia, Hoàn Hương, Thập Đại, Bàng Uẩn, Kỉnh Sơn, Phật Quang, Ngộ Ấn, Pháp Đạt, Ngộ Ấn, Mã Tổ, Điều Ngự, Triệu Châu, Tì Ni Đa Lưu Chi, Lục Tổ, Tuệ Trung, Bảo Giám, Ca Diếp, Phật Tỳ Xá Phù, Vĩnh Gia… và tất nhiên, cả của tổ Lâm Tế[9]. Các nội dung được sưu tầm đó tuy dùng nhiều thuật ngữ khác nhau: “Đạo”, “Tánh”, “Thiên lý”, “Nhất lý”, … “cái không tên”, “không gián đoạn”, “trước cả trời đất”, “trước cả Thái sơ, Thái hư”, “âm dương chưa chia”, “nguồn gốc của trời đất”, “cơ sở xoay vần năm vận”, “kinh không tướng không tên”, “vô cực”, hay “chơn tánh”… song cùng luận bàn về nội hàm bản thể luận, nhận thức luận, giải thoát luận của Thiền Phật giáo. Cách luận giảng so sánh đối chiếu giữa các đạo này trong Phật Tâm Luận cho thấy học vấn Nho, Đạo của tổ Như Trừng rất sâu rộng và Tổ đã khái quát được sự nhất trí về Nguyên lý tối hậu giữa các đạo khác với Phật giáo, tuy lập ngôn khác nhau. Cũng từ đó Tổ khẳng định điểm tạm dừng chung của các đạo (cũng là của tư duy nói chung) về Bản thể tối hậu (Phật tính, Tâm vô…) là sự gượng mượn mọi diễn đạt mà thôi.

Trong Phật Tâm Luận Tổ còn dẫn nhiều kinh điển của các tông phái Phật giáo khác nhau như Hoa Nghiêm, Duy Ma, Bát Nhã, Niết Bàn, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Lăng Già, Pháp Bảo Đàn, Quảng Đại Đao, Xuất Diệu,… Nhưng tại đây Tổ đã chốt lại điều căn bản đối với sự tôn sùng kinh điển Phật là: “mỗi người đều có một quyển kinh không tướng cũng không tên, mà… nếu hay chuyển đọc… khế hợp với lý vô sanh, thì không cần luận đạo của Bồ Tát, đến Phật cũng chẳng cần thành”… “… chỉ vì chúng sanh chẳng ngộ, nên chẳng đủ lòng tin…”. Từ đó Tổ cũng nhấn mạnh về thực chất tụng đọc và nghe giảng kinh Bát Nhã “ … ta chưa từng nói một chữ. .. thì con cũng không nghe… Không nói không nghe là chơn Bát Nhã. Đây mới là chơn thật nói, chơn thật nghe” kinh Phật”.

3. Luận giảng về phương pháp và con đường tu thiền cho phật tử:

Phật tử thường thắc mắc, vậy không giảng, không nghe…, mà Phật Tánh vốn không thể dùng danh sắc để diễn đạt, mà dụng tâm diễn đạt đã mắc lỗi, lạc đường… thì phải có phương pháp gì, con đường tu như thế nào? Đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm của mỗi sơn môn hệ phái. Chúng vừa có điểm chung từ nền tảng nguyên lý Tính Không như đã nói ở trên, song lại vô cùng đa dạng như sự sống sinh động muôn mầu, song cũng vì vậy mà mờ mịt dễ nhầm lẫn. Bởi vậy mà sự đóng góp về phương pháp và con đường tu của tổ Như Trừng trong Phật Tâm Luận đã thu hút được tín đồ và tạo nên sơn môn Liên Phái, như một dấu nối trong lịch sử Thiền tông Việt Nam.

Trong Phật Tâm Luận, Tổ Như Trừng trở lại khẳng định rõ phương pháp tu thiền là “không dụng ý”, “trở về chính mình”, “tự ngộ thì biết được, chẳng tại văn tự”, đừng tìm đạo trong chữ, trong kinh, mà phải tìm ngay trong sự sống, trong tâm sống động của chính mình: “…vi diệu này chẳng rời hành động hằng ngày…, chỉ tự họ mê lầm mà chẳng tự biết đó thôi…. chẳng phải tự ngoài đem đến”[10]. Lục tổ nói sự trở về đó phải như “khát muốn được nước, đói muốn được cơm, lạnh muốn được áo, nực muốn được mát, tội khổ muốn được an lạc, phiền não muốn được thanh lương…” Đặc biệt là tinh thần vô chấp, vô cầu, vô trụ: “Có không đều không chấp” vì “Không niệm niệm tức chánh/ Có niệm niệm thành tà”. Tổ Như Trừng dẫn lời Sơ tổ: “Chúng sanh điên đảo chẳng rõ biết tự tâm là Phật. Chẳng nên ngoài tâm tìm Phật…” và lời Kỉnh Sơn nói về cách tu: “chỗ không dụng tâm, không tìm tòi, không dốc sức, chính mới là nên gắng sức vậy”[11]. Ở đây “không dụng tâm” là đạt Tâm Không, Tâm Vô, Tâm Phật. Bài kệ của Bàng Long Uẩn càng rõ: “Ngày nào được Tâm không/ Viên thành tướng chân thật/Liền thấy có tu tâm/Bỗng dưng siêu pháp giới/ Tự tại lại vô ưu”[12]. Tổ cũng khẳng định tiêu chuẩn đúng sai của phương pháp tu là “… mê nên cầu Phật, lầm nên cầu thiền, Thiền, Phật không cầu, ngậm miệng quên lời”, và “… đến chỗ tột cùng Tâm, Pháp đều quên, vạn sự chẳng cầu, đói ăn, mệt ngủ…”. Phương pháp đúng và trực tiếp là phương pháp phủ định và phủ định  được diễn ngôn rất đa dạng như: buông, bỏ, bất, chớ, chẳng, thôi, dứt, lìa, ngưng, tán, bặt, lặng, đoạn, dẹp, quên, tuyệt, tịnh… Bởi vì “… Chỉ không một niệm liền trừ được gốc sanh tử…”[13]. Đó gọi là pháp Vô niệm, pháp Vô vi, pháp Vô sự.

Con đường tu là quay trở về tự phản quan: “… một niệm phản chiếu, toàn thể đều là tâm thánh”, “Phản chiếu vào trong mà quán giác, trong khoảng một niệm liền chứng Bồ Đề”[14]. Lời của Sơ tổ: “…cẩn thận chớ hướng ngoài, chạy theo cảnh vật nhận ngoài cảnh làm tâm, ấy là nhận giặc làm con”[15]. Lời Hàn Sơn: “Xoay tâm lại tức là Phật rồi. Chớ hướng xem bên ngoài”[16]. Tổ Lâm Tế cũng khẳng định: “… chớ nên hướng ngoại tìm cầu. Một niệm thanh tịnh sáng suốt là Pháp thân Phật trong nhà của ông. Một niệm không phân biệt, là Báo thân Phật trong nhà ông. Một niệm Tâm không sai biệt, là Hóa thân Phật trong nhà ông. … chỉ một điều không hướng ngoại tìm cầu, tức được công đức như thế”[17]. Sư Cảm Thành cũng khẳng định thành công của con đường “Quán tự tại” là: “Tức tâm tức Phật… Việc trở lại dễ như rửa chân trước mũi thuyền”. Đức Phật Thích Ca đã nói rõ “Tất cả chúng sanh có đủ trí tuệ, đức, tướng Như Lai, chỉ do vọng niệm chấp trước mà chẳng chứng được”[18].

Từ phương pháp và con đường tu như vậy, các công án về Phật, Tâm, Sám hối, Sinh - tử, Niết Bàn, Đúng - sai, Nhân – quả, Nghiệp báo, Mạt pháp, Luân hồi,… đều được nhất quán nguyên lý Tính Không, Vô chấp, Vô trụ để giải mã trên con đường tu chứng (Nội quán) tới giải thoát không chỉ đối với tăng sĩ mà ngay cả các Cư sĩ tại gia[19]. Cuối cùng là mười bài tụng khuyên những người chưa phải Phật  tử nên đến với Phật giáo như con đường giải thoát khả thi mà không lạc lối, không mê tín[20].

Giá trị tối hậu của Tâm Phật và Phật tính đối với giải thoát đúng đắn và tiếp nối của thiền Việt Nam.

Phần cuối sách Phật Tâm Luận, Tổ Như Trừng Lân Giác nêu một số khái quát về giá trị tối hậu của Tâm/Tánh Phật như là tông chỉ của Thiền (Liễu Quán thuộc Lâm Tế) và cảnh báo cả sự mê tín lạc đường của nhiều Phật tử.

“Tâm tức Phật, Phật tức tâm

Chớ đem Bồ Tát bên ngoài tầm

Vốn không tướng mạo đâu nhọc niệm

Riêng vì chúng sanh giả lập danh”[21].

Tạm kết

Phật Tâm Luận được cho là của Tổ Như Trừng biên soạn về yếu chỉ Thiền học và Phật học nói chung và của sơn môn Liên Phái thuộc Lâm Tế tông nói riêng. Phật Tâm Luận đã tiếp thu và viện dẫn tư tưởng cốt yếu của Thiền Phật giáo từ Đức Phật tổ, qua du nhập các phái Thiền đầu tiên (Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường) của Ấn Độ và Trung Quốc vào Việt Nam, cho đến các vị Tổ Thiền Trúc Lâm của Đại Việt đã có công Việt hóa thành pháp tu phù hợp với Thiền môn Việt Nam. Đây là một bổ sung thú vị cho toàn bộ bức tranh lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và lịch sử Thiền Phật giáo Việt Nam (sự kế tục Trúc Lâm của Lâm Tế) nói riêng. Điểm nối này cho thấy Thiền Trúc Lâm Đại Việt không mất đi mà tư tưởng Thiền học, Phật học uyên thâm của các Tổ tiếp tục lan tỏa trong các sơn môn, hệ phái Thiền ở Việt Nam cho đến tận hôm nay. Dấu nối đó được liên tục qua các nội hàm căn cốt của Thiền học và Phật học rất uyên áo với những hình thức hoằng pháp sinh động (luận, biền văn, kệ, tụng, ca), với ngôn từ trau chuốt, cô đọng được kết hợp bởi vốn tri thức phong phú đã tiếp thu được từ lịch sử du nhập Nho và Đạo mà các Tổ đã Việt hóa thành công. Phật Tâm Luận cho thấy ở thế kỷ XVIII, đã có một bộ luận mang tính học thuật Thiền học và Phật học của Phật giáo Việt Nam.

PGS.TS.Hoàng Thị Thơ Viện Nghiên cứu Tôn giáo

*** Chú thích: [1] Hoàng Thị Tuyết Mai: “Biền văn Nôm (qua Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn) - Một di  sản văn hóa phi vật thể”. Tạp chí Di sản văn hóa [http://dsvh.gov.vn /Tap chi DSVH/So Bien van Nom qua thap gioi co hon mot di san van hoa phi vat the.pdf]. [2] Phật Tâm Luận (1991). Người dịch Hán -Việt: Thích Phước Hảo, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành. [3] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr. 2-3 [4] “Lời dịch giả” trong Phật Tâm Luận (1991), Sđd. tr. 2-3. [5] Chân Nguyên - pháp danh Tuệ Đăng, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 36 - có công khôi phục lại Thiền Trúc Lâm Đại Việt ở miền Bắc vào khoảng thế kỷ XVIII. [6] Theo bia Trùng hưng Liên Phái tự Li Trần viện biệt chủ (dựng 1872), Tổ Như Trừng Lân Giác trực tiếp được tổ Chân Nguyên Hoà thượng truyền pháp và đặt cho pháp danh Như Như. [7] “Lời dịch giả” trong Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr. 3-4. [8] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr. 7 [9] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr. 42, 49,72 [10] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr. 16 [11] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr. 23 [12] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr. 25 [13] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr. 52 [14] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr. 31 [15] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr. 33 [16] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr. 40 [17] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr. 42 [18] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr.56 [19] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr. 93 [20] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr.101-105 [21] Phật Tâm Luận (1991) Sđd., tr.106

Tài liệu tham khảo: 1. Phật Tâm Luận (1991). Người dịch Hán -Việt: Thích Phước Hảo, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành. 2. Hoàng Thị Tuyết Mai: “Biền văn Nôm (qua Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn) -- Một di sản văn hóa phi vật thể”, trên Tạp chí Di sản văn hóa. Nguồn: http://dsvh.gov.vn /Tap chi DSVH/So Bien van Nom qua thap gioi co hon mot di san van hoa phi vat the.pdf.