Thế giới quan Phật giáo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức pháp luật của công dân về đảm bải trật tự, an toàn xã hội ở Việt Nam hiện nay. Thông qua tâm lý, hệ tư tưởng và đạo đức của Phật giáo, Phật giáo đã trang bị cho công dân những nhận thức khách quan nhất về bản thân và thế giới.
Tác giả: ĐĐ.Thích Giác Hợp Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
Phát huy chức năng thế giới quan của Phật giáo trong việc nâng cao ý thức pháp luật của công dân về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở Việt Nam hiện nay
Tóm tắt: Từ khi du nhập cho đến ngày nay, Phật giáo luôn có vị trí nhất định trong xã hội Việt Nam, giáo lý đạo Phật có ảnh hưởng ít nhiều đến tư tưởng của người dân Việt, đặc biệt là ý thức pháp luật của công dân. Phật giáo là một trong những tôn giáo của thế giới nên mang trong mình đầy đủ các chức năng của tôn giáo nói chung như: chức năng đền bù hư ảo, chức năng thế giới quan, chức năng điều chỉnh hành vi, chức năng liên kết và chức năng giao tiếp.
Trong phạm vi của bài viết này tập trung nghiên cứu chức năng thế giới quan của Phật giáo để thấy rõ sự ảnh hưởng đối với việc nâng cao ý thức pháp luật của công dân về đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Phát huy, thế giới quan, Phật giáo, pháp luật
1. Đặt vấn đề
Tôn giáo ra đời cùng với sự phát triển của loài người, đó là tất yếu khách quan của lịch sử. Xuất phát từ tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, tồn tại xã hội nào thì ý thức xã hội đó, tức là ở mỗi một thực trạng xã hội khác nhau thì sản sinh ra hình thái ý thức xã hội khác nhau, trong đó có sự xuất hiện của tôn giáo. Nó đóng vai trò là đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân, giống như liều thuốc an thần để xoa dịu vết thương tâm hồn của con người. Tôn giáo là nơi gửi gắm niềm tin tối cao nhất, giúp cho tín đồ có cái nhìn toàn diện, chân thật về thế giới, từ đó điều chỉnh hành vi theo những chuẩn mực của đạo đức xã hội. Do vậy, tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc giáo dục tâm lý và nhân cách của con người. Nhà nước muốn vận hành, quản lý tốt thì chắc hẳn phải thông qua giáo dục tín đồ trong tôn giáo đó, vì thế tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn cho xã hội.
2. Nội dung
2.1. Chức năng thế giới quan của Phật giáo với tính cách một hình thái ý thức tôn giáo
Từ khi ra đời cho đến nay, triết học luôn đồng hành cùng với sự phát triển của nhân loại và đặt ra những vấn đề cơ bản mang ý nghĩa nền tảng, là điểm khởi đầu để giải quyết các vấn đề còn lại. Thế giới quan là đối tượng mà triết học hướng đến để nhận thức và giải thích thế giới:
“Thế giới quan là toàn bộ những quan niệm của con người về thế giới, về bản thân con người, về cuộc sống và vị trí của con người trong thế giới đó”[1].
Thế giới quan là sự tổng hòa giữa tri thức và niềm tin. Tri thức là nguyên nhân đồng thời cũng đóng vai trò là cơ sở quan trọng để hình thành nên thế giới quan, và nó chỉ trở thành hạt nhân trong thế giới quan khi trở thành niềm tin để định hướng cho tất cả hoạt động của con người. Từ khi có quan niệm hình thành tri thức về thế giới quan, nó trải qua ba loại hình cơ bản: thế giới quan huyền thoại, thế giới quan tôn giáo và thế giới quan triết học.
Thứ nhất là thế giới quan huyền thoại, đây là phương pháp cảm nhận thế giới quan của người nguyên thủy. Ở thời kỳ này, những nhìn nhận về thế giới như: tri thức và cảm xúc, cái thực và cái ảo, lý trí và tín ngưỡng,…của con người được hòa quyện vào nhau để thể hiện quan điểm của mình về thế giới.
Thứ hai là thế giới quan tôn giáo, ở lĩnh vực này niềm tin tôn giáo đóng vai trò chủ yếu. Thế giới quan tôn giáo ra đời với mục đích để thể hiện khát vọng giải thoát khỏi khổ đau, hướng đến một cuộc sống an vui hạnh phúc ngay ở cuộc sống hiện tại và cả ở đời tương lai. Vì thế, thế giới quan tôn giáo luôn tồn tại trong đời sống tinh thần của con người cho đến ngày nay.
Thứ ba là thế giới quan triết học, đây là bước tiến vượt bậc cao hơn thế giới quan huyền thoại và thế giới quan tôn giáo khi trình độ tư duy của con người ngày càng phát triển. Thế giới quan triết học được xây dựng dựa trên hệ thống lý luận, quy luật, phạm trù, đóng vai trò như những bậc thang trong quá trình nhận thức của con người. Nếu thế giới quan được hình thành từ tri thức và kinh nghiệm sống của con người thì triết học với tư cách là những phương thức tư duy đặc thù để hình thành nên hệ thống lý luận bao gồm những quan niệm chung nhất về thế giới trong một chỉnh thể.
Tôn giáo luôn luôn đặt con người vào sự suy nghiệm và lựa chọn phi thực tại. Chức năng “thế giới quan” của tôn giáo là cơ sở nền tảng cho lý luận, giáo lý và đức tin tôn giáo. Thế giới quan của Phật giáo bao gồm hai phương diện: Nhận thức thế giới thực tại: khổ, vô thường, vô ngã; và nhận thức thế giới siêu thực tại: luân hồi, Niết bàn.
2.1.1. Đặc trưng của Phật giáo từ góc độ hình thái ý thức tôn giáo
2.1.1.1. Tâm lý Phật giáo
Tất cả các tôn giáo ra đời trên cơ sở của tâm lý và tình cảm của con người, hơn nữa là của một cộng đồng người trong xã hội. Sự xuất hiện của tôn giáo là nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con người và giải tỏa những suy tư, bức xúc trong đời sống tinh thần. Tâm lý bao gồm hai loại: tâm lý tiêu cực và tâm lý tích cực.
Thứ nhất là tâm lý tiêu cực, những trạng thái tâm lý như đau khổ, bất hạnh, sợ hãi, căm phẫn, chán nản,…rất cần có một điểm tựa để an ủi, động viên, che chở, cứu giúp,…không ai hết đó chính là tôn giáo. Lúc này, tôn giáo đóng vai trò như một liều thuốc giảm đau để xoa dịu đi những nỗi khổ đau trong tâm khảm của con người. Nhờ sự xuất hiện của tôn giáo trong hoàn cảnh này mà con người được như được tiếp thêm sức mạnh để sống tiếp, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn, giúp cho cuộc sống được cân bằng và vượt qua được những khó khăn, trở ngại của cuộc đời.
Thứ hai là tâm lý tích cực, những trạng thái tâm lý như vui sướng, hân hoan, lòng kính trọng, tự hào, mãn nguyện,…một cách thái quá đôi khi cũng cần đến sự góp mặt của tôn giáo. Con người muốn được san sẻ với đấng thần linh những tình cảm vui sướng, để rồi được tắm mình trong trạng thái không gian ảo giác của tâm hồn, muốn hướng tới cái đích tốt đẹp hơn và đôi khi là để lãng quên cuộc sống hiện tại, mong muốn sống trong cuộc sống của các vị thần linh, thần tiên. Bởi vậy, những không gian lễ hội, nghi lễ truyền thống diễn ra hàng năm chính là những tâm tư tình cảm của quần chúng nhân dân muốn gửi gắm vào thế giới bên kia, giúp họ thăng hoa trong cuộc sống, và phần nào giải tỏa được tâm lý, niềm mong mỏi của bản thân.
Tâm lý Phật giáo là một dạng biểu hiện của tâm lý tôn giáo Phật giáo, bởi thế nó mang trong mình đầy đủ những tính cách của tâm lý tôn giáo. Tín đồ đạo Phật hướng đến Tam Bảo cũng dựa trên hai yếu tố tâm lý tích cực và tiêu cực. Họ tìm đến Phật để giải tỏa phần nào những lo âu, buồn phiền của thế gian, hướng đến tương lai phía trước tươi đẹp hơn. Khi có tâm hướng đến Phật pháp tức là tín đồ đã nêu cao niềm tin của mình đối với đấng giáo chủ để gửi gắm mong cầu cá nhân mong được cứu giúp. “Niềm tin là một trạng thái tâm lý tin tưởng đặc biệt vào việc đạt tới mục đích, sự bắt đầu kiện, vào lối hành vi phải thực hiện của con người, vào tính chân thực của tư tưởng khi thiếu thông tin chính xác về khả năng đạt tới mục đích đạt ra, về kết quả cuối cùng của sự kiện, về việc thực hiện lối ứng xử tiên đoán trước trên thực tế, về kết quả kiểm tra”[2].
Tâm lý tích cực trong đạo Phật biểu hiện rõ nhất đó là niềm tin đối với ba ngôi Phật, Pháp và Tăng. Thứ nhất, niềm tin đối với đức Phật. Đức Phật Thích Ca đã từng nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Tín đồ Phật giáo tin Phật là một đấng giác ngộ đã thành tựu tất cả các công đức lành, điều phục được các căn, giúp chúng sinh tu tập chuyển mê thành giác. Tuy nhiên, tin Phật không chỉ tin ở niềm tin lý thuyết, bên cạnh đó phải thực hành, tu tập để tự mình chứng ngộ, thể nghiệm được những lời Phật dạy và những gì mà Phật đã chứng đắc, từ đó mới nhận chân được lời Phật dạy đúng hay sai. Tùy vào căn cơ và hiểu biết của mỗi người mà sự cảm nhận có khác nhau. Vì thế, đức Phật nói: “Ai tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”. Hơn nữa, tin Phật là tin vào khả năng thành Phật của chính chúng ta, ai cũng có thể tu tập thành Phật, bởi thế đức Phật đã khẳng định “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.
Thứ hai, niềm tin đối với Pháp. Bất cứ ai là đệ tử của đức Phật đều có niềm tin bất hoại đối với chính Pháp. Bởi lẽ, đó là kim chỉ nam để định hướng cho hành giả tu tập đạt được giác ngộ giải thoát an vui ngay trong hiện tại. Pháp chính là những lời dạy, phép tắc mà đức Phật nêu ra để hàng đệ tử nương theo đó hành trì chuyển hóa thân tâm.
Thứ ba, niềm tin đối với Tăng. Ở đây là niềm tin bất hoại đối với bản thể thanh tịnh, hòa hợp trong chính mỗi người. Kinh Hoa Nghiêm có nói về tác dụng của lòng tin như sau: “Tín là cội nguồn của đạo, là mẹ của mọi công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, đoạn trừ tất cả nghi hoặc, giúp vượt qua dòng nước ái dục, mở con đường tối thượng dẫn đến Niết bàn”. Vì vậy, niềm tin tối cao không gì khác hơn là tin vào chính bản thân mình, tin vào định luật Nhân quả, tin nguyên lý Duyên khởi, tin chân lý của cuộc đời là Tứ diệu đế. Đạo Phật không tin vào bất cứ một đấng Thượng đế thần quyền hay tạo hóa nào có quyền ban phúc giáng họa, chi phối đời sống của mình, mà chỉ tin vào định luật nhân quả: gieo nhân nào gặt quả nấy. Trong Tăng Chi Bộ kinh, Đức Phật dạy: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào đã làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.
Như vậy, tâm lý Phật giáo hay nói cụ thể là niềm tin Phật giáo, đó là nhân tố quan trọng để chuyển đổi hành vi, hoạt động sống của mỗi người. Họ sẽ có tinh thần hướng thiện, từ đó các hành động việc làm đối với tự thân và xã hội sẽ dần hoàn thiện và chuẩn mực hơn.
2.1.1.2. Hệ tư tưởng Phật giáo
“Hệ tư tưởng tôn giáo là hệ thống những tư tưởng, quan điểm tôn giáo mang tính lý luận và được khái quát thành các giáo lý, tín điều tôn giáo”[3].
Mỗi một tôn giáo đều có hệ tư tưởng riêng để định hướng, làm nơi y cứ cho tất cả các hoạt động của tín đồ. Phật giáo cũng có một hệ thống tư tưởng phong phú đa dạng do đức Phật chế định ra, nhưng trong phạm vi của đề tài này chúng ta nghiên cứu một số tư tưởng chính như: duyên khởi, nhân quả, trung đạo, bình đẳng, từ bi, giải thoát,…
Thứ nhất là tư tưởng “duyên khởi”. Đây là tư tưởng căn bản trong giáo lý Phật giáo, thể hiện mối quan hệ ràng buộc giữa tất cả các pháp. Đồng thời, cũng thể hiện quá trình vận động và phát triển của vạn vật trong vũ trụ, dù là pháp hữu vi hay vô vi, hữu hình hay vô hình đều chịu tác động bởi thuyết duyên khởi này. Tư tưởng này nói rằng: “do cái này sinh thì cái kia sinh, do cái này diệt thì cái kia diệt” và vận hành theo thập nhị nhân duyên.
Thứ hai là thuyết “nhân quả”. Thuyết này có mối liên hệ chặt chẽ đến thuyết duyên khởi, đồng thời cũng là lý luận cơ bản của Phật giáo để giải thích mối quan hệ biện chứng của tất cả sự vật hiện tượng trong thế giới, giữa chủ thể và khách thể, giữa thế giới chủ quan và thế giới khách quan. Tiến trình hình thành và phát triển từ nhân đến quả có sự góp mặt của duyên để thúc đẩy quá trình ấy diễn ra nhanh hay chậm.
Thứ ba là tư tưởng “trung đạo”. Trung đạo chính là phương pháp hành trì tu tập giúp cho hành giả vượt lên trên sự cực đoan, chấp mắc, không bị thiên lệch vào bên nào. Tư tưởng này có mối liên hệ chặt chẽ với thuyết duyên khởi, xét về mặt hiện tượng, pháp duyên khởi luôn luôn tồn tại trên phương diện giả hữu. Nhưng xét về mặt bản chất, pháp duyên khởi không tồn tại và thể hiện dưới dạng tính Không. Vì thế giả hữu và tính Không là cách nhìn nhận hai mặt của một sự vật hiện tượng.
Thứ tư là tư tưởng “bình đẳng”. Đây là tư tưởng thể hiện sự thống nhất giữa sinh mệnh, tự nhiên và giá trị. Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ muốn đem lại sự công bằng, bình đẳng giữa con người với con người, hằng mong mỏi một xã hội không còn phân biệt đẳng cấp. Hơn nữa, bình đẳng ở đây còn mang nghĩa là bình đẳng về phương diện Phật tính. Đức Phật đã từng nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, trong mỗi người ai ai cũng có sẵn tính Phật, tính thiện.
Thứ năm là tư tưởng “từ bi”. Khi nhắc đến Phật giáo người thế tục nghĩ ngay đến đạo Phật là đạo của từ bi, cứu khổ. Tư tưởng này không hoàn toàn giống với tư tưởng bác ai hay nhân ái mà các giáo phái khác đề xướng. Từ bi bao gồm ba loại: chúng sinh duyên bi, pháp duyên bi và vô duyên bi, trong đó “vô duyên bi” là nấc thang cao nhất mà hành giả có thể đạt được khi thực hành từ bi.
Thứ sáu là tư tưởng “giải thoát”. Tư tưởng này là mục đích mà tất cả tín đồ Phật giáo muốn hướng đến. Giải thoát có thể hiểu trên hai phương diện đó là giải thoát về thân và giải thoát về tâm. Đối với giải thoát về thân, mỗi người chúng ta ai cũng mong mỏi hướng đến một cuộc sống, đất nước phồn vinh thịnh vượng để chất lượng cuộc sống được cải thiện, không còn bất công, khổ cực. Đất nước ấy là đất nước trong tương lai khi loài người tiến lên “cộng sản văn minh”. Còn giải thoát trên phương diện tâm, đạo Phật muốn thiết lập thế giới Tây Phương Cực Lạc ngay tại chốn nhân gian khi hành giả siêng năng tu tập để diệt trừ tham, sân, si, đi theo con đường Trung đạo. Khi ấy, tâm của mỗi người luôn luôn được an tịnh, tất cả mọi phiền muộn đều được cởi trói.
2.1.2. Chức năng thế giới quan của Phật giáo
Phật giáo là một trong những tôn giáo của thế giới, cho nên cũng mang trong mình đầy đủ chức năng của tôn giáo nói chung:
“Thế giới quan tôn giáo dựa trên cơ sở của chủ nghĩa duy tâm, đề cao thực thể tinh thần, coi đó là sáng tạo, chi phối thế giới hiện thực. Thế giới quan tôn giáo thường xa lạ với thế giới quan khoa học. Những chức sắc trong các tổ chức tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền thế giới quan tôn giáo mong hình thành trong tín đồ hệ thống những quan niệm về thế giới, từ đó hướng họ vào việc thực hiện những quy chuẩn, giá trị tôn giáo”[4].
2.1.2.1. Chức năng thế giới quan của Phật giáo thông qua việc trang bị tri thức cho chủ thể nhận thức
Chủ thể nhận thức có thể tiếp thu được tri thức qua nhiều phương diện khác nhau, nhưng trong phạm vi của đề tài này, người viết trình bày sự tiếp nhận tri thức thông qua các phạm trù của đạo đức học, đặc biệt là đạo đức học Phật giáo. Các phạm trù đạo đức học như: hạnh phúc, thiện và ác, nhân (tình yêu thương), lương tâm, nghĩa vụ, lẽ sống,…
Thứ nhất là phạm trù hạnh phúc. “Hạnh phúc là sự thỏa mãn nhu cầu (ham muốn) của con người, những sự thỏa mãn đem lại cho con người niềm vui sướng và thanh thản”[5]. Đây là một yếu tố quan trọng của đời sống đạo đức con người, hạnh phúc là một điều gì đó rất lớn lao, nhưng cũng không kém phần bình dị và gần gũi đối với đời sống thường nhật của con người. Từ trẻ con cho đến người già, ai ai cũng có mưu cầu hạnh phúc để nâng cao chất lượng cuộc sống, thăng hoa đời sống tinh thần. Không thể thiết lập hạnh phúc trong một thời gian ngắn mà hạnh phúc được hình thành bởi một quá trình vận động và phát triển. Hạnh phúc luôn gắn liền với việc thỏa mãn nhu cầu (ham muốn) và những nhu cầu đó luôn xảy ra thường xuyên trong quá trình hoạt động. Do vậy, hạnh phúc có nhiều nấc thang khác nhau, ở mỗi một thời điểm thì thang hạnh phúc lại ở một mức độ khác, không giống nhau như: hạnh phúc thực sự (chân chính), hạnh phúc giả tạo ( không chân thật) và hạnh phúc hư ảo. Đây là ba nấc thang cơ bản của hạnh phúc. Một là hạnh phúc thực sự (chân chính), loại hạnh phúc này dựa trên cơ sở chính đáng của con người và phù hợp với những quy luật tiến bộ, sự phát triển của lịch sử. Hai là hạnh phúc giả tạo, đây là hạnh phúc đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức xã hội, những ham muốn không chính đáng, gây cản trở sự phát triển của xã hội. Ba là hạnh phúc hư ảo, loại hạnh phúc này không có thật, được tạo ra bởi những ảo ảnh về thỏa mãn, dưa trên những lợi ích và nhu cầu hư ảo. Hạnh phúc hư ảo đem lại những ảnh hưởng tiêu cực với xã hội, kìm hãm sự phát triển về mọi mặt của xã hội. Đối với Phật giáo, phạm trù hạnh phúc cũng xuất hiện và có thể hiểu theo cách khác đó là an vui, an lạc, giải thoát. Để đạt được hạnh phúc hay an vui, giải thoát thì con người phải siêng năng tu tập, làm thiện, thực hành theo giáo lý của đức Phật, xa lìa các khổ đau, tu tập hạnh xả ly, khi đó sẽ đạt đến chân hạnh phúc và giải thoát ngay trong hiện tại.
Thứ hai là phạm trù thiện và ác. Có thể nói, hai phạm trù này được coi là hai phạm trù cơ bản, làm cơ sở cho việc hình thành, xây dựng hệ thống các phạm trù, quy luật của đạo đức học, bao trùm nội dung và ý nghĩa của các phạm trù đạo đức khác. “Thiện được coi như một quy tắc chuẩn mực, giá trị đạo đức hoặc biểu hiện đức hạnh rất cao của con người…Ác không thể là những giá trị, chuẩn mực của đời sống con người, càng không phải là cái có tính chất lý tưởng của con người….Ác cũng không thể là tổng thể đời sống đạo đức của con người, mà chỉ là một mặt của đời sống đạo đức của con người”[6]. Thiện và ác tồn tại trong mối liên hệ vừa thống nhất vừa đối lập với nhau, không bao giờ tồn tại một cái thiện hoặc cái ác thuần túy trong một cá nhân hay một tập thể, mà trong một chỉnh thể thống nhất luôn tồn tại cả hai mặt thiện và ác. Một người được cho là hiền lành, tốt bụng chính là vì khi ấy cái thiện đang phát triển và chiếm ưu thế hơn, còn cái ác đang chìm đi dưới dạng tiềm ẩn chứ không phải là mất hết hoặc không tồn tại. Ngược lại, một người được cho là xấu, không tốt chính là vì khi ấy cái ác đang nổi lên, chiếm phần lớn trong chỉnh thể, còn cái thiện bị chìm xuống, bị cái ác lấn át. Như vậy, trong một con người luôn tồn tại cả hai mặt thiện và ác, khi người khác đứng ở một phương diện nào đó thì thấy đó là thiện hoặc là ác, thiện hay ác chỉ tồn tại tương đối. Đối với xã hội, trong một quẩn thể, tập thể người luôn tồn tại cả hai phạm trù thiện và ác. Không một tập thể nào tồn tại toàn người lương thiện và cũng không có một tập thể nào tồn tại toàn người xấu, mà luôn tồn tại cả thiện và ác, tuy là đối lập nhưng luôn thống nhất hỗ tương nhau cùng phát triển. Ở trong Phật giáo, hai phạm trù thiện và ác được nhắc nhiều khi nói đến giáo lý nhân quả và nghiệp báo. Thiện và ác vừa là nhân vừa là quả, hay nói cách khác, đó là những hành vi tạo tác của con người diễn ra trong cuộc sống thường nhật và suy nghĩ hằng ngày. Trong một con người, thiện và ác luôn thường trực và biến đổi không ngừng. Bởi thế, nếu muốn trở thành con người lương thiện thì phải siêng năng tu tập dẹp trừ ngã mạn, ác kiến, hành thập thiện,…để cái ác không còn ngự trị (nếu như không nói là diệt hẳn).
Thứ ba là phàm trù nhân (tình yêu thương). Đây là phạm trù mà bất cứ ai đã là con người cũng đều có và tồn tại trắc ẩn trong tâm khảm của mỗi người. “Nhân có thể hiểu là toàn bộ các đức hoặc đạo đức của con người, có khi được hiểu đồng nghĩa với cái thiện, nhưng nội dung chủ đạo của nó chính là tình yêu thương”[7]. Đức nhân hay tình yêu thương có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống đạo đức của con người, nó được xem như là cơ sở, yếu tố để thẩm thấu toàn bộ đức hạnh, đạo đức của con người. Nếu thiếu đức nhân hay tình yêu thương thì tất cả đức hạnh và đạo đức của con người sẽ trở nên trống rỗng, vô nghĩa. Trong Phật giáo, đức nhân được hiểu là lòng từ bi. Đây là yếu tố quan trọng để hình thành nét riêng cho Phật giáo. Khi nhắc đến đạo Phật là người ta nghĩ ngay đến đạo của từ bi và trí tuệ, cho nên tín đồ đến với đạo Phật và hành Bồ tát đạo luôn lấy từ bi làm mục tiêu định hướng cho mọi hành động. Thực hành lòng từ bi sẽ có sức cảm hóa được muôn loài, cải tạo lòng người, giúp con người hướng đến cái chân, thiện, mĩ toàn vẹn nhất.
Thứ tư là phạm trù lương tâm. “Lương tâm là một quá trình hay một cơ chế tinh thần của con người, trong đó ý thức về cái thiện đã được chuyển hóa thành những giá trị, quy tắc, chuẩn mực hoặc hệ thống của chúng mà căn cứ vào đó, con người có thể phân biệt, phán xét, thẩm định những hành vi của mình, đồng thời cho phép nó có thể tiếp tục lựa chọn những giá trị để không ngừng phát triển, hoàn thiện nhân cách của mình”[8]. Theo như định nghĩa, lương tâm là một cơ chế của tinh thần bao gồm hai mặt cơ bản: năng lực phân biệt, đánh giá những hành vi, lựa chọn tốt, xấu bên trong và bên ngoài của con người. Lương tâm đóng vai trò như một quá trình sàng lọc đạo đức để lựa chọn ra những đức tính tốt, điều chỉnh lại tất cả hành vi của con người sao cho phù hợp với những chuẩn mực của đạo đức. Nhờ có lương tâm mà các hành vi đạo đức được hoàn thiện hơn, tất cả hoạt động của con người được định hướng theo nguyên tắc hướng thiện, đồng thời nó có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Nếu ai cũng có lương tâm thì xã hội sẽ ngày càng phát triển và bất kể một lĩnh vực nào muốn tồn tại, đề cao thì yếu tố lương tâm cũng phải đặt lên hàng đầu. Đối với Phật giáo, phạm trù này luôn được trú trọng và đề cao, bởi lẽ muốn tu tập và hành Bồ tát đạo tốt thì phải có một lương tâm trong sạch, để đủ sức nhìn nhận, thấu hiểu vạn pháp một cách thấu đáo nhất.
Thứ năm là phạm trù nghĩa vụ. “Nghĩa vụ là cái bổn phận mà người ta phải theo, cái nghĩa lý tất phải làm tròn”[9]. Theo như định nghĩa, nghĩa vụ mang tính bắt buộc, là mệnh lệnh không cho phép từ chối, thoái thác. Không phải mọi tính chất bắt buộc đều nghĩa vụ, nhưng nếu một việc mà làm không mang tính chất bắt buộc thì không phải là nghĩa vụ, vì đối với công việc ấy thì người ta có thể là hoặc không làm. Một xã hội hay cộng đồng người sẽ không tồn tại và phát triển nếu mỗi cá nhân trong tập thể đó không xác định được nghĩa vụ của mình cần phải làm gì để xây dựng tập thể đó ngày cành vững mạnh. Chính sự tự ý thức và làm tròn nhiệm vụ được giao của mỗi cá nhân sẽ góp phần làm cho xã hội ngày càng phát triển, đời sống ngày càng văn minh. Với Phật giáo, phạm trù nghĩa vụ ngoài nghĩa gốc của nó thì còn được hiểu là “tự giác và giác tha”, có nghĩa là mỗi hành giả phải có trách nhiệm tự giác tu tập chuyển hóa thân tâm, làm tròn bổn phận là người đệ tử Phật, nhưng đồng thời cũng phải có nghĩa vụ hoằng pháp lợi sinh để duy trì mạng mạch Phật pháp, đem giáo lý Phật đà để phổ hóa khắp quần sinh.
Thứ sáu là phạm trù lẽ sống. “Lẽ sống là sự kết hợp các yếu tố cơ bản của đời sống đạo đức của con người hay là con đường cơ bản của đời sống đạo đức con người”[10]. Lẽ sống là phạm trù cuối cùng mang tính tổng hợp các phạm trù đạo đức và đời sống. Sự hình thành và tồn tại của lẽ sống cho thấy sự vận động toàn diện của đời sống đạo đức con người và quy định tính chỉnh thể trong một thể thống nhất về mặt đạo đức. Người có lẽ sống vững vàng cho thấy sự trưởng thành và sự tiến bộ, nhân cách ngày càng được hoàn thiện, có định hướng rõ ràng với cuộc sống của mình và đã có ý thức đến cùng cực cho việc thực hiện những đức hạnh, nghĩa vụ, những quy tắc chuẩn mực đạo đức của mình. Đối với Phật giáo, phạm trù lẽ sống được chứng minh qua việc hành trì ngũ giới của Phật tử. Đó là năm điều chuẩn mực cơ bản mà mỗi con người cần phải có để thiết lập một chuẩn mực thiết yếu của đạo đức Phật giáo. Khi thực hiện được ngũ giới, con người sẽ xác định được hướng đi chính xác trên con đường tìm cầu giải thoát của mình.
Trên đây là sáu phạm trù đạo đức học nói chung và đạo đức học Phật giáo nói riêng, thông qua những phạm trù này, Phật giáo trang bị cho tín đồ những tri thức quý báu làm hành trang để bước những bước chân vững chắc trên con đường tu tập và sự nghiệp hoằng dương, hộ trì chính pháp của mỗi hành giả.
2.1.2.2. Chức năng thế giới quan của Phật giáo thông qua việc hình thành niềm tin cho chủ thể nhận thức
Thông qua việc trang bị tri thức về thế giới quan, Phật giáo đã hình thành niềm tin cho chủ thể nhận thức trên một số phương diện như: khoa học, nhân văn và cách mạng.
Thứ nhất, thế giới quan Phật giáo mang tính khoa học. Hệ tư tưởng, giáo lý của Phật giáo được xây dựng dựa trên hệ thống triết lý rõ ràng, mạch lạc như tư tưởng duyên khởi, nhân quả, trung đạo,…đã khiến cho tín đồ có niềm tin vững chắc đối với giáo pháp của đức Phật. Bởi những tư tưởng đó có ý nghĩa định hướng cho tất cả hành động, việc làm của con người. Thực hành theo những tư tưởng của Phật giáo, tín đồ sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn và có thể hiểu được quy luật vận hành của vạn pháp.
Thứ hai, thế giới quan Phật giáo mang tính nhân văn. Hệ tư tưởng và đạo đức Phật giáo đã trang bị cho tín đồ những phương pháp tu tập và nhãn quan nhìn nhận thế giới một cách thấu đáo. Phương pháp ấy là chiếc bè để đưa hành giả bước từ bến mê qua bờ giác, thoát khổ an vui. Từ việc thấu đạt lý duyên khởi, nhân quả, luân hồi, nghiệp báo,…cho đến thực hành tu tập đạo đức Phật giáo như: hạnh phúc, thiện và ác, ngũ giới,…đã giúp người thực hành giáo pháp hiểu rõ quy luật vô thường tạm bợ ở thế gian, từ đó thiết lập thế giới Niết Bàn, Cực Lạc ngay tại thế gian này, giúp chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, bớt khổ an vui.
Thứ ba, thế giới quan Phật giáo mang tính cách mạng. Từ khi Phật giáo ra đời, những tư tưởng, đạo lý của đạo Phật vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Giáo pháp mà đức Phật thuyết ra đầy đủ ba yếu tố: khế lý, khế cơ và khế thời - có nghĩa là lời nói của đức Phật thuyết luôn phù hợp với mọi chân lý, mọi căn cơ và mọi hoàn cảnh. Cho nên, dù ở tại thời điểm hay hoàn cảnh nào thì người tín đồ cũng tìm được pháp môn tu phù hợp với chính mình và mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Phật giáo đặt chân đến quốc gia nào thì đều hòa mình với tư tưởng, con người nơi đó để đem giáo lý của Phật đà thấm nhuần vào từng cá nhân, giúp cho đời an vui vơi khổ.
Thông qua ba phương diện trên, thế giới quan Phật giáo đã hình thành cho con người niềm tin bất hoại đối với đạo Phật. Đồng thời chuyển hóa niềm tin ấy thành những hành động làm lợi ích cho cá nhân và cộng đồng.
2.1.2.3. Chức năng thế giới quan của Phật giáo thông qua việc xác lập lý tưởng cho chủ thể nhận thức
Mục đích tối thượng của đạo Phật là giúp hành giả tu tập vượt khỏi sinh tử, đi từ bến mê qua bờ giác. Trong kinh “Tăng Chi Bộ III”, chương Tám Pháp, phẩm Lớn, Đức Phật khẳng định rằng: “Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, Pháp và Luật của Ta chỉ có một vị là vị giải thoát”. Nhãn quan của Phật giáo nhìn nhận về thế giới thông qua hệ thống tư tưởng và đạo đức Phật giáo nhằm mục đích giúp con người nhận chân được bản chất của các pháp; về mặt hiện tượng, vạn pháp được hình thành bởi các duyên giả hợp, sinh diệt, biến dịch liên tục; về mặt bản chất, các pháp đều trở về với bản chất vốn có của mình đó là tính Không - không vô tự tính. Tính Không không phải là không có gì mà là “chân Không diệu hữu” - Không trong cái có. Thấu triệt được bản chất của vạn pháp đều là Không thì cuộc sống luôn thong dong, tự tại, giải thoát ngay chốn nhân gian.
Giải thoát không phải là một thứ cao xa tìm không thấy, với không tới mà nó xuất hiện xung quanh chúng ta, tìm chính ở trong tâm của mỗi người. Sở dĩ chúng ta chưa giải thoát được là tâm còn sinh chấp trước, mê lầm, phiền não, khi xả bỏ được những thứ đó thì giải thoát an lạc luôn hiện hữu trong chúng ta. Hơn nữa, phải ở trong phiền não mới tìm được Bồ đề, ở trong sinh tử mới tìm được Niết bàn. Bởi lẽ, nhờ có phiền não và sinh tử thì chúng ta mới nhận chân được bản chất của vấn đề, từ đó tu tập không bị vướng mắc, không bị kẹt bởi các pháp, khi đó mỗi con người sẽ thiết lập cho mình Niết bàn an vui giải thoát ngay trong thực tại.
Do vậy, nhờ hệ tư tưởng và đạo đức Phật giáo, đã xác lập lý tưởng cho chủ thể nhận thức, đó là lý tưởng về sự giải thoát. Dù ở thời điểm nào, xuất thân từ địa vị nào thì con người vẫn mong muốn được giải thoát khỏi thế giới đầy ô trược này, từ đó hình thành nên ý tưởng xây dựng một thế giới lý tưởng an vui, hạnh phúc hơn.
2.2. Nâng cao ý thức pháp luật của công dân về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội từ cách tiếp cận hình thái ý thức pháp luật
2.2.1. Ý thức pháp luật của công dân về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
Ý thức pháp luật là một quá trình tổng hợp tri thức, quan điểm và hành động của con người thông qua việc tuân thủ và thực hiện pháp luật. Nó được hình thành qua quá trình học tập nghiên cứu sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của pháp luật trong đời sống xã hội.
“Ý thức pháp luật là một hình thái ý thức xã hội. Nó là toàn bộ các quan điểm, quan niệm của con người và thái độ của họ đối với pháp luật xuất phát từ các quan hệ kinh tế, đặc biệt là quan hệ sản xuất trong một giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử. Mặt khác nó còn chịu sự tác động của các hình thái ý thức xã hội khác, trước hết là ý thức chính trị, ý thức đạo đức, ý thức thẩm mĩ, cả ý thức tôn giáo và kế thừa ý thức pháp luật truyền thống trong lịch sử”[11]
2.2.1.1. Tâm lý pháp luật của công dân về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
“Tâm lý pháp luật là sự phản ánh tâm trạng, cảm xúc, thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lý”[12]. Cũng giống như tâm lý Phật giáo, tâm lý pháp luật bao gồm hai loại đó là: tâm lý pháp luật tích cực và tâm lý pháp luật tiêu cực.
Thứ nhất là tâm lý pháp luật tích cực. Loại tâm lý này thể hiện sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân đối với những hành vi thực hiện theo đúng quy định, bảo vệ pháp luật và thể hiện thái độ không đồng tình với những hành vi phản đốim, chống phá pháp luật. Bởi vậy, đây là yếu tố quan trọng để nhà nước xây dựng hệ thống pháp chế ngày càng hoàn thiện để đạm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Thứ hai là tâm lý pháp luật tiêu cực. Loại tâm lý này thể hiện sự không đồng tình, phản đối pháp luật của một số ít nhóm người. Bên cạnh đó, một số người không có phản ứng gì đối với hành vi sai trái pháp luật cũng được xếp vào loại tâm lý này. Thiểu số này gây nên sự khó quản lý về mặt pháp luật đối với nhà nước, gây mất trật tự an toàn xã hội.
2.2.1.2. Hệ tư tưởng pháp luật của công dân về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
“Hệ tư tưởng pháp luật là hệ thống quan điểm, tư tưởng của con người, phản ánh sâu sắc đời sống pháp luật theo ý chí của một giai cấp nhất định, được thể hiện thông qua hệ thống các phạm trù, khái niệm, nguyên tắc...”[13].
Hệ tư tưởng pháp luật có sự gắn bó mật thiết với sự tồn tại của nhà nước và giai cấp thống trị, nó phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa các đảng phái, các nhóm xã hội với chế độ quản lý của nhà nước. Hệ tư tưởng ấy đạt đến sự tiến bộ, khoa học và dân chủ khi giai cấp cầm quyền là những lực lượng tiến bộ, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội phù hợp với lợi ích của số đông quần chúng, nhân dân lao động và mang tính chất đại diện cho những lợi ích đó. Ngược lại, hệ tư tưởng pháp luật sẽ trở nên lạc hậu khi giai cấp thống trị là những lực lượng phản động, bảo thủ. Bởi thế, hệ tư tưởng pháp luật phải có công năng bảo vệ nền kinh tế phát triển hiện tại, đồng thời cổ vũ các cuộc đấu tranh để loại bỏ những nền kinh tế kém phát triển, nghèo nàn, lạc hậu.
Tâm lý pháp luật và hệ tư tưởng pháp luật có mối quan hệ khăng khít, gắn bó, tác động biện chứng với nhau để hình thành nên ý thức pháp luật. Nếu như tâm lý pháp luật phản ánh thái độ của con người trước pháp luật một cách tự phát thì sự phát triển của hệ tư tưởng pháp luật chịu ảnh hưởng trực tiếp của tâm lý pháp luật. Hệ tư tưởng pháp luật là sự phát triển đến trình độ cao của ý thức pháp luật.
2.2.2. Nội dung nâng cao ý thức pháp luật của công dân về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
2.2.2.1. Nâng cao ý thức pháp luật thông qua việc trang bị tri thức về pháp luật cho công dân
Trong việc nâng cao ý thức pháp luật cho công dân, mục đích được đề ra là không ngừng nâng cao nhận thức pháp lí cho công dân về pháp luật để họ có kiến thức vững vàng, nắm bắt được những tri thức về nhà nước, về pháp luật và áp dụng vào thực tế cuộc sống. Vì thế việc xác định đúng đắn mục đích nâng cao ý thức pháp luật có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt quan trọng. Nâng cao ý thức pháp luật góp phần hình thành, làm sâu sắc, từng bước mở rộng tri thức pháp luật của công dân. Tri thức pháp luật giúp công dân kiểm tra, đánh giá, đối chiếu hành vi với các chuẩn mực pháp luật. Đây cũng là yêu cầu của việc hoàn thiện cơ chế quản lí xã hội bằng pháp luật, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, kỉ cương và trật tự.
2.2.2.2. Nâng cao ý thức pháp luật thông qua việc hình thành niềm tin về pháp luật cho công dân
Có tri thức về pháp luật, nhưng trong mỗi con người cần phải có tình cảm đối với pháp lý, nghĩa là có thái độ tôn trọng pháp luật và tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật; từ đó mới tạo ra khả năng điều chỉnh hành vi hợp pháp của mình. Khi con người có sự hiểu biết pháp luật, có tình cảm và niềm tin vào pháp luật thì họ sẽ hành động theo những quy định của pháp luật. Lòng tin vào tính công bằng của pháp luật sẽ hướng dẫn hành vi hợp pháp, tuân thủ pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi. Nâng cao ý thức pháp luật giúp công dân biết tôn trọng pháp luật, cương quyết, không khoan dung đối với những hành vi vi phạm pháp luật.
2.3. Phát huy chức năng thế giới quan của Phật giáo trong việc nâng cao ý thức pháp luật của công dân về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
2.3.1. Sự tác động của ý thức tôn giáo đối với ý thức pháp luật
Ý thức tôn giáo có ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức pháp luật. Thông qua niềm tin tôn giáo, ý thức pháp luật sẽ dần được nâng cao. Hệ thống giáo lý, giáo luật của tôn giáo cũng không nằm ngoài mục đích giúp cho tín đồ kiểm soát được hành vi của chính mình, không đi lệch chuẩn với quy định hiện hành của xã hội.
Cả hai đều thuộc kiến trúc thượng tầng, nhưng chúng có mối liên hệ biện chứng với nhau. Phật giáo du nhập vào Việt Nam được nhà nước công nhận và bảo vệ, vì thế tất cả những hành động, lễ nghi tôn giáo ngoài việc thể hiện niềm tin của tín đồ đối với đạo Phật, còn nhằm mục đích hướng con người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật hiện hành của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, sống tốt đời đẹp đạo. Vì thế, ý thức tôn giáo có mối liên hệ mật thiết với ý thức pháp luật, là chất keo kết dính giữa đạo và đời, đạo nương vào đời để tồn tại và ngược lại.
2.3.2. Phát huy chức năng thế giới quan của Phật giáo trong việc điều chỉnh tâm lý pháp luật của công dân về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
Như ở trên đã đề cập, tâm lý pháp luật bao gồm hai phương diện đó là: tâm lý tích cực và tâm lý tiêu cực, đồng thời có mối liên hệ mật thiết với tâm lý tôn giáo, đặc biệt là tâm lý Phật giáo. Vì vậy, thế giới quan của Phật giáo ít nhiều có ảnh hưởng đến tâm lý pháp luật.
Thứ nhất, thế giới quan Phật giáo ảnh hưởng đến tâm lý pháp luật tích cực. Với tinh thần tự giác, giác tha, Phật giáo hướng con người nâng cao tính tự giác trong việc thực hiện pháp luật, tuân thủ hiến pháp mà nhà nước đề ra. Từ việc giáo dục cho tín đồ về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với tự thân và xã hội, ý thức được lẽ sống của chính mình, sống chan hòa yêu thương với muôn loài, Phật giáo đã giúp hình thành trong mỗi con người tinh thần tự chịu trách nhiệm đối với từng hành động, phát huy tính tự giác trong việc thực hiện pháp luật, không vi phạm những quy định mà pháp luật ngăn cấm. Thông qua việc thực hành ngũ giới, mỗi công dân cũng tự ý thức được những việc gì nên làm và không nên làm, để rồi xây dựng trong từng cá nhân những hành vi chuẩn mực với lương tâm và phù hợp với pháp luật hiện hành. Ý thức được như thế sẽ ngày càng phát huy được việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Thứ hai, thế giới quan Phật giáo ảnh hưởng đến tâm lý pháp luật tiêu cực. Thông thường, tâm lý pháp luật tiêu cực sẽ là những hành vi lách luật, chống phá lại pháp luật của nhà nước. Với tư tưởng nhân quả, luân hồi, nghiệp báo hay phạm trù thiện và ác, Phật giáo đã trang bị cho công dân sự tự ý thức, tự chịu trách nhiệm về những hành vi xấu, gieo nhân nào thì gặt quả đó, luật nhân quả luôn công bằng với tất cả mọi người. Cho nên, giáo dục về luật nhân quả, nghiệp báo trong giáo lý đạo Phật có vai trò hết sức quan trọng đối với việc điều chỉnh tâm lý pháp luật của công dân. Bởi lẽ, khi ý thức được quả báo của các nghiệp bất thiện, con người sẽ không làm những việc ác, từ đó việc thực hiện hiến pháp và pháp luật của nhà nước của công dân cũng được nâng cao về mặt chất lượng.Vì thế, nhờ vào sự giáo dục những giáo lý căn bản đã giúp cho con người cảnh tỉnh hơn với những hành vi chống phá pháp luật của nhà nước.
Như vậy, thông qua sự điều chỉnh tâm lý pháp luật của công dân, cho thấy Phật giáo có vai trò quan trọng đối với việc điều chỉnh tâm lý của con người. Nhờ có Phật giáo mà một số công dân cũng thay đổi được tâm lý từ ác sang thiện, từ việc có hành vi lách luật sang hành vi tôn trọng pháp luật, xây dựng cuộc sống xã hội Việt Nam ngày một trật tự và an toàn hơn.
2.3.3. Phát huy chức năng thế giới quan của Phật giáo trong việc nhận thức hệ tư tưởng pháp luật của công dân về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
Thực hiện pháp luật là quyền và nghĩa vụ của tất cả công dân. Do vậy, Phật giáo cũng có ảnh hưởng phần nào đến quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện pháp luật.
Thứ nhất, thế giới quan Phật giáo với việc thực hiện quyền pháp luật của công dân. Khi đã là con người thì ai cũng có quyền công dân, ở đây là quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được công bằng và được pháp luật bảo vệ. Đây là những mưu cầu cơ bản của mỗi con người, Phật giáo luôn hướng con người đến với chân hạnh phúc, bình đẳng và tự tại trước mọi hoàn cảnh. Khi con người có đầy đủ những yếu tố đó thì những mưu cầu trên sẽ được đáp ứng, nhu cầu con người được thỏa mãn, xã hội không còn tranh chấp, không còn cảnh chiến tranh người bóc lột người, từ đó trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Thứ hai, thế giới quan Phật giáo với việc thực hiện nghĩa vụ pháp luật của công dân. Khi đã được đáp ứng về các quyền lợi liên quan đến pháp luật thì mỗi công dân phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với pháp luật. Như đã đề cập ở trên, đạo đức Phật giáo luôn đề cao lương tâm, nghĩa vụ và lẽ sống của mỗi cá nhân đối với chính mình và xã hội. Người có lương tâm sẽ luôn khép mình sống trong khuôn khổ, không chạy theo ngoại cảnh, không làm những việc bất chính gây ảnh hưởng xấu đến pháp luật, mà ngược lại luôn thôi thúc mình phải thực hiện nghĩa vụ thượng tôn bảo vệ pháp luật, lên án những hành vi chống phá pháp luật. Đồng thời, cá nhân đó luôn kiểm soát được những hành động việc làm của mình thông qua việc hành trì ngũ giới, đây là chuẩn mực cơ bản của đạo đức Phật giáo, khi đó sẽ làm cho những chuẩn mực đạo đức xã hội thêm chuẩn mực hơn. Từ đó, trật tự xã hội ngày càng được nâng cao, chất lượng cuộc sống ngày càng được đảm bảo an toàn, không còn cảnh tranh giành, cướp bóc lẫn nhau giữa các thế lực thù địch.
Như vậy, đã là công dân thì ai cũng phải thực hiện song hành cả quyền và nghĩa vụ. Bên cạnh những quyền lợi được hưởng thì phải thi hành nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với pháp luật, nhà nước và xã hội để góp phần thiết lập một xã hội ngày một trật tự và an toàn hơn.
2.4. Một số khuyến nghị và giải pháp nhằm phát huy chức năng thế giới quan của Phật giáo trong việc nâng cao ý thức pháp luật của công dân về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, đối với Phật giáo. Một là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phát huy hơn nữa tinh thần và trách nhiệm hoằng pháp của mình, mỗi một vị tu sĩ là một nhà hoằng pháp để truyền bá sâu rộng những giá trị tốt đẹp trong giáo lý đạo Phật đến với quần chúng nhân dân. Hai là, kết hợp cùng với chính quyền các cấp để phổ biến kiến thức tuân thủ pháp luật đến các tầng lớp tín đồ.
Thứ hai, đối với công dân. Mỗi công dân là một cá thể trong xã hội, cho nên phải đẩy mạnh việc thực hiện nghĩa vụ của từng cá nhân với việc tuân thủ và bảo vệ pháp luật. Khi phát hiện những hành vi chống phá pháp luật thì phải báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền đê phối hợp kịp thời giải quyết và ngăn chặn.
Thứ ba, đối với chính quyền các cấp. Nên tạo điều kiện để cho Giáo hội và các tổ chức thành phần của Phật giáo thực hiện hoạt động truyền giáo của mình theo pháp luật của nhà nước. Từ đó, sẽ hình thành trong mỗi công dân niềm tin đối với tôn giáo, đồng thời cũng có ý thức bảo vệ, thực hiện pháp luật và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
3. Kết luận
Tóm lại, chức năng thế giới quan của Phật giáo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức pháp luật của công dân về đảm bải trật tự, an toàn xã hội ở Việt Nam hiện nay. Thông qua tâm lý, hệ tư tưởng và đạo đức của Phật giáo, Phật giáo đã trang bị cho công dân những nhận thức khách quan nhất về bản thân và thế giới. Từ đó, ý thức rõ được việc gì nên làm và không nên làm, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với pháp luật Việt Nam. Do vậy, tất cả hành vi, việc làm của con người đều được kiểm soát và trật tự, an toàn xã hội ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng cao.
Tác giả: Đại đức Thích Giác Hợp Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội ***Chú thích: [1] Bộ giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tr.5 [2] Đỗ Minh Hợp (2006), Tôn giáo học nhập môn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 106 [3] Trần Đăng Sinh, Đào Đức Doãn (2014), Giáo trình Tôn giáo học, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr. 24 [4] Trần Đăng Sinh, Đào Đức Doãn (2014), Giáo trình Tôn giáo học, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr. 35 [5] Phạm Văn Chung (2012), Tập bài giảng đạo đức học, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 145 [6] Phạm Văn Chung (2012), Tập bài giảng đạo đức học, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 177-183 [7] Phạm Văn Chung (2012), Tập bài giảng đạo đức học, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 238 [8] Phạm Văn Chung (2012), Tập bài giảng đạo đức học, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 260 [9] Phạm Văn Chung (2012), Tập bài giảng đạo đức học, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 284 [10] Phạm Văn Chung (2012), Tập bài giảng đạo đức học, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 351-352 [11] Nguyễn Phước Duy (2018), “Ý thức pháp luật và tính tất yếu của việc nâng cao ý thức pháp luật cho thanh niên hiện nay”, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kì 2 tháng 5, tr. 276 [12] Nguyễn Phước Duy (2018), “Ý thức pháp luật và tính tất yếu của việc nâng cao ý thức pháp luật cho thanh niên hiện nay”, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kì 2 tháng 5, tr. 277 [13] Nguyễn Phước Duy (2018), “Ý thức pháp luật và tính tất yếu của việc nâng cao ý thức pháp luật cho thanh niên hiện nay”, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kì 2 tháng 5, tr. 276
Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Bộ giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội. 2. Phạm Văn Chung (2012), Tập bài giảng đạo đức học, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 3. Nguyễn Phước Duy (2018), “Ý thức pháp luật và tính tất yếu của việc nâng cao ý thức pháp luật cho thanh niên hiện nay”, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kì 2 tháng 5. 4. Đỗ Minh Hợp (2006), Tôn giáo học nhập môn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 5. Trần Đăng Sinh, Đào Đức Doãn (2014), Giáo trình Tôn giáo học, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.
Bình luận (0)