Hòa thượng TS Thích Gia Quang Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022

Đặt vấn đề: Nền tảng giáo lý đạo Phật đó là mối quan hệ giữa giới, định, tuệ để đi đến giải thoát và giải thoát tri kiến, trong đó giới có vai trò cơ bản cho việc giải thoát. Đạo đức Phật giáo bao gồm các giới đức – giới hạnh – giới luật cùng các chuẩn mực và các phạm trù có liên quan với nhau một cách thống nhất. Phật giáo xây dựng một hệ thống đạo đức hoàn chỉnh từ nhận thức, lý luận đến thực hành và việc áp dụng nó để xây dựng một nếp sống tốt đẹp. Bên cạnh đó Phật giáo còn xây dựng mẫu người đạo đức, đó là con người từ bi, hỷ xả; vô ngã, vị tha mà chung lại là đứng vững trên hai chân: từ bi và trí tuệ. Đạo đức Phật giáo có nhiều điểm tương đồng với đạo đức truyền thống của dân tộc, những phạm trù cơ bản của đạo đức Phật giáo đã ảnh hưởng khá sâu đậm trong đời sống xã hội. Ngày nay, với sự chấn hưng của Phật giáo Việt Nam, đạo đức Phật giáo sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng một xã hội hài hòa, phát triển. Từ khóa: đạo đức, đạo đức phật giáo, đạo phật, từ bi hỷ xả, giới định tuệ, giới luật,…

1. Đạo đức Phật giáo với đạo đức truyền thống của người Việt Nam

Đạo Phật đồng hành với dân tộc Việt Nam, từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay đã 2000 năm lịch sử, nên có thể xem nó như một phần tài sản văn hóa dân tộc. Trong quá trình phát triển tại Việt Nam, đạo Phật không chỉ đơn thuần chuyển tải niềm tin của con người, mà còn có vai trò góp phần duy trì đạo đức xã hội. Ngoài những điểm phù hợp với tình cảm đạo đức của con người, đạo đức Phật giáo còn thực hiện thông qua tình cảm, tín ngưỡng, niềm tin và giáo lý. Do đó, tình cảm đạo đức Phật giáo được người Việt tiếp thu, tạo thành đức tin thiêng liêng chi phối hành vi ứng xử của họ trong các quan hệ cộng đồng. Do tuân thủ những điều răn dạy về đạo đức của Phật giáo, người Việt đã sống và ứng xử đúng đạo lý, góp phần làm cho xã hội ngày thêm tốt đẹp.

Đạo đức Phật giáo thông qua những giáo luật, giáo lý và các giá trị, chuẩn mực đã đi vào cuộc sống của người dân Việt Nam. Sự ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến đời sống của người Việt Nam không chỉ là giáo lý qua kinh kệ, sách vở mà đã trở thành phong tục, cách sống. Người Việt Nam có truyền thống yêu thương, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, phụng dưỡng cha mẹ, tri ân những người có công với cộng đồng, với đất nước, chăm làm điều thiện,…đó cũng chính là những điều luân lý đạo đức cụ thể mà Phật giáo đã truyền dạy qua các kinh sách mà Ngài để lại.

Trong suốt chiều dài của lịch sử, đạo đức Phật giáo đã có nhiều đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của dân tộc, những nhân tố quan trọng góp phần định hình các quan niệm, chuẩn mực, hệ giá trị đạo đức trong xã hội Việt Nam truyền thống và hiện đại.

2. Đạo đức Phật giáo với văn hóa dân tộc

Triết lý của Phật giáo về Từ bi, về tình thương yêu rất phù hợp với truyền thống giàu lòng nhân ái vốn có của người Việt: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “Lá lành đùm lá rách”; “Thương người như thể thương thân”,…Những giá trị, khuyến thiện, hướng thiện không chỉ phát huy tác dụng trong hàng ngũ tín đồ Phật tử mà còn ảnh hưởng rộng rãi trong đời sống nhân dân, góp phần hình thành những quan niệm sống giàu tính nhân văn sâu sắc.

Đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước, đạo đức Phật giáo đã góp phần tạo nên truyền thống văn hóa thực sự giàu bản sắc. Ngày nay, đạo đức Phật giáo đã có vị trí vững chắc trong đời sống xã hội. Một thời đại mới đang mở rộng cùng với những thách thức của hội nhập và phát triển, lợi ích cá nhân và cộng đồng, phẩm chất vị tha và cạnh tranh thị trường đòi hỏi sự năng động, thích ứng và hòa nhập của đạo đức Phật giáo, yêu cầu phát huy và dung hợp những giá trị nhân văn - nhân bản bền vững của Phật giáo trong nền văn hóa dân tộc – hiện đại.

HT.Thích Gia Quang trao quà cho các hộ gia đình khó khăn tại chùa Liên Phái, Hà Nội - Ảnh: Nhật Minh

3. Đạo đức Phật giáo với xã hội Việt Nam hiện đại

Đức Phật dạy từ việc lớn như quốc gia, chính sự đến việc nhỏ như hòa khí trong gia đình. Tư tưởng từ bi, hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn của nhà Phật vẫn đang được nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung tiếp thu và phát huy trong đời sống xã hội. Một số quy tắc của đạo đức Phật giáo (Ngũ giới, Thập thiện, Bát chính đạo…) có những nét tương đồng với các quy tắc, chuẩn mực của nền đạo đức xã hội vẫn đang được nhiều người tin theo và khuyến khích phát huy. Đó là những quy tắc sống mà xã hội nào cũng rất cần đến để duy trì một nền đạo đức, một nếp sống lành mạnh và hạnh phúc cho con người (kinh Thiện sinh – Singalovada).

Những chuẩn mực của đạo đức Phật giáo vẫn đang có những đóng góp cho việc duy trì một nền đạo đức xã hội, khơi dậy truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, tương thân tương ái trong cộng đồng, xây dựng con người Việt Nam đạo đức và văn hóa tốt đẹp.

4. Đạo đức Phật giáo trong bối cảnh kinh tế thị trường

Trong giáo lý “Bát chính đạo” đức Phật có đề cập đến “chính mệnh” sinh sống bằng nghề nghiệp chân chính. Người khuyên mọi người kiếm sống bằng chính sức lao động và tiền vốn của mình, trí tuệ của mình chứ không được buôn gian bán lận, buôn bán hàng quốc cấm và các loại hàng hóa có hại cho sức khỏe con người và xã hội. Trong cuộc sống mỗi người phải lao động làm việc để tạo ra nguồn của cải vật chất nuôi sống mình và gia đình. Như vậy, trong nền kinh tế thị trường ngày nay, đạo đức Phật giáo góp phần không nhỏ trong việc giáo dục con người, hướng con người tới những điều thiện, đạo đức Phật giáo giúp con người và nhân loại có cuộc sống an lạc hạnh phúc.

“Chính mệnh” trong Bát chính đạo của Phật giáo còn có nghĩa là biết làm chủ cuộc sống, không lãng phí, không bủn xỉn, biết làm phúc và cúng dàng. Biết chăm lo cuộc sống của người thân, quyến thuộc, biết vun bồi đức hạnh để có cuộc sống hạnh phúc, an lạc.

Đức Phật dạy rằng các cư sĩ sống bình thường ở gia đình có 4 điều lạc thú: Một là được hưởng cảm giác an toàn do có của cải và cơ sở kinh tế có được bằng phương pháp chính đáng; Hai là có thể khảng khái sử dụng của cải ấy cho mình, cho người nhà và cho bạn hữu, đồng thời dùng nó để làm nhiều việc từ thiện; Ba là không bị khổ sở vì nợ nần; Bốn là có thể sống cuộc đời thanh tịnh, không lỗi lầm.

Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta cần coi trọng việc xây dựng hoàn thiện đạo đức nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Nền đạo đức mà chúng ta đang xây dựng là sự kết tinh, kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống của nhân loại, của dân tộc, trong đó có những giá trị đạo đức Phật giáo.

5. Đạo đức Phật giáo góp phần xây dựng và phát triển đất nước

Với triết lý từ bi, hỷxả, khuyến khích con người hướng thiện, đạo đức Phật giáo đã dễ dàng đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện nhân cách đạo đức, hướng con người đến lối sống, vị tha, bình đẳng, bác ái. Thực tế đã chứng minh, đạo đức Phật giáo phù hợp với đạo đức, lẽ sống của con người Việt Nam và nó đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng một nền tảng đạo đức mới cho xã hội trên cơ sở kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống đã được đặt ra.

Tính hướng thiện của Phật giáo là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân đạo, tư tưởng bình đẳng, hòa bình của Phật giáo phù hợp với xu hướng hòa đồng liên kết giữa các dân tộc trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, lòng từ bi, bác ái góp phần cứu giúp người hoạn nạn, giữ vững tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc, triết lý vô thường, vô ngã giúp con người giảm bớt cái tôi vị kỷ…Những giá trị tích cực đó của đạo đức Phật giáo càng được nhân lên với những hành động cụ thể, như kẻ đói được cho ăn, kẻ rách được cho mặc, người ốm đau bệnh tật được thuốc thang, chăm sóc,… Đạo đức Phật giáo khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”,…Thêm vào đó, những không gian chùa chiền của Phật giáo luôn thu hút con người tìm về chốn tĩnh tâm, nơi chiêm nghiệm và cảm nhận…Tất cả những điều đó là những giá trị đạo đức tích cực, thiết thực góp phần giáo hóa con người, giúp cho thế hệ trẻ vững bước trước cám dỗ của cuộc đời, khích lệ họ quan tâm cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng tính nhân bản, nhân nghĩa, coi trọng thiên nhiên,…Bên cạnh đó, lối sống Phật giáo nêu cao tinh thần “cư trần lạc đạo” đã góp phần xây dựng lối sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội, một ý thức không bám víu lợi ích vật chất, sống thanh cao tự tại. Bởi theo định nghĩa của đức Phật, tham và sân là hai năng lực tiêu cực mạnh mẽ nhất trong tâm thức con người, chúng che khuất tầm nhìn và làm nhiễu loạn Phật tính của ta, cho nên, cũng theo Ngài, diệt trừ được tham và sân đích thực là một thành tựu rất to lớn của con người. Như thế đạo đức Phật giáo đã đóng góp những giá trị văn hóa tích cực vào việc xây dựng đạo đức lối sống cho con người, nhất là cho tầng lớp trẻ hiện nay. Đặc biệt, đạo đức Phật giáo còn góp phần rèn luyện một lối sống kham nhẫn, khắc kỷ. Đó là những hình thức tu tập kiên nhẫn, vượt qua những cám dỗ của cuộc đời để lòng được thanh cao, tâm hồn được giải thoát, xã hội được an bình.

Đạo đức Phật giáo đã góp phần tích cực vào các phong trào phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, tri ân báo ân, đền ơn đáp nghĩa,… Đặc biệt công tác từ thiện với tinh thần cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật, hòa cùng truyền thống lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam. Những hoạt động đó của Phật giáo nói chung đã góp phần làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng có uy tín trong cộng đồng xã hội, là những nhân tố góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Hòa thượng TS Thích Gia Quang Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022