Trang chủ Chuyên đề Phát huy vai trò Phật giáo Nam tông Khmer trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Phát huy vai trò Phật giáo Nam tông Khmer trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

TTTS. Lý Hùng
Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó trưởng Ban Pháp chế GHPGVN, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP. Cần Thơ. Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ,… Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây, TP.Cần Thơ.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt:
Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước (HĐKSSYN) là tổ chức chính trị – xã hội đặc thù trong giới sư sãi Khmer do Đảng ta có chủ trương thành lập, hoạt động như tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Nội dung và phương thức hoạt chủ yếu là tuyên truyền, vận động sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer. Trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, HĐKSSYN đóng một vai trò quan trọng trong các lĩnh vực đời sống xã hội của người Khmer vùng Tây Nam bộ như: đời sống tôn giáo, đời sống văn hóa, xã hội, đời sống chính trị, đời sống kinh tế, vai trò của tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer đối với thanh niên Khmer trong quá trình tu học,… tuy nhiên hoạt động của Hội ĐKSSYN vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập trong mô hình, cơ cấu tổ chức, cũng như trong nội dung hoạt động, vì thế việc củng cố kiện toàn và tái lập lại Hội ĐKSSYN các tỉnh, thành có đông sư sãi và đồng bào Phật tử Phật giáo hệ phái Nam tông Khmer là hoàn toàn cần thiết, phù hợp nhu cầu nguyện vọng của sư sãi và bà con phật tử; đồng thời đáp ứng yêu cầu công tác vận động quần chúng tôn giáo nói chung, công tác vận động quần chúng Phật giáo hệ phái Nam tông Khmer nói riêng.

***

I. KHÁI QUÁT PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER

Phật giáo Nam tông được truyền vào các nước Đông Nam Á như: Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam (trước đây là vùng đất Phù Nam) bằng hai con đường: đường thủy thông qua việc buôn bán với thương gia Ấn Độ và đường bộ qua sự giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực bán đảo Đông Dương. Nhưng trước khi Phật giáo truyền vào cộng đồng người Khmer, chủ yếu họ theo Bà-la-môn giáo hoặc các tín ngưỡng truyền thống như: thờ các thần đất, thần nước, thần lửa, thần gió và thần Arặk, Nặk Tà, v.v… Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) tổ chức vào ngày 11-6-2014 đều cho rằng: “Phật giáo Nam tông có mặt ở Nam bộ – Việt Nam từ khoảng thế kỷ IV”. Mặt khác, chùa Tro Păng Veng ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nam tông Khmer ở vùng đất Nam bộ – Việt Nam được xây dựng trên vết tích của Bà-la-môn giáo vào năm 374 (sau Công nguyên)1.

Phật giáo Nam tông Khmer đã truyền vào cộng đồng người Khmer trên 2000 năm lịch sử, kể từ khi 02 Thánh Tăng: Sonatthera và Uttarathera theo đường tàu buôn từ Ấn Độ đặt chân vào vùng cảng cổ Óc Eo (nay là Tứ giác Long Xuyên), Phật giáo Nam tông Khmer được truyền giáo đầu tiên trước Công nguyên vào Phật lịch 2342.

Phật giáo Nam tông Khmer (PGNTK) Nam bộ hiện có 463 ngôi chùa Hệ phái Nam tông (Nam truyền Dakkhinànikaya) ở trên 15 tỉnh thành trong cả nước, chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ cho chư tăng và Phật tử dân tộc Khmer3.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập với sự hợp nhất của 9 tổ chức, hội, hệ phái. Kể từ đó đến nay, PGNTK sinh hoạt chung trong ngôi nhà của GHPGVN; đã trải qua tám nhiệm kỳ, với 40 năm hoạt động, PGNTK hoạt động ổn định, phát triển và ngày càng nâng cao vị thế của mình trong GHPGVN.

Phật giáo giữ vai trò độc tôn trong đời sống cộng đồng của đồng bào Khmer, vai trò đó đã được biểu hiện ở chỗ mọi hoạt động trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng phum sóc gắn với tín ngưỡng, tôn giáo dân tộc, người Khmer đều dựa vào triết lý của đạo Phật. Mọi sinh hoạt lễ hội của gia đình hoặc cộng đồng dù lúc vui hay lúc buồn, đều có mời các vị sư tham gia làm lễ, đọc kinh. Việc trang trí nhà cửa, lễ đài, chùa,… hầu hết gia đình, phum sóc vùng dân tộc Khmer đều có tranh ảnh hoặc tượng của đức Phật đặt nơi trang trọng nhất.

II. VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER

2.1. Vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer đối với việc nâng cao công tác tuyên truyền trong đồng bào Khmer

Hiện nay, tuyên truyền, cổ động là một trong các kênh tuyên truyền rất quan trọng của công tác tư tưởng, nhằm mục đích trao đổi, cung cấp thông tin để nâng cao nhận thức, hình thành và củng cố niềm tin, cổ vũ tính tích cực hành động của người dân nói chung cũng như của đồng bào Khmer nói riêng.

Thời đại ngày nay, tuy có sự bùng nổ thông tin đại chúng với nhiều phương tiện truyền thông mới hiện đại, nhưng không phương tiện nào có thể thay thế được công tác tuyên truyền, vì nó có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao nam tong Khmer chua Pothi Somron 1

Chùa Pôthi Sômrôn, Cần Thơ

Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ tổ chức tuyên truyền chủ đề: “Tuyên truyền chính sách xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Khmer Cần Thơ” từ ngày 28-9-2020 đến ngày 30-9-2020 tại chùa Pôthi Sômrôn (khu vực 4, P. Châu Văn Liêm, quận Ô Môn) và chùa Settodor (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ). Tham dự có Hòa thượng Đào Như, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPCT, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPCT, trụ trì chùa Pôthi Sômrôn; Thượng tọa Dương An, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Cần Thơ, trụ trì chùa Settodor; Thượng tọa, Tiến sĩ Lý Hùng, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Cần Thơ, Phó Hội trưởng Thường trực Hội đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ, Ban Cố vấn tham gia chương trình thực nghiệm; đồng chí Lê Thị Sương Mai, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, cùng đông đảo bà con người Khmer ở quận Ô Môn, huyện Cờ Đỏ tham dự. Đây là hoạt động nhằm thực hiện mô hình thực nghiệm lý thuyết tuyên truyền trong đồng bào người Khmer một trong những nội dung trọng tâm để hoàn thành đề tài khoa học cấp thành phố nhằm “Đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc Khmer ở TP. Cần Thơ” do Tiến sĩ Trần Việt Trường làm Chủ nhiệm4.

Trong buổi sinh hoạt này, Thượng tọa, Tiến sĩ Lý Hùng thông tin trong đồng bào người Khmer những nội dung cơ bản về chính sách xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước như: (i) Về đối tượng thụ hưởng, được quy định rõ trong Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 và Thông tư số 02/2017/UBDT ngày 22-5-2017 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. (ii) Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ DTTS nghèo theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020. (iii) Hình thức hỗ trợ cụ thể trên địa bàn TP. Cần Thơ theo Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 17-01-2018 của Ủy ban Nhân dân TP. Cần Thơ về việc Phê duyệt Đề án “Thực hiện Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội nơi có đồng bào DTTS đang sinh sống trên địa bàn TP. Cần Thơ giai đoạn 2017-2020”, Cùng với nội dung tuyên truyền là hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính đặc trưng của đồng bào người Khmer phục vụ đông đảo bà con đến tham dự chương trình.5

Với triết lý của Phật giáo Nam tông Khmer, đồng bào Khmer tiếp tục phát huy những phẩm chất tốt đẹp trong điều kiện mới nhờ kinh tế nông nghiệp tạo nên như: tinh thần lao động cần cù, đoàn kết, tương thân tương ái. Cơ cấu dân số và lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực, nguồn lực lao động trẻ khỏe, dồi dào; cùng với nền sản xuất hàng hóa rất cởi mở, năng động và nhạy bén, nhất là với những tiến bộ khoa học công nghệ. Cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế trong vùng đồng bào Khmer ngày càng được tăng cường. Cơ sở hạ tầng đã và đang được đầu tư phát triển mạnh trong vùng. Qua hơn 30 năm đổi mới niềm tin của trong vùng đồng bào Khmer vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đảng bộ tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long vào đường lối đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng sâu sắc; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer được nâng lên rõ rệt.

2.2. Vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer đối với đời sống tôn giáo

Người Khmer quan niệm sống cốt yếu để làm phước. Hầu hết các lễ, hội của người Khmer đều mang ý nghĩa làm phước. Đối với người Khmer, làm càng nhiều thì phước hạnh càng nhiều nên cứ mỗi dịp lễ, hội, họ lại không sợ tốn kém đều cố gắng chuẩn bị gạo thóc, vải lụa, cơm xôi, trà bánh, mặn, ngọt, hoa quả mang đến để tặng chùa; những người khá giả giàu có còn làm phước cho người nghèo trong làng, xã, phum, sóc của mình và các vùng lân cận. Do đó, mỗi dịp lễ, hội là mỗi dịp để các tín đồ, Phật tử thể hiện tấm lòng nhân đức, bao dung, rộng lượng, nhân ái cao cả của mình, làm cho người người càng xích lại gần nhau, yêu thương nhau hơn.

Phật giáo Nam tông Khmer với giáo lý, giáo luật, lễ nghi đơn giản phù hợp với cuộc sống đời thường của người Khmer sống ở sông nước miệt vườn. Người Khmer đã tiếp nhận Phật giáo Nam tông và đưa tôn giáo này lên vị trí độc tôn trong đời sống vật chất, tinh thần của mình. Những triết lý nhà Phật đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến đồng bào dân tộc Khmer. Văn hóa tộc người Khmer và Phật giáo Nam tông đã hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau tạo nên một chỉnh thể văn hóa tôn giáo – tộc người độc đáo và đặc sắc của người Khmer.

Phật giáo Nam tông gìn giữ giá trị tôn giáo đạo Phật trong truyền thống tín ngưỡng của dân tộc và mỗi tu sĩ là những con người làm nhiệm vụ của mình là tu học rèn luyện bản thân với mục đích là gìn giữ đạo giáo hơn là để bản thân giải thoát đến với cõi niết bàn, vì trong mỗi vị đều nhận thức rằng trong hiện tại thì các vị không thể làm được điều đó (giải thoát). Cho nên trong người Khmer gọi các vị là “Sammatisang” (Tăng quy ước) có nghĩa là các vị là những tu sĩ được quy ước là Tăng, gọi như thế để phân biệt với các chư Tăng là A la hán thuở xa xưa mà đến nay mọi người luôn khao khát nhưng vẫn không thể đạt được. Tuy không phải là A la hán nhưng mỗi tín đồ người Khmer ai ai cũng kính trọng các vị và ví các vị như là lửa và ví von rằng: “Đã là lửa thì dù lớn hay nhỏ đều có tác dụng như nhau, một khi đã cháy thì từ lửa nhỏ sẽ phát triển thành lửa lớn và sức hủy diệt cũng giống nhau thôi”.

Trong cuộc đời tu học của mình, nhiều vị đã hy sinh cuộc đời phàm tục tràn đầy sức sống vì đạo giáo để tu hành trọn đời. Các vị là người trực tiếp và gián tiếp gìn giữ, duy trì hoạt động của chùa chiền, của Phật pháp nhằm làm tấm gương tinh thần cho các Phật tử noi theo và được những người sùng đạo kính trọng. Vì vậy, đã bao thế kỷ mà người Khmer vẫn gắn bó với Phật giáo Nam tông.

Theo truyền thống, thanh niên Khmer phải có một thời gian vào chùa tu để báo hiếu cha mẹ, học lễ nghĩa, học chữ, học kinh sách Phật giáo. Thời gian vào chùa tu có thể vài ba tuần, vài ba tháng, hoặc vài ba năm, có cơ duyên Phật pháp thì tu suốt đời, do vậy lực lượng tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer thật hùng hậu. Hình ảnh của tu sĩ là một hình ảnh không thể thiếu trong nhận thức của đồng bào Khmer.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao nam tong Khmer Dong bao khmer nghe giang giao ly 1

Đồng bào Khmer lên chùa nghe giảng đạo lý. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Mỗi chùa đều có Achar hoặc Ban Quản trị chùa. Họ là những bậc lớn tuổi, đã trải qua quá trình tu học tại chùa, có kinh nghiệm sống và uy tín trong phum sóc, được cử ra để giúp việc Sư cả trong thời gian lâu dài. Đây là bộ phận nắm giữ vật chất, tiền của trong chùa, có vai trò quan trọng đối với đời sống cộng đồng, nên việc bổ nhiệm cần có sự đồng thuận từ phía nhà chùa và cộng đồng. Một góc độ khác, mối quan hệ giữa Phật giáo Nam tông Khmer với Phật giáo Bắc tông của người Việt, Hoa trong vùng Khmer vừa là quan hệ tôn giáo vừa là quan hệ tộc người, cần tạo điều kiện để các tộc người, các hệ phái được gần gũi, chia sẻ với nhau trong các công việc chung của Giáo hội.

Vì thế, Phật giáo là một bộ phận văn hóa của dân tộc Khmer, tạo nét đặc sắc cho văn hóa Khmer Nam bộ. Phật giáo có vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống nhiều mặt của người Khmer Nam bộ. Trong quá khứ và hiện tại, Phật giáo đã góp phần cố kết cộng đồng Khmer, cũng như sự ổn định và phát triển của người Khmer.

Phật giáo Nam tông Khmer có vai trò quan trọng đối với đồng bào dân tộc Khmer, trở thành cốt lõi của nền văn hóa Khmer đặc sắc và độc đáo. Hầu như mọi hoạt động trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng phum, sóc gắn với tín ngưỡng tôn giáo dân tộc, người Khmer đều dựa vào triết lý của đạo Phật.

2.3. Vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer đối với đời sống văn hóa – xã hội

Phật giáo Nam tông Khmer góp phần rất lớn trong việc giáo dục hình thành nhân cách đạo đức, dân trí của cộng đồng dân tộc Khmer. Đạo đức dạy chữ Khmer ngữ, tiếng nói chữ viết ở các trường chùa, thông qua triết lý mang tính nhân đạo và quan niệm nhân quả của đạo Phật đã tác động sâu sắc đến từng thành viên trong gia đình, trong cộng đồng dân tộc Khmer, làm cho mọi người muốn hướng thiện, làm việc lành, tránh điều ác. Con người biết khiêm tốn, nhường nhịn, tương trợ giúp đỡ nhau, không so bì hơn thiệt. Làm cho cái tâm của họ không bị vẩn đục bởi tiền tài, vật chất cám dỗ. Việc tu học theo Phật giáo Nam tông, việc hình thành các trường chùa, đã góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng các ngành nghề để có thể phục vụ cuộc sống bình thường.

Động viên đồng bào Khmer thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của địa phương, vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, làm lành mạnh các quan hệ xã hội ngay trong từng gia đình; động viên các gia đình cho con em tham gia đến trường học tập, thực hiện sống khỏe, sống vui và hạnh phúc, sống có ích, chống các tệ nạn xã hội, phải đoàn kết chống lại âm mưu và thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch.

Giáo lý, giáo luật, những triết lý sống của tôn giáo này được Phật giáo Nam tông Khmer truyền đạt có sự tác động rất lớn đến lối sống, đạo đức của người Khmer. Với vai trò, chức năng và những giá trị nhân văn sâu sắc của mình, Phật giáo Nam tông đã trở thành chỗ dựa trong đời sống văn hóa tinh thần của đại đa số người dân Khmer. Những chuẩn mực của đạo đức Phật giáo có tác dụng điều chỉnh hành vi, nhân cách con người, ảnh hưởng tích cực đến tín đồ. Điều này thể hiện tính độc lập tương đối của các hình thái ý thức xã hội, chúng luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau tạo nên nét đặc thù trong lối sống, đạo đức cho dân tộc này.

Hơn nữa, chịu ảnh hưởng nhiều bởi triết lý, tư tưởng về “từ bi, hỷ xả” trong triết lý của đạo Phật và đã từ lâu ăn sâu vào máu thịt của họ nên người Khmer tin theo Phật giáo Nam tông sống rất hiền hòa; người trong phum sóc rất đoàn kết, gắn bó với nhau. Sự đoàn kết ấy thể hiện qua cách cư xử hàng ngày như sống có nghĩa có tình, luôn sẵn lòng giúp nhau trong những cơn hoạn nạn, cùng nhau chung tay gánh vác để xây cất, tu sửa ngôi chùa, không đùn đẩy trách nhiệm cho một cá nhân nào. Tùy theo từng gia cảnh, ai có tiền nhiều thì đóng góp nhiều, ai có ít thì góp ít, không phân biệt giữa những người trong phum, sóc của mình. Bởi lẽ, với người Khmer việc cúng dường, làm phước là điều rất thiêng liêng cao cả, nhiều gia đình giàu có sẵn sàng bỏ tiền của để làm phước cho chùa và cho những người nghèo khổ trong phum, sóc của mình và những nơi lân cận.

Bên cạnh đó, cùng với tư tưởng “từ bi”, “cứu khổ” các chùa Khmer đã dang rộng vòng tay sẵn lòng đón tiếp những người lang thang cơ nhỡ, những trẻ mồ côi không nơi nương tựa, những người già cô đơn hay những kẻ trước đây đã lầm đường lạc lối muốn phục thiện trở về, tùy sức làm công quả trong chùa được việc gì thì làm, không làm được thì các vị sư thay nhau chia sẻ phần cơm do tín đồ dâng cúng để nuôi người già qua quãng đời còn lại và học sinh, sinh viên nghèo. Việc làm nhân đạo của nhà chùa là hoàn toàn tự nguyện, thực hiện giáo lý từ bi, phổ độ chúng sinh của đức Phật. Bởi vậy, người được nhà chùa giúp đỡ nương nhờ của Phật thấy được an ủi và thấy cần phải cố gắng không ai có tư tưởng ỷ lại. Bên cạnh đó, việc các gia đình tổ chức làm phước để bố thí tiền bạc, gạo thóc cho người nghèo thể hiện được tính nhân văn, nhân đạo theo đúng tinh thần Phật pháp là cứu khổ, cứu nạn cho bá tánh đồng bào.

Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước và các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tham gia tích cực các hoạt động từ thiện xã hội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền địa phương phát động như: Hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và vận động Phật tử đóng góp tiền xây trường học, xây cầu, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, tặng nhà đại đoàn kết, cụ thể như:

Tỉnh Sóc Trăng, trong giai đoạn 2018 – 2020, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước đã phát huy tốt công tác từ thiện xã hội như: đóng góp quỹ vì người nghèo, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, nuôi dưỡng người già neo đơn, ủng hộ quỹ khuyến học khuyến tài, ủng hộ lớp học tình thương, phát quà cho người nghèo, giúp gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn, xây dựng đường nông thôn, cấp tập vở cho các em, v.v… với tổng số tiền trên 15,32 tỷ đồng.6

Tại Bạc Liêu, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước đã động viên các chùa tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Năm 2019 – 2020 Ban Từ thiện – Xã hội của HĐKSSYN tỉnh Bạc Liêu được ủng hộ của các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân đã góp phần thực hiện kết quả: Phát 12 tấn gạo cho người nghèo, giúp hàng chục áo quan cho các gia đình khó khăn, xây 3 cây cầu nông thôn và xây dựng 2 căn nhà tình thương cho hộ nghèo tổng trị giá 2 tỷ 386 triệu đồng.7

Các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh Kiên Giang đã vận động các nhà mạnh thường quân, Phật tử có lòng hảo tâm trong bổn tự và các nơi làm công tác từ thiện từ năm 2018 đến nay được 25.567.997.150 đồng. Trong đó, có cất nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo, xây cầu qua sông, làm đường đi, khoan giếng nước, tặng tập viết cho học sinh nghèo, phát quà cho người nghèo nhân ngày lễ lớn tại chùa, nhận nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ em không nơi nương tựa, hốt thuốc nam trị bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, hỗ trợ quan tài, hỏa táng miễn phí cho người nghèo khi qua đời8,…

Mặc dù, lối sống và đạo đức của người Khmer chịu sự ảnh hưởng khá lớn của Phật giáo Nam tông nhưng do nhu cầu giao lưu văn hóa với các dân tộc khác xung quanh nên đã ít nhiều có phần biến đổi, đặc biệt là ở giới trẻ. Đạo đức mà Phật giáo Nam tông Khmer truyền đạt ảnh hưởng đến nay vẫn phát huy được mặt tích cực của nó như việc đi tu của thanh niên được xem là một trong những phong tục của người Khmer chịu sự ảnh hưởng giá trị tư tưởng hiếu nghĩa, luật nhân quả, hướng thiện của Phật giáo Nam tông; đồng thời, tục đi tu của thanh niên Khmer cốt là để báo hiếu cho cha mẹ, học những kiến thức về văn hóa, xã hội về những kinh nghiệm sống để khi hoàn tục trở thành những công dân có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

2.4. Vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer đối với đời sống chính trị

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, HĐKSSYN (cấp khu, tỉnh, huyện) đã công khai kêu gọi tập hợp các tầng lớp chư tăng và Phật tử Khmer có xu hướng chính trị khác nhau kể cả binh lính, công chức ngụy quân, ngụy quyền nêu cao lòng yêu nước, đoàn kết chống xâm phạm tự do tín ngưỡng, xâm phạm chùa chiền, đòi hoà bình trung lập, độc lập dân tộc. Kết quả hoạt động của Hội đã làm chuyển biến, phân hoá nhiều lực lượng địch. Số chư Tăng ở các chùa vùng tạm chiếm thân chính quyền Mỹ – Ngụy dần chuyển sang trung lập. Các địa phương đã tập hợp được đông đảo đồng bào, sư sãi Khmer tham gia, ủng hộ cách mạng, đấu tranh chống địch rất mạnh mẽ. Nhiều ngôi chùa là cơ sở cách mạng an toàn. Một bộ phận khác trung lập đã thay đổi chuyển theo cách mạng tạo thành khối đoàn kết tiến hành các cuộc biểu tình lớn nhỏ khắp các tỉnh chống lại chính quyền Sài Gòn với các hình thức từ thấp đến cao, góp phần tích cực vào chiến thắng 30-04-1975. Một số chức sắc Khmer, tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer đã hy sinh. Nhiều vị đã trở thành cán bộ cốt cán của Đảng và Nhà nước, người tiêu biểu trong cộng đồng và quần chúng nhân dân. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước “trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 92 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 11 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 2.863 liệt sĩ, 1.029 thương binh là người dân tộc Khmer và hàng chục ngàn gia đình Khmer có công với nước”.9

Phong trào giải phóng dân tộc như đã nêu, là biểu hiện rất rõ về tính nhập thế của Phật giáo Nam tông Khmer trong bối cảnh quốc gia, dân tộc bị áp bức, bóc lột, đồng hóa qua các thời kỳ lịch sử. Đáng trân trọng là “tinh thần yêu nước”, vì nhiều vị chư Tăng Khmer đã lãnh đạo và huy động đoàn kết thực hiện trách nhiệm tham gia cứu nước, giải phóng dân tộc. Điển hình như: Hòa thượng Tăng Phố (tức Trần Phố), Hòa thượng Tăng Hô, Hòa thượng Tăng Nê (Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ), Hòa thượng Sơn Vọng (Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới và là cố vấn Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Tây Nam bộ), Hòa thượng Thạch Som, Hòa thượng Hữu Nhem,… Nhiều vị chư tăng đã thoát ly và trở thành cán bộ chỉ huy quân sự giỏi hoặc lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan của hệ thống chính trị như: Maha Sơn Thông, Maha Huỳnh Cương, Sơn Ngọc Minh, Thạch Mẹnre, Thạch Tụm, Trần Lai, Achar Sabút, Lui Sarát, Trịnh Thới Cang, v.v…

Ban chấp hành Hội thường xuyên phối hợp làm công tác phổ biến, tuyên truyền vận động các giới tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer, Ban Quản trị, Achar và Phật tử học tập và quán triệt các đường lối, chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhằm tạo được sự đoàn kết chung giữa tôn giáo dân tộc và dân tộc với dân tộc, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Từ đó, tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào dân tộc Khmer luôn ý thức và nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đồng thời, Ban Chấp hành đa số các Hội cũng đã ký quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự với Công an các tỉnh, thành trong vùng Tây Nam bộ.

Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh, thành trong vùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; cùng tham gia phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo vận động các vị chức sắc, tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer, Achar, Ban Quản trị và đồng bào dân tộc Khmer tham gia sinh hoạt các lớp phổ biến chính sách pháp luật do Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc tổ chức hàng năm.

Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Phật giáo Nam tông Khmer tích cực tham gia các phong trào cách mạng, chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đặc biệt là HĐKSSYN đã tổ chức, quản lý, điều hành công tác quản lý Phật sự, xã hội và đội ngũ tu sĩ trẻ thực hiện nghiêm túc Hiến pháp, pháp luật và Hiến chương, nội quy Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thực hiện phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, HĐKSSYN vùng Tây Nam bộ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, hòa hợp dân tộc; đến nay đã trải qua nhiều kỳ đại hội. Đại hội đại biểu HĐKSSYN bầu Ban Chấp hành Hội cấp tỉnh, thành có nhiều vị có uy tín và đức hạnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam được suy cử, suy tôn vào Ban, Viện Trung ương.

2.5. Vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer đối với đời sống kinh tế

Phật giáo Nam tông Khmer truyền bá, giáo dục kinh tế lành mạnh trong cộng đồng người Khmer. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa như ở Việt Nam; một lối sống lành mạnh, tốt đẹp vừa là những phẩm chất cần thiết góp phần phát triển nguồn lực con người, nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, vừa là yếu tố văn hóa góp phần xây dựng xã hội ổn định, văn minh. Nếu một người nào đó chỉ biết chạy theo lợi ích vật chất của cá nhân, thiếu tình yêu thương đối với đồng loại, những người xung quanh thì họ sẽ sẵn sàng thực hiện các hoạt động kinh tế vì cá nhân mà phương hại đến lợi ích của cộng đồng như buôn gian bán lận, làm ăn giả dối,…

Những hoạt động kinh tế như vậy không thể góp phần thúc đẩy một nền kinh tế phát triển bền vững. Một nền kinh tế phát triển bền vững là một nền kinh tế dựa trên nguồn nhân lực có tri thức cao và có đạo đức, phẩm chất nhân văn, nhân ái. Phật giáo Nam tông Khmer có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lễ nghĩa, tôn ti trật tự… cho cộng đồng Khmer theo triết lý hướng thiện, từ bi, hỷ xả của đức Phật. Đây là những phẩm chất rất cần thiết của người lao động trong thời kỳ mới. Ở khía cạnh này, Phật giáo Nam tông sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững ở đồng bào Khmer.

Phật giáo Nam tông giáo dục giáo lý làm cho ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông Khmer trong kinh doanh, nên người Khmer Nam bộ luôn có lối sống ngay thẳng, thật thà, rất tôn trọng đạo lý, không cạnh tranh, lừa dối trong làm ăn, mọi người trong phum, sóc luôn biết nhường nhịn, tương trợ, giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm với nhau, không so bì, hơn thiệt, không hề giấu giếm nghề. Họ trọng tình nghĩa, chân thành, thương yêu, sẵn sàng giúp người thân, bạn bè khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Với doanh nhân hay xí nghiệp thành đạt mà nói, cái quan trọng nhất, có giá trị nhất chính là danh dự của mình và đạo đức là cốt lõi hình thành nên nhân cách con người.

Tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer là người hướng dẫn, ngôi chùa PGNT là nơi đào tạo kiến thức, đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất, xây dựng vốn sống cho con em đồng bào dân tộc Khmer.

Phật giáo Nam tông không đơn thuần chỉ là một tôn giáo, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của đồng bào Khmer, mà trong lịch sử, tôn giáo này đã có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng Khmer, trong đó có việc phát triển nguồn lực con người. Các tu sĩ Khmer cũng là những trí thức Khmer, họ nắm toàn bộ tinh hoa tri thức đã tích lũy từ bao đời nay của dân tộc Khmer từ ngôn ngữ đến nghệ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Trong thời gian các thanh niên Khmer tu học tại chùa, những tri thức của cộng đồng Khmer được các tu sĩ trao truyền giúp họ nâng cao nhận thức và hiểu biết. Thậm chí, nhà chùa tạo điều kiện cho các Tăng sinh đang tu trong chùa được học nghề một cách tự nhiên. Hằng ngày, các vị tu sĩ được truyền dạy một số nghề cơ bản nhất, cần thiết nhất như: học cưa, đục bào, đóng tủ bàn ghế, học xây cất nhà cửa, trồng các loại rau, trồng các loại cây ăn trái, trồng các loại cây lâu năm lấy gỗ, học cày cấy làm ruộng, học vẽ các hoa văn theo đường nét của dân gian dân tộc, học nặn tượng, nặn các phù điêu truyện kể cổ tích.10

Hiện nay, các Tăng sinh trong chùa còn học thêm nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến và hiện đại trong các ngành, các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, v.v… Đặc biệt, các Tăng sinh trong chùa còn tranh thủ học nhiều chuyên môn khác nhau, nhưng hiện đăng ký học nhiều nhất vẫn là vi tính và các ngoại ngữ: Anh, Pháp, v.v…11 nhằm để nâng cao trình độ, kiến thức nhất định, một mặt để truyền đạt lại kiến thức cho cộng đồng trong phum, sóc. Mặt khác, để tiếp nối truyền dạy cho đệ tử sau này. Khi các vị sư hoàn tục, muốn xây dựng gia đình thì đã biết một số nghề cơ bản, có công ăn việc làm nuôi vợ nuôi con ngay, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của gia đình, xã hội. Phật giáo Nam tông Khmer góp phần tác động đến việc thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Đa số đồng bào Khmer ở Nam bộ là nông dân, vẫn chịu ảnh hưởng những tập tục lạc hậu. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu đãi phát triển kinh tế ở Tây Nam bộ. Nhận thức và tranh thủ được vai trò của các tu sĩ trong đời sống của đồng bào Khmer nên các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thông qua họ để tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức như: lồng ghép trong các buổi thuyết giảng kinh, luật, luận trên chùa, các vị tu sĩ sẽ gặp gỡ trực tiếp người dân để tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, của địa phương cũng như cách thức thực hiện, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả phục vụ sản xuất.

Có thể nói, vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer góp phần tác động đến việc thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc Khmer là rất quan trọng. Tích cực tham gia, động viên Phật tử cùng tham gia những công tác phúc lợi xã hội như: xây dựng trường, lớp học, bắc cầu, đắp đường phục vụ lợi ích dân sinh và phát triển sản xuất.

Thực hiện việc phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc Khmer phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống. Phật giáo Nam tông Khmer có nhiều nỗ lực cùng với các vị chức sắc, Achar, Ban Quản trị chùa tích cực tuyên truyền trong sư sãi, bà con tín đồ Khmer tập trung lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, biết đổi mới, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào cây trồng vật nuôi, nâng cao năng suất, hiệu quả góp phần giảm nghèo, quan tâm chăm lo việc học tập của con em, giữ gìn các ngành nghề truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

2.6. Vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer đối với thanh niên Khmer trong quá trình tu học

Thanh niên Khmer đã có tham gia tu học luôn là một thành viên gương mẫu trong gia đình, định hướng các hoạt động theo đạo đức Phật giáo Nam tông, là chỗ dựa về mặt tư tưởng, niềm tin của gia đình trong việc ứng xử, trong lao động sản xuất. Trong xã hội, thanh niên Khmer sau tu học là người có địa vị, được xã hội kính trọng, sẵn sàng giúp đỡ, hòa giải các mâu thuẫn xảy ra, giúp ích cho chính quyền địa phương trong các phong trào vận động xã hội hóa, biết giáo dục thanh thiếu niên Khmer chấp hành tốt những qui định của địa phương, tham gia tốt các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao mà địa phương tổ chức.

– Đối với bản thân và gia đình: Thanh niên Khmer sau một thời gian tu học trong chùa luôn tự xem mình là người gương mẫu về đạo đức và nhân cách sống. Trong cách ăn nói, đi đứng phải cư xử làm sao để mọi người nhìn vào có thể nhận ra mình là người đã qua thời gian tu học trong chùa. Trong gia đình luôn hiếu kính với ông bà cha mẹ, khi có bất hòa thì đứng ra dàn xếp cho ổn thỏa. Vai trò quan trọng nhất chính là luôn nêu cao và giáo dục truyền thống tu học cho con em đồng bào Khmer, trước hết là các thành viên trong gia đình. Đặc biệt hơn, khi các gia đình bà con Khmer trong phum, sóc tổ chức lễ lộc, ma chay, cưới hỏi, thì bản thân người từng tu học luôn sốt sắng giúp đỡ trong khâu tổ chức, hướng dẫn. Bởi lẽ họ là những người đã từng đi tu trong chùa, nên am hiểu về các nghi lễ, nghi thức, về phong tục tập quán của dân tộc.

– Đối với cộng đồng xã hội: Thanh niên Khmer xuất gia tu học không chỉ là niềm hãnh diện đối với bản thân mà còn là niềm tự hào đối với dòng tộc. Sau tu học trở về đời thường họ luôn gương mẫu trong các hoạt động Phật sự và trong công tác xã hội. Với năng lực, trình độ đã học được trong chùa, sự hiểu biết về pháp luật, họ đã ra sức tuyên truyền vận động trong bà con lối xóm thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết trong đồng bào và góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Qua thời gian tu học tại chùa, dù lâu hay mau, thời gian ngắn hay dài, người thanh niên Khmer cũng tiếp thu được những kiến thức nhất định về Phật học, thế học, về ngôn ngữ và các ngành nghề truyền thống, từ đó có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng và xã hội.

Trước hết, vì có vốn kiến thức về văn hóa, kiến thức về phong tục tập quán, các hoạt động tôn giáo trong chùa nên bản thân các thanh niên ấy sẽ biết cách tổ chức các lễ nghi, các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời luôn giáo dục và hướng con em người Khmer biết trân trọng giá trị văn hóa của dân tộc, một lòng thành kính đức Phật và tin tưởng tuyệt đối vào tôn giáo truyền thống của mình.

Trong quá trình tu học, đã có không ít thanh niên Khmer trước kia từng làm trụ trì các ngôi chùa, qua đó họ biết cách thức tổ chức, quản lý và đoàn kết các thành viên trong chùa, giáo dục lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Khi trở về đời thường, họ phát huy tốt vai trò đó và là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Có thể nói, thông qua quá trình tu học tại chùa, từ việc tiếp thu chân lý của đức Phật, sự hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, thanh niên Khmer sau tu học đã thực hiện tốt công việc truyền bá trong đồng bào Khmer về những giá trị truyền thống của Phật giáo, của dân tộc Khmer, đặc biệt là những giá trị do ngôi chùa mang lại. Người thanh niên Khmer sau tu học đã giúp cho đồng bào Khmer củng cố thêm tình yêu đối với quê hương, đất nước, vun đắp thêm tình làng nghĩa xóm trong phum, sóc, là cơ sở tạo sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng. Góp phần thực hiện đường lối của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Người Khmer tham gia tu học được học chữ dân tộc, tiếp cận kinh Phật, tiếp nhận sách báo, tạp chí liên quan đến chính sách pháp luật Nhà nước, học được cách thức tổ chức hội họp, sinh hoạt văn nghệ, thể thao trong các ngày lễ. Được rèn luyện về tinh thần từ bi, vị tha và hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ, học kiến trúc, điêu khắc, các loại hình nghệ thuật. Với kiến thức được tích lũy đó, sau tu học, người thanh niên Khmer có nhiều đóng góp cho gia đình và xã hội, truyền lại cho thế hệ sau.

Việc tham gia tu học ở chùa, thanh niên Khmer còn có điều kiện giao lưu với khách thập phương, học hỏi được nhiều điều từ khách phương xa, đồng thời người ta biết được đồng bào, sư sãi và quê hương thông qua chùa có những điểm nổi bật nào đó, gây được chú ý hoặc gợi được trí tò mò của khách. Đó cũng là cơ sở, nền tảng kiến thức về giao lưu với các tôn giáo, các dân tộc khác cho thanh niên Khmer tu học và sẽ truyền đạt lại trong thanh thiếu niên, trong đồng bào Khmer để có thêm vốn kiến thức trong giao tiếp, hội nhập.

Thanh niên Khmer qua quá trình tu học đã đóng góp thiết thực và hữu ích cho cộng đồng và xã hội. Họ luôn xem mình là người gương mẫu về đạo đức và nhân cách sống. Với năng lực, trình độ đã học được giáo dục trong chùa, sự hiểu biết về pháp luật, họ đã ra sức tuyên truyền vận động trong bà con Khmer thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết trong đồng bào, giáo dục truyền thống tu học cho thanh thiếu niên và góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tóm lại, vai trò của tu sĩ Khmer trong đời sống cộng đồng, trong xã hội truyền thống và trong cả sinh hoạt đời thường của người Khmer hiện nay. Từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, kết hôn đến khi chết, cúng tế,… đều có sự hiện diện của tu sĩ. Tu sĩ không chỉ trực tiếp tiến hành thực hiện các lễ thức trong vòng đời người mà còn nhập thế, tham gia các hoạt động xã hội. Chính vai trò này mà tu sĩ được người Khmer kính trọng, coi họ là hiện thân của đức Phật. Như vậy, đối với cộng đồng người Khmer Nam bộ thì tu sĩ cùng với Phật giáo Nam tông đã trở thành một nhu cầu tinh thần và niềm tin tuyệt đối.

Với nét đặc thù của Phật giáo Nam tông Khmer mà từ xưa đến nay mỗi một ngôi chùa đều thành lập một Ban Quản trị, mỗi thành viên Ban Quản trị đều có vị trí vai trò quan trọng trong cộng đồng dân tộc Khmer, giúp các vị sư trụ tì chùa hướng dẫn Phật tử thực hiện phong tục tập quán và lễ nghi tôn giáo, đồng thời hướng dẫn phật tử thực hiện đúng theo chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từng thành viên Ban Quản trị, phải là người am hiểu về phong tục tập quán và lễ nghi tôn giáo, sống gương mẫu, có uy tín trong cộng đồng người Khmer, được tập thể cộng đồng người Khmer kính trọng, tín nhiệm và suy cử.

Chức năng của Ban Quản trị: Nâng cao ý thức tâm nguyện đoàn kết nội bộ và hướng dẫn Phật tử thực hành theo đúng truyền thống của dân tộc và Phật giáo. Quan hệ mật thiết giữa các tôn giáo, dân tộc anh em đang sinh sống cùng địa bàn, xây dựng sự đoàn kết theo phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”.

Phối hợp cùng Trụ trì chùa giữ gìn và phát triển nền văn hóa mang bản sắc dân tộc theo đúng lễ nghi của Phật giáo và truyền thống dân tộc, bảo tồn giá trị những công trình kiến trúc cơ sở tôn giáo.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Nhung ngoi chua Phat giao Nam tong Khmer chua Tong Kim Quang 3

Hướng dẫn Phật tử tổ chức các lễ nghi như: Lễ tang, lễ cưới, lễ giỗ, lễ phước thiện với tinh thần tâm nguyện trong phạm vi khả năng kinh tế của mỗi gia đình. Chịu trách nhiệm trước phật tử và sự chỉ đạo của trụ trì chùa trong việc quản lý, bảo quản tài sản chung của nhà chùa không để thất thoát. Công khai tài chính rõ ràng, sử dụng đúng mức, đúng việc và tiết kiệm. Phối hợp cùng với trụ trì giáo dục tu sĩ và phật tử ý thức Phật giáo Nam tông Khmer là một thành viên gắn bó trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Quyền hạn của Ban Quản trị: Tổ chức điều động hội họp Ban quản trị, tập trung tín đồ theo định kỳ hay tổ chức các lễ nghi tôn giáo theo luật định của Phật giáo và lễ cổ truyền của người dân tộc. Tổ chức Đại hội, Hội nghị thường niên của Ban Quản trị. Tổ chức lấy ý kiến lập thủ tục bổ nhiệm Trụ trì chùa theo quy định.

Khi cần, được quyền đề nghị lên Trụ trì và HĐKSSYN tổ chức bầu bổ sung hay bầu lại Ban Quản trị đảm bảo đủ sức điều hành sinh hoạt, hoạt động tôn giáo nơi thờ tự. Được quyền tham gia giám sát việc xây dựng và phát triển kinh tế tại địa bàn quản lý. Tham gia góp ý với chính quyền địa phương về quyền lợi, nghĩa vụ của công dân về phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế ở địa bàn mình phụ trách.

Qua bao thế kỷ người Khmer Nam bộ đã gắn bó với Phật giáo Nam tông; với vai trò, chức năng và những giá trị nhân văn sâu sắc của mình; Phật giáo Nam tông đã trở thành chỗ dựa trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Khmer. Đặc biệt khi thanh, thiếu niên vào chùa đi tu sẽ được các sư sãi khuyên dạy những điều hay lẽ phải “lễ nghĩa”, dạy học chữ, viết chữ, dạy nhân cách làm người… Để khi thanh thiếu niên đó trở về gia đình, hòa nhập vào cuộc sống đời thường có được một kiến thức nhất định sẽ vững vàng hơn trong cuộc sống. Qua nghiên cứu chúng tôi khái quát những nét đặc trưng của Phật giáo Nam tông Khmer được thể hiện trên các mặt như sau:

Trong thời gian tu học làm tu sĩ, đa số các vị được sự giúp đỡ về mọi mặt vật chất lẫn tinh thần từ phía nhà chùa và các tín đồ đóng góp. Trong suốt quá trình các vị sư tu học, trụ trì ở các chùa luôn quan tâm giúp đỡ học tập Phật học và thế học và cưu mang che chở giúp đỡ mọi thứ, cụ thể những năm gần đây HĐKSSYN các cấp cũng đã giới thiệu cho tu sĩ Khmer đi học các nơi như: Trường Bổ túc Văn hóa Pali trung cấp Nam bộ tại Sóc Trăng; Học viện Phật giáo Nam tông ở TP. Cần Thơ; các trường cao đẳng, đại học ở trong nước và nước ngoài (chủ yếu là du học tại Thái Lan và Myanmar, Siri Lanka, Ấn Độ).12

III. KẾT LUẬN

Phật giáo Nam tông Khmer ngày càng có vị trí quan trọng vì nó không chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận mà gần như cả cộng đồng này. Trong bối cảnh ấy, chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước ta ngày càng trở nên cởi mở, thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các tôn giáo, trong đó có PGNTK ngày càng nhập thế, hội nhập sâu vào đời sống xã hội phát huy truyền thống nhập thế của mình, tích cực góp phần vào việc củng cố bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy cộng đồng người Khmer phát triển hòa cùng sự phát triển chung của đất nước và nhân loại.

PGNTK phát huy những ảnh hưởng tích cực từ các vai trò trong công tác tuyên truyền, tôn giáo, văn hóa – xã hội, chính trị, kinh tế và đối với thanh niên Khmer sau khi tu học và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của PGNTK nói chung, của cộng đồng người Khmer nói riêng trong quá trình xây dựng đời sống xã hội, góp phần lớn mạnh trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

TTTS. Lý Hùng
Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó trưởng Ban Pháp chế GHPGVN, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP. Cần Thơ. Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ,… Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây, TP.Cần Thơ.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

1 Lý Hùng (2020), Vai trò của tu sĩ Phật giáo Nam tông trong đời sống xã hội của người Khmer ở Tây Nam bộ hiện nay. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
2 Lý Hùng (2019), Sự truyền thừa của Phật giáo vào vùng châu thổ sông Mê kông qua cứ liệu thời Vương quốc Phù Nam và văn hóa óc Eo – Những vấn đề khoa học đặt ra cần nghiên cứu hiện nay, số 10 (83), Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, Hà Nội.
3 Lý Hùng (2020), Vai trò của tu sĩ Phật giáo Nam tông trong đời sống xã hội của người Khmer ở Tây Nam bộ hiện nay. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
4 Trần Việt Trường (2020), Đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc Khmer ở thành phố Cần Thơ. Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Cần Thơ.
5 Trần Việt Trường (2020), Đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc Khmer ở thành phố Cần Thơ. Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Cần Thơ.
6 Số 46 BC-HĐKSSYN Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự của Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng.
7 Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ IX tại Vĩnh Long ngày 17 – 18 tháng 12 năm 2020.
8 Báo cáo ngày 01 tháng 11 năm 2020 về Công tác hoạt động của Phật giáo Nam tông tỉnh Kiên Giang từ 2018 – 2020.
9 Lý Hùng (2019), Những đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, số 7(187), Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Hà Nội.
10 http://www.daophatngaynay.com/vn/giao-duc/12023-Truyen-thong-giao-duc-Phat- giao-Nam-tong-Khmer-voi-moi-truong-sinh-thai-va-ban-sac-van-hoa-dan-toc-nhung-kien- nghi-can-thiet.html
11 http://www.daophatngaynay.com/vn/giao-duc/12023-Truyen-thong-giao-duc-Phat- giao-Nam-tong-Khmer-voi-moi-truong-sinh-thai-va-ban-sac-van-hoa-dan-toc-nhung-kien- nghi-can-thiet.html
12 Lý Hùng (2021), Khái quát Phật giáo Nam tông Khmer vùng Tây Nam bộ thế kỷ XIX-XX. Nxb Hồng Đức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Báo cáo ngày 01 tháng 11 năm 2020 về Công tác hoạt động của Phật giáo Nam tông tỉnh Kiên Giang từ 2018 – 2020.
Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự của Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng, số 46 BC-HĐKSSYN.
Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ IX tại Vĩnh Long ngày 17-18 tháng 12 năm 2020.
Lý Hùng (2019), Sự truyền thừa của Phật giáo vào vùng châu thổ sông Mê kông qua cứ liệu thời Vương quốc Phù Nam và văn hóa óc Eo – Những vấn đề khoa học đặt ra cần nghiên cứu hiện nay, số 10 (83), Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, Hà Nội.
Lý Hùng (2019), Những đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, số 7(187), Tạp chí nghiên cứu Tôn giáo, Hà Nội.
Lý Hùng (2020), Vai trò của tu sĩ Phật giáo Nam tông trong đời sống xã hội của người Khmer ở Tây Nam bộ hiện nay. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Lý Hùng (2020), Vai trò của tu sĩ Phật giáo Nam tông trong đời sống xã hội của người Khmer ở Tây Nam bộ hiện nay. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Trần Việt Trường (2020), “Đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc Khmer ở thành phố Cần Thơ. Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường