Tác giả: Trà Quang Thanh

Phật giáo du nhập vào Việt Nam đến nay đã hơn 2000 năm và tùy vào từng giai đoạn lịch sử mà hình thành các sơn môn, hệ phái khác nhau, tạo nên nhiều phương thức sinh hoạt Phật giáo phong phú. Nhiệm vụ chính của Phật giáo vẫn là hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, và tinh thần “hộ quốc, an dân” luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Đạo Phật Khất Sĩ là một sáng tạo độc đáo của Việt Nam, xuất phát từ Việt Nam, chỉ riêng ở Việt Nam mới có. Đây là một Hệ phái Phật giáo biệt truyền do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng, mở đạo vào giữa năm 1944, ở Nam bộ, với tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, về sau còn gọi là Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam (1966) và ngày nay gọi là Hệ phái Phật giáo Khất sĩ, một trong 9 tổ chức thành viên, có nhiều đóng góp đáng kể vào sự thống nhất và phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay.

Nếu so với nhiều tông phái, hệ phái khác của Phật giáo, Hệ phái Phật giáo Khất sĩ tính đến nay chỉ mới tồn tại gần 8 thập kỷ. Quãng thời gian này là quá ngắn so với trường kỳ lịch sử Phật giáo nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng. Nhưng Hệ phái Phật giáo Khất sĩ lại có một sức sống, lan tỏa, ảnh hưởng và phát triển, có thể nói là nhanh chóng. Lúc mới thành lập, Hệ phái này chỉ truyền thừa ở miền Tây Nam Bộ và bấy giờ, giáo đoàn Du Tăng chỉ có khoảng vài mươi vị. Thế nhưng, không lâu sau, Hệ phái đã lớn mạnh, nhiều đoàn Du Tăng được thành lập, mang y bát chân truyền và giáo lý từ bi của đức Phật phổ độ, hoằng hoá ở Sài Gòn - Gia Định và khắp các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ.

Từ sau năm 1954 đến trước năm 1975, Hệ phái Phật giáo Khất sĩ đã truyền bá rộng rãi đến các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ từ Huế, Quảng Trị trở vào. Đến hôm nay, Hệ phái đã hiện diện trên toàn cõi Việt Nam và đang truyền bá ở một vài châu lục, tại một số nước trên thế giới, như Úc, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Canada...

Phật giáo Khất sĩ dung hợp những nét đặc trưng của hai truyền thống Phật giáo đã tồn tại và phát triển lâu đời là Phật giáo Nguyên thủy (Nam truyền) và Phật giáo Đại thừa (Bắc truyền). Đây là yếu tố đầu tiên tạo nên sức hấp dẫn của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ. Tôn chỉ và chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của Hệ phái do đức Tổ sư khai sáng cũng là yếu tố quan trọng, tạo nên sức hấp dẫn lớn của Hệ phái và tư tưởng này được trình bày trong các bài pháp của đức Tổ sư, sau này được ghi lại đầy đủ trong bộ Chơn lý.

Tôn chỉ và chí nguyện của Hệ phái là sự kết tinh giữa Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền. Tuy tư tưởng giáo pháp chính yếu của hai truyền thống Phật giáo này tạo nên, nhưng vì được hình thành trên đất nước Việt Nam, nên Hệ phái mang đậm tính dân tộc sâu sắc trong hình thức tu học, phương pháp hành trì, kiến trúc đạo tràng, thờ phượng,… tất cả đều thuần một bản chất của người Việt Nam. Phật giáo Khất sĩ thể hiện được tính phổ biến, gần gũi, dễ hiểu, dễ học, dễ hành trì cho dân tộc Việt. Vì lợi ích thiết thực ấy, Hệ phái đã có sức lan tỏa rộng lớn đến mọi nơi, mọi chốn, làm nền tảng đạo đức trong cuộc sống của người Việt Nam.

Quá trình hình thành và phát triển của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ gắn liền với thời kỳ khó khăn gian khổ của đất nước. Đây là tổ chức giàu lòng yêu nước, có truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đã đóng góp công sức to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Sự đóng góp của Hệ phái trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, cho sự kiện thống nhất Phật giáo, xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam thật đáng trân trọng.

Suốt 8 thập kỷ trôi qua, kể từ ngày thành lập Hệ phái Phật giáo Khất sĩ, với sự nỗ lực nhiệt thành và những đóng góp tích cực của Hệ phái và các tổ chức hệ phái khác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng ngày càng lớn mạnh. Nhiều sự kiện Phật giáo trọng đại ghi dấu những bước tiến vượt bậc của Giáo hội, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, hỗ trợ sinh hoạt của các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, hoạt động từ thiện nhân đạo thiết thực, sâu rộng trong xã hội, đã góp phần cùng với Nhà nước trong công tác an sinh xã hội. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công 03 kỳ Đại lễ Vesak. Thành công của của Đại lễ Vesak đã thể hiện vị trí và uy tín của Giáo hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những kết quả trong công tác Phật sự, thế sự và sự hưng thịnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay là minh chứng khẳng định tinh thần đoàn kết, tinh thần lục hòa, trong đó có sự góp sức lớn lao của các vị Tăng Ni Hệ phái Phật giáo Khất sĩ, cùng chung tay giữ gìn mạng mạch Phật pháp, vì Đạo pháp, vì Dân tộc.

Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với sự kiện lịch sử, văn hóa, tôn giáo… Thời gian hội nhập và phát triển của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ là quá trình từng bước góp phần cùng với đất nước, đưa quê hương Việt Nam dần dần đi vào ổn định và phát triển về mọi phương diện. Điều đó khẳng định vai trò của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ trong lòng xã hội, trong lòng tín đồ Phật giáo. Từ hình thức kiến trúc, thờ phượng đến phương pháp tu tập, hành trì, Hệ phái đều thuần mang tính giáo dục, xây dựng con người, xây dựng xã hội, giúp con người hoàn thiện, xa rời khổ đau, đạt được hạnh phúc.

Giữ gìn và nối truyền là một sứ mạng thiêng liêng khó vẹn toàn trong bối cảnh xã hội hiện nay đang rất cần thời gian, sức lực và trí lực để phát triển đất nước. Vì thế, để ổn định tinh thần và đời sống cho nhân dân, không thể không có tiếng nói và việc làm của Tôn giáo. Trong lúc này, hơn bao giờ hết, phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội” của đạo Phật có ý nghĩa quan trọng cho một dân tộc hiền hòa, ưa chuộng hòa bình như đất nước Việt Nam.

Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đồng bào tôn giáo đã góp phần cùng đồng bào cả nước viết nên trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đã có nhiều người là tín đồ, chức sắc của các tôn giáo nói chung, trong đó có Hệ phái Phật giáo Khất sĩ, đã hy sinh vì độc lập, thống nhất đất nước. Ngày nay, trong công cuộc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào theo các tôn giáo đã đoàn kết cùng đồng bào cả nước tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đoàn kết xây dựng đất nước, để nước ta “Sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Các tổ chức Phật giáo đều được Nhà nước công nhận, tuy xây dựng đường hướng hành đạo riêng, phù hợp với đạo lý của mình, nhưng đều nêu cao tinh thần “Đạo pháp - Dân tộc”. Như thế, việc sinh hoạt của các tổ chức vừa phù hợp với giáo lý, với truyền thống văn hóa của dân tộc, vừa phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và xu hướng phát triển của thời đại, góp phần thực hiện thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thời kỳ hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay. Những đóng góp tích cực của các tổ chức tôn giáo đã được Đảng ta nhận định: “Các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hoạt động theo hướng gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, hòa ái, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước”.

Đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, đoàn kết giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau trong khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là nội dung cơ bản để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Không thể có khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, nếu không thực hiện được sự đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp cách mạng.

Đối với một đất nước đa dân tộc, nhiều tôn giáo như nước ta, vấn đề đoàn kết càng trở nên quan trọng. Muốn thực hiện khối đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, giai cấp, tầng lớp..., chúng ta cần phải thống nhất được điểm tương đồng, làm cơ sở cho việc tăng cường khối đại đoàn kết. Một khi thống nhất được điểm tương đồng, tinh thần yêu nước được phát huy, sự đoàn kết dân tộc thêm chặt chẽ và bền vững. Không thống nhất được “điểm tương đồng” sẽ không thể củng cố được khối đại đoàn kết toàn dân. Điểm tương đồng của khối đại đoàn kết có cội nguồn sâu xa từ truyền thống lịch sử dân tộc, từ tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam. Đồng bào dù theo tôn giáo hay không theo một tôn giáo nào cũng đều có lòng yêu nước thiết tha, đều có tình cảm gắn bó với mảnh đất mình sinh sống. Đó là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết và xác định điểm tương đồng trong mỗi giai đoạn lịch sử. Trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” là mẫu số chung, là điểm tương đồng lớn nhất của khối đại đoàn kết dân tộc.

Để củng cố, tăng cường sức mạnh đoàn kết các tôn giáo hòa cùng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện mới, hệ thống chính trị các cấp tiếp tục phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của tôn giáo nói chung, trong đó có Hệ phái Phật giáo Khất sĩ. Đạo đức triết lý của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới, có khả năng nhất định trong việc tạo ra sự liên kết xã hội chặt chẽ, củng cố, tăng cường tính cộng đồng. Hệ phái với tiềm lực, truyền thống hộ quốc an dân, và được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và sự động viên khích lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mặt tích cực đó cần phát huy, có chính sách đúng đắn, hướng sự cố kết cộng đồng và khả năng liên kết xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Tuy nhiên, chúng ta cần hết sức lưu ý, sự cố kết cộng đồng trong một tôn giáo của các tín đồ cũng dễ dẫn đến nguy cơ chia rẽ, cục bộ, có thể làm rạn nứt xã hội, thậm chí dẫn đến mâu thuẫn giữa các tôn giáo, giữa người theo đạo với người không theo đạo, dễ bị kẻ xấu lợi dụng phá hoại khối đại đoàn kết, làm suy yếu sức mạnh quốc gia. Đảng ta nhận định, tình hình hoạt động tôn giáo còn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Vì vậy, để giải quyết vấn đề tôn giáo, chúng ta cần phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, không để xảy ra tình trạng sự cố kết cộng đồng trong một tôn giáo nhưng lại dẫn đến sự biệt lập, ảnh hưởng xấu đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của Tăng, Ni, Phật tử Hệ phái Phật giáo Khất sĩ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống tốt đẹp ấy cần phải phát huy hơn nữa. Vấn đề giáo dục tình yêu quê hương, đất nước gắn với tình yêu chế độ xã hội chủ nghĩa của đồng bào các tôn giáo, làm cho các chức sắc và tín đồ tôn giáo thực sự hoà nhập và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc phải là một nội dung chủ yếu của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong tôn giáo hiện nay.

Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống an vui trong Tăng Ni, Phật tử của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ, không để kẻ xấu lợi dụng phá hoại cách mạng; đồng thời phải thực hiện tốt trách nhiệm của công dân đối với đất nước; thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; động viên đồng bào đóng góp sức người, sức của nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng; giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc, làm cho các tôn giáo nói chung gắn bó với dân tộc, với đất nước và chủ nghĩa xã hội, hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác từ thiện là hoạt động tôn giáo mang tính đạo đức, tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, là một trong những công tác Giáo hội lưu tâm. Tăng, Ni, Phật tử Phật giáo nói chung và Hệ phái Phật giáo Khất sĩ nói riêng đã thực hiện công tác từ thiện thường xuyên, liên tục, đúng thời. Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực, ủng hộ phong trào xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước, xây dựng các trường mầm non, trường nuôi dạy trẻ em bất hạnh, trường trẻ em khuyết tật bởi ảnh hưởng chất độc da cam, góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, tặng xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sỹ nơi biển đảo đang ngày đêm bảo vệ quê hương, Tổ quốc.

Với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân, Tăng, Ni, Phật tử luôn gắn bó với dân tộc, thực hiện đúng phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”. Phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội. Đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn Phật tử. Định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội và xiển dương đạo đức Phật giáo, góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội. Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo Tăng Ni. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam, bảo đảm có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kết nối chặt chẽ với các hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam nói chung trong đó có Hệ phái Phật giáo Khất sĩ. Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Trong thời đại ngày nay, hòa cùng sự thịnh trị của đất nước, Phật giáo nước nhà cũng ngày càng phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò là một thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng hành gắn bó với khối đại đoàn kết toàn dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Hệ phái Phật giáo Khất sĩ nói riêng tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có, phấn đấu nỗ lực cống hiến hết mình vì lý tưởng xây dựng một xã hội tình thương, an lạc và hạnh phúc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn toàn dân tộc trong thời kỳ mới. Nhất là đất nước đang từng ngày hội nhập vào dòng chảy kỷ nguyên với nhiều cơ hội và thách thức, ngoài các hoạt động từ thiện nhân đạo phục vụ mục tiêu chiến lược an sinh xã hội lâu dài, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… tất cả đều là những việc làm vô cùng quan trọng. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của nhiều giới nhiều ngành, tất nhiên trong đó không thể thiếu sự đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Hệ phái Phật giáo Khất sĩ nói riêng./.

Tác giả: Trà Quang Thanh Nguồn: https://daophatkhatsi.vn/giao-phap-khat-si/nghien-cuu/phat-huy-gia-tri-ton-giao-va-xa-hoi-cua-he-phai-phat-giao-khat-si-viet-nam-trong-xay-dung-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc.html