Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ (1-11-1963), chính quyền Sài Gòn, từ chính quyền Nguyễn Khánh đến chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam đều cho rằng các chính quyền đó “đã thiết lập trong tình trạng “bất hợp pháp” do sự thao túng của ngoại nhân, mất gốc từ dân chúng, do đó, giữa chính quyền và dân chúng luôn luôn diễn ra nhiều biến cố, khủng hoảng và ngày một trầm trọng về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quân sự, rất nguy hại cho tiền đồ của Tổ quốc và dân tộc”(1).
Vì vậy, song song với việc tu học, Chư tôn đức và học tăng Phật học viện Hải Đức Nha Trang(2) tiếp tục tham gia cuộc vận động dân chủ và hoà bình cho đến ngày Việt Nam độc lập, thống nhất (30-4-1975), trong đó cuộc vận động dân chủ năm 1964-1966 được xem là một trong những dấn thân tiêu biểu của Phật học viện Hải Đức Nha Trang giai đoạn 1964 - 1975.
Ngày 30-1-1964, sau khi lật đổ “Hội đồng Quân nhân cách mạng” do Dương Văn Minh đứng đầu, Nguyễn Khánh từng bước phụ hồi dư đảng Cần lao, tay chân của chế độ Ngô Đình Diệm; tiếp theo Nguyễn Khánh thiết lập chế độ độc tài cá nhân bằng việc cho ra đời “Hiến chương Vũng Tàu (16-8-1964)”(3). Lập tức, phong trào đô thị miền Nam bùng nổ dữ dội. Ngày 25-8-1964, Nguyễn Khánh buộc phải nhượng bộ bằng cách thu hồi “Hiến chương Vũng Tàu (16-8-1964)”.
Sau khi “Hội đồng Nhân dân Cứu quốc” ra đời (28-8-1964) tại Huế do bác sĩ Lê Khắc Quyến, Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế làm Chủ tịch, với cương lĩnh chống độc tài quân phiệt, xây dựng “một chính phủ trong sạch và cách mạng được sự tín nhiệm của dân”(4), hầu hết các đô thị miền Trung nhiệt liệt hưởng ứng. Tại Nha Trang, ngày 12-9-1964, cùng với thanh niên và học sinh, học tăng Phật học viện Hải Đức Nha Trang bãi khóa, tham gia biểu tình từ Ty Thông tin đến Tỉnh tòa Khánh Hòa, với nhiều khẩu hiệu tố cáo những kẻ phản dân chủ trong “Hội đồng Quân đội cách mạng” do Nguyễn Khánh đứng đầu: “Bãi khoá để đòi chính quyền trục xuất những tướng lĩnh phản cách mạng”, “Chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân”, “Ủng hộ Hội đồng Nhân dân Cứu quốc Huế - Đà Nẵng, ...”(5); Đoàn biểu tình nêu đích danh những kẻ dưới chế độ Ngô Đình Diệm đã lợi dụng chức quyền để ức hiếp nhân dân; đồng thời yêu cầu Đài Phát thanh Nha Trang phải dành cho lực lượng đấu tranh phát thanh mỗi ngày 2 lần (buổi sáng và buổi chiều), mỗi lần 30 phút. Khiếp sợ trước sức mạnh của quần chúng, một số tay chân Ngô triều đã bỏ trốn.
Ngày hôm sau (13-9-1964), tập đoàn Cần Lao do Lâm Văn Phát đứng đầu, tổ chức đảo chính tại Sài Gòn. Cũng ngày này, “Hội đồng Nhân dân Cứu quốc” Khánh Hòa được thành lập do Bác sĩ Nguyễn Thạch làm Chủ tịch(6); Hội đồng lên án những kẻ cầm đầu cuộc đảo chính và trong cuộc mít tinh trước Ty Thông tin Khánh Hòa ngày 14- 9-1964 với trên 2.000 quần chúng, đa số là thanh niên, học sinh cùng học tăng Phật học viện Hải Đức tham dự, “Hội đồng Nhân dân Cứu quốc” Khánh Hòa công bố 4 yêu sách:
“- Không gây trở ngại cho dân chúng và công chức, quân nhân tham gia “Hội đồng Nhân dân Cứu quốc”.
- Công bố tài sản và tội trạng của 4 cựu đảng viên Cần lao ...
- Công bố tài sản tịch thu của Ngô Đình Cẩn, Phong trào cách mạng (quốc gia) và Phụ nữ Liên đới Khánh Hòa.
- Thanh lọc hàng ngũ chính quyền”(7).
Để xoa dịu lòng căm phẫn của quần chúng, ngày 25-10-1964, Nhà Trắng đưa Phan Khắc Sửu lên chức Quốc trưởng. Ngày 31-10-1964, Phan Khắc Sửu cử Trần Văn Hương giữ chức Thủ tướng. Vừa mới nhậm chức, Trần Văn Hương đề ra đường lối: “Chiến tranh toàn diện phải được thực hiện không những trên mặt trận quân sự mà còn về phương diện chính trị, kinh tế và xã hội để chống lại cộng sản và mưu toan của họ trung lập hoá xứ sở”(8), “tách chính trị ra khỏi học đường”, “tách chính trị ra ngoài tôn giáo, đưa tôn giáo ra ngoài chính trị”(9). Đường lối của Trần Văn Hương thực chất là nhằm bóp chết phong trào Phật giáo, phong trào sinh viên, học sinh,...; là bắt thanh niên đi lính để phục vụ cho chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, triệt hạ các đảng phái đối lập. Đi liền với chủ trương này, Trần Văn Hương công nhận Tổng Giáo hội Phật giáo(10), tổ chức này tuyên bố ly khai Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; đồng thời mua chuộc một số ký giả cho ra báo “Vận Hội Mới” và “Dân Quyền”. Hai tờ báo này có các bài đả kích giới lãnh đạo Phật giáo; thực chất là nhằm phân hoá lực lượng Phật giáo, gây chia rẽ nội bộ Phật giáo. Lập tức, chính phủ Trần Văn Hương vấp phải sự phản ứng của phong trào đô thị miền Nam, trong đó có phong trào Phật giáo. Giới lãnh đạo Phật giáo đã lên án Nhà Trắng phá hoại nền thống nhất Phật giáo, rằng: “Người Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc duy trì Chính phủ Trần Văn Hương chống lại nguyện vọng của nhân dân và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”(11).
Hưởng ứng cuộc vận động dân chủ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khởi xướng, Phật giáo Khánh Hòa tích cực tham gia phong trào đòi Trần Văn Hương từ chức. Ngày 23-1- 1965, Uỷ ban Bảo vệ Phật giáo Khánh Hòa tổ chức một cuộc tuyệt thực tại Công trường Cộng hòa, ước độ 500 người tham dự, trong đó có nhiều học tăng Phật học viện Hải Đức Nha Trang. Tại địa điểm tuyệt thực, tăng ni đã trương lên các biểu ngữ sau: “Nguyện hy sinh đến cùng để buộc Chính phủ Trần Văn Hương từ chức”, “Xiết chặt hàng ngũ để đấu tranh bảo vệ đạo Phật dù phải hy sinh”, “Chính phủ Trần Văn Hương phải từ chức”(12); sau đó, họ “tuần hành các ngả đường trong thị xã và tập trung tại Công trường Cộng hòa Nha Trang tụng niệm, tuyệt thực”(13).
Sang ngày 24-1-1965, độ 50 học tăng Phật học viện Hải Đức Nha Trang tuần hành qua các đường phố thị xã mang theo biểu ngữ và hô khẩu hiệu nội dung phản đối Chính phủ Trần Văn Hương; đến 11 giờ 30, họ tập trung tại công trường Cộng hòa, ngồi quanh công viên tụng niệm, tuyệt thực. Lúc này, tăng ni, phật tử và đồng bào các giới hưởng ứng càng lúc càng đông; buổi chiều với khoảng 500 người, thì gần tối số người lên đến ngót ngàn người. Mặc dầu, chính quyền Sài Gòn ban hành lệnh giới nghiêm từ 20 giờ 00 đến 5 giờ sáng, song số người tuyệt thực qua đêm lên đến khoảng 400 người(14).
Ngày 25-1-1965, từ sáng đến chiều, đoàn người vẫn tiếp tục tuyệt thực trước Ty Thông tin Khánh Hoà. Đến 16 giờ 30, đoàn tuyệt thực tổ chức một cuộc lễ chích huyết do một vị tăng phát nguyện, để viết bức huyết thư đệ trình Quốc trưởng(15), sau khi chích huyết vị tăng bị ngất xỉu, một số người khác trong đoàn tuyệt thực bị xúc động nên cũng bị ngất xỉu(16), phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Tiếp theo, đoàn tuyệt thực di chuyển đến công viên trước tòa Hành chính Khánh Hòa. Tại đây, Đại đức Thích Đức Minh, Chánh Đại diện Tỉnh Giáo hội Phật giáo thống nhất Khánh Hòa, vốn là một cựu học tăng của Phật học viện Hải Đức Nha Trang, dùng máy phóng thanh đọc một điện văn của Uỷ ban Bảo vệ Phật giáo Khánh Hoà gửi Quốc trưởng Việt Nam Cộng hòa, nội dung phản đối Trần Văn Hương vu khống, xuyên tạc cuộc đấu tranh của Phật giáo qua bản hiệu triệu trên Đài Phát thanh Sài Gòn và bức huyết thư nêu trên, nội dung yêu cầu Quốc trưởng buộc Trần Văn Hương từ chức Thủ tướng. Sau đó tăng ni, phật tử tiếp tục tuyệt thực tại công viên trước Tỉnh tòa, cho dù Tỉnh trưởng Khánh Hòa yêu cầu những người tuyệt thực về chùa, nhưng rồi đành phải buộc chấp nhận(17).
Cùng với phong trào đô thị miền Nam, những cuộc biểu tình, tuyệt thực với những yêu sách cụ thể của tăng ni, phật tử Khánh Hòa, trong đó có Chư tôn đức và học tăng Phật học viện Hải Đức Nha Trang, đã góp phần sự cáo chung chính phủ Trần Văn Hương (27-1-1965); sau đó không lâu, ngày 19-2-1965, Nguyễn Khánh cũng cùng chung số phận, bị buộc phải rời khỏi chính trường, lưu vong ra nước ngoài.
Sang năm 1966, cuộc vận động dân chủ phát triển lên một bước mới. Sau khi Phật giáo thành lập “Lực lượng Nhân dân tranh thủ cách mạng” ở Huế (12-3-1966), chính thức mở đầu cuộc vận động dân chủ lần này, hầu hết các đô thị miền Trung hưởng ứng, sau đó lan vào Sài Gòn. Tại Nha Trang, “Lực lượng Nhân dân tranh thủ cách mạng” Khánh Hòa ra đời, giữ vai trò hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Chính Võ phòng thuộc Phủ Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương Sài Gòn tiết lộ: “Trong các cuộc biểu tình của nhóm học sinh, phu xích lô, công thương gia, phật tử tại Nha Trang mệnh danh là “Lực lượng Nhân dân tranh thủ cách mạng” những ngày vừa qua đã tỏ ra muốn chiếm Đài phát thanh Nha Trang...”(18).
Chiều 29-3-1966, học tăng của Phật học viện Hải Đức cùng nhân dân Nha Trang, đa số là tăng ni và phật tử mít tinh trước Trụ sở Thông tin Tâm Lý Chiến Khánh Hòa, sau đó giương cao nhiều biểu ngữ diễu hành đến Công trường trước Tỉnh tòa. Đoàn biểu tình đã cử đại diện vào gặp Tỉnh trưởng Khánh Hòa và nêu các yêu sách: Các tướng lĩnh phải trở về cương vị cũ; yêu cầu thành lập Chính phủ dân cử... Đối với chính quyền địa phương, đoàn biểu tình nêu các yêu sách sau đây:
“1/ Yêu cầu Chính quyền địa phương đề đạt lên Chính phủ trung ương những nguyện vọng chung tương tự như ở Huế và Đà Nẵng;
2/ Mượn phòng đọc sách của Trung tâm Tâm lý chiến để làm trụ sở hoạt động cho Lực lượng Nhân dân tranh thủ cách mạng mới được thành lập;
3/ Xin sử dụng Đài phát thanh Nha Trang mỗi ngày 1 giờ chia làm 3 lần: Sáng, trưa và chiều”(19).
Sáng ngày 31-3-1966, một số tăng ni và học tăng Phật học viện Hải Đức Nha Trang tập trung tại chùa Long Sơn (chùa Tỉnh hội), dùng xe chạy quanh thành phố kêu gọi đồng bào tham gia biểu tình. Buổi chiều, quần chúng tổ chức mít tinh, đại diện các đoàn thể thay nhau lên diễn đàn đòi bầu cử quốc hội, đòi các tướng lĩnh trở về vị trí quân đội; sau đó biểu tình tuần hành qua các đường phố. Tiếp theo, chiều ngày 3-4-1966, gần một nghìn người kéo đến tụ họp tại Công trường Cộng hoà dự cuộc mit tinh. Đoàn biểu tình chiếm Ty Thông tin tâm lý chiến; cho đến trưa ngày 5-4-1966, chính quyền Sài Gòn sử dụng quân đội tái chiếm cơ quan này, rất nhiều người bị bắt(20).
Tuy vậy, chính quyền Sài Gòn vẫn lo sợ sự nổi dậy của quần chúng, nên tiếp tục duy trì quân đội để đề phòng. Chính Tỉnh trưởng Khánh Hòa tiết lộ: “Để ngăn ngừa mọi sự tái phát các cuộc sách động, Bộ Chỉ huy Tổng trấn hiện còn duy trì 1 Đại đội Binh chủng Nhảy dù bảo vệ đài phát thanh; 1 Đại đội Binh chủng Nhảy dù kiểm soát hướng dẫn lưu thông; 1 Đại đội Binh chủng Nhảy dù trù bị sẵn sàng đối phó với mọi biến cố; đồng thời các hoạt động tuần tiểu và an ninh tình báo cũng được tăng gia để kịp thời phát giác mọi âm mưu sách động”(21).
Trong lúc tại Nha Trang, chính quyền Thiệu Kỳ dường như làm chủ được tình hình, thì tại các quận lỵ, các cuộc bãi khoá, “biểu tình đòi Chính phủ thực hiện các yêu sách của Phật giáo và của phong trào Tranh thủ dân chủ tại Huế,... nhất là khi các quận lỵ đông đúc có nhiều học sinh trung học như Ninh Hòa và Vạn Ninh”. Tình hình này khiến chính quyền Sài Gòn tại Khánh Hòa lo lắng vì không đủ lực lượng để đàn áp. Tỉnh trưởng Khánh Hoà thú nhận: “Thỉnh cầu Thiếu tướng(22) chỉ thị để bằng thi hành, trường hợp cần phải dùng quân đội để giải tán biểu tình thì tỉnh tôi phải trưng dụng ở đâu. Trong hiện tình các đơn vị đồn trú tại Nha Trang đều được Tổng trấn sử dụng bảo vệ thị xã, còn tại các quận, lực lượng trừ bị đóng giữ quận lỵ rất ít”(23).
Không chỉ giới hạn ở địa phương mình, Phật giáo Khánh Hòa, trong đó có cựu học tăng Phật học viện Hải Đức, như Đại đức Thích Đức Minh, với cương vị là Chủ tịch Uỷ ban Lãnh đạo Lực lượng Phật tử Khánh Hòa, đã hết lòng tổ chức chi viện cho những địa phương bạn mỗi khi bị chính quyền Sài Gòn đàn áp dã man vì tham gia cuộc vận động dân chủ(24). Cụ thể, ngày 29-4- 1966, Uỷ ban Lãnh đạo Lực lượng Phật tử Khánh Hòa đã triệu tập một phiên họp bất thường tại chùa Long Sơn dưới sự chủ trì của Đại đức Thích Đức Minh, đã quyết định:
“1) Thành lập một phái đoàn đi thăm viếng và uỷ lạo các gia đình nạn nhân bị đàn áp tại Đà Lạt;
2) Tổ chức đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử nạn trong vụ đàn áp vừa nói. Đại lễ cầu siêu sẽ được tổ chức vào ngày Rằm tháng 3 (nhuận) Bính Ngọ (25).
Và đúng như kế hoạch đã vạch ra, sáng ngày 30-4-1966, một phái đoàn gồm 11 người do Đại đức Như Ý, Đặc uỷ Thanh niên hướng dẫn, đã lên đường đi Đà Lạt để thăm viếng và uỷ lạo các gia đình nạn nhân trong vụ đàn áp ngày 21-4-1966 với số tiền quyên góp được là 31 ngàn đồng.
Mặt khác, Bản tin của Uỷ ban Lãnh đạo Lực lượng Phật tử Khánh Hòa đã đưa tin buổi lễ đưa tang các nạn nhân bằng cách trích dẫn những lời tiễn biệt đầy xúc động và mang tính chiến đấu cao: “Máu các bạn đã đổ. Các anh chết nhưng ý chí bất khuất của các anh sẽ mãi mãi bất diệt với thời gian, sẽ tồn tại trong muôn bách kỷ.
Các anh dầu gục ngã trước họng súng bạo tàn, thì sau các anh sẽ có trăm ngàn thân xác khác đứng lên để đòi cho được một nước Việt Nam tự cường, để đòi cho được một nước Việt Nam dân chủ hùng mạnh”(26).
Cuộc vận động dân chủ của Phật giáo miền Nam trong những năm 1964, 1965; đặc biệt là năm 1966, trong đó Chư tôn đức và học tăng Phật học viện Hải Đức Nha Trang là một lực lượng tích cực tham gia, tuy không thành công nhìn ở chỗ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ vẫn chưa bị đánh đổ; nhưng thực tế đã góp phần cùng với phong trào đô thị miền Nam làm suy yếu về mặt chính trị chính quyền này; những hoạt động quân sự của Mỹ trong năm 1966 bị “suy giảm từ 50 đến 70%”(27); mặt khác, nó có ý nghĩa lớn lao trong việc động viên tăng, ni, phật tử nói riêng, nhân dân đô thị nói chung, giữ vững niềm tin tất thắng của chính nghĩa dân tộc và đạo pháp.
Tác giả: Trần Thị Đông Thi * Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 1/2017 -------------------------Chú thích: * Học viên Cao học, Trường ĐHSP, Đại học Huế. (1) Thông tư số 11/VHĐ/VPĐB ngày 13-8-1966 của Thượng toạ Thích Thiện Hoa, Quyền Viện trưởng Viện Hoá Đạo gửi các cấp Phật giáo, Bản sao, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. (2) Phật học viện Hải Đức Nha Trang ra đời năm 1956. Hàng ngũ lãnh đạo Phật học viện qui tụ hầu hết những đấng thạch trụ của Phật giáo miền Nam lúc bấy giờ như Hoà thượng Thích Giác Nhiên, Thượng toạ Thích Trí Thủ, Thượng toạ Thích Trí Quang, Thượng toạ Thích Thiện Minh, Thượng toạ Thích Thiện Siêu, Thượng toạ Thích Huyền Quang, Thượng toạ Thích Trí Tịnh, ... Họ đều thuộc lớp người khai sáng phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung, hoặc là thế hệ đầu tiên trưởng thành từ phong trào này. (3) Với “Hiến chương Vũng Tàu (16-8-1964)”, Nguyễn Khánh nắm trong tay 3 chức vụ cao nhất của Việt Nam Cộng hoà: Chủ tịch Việt Nam Cộng hoà, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng Quân đội. (4) Tuần báo Lập Trường, số 23, ngày 29-8-1964, tr. 5. (5) Phiếu trình Thủ tướng của Đổng lý Văn phòng Phủ Thủ tướng V/v tình hình tổng quát tỉnh Khánh Hoà quanh biến cố ngày 13- 9-1964, Bản sao. (6) Các thành viên khác gồm Đệ nhất Phó Chủ tịch: Ô Quách Tấn, Đệ nhị Phó Chủ tịch: Ô Đỗ Trung Hiếu, Tổng Thư ký: Ông Đào Trữ, Thư ký: Ô Nguyễn Văn Dành. (7) Phiếu trình Thủ tướng của Đổng lý Văn phòng Phủ Thủ tướng V/v tình hình tổng quát tỉnh Khánh Hoà quanh biến cố ngày 13- 9-1964, Bản sao. (8) Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng, Tập III, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1968, tr. 118. (9) Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam và phát nguồn các giáo phái hiện đại, Phật học viện vàcác chùa xuất bản, Sài Gòn, 1974, tr. 369. (10) Tổng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập ngày 8-12-1964 theo Đạo luật số 001/64 của Thượng Hội đồng Quốc gia. (11) Robert Shaplen, The Lost Revolution, Harper and Row, Publishers, New York, 1965, tr. 293-294. (12) Công điện (chuyền tay), Kín, Thượng khẩn số 738/L6/B của Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia gởi Bộ Nội vụ (Sài Gòn) ngày 26-1- 1965. Bản sao, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. (13) Công điện (chuyền tay), Kín, Thượng khẩn số 864/L6/ B của Nha Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia gởi Bộ Nội vụ (Sài Gòn) ngày 29-1-1965, Bản sao, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. (14) Công điện số 64/VP/M của Tỉnh trưởng Khánh Hoà gởi Bộ Nội vụ, ... ngày 25-1-1965, Bản sao. (15) Quốc trưởng lúc này là Phan Khắc Sửu. (16) Tổng số người bị ngất xỉu lên đến 17 người. (17) Công điện số 66/VP/M của Tỉnh trưởng Khánh Hoà gởi Bộ Nội, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng,... ngày 26-1-1965, Bản sao.. (18) Phiếu trình Thiếu tướng Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương số 172/UBHP/VoP/QV/2 của Võ phòng thuộc Phủ Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương ngày 1-4-1966, Bản sao. (19) Công điện số 144/NÁ/2M của Tỉnh trưởng Khánh Hoà gởi Bộ Nội vụ, Uỷ viên Thông tin chiêu hồi, ... ngày 29-3-1966. Bản sao. (20) Công điện số 159/NA/CT2/M của Tỉnh trưởng Khánh Hoà gởi Bộ Nội vụ ngày 6-4-1966. Bản sao. (21), (23) Công điện số 172-NA/CT2?M của Tỉnh trưởng Khánh Hoà gởi TL/V2/CT kiêm ĐB/CP Pleiku ngày 12-4-1966. Bản sao. (22) Thiếu tướng Tưlệnh Vùng 2 Chiến thuật chính quyền Sài Gòn. (24) Trước phong trào đòi dân chủ lên cao, ngày 21-4-1966, chính quyền Đà Lạt bày trò thương lượng, nhưng khi sinh viên, học sinh kéo đến Tiểu khu Tuyên Đức thì binh sĩ nổ súng làm chết 1 thanh niên. Lập tức, trên mười ngàn đồng bào tại Đà Lạt tổ chức một cuộc biểu tình để phản đối. Cuộc biểu tình bị đàn áp thẳng tay, làm 4 người chết, 37 người bị thương (25), (26) Lực lượng Phật tử Khánh Hoà, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Bản tin số 3, ra ngày 30-4-1966. (27) Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng, tập 4, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 259.
Bình luận (0)