Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Phật giáo vào Việt Nam đã nhanh chóng hỗn dung với tín ngưỡng khác

Phật giáo vào Việt Nam đã nhanh chóng hỗn dung với tín ngưỡng khác

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Quảng Giáo
NCS Ths Khóa II, Học viện PGVN tại Huế

Dẫn nhập

Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng được thừa nhận như một “ngã tư quốc tế”, nơi gặp gỡ của nhiều trào lưu tư tưởng, văn hóa và các nền văn minh khác nhau. Những nhân tố này ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội nước ta. Trong số những nhân tố đó có tôn giáo, trong bài viết này đề cập đến Phật giáo.

Phật giáo từ Ấn Độ truyền thẳng vào nước ta và một hướng từ Trung Hoa truyền xuống, với hai dòng chảy lớn này nước ta đã có sự chuyển mình để tiếp thu và tiếp biến ở tất cả các lĩnh vực đặc biệt là văn hóa Phật giáo.

Sự tiếp biến văn hóa này đã để lại cho kho tàng văn hóa nước nhà một gia tài đồ sộ, là nền văn hóa tuy có vẻ nguyên sơ nhưng vô cùng đặc sắc và giá trị.

Cụ thể là triết lý từ bi, bình đẳng, bác ái, Phật tại Tâm, niệm Phật thành Phật đã len lõi và thấm sâu vào lòng người dân Việt và thậm chí dần được coi như là những quan điểm, tư tưởng bản địa hay không thể nào phân biệt dứt khoát được đâu là biên giới quan điểm riêng của Phật giáo, đâu là bản sắc văn hóa của người Việt, đâu là hết ảnh hưởng của đạo Phật.

Tương quan giữa Văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam quả là một vấn đề rộng lớn, không thể trình bày hết trong khuôn khổ thời gian của bài viết.

Vấn đề rộng lớn bởi vì, nếu muốn trình bày một cách đầy đủ thì ít ra cũng phải khảo sát rất nhiều chủ điểm như: Khái niệm cơ bản về Văn hóa, Văn hóa Việt Nam, sơ lược về Phật giáo, con đường và niên đại Phật giáo du nhập vào Việt Nam hay điểm gặp gỡ giữa Phật giáo và Văn hóa Việt Nam. Những đóng góp của Phật giáo đối với Văn hóa Việt và những chuyển biến của nền văn hóa Việt từ khi nhận chịu ảnh hưởng của Phật giáo và ngược lại.

Người viết chỉ đưa ra một vài nguyên nhân cơ bản khiến cho Phật giáo vào Việt Nam nhanh chóng hỗn dung với các tín ngưỡng khác, lý giải nguyên nhân hỗn dung của Phật giáo với các hình thức tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ trời đất, thờ thần làng, thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng hỗn dung Đạo giáo và Nho giáo… sự pha trộn, hòa nhập uyển chuyển giữa phương pháp hành trì của các pháp môn nổi bật như Thiền, Tịnh Độ và Mật chú với văn hóa bản địa…

Đạo Phật đã chi phối tất cả mọi sinh hoạt của con người Việt Nam từ triết lý đạo đức, qua kiến trúc, hội họa, âm nhạc đến văn chương, tư tưởng, tình cảm và nếp sống.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phat Giao Vao Viet Nam Hon Dung Voi Tin Nguong 1

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

Nội dung

Đức Phật ra đời mang tình thương đến muôn loài, nơi nào có khổ đau Ngài khiến cho an ổn, nơi nào an ổn Ngài sách tấn tu hành để cùng nhau đồng lên bờ giác. Ngài đem trí huệ chỉ bày phương tiện khiến chúng sinh chuyển mê khai ngộ, chuyển khổ thành lạc, chuyển sinh tử thành Niết Bàn, chính vì vậy mà đức Phật dạy: Phương tiện đích cứu cánh. Trước hết, cần hiểu phương tiện là gì?

Đó là phương pháp tiện lợi tùy thuận thế gian hướng dẫn chúng sinh đến nơi an lạc. Vậy phương tiện ở đây là nghĩa phương tiện lợi tha. Vì muốn lợi cho tha nhân nên Phật giáo len lỏi vào đời để xoa dịu nỗi khổ niềm đau, những bí bách, những mất mát, những tổn thương của con người trong cuộc đời.

Cũng vì mục đích thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh của Phật giáo nên chúng sinh đa bệnh thì đạo Phật cũng đa phương dược để chữa bệnh cho chúng sinh và phương pháp tu chứng qua các pháp môn như Thiền, Tịnh, Mật… Cho chúng ta thấy rằng nguyên nhân thứ nhất đó chính là giáo lý Phật giáo song song tồn tại hai dòng chảy là cao siêu thâm thúy và thiết thực hiện tại nên giáo lý Phật đi đến đâu liền hòa nhịp một cách êm ái, nhanh chóng, trải khắp, dung hòa cùng văn hóa quốc độ đó.

Đồng thời, trong lịch sử du nhập và mở rộng, phát triển Phật giáo Việt Nam hầu như chỉ nói đến hoạt động hoằng pháp của các Thiền sư. Họ chính là nguyên nhân thứ hai khiến Phật giáo khi vào Việt Nam có sự hỗn dung với các tín ngưỡng bản địa. Những Thiền sư là những người ngoài tinh thông cả Nho – Phật – Lão họ còn hiểu biết rất nhiều về các lĩnh vực chính trị, văn hóa và xã hội. Họ còn là những người thấy chân lý cuộc đời, thể nhập vào chân lý đó và chính là hiện thân của chân lý đó.

Họ đã mềm dẻo vận dụng giáo lý vào cuộc sống thường nhật, họ biết cách chuyển hóa triết lý Phật giáo có yếu tố cao siêu thâm thúy phối hợp cùng tinh thần thiết thực, hiện tại tạo thành các quan niệm phổ biến dễ thực hành, len lỏi vào trong quần chúng nhân dân như từ bi, bình đẳng, bác ái, luân hồi nghiệp báo, nhân quả, vô thường, nhân duyên, Phật tại tâm, niệm Phật công đức, niệm Phật thành Phật… những tư tưởng, triết lý và pháp môn tu của Phật giáo nhanh chóng bám rễ sâu chặt vào làng xã, hòa điệu cùng các tín ngưỡng bản địa một cách êm thấm, không phát sinh sự chống đối của tín ngưỡng dân gian, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa người Việt.

Phần nguyên nhân thứ ba chính là bản chất hay tính cách của con người Việt “tính dân tộc” vốn rất nhiệt tình, vui vẻ, hoạt bát, ham học hỏi, ưa tiếp thu cái mới cái lạ, sáng tạo trong ứng dụng và đặc biệt là tư duy con người Việt là “lưỡng phân lưỡng cực” nên khả năng tiếp thu và tiếp biến, thu nạp mọi thứ rất nhanh rất nhạy. Họ không bị thế lực bên ngoài đồng hóa mà ngược lại, họ đồng hóa những yếu tố ngoại lai tiến vào địa bàn của họ mà lịch sử Việt với tổng cộng hơn ngàn năm bị đô hộ bởi nhiều thế lực từ Đông sang Tây nhưng bản sắc văn hóa dân tộc Việt vẫn “như như bất biến” nếu không nói là “Việt hóa”, là minh chứng hùng hồn cho nhận định này.

Phật giáo khi vào nước ta cũng vậy, đã nhanh chóng trở thành Phật giáo Việt Nam chứ không còn là hoàn toàn Phật giáo Ấn Độ hay Phật giáo Trung Hoa… Và minh chứng sống động cho những nguyên nhân trên chính là sự hỗn dung văn hóa với các hình thức tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ trời đất, thờ thần làng, thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng hỗn dung Đạo giáo và Nho giáo… dẫn chứng như sau:

Đối với sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng sùng bái tự nhiên: Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, Phật giáo bén rễ ngay với tín ngưỡng qua các câu chuyện về Sư Khâu Đà La (tu sĩ Phật giáo) và Man Nương (bà vãi làm công quả trong chùa), sau khi thân cây nở ra Thạch Quang Phật (Phật giáo, Văn hóa Ấn Độ, đá là yếu tố “âm”) nhân dân đã chế tác thân cây thành bốn pho tượng gỗ (Tứ Pháp) là Bà Pháp Vân, Bà Pháp Vũ, Bà Pháp Lôi, Bà Pháp Điện (tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của nhân dân bản địa)… Sự hòa điệu này chính là sự phù hợp của yếu tố ngoại lai khi tiến vào lòng dân Việt, phù hợp hiện thực cuộc sống của cư dân nông nghiệp lúa nước. Họ yêu chuộng hòa bình, trọng yên tĩnh, trọng âm và hướng nội.

Đối với sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu: Như phần trên trình bày, các pho tượng được tạc ra tượng trưng cho các yếu tố tự nhiên như mây mưa sấm chớp nhưng dưới hình dạng là người nữ (bà), và qua các thiết trí thờ tự ở nhiều chùa, trong chùa ngoài thờ Phật họ còn thờ cả các mẫu (như Mẫu Liễu Hạnh, Thiên Yana, Chúa Ngọc, các cô). Đến như Bồ tát Quan Thế Âm tên nguyên bản tiếng Phạn của vị Bồ tát này là Avalokiteśvara, tên tiếng Hán 觀世音菩薩 được phiên dịch từ tên tiếng Phạn – Avalokiteśvara Bodhisattva.

Bồ tát này thường được mô tả dưới nhiều dạng thân nam hay nữ như đến Việt Nam vị Bồ tát này chỉ còn được biết đến phổ biến với thân người nữ là Bồ tát Quan Âm hay mẹ Quan Âm. Qua đây chúng ta thấy tín ngưỡng thờ mẫu, tôn sùng hình tượng nữ với sự mềm mại, yêu thương, từ bi, rộng lượng… rất phổ biến ở nước ta và Phật giáo cũng đã có sự hòa đồng vào đó làm phong phú thêm hệ thống tín ngưỡng của người dân Việt.

Đối với sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ trời đất: Sự hỗn dung này thể hiện ở hình ảnh người dân Việt vì sùng bái tín ngưỡng tự nhiên nên thường tổ chức các lễ cúng trời đất (thiên, địa) và trong mỗi lần làm lễ thờ cúng, câu đầu tiên của nhân dân thường niệm là “Nam mô A Di Đà Phật” sau đó là các nghi thức cúng bái. Ngoài ra, có khá nhiều chùa ở miền Bắc và miền Nam có thờ bàn thổ địa trong chùa, đây chính là một vài ví dụ cho sự dung hợp trên.

Đối với sự hỗn dung giữa Phật giáo với thờ thần làng: Hiện tượng này thể hiện ở hình thức là trong nhiều ngôi chùa ở Việt Nam, thờ cúng các vị có công đối với đất nước hay vùng đất họ sinh sống. Ngược lại, trong nhiều nơi thờ tự thuộc làng xã có thờ các vị tu hành đức hạnh có công lao lớn, có pháp thuật trừ tà trị bệnh giúp dân vùng đó.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Qua Trinh Phat Trien Tu Tin Nguong Den Ton Giao Dan Than 1

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

Đối với sự hỗn dung giữa Phật giáo với thờ cúng tổ tiên: Người Việt tin rằng linh hồn con người không hẳn là bất diệt, nhưng có thể tồn tại một thời gian khá lâu sau khi con người chết đi và có thể ở quanh người thân thích để che chở bảo vệ họ. Từ đó hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Tín ngưỡng này làm họ cảm thấy gần gũi khi tiếp xúc với thuyết Luân hồi của đạo Phật, từ đó mà dễ tiếp nhận thuyết Nhân quả và Nghiệp báo. Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt đã ảnh hưởng đến việc thờ các vị tổ sư tiền bối trong các chùa.

Ngoài ra, về sau này người giới tín đồ còn có nhu cầu đưa hương linh tổ tiên của họ vào ký tự (ký gởi trong chùa) để hương linh được sống ở nơi thanh tịnh, thoát bụi trần và ngày ngày nghe kinh nghe kệ để sớm siêu thoát… các hình thức này tạo ra sự song song hỗn dung văn hóa giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Đối với sự hỗn dung giữa Phật giáo với Đạo giáo và Nho giáo: Trong thời đại Phật giáo du nhập vào nước ta thì người Giao Chỉ chưa hẳn là những tín đồ trung kiên của Nho giáo hay Khổng giáo nên sự thâm nhâp của Phật giáo không gặp sự cản trở có ý thức. Ngược lại, người Việt khi tiếp thu ba tư tưởng này đã biết tận dụng có chọn lọc tinh hoa và hỗn dung tín ngưỡng.

Sự phối hợp giữa ba tôn giáo, ba triết thuyết này rất phổ biến nên có thể gọi là “tam giáo đồng nguyên”, “Nho – Phật – Lão tịnh hành”, “Cư Nho mộ Thích”, “Lão Tử hóa Hồ kinh”. Trong nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ, văn học, kiến trúc, nghệ thuật, hội họa, âm nhạc, đạo đức, tâm tư tình cảm… nếu chúng ta quan sát thì xưa nay đều không nhiều thì ít ba triết thuyết này luôn đồng hành cùng nhau trong sinh hoạt của người dân Việt. Ví dụ trong nhiều chùa các Sư thường thông tường cả Nho – Phật – Lão nên họ dùng chữ Hán để viết Kinh Phật, họ đôi khi có thần thông và các phép thuật để chữa bệnh cho dân, biết trước được số mạng của con người và vận nước…

Sự hòa hợp giữa tín ngưỡng bản địa có sẵn với những sinh hoạt văn hóa, giáo lý cơ bản của Phật giáo đã hình thành nên một loại tín ngưỡng Phật giáo bình dân trong giai đoạn ban đầu khi Phật giáo được truyền vào nước ta và từng bước ảnh hưởng đến hệ tư tưởng của người Việt. Qua các nguyên nhân dẫn đến sự hỗn dung văn hóa này chúng ta thấy mỗi nguyên nhân đều có giá trị và đóng góp riêng của nó. Không có nguyên nhân nào có thể tồn tại riêng lẻ độc tôn được mà phải là sự hòa hợp đồng điệu giữa nhiều yếu tố mới hình thành nên một đất nước có nét văn hóa đặc thù như nước ta ngày nay. Nhưng mọi hiện tượng mọi biến chuyển của thế giới này cơ bản đều lấy con người làm đối tượng, làm trung tâm, làm mục đích và cũng là cứu cánh…

Tạm kết

Nhờ đặc tính uyển chuyển, linh động, không chấp tín lý, kinh điển, không bổ báng phong tực tín ngưỡng của nền văn hóa khác, biết đề cao khía cạnh từ bi, hòa bình, cứu khổ độ nạn mà Phật giáo đã có thể vừa tránh những va chạm với tín ngưỡng văn hóa địa phương, tránh sự ngờ vực và đàn áp của chính quyền và phát triển sâu rộng vào quảng đại quần chúng. Trong giai đoạn đầu vào Việt Nam, Phật giáo đã đến với người dân Việt bằng hành động lợi tha hơn là bằng những bài giảng, bằng lời nói dân gian nhưng phù hợp với đạo lý hơn là bằng kinh điển, nghĩa là đã đi vào con tim hơn là khối óc của người dân Việt. Nhờ vậy mà Phật giáo đã có thể trở thành Phật giáo Việt Nam, biến thành một sức mạnh tâm linh, một hứng khởi, một nguồn cảm hứng bất tận và đồng thời là một an ủi cho dân Việt trong tiến trình dựng nước và giữ nước.

Phật giáo như thế, khởi hành từ thực tại khổ đau của cuộc đời, nhìn cuộc đời như cuộc đời đang là. Từ đây việc chỉ ra bộ mặt của khổ đau, việc ta đi tìm nguyên nhân của khổ đau, phương cách diệt tận khổ đau hay an lạc tối thượng đều có mặt ngay trong chính cuộc đời này. Phật giáo không liệt kê những khổ đau tưởng tượng, những nguyên nhân phi thực, bi quan yếm thế. Phật giáo phân tích tỷ mỉ và quan sát tường tận, sự quan sát này dẫn đến tri kiến chân chính thực tướng của vạn hữu.

Qua việc tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến sự hỗn dung văn hóa, chúng ta phần nào thấy được các mảnh ghép của các triết lý Phật giáo như quan niệm về Tâm thiện và Tâm bất thiện, sự Vô thường của vạn hữu, bản chất Vô ngã của vạn pháp, lý Nhân quả – luân hồi của tất cả các giai tầng đẳng cấp hay giống loài, các Nghiệp báo khác nhau của mỗi chúng sinh… tuy không hoàn thiện hết được vùng trời đầy trí huệ mà Đức Thế Tôn để lại nhưng chúng ta có thể quan sát tiến trình văn hóa thời bấy giờ thông qua sự sát cánh và hòa điệu của Phật giáo làm phong phú thêm về cả nội dung và hình thức của nền văn hóa nước nhà.

Qua đây chúng ta càng nhận thấy rõ ràng, kể từ khi Phật giáo kết mối lương duyên với người dân Việt thì trong hầu hết biến cố lớn của lịch sử nước nhà chúng ta thấy không nhiều thì ít đều có bóng dáng của Thiền môn, của nguồn triết lý vô cùng vô tận của Phật giáo ăn sâu vào tư duy và cách sống của người dân Việt. Cho nên, chúng ta không ngạc nhiên gì khi thấy rằng gia tài văn hóa Việt Nam từ văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc… mang đậm dấu ấn thiền môn hoặc do những người liên hệ đến thiền môn sáng tạo nên nhuốm màu sắc triết lý Phật giáo. Vì vậy, nhiều nét văn hóa Việt có hơi hướng Phật giáo thì cũng là lẽ tất yếu mà thôi.

Tác giả: Quảng Giáo
NCS Ths Khóa II, Học viện PGVN tại Huế

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường