Tác giả: Lê Trưởng
Kế thừa truyền thống hơn 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên, trong hơn 2.000 năm tồn tại và phát triển, từ một tôn giáo ngoại nhập, Phật giáo đã được bản địa hoá, trở thành một thành tố không thể thiếu của nền văn hoá Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử và cho đến hiện tại Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và là điểm tựa tinh thần không thể thiếu của các tầng lớp nhân dân.
Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất 9 tổ chức, hệ phái, thể hiện tinh thần đoàn kết của Phật giáo, mối tương quan giữa Phật giáo và Dân tộc được kết tinh trong phương châm hành đạo “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Trải qua 8 kỳ Đại hội với hơn 41 năm Phật giáo Việt Nam hoà hợp, thống nhất, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, GHPGVN tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thông qua các hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của giáo luật và pháp luật, các hoạt động quan hệ đối ngoại, giao lưu quốc tế, vận động hòa bình, giữ gìn đạo đức xã hội, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. GHPGVN là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy vai trò tiên phong trong xây dựng khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực ủng hộ, tham gia vào thúc đẩy các nghị trình phát triển của đất nước, như: Tham gia các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện nếp sống đạo đức, văn hóa; xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội; tuyên truyền và giảng giải ý nghĩa của việc hạn chế sát sinh, không săn bắt các loài thú hoang dã, không phá rừng mà tăng cường trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc,… Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ không dùng đồ nhựa một lần (chống rác thải nhựa) để bảo vệ môi trường, vì bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của con người. Động viên bà con nhân dân phật tử thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong an ninh trật tự xã hội, thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nay là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt văn hóa giao thông mà GHPGVN và Bộ Giao thông Vận tải, Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia đã ký kết.
Trong các năm dịch bệnh, đại dịch COVID-19, Phật giáo đã có nhiều hoạt động của các cấp Giáo hội và đông đảo tăng, ni, phật tử trợ giúp kịp thời, thiết thực, hiệu quả trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 chung tay cùng các cấp chính quyền và nhân dân chăm lo, chia sẻ, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn, các trường hợp người khuyết tật, neo đơn, người nghèo, lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ tại miền Trung.
Từ khi thống nhất trong một tổ chức chung, Phật giáo Việt Nam lại càng có cơ hội phát triển, xiển dương và có nhiều đóng góp hơn trong xây dựng và phát triển đất nước theo đúng đường hướng Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và đã nhanh chóng được bản địa hóa. Trong lịch sử phát triển của mình, Phật giáo đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc. Khối di sản này bao gồm hệ thống không gian, kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi, câu đối, đồ thờ cúng, nhạc khí,… cùng những giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa Phật giáo. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan chung. Từng bộ phận kiến trúc, từng pho tượng, bức tranh, đồ thờ tự… trong các ngôi chùa đều là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc.
Phật giáo Việt Nam là tôn giáo có truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, luôn gắn bó với vận mệnh của đất nước. Lịch sử đã chứng minh, khi đất nước hùng cường thì Phật giáo hưng thịnh, khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo sẵn sàng đứng lên tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần giành lại độc lập cho dân tộc. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam, GHPGVN đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết và với phương châm “phụng đạo, yêu nước”, Giáo hội đã quan tâm hướng dẫn tín đồ, Phật tử sinh hoạt theo đúng chính pháp, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh và có những hoạt động đáp ứng cho nhu cầu tâm linh của đông đảo Phật tử; phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của tăng, ni, phật tử; là nguồn cổ vũ lớn lao cho tăng ni, phật tử ở trong và ngoài nước tin tưởng vào đường hướng hành đạo của Giáo hội, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc. Với tư cách là thành tố văn hóa tinh thần, Phật giáo hướng đến giá trị con người, xây dựng xã hội an bình, với mục tiêu đem lại hạnh phúc và an lạc cho con người, đề cao lòng từ bi, vô ngã, vị tha, khuyên con người tu thân, tích đức, làm điều thiện tránh điều ác, làm lành tránh dữ, hướng con người tới ứng xử nhân văn, cao đẹp.
Phật giáo còn tồn tại lâu dài trong xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng, Nhà nước đang ra sức đẩy mạnh toàn diện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, việc phát huy những giá trị văn hóa của Phật giáo cho công cuộc xây dựng đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều đó không chỉ góp phần vào xây dựng đời sống tinh thần của nhân dân phong phú, lành mạnh, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc để hội nhập mà không hòa tan trong bối cảnh đa dạng văn hóa hiện nay, đồng thời làm gia tăng nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tác giả: Lê Trưởng ***Tài liệu tham khảo: 1. Hội đồng Trị sự, 2012, Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Từ Đại hội đến Đại hội (1981-2012). Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo. 2. Hội đồng Trị sự, 2017-2022, Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hà Nội: VPTWGHPGVN. 3. Hội đồng Trị sự, 2021, Kỷ yếu hội thảo kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07/11/1981-07/11/2021). 4. Hội đồng Trị sự, 2017, Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017-2022). Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo. 5. Hội đồng Trị sự, 2019, Văn kiện Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019. Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo.
Bình luận (0)